Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên mà thay vì răn dậy tôi như ông thường làm. Lão sư phụ, lần này đúng ngay vào lúc cần phải răn dậy, lại ban cho tôi một ân huệ. Năm ngày sau khi Kashiwagi tới đòi tiền, Lão sư phụ gọi tôi vào phòng ông và đưa cho tôi ba ngàn bốn trăm yen để đóng học phí trong phân kỳ thứ nhất, ba trăm năm mươi yen để đi xe điện và năm trăm yen để mua giấy bút. Theo khuôn phép nhà trường, lẽ ra chúng tôi phải nộp học phí trước dịp hè, nhưng sau những gì đã xẩy ra, tôi chẳng lúc nào có thể tưởng tượng là Lão sư phụ lại sẽ cho tôi tiền cả. Tôi nghĩ là dù cho có ý định trả học phí cho tôi đi nữa nhưng lúc này thừa biết là tôi chẳng đáng tin cậy lúc nào, lẽ ra ông nên gửi thẳng tiền đến đại học mới phải. Tôi biết rõ hơn ông rằng dù cho bây giờ có trao tiền cho tôi, sự tin cậy của ông đối với tôi cũng là sự tin cậy giả dối. Ân huệ Lão sư phụ đã ban cho tôi mà không thèm nói một lời, tôi thấy na ná giống như làn thịt da hồng hào, mềm mại của ông. Cái làn da thịt tràn đầy giả dối, cái làn da thịt tin cậy vào cái gì xứng đáng được tin cậy, cái làn da thịt không hề bị sự hủ bại phạm tới, cái làn da thịt hồng hồng, âm ấm lặng lẽ sinh sôi nẩy nở. Cũng y như lúc nhìn thấy người cảnh sát ở lữ quán Yura, tôi đã sợ hết hồn e rằng đã bị phát giác, bây giờ tôi lại lo sợ hết hồn, sợ rằng Lão sư phụ đã thấy rõ kế hoạch của tôi và đang cố gắng làm cho tôi bỏ lỡ cơ hội quyết ý thành động bằng cách cho tôi tiền. Tôi cảm thấy mình sẽ chẳng bao giờ có đủ can đảm để quyết ý hành động chừng nào còn cất giữ món tiền mà ông đã cho. Tôi phải tìm đủ cách để tiêu hết món tiền ấy càng sớm càng tốt. Tôi phải tìm cách tiêu hết béng món tiền ấy để một khi biết được Lão sư phụ sẽ nổi giận đùng đùng tống cổ tôi ra khỏi chùa ngay tức khắc. Hôm ấy đến phiên tôi làm bếp. Trong khi đang rửa bát sau bữa dược thạch, vô tình tôi nhìn về hướng phòng ăn. Ai nấy đều đã đi hết, và căn phòng vắng lặng im lìm. Ngay cửa vào có một cây cột lớn đen bóng màu bồ hóng. Trên cột có treo một tấm bảng hoàn toàn đổi mầu vì ám khói. Tôi đọc thấy:
A-đa-cổ tự phù
Cẩn thận phòng hỏaTôi có thể mường tượng tấy được hình dạng xanh xao, mờ nhạt của ngọn lửa bị tù hãm trong tấm bùa hộ mệnh này. Có cái gì tươi đẹp trước đây lúc này đang rập rờn sau tấm hộ phù nhạt mờ và bệnh hoạn. Tôi tự hỏi liệu người ngoài có ai tin tôi hay không khi tôi nói rằng trong những ngày này ảo ảnh của ngọn lửa đã thúc đẩy tôi với một sức mạnh không thua gì nhục dục. Tuy vậy, có phải là điều tự nhiên hay không khi ý chí sống còn của tôi hoàn toàn dựa vào ngọn lửa là nhục dục của tôi nữa cũng phải hướng về phía ấy? Dục vọng của tôi đã un đúc hình dáng dịu dàng, mềm mại của ngọn lửa; và ý thức được rằng tôi đang ngắm nhìn chúng qua cây cột đen xì, bóng lộn những lưỡi lửa đang dịu dàng, uốn éo trong lúc này. Thực là mong manh những bàn tay, bàn chân, lồng ngực của ngọn lửa ấy. Tối 18 tháng 6 tôi nhét tiền vào trong túi lẻn ra ngoài chùa và cắm đầu đi về khu Bắc Tân Địa, thường được gọi là Gobancho. Tôi đã nghe nói là ở đây người ta tính tiền rất rẻ và đối đãi rất thân thiết đối với các bọn chú tiểu trong chùa. Từ Lộc Uyển tự đến Gobancho phải đi bộ mất hơn nữa giờ. Trời đêm ẩm ướt. Mặt trăng lờ mờ chiếu qua nền trời đầy mây mỏng. Tôi mặc áo chẽn, quần kaki và đi guốc. Dĩ nhiên một vài giờ sau tôi phải trở về chùa vẫn ăn mặc quần áo y hệt như thế. Làm sao tôi có thể thuyết phục được chính mình rằng cái thằng tôi gói mình trong những quần áo như thế lại là một con người hoàn toàn khác biệt. Thật rõ ràng chỉ vì muốn sống nên tôi đang dự định thiêu hủy Kim Các Tự, nhưng việc tôi đang làm lúc này thì lại đúng là sự chuẩn bị để chết. Cũng như một thằng trai tân đã quyết ý tự sát phải mò đến nhà thổ cho nên bây giờ tôi hớn hở đến xóm lầu xanh. Nhưng xin cứ an tâm. Khi một thằng con trai như thế mò tới một ổ điếm thì thật chẳng khác gì hắn đã ký tên mình vào một tờ giấy để những khoảng trống, mặc dù có thể mất tân, song hắn quyết chẳng bao giờ trở thành “một con người khác.” Bây giờ tôi không còn phải sợ cái sự nhỡ tầu ấy nữa - cái sự nhỡ tầu mà tôi đã nhiều lần trải qua vào giây phút khẩn trương khi Kim Các Tự len vào giữa tôi với đàn bà con gái. Bởi lẽ tôi chẳng còn có một mộng mơ hoặc mục đích nào tham dự vào nhân sinh bằng đàn bà con gái nữa. Cuộc đời tôi bây giờ đã đóng chặt vào cái vật khác ấy, do đó, tất cả hành vi của tôi trước kia chỉ là những thủ tục âm u, thảm đạm đã đưa đẩy tôi tới tình trạng hiện tại. Cứ thế tôi vừa nói với mình vừa đi về phía Gobancho. Nhưng rồi thì những lời nói của Kashiwagi vang dậy trong tôi: “Bọn buôn phấn bán hương chẳng có lên giường với khách tìm hoa vì thương yêu gì cả. Những ông già lụ khụ, những tên ăn mày, những thằng chột mắt, những cậu bảnh trai - cả ngay những thằng hủi một khi chưa biết sự thực. Sự đối đãi bình đẳng này đã khiến cho nhiều người cảm thấy yên lòng và khiến