Ngay từ khi tôi còn thơ ấu, Ba vẫn thường kể câu chuyện về Kim Các Tự cho tôi nghe. Tôi ra đời trên một mũi biển hiu quạnh nhô ra ra biển Nhật Bản ở phía đông bắc Maizuru. Tuy nhiên, nguyên quán của Ba không ở đây mà ở Shiraku, miền ngoại ô phía đông thành phố Maizuru. Ba được thúc đẩy gia nhập giáo hội và trở nên tu sĩ trụ trì một ngôi chùa tên một mỏm đất xa xôi. Ba lập gia đình ở nơi này và sinh ra một đứa con trai, ấy chính là tôi vậy. Trong khắp miền lân cận ngôi chùa, trên mỏm đất Nariu, không hề có một trường trung học nào thích hợp cho tôi. Kết cục, tôi phải rời cha mẹ đến ngụ ở nhà chú tôi tại sinh quán của Ba ngày trước; trong thời gian sống ở nơi này, tôi theo trường trung học Đông Maizuru, cuốc bộ đi học cũng như lúc về nhà. Bầu trời nơi quê cũ của Ba rất trong sáng. Nhưng mỗi năm vào tháng mười một và mười hai ngay trong những ngày trên trời dường như không có lấy một cụm mây, mỗi ngày chúng tôi vẫn bị bốn năm trận mưa rào đột ngột đổ ụp xuống đầu. Tôi nghĩ là chính vì miền đất này mà tôi đã có cái tâm tính thực là hay thay đổi. Vào những chiều tháng Năm, sau khi đi học về, tôi thường ngồi trong phòng học trên tầng gác thứ nhì trong căn nhà chú tôi và mơ màng ngắm nhìn những vì ngọn đồi trước mặt. Ánh chiều tà lấp lánh trên các cành lá non bao phủ sườn đồi trông như giữa những cánh đồng người ta đã dựng lên một bức bình phong bằng hoàng kim óng ánh. Mỗi khi trông thấy cái này, tôi lại tưởng tượng đến hình ảnh Kim Các Tự. Mặc dù thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn thấy Kim Các Tự thật sự trong các tấm ảnh và các sách giáo khoa, song hình ảnh chế ngự tâm hồn tôi vẫn là hình ảnh Kim Các Tự theo lời Ba miêu tả. Ba chưa bao giờ kể cho tôi nghe là Kim Các Tự thật sự óng ánh hoàng kim hoặc có một vẻ gì na ná như thế; tuy vậy, theo Ba, trên khắp trái đất này chẳng có gì đẹp đẽ cho bằng Kim Các Tự hết. Vả lại, chính mặt chữ và chính âm vận của từ ngữ đã gán cho Kim Các Tự một vài tính chất hoang đường nào đó in sâu trong tâm khảm tôi. Khi nhìn ánh mặt trời, tôi cảm thấy chắc chắn đó là một ánh hoàng kim do ngôi chùa vô hình rọi đến. Hiệp lộ Yoshizaka, ranh giới giữa huyện Fukui và phủ Kyoto thực sự nằm ở hướng đối nghịch, tôi vẫn quen nhìn thấy Kim Các Tự hiện hình vụt lên bầu trời buổi sớm giữa những ánh triêu dương trong khi mặt trời lên sau những rặng đồi chập chùng ở phía đông. Như thế là Kim Các Tự hiển hiện ở khắp mọi nơi. Chừng nào mà tôi chưa được thực sự để mắt ngắm nhìn, Kim Các Tự vẫn còn giống như bể cả. Vì mặc dù vịnh Maizuru chỉ cách làng Shiraku nơi tôi cư ngụ có ba dặm rưỡi về phía Tây, những ngọn đồi vẫn chặn lấp không cho người ta nhìn thấy nước bể; tuy vậy trong không khí luôn luôn phảng phất một thứ dự cảm về bể cả; một đôi khi gặp thời tiết xấu, từng đàn chim hải âu bay xà xuống những cánh đồng kế cận để tìm chỗ ẩn náu. Tôi vốn yếu đuối và tôi vẫn luôn luôn bị những thằng bạn khác đánh bại trong những cuộc chạy đua hay là đánh thiết bổng. Ngoài ra, ngay từ khi lọt lòng tôi đã mắc tật nói lắp và cái tật này lại càng làm cho tôi có khuynh hướng khép kín không ưa giao tế hơn. Và ai nấy đều biết tôi là con một thầy tu ở chùa. Một vài thằng bé tai ác vẫn thường chế nhạo tôi bằng cách bắt chước một tu sĩ nói lắp trong khi ông ta đang khó nhọc mà lắp bắp từng câu kinh. Trong một quyển sách của chúng tôi có một câu truyện trong đó xuất hiện một nhà trinh thám nói lắp và mấy thằng kia thường đặc biệt cao giọng đọc những đoạn đó cho tôi nghe. Chẳng cần phải nói là tật nói lắp của tôi đã dựng một chướng ngại vật giữa tôi và ngoại giới. Tôi vẫn thường vấp váp khi phát ra âm thanh đầu tiên. Cái âm thanh đầu tiên này giống như một cái chìa khóa của cánh cửa ngăn cách thế giới nội tâm của tôi và thế giới và thế giới ngoại tại, và tôi chưa bao giờ được thấy cái chìa khóa này xoay vặn trơn tru trong ổ khóa. Phần lớn người đời nhờ tài nói năng trôi chẩy có thể giữ cho cánh cửa giữa thế giới bên trong và thế giới bên ngoài luôn mở rộng để cho không khí tự do qua lại giữa hai thế giới này, nhưng với tôi thì điều đó hoàn toàn không thể có được. Trên chìa khóa đã có một lớp rỉ sắt dầy đặc mất rồi. Khi một kẻ nói lắp vật lộn một cách tuyệt vọng để thốt ra được âm thanh đầu tiên, hắn ta thực giống như một con chim bé nhỏ đang cố gắng gỡ mình ra khỏi một vũng bùn dầy đặc. Cuối cùng khi nó xoay xỏa để tự giải thoát thì đã quá muộn mất rồi. Tất nhiên là có những lúc mà thực tế của thế giới bên ngoài dường như đã chờ đợi tôi, khoanh tay nơi nó đứng trong khi tôi đang cố gắng vật lộn để tự giải thoát. Nhưng cái thực tại đang đợi chờ tôi không phải là một thực tại tốt tươi. Khi mà cuối cùng sau biết bao cố gắng mới tới được thế giới bên ngoài tôi chỉ còn thấy một thực tại vừa mới tức thời thay đổi màu sắc và vượt ra ngoài tiêu điểm - một thực tại đã mất hết các màu sắc mới mẻ mà tôi coi là thích hợp với chính mình, và đến lúc đó đã bốc ra một mùi hôi hôi ung ủng. Như ai nấy có thể tưởng tượng dễ dàng, một thiếu niên như tôi sẽ đi tới chỗ ôm ấp hai hình thức tương phản về ước vọng quyền lực ý chí. Trong sử học, tôi thích thú những đoạn kể lại truyện các bạo quân. Tôi tự thấy mình như là một bạo chúa lầm lì nói lắp: những kẻ thị tòng của tôi sẽ dán mắt theo dõi từng sắc diện của tôi và sẽ sống cả ngày lẫn đêm trong hãi hùng run rẩy kinh sợ tôi. Không cần phải biện minh cho sự tàn ngược của tôi bằng những lời nói rõ ràng trơn tru. Chỉ riêng sự lầm lì ít nói của tôi cũng thừa đủ để biện minh tất cả mọi cung cách tàn ngược. Một mặt tôi thường thích thú tưởng tượng xem mình sẽ lần lượt trừng trị từng người một, gieo rắc hình phạt lên đầu các giáo sư và các bạn học vẫn hằng đày đọa tôi mỗi ngày làm sao, một mặt tôi lại tưởng tượng ra mình là một đại nghệ sĩ được trời phú cho một thị lực quang minh tột độ - một vị vương giả chân thực của thế giới nội tại. Dáng vẻ bên ngoài của tôi không ra gì, nhưng chính vì thế mà thế giới nội tại của tôi lại phong phú hơn của bất kỳ một ai khác. Với một thiếu niên phải chịu một cố tật không sao sửa chữa được như tôi, kết cục đi đến chỗ nghĩ rằng mình như là một con người được bí mật lựa chọn, há chẳng phải là một điều tự nhiên hay sao? Tôi cảm thấy như là ở một nơi nào đó trên cõi đời này có một sứ mệnh đang chờ đợi chờ tôi mà cho đến nay tôi vẫn chưa hề hay biết gì cả. Tâm trí tôi vẫn còn ghi nhớ mãi một biến cố suốt từ lúc đó đến nay. Trường trung học Đông Maizuru có những bãi đất rộng rãi chung quanh có những ngọn đồi thực là ngoạn mục và những tòa nhà sáng sủa tân kỳ. Vào một ngày trong tháng năm, một cựu học sinh đã tốt nghiệp ở trường chúng tôi ngày trước bây giờ là sinh viên trong Hải Quân Cơ Khí Học Hiệu tại Maizuru được nghỉ lễ một ngày và trở về thăm lại trường cũ. Anh ta có nước da xạm nắng thật là quyến rũ và cái mũi thực là to lớn mạnh mẽ nhô ra từ dưới cái mũ lưỡi trai mà anh ta kéo sụp xuống tận mắt; từ đầu tới chân anh ta thật là một trang anh hùng hoàn toàn. Bấy giờ anh ta đứng lại kể cho các đàn em nghe cuộc sống khắc khổ trong hiện tại của anh ta với tất cả những quy luật nhà binh khe khắt. Tuy nhiên, mặc dù dụng tâm miêu tả một cuộc đời đầy những gian khổ, anh ta vẫn nói với một giọng như thể là anh ta đang kể cho chúng tôi nghe những truyện về một cuộc đời xa hoa cực độ. Mỗi cử chỉ của anh ta đều đầy vẻ ngạo mạn kiêu căng, nhưng dù còn ít tuổi, anh ta cũng thấy cần phải làm dáng khiêm nhượng. Khung ngực anh ta trong bộ đồng phục có viền hoa ưỡn ra như là khung ngực của một hình người nơi mũi tàu khi con tầu đang rẽ sóng lướt gió trên mặt biển. Anh ta lúc đó đang ngồi trên một bậc đá thoai thoải chạy xuống sân chơi nhà trường. Chung quanh anh ta một nhóm học sinh xúm xít hăm hở lắng nghe từng lời anh ta nói, và trong những thửa vườn trên dốc đồi, những bông hoa tháng Năm đang nở rộ - nào hoa mã lan, hoa thượng uyển đầu, nào hoa dã trượng nhân, hoa sồ bạch cúc; và trên đầu họ rủ buông những nụ hoa mộc lan trắng đang nở tưng bừng. Cả người nói lẫn những người nghe đều bất động như những pho tượng kỷ niệm. Tôi không ngồi riêng một mình trên sân đất cách xa họ một vài thước. Tôi vẫn có cái cung cách như thế. Đó là cung cách của tôi đối với những bông hoa tháng Năm và đối với với bộ đồng phục đầy kiêu hãnh cùng những chuỗi cười trong trẻo vang vang của họ. Lúc này anh chàng hùng trẻ tuổi lại quan tâm đến tôi hơn là đến những kẻ sùng bái anh ta. Chỉ có riêng tôi là không có vẻ cúi mình trước cái oai phong của anh chàng và điều đó làm cho anh chàng thấy lòng tự ái bị xúc phạm. Anh ta hỏi những thằng khác xem tên tôi là gì. “Hầy, Mizoguchi!” Anh ta gọi to; đó là lần thứ nhất anh ta để mắt nhìn tới tôi. Tôi trừng trừng nhìn lại anh ta, không nói lấy một lời. Trong cái nụ cười mà lúc này anh ta hướng về phía tôi, tôi có thể khám phá một cái gì giống như sự hợm hĩnh phỉnh phờ của một người có quyền lực. “Tại sao chú mày không trả lời ta câu nào vậy? Câm đấy ư?” “Tơ… tô… tôi nói lắp,” một trong những thằng ngưỡng mộ anh ta thay tôi mà trả lời và tất cả bọn đều phá ra cười ha hả. Cái tiếng cười chế nhạo này làm tôi lóa mắt làm sao! Đối với tôi, có một cái gì rực rỡ - rực rỡ như ánh sáng phản chiếu từ các chòm lá cây - trong cái tiếng cười vang vang ác độc của lũ bạn học vốn là cái đặc điểm của những thiếu niên cùng lớp tuổi chúng nó. “Sao, chú mày nói lắp ư? Tại sao không vào Hải Quân Cơ Khí Học Hiệu? Họ sẽ dùng roi quất cho chú mày hết hẳn nói lắp chỉ trong một ngày thôi!” Tôi không biết mình xoay xỏa ra sao nhưng tức thời vọt miệng trả lời được một câu rõ ràng. Những lời nói trôi chẩy tuôn ra chẳng hề do ý chí của tôi lấy một mảy may. “Tôi sẽ chẳng vào trường ấy. Tôi sắp trở thành tu sĩ”. Tất cả mọi người đều im lặng. Anh chàng anh hùng trẻ tuổi cúi đầu, nhặt một cọng cỏ và đưa lên miệng. “Vậy thì,” anh ta nói, “một năm nào đó, đến lúc nằm xuống mồ, tôi sẽ cho anh một việc gì đó để mà làm.” Cuộc chiến Thái Bình Dương đã thực sự bùng nổ. Vào lúc này chắc chắn là tôi đã trải qua kinh nghiệm của một sự tự giác nào đó - ý thức rằng tôi sẽ giơ cả hai tay đứng đợi chờ trong một thế giới đen tối. Rằng một ngày nào đó những bông hoa tháng Năm, những bộ đồng phục, những thằng bạn học xấu tính nết của tôi, tất cả sẽ tìm đến những bàn tay giang ra của tôi. Chợt có ý thức là chính tôi đương nắm chặt thế giới, đang ép nó xuống tận dưới đáy… Nhưng một ý thức như vậy thì quá nặng nề để có thể trở nên một nguồn kiêu hãnh cho một thiếu niên như tôi. Niềm kiêu hãnh phải là một cái gì nhẹ nhàng hơn, tươi vui hơn, sáng sủa hơn, rực rỡ hơn. Tôi muốn một cái gì đó có thể thấy được. Tôi muốn niềm kiêu hãnh của mình phải là một cái gì mà tất cả mọi người đều có thể trông thấy được. Chẳng hạn như thanh đoản kiếm mà hắn đeo lủng lẳng ngang lưng đúng là một vật như thế. Cái loại kiếm này mà tất cả học sinh trung học đều trầm trồ ca ngợi ngắm nghía thực là một đồ trang sức đẹp đẽ. Người ta bảo các sinh viên trong Hải Quân Học Viện vẫn thường lén lút dùng các thanh kiếm của mình để vót nhọn bút chì. Tôi nghĩ thực là thanh lịch biết bao khi dùng một biểu tượng trang nghiêm như thế vào những việc tầm thường đại loại như vậy. Chàng thanh niên lúc đó đã cởi bỏ bộ đồng phục Cơ Khí Học Hiệu ra và đem treo lên cái hàng rào sắt sơn mà trắng. Cái quần dài và áo sơ mi trắng treo ngay đó gần sát tất cả những bông hoa - phải, đúng là chúng tỏa ra mùi mồ hôi lấm tấm trên làn da của anh chàng thanh niên ấy. Một con ong lầm lẫn hạ cánh đậu trên cái áo chen hoa trắng tinh chói rạng. Cái mũ lưỡi trai có viền thêu vàng óng nằm trên một phần bờ rào; thực là nghiêm chỉnh y như là trên đầu người đội, kéo sụp xuống tận mắt. Chủ nhân của nó được một thằng đàn em mời ra thử sức và đã đi đến đài đấu vật ở phía sau để tỉ thí một keo. Nhìn vào những đồ vật mà anh ta đã để ra một chỗ, tôi có ấn tượng là đang nhìn một thứ mộ phần danh dự. Những bông hoa xum xuê của tháng Năm càng làm tăng cảm giác này. Cái mũ phản ánh sắc đen huyền của vành lưỡi trai, và thanh kiếm cùng cái thắt lưng da treo ngay bên cạnh, tất cả đều đã tách rời khỏi thân mình anh ta ra một vẻ đặc biệt trữ tình. Chính tự chúng cũng hoàn toàn như là ký ức của tôi về chàng sinh viên ấy - thật vậy, đối với tôi chúng trông giống như những di vật của một trang thanh niên anh hùng sau khi đã lên đường ra trận. Tôi để ý canh chừng chắc chắn là không có ai quanh quẩn gần đó. Tôi nghe thấy tiếng hoan hô từ phía bãi đấu vật vọng lại. Tôi móc từ trong túi quần ra một con dao díp mà tôi vẫn dùng để gọt bút chì; rồi tôi leo lên hàng rào và khắc lên bao kiếm đẹp đẽ màu đen nhiều vết dao nham nhở… Nghe tôi kể truyện như thế thiên hạ có thể vội vàng phán đoán là tôi phải có cơ chất của một thanh niên thi sĩ. Nhưng cho đến ngày hôm nay, chẳng những tôi chưa hề viết một bài thơ nào mà còn chưa viết ngay cả một đoạn nhật ký trên cuốn sổ tay nữa. Tôi không hề cảm thấy một thôi thúc đặc biệt nào muốn vượt qua người khác bằng cách vun bồi năng lực nào mới để nhờ đó có thể bù đắp lại những điểm mà tôi thua kém hẳn thiên hạ. Nói cách khác, tôi quá ngạo mạn để có thể rở thành một nghệ sĩ. Ước mơ muốn trở thành một bạo quân hay một đại nghệ sĩ của tôi không bao giờ vượt quá giai đoạn của một mộng mơ, và tôi chẳng hề thấy có một mảy may ước muốn thực hiện một cái gì bằng cách thực sự mó tay vào công việc. Vì rằng việc không được người khác hiểu mình đã trở nên nguồn gốc kiêu hãnh duy nhất và thực sự của tôi, nên tôi không bao giờ cảm thấy một xung động muốn biểu hiện các sự vật và làm cho người khác hiểu được một điều gì mà tôi biết rõ. Tôi nghĩ những điều mà kẻ khác có thể nhìn thấy thì không phải những điều được số mệnh dành riêng cho tôi. Sự cô độc của tôi ngày càng béo phì ra giống hệt một con lợn. Đột nhiên tôi hồi tưởng tới một bi kịch xẩy ra trong làng tôi. Mặc dù không ai tưởng tượng là tôi thực sự có một chút liên hệ nào với biến cố này, đến bây giờ tôi vẫn còn không làm sao gạt được cảm giác rõ rệt là mình có tham gia vào biến cố đó. Qua biến cố này đột nhiên tôi thấy mình đối diện với tất cả mọi sự. Với cuộc đời, với thú vui xác thịt, với lường gạt phản trắc, với thù hận và tình yêu - phải, với tất cả những sự có thể có trên đời. Và ký ức của tôi vẫn ưa phủ nhận cái yếu tố sùng cao trong tất cả những sự vật này. Có một thiếu nữ xinh đẹp sống trong căn nhà cách nhà chú tôi hai căn. Tên nàng là Uiko. Mắt nàng to và trong sáng. Có lẽ gia đình nàng giầu có nên nàng có thái độ kiêu kỳ. Mặc dù thiên hạ có thói quen đề cao cô nàng, người ta không thể tưởng tượng cô nàng nghĩ gì khi chỉ có một mình. Có lẽ Uiko hãy còn là một trinh nữ, nhưng những mụ đàn bà ghen tị vẫn thường nhỏ to tán gẫu với nhau về nàng và bảo rằng nàng có cái tướng vẻ của một thạch nữ chẳng sinh đẻ gì được. Ngay sau khi tốt nghiệp trường Nữ Trung Học, Uiko trở nên một nữ khán hộ tình nguyện tại Y Viện Hải Quân Maizuru. Y viện gần nhà nên