họ sẽ ưng chịu ngay người đàn bà đầu tiên mà họ gặp. Tuy nhiên, cái bình đẳng tính này không làm tớ ưng ý chút nào cả. Tớ không sao chịu được cái ý nghĩ rằng một người đàn bà lại tiếp đón bình đẳng một người đàn ông hoàn toàn bình thường và một người nào đó giống như chính tớ làm như thể hai đứa có cùng một tư cách như nhau. Tớ thấy việc đó chẳng khác gì sự tự mình bôi nhọ, khinh nhờn hết sức đáng sợ.” Nghĩ đến những lời nói này bây giờ tôi thấy bực mình vô kể. Thực vậy, trường hợp khác hẳn trường hợp Kashiwagi. Ngoài tật nói lắp ra, tôi là một con người đều đặn, bình thường, và không có lý do gì tôi lại chẳng coi sự thiếu hấp dẫn của mình chỉ là một thứ xấu xí hết sức tầm thường. Tôi tự hỏi không biết đàn bà có một trực giác nào khiến họ nhận thấy ngay những dấu vết của kẻ tội phạm có thiên tài trên vầng trán xấu xí của tôi hay không? Ý nghĩ ngớ ngẫn này tức khắc làm tôi khó chịu. Tôi chậm bước chân lại. Cuối cùng tôi thấy chán nghĩ ngợi và chẳng còn rõ liệu mình có còn nuôi dưỡng ý định làm cho mình mất tân rồi thiêu hủy Kim Các Tự hoặc thiêu hủy Kim Các Tự để rồi mất tân hay không nữa. Thế rồi chẳng ra đâu vào đâu tôi chợt nghĩ đến lời nói cao đẹp tempa kannan (“Thiên bộ gian nan”) và trong lúc cất bước trên đường tôi cứ lẫm nhẩm mãi Thiên bộ gian nan, Thiên bộ gian nan. Chẳng mấy chốc tôi tới một chỗ mà các phòng chơi bi da ồn ào, sáng choáng và các quán rượu nhường chỗ cho một dẫy phố dài tối om, im lìm từng quãng đều đặn lại có những ngọn đèn sáng trưng và những ngọn đèn giấy trắng đục rọi sáng. Từ lúc ra khỏi chùa, tôi không làm sao xua đuổi được cái không tưởng là Uiko hãy còn sống và nàng đang náu mình chính ở nơi cái không tưởng này. Điều đó đã đem lại cho tôi nhiều sức mạnh. Vì đã quyết tâm thiêu hủy Kim Các Tự nên tôi quay lại cái trạng thái tươi mới, trắng trong vào thời kỳ niên thiếu của mình và tôi nghĩ rằng bây giờ nếu mình có gặp lại những con người và sự vật mà mình đã gặp ngay từ buổi đầu cuộc sống thì lại càng hay càng tốt chứ sao. Tờ bây giờ trở đi tôi sẽ sống thực. Tuy nhiên kể cũng lạ lùng là hết ngày nay sang ngày khác đủ thứ ý nghĩ không lành đã dồn đến tụ tập trong tôi, và tôi cảm thấy rằng thần chết có thể đến thăm tôi vào bất cứ lúc nào. Tôi chỉ cầu mong cái chết buông tha cho tôi cho đến khi nào tôi phóng hỏa đốt xong Kim Các Tự cái đã. Trước kia tôi ít khi đau ốm và bây giờ tôi không thấy dấy hiệu ốm đau nào cả. Tuy vậy, càng ngày tôi càng cảm thấy rõ rệt là sự kiểm soát những điều kiện khác nhau khiến cho tôi sống trên đời là cái trách nhiệm đè riêng trên vai tôi. Riêng mình tôi phải chịu đựng cái gánh nặng của trọng trách này. Hôm trước, khi đang quét dọn, tôi đã bị một cái dầm tre ở cán chổi đâm vào ngón tay, và cứ riêng một vết thương nhỏ xíu này thôi cũng đã đủ làm cho tôi khó chịu. Tôi nhớ đến tuyện một thi nhân đã chết chỉ vì bị một cái gai hoa hồng đâm vào ngón tay. Những con người tầm thường quanh tôi chẳng bao giờ chết vì những lý do như thế. Nhưng tôi đã trở nên một con người quí giá và thực không thể nói trước là vận mệnh đã dành sẵn cho tôi một cái chết như thế nào. May thay ngón tay tôi không sưng mủ; và hôm nay khi bấm mạnh vào, tôi chỉ cảm thấy hơi đau một chút mà thôi. Tôi chẳng cần nói thêm là trước khi đến xóm Gobancho, tôi đã chú ý không xao lãng một sự giữ gìn vệ sinh nào hết. Hôm trước tôi đã tới một hiệu thuốc tại khu khá xa thành phố, nơi không ai biết mặt tôi hết và đã tự mình mua một gói ống bọc băng cao su phòng ngừa vi trùng. Nhưng cái màng ống bọc cao su bợt bợt mỏng teo này có một mầu sắc thực là ốm yếu. Tối hôm trước tôi đã lấy ra một cái và lắp thử. Vì cái “vật đó” của tôi ngỏng lên giữa những đồ vật khác trong phòng - bức tranh Phật trên đó tôi đã nghịch ngợm lấy bút chì đỏ bôi quết nghuệch ngoạc, tấm lịch của Hiệp Hội Du Lịch Kyoto, những bản kinh văn dùng trong các khóa lễ Thiền lâm chẳng may đã giở ra đúng vào đoạn có bài kệ Phật Đính Tôn Thắng Đà La Ni, những chiếc quần đùi bẩn thỉu, chiếc chiếu rơm rách nát của tôi - trông nó giống như một bức tượng Phật ủ ê nào đó, nhẵn thín, xam xám, không có mắt mũi gì cả. Hình dạng xấu xí của nó làm tôi nhớ tới cái hành vi hung bạo gọi là “La thiết” - cắt của quí - mà ngày nay chỉ còn thấy ghi chép trong những cuốn sách sử nào đó từ xưa để lại. Tôi đi vào một phố hẻm hai bên đèn giấy treo thành hàng. Khoảng hơn một trăm căn nhà dọc theo phố này đều xây cất theo cùng một kiểu. Người ta bảo nếu một tội nhân nào đó muốn trốn tránh luật pháp, mà đem thân phận mình trao phó cho tay anh chị cai quản khu này thì sẽ có thể ẩn náu rất dễ dàng. Hiển nhiên là khi có người tìm bắt, tay anh chị ấy chỉ cần bấm vào một cái nút, chuông sẽ reo vang trong tất cả mọi căn nhà chứa báo nguy cho kẻ phạm tội biết là cảnh sát đang lùng bắt. Nhà nào cũng có một cửa liếp tối om bên cạnh cửa ra vào, và nhà nào cũng có hai tầng. Những mái nhà lợp ngói thảy đều cao bằng