nàng có thể đi làm bằng xe đạp. Nàng phải có mặt ở sở vào sáng sớm tinh sương, nên phải ra đi từ lúc trời còn mờ sáng, khoảng chừng hai giờ trước khi tôi đi học. Một tối, tôi nằm đắm mình trong những tư tưởng mịt mù, nghĩ đến thân hình Uiko. Đêm đó tôi ngủ không yên và khi trời còn tối, tôi lén ra khỏi giường xỏ chân vào đôi giầy tập thể dục và mò ra ngoài bóng tối của một bình minh mùa hạ. Đêm đó chẳng phải là đêm đầu tiên mà tôi tự họa ra cho mình hình ảnh của thân hình Uiko. Có một cái gì thỉnh thoảng len lỏi qua tâm trí tôi dần dần kết hợp vào hình ảnh đó. Thân mình Uiko dường như là một sự kết tụ những ý nghĩ của tôi, chìm đắm trong một bóng tối mịt mù, vừa trắng trẻo mà vừa mềm mại, cuối cùng kết tụ lại thành hình thịt da ngọt ngào hương thơm. Tôi thường hay nghĩ tới sự nồng ấm mà những ngón tay tôi sẽ cảm thấy khi sờ vào làn da thịt này. Tôi cũng nghĩ tới cảm giác mềm mại dẻo dai dưới đầu ngón tay và làn hương thơm có lẽ giống như hương thơm của phấn hoa vậy. Tôi chạy thẳng theo con đường còn tối mịt mù. Những cục đá không làm cho tôi chệch choạng bước chân và màn tối mở rộng trên con đường trước mặt. Tôi tới một nơi mà con đường mở rộng sau khi chờ đợi. Tôi đã chạy hết hơi tới đây, nhưng bây giờ đã nghỉ ngơi dưới bóng cây cử; chính tôi cũng không biết mình định làm gì nữa. Tuy nhiên, tôi đã biết sống cách biệt thế giới bên ngoài quá nhiều và do đó đã ôm ấp ảo tưởng rằng một khi nhẩy vọt ra thế giới bên ngoài, việc gì cũng trở nên dễ dàng, việc gì cũng có thể làm được. Mấy con muỗi xúm nhau lại đốt hai chân tôi. Tôi nghe thấy tiếng gà gáy ở nơi này nơi nọ. Tôi nhìn lên con đường. Tôi thấy ở phía xa một cái gì trăng trắng và mịt mờ. Tôi nghĩ đó là màu sắc bình minh, nhưng thực ra đó là Uiko. Nàng đang đạp xe. Đèn xe bật sáng. Chiếc xe đạp lặng lẽ lướt trên mặt đường. Tôi rời gốc cây cử lao đầu chạy ra đứng ngay trước mũi xe. Chiếc xe nghiêng ngả mãi mới cấp tốc dừng lại được. Và rồi tôi cảm thấy mình hóa đá. Ý chí của tôi, dục vọng của tôi - tất cả đều biến thành đá hết. Thế giới bên ngoài đã mất hết tương quan với thế giới bên trong của tôi, và một lần nữa, lại bao vây lấy tôi và khc này sử dụng làm tu đạo viện dành cho đệ tử Bản Nguyện tự của phái Otani. Vào đời Thế thường tông chủ thứ mười lăm của Bản Nguyện tự có một môn đồ tên Soken Takagi trú quán tại Naniwa đã đem lòng hỉ xả đóng góp nhiều công của. Người ta đã đến ở trên miếng đất hiện tại nơi khu Lạc Bắc Ô Hoàn Đầu phía bắc kinh đô rồi xây dựng lại đại học này. Toàn thể khu đất chỉ có bốn mươi nghìn thước vuông, như vậy kể ra không phải là rộng lớn đối với một đại học. Tuy nhiên, chính tại đây rất nhiều thanh niên, không những chỉ thuộc phái Otani mà còn từ mọi tông phái Phật giáo, đã nghiên cứu học hỏi và được huấn luyện về căn bản triết lý Phật giáo. Một cái cổng gạch cũ kỹ ngăn khu đại học với đường phố và đường xe điện bên ngoài. Cổng nầy quay về hướng tây trông lên núi Bỉ Duệ. Có một xa đạo trải cát vàng chạy từ cổng lớn vào trong. Đi vào cổng ngoài có một đường cho xe chạy qua cái cổng lớn xe ngựa có thể đi lọt tới ba tòa nhà chính - một kiến trúc hai tầng có mái đỏ cổ lỗ và trầm uất. Trên nóc huyền quan một ngọn tháp bằng đồng xanh dựng đứng thật là hấp dẫn trông không ra một cái tháp chuông mà cũng chẳng ra một ngọn tháp đồng hồ; dưới cây cột thu lôi mảnh mai, một cửa sổ vô dụng hình vuông cắt gọn hẳn một khoảng trời xanh. Gần huyền quan có một cây bồ đề lâu đời, cao vút có các tùm lá trang nghiêm óng ánh dưới mặt trời tựa như đồng đỏ. Ban đầu nhà trường chỉ gồm có tòa nhà chính. Sau dần dần xây cất rộng thêm ra nhiều phần chắp nối lại với nhau chẳng theo một trật tự nào cả. Phần lớn là một tòa kiến trúc bằng gỗ, cổ kính. Không ai được phép đi giầy vào bên trong. Tòa nhà có nhiều cánh ăn thông với nhau bằng những hành lang dài như vô tận lát bằng giống tre vì lâu đời nên đã bắt đầu ọp ẹp. Thỉnh thoảng những bộ phận gãy rập đã được sửa sang; vì đó khi đi từ cánh này sang cánh kia người ta như bước lên một khảm gỗ đen bóng gồm đủ mầu đậm nhạt, vì cứ sau một khoảng sàn sắc gỗ cực kỳ lâu đời lại có một khoảng sàn gỗ sắc rất là tươi mới. Cũng giống như người mới vào học bất kỳ một trường mới nào, tuy mỗi ngày đều có cảm giác mới mẻ, thích thú, tôi vẫn thấy trong sự vật có một cái gì lang bang, mờ mịt. Chỉ quen biết có một mình Tsurukawa nên tôi chỉ có thể trò chuyện với một mình nó mà thôi. Tuy nhiên, vài ngày sau tôi thấy rằng nếu cứ tiếp tục chỉ có hai đứa với nhau thì thực chẳng bõ cái công phu khó nhọc ngoi đầu lên góp mặt với thế giới mới mẻ này. Hiển nhiên là Tsurukawa cũng cảm thấy như thế, vì vậy bắt đầu từ vài hôm sau đó chúng tôi định tâm là trong giờ nghỉ học, mỗi đứa phải đi một đường và cố gắng khai thác những tình bạn mới. Thế nhưng, vì cái tật nói lắp, tôi không được bạo dạn như Tsurukawa cho nên trong khi nó càng ngày càng có thêm bạn bè thì riêng tôi càng ngày càng cô độc. Trong năm học Dự Bị có cả thảy mười môn: Tu thân, Quốc ngữ, Hán văn, Hoa văn, Anh ngữ, Lịch sử, Phật điển, Luận lý, Số học và Thể thao. Ngay từ những ngày giảng nghĩa đầu tiên về luận lý, tôi định tâm mon men làm quen một thằng sinh viên để hỏi đôi ba điều. Từ ít lâu nay tôi hy vọng trở thành bạn thân với thằng này. Thằng sinh viên này luôn luôn ngồi riêng một mình và đem hộp đồ ăn ra cạnh những luống hoa ở vườn đàng sau. Tập quán này của nó giống như một loại nghi thức. Chẳng đứa nào muốn lại gần thằng này, nhất là vì có một cái vẻ vô cùng yếm thế trong cái lối nhìn hết sức vô cùng chán chường vào món ăn của nó. Về phần nó, nó không bao giờ hé miệng chuyện trò với bất cứ thằng bạn học nào và có vẻ như nhất định không thèm nghĩ đến cái việc kết thân với bất kỳ ai. Tôi biết tên nó là Kashiwagi. Nét đặc biệt của nó là hai chân hết sức cong queo quặp hẳn vào bên trong. Nó đi đứng vô cùng cẩn thận y như luôn luôn cất bước trong bùn: sau khi xoay xỏa rút một chân khỏi bùn nó mới cắm chân kia xuống. Vào những lúc dó toàn thân nó nhảy nhót, múa may, bước chân đi giống hệt như một lối dẫm chân trong vũ điệu hoàn toàn xa lạ với cuộc sống thường nhật. Cố nhiên là ngay từ ngày đầu tiên mới bước chân vào đại học tôi đã phải để ý đến Kashiwagi. Tôi thấy an tâm trước sự tàn tật của nó. Ngay từ đầu cặp chân cong queo của nó đã có nghĩa là đồng ý với điều kiện của chính thân tôi. Kashiwagi đã mở hộp đồ ăn trưa trên một khoảng đất đầy kim hoa thảo ở vườn sau. Vườn này nằm sát cạnh một tòa nhà hoang phế, trong đó có nhiều phòng chúng tôi tập võ karaté hoặc đánh bóng bàn nữa; các khung cửa sổ chẳng còn lấy một miếng kính che. Trong vườn có năm sáu cây tùng khẳng khiu và mấy cái khung nhỏ bằng gỗ lửng lơ trên mấy cái giường ngủ trẻ con rỗng không. Nước sơn trên mấy cái khung đã tróc trông khô queo như những bông hoa nhân tạo. Bên cạnh vài ba cái giường ngủ trẻ con trống không là một cái bệ với mấy cái giá ngang dùng làm chỗ xếp mấy chậu lan lùn tịt; gần đó là một đống ngói và sỏi, còn có cả một luống ngọc trâm hoa và một luống dạ hương lan nữa. Ngồi trên kim hoa thảo thật thú vị. Những chiếc lá non mềm hút lấy ánh sáng mặt đám kim hoa thảo có đầy những hình ảnh nho nhỏ khiến cho tất cả lối đi như đang nhẹ nhàng bồng bềnh trên mặt đất. Trong lúc ngồi đó Kashiwagi trông chẳng khác gì những sinh viên kia: chỉ khi đi lại mới thấy khác. Khuôn mặt xanh xao của nó có một vẻ đẹp cứng cỏi mạnh mẽ. Về phương diện thể xác, nó là một đứa trẻ tàn tật; tuy nhiên khuôn mặt nó vẫn có vẻ đẹp lạ lùng giống như vẻ đẹp của một người đàn bà duyên dáng. Những người què quặt và những người đàn bà xinh đẹp thường không thích bị người ta ngắm nhìn mình mãi, họ chán ngấy cái cuộc đời cứ bị thiên hạ dòm ngó mãi mãi không thôi, họ có cảm tưởng bị vây hãm và họ đáp lại ánh sáng của thiên hạ bằng chính cuộc sống của mình. Kẻ nào nhìn là kẻ ấy thắng. Kashiwagi đang nhìn xuống khi ăn cơm trưa; tuy nhiên, tôi cảm thấy đôi mắt nó đang nhìn soi mói tất cả thế giới xung quanh. Nó có vẻ tự mãn trong lúc ngồi đó dưới ánh sáng chói chan. Đó là ấn tượng đã thu hút tôi mạnh mẽ. Chỉ cần nhìn nó ngồi giữa đám hoa dưới ánh sáng trời xuân là tôi có thể nói ngay rằng nó không hề cảm thấy chút thẹn thùng hoặc chút tội lỗi giấu giếm nào như tôi vẫn thường thấy. Nó là một cái hình bóng có chủ trương, hoặc hơn thế nữa, nó chính là hình bóng của chính hiện hữu. Chắc chắn ánh sáng mặt trời chẳng bao giờ có thể xuyên vào các lớp da cứng cáp của nó được. Món ăn mà nó đang dốc một lòng ngồi ăn với một vẻ chán chường cho đến thế xem ra có vẻ thực tồi tệ. Tuy nhiên, cũng chẳng tồi tệ cho bằng bữa ăn tôi vẫn thường tự dọn cho mình mỗi sáng bằng những đồ ăn thừa trong bữa điển tọa buổi sớm trong chùa. Lúc đó và năm Chiêu Hòa thứ 22 (1947) trừ khi tìm mua được thực phẩm ở ngoài chợ đen, người ta không thể nào ăn uống đầy đủ được. Tôi đứng bên cạnh Kashiwagi hai tay cầm quyển vở và cái hộp đựng bữa thức ăn trưa. Bóng tôi hắt xuống che lấp món ăn làm Kashiwagi ngửng mặt lên nhìn. Nó tiếp tục nhấm nhót đều đều giống hệt con tằm nhai lá dâu vậy. “Xin lỗi,” tôi lắp bắp kinh khủng, “tôi muốn hỏi anh một vài điểm trong bài giảng hôm nay, tôi chưa hiểu rõ cho lắm.” Tôi nói bằng giọng tiêu chuẩn Tokyo, vì tôi quyết định, sau khi vào đại học, không dùng thổ ngữ Kyoto nữa. “Tôi chẳng hiểu anh đang nói cái quái gì cả,” Kashiwagi nói. “Tôi chỉ nghe thấy toàn một chuỗi lắp bắp.” Tôi cảm thấy mặt mình đỏ ửng lên. Le lưỡi liếm đầu đũa. Kashiwagi tiếp tục: “Tôi hiểu rõ tại sao anh lại bắt chuyện với tôi, Mizoguchi ạ - đó là tên anh phải không? Được, nếu đằng ấy nghĩ chúng mình cần trở thành bè bạn chỉ bởi vì hai thằng ta đều tật nguyền thì tớ chẳng thèm để ý làm gì. Nhưng so với sự bất hạnh của tớ, cậu có cho là cái tật nói lắp của cậu thực sự to truyện đến như thế hay không? Cậu để ý nhiều đến bản thân mình có phải không? Do đó, cậu đã làm to truyện quá về cái tật nói lắp cũng như về chính bản thân mình.” Về sau, khi khám phá ra rằng Kashiwagi xuất thân từ một gia đình Thiền phái cũng thuộc tông Lâm tế, tôi nhận thấy trong những câu vấn đáp đầu tiên này nó có ít nhiều dáng vẻ đặc biệt của tăng sĩ Thiền phái; tuy nhiên, tôi chẳng thể phủ nhận cái ấn tượng mảnh liệt mà nhận xét của nó đã gây ra trong con người tôi vào lúc ấy. “Nói lắp!” nó nói. “Cứ nói lắp bừa đi!” Tôi lắng nghe rất đỗi ngạc nhiên đối với cái cách tỏ bày lý thú của nó. “Ít nhất cậu đã gặp một đứa để yên tâm tha hồ mà nói lắp. Có phải thế không nào? người đời đều như thế cả, cậu ạ. Con người thảy đều muốn tìm kiếm người đồng hội đồng thuyền. Mà này, cậu có còn là trai tân không vậy? Tôi gật đầu mà chẳng hề mỉm cười. Kashiwagi đặt câu hỏi theo lối một bác sĩ khiến tôi cảm thấy chẳng nên nói dối làm gì. “Ừ, tớ cũng nghĩ thế,”nó nói. “ Vậy ra cậu hãy còn đồng trinh. Nhưng cậu không phải là một đồng trinh xinh đẹp. Quanh cậu chẳng có cái cóc gì là đẹp đẽ hết. Cậu không thành công với bọn con gái và cậu đâu có gan giao thiệp với gái làng chơi. Tất cả vấn đề chỉ có vậy. Nhưng nếu cậu nghĩ khi bắt chuyện với tớ là cậu sắp sửa kết thân với một thằng đồng trinh khác thì cậu lầm bét. Cậu có thích nghe câu truyện tớ đã mất tân ra làm sao không? Chẳng đợi cho tôi trả lời, Kashiwagi nói tiếp liền. “Tớ là con trai một tu sĩ Thiền phái ở Samnomiya và ngay khi ra đời tớ đã bị tật nguyền ở chân rồi. khi cậu nghe thấy tớ kể lể như thế này, chắc cậu lại tưởng tượng tớ là một thằng ốm yếu đáng thương nào đó chẳng cần biết là mình đang nói chuyện với ai miễn là có người để dốc bầu tâm sự về chính mình. Này, tớ không phải là thằng như thế đâu nhá. Tớ chẳng hề nói chuyện như thế này với bất kỳ ai đâu. Nói ra tớ cũng thấy khỉ khỉ thế nào ấy, nhưng sự thực là ngay từ đầu tớ đã nhắm chọn cậu để cho cậu nghe câu truyện của tớ. Thấy không, tớ loáng thoáng cảm thấy rằng khi biết tớ đã làm những gì thì cậu sẽ học được nhiều cái hay hơn bất kỳ ai khác. Tốt nhất là cậu nên làm y hệt như tớ. Như cậu thừa rõ, đó là cái cách những nhà tôn giáo đã đánh hơi tìm kiếm tín đồ và đó là cái cách những tay không uống rượu đã đánh hơi tìm những người đồng hội. “Ấy đấy, tớ vẫn thường xấu hổ về những điều kiện sinh sống của mình. tớ nghĩ rằng hòa giải bản thân mình với những điều kiện ấy, sống ôn hòa với những điều kiện ấy tức là tiêu biểu cho sự thất bại. Nếu tớ muốn oán hận thì tất nhiên chẳng thiếu gì lý do. Đáng lẽ cha mẹ tớ đã phải lo liệu nhờ nhà thủ thuật uốn nắn lại đôi chân cho tớ ngay khi tớ còn nhỏ xíu. Bây giờ thì muộn quá mất rồi. Tuy nhiên, tớ hoàn toàn đếch có quan tâm gì đến cha mẹ và ý tưởng oán hận cha mẹ làm tớ khó chịu lắm. “Tớ vẫn thường tin rằng đàn bà con gái chẳng bao giờ có thể yêu tớ được. Cậu thừa hiểu, tin tưởng như thế lại làm cho mình dễ chịu hơn và an vui hơn là người ta có thể tưởng tượng. Hiển nhiên là không nhất thiết phải có mâu thuẫn nào giữa sự tin chắc này với việc tớ không chịu hòa giải với những điều kiện sống của tớ. Cậu thấy đấy, nếu như tớ đã tin tưởng rằng đàn bà con gái có thể yêu mình như tớ nghĩ, thế nghĩa là, trong những điều kiện sinh sống của mình, rồi đến giới hạn mà tớ có thể tin tưởng được, có lẽ tớ sẽ hòa giải với những điều kiện ấy. Tớ nhận thấy rằng hai loại can đảm - cái can đảm phán đoán thực tại chính xác, và cái can đảm chiến đấu chống lại sự phán đoán ấy - có thể thuận hợp vói nhau rất dễ dàng. Chẳng cần nhúc nhích, tớ cũng có thể có được những cảm tưởng là mình đang chiến đấu. “Vì tớ như thế, nên dĩ nhiên là tớ sẽ chẳng thể mất tân với gái làng chơi như nhiều thằng bạn tớ. Đương nhiên, điều ngăn cản tớ ấy là việc chị em ta không ăn nằm với khách buôn hoa vì thương yêu họ. Đối với các ả thì ai cũng là khách cả, nào những ông già lọm khọm, nào những tên ăn mày, nào những thằng chột mắt, nào những chàng trai bảnh bao - ngay cả những thằng hủi. Sự tiếp đãi bình đẳng này sẽ khiến đa số người đời an tâm; họ sẽ vui vẻ tiến tới mà mua cho kỳ được những người đàn bà đầu tiên họ gặp. Nhưng riêng tớ, tớ cóc có khoái sự bình đẳng này. Cứ nghĩ một người đàn bà lại tiếp đón người đàn ông hoàn toàn bình thường và một người nào giống như tớ trên căn bản bình đẳng là tớ không thể chịu nổi. Đối với tớ thế thật giống một sự tự mình khinh nhờn rất đáng ghê sợ. Cậu thấy đấy, tớ lo sợ là nếu người đời bỏ qua hoặc không thấy tình trạng tật nguyền của tớ, chỉ hiểu theo nghĩa đặc biệt mà thôi, thì tớ sẽ không tồn tại nữa. Đó cũng là mối sợ hãi đang chất nặng trong lòng cậu vào lúc này có phải vậy không? điều kiện cho tớ được người đời hoàn toàn công nhận và chấp nhận thì mọi việc cần phải được thu xếp sao cho thừa thãi, xa xỉ hơn gấp bội người khác. Tớ nghĩ dù cho có xẩy ra điều gì đi nữa thì đó cũng là cái lề lối mà cuộc đời phải dành ra cho tớ. “Hẳn rằng khắc phục cái cảm giác bất mãn kinh khủng của tớ - bất mãn ở chỗ thế giới và tớ đã bị đặt vào một trạng thái đối lập - có lẽ cũng không phải là điều không thể làm được. Kể cũng