nhau cũ kỹ, nặng nề vươn cao mãi lên dưới mặt trăng ấm áp. Những tấm mành xanh thẫm với những chữ “Tây Hiên” nhuộm trắng treo lửng lơ ở mỗi cửa ra vào và phía sau những bức mành này người ta có thể nhìn thấy những mụ Tú trong các lầu xanh khác nhau mặc áo khoác ngoài màu trắng và đang khom người về phía trước để dòm ngó những người đi lại. Tôi chẳng có một chút quan niệm nào về khoái lạc. Tôi cảm thấy dường như trật tự thông thường của sự vật đã xa lìa tôi hết, dường như tôi đã tự mình xa lìa tất cả mọi hàng ngũ; và giờ đây hình như tôi đang kéo lê đôi chân mỏi mệt qua một vùng đất hoang lạnh hoàn toàn. Cái dục vọng ẩn núp trong tôi đã ôm chặt đầu gối mà quỳ xuống chìa cho tôi thấy cái lưng lì lượm. Tôi nghĩ là mình có nghĩa vụ phải tiêu hết món tiền này tại chỗ này. Tôi đã tiêu hết món tiền mà Lão sư phụ đã cho tôi để trả học phí và như thế tôi sẽ cho Lão sư phụ một cái cớ rất là hợp lý để tống cổ tôi ra khỏi chùa. Tôi thấy rõ rành rành là không hề có một mâu thuẫn đặc biệt nào trong ý nghĩ này; tuy nhiên nếu bản tâm tôi như vậy điều đó có nghĩa là tôi hẳn phải yêu thương Lão sư phụ lắm lắm. Có thể lúc đó vẫn còn quá sớm nên chưa có đông khách mò tới Gobancho. Dầu sao đi nữa ngoài đường phố có ít người một cách lạ kỳ. Tiếng guốc tôi đi vang lên lóc cóc trong làn không khí ban đêm. Giọng nói đều đều của mụ Tú dường như kéo theo qua làn không khí ẩm ướt giăng mắc trong mùa mưa khi họ réo gọi những người tình cờ đi qua. Ngón chân tôi bám chặt lấy đôi quai quốc đã lỏng lẻo. Và tôi nghĩ thế này. Giữa đám đèn sáng muôn màu muôn vẻ ấy mà tôi đã nhìn thấy từ đỉnh núi Fudo vào cái đêm chiến tranh chấm dứt, chắc hẳn tôi đã ngắm những ngọn đèn của chính đường phố này. Tại chính chỗ lúc này tôi đang đi tới hẳn có Uiko đang chờ đợi tôi. Tại một ngã tư tôi nhìn thấy một căn nhà gọi là Otaki (Đại Lang). Chẳng chút đắn đo tôi chọn bừa chỗ này và bước qua những tấm màn cửa màu xanh đi vào trong. Tôi chợt thấy mình đứng trong một căn phòng lát gạch. Có ba cô gái đang ngồi ở cuối phòng. Trông họ thật giống như những người đang chán chường, mỏi mệt ngồi chờ xe lửa vậy. Một người trong bọn mặc quốc phục quấn một chiếc khăn quàng quanh cổ. Hai người kia mặc đầm. Một người đang cuối xuống; cô ả đã kéo chiếc bít tất dài xuống thấp và đang gãi lấy gãi để bắp chân. Không có Uiko ở đây. Việc nàng không có mặt ở đây khiến tôi cảm thấy an lòng dễ chịu. Cô gái đang gãi chân ấy ngẩng mặt lên trông giống một con chó được ai gọi đến. Lớp phấn trắng dầy và lớp sơn đỏ chát trên khuôn mặt tròn xoe đầy đặn của nàng trông nổi bật lên như trong bức vẽ một đứa trẻ con. Tuy nhiên nói ra thì có vẻ kỳ cục, nàng đã nhìn tôi với dáng vẻ có thiện ý thực sự. Đó đúng là cái nhìn đối với một người đi qua trước mặt mình ở góc đường. Ánh mắt nàng tuyệt nhiên không hề nhận thấy cái dục vọng đang tràn dâng trong tôi. Vì không có Uiko ở đó, nên tôi thấy chọn cô gái nào cũng vậy mà thôi. Tôi vẫn chưa hết mê tín là nếu tôi mà chọn lựa hay đợi chờ trước là thế nào tôi cũng lại sẽ thất bại. Cũng như những cô gái này không hề chọn lựa khách hàng tôi cũng không thể chọn lựa cô gái nào cả. Tôi phải chắc bụng rằng cái quan niệm khủng khiếp về cái đẹp, thường làm cho con người trở nên bất lực khi hành động, vào lúc này sẽ không len vào ngăn cách tôi với ý định của tôi. “Cậu thích em nào?” mụ Tú nói. Tôi chỉ người con gái lúc nãy ngồi gãi chân. Sự ngứa ngáy ở chân người con gái ấy - có lẽ vì bị một con muỗi vo ve bay lượn quanh sàn nhà đốt chân, thực đã là cái tơ duyên giữa tôi với lại cô nàng. Vì sự ngứa ngáy đó, nàng sẽ được quyền làm chứng nhân cho tôi sau này. Người con gái đứng dậy và đi tới gần tôi, nhẹ nhàng vuốt tay áo chẽn của tôi. Tôi nhận thấy nàng chúm môi cười. Trong khi trèo những bậc thang tối om, cũ kỹ để lên tầng hai, một lần nữa tôi lại nghĩ đến Uiko. Tôi lan man nghĩ vào lúc này nàng đã đi ra khỏi cái thế giới đang tồn tại như thế nào. Vì nàng đã đi khỏi nơi này, cho nên dù cho có đưa mắt tìm kiếm nàng ở bất cứ chỗ nào chắc chắn là tôi chẳng thể tìm ra nàng nữa. Tôi thấy hình như Uiko đã đi ra ngoài thế giới này của chúng ta để đi tắm hoặc làm một việc gì đại khái cũng tầm thường đơn giản như thế. Trong lúc Uiko hãy còn sống tôi cảm thấy dường như nàng có thể tự do ra vào cái thế giới nhị trùng như thế này. Ngay cả vào lúc xảy ra tấn bi kịch ấy, đúng vào lúc tưởng như nàng đang cự tuyệt thế giới, nàng đã hơn một lần chịu đựng thế giới. Đối với Uiko có lẽ cái chết chỉ là một việc tầm thường. Chỗ máu nàng để lại trên độ điện của Kim Cương viện có lẽ đã là một cái gì giống như bụi phấn trên cánh con bươm bướm rơi rớt lại vào buổi sáng khi mình mở cửa sổ ra và con bươm bướm ấy tức khắc bay đi. Ngay giữa tầng nhì có một lan can vây quanh một khoảng trống nơi luồng không khí thường từ dưới sân trong bốc lên; một dây phơi quần áo giăng suốt từ đầu gồi này tới đầu gồi kia trên đó treo một cái váy đỏ, một