có thể làm được nếu thay đổi chính tớ hoặc thế giới. Nhưng tớ lại ghét mộng tưởng đến những đổi thay như vậy. Tớ ghê tởm những giấc mơ dớ dẫn thuộc loại này. Sau khi đã nghĩ rất nhiều, tớ đi đến sự tin tưởng chắc chắn rất phù hợp lý luận là nếu thế giới thay đổi, tớ sẽ không tồn tại nữa. Kể cũng nghịch thường lắm, kết luận này tiêu biểu cho một thứ hòa giải, một thứ dung hòa. Cậu ạ, nói trắng ra thế giới có thể sống chung với cái ý nghĩ giống như tớ thấy là tớ chẳng bao giờ có thể được ai yêu. Và sau cùng một người tật nguyền sẽ rơi vào cái bẫy không ở chỗ người ấy giải tiêu cái trạng thái đối lập giữa mình và thế giới, mà chính ở chỗ nó mang hình dáng chấp nhận hoàn toàn sự đối lập này. Đó là lý do khiến một người tật nguyền trở thành bất trị. “Ừ, chính vào cái tuổi thanh xuân của tớ - tớ dùng những chữ này sau khi cân nhắc kỹ càng - một điều hết sức khó tin đã xẩy ra cho tớ. Có một người con gái xinh đẹp nổi tiếng con một đàn gia giầu có thuộc chùa nhà tớ, đã tốt nghiệp trường nữ trung học Kobe, bất ngờ một hôm thổ lộ cho tớ hay rằng nàng yêu tớ. Thoạt nghe tớ không thể tin chính đôi tai mình nữa. Vì sự bất hạnh của mình, tớ là tay thành thạo đo lường tâm lý người khác. Vì thế, tớ đã không ngốc nghếch gạt bỏ tất cả câu truyện, như nhiều người thường làm, bằng cách nghĩ rằng nàng yêu tớ hoàn toàn chỉ do đồng tình với tớ. Tớ đã biết rất rõ rằng không một người con gái nào lại yêu tớ chỉ vì đồng tình với tớ. Bởi thế, tớ đoán nguyên nhân khiến nàng yêu tớ chỉ là tấm lòng tự tôn rất khác thường của nàng. Thiếu nữ này ý thức rõ rệt, sắc đẹp và giá trị của mình, song nàng không thể chấp nhận bất kỳ một kẻ nào mong được thương yêu mà lại tỏ ra có lòng tự tin. Nàng nhất định chẳng chịu để người ta bắc cân bắc lạng đem sánh lòng tự tôn của mình với tính hợm hĩnh của một chàng trai tự tin nào đó mong được thương yêu. Nàng may mắn có rất nhiều mối lương duyên nhưng những mối ấy càng hay bao nhiêu thì nàng lại càng ghét bấy nhiêu. Rốt cuộc, nàng khăng khăng cự tuyết bất kỳ mối tình nào có vẻ dính dáng đến sự bằng vai phải lứa - và rồi để tớ lọt vào mắt xanh. “Tớ đã biết sẵn phải trả với nàng như thế nào. Cậu có thể cười tớ, nhưng tớ chỉ cộc lốc bảo: ‘Tôi không yêu cô’ Liệu tớ còn có thể trả lời gì hơn? Câu trả lời này thành thực và hoàn toàn không có chút vờ vĩnh. Bởi lẽ, nếu như tớ đã quyết tâm không bỏ lỡ một cơ hội tốt và khi nàng tỏ tình nếu như tớ đáp lại rằng: ‘ Anh cũng yêu em’ thì sẽ lố bịch hết chỗ nói, gần như là có vẻ bi thảm nữa. Những thằng con trai trông có dáng hoạt kê như tớ thường có tài tránh né khéo léo để khỏi tỏ ra bi thảm vì lầm lẫn. Tớ biết chắc chắn rằng một khi tớ bắt đầu lộ vẻ bi thảm thì người đời sẽ không còn cảm thấy an lòng trong khi tiếp xúc với tớ nữa. Đối với tâm hồn kẻ khác, điều trọng yếu đặc biệt là không bao giờ tớ tự tỏ ra là một con người tàn phế đáng thương hết. Đó là lý do tại sao tớ dứt khoát cự tuyệt: ‘Tôi không yêu cô!’ “Cô bé chẳng hề lùi bước vì câu trả lời của tớ. Chẳng một phút trù trừ, nàng bảo ngay là tớ nói dối. Thật là một cảnh sống động khi nhìn nàng giở đủ mọi trò để cố gắng thuyết phục tớ trong khi vẫn dụng tâm để khỏi làm thương tổn lòng tự tôn của tớ. Cô bé không thể tưởng tượng rằng trên đời này có một thằng con trai lại có thể không yêu mình khi hắn có cơ hội. Nếu thực có một thằng như thế, ắt là nó chỉ có thể tự lừa dối chính nó mà thôi. Và thế là nàng tiếp tục phân tích tỉ mĩ, rồi rút cuộc đi đến kết luận là thực ra tớ đã đem lòng yêu nàng từ trước. Nàng là một thiếu nữ thông minh. Cho rằng đã thực sự yêu tớ, nàng hẳn phải nhận ra là nàng đang yêu một người hết sức khó mà ai vói tới. Hầu như bất kỳ điều gì nàng nói cũng sai bét cả. Nếu nàng bảo rằng tớ có một bộ mặt xinh trai trong khi thực ra tớ làm gì có được, hẳn là nàng sẽ làm tớ nổi giận. Nếu nàng bảo đôi chân què của tớ đẹp mắt dễ coi thì càng làm tớ nổi giận hơn nữa. Và nếu nàng làm cái điều không yêu tớ vì ngoại mạo mà vì nội tâm có lẽ nàng sẽ làm tớ nổi giận thực sự. Tuy nhiên, nàng đã khám phá thấy một cảm tình đối ứng bên trong con người tớ, cảm tình ấy đối với sự thương yêu của nàng. “Tớ không hề chấp nhận điều bất hợp lý này. Đồng thời, tớ lại đâm ra thèm muốn cô bé dữ dội, tuy nhiên, tớ không nghĩ rằng cái dục vọng ấy sẽ đem cô bé lại gần tớ. Tớ chợt nhĩ nếu nàng thực lòng yêu tớ và không yêu một người nào khác tất là tớ hẳn phải có một vài đặc điểm cá biệt nào làm cho tớ khác hẳn những người khác. Như vậy còn là cái gì ngoại trừ đôi chân què của tớ. Bây giờ, theo như chỗ suy nghĩ riêng tư của tớ, điều này thật hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nếu đặc điểm cá biệt của tớ không thực sự ở đôi chân què thì có lẽ tình yêu này có thể chấp nhận được. Song le, nếu tớ phải công nhận đặc điểm cá biệt của mình - lý do tồn tại của tớ - như là nằm ở chỗ nào đó ngoài cặp chân tàn tật thì điều này chỉ là một thứ công nhận bổ túc mà thôi. Như vậy, tất nhiên tớ sẽ đi tới chỗ công nhận lý lẽ tồn tại của người khác cũng theo cái lối bổ túc này, và rồi sẽ tới chỗ tớ công nhận luôn một cái ngã nằm gọn lọn bên trong thế giới. Vậy thì không thể có tình yêu được. Điều nàng nghĩ là nàng yêu tớ chẳng qua chỉ là một cảm giác sai lầm; và tớ không thể làm sao yêu nàng được. Do đó, tớ cứ tiếp tục lặp lại: Tôi không yêu cô.’ “Kể cũng kỳ lạ, tớ càng bảo tớ không yêu nàng thì nàng lại càng đắm chìm trong cảm giác sai lầm là nàng yêu tớ. Và rút cuộc, một tối, chẳng lý luận gì nữa nàng đem thân tới trước mặt tớ. Nàng hiến dâng thân mình cho tớ; tớ có thể nói đó làm một thân mình cực kỳ đẹp đẽ. Thế nhưng khi cần hành sự, tớ lại cóc làm được gì được. “Sự thất bại khủng khiếp này của tớ khiến cho câu truyện được giải quyết một cách dễ dàng. Thấy lời tớ nói ‘tôi không yêu cô’ đã được chứng minh, nàng bỏ tớ đi luôn. “Tớ lấy làm xấu hổ vì sự bất lực của mình, tuy nhiên, so sánh với sự xấu hổ vì đôi chân tàn tật thì chẳng có gì đáng nói. Điều thực sự làm tớ khốn đốn là cái gì khác hẳn cơ. Tớ hiểu lý do đã làm tớ bất lực. Đó là ý nghĩ đôi chân tật nguyền của tớ áp vào đôi chân trần trụi xinh đẹp của nàng trong lúc hành sự. Và bây giờ sự phát giác này hoàn toàn tiêu hủy sự yên bình bên trong tớ đã từng làm tớ tin chắc rằng tớ chẳng bao giờ được một người đàn bà yêu. “Vào lúc ấy, cậu ạ, tớ cảm thấy một niềm vui không thành thật khi nghĩ rằng do dục vọng của mình - do ý muốn chạy theo dục vọng của mình - tớ đã chứng thực được tính bất khả của tình yêu. Nhưng da thịt tớ đã phản bội lại tớ. Điều tớ muốn làm bằng tinh thần mình thì da thịt tớ đã làm thay mất rồi. Và do đó tớ bị đặt trước một mâu thuẫn khác. Nói một cách có vẻ hơi phàm tục, từ trước đến giờ tớ đã mơ tưởng đến tình yêu trong tin tưởng sắt đá rằng tớ không thể được ai yêu, nhưng chung cuộc tớ đã đem dục vọng thay thế cho ái tình, và rồi cảm thấy an lòng. Nhưng kết cục tớ đã hiểu rằng dục vọng tự nó cũng đòi hỏi phải được thỏa mãn, tớ đã phải quên đi những điều kiện sinh sống của mình và phải từ bỏ cái đã tọa nên trở ngại duy nhất dẫn tới tình yêu đối với tớ nghĩa là điều tin tưởng rằng tớ sẽ không được ai yêu. Tớ đã luôn luôn nghĩ tới dục vọng như làm một cái gì sáng sủa rõ ràng hơn chính bộ mặt thực của nó, song tớ đã không nhận thấy rằng dục vọng đòi hỏi người ta phải nhìn thấy chính mình theo một lối mờ mờ ảo ảo như trong mộng vậy. “Từ đó trở đi, tớ lại quan tâm tới nhục thể nhiều hơn tinh thần tớ. Tuy nhiên, tớ không thể trở thành một sự hóa thân của dục vọng thuần túy. Tớ chỉ có thể mơ tưởng về điều đó. Tớ hóa ra như luồng gió. Tớ trở thành một vật mà những người khác không thể nhìn thấy, nhưng tự nó nhìn thấy mọi vật, nó nhẹ nhàng tiến lại gần đối tượng, âu yếm vỗ về toàn thân và rồi sau hết thẩm nhập vào phần sâu kín nhất bên trong đối tượng. Nếu tớ có nói đến sự tự giác về nhục thể, tớ mong rằng cậu sẽ tưởng tượng ra một sự tự giác có liên quan tới một vật có chất lượng đục ngầu, vững chắc nào đó. Nhưng tớ không giống cái đó. Đối với tớ, ý thức chính mình như một nhục thể duy nhất có nghĩa là tớ lại trở thành trong suốt, vô hình, nói khác đi, giống như một làn gió. “Nhưng đôi chân què quặt của tớ luôn luôn tự tỏ ra là một chướng ngại vật to lớn. Riêng chúng chẳng bao giờ có thể trở thành trong suốt. Dường như chúng không giống chân người cho bằng một cặp tinh thần ngoan cố. Chúng là thế đấy - nhưng đối tượng còn chắc chắn hơn cả chính nhục thể của tớ. “Có nhẽ người đời nghĩ rằng họ không thể nhìn thấy chính mình trừ phi có tấm gương. Nhưng đã là một đứa tàn tật thì luôn luôn có một tấm gương ngay trước mũi rồi. Toàn thân tớ phản ảnh một tấm gương ấy trong từng giờ từng phút. Chẳng làm sao có thể quên được. Kết quả là cái mà thế gian cho là bất an thì đối với tớ chỉ là thứ trò chơi trẻ con. Trong trường hợp của tớ, chẳng làm gì có sự bất an. Bảo rằng tớ hiện hữu trong hình thức này là một sự kiện rõ rệt, rõ rệt như sự hiện hữu của mặt trời, như trái đất hoặc những con chim xinh đẹp và những con cá sấu xấu xa. Thế giới im lìm như một tấm mộ bia vậy. “Chẳng có chút bất an cũng chẳng hề có chút vững bước - đó là phương cách sinh hoạt độc sáng của tớ. Tớ sống để làm cái quái gì? Nghĩ đến chuyện ấy, người đời sẽ cảm thấy khó chịu và còn tự sát nữa. Những điều đó cóc có làm tớ bực bội, thắc mắc chút nào. Có được đôi chân què quặt - đó là điều kiện, đó là lý do, mục đích, lý tưởng của cuộc sống; đó là chính cuộc sống vậy. Chỉ nguyên một việc sinh ra trên đời, sống ở trên đời, cũng đã làm tớ thỏa mãn. Trước tiên, có phải cái cảm giác khó chịu đối với sự hiện hữu của chính mình sự bắt nguồn từ một thứ xa xỉ cho là mình không thể sống được một cách trọn vẹn? “Tớ bắt đầu để ý một quả phụ già sống một mình cùng một thôn với tớ. Người ta bảo bà ấy sáu mươi tuổi, hoặc theo vài người còn già hơn thế nữa. Ngày giỗ bố bà ta tớ được mời tới nhà tụng kinh thay cho bố tớ. Không một người thân thích nào của bà ta tới dự lễ, và chỉ có người đàn bà già ấy và tớ trước bàn thờ thôi. Khi tớ tụng kinh xong bà ta mời tớ sang phòng riêng uống trà. Vì hôm đó là một ngày hè nóng bức, tớ mới hỏi bà ta liệu có nước cho tớ tắm một cái hay không. Tớ cởi quần áo ra và người đàn bà lấy nước lạnh dội lên lưng tớ. Tớ để ý bà ta nhìn chăm chăm vào đôi chân tớ với con mắt có thiện cảm, tức thì trong lòng tờ nẩy ra một kế hoạch. “Tắm rửa xong xuôi tớ trở lại căn phòng chỗ ban nẫy hai người đã ngồi. Trong khi lau mình cho khô, tớ lên giọng thịnh trọng trang nghiêm mà nói với bà ta rằng khi sinh ra tớ má tớ đã nằm mộng thấy đức Phật hiện lên phán rằng khi đứa trẻ này khôn lớn, người đàn bà nào thành tâm tôn thờ đôi chân nó thì khi nhắm mắt sẽ được vãng sinh cực lạc. Trong khi tớ nói, quả phụ già nua ngoan đạo tay cầm tràng hạt mắt chăm chăm nhìn vào mắt tớ. Tớ nằm ngữa trần truồng ngay đơ như một xác chết; hai tay chắp lên ngực nắm chặt chuỗi tràng hạt và tớ khe khẻ lẫm nhẩm bài kinh bố láo. Hai mắt tớ nhắm nghiền, đôi môi tớ tiếp tục lẩm nhẩm đọc kinh. “Cậu có thể tưởng tượng tớ muốn phá ra cười đến mức độ nào. Tớ buồn cười đến vỡ bụng. Tớ chẳng hề có chút mộng tưởng nào về mình cả. Tớ biết rằng bà già ấy đang vừa đọc kinh vừa đắm mình trong sự sùng kinh đôi chân của tớ. Đầu óc tớ chỉ loáng thoáng nghĩ đến hai cái chân và tớ thấy khoái trá vô kể trong cái tình trạng nực cười này. Đôi chân què quặt. Đôi chân què quặt - đó là những gì tớ đang nghĩ, đó là những gì tớ có thể nhìn thấy trong đầu óc mình. Cái hình thù kỳ quái của đôi chân. Cái trạng huống vô cùng xấu xa tớ đã bị đặt vào. Cái trò cười man dại trạng huống ấy tạo nên! Buồn cười hơn nữa là mấy lần khấu đầu làm lễ, mớ tóc buông thả của bà ấy quệt vào gót chân tớ làm tớ buồn buồn đếch có thể chịu được. “Thì ra trước đó tớ đã lầm to vì những dục vọng kể từ cái lần tớ chạm vào đôi chân đẹp đẽ của cô gái ấy và trở nên bất lực. Bởi vì trong suốt buổi lễ ác ôn này, tớ nhận thấy tớ bị kích thích không sao chịu nổi. Đúng thế, tớ không hề có chút mộng tưởng về con người tớ một tí nào cả! Đúng thế, ở trạng huống tàn tệ quá đổi này! “Tớ nhỏm dậy và bất thần đè ngữa bà già ấy ra. Tớ cũng không kịp nghĩ đến điều lạ lùng là bà ta chẳng tỏ vẻ kinh ngạc mấy trước hành động của tớ. Người quả phụ già nua ấy nằm tại chỗ tớ đã đẩy bà ta ngã lăn ra, hai mắt nhằm nghiền và miệng vẫn lầm dầm đọc kinh. Kể thực kỳ diệu, tớ liền nhớ ra rằng bài kinh bà ta đang tụng là ở chương nói về Lòng Đại Từ Bi: “Y-ê, y-ê, thất-na thất-na A-la sam. Phật la xá lị, phạt sa phạt sam. Phật la xá lị.” Cậu biết đoạn này đã được giải thích trong đoạn bình chú như thế nào không, dĩ nhiên là: ‘Trăm lậy Ngài, nghìn lậy Ngài vì bản thể thanh tịnh vô cấu hãy hủy diệt ba điều xấu - tham, sân, si’. “Trước mắt tớ, khuôn mặt một người đàn bà già sáu mươi tuổi - một khuôn mặt sạm nắng không chát phấn son - dường như đang chào mời tớ. Sự kích thích chẳng hề giảm bớt chút nào trong con người tớ. Điểm phi lý tối hậu của trò hề nằm ở chỗ đó, nhưng chẳng thể ngờ được chính tớ đang được điều phi lý đó xỏ mũi lôi đi. Hơn thế, không phải là tớ vô ý thức - tớ nhìn thấy rõ ràng tất cả. Đặc sắc nổi bật của địa ngục là nhìn thấy mọi thứ rõ rệt từng chân tơ kẻ tóc. Và lại nhìn thấy tất cả những cái ấy trong bóng tối đen ngòm! “Nét mặt nhăn nheo của bà già chẳng có gì là đẹp đẽ và chẳng có gì là thiêng liêng hết. Tuy thế, vẻ xấu xí và tuổi tác của bà già dường như luôn luôn xác định trong cái trạng thái nội tại ấy của tớ trong đó chẳng có mộng mơ gì hết. Ai dám nói nếu mình nhìn một mỹ nữ mà không mơ mộng, dù cho người ấy đẹp đến đâu đi nữa, thì nét mặt người đó cũng không bị biến dạng thành nét mặt của bà già này? Đôi chân què quặt của tớ và khuôn mặt này. Ừ, đúng thế đó. Ngắm nhìn thực tướng vẫn là tình trạng kích thích nhục thể của tớ. Bây giờ lần đầu tiên tớ đã có thể tin tưởng vào dục vọng của chính thể xác mình với một cảm tình thân ái. Và tớ nhận thấy rằng vấn đề không nằm ở chỗ cố gắng rút ngắn khoảng cách này sao cho đối tượng vẫn còn là một đối tượng. “Kể ra nhìn đến thì cũng hay hay. Vào lúc ấy tớ phát minh ra lý luận về eroticism (1) của tớ xuất từ luận lý của thằng què quặt chủ trương rằng trong khi đứng ỳ một chỗ đồng thời nó cũng đã đi tới rồi - từ cái luận lý chủ trương rằng nó không bao giờ bị khó chịu cả. Tớ khám ra cái điều giả vờ giả tảng ẩn trong cái mà người đời gọi là cái say đắm. Nhục dục thật giống như một luồng gió hoặc một tấm áo phù thủy nào đó để che dấu người mặc bên trong. Và sự kết hợp phát sinh từ dục vọng như thế thì không khác gì hơn trong giấc mộng. Đồng thời trong khi đang đắm chìm, chính tớ cũng trở thành đối tượng đang bị ngắm thật kỹ lưỡng. Lúc ấy và tại đó tớ tung hê khỏi thế giới của mình cả cặp chân tật nguyền lẫn những người con gái mình biết. Nhưng cái chân tật nguyền và những người đàn bà của tớ thảy đều đứng cách xa tớ. Thực tại nằm ở đó; dục vọng chỉ là bóng ma ẩn ẩn hiện hiện. Và trong khi ngắm nhìn, tớ thấy mình vấp ngã liên hồi vào bóng ma ấy và đồng thời đang bị bắn tung lên tận bề mặt của thực tại mà tớ đang ngắm nhìn. Đôi chân tật nguyền và những người đàn bà của tớ chẳng bao giờ gặp gỡ nhau; vậy mà cả hai sẽ bị tống khứ ra ngoài thế giới. Thèm khát liên tục chỗi dậy bên trong con người tớ. Bởi lẽ đôi chân tật nguyền của tớ và đôi chân xinh đẹp kia sẽ vĩnh viễn chẳng bao giờ va chạm nhau vào nhau. “Cậu có hiểu rõ điều tớ nói không? những lời tớ nói có cần nói rõ gì thêm? Tuy nhiên, tớ tin chắc cậu hiểu rằng sau lần này tớ có thể hoàn toàn an tâm tin rằng ‘Tình yêu là cái gì không thể có được.’ Không còn bất an, không còn tình yêu nữa. Thế giới đã tới một sự đình chỉ vĩnh cửu và đồng thời cũng đã đi tới. Liệu tớ có cần làm sáng tỏ điều này bằng câu ‘Thế giới của chúng ta?’ Như vậy chỉ trong một câu, tớ có thể định nghĩa cái mê vọng lớn lao liên hệ ới ‘tình yêu’ của thế gian này. Đó là nỗ lực móc nối thực tại với mê vọng ấy. Hiện tại tớ đã đi đến chỗ tin chắc rằng - tin chắc tớ không bao giờ được ai yêu hết - điều tin chắc của tớ tự nó là tình trạng căn bản của cuộc sống trên đời. Bởi thế đến đây cậu mới hiểu được từ đầu đến đuôi là tớ đã mất tân như thế nào? Kashiwagi ngừng kể. Từ nẫy đến giờ tôi đã nín thở lắng nghe nó. Thế rồi bây giờ tôi buộc ra một tiếng thở dài. Câu truyện của nó đã làm tôi xúc động mạnh mẽ và tôi không làm sao ngăn được cảm nghĩ đau xót là đã tiếp xúc với một lối suy tư từ trước đến giờ chưa bao giờ có tôi cả. Một vài phút sau khi Kashiwagi đã dứt lời, mặt trời ngày Xuân bừng dậy quanh tôi, bụi cây xa trục thảo sáng rực bắt đầu óng ánh. Tiếng reo hò từ sân chơi bóng rổ đằng sau tòa nhà lại bắt đầu vang lên. Tuy nhiên, mặc dù vẫn là buổi trưa ấy, vẫn là ngày Xuân ấy, ý vị của tất cả những cái này dường như đã thay đổi hoàn toàn. Tôi không thể ngồi im lặng. Tôi muốn phụ họa theo. Để bổ sung cho những lời nó nói. Tôi lắp bắp một câu nhận xét vụng về: “Từ đó đến nay chắc hẳn là cậu cô đơn lắm nhỉ.” Một lần nữa Kashiwagi lại chơi ác giả vờ không hiểu tôi và bảo tôi nhắc tại điều tôi đã nói một lần nữa. Tuy nhiên, trong câu trả lời nó đã để thoáng lộ đôi chút thân thiện. “Cậu bảo tớ cô độc ấy à? Tại sao tớ lại cô độc nhỉ? Rồi cậu sẽ dần dần thấy từ đó về sau tớ đã tìm cách phụ hợp ra làm sao một khi cậu hiểu tớ.” Chuông reo báo hiệu giờ giảng bài học buổi chiều. Tôi sắp sửa đứng dậy thì Kashiwagi, lúc đó hãy còn đang ngồi trên cỏ, nắm ngay lấy tay áo tôi mà kéo thực mạnh. Bộ đồng phục sinh viên đại học của tôi cũng vẫn là bộ tôi đã dùng trước kia ở Thiền môn học viện đem sửa lại. Chỉ có những cái khuy là mới mà thôi; vải áo đã vá chằng chịt và lợt chỉ hết cả rồi. Ngoài ra, nó lại quá chật và làm cho cái thân hình gầy guộc của tôi đã nhỏ trông lại càng nhỏ hơn. “Bây giờ tới giờ Hán văn phải không? Chán chết được. Bỏ quách và tụi mình đi tản bộ một vòng chơi.” Nói rồi tôi đứng dậy. Thật là cả một cố gắng kinh khủng: thoạt tiên dường như nó tách rời toàn thân rồi sau đó mới đem ghép cả lại. Nhìn nó đứng dậy mà tôi nhớ đến con lạc đà có lần tôi đã nom thấy nhỏm mình đứng dậy trong cuốn phim chiếu bóng. Từ trước đến giờ tôi chưa lần nào bỏ học, nhưng lần này tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội nghe Kashiwagi kể chuyện. Chúng tôi cất bước đi về phía cổng chính. Sau khi hai đứa đã qua cổng chính, bất chợt tôi để ý đến cách cất bước thật kỳ cục, đặc biệt của Kashiwagi, và một tình cảm gần như bối rối, thẹn thùng đã xâm chiếm lòng tôi. Kỳ dị ở chỗ là cứ như thế tôi đã đồng lõa với tình cảm thông thường của thế gian và cảm thấy xấu hổ khi đi cùng với Kashiwagi. Chính Kashiwagi đã cho tôi biết tường tận ngọn ngành hang ổ về niềm hổ thẹn của tôi. Đồng thời cũng chính nó đã thôi thúc tôi tiến tới nhân sinh. Lời nói của nó đã uốn nắn, nung đúc toàn thể cái khía cạnh tủi hổ và tất cả những sự xấu xa trong lòng tôi thành một cái gì tươi mới. Cũng có lẽ chính vì thế mà trong khi hai đứa chúng tôi đi trên lối sỏi qua cổng chính, có mái ngói đỏ, ngọn núi Tỉ Duệ sừng sững đằng xa ngay trước mặt đang ẩn mình trong sương mờ dưới ánh mặt trời mùa Xuân trông như thể hôm nay mới hiện ra trước mắt tôi lần đầu. Và dường như nó tái hiện ở đó trước mắt tôi sau khi đã tìm lại những ý vị riêng biệt cũng như nếu nhiều sự vật quanh tôi giờ lại phục sinh ý vị của chúng sau một thời gian ngủ dài. Đỉnh núi Tỉ Duệ nhọn hoắt, nhưng chân đồi quanh núi lại trải rộng ra thật xa, giống y như dư âm một chủ đề âm nhạc nó đó còn ngân nga, dặt dìu trong không khí. Khi ngắm ngọn núi Tỉ Duệ phía bên kia dãy mái nhà thấp, tôi thấy chỉ có mép núi là nổi bật lên tươi sáng và trông như rất gần còn tất cả lòng núi chỗ đậm chỗ nhạt như là sắc xuân thì chìm sâu trong một màu xanh đậm. Ngoài cổng chính của đại học Otani có rất ít người đi lại và hầu như cũng chẳng có một cái xe hơi nào. Thỉnh thoảng người ta chỉ nghe thấy tiếng xe điện chạy leng keng trên đường sắt từ trước ga Kyoto tới trước bến xe điện. Phía trên kia đường phố là những cây trụ cổng cũ kỹ của đại học đối diện với cổng chính nơi chúng tôi đang đứng; một hàng cây ngân hạnh đầy lá non mùa Xuân chạy dài sang phía bên trái. “Mình dạo quanh các sân chơi một lát đi!” Kashiwagi nói. Tôi đi trước bước qua đường xe điện về phía bên kia dẫy phố. Kashiwagi nặng nề lệt bệt qua đường phố hầu như vắng tanh, toàn thân nó run rẩy vì những cử động mãnh liệt như một con tầu chạy qua một dòng nước chẩy điên cuồng. Sân đại học thật là rộng rãi. Ở phía xa nhiều tốp sinh viên, vì không có giờ học hoặc vì muốn trốn học, đang chơi bắt banh; gần hơn nữa năm sáu người đang tập chạy đường trường. Chiến tranh chỉ mới kết liễu chừng hai năm, nhưng các thanh niên một lần nữa lại đã tìm cách tiêu hao tinh thần của họ. Tôi nghĩ đến các món ăn nghèo nàn mà chúng tôi đã được ban phát ở trong chùa. Chúng tôi ngồi gần trên cái đu gỗ đã mục một nữa và lơ đễnh nhìn những sinh viên bạn học đang chạy về phía chúng tôi rồi chạy qua cái sân chơi hình bầu dục để tập dượt lối chạy đua đường trường. Việc trốn học như lần này cho tôi một cảm giác thích thú giống như cái áo sơ mi mới cọ sát vào thịt da vậy; ánh sáng xung quanh và làn gió mát nhẹ đã làm cho tôi thấy rõ cảm giác này mạnh hơn. Một nhóm người chạy đua đang từ từ tiến về phía chúng tôi; họ thở hổn hển. Vì đã mệt nhoài nên bước chân nện bành bạch; rồi họ chuyển về phía xa hất bụi tung lên từng đám. “Mấy thằng ngốc,” Kashiwagi nói. “Tụi nó vậy mà!” Lời nó nói không hề có một tí gì chua chát. “Trời đất ơi! Chúng nó diễn trò đó để làm gì vậy? Chúng nó bảo làm như vậy để cho thân mình được khang kiện, tớ nghĩ vậy. Nhưng liệu có lợi gì khi đem công khai cho mọi người xem sự khang kiện của mình như thế? Tụi nó biểu diễn thể thao ở khắp nơi phải không? Thực là một dấu hiệu cho chúng ta thấy đã tới mạt thế rồi. Cái cần phải công khai trưng bầy cho công chúng xem thì chưa bao giờ thấy trưng bầy cả. Cái mà ta thực sự cần công khai trưng bày cho công chúng biết thì lại chưa bao giờ thấy trưng bầy cho quần chúng thấy là - những vụ hành án tử hình! Tại sao chúng nó lại không công khai trình diễn án tử hình hở?” Kashiwagi ngừng một lúc rồi lại tiếp tục bằng một giọng mơ màng: “Mày nghĩ mà xem muốn giữ an ninh trật tự trong thời chiến tranh thì phải làm gì nếu không phải là công khai trình diễn cho dân chúng xem những cái chết bi thảm? Lý do khiến chúng nó ngừng những cuộc hành quyết công khai theo tin tao thu lượm