vài tấm quần áo lót của đàn bà và một cái áo ngủ. Căn phòng tối như bưng và cái áo ngủ lờ mờ buông xuống trông giống như một hình người. Một cô gái đang ca hát trong một căn phòng. Tiếng ca của cô bé bềnh bồng êm nhẹ; thỉnh thoảng có giọng đàn ông lạc lõng chen vào. Lời ca chấm dứt và một lúc im lặng ngắn ngủi tiếp theo. Rồi người con gái phá lên cười như thể một sợi dây đã bị giựt đứt. “Haruka đó,” người con gái ngồi với tôi quay về phía mụ chủ mà nói. “Con ấy lúc nào cũng thế mà,” mụ chủ nói, “lúc nào cũng thế.” Nói rồi mụ quay phắt tấm lưng vuông như cánh phản về phía căn phòng, nơi phát ra tiếng cười. Họ chỉ cho tôi một căn phòng nhỏ bé chán ngắt. Một thứ bục gỗ chiếm chỗ của cái giường và trên đó ai đã tình cờ đặt một bức tranh thần đem may mắn Hoteil (Bố Đại) và hình một con mèo đang uốn éo. Trên tường có dán một bản điều lệ tỉ mỉ và còn có treo cả tấm lịch nữa. Qua cửa sổ mở toang thỉnh thoảng mình có thể nghe thấy tiếng chân những khách tìm hoa khi họ lang thang qua đường phố này. Mụ chủ hỏi liệu tôi muốn ở lại chốc lát hay suốt cả đêm. Đi một lần phải trả bốn trăm yen. Tôi gọi đem ít rượu và bánh ngọt. Mụ chủ đi xuống dưới nhà lấy những thứ tôi gọi nhưng người con gái vẫn chưa đến ngồi bên tôi. Mãi đến lúc mụ chủ mang rượu đi lên và cô gái đến ngồi cạnh bên tôi trên chiếc chiếu rơm. Bấy giờ nhìn nàng gần hơn tôi mới thấy dưới mũi nàng hơi đỏ vì xoa gãi dữ quá. Hiển nhiên, cô ả có thói quen giết thì giờ bằng cách xoa gãi không những đôi chân và khắp cả mình mẩy. Rồi ngắm kỹ, tôi thấy cái mầu đo đỏ này có thể chỉ là một vệt quệt của lớp son dầy đặc. Xin đừng ngạc nhiên về truyện tôi đã quan sát tỉ mỉ đén thế. Xét cho cùng, đây là lần đầu tiên tôi mò đến nhà chứa và tôi háo hức tìm kiếm tất cả những chứng cứ của sự khoái lạc mà tôi có thể nhìn thấy. Tôi nhìn thấy mọi vật rõ rành rành như một bảng khắc bằng đồng; từng chi tiết đều hiển hiện rõ ràng tại một cự li nhất định trước mắt tôi. “Trước đây em đã gặp cậu rồi phải không?” người còn gái nói sau khi xưng tên là Mariko. “Tôi mới tới đây lần đầu tiên cô ạ.” “Thực hả? Lần đầu tiên cậu tới một chỗ thế này ư?” “Phải, cứ cho là thế đi. Thảo nào tay cậu cứ run lập cập.” Cho đến lúc nàng nói câu này tôi mới nhận ra rằng bàn tay đang nâng ly rượu của tôi đang run lẩy bẩy. “Nếu quả như vậy, Mariko ạ,” mụ chủ xía lời “đêm nay mày gặp may rồi phải không?” “Vâng, con sẽ biết có thực thế hay không ngay đây mà,” Mariko lững lờ nói. Trong lối nói của cô ả không có lấy một tí gì là khêu gợi cả, và tôi nhận thấy tâm hồn Mariko đang thơ thẩn rong chơi ở một nơi nào đó chẳng hề quan hệ tới thân xác tôi hoặc thân thể nàng hết, giống như một đứa trẻ gái bị tách ra khỏi đám bạn bè đang chơi với nó vậy. Mariko mặc một chiếc áo bluse xanh lợt và một cái áo màu vàng. Nhìn hai bàn tay nàng, tôi thấy chỉ có hai ngón tay cái bôi thuốc đánh móng tay màu đỏ. Có lẽ nàng đã mượn người bạn cái bàn chải đánh móng tay và đánh móng tay của mình chơi cho vui. Thế rồi hai đứa chúng tôi leo lên giường. Mariko gác một chân lên cái nệm trải rộng trên chiếc chiếu rơm và kéo sợi dây dài lủng lẳng bên cạnh chiếc chụp đèn. Mầu sắc rực rỡ của chiếc nệm vải bông in hình lòe loẹt hiện rõ mồn một dưới ánh đèn điện. Một con búp bê của Pháp núp mình trong hốc tường lộng lẫy. Tôi cởi quần áo một cách vụng về. Mariko choàng qua vai một cái áo ngủ rộng thùng thình màu hồng nhạt và khéo léo trút bỏ xiêm áo ở bên trong. Gầm giường ngủ có một bình nước lã, tôi làm một hơi mấy cốc liền. Đang quay mặt phía khác, Mariko nghe thấy tiếng uống nước ừng ực. “Ồ, anh là thằng bợm nước hả!” nàng vừa nói vừa cười sằng sặc. Khi hai đứa đã vào giường và nằm quay mặt vào nhau, cô ả khẽ đặt ngón tay lên đầu mũi tôi vừa cười vừa hỏi: “Có thực đây là lần đầu tiên anh đi chơi không đấy?” Dù ánh đèn cạnh giường lờ mờ tôi cũng không quên lõ mắt ngắm nhìn. Vì nhìn như thế này mới chứng tỏ rằng tôi đang sống. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên tôi được nghe nhìn thấy mắt người khác gần ngay mắt mình cho đến thế. Cái viễn cận pháp vẫn hằng chi phối thế giới của tôi đến lúc này đã bị sụp đổ. Một kẻ lạ mặt đã táo bạo xông vào cuộc sống của tôi. Cái hơi ấm áp, mùi thơm rẻ tiền trên da thịt tấm thân người lạ mặt ấy đã phối hợp lại dần dần tràng dâng cho đến khi nhận chìm toàn thể con người tôi trong đó. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy rằng thế giới của tha nhân có thể tan biến giống như thế này. Tôi đang bị đưa đẩy, giống như một đơn vị phổ biến thông thường của toàn thể. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng rằng có một ai đó lại có thể đưa đẩy tôi như thế này. Sau khi tôi đã cởi hết quần áo, trút bỏ nhiều thứ phụ thuộc khác nữa - cả cái tật nói lắp, vẻ xấu xí cùng sự nghèo nàn nữa - tối hôm đó, tôi đã thực sự đạt được khoái cảm thể xác, tuy nhiên tôi vẫn không tin chính tôi là người đã hưởng niềm khoái cảm ấy. Xa xa một cảm giác từ lâu từng tránh né tôi bây giờ dâng lên tràn trề và sụp đổ ngay sau đó. Tôi vội tách mình ra khỏi thân thể cô gái rồi tựa cằm lên chiếc gối. Cả một bên đầu tê tê vì lạnh, tôi lấy nắm tay vỗ nhẹ vào chỗ ấy. Thế rồi tôi hoàn toàn có cảm giác rằng tất cả đều bỏ rơi tôi trong tình trạng vật vờ. Tuy nhiên, tất cả vẫn chưa đủ sức làm tôi rơi nước mắt. Sau khi hai đứa đã hành sự xong xuôi, chúng tôi nằm bên nhau trò chuyện. Tôi mơ màng nghe tiếng cô gái kể truyện nàng đã từ Nagoga trôi dạt tới nơi này như thế nào. Nhưng tất cả ý nghĩ của tôi đều hướng thẳng về Kim Các Tự. Thực ra đấy chỉ là những ý nghĩ trừu tượng về ngôi chùa hoàn toàn khác hẳn những ý nghĩ quen thuộc, tù đọng, cặn bã, đầy nhục cảm của tôi. “Anh không trở lại nơi này nữa, phải không?” Mariko hỏi, và qua lời nói của nàng, tôi cảm thấy nàng già hơn tôi ít ra một hai tuổi. Đúng, rõ ràng là nàng phải già hơn tôi. Hai bầu vú nàng ngồn ngộn trước mắt tôi, ướt đẫm mồ hôi. Chỉ là hai khối thịt, hai bầu vú Mariko và quyết chẳng bao giờ có thể trải qua sự biến mạo lạ kỳ để trở thành Kim Các Tự. Tôi lấy đầu ngón tay rụt rè sờ vào cặp vú nàng. “Chắc là anh thấy những cái này lạ mắt lắm phải không?” Mariko nói. Sau đấy, nàng ngồi nhỏm dậy chăm chăm nhìn vào một bên ngực rồi đưa tay nâng vú lên và lắc nhẹ như thể đang chơi đùa với một con vật nhỏ bé. Thịt da nàng rung rinh nhè nhẹ làm tôi nhớ lại mặt trời chiều trên vịnh Maizuru. Cung cách mặt trời chiều biến sắc thật nhanh hình như kết hợp trong lòng tôi cùng với tính chất biến đổi mau lẹ của thịt da người con gái. Tôi cảm thấy yên lòng khi tưởng tượng rằng giống như mặt trời chiều đang bị chôn vùi trong những lớp mây chập chùng, dầy đặc, lớp da thịt rung trước mắt tôi kia chẳng mấy chốc rồi cũng sẽ vùi sau trong nấm mồ âm u của đêm tối. Hôm sau tôi lại mò đến cùng “cửa hiệu” ấy và đòi cho được cũng cô gái ấy. Chẳng phải vì tôi hãy còn khối tiền, mà còn vì cái hành vi tôi mới làm lần đầu tiên ấy hình như chẳng thấm thía vào đâu so với sự sướng khoái ngây ngất mà tôi vẫn hằng tưởng tượng, vì thế tôi thấy cần là phải thử lại một lần nữa và mang cái hành vi ấy gần hơn chút nữa với nguồn vui thú ngất ngây trong tưởng tượng của tôi. Một trong nhiều điểm khác người của tôi là những hành vi tôi thực hiện trong cuộc đời luôn luôn có khuynh hướng kết liễu y như những bản sao trung thực của những gì tôi vẫn tưởng tượng. Hoặc hơn thế, tôi muốn nói không phải sự tưởng tượng mà là nguồn gốc những ký ức của mình. Tôi không làm sao vượt qua được cái cảm giác là mỗi thí nghiệm mà tôi trải qua trong đời đều là được chính tôi thí nghiệm trước đó dưới một hình thức thú vị hơn. Ngay cả trong trường hợp một hành vi nhục thể như thế này, tôi cảm thấy rằng vào lúc nào đó và tại nơi nào đó mà tôi không thể nhớ rõ nữa - có lẽ cùng với Uiko - tôi đã được biết một hình thức khoái lạc nhục thể mãnh liệt hơn, một khoái cảm đủ khiến cho sướng đến tê dại cả người. Việc này đã khơi nguồn những niềm vui sau này của tôi, và thực thế, những niềm vui ấy chỉ có nghĩa như là việc lấy tay vốc từng vốc nước ra khỏi quá khứ. Thực vậy tôi cảm thấy rằng một lúc nào đó trong quá khứ xa xôi tôi đã mục kích tại nơi nào đó một ánh hoàng hôn tráng lệ không gì sánh kịp. Có phải vì tội của tôi nên những buổi mặt trời lặn đã nhìn thấy về sau chẳng nhiều thì ít luôn luôn nhạt mờ? Hôm qua cô gái đã tiếp đãi tôi rất nồng hậu như thể tôi là khách hàng quen thuộc vì thế trong lần viếng thăm ngày hôm nay tôi đã mang theo một quyển sách nhét vào túi áo. Quyển này thuộc loại sách bỏ túi mà tôi dã mua được mấy hôm trước ở một hiệu sách cũ. Đó là quyển Tội Phạm và Hình Phạt của Bequaria. Cuốn này do môt học giả người Ý chuyên về hình pháp ở thế kỷ mười tám viết; nó đã trở thành một món ăn cổ điển và Khải mông chủ nghĩa và Hợp lý chủ nghĩa; sau khi đọc được mấy trang tôi đã vất nó sang một bên. Tuy vậy, tôi chợt nghĩ ra rất có thể cô bé lại thích thứ nhan đề cuốn sách ấy. Mariko chào đón tôi cũng với nụ cười mủm mỉm như hôm qua. Vẫn nụ cười ấy, nhưng “hôm qua” thì chằng hề để lại một dấu vết nào. Vẻ thân thiện của nàng đối với tôi là sự thân thiện mà thiên hạ bầy tỏ với một người lạ khi tình cờ nhìn thấy ở một góc đường phố. Có lẽ chỉ vì thân hình cô gái này tự nó cũng giống như một góc phố. Tôi ngồi trong một phòng nhỏ với Mariko và mụ chủ. Chúng tôi nhấm nháp chút rượu và tôi cũng tỏ ra khéo léo trong cách trao đổi ly rượu theo cổ lệ. “Cậu truyền ly rất đúng cách khi đưa cho cô bạn tình của câu, có đúng không nào?” Mụ chủ nói: “Trông cậu hãy còn trẻ nhưng tôi nhận thấy cũng ra dáng lắm đấy!” “Nhưng, nếu mỗi ngày anh đều mò đến đây như thế này”, Mariko góp truyện, “liệu có bị Hòa thượng trách mắng hay không?” Như vậy là họ đã biết rõ tông tích tôi rồi, tôi nghĩ; họ biết tôi là người trong một ngôi chùa. “Này, đừng tưởng em không khám phá ra đâu!” Mariko nói khi nhận tấy tôi có vẻ ngạc