được là vì chúng sợ cảnh đó sẽ làm lòng người thêm ham chém giết. Mẹ kiếp! Nếu mày muốn hỏi ý kiến thì tao bảo chúng nó là đồ ngu si một lũ! Những người đã dọn xác kẻ chết sau các cuộc không tập thảy đều có nét mặt khoái hoạt. Nhìn thấy con người buồn khổ, nhìn thấy con người máu me đầy mình và nghe thấy con người rên rỉ, hấp hối sẽ làm cho người ta trở nên khiêm hư. Cảnh đó làm cho lòng người tiêm tế, trắng trong, êm ả. Vào những lúc như thế, chúng ta quyết chẳng bao giờ trở nên tàn ngược hoặc khát máu. Không, chça Thiền phái, cả hai đều gia nhập hàng ngũ tăng sĩ. ngoài tất cả những cái đó, mãi về sau, tôi còn được sư phụ Dosen cho biết, trong một ngày mà ông vui vẻ trò chuyện với tôi, rằng ông và ba chẳng những đã cùng nhau chia xẻ những tháng ngày huấn luyện khắc khổ, trong một vài buổi tối, sau khi đã đến giờ đi ngủ, hai người còn cùng nhau leo tường ra ngoài và tìm mua vui thú nơi những cô gái bán phấn buôn hương nữa. Ba và tôi đã đi một vòng bái kiến Kim Các Tự rồi trở lại huyền quan của ngôi chánh điện. Người ta dẫn dắt chúng tôi đi xuống một hành lang rộng dài và chỉ lối đi vào phòng viện chủ, nằm trong Đại Thư Viện, nhìn xuống hoa viên có cây lục chu tùng lừng tiếng. Tôi ngồi đó thẳng người cứng nhắc trong bộ đồng phục học sinh, nhưng ba lúc đó lại có vẻ dễ chịu bất ngờ. Mặc dù Ba và Viện chủ đã cùng xuất thân từ một Thiền đường, song về ngoại diện, thực khó lòng mà hai người lại có thể khác biệt nhau hơn. Ba thì quéo quắt vì bệnh tật, trông nghèo nàn, làn da có vẻ khô khan, trắng bệch. Hòa thượng Dosen, trái lại, trông giống như một cái bánh ngọt hồng đào. Trên chiếc kỷ của ông chồng chất những gói hàng chưa mở, tạp chí, sách vở, thư từ từ nhiều nơi trong nước gởi tới và có vẻ như biểu hiện sự trù phú của ngôi thần điện. Ông đưa những ngón tay tròn trặn múp míp nhặt cái kéo và khéo mở tung một trong cái gói đồ. “Đó là cái bánh ngọt từ Đông Kinh gửi đến,” ông giải thích. “Trong lúc này ít khi anh thấy được một cái bánh như thế. Người ta cho tôi hay họ không còn phân phát loại bánh này cho các cửa hiệu nữa mà đem nạp hết cho quân đội hay công sở.” Chúng tôi uống thứ trà Nhật Bản thực ngon và ăn một cái bánh ngọt Tây Phương mà từ trước đến giờ tôi chưa hề được nếm mùi bao giờ. Tôi càng thấy căng thẳng bao nhiêu thì những mẫu bánh vụn càng rơi trên cái quần nỉ đen bóng của tôi nhiều bấy nhiêu. Ba và Viện chủ đang tỏ bầy sự bất bình phẫn nộ về việc giới quân đội và quan liêu chỉ kính trọng những Thần Xã và coi rẽ những ngôi chùa Phật giáo - thực ra không những chỉ coi nhẹ mà còn thực sự áp chế nữa; rồi hai người thảo luận về phương cách quản trị hay nhất cho các ngôi chùa trong tương lai. Viện chủ là một người mập mạp. Dĩ nhiên, khuôn mặt ông có những nếp nhăn, song mỗi nếp nhăn có vẽ như đã được lau đi hết sạch. Khuôn mặt ông tròn trặn, nhưng ông ta có cái mũi dài khiến người ta có cảm tưởng là nhựa cây chảy ra kết đặc lại ở đó. Tuy nét mặt ông có dáng vẻ khá dễ dãi, song hình dáng cái đầu cạo nhẵn - dường như là nơi tập trung tất cả tinh lực của ông - lại có dáng vẻ dữ dằn của một con vật. Câu truyện của hai người tu sĩ xoay về những ngày họ cùng sống với nhau trong tăng đường. Tôi đang ngắm nhìn cây lục chu tùng trong hoa viên. Người ta uốn thấp các cành lá của một cây thông lớn và cuốn lại với nhau thành hình một con thuyền với những cành lá ở đằng mũi được nâng cao lên hơn ở các phần còn lại. Hiển nhiên là có một đoàn thể đã đến vãng cảnh ngay trước giờ đóng cửa vườn và tôi nghe thấy tiếng người ồn ào từ phía Kim Các Tự ở bên kia bờ đường vọng lại. Tiếng chân và tiếng nói của họ tan chìm trong làn không khí buổi chiều mùa xuân: tiếng động họ gây ra êm nhẹ và tròn trặn, chẳng hề có dấu vết gì đặc sắc nhọn. Rồi thì bước chân họ lùi xa như làn sóng thủy triều, tôi thấy thật đúng là tiếng chân của chúng sinh băng qua trái đất này. Tôi ngước mắt nhìn con phượng hoàng trên nóc Kim Các Tự; nó đang thu hút tất cả ánh sáng tàn lụi của chiều hôm. “Anh ạ… cái thằng bé này.” Nghe thấy Ba nói, tôi quay lại nhìn. Trong căn phòng hầu như tối om, Ba đang sắp sửa đem phó thác cả tương lai tôi cho sư phụ Dosen. “Tôi nghĩ chẳng còn sống được bao lâu nữa,” Ba nói, “tôi muốn xin anh đến lúc ấy trông nom cho thằng bé này.” Mặc dù là một tu sĩ và quen an ủi người khác trong những dịp tương tự, thượng tọa Dosen không có một lời an ủi êm dịu nào trong dịp này, nhưng chỉ trả lời “Được lắm, tôi sẽ trông nom nó.” Điều làm tôi thực sự ngạc nhiên là sau đó hai người vui vẻ quay sang kể cho nhau nghe những giai thoại về cái chết của những tu sĩ nổi tiếng. Một vị đã nói lúc sắp qua đời “Ôi ta không muốn chết.” Một vị khác kết thúc cuộc đời mình bằng chính những lời của Goethe: “Cho thêm ánh sáng.” Lại còn một tu sĩ lừng danh nữa vẫn còn tự mình xem xét lại tiền quĩ của chùa cho đến lúc nhắm mắt lìa đời. Người ta mời chúng tôi ăn cơm tối, mà người theo đạo Phật gọi là “dược thạch” và sắp đặt để chúng tôi ngủ lại đêm đó ở trong chùa. Sau bữa cơm, tôi Ba đi ngắm Kim Các Tự một lần nữa. Vì mặt trăng lưng trời đã ló dạng. Ba bị kích động quá nhiều vì cuộc tái ngộ với vị viện chủ sau bao nhiêu năm xa cách nên hết sức mệt mỏi, nhưng khi nghe tôi nói đến Kim Các Tự ông liền ra ngay, dựa mình trên vai tôi mà thở hổn hển. Mặt trăng mọc lên sau riềm núi Fudo. Ánh trăng chiếu rọi phía sau Kim Các Tự. Ngôi chùa hình như đã xếp hình ảnh tối om phức tạp của mình lai và lặng lẽ chìm xuống; chỉ còn những khung cửa hoa đầu song trên Cứu Cánh đính là để cho bóng trăng êm ả len vào. Tầng Cứu Cánh đính không có tường riêng, và vì thế có vẻ là ánh trăng mờ nhạt đã chọn nơi này làm chỗ cư ngụ. Từ phía đảo Ashiwara có tiếng chim đêm vọng lại trong khi chúng bay về phía xa. Tôi thấy rõ sức nặng những bàn tay quắt quéo của Ba tỳ trên vai mình. Khi liếc nhìn lên vai, tôi thấy dưới ánh trăng một bộ xương bàn tay trắng hếu. Sau khi tôi trở về Yasuoka, Kim Các Tự đã làm tôi thất vọng biết bao nhiêu khi nhìn thấy lần đầu, đến lúc này lại gợi lại vẻ đẹp của nó trong lòng tôi càng ngày càng sâu đậm hơn cho đến lúc trở thành một Kim Các Tự còn đẹp đẽ hơn là trước khi tôi được nhìn tận mắt nữa. Tôi không nói được vẻ đẹp đó nằm ở chỗ nào. Dường như những gì được nuôi dưỡng trong các cơn mộng tưởng của tôi một sớm đã trở thành thực sự và bây giờ lại có thể được dùng làm động lực thôi thúc các cơn mộng tưởng khác nữa. Bây giờ tôi không còn đeo đuổi cái huyễn ảnh của Kim Các Tự trong phong cảnh và trong các sự vật nữa. Dần dà Kim Các Tự càng ngày càng hiện diện trong tôi một cách sâu xa và vững chắc hơn trước. Mỗi một cây cột, một khung cảnh hoa đầu song, cái mái nhà, con chim phượng hoàng ở trên nóc đều bềnh bồng rõ rệt trước mắt tôi như là tôi có thể giơ tay sờ mó chúng được. Phần nhỏ bé nhất của ngôi chùa cũng hòa hợp hoàn toàn với toàn bộ kiến trúc phức tạp của nó. Giống hệt như là nghe một vài nốt nhạc và thấy toàn thể khúc nhạc tuôn trào qua tâm trí: bất kỳ bộ phận nào của Kim Các Tự mà tôi nhặt ra cũng làm cho toàn bộ kiến trúc vang âm trong con người của tôi cả. “Khi Ba bảo con rằng trên mặt đất này không có gì đẹp bằng Kim Các Tự thì quả thật là đúng.” Đó là lời lẽ trong lá thư đầu tiên tôi viết cho Ba. Sau khi đưa tôi trở lại nhà chú, Ba tức thời trở về chùa của ông trên mỏm đất xa xôi. Và như để trả lời lá thư của tôi, một bức điện tín do má gửi đến báo tin là Ba bị một trận thổ huyết kinh khủng và ông đã lìa đời.
Hết phần 1