nhiên. “Bây giờ tất cả thanh niên đều để tóc dài theo lối công tử. Hễ thấy chàng nào cắt tóc cụt lủn sát da đầu như anh đây này là mình có thể nói ngay là anh chàng là người trong một ngôi chùa nào đó. Tụi em biết đủ mọi truyện về bọn họ trong những nhà như thế này. Vì lẽ đây là nơi những người bây giờ đã trở nên những tu sĩ nổi tiếng thường tới lui khi họ còn trẻ tuổi. Mà này có nên hát một bài nghe chơi không nhỉ?” Thế là Mariko liền hát ngay một bài dân ca nói về những công việc khác nhau của một người đàn bà con gái nào đó ngoài hải cảng. Sau đó hai đứa chúng tôi leo lên giường và tôi đã hành sự thật trơn tru trong cái khung cảnh bây giờ đã trở nên quen thuộc. Lần này tôi thực sự cảm thấy đã thấp thoáng thấy niềm lạc thú; tuy nhiên, đó không phải thứ khoái lạc tôi hằng tưởng tượng, nhưng chỉ là cảm giác thỏa mãn hỗn độn, ồn ào mà tôi đang tự thích ứng với sự đọa lạc. Khi hành sự xong xuôi Mariko mới cho tôi một lời răn dậy giọng đầy cảm thương khiến càng thấy rõ là nàng lớn tuổi hơn tôi. Lời nàng nói làm tôi cụt hứng trong chốc lát. “Em nghĩ là anh chẳng nên đi lại quá nhiều một nơi như thế này”. Mariko nói. “Anh là người đứng đắn đàng hoàng. Em dám chắc như vậy. Không nên say đắm với loại thú vui này, anh ạ. Anh nên đem nghị lực dồn hết vào công việc của mình. Đó là điều duy nhất cho anh. Dĩ nhiên, em thích anh lại đây chơi với em. Nhưng anh hiểu tại sao em lại đang nói với anh như thế này chứ? Vì em coi anh như một người em trai vậy”. Có lẽ Mariko đã học được lối nói năng này trong một cuốn tiểu thuyết ba xu nào đó. Lời nói của nàng chẳng có một chút cảm xúc sâu xa đặc biệt nào hết. Mariko chỉ bịa ra một câu truyện tình tự nho nhỏ hy vọng lôi cuốn tôi vào thôi. Hẳn là cô nàng đang chờ đợi tôi đáp lại bằng những giọt nước mắt. Nhưng tôi đã không làm như vậy. Thay vì thế, tôi chộp lấy cuốn Tội Phạm và Hình Phạt ở bên gối và dí vào trước mắt nàng. Mariko ngoan ngoãn giở đọc lướt mấy trang. Rồi chẳng nói chẳng rằng nàng đặt quyển sách lại chỗ cũ. Nàng hoàn toàn không thèm để ý đến nó nữa. Tôi chỉ ước mong sao Mariko sẽ cảm thấy một vài dự tưởng nào đó về sự run rủi của vận mệnh đã khiến nàng gặp tôi. Tôi ước mong rằng nàng sẽ đi gần tới chỗ ý thức thêm chút nữa là nàng đang giúp một tay vào sự phá hủy thế giới. Dù sao đi nữa cả cô gái này cũng không thể coi câu truyện này là câu truyện không đáng quan tâm. Tôi thấy sốt ruột và sau đã phải buột ra điều đáng lẽ tôi không nên nói: “Trong một tháng - phải, trong vòng một tháng thôi, em sẽ thấy báo chí nói nhiều đến anh. Xin hãy nghĩ đến anh khi việc ấy xẩy ra”. Nói xong tôi thấy tim mình nện thình thịch. Nhưng Mariko lại phá ra cười. Nàng cười to đến nỗi rung rinh cả hai bầu vú, và nàng liếc tôi và cố gắng cắn ống tay áo để nín tiếng cười, nhưng một lần nữa nàng lại phá ra cười sằng sặc đến độ run rẩy cả người. Tôi biết chắc chính Mariko cũng chẳng thể nào cắt nghĩa được tại sao nàng lại thấy buồn cười cho đến thế. Thấy vẻ mặt tôi ngỡ ngàng, nàng mới dứt tiếng cười. “Có cái gì buồn cười thế hở?” Tôi hỏi. Thực là một câu hỏi ngớ ngẩn. “Anh là thằng nói dối chính tông, có phải không? Ô, thực buồn cười quá! Anh thực là thằng nói dối kinh khủng!” “Anh đâu có nói dối điều gì”. “Ô, thôi xin ngừng lại đi!” Mariko vừa nói vừa phá ra cười một lần nữa. “Cười đến chết mất. Anh đang giết chết em đó! Toàn là những lời nói láo. Ấy thế mà cái mặt anh cứ nhơn nhơn ra được.” Tôi nhìn nàng cười. Có lẽ nàng buồn cười chỉ vì tôi đã nói lắp một cách lạ lùng khi đặc biệt nói đến tương lai. Rõ ràng là nàng hoàn toàn không hề tin những lời tôi đã nói ra một chút xíu nào. Mariko chẳng có một chút tin tưởng nào hết. Giả như có một trận động đất nổi lên ngay trước mắt, thì nàng cũng chẳng tin nào. Nếu cả thế giới này có sụp đổ, riêng người con gái này có lẽ sẽ thoát nạn. Bởi vì Mariko chỉ tin vào những sự việc xảy ra theo lối lý luận riêng của mình. Cái lối lý luận này không chấp nhận sự sụp đổ của thế giới và vì thế nhất định chẳng bao giờ có một cái gì có thể tạo cơ hội khiến Mariko nghĩ đến một điều như thế. Về điểm này nàng giống Kashiwagi. Mariko là một Kashiwagi đàn bà, một Kashiwagi không biết suy tưởng. Câu truyện giữa hai đứa chúng tôi chấm dứt thì Mariko nhỏm dậy, hai vú vẫn phơi trần và nàng bắt đầu ngân nga giọng mũi mà cất tiếng hát. Tiếng ngân nga giọng mũi của nàng hòa điệu với tiếng vỗ cánh vù vù của một con ruồi đang bay lượn quanh đầu nàng. Bay được một lúc tình cờ con ruồi nhào xuống đậu trên một bầu vú nàng. “Ồ, nhột quá!” nói vậy xong nàng lại không có ý muốn xua đuổi nó đi. Mỗi khi con ruồi đậu vào bầu vú nàng nó cứ bám chặt lấy. Tôi lấy làm ngạc nhiên Mariko không tỏ vẻ khó chịu chút nào hết khi bị một côn trùng âu yếm, vuốt ve, vỗ về theo lối này. Tôi nghe tiếng mưa rơi trên mái hiên. Tiếng mưa rơi ào ào như thể trời chỉ mưa ở riêng một nơi này mà thôi. Tôi nghe tiếng mưa rời hình như đã sợ hãi đến mê lịm đi vì đã lang thang tới khu phố riêng biệt và đã hoàn toàn lạc lối không biết đường về. Tiếng mưa rơi đường như bị cắt rời khỏi đêm tối bao la, cũng như tôi vậy; đó là âm thanh thuộc về một thế giới cục hạn, giống như cái thế giới nhỏ bé đang được ánh đèn lờ mờ để đầu giường soi sáng. Vì loài ruồi ưa thích sự rữa nát liệu Mariko đã bắt đầu rữa nát hay chưa? Có phải việc người con gái này hoàn toàn không tin tưởng gì hết đã chứa đựng sự tan rửa ung thối không? có phải vì thế nàng đã sống trong một thế giới tuyệt đối của riêng mình mà con ruồi đã bay tới hỏi thăm nàng hay không? Thật khó mà tôi hiểu nổi. Rồi đột nhiên Mariko lăn ra ngủ như chết. Nàng nằm đó giống như một xác chết, và trên bầu vú tròn trặn lập lòa dưới ánh đèn đầu giường, cả con ruồi nữa cũng nằm bất động; hiển nhiên là nó cũng đã ngũ thiu thiu. Tôi không bao giờ trở lại Otaki. Tôi đã làm xong những việc cần phải làm. Bây giờ chỉ còn có việc chờ Lão sư phụ khám phá ra là tôi đã tiêu sạch tiền học phí ra làm sao và tống cổ tôi khỏi chùa. Tuy nhiên, tôi không gợi cho Lão sư phụ biết tí gì cách tôi tiêu nhẵn cả món tiền ấy. Tôi chẳng cần phải thú tội; Lão sư phụ phải đánh hơi thấy hành vi của tôi mà tôi chẳng cần phải thú tội gì hết. Kể ra tôi cũng thấy khó mà giải thích cho chính mình nghe tại sao tôi muốn nhắm mắt tin tưởng, ỷ lại trọn vẹn vào sức mạnh của Lão sư phụ một khi sự thể đã như thế. Tại sao tôi lại muốn mượn sức mạnh của Lão sư phụ? Tại sao tôi lại để cho quyết định tối hậu của mình phải căn cứ vào việc bị Lão sư phụ tống cổ ra khỏi chùa? Bởi lẽ, như tôi đã nói từ lâu, tôi đã sớm thấy cái bản chất vô lực của Lão sư phụ. Vài ngày sau khi mò đến nhà chứa lần thứ hai, tôi đã có dịp thấy rõ cái khía cạnh đặc biệt này của Lão sư phụ. Sáng sớm hôm đó, trước khi cổng vườn mở, Lão sư phụ đi tản bộ một vòng quanh Kim Các Tự. Đây là điệu thật hãn hữu đối với ông. Ông đi lên về phía tôi và những chú tiểu khác đang quét sân chùa và nói đôi ba lời thường lệ cảm ơn sự cố gắng của chúng tôi. Thế rồi, trong tấm áo trắng bong lạnh lẽo, ông bước lên những bậc thềm đá dẫn đến Tịch giai đình. Hiển nhiên ông lên đó ngồi nghỉ một mình, sửa soạn trà uống cho thảnh thơi tâm thần. Bầu trời mang dấu vết của một buổi bình minh chói lọi. Đó đây, những đám mây hãy còn phản ánh đỏ rực đang băng qua nền trời màu xanh. Trông thật như thể những đám mây ấy vẫn chưa khắc phục được nỗi e thẹn, rụt rè của chúng. Khi chúng tôi đã quét dọn xong xuôi, những người khác trong nhóm quay về chính điện. Riêng mình tôi đi theo con đường dẫn qua Tịch giai đình phía sau Đại Thư Viện. Tôi cầm chổi và trèo lên các bậc thềm dẫn tới một điểm gần trà thất trong Tịch giai đình. Cành lá hãy còn ướt sũng nước mưa đổ xuống từ đêm hôm trước. Ánh sáng chói chan buổi sớm phản chiếu trên vô số những giọt sương mai lốm đốm mầu hồng nhạt trên các bụi cây gần đó, trông như loại dâu đỏ trái mùa đã mọc ở đây. Những cái mạng nhện dăng từ giọt sương mai này sang giọt sương mai khác cũng hơi nhuốm hồng và tôi thấy chúng đang rung rinh. Sau khi ngắm nhìn hết một lượt, tôi thấy một nỗi cảm động tràn ngập cõi lòng không biết vì sao những sự vật trên trái đất này lại có thể phản ánh những màu sắc trên trời một cách mẫn cảm cho đến thế. Ngay cả màn mưa thấm đượm giăng mắc quanh khắp ngôi chùa cũng được hưởng những gì từ trên trời cao buông xuống. Mọi vật đều ướt át như thể chúng đã được hưởng nguồn ân sủng tràn trề nào đó sự rữa nát đã pha trộn với vẻ mát tươi. Bởi lẽ những sự vật trên trái đất này không hề biết một phương thuật nào để cự tuyệt bất kỳ cái gì. Sát ngay bên Tịch giai đình ngọn Củng Bắc lâu nổi tiếng đứng nghễu nghện; tên gọi tháp này bắt nguồn từ câu: “Bắc thần chi cư kỳ sở. Chúng tinh củng chi - sao Bắc Đẩu ngự đến nơi này trên các vì sao khác đều tới chầu phục”. Tuy nhiên, Củng Bắc lâu bây giờ không còn giống cái tháp thời xưa khi Yoshimitsu đang cầm quyền. Nó đã được tái thiết khoảng một trăm năm trước đây theo hình tròn cho thích hợp với các trà tịch. Vì Lão sư phụ không có ở trong Tịch giai đình chắc hẳn ông phải ở trong Củng bắc lâu. Tôi không muốn một mình gặp Lão sư phụ. Tôi lặng lẽ đi theo hàng rậu, cúi khom người để khỏi bị người nào ở phía bên kia nhìn thấy. Cửa Củng Bắc lâu mở toang. Trong hộc tường tôi nhìn thấy bức họa quen thuộc của Tanyama Okyo. Trong hốc tường cũng còn có một bàn thờ Phật nho nhỏ đẽo bằng gỗ bạch đàn nhưng đã bị năm tháng biến thành màu đen kể từ khi được rước từ xứ Thiên Trúc về. Bên trái tôi nhìn thấy cái giá bằng gỗ tang bằng đóng theo kiểu Rikyu, tôi cũng còn nhìn thấy bức họa trên tấm cửa kéo nữa. Mọi vật đều ở đó như tôi đã đoán trước chỉ trừ hình bóng Lão sư phụ là tôi chẳng thấy đâu. Bất giác tôi nhô đầu khỏi hàng rậu và nhìn quanh. Trong một góc phòng tối tăm gần cây cột lớn tôi nhìn thấy một cái gì trông giống một cái bao lớn màu trắng. Nhìn kỹ hơn, tôi thấy đó là Lão sư phụ, thân hình ông cúi gặp hẳn xuống trong chiếc áo màu trắng; ông ngồi đó khom người úp đầu xuống gối và hai ống tay áo dài phủ lên kín mặt. Lão sư phụ vẫn ngồi trong tư thế cũ hoàn toàn bất động. Nhưng tôi là đứa đang đứng đó ngắm nhìn ông thì lại thấy nôn nao cả người vì một tình cảm dạt dào. Ban đầu tôi nghĩ là Lão sư đã lâm bệnh kịch liệt cấp kỳ và hiện đang mê sảng. Tôi phải đến bên ông ngay tức khắc và sẵn sàng giúp đỡ ông. Thế nhưng vừa có ý nghĩ như thế thì có một cái gì nắm giữ tôi lại. Tôi chẳng còn chút yêu thương nào đối với Lão sư và kể từ ngày mai trở đi tôi có thể thi hành cái quyết tâm phóng hỏa đốt chùa vào bất cứ lúc nào. Trong những trường hợp như thế này mà đến giúp đỡ ông thì thật chỉ là đạo đức giả. Hơn nữa, lại có sự nguy hiểm là nếu quả thực là tôi mà giúp đỡ ông thì hòa thượng sẽ cảm tạ và yêu thương tôi và kết quả là tôi sẽ mềm lòng không thực hiện được quyết định của mình nữa. Bây giờ thì tôi đã ngắm Lão sư phụ kỹ lưỡng rồi; ông không có dáng vẻ gì là bị đau yếu hết. Dù cho việc gì đã xẩy ra với ông đi nữa trong cái tư thế gục đầu khom mình trong căn trà thất nhỏ bé, ông đã hoàn toàn mất hết uy tín mất rồi. có một cái gì ti tiện, xấu xa trong cái tư thế đó, giống như tư thế một con thú đang ngủ thiếp đi vậy. Tôi nhận thấy tay áo ông hơi hơi run run và quả tình như thể có một sức nặng vô hình nào đó đang tì mạnh lên lưng ông. Sức mạnh vô hình này là cái gì vậy? Nó có làm cho mình khổ não hay không? Hoặc giả, phải chăng Lão sư phụ đã tự mình cảm thấy không sao chịu đựng nổi sự vô lực của mình? Khi đã quen tai với sự im lặng này, tôi mới nhận thấy Lão sư phụ đang thấp giọng thì thầm một điều gì đó. Tiếng thì thầm ấy nghe giống như một đoạn kinh văn, tuy nhiên tôi không biết đó là một đoạn kinh nào. Đột nhiên một ý nghĩ vụt hiện làm tan vỡ niềm kiêu căng của tôi. Lão sư phụ có một sinh hoạt tinh thần tối tăm mà bọn chúng tôi chẳng đứa nào hay biết gì hết; và so với cuộc sống này những sự xấu xa nho nhỏ, những điều tội lỗi nho nhỏ, những sự biếng lười nho nhỏ mà tôi đã ra công phạm vào xét ra thực tầm thường không thể nào tả được. À, thế ra vậy đó. Cái thế ngồi khom mình của Lão sư phụ trong lúc này thật giống hệt cái tư thế “đinh cật” nghĩa là tư thế của một hành cước tăng chỉ muốn năn nỉ xin nhập chúng tăng đường nhưng đã bị cự tuyệt và đang gục đầu ngồi trên khăn gói tay nải suốt cả ngày ngoài cửa huyền quan. Nếu một cao tăng như Lão sư phụ thực sự bắt chước lối điều hành của một tu sĩ lang thang mới tới, hẳn là ông phải được trời ban cho một mức độ khiêm hư khủng khiếp. Nhưng cái sự khiêm hư này của người ấy hướng về cái gì? Cũng y như sự khiêm hư của cọng lá trên cây, của sương mai vương mắc trên mạng nhện đã hướng thẳng về ánh mặt trời vì thế có lẽ Lão sư phụ đang tự mình hướng về sự khiêm hư của mình về nguồn gốc cũng điều ác và những tội nghiệp; có lẽ ông đang để mặc cho những điều này phản ánh một cách tự nhiên trên con người ông trong khi ông ngồi đó khom mình trong tư thế của một con thú. Nhưng không phải thế. Bỗng dưng tôi thấy ông đang tỏ bầy thái độ khiêm hư đối với chính tôi. Chẳng còn có thể nghi ngờ gì nữa. Ông đã biết là tôi sắp sửa đi qua nơi này và chính tôi mà ông đã lựa cái tư thế này để cho tôi nhìn thấy. Lão sư phụ đã hoàn toàn ý thức được sự vô lực của chính mình và sau cùng ông đã chọn lựa phương pháp huấn giới lặng lẽ cực kỳ mỉa mai này để âm thầm vò xé tim tôi ra từng mảnh nhỏ, để đánh thức cho tình thương xót chỗi dậy trong tôi, để khiến tôi phải quỳ gối khẩn nguyện. Trong khi ngắm Lão sư phụ khom mình ngồi đó trong dáng vẻ tôi cho là khiêm hư, thật khó lòng mà tôi tránh khỏi đắm chìm trong xúc động. Mặc dù tôi cố gắng đem hết sức mình phủ nhận nguồn xúc động ấy song sự thật vẫn là tôi đang sắp sửa gục ngã trước sự ái mộ đối với Lão sư phụ. Nhưng cái ý nghĩ ông đã lựa chọn tư thế này chính vì đặc biệt muốn cho tôi nhìn thấy đã làm mọi truyện thay đổi ngược hẳn lại và khiến tôi thấy lòng mình lại càng cứng dắn hơn trước nhiều. Đúng vào lúc này tôi quyết định thi hành kế hoạch phóng hỏa không cần dựa vào một điều kiện tiên quyết nào chẳng hạn như việc bị Lão sư phụ tống cổ ra khỏi chùa. Tôi và Lão sư phụ đã trở nên hai con người sống trong hai thế giới khác biệt và không còn ảnh hưởng tí gì đến nhau nữa. Tôi thoát khỏi tất cả mọi trở ngại. Bây giờ tôi có thể thi hành mọi quyết định của mình theo bất cứ cách nào và vào bất cứ lúc nào tôi thích chứ không còn mong đợi bất kỳ cái gì từ một sức mạnh bên ngoài nào khác nữa. Ánh hồng chói chan của buổi sớm nhạt dần trên nền trời, đồng thời mây đã tụ lại từng đám và ánh mặt trời tươi sáng đã rút ra khỏi Củng Bắc lâu. Lão sư phụ vẫn khom mình ngồi đó. Tôi vội vã rảo bước rời khỏi nơi này. Vào ngày 25 tháng 6 chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Điều tôi linh cảm rằng thế giới sắp sửa sụp đổ tan tành trở thành sự thực. Tôi phải vội vã mau tay lên mới được.Hết phần 9