Mỗi hôm đến cơ quan là Hằng lại đối diện với những giấy tờ trắng y như đối diện với một con số không tròn trĩnh. Giờ đây Hằng bắt đầu sợ nó và thấy nó vô nghĩa, song trước đây 10 năm đối với Hằng nó như một người bạn cô gửi gắm tất cả vào nó, tin tưởng vào nó. Rồi may mắn cũng đến với Hằng, một giải thưởng văn xuôi không lớn không nhỏ làm Hằng được nhận về nơi này, cái nơi chuyên sáng tác các tác phẩm cho thiếu niên, nhi đồng. Trong khi trước kia Hằng chưa bao giờ viết gì cho bọn chúng. Thế rồi, Hằng lấy chồng y như bông hoa ngô được thụ phấn nhờ gió. Hằng quen Khanh vô tình và lấy Khanh vì cố tình. Có lần Hằng tâm sự với Hưng (người bạn trai học cùng phổ thông với cô) Hằng bảo “Con gái có thì, gặp đối tượng đủ điều kiện không lấy ngay, chậm một tí là ế chổng ngược”. Thằng bạn tiếc ngẩn ngơ, một bông hoa đẹp đến thế mà lại thụ phấn nhờ gió (Từ của Hằng nói với Hưng), Hưng bảo Hằng đẹp vậy tại sao lại ví mình là hoa Ngô. Hằng cười để lộ hàm răng đều như những hạt bắp non. Hằng có vẻ đẹp quyến rũ đến kỳ lạ, đôi mắt linh hoạt, biết nói, đôi lông mày hình vòng cung, và nước da muợt như cánh hoa đào, Hưng cứ nghĩ luẩn quẩn và ví Hằng như những bông hoa, không biết hoa gì thì hợp với vẻ đẹp và tính cách của Hằng. Đúng rồi, hoa Gạo, Hưng thấy Hằng như bông hoa Gạo, rực rỡ và ấm áp tựa như những đốm lửa, song không kém phần kiêu sa và cứng cáp lạ thường. Hưng cứ nghĩ giá hoa Gạo nở quanh năm thì cả năm ấm áp và tươi tắn… nhưng hoa Gạo chỉ nở vào tháng ba, quãng thời gian rất ngắn, để hoa Cúc hoa Sen còn nở, là thế Hằng sống khiêm nhường như bông hoa Gạo tháng ba. Chồng Hằng yêu cô lắm, anh sẽ giận nếu ai ví cô là hoa Gạo chí ít thì nàng phải là hoa Lan, hoa Hồng... Chồng Hằng không những yêu cô mà còn tự hào vì cô vừa đẹp vừa dịu dàng, chồng Hằng không biết gì về Hằng ngoài việc cô đẹp... đối với anh thế là quá đủ. Anh chưa đọc chữ nào cô viết. Nhiều khi mở máy tính, anh phì cười vì những tên file như: “ Con nợ”, “ Hộp bê tông”... Duy nhất một lần Khanh thấy có file “ Mại dâm” thì anh giật mình mở ra xem, song không có gì đặc biệt đó là bài thi Pháp lệnh phòng chống mại dâm của cơ quan Hằng. Có lần cô đưa cho chồng tờ báo có bài của mình song hình như chồng cô không kiên nhẫn đọc hết câu chuyện mà chỉ quan tâm đến giá vàng và đô la, giờ đấu của vài trận bóng đá, khả năng trong đầu anh ta chỉ một mục là tiêu kiếm tiền, và kiếm thật nhiều tiền. Khanh quan niệm, cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền... Đến giờ Hằng có cảm giác cơ quan Hằng vẫn còn tin tưởng vào khả năng sáng tác của cô, có thể mọi người ảo tưởng về cô, thật ra Hằng không viết được gì cả, phải chăng nguyên nhân là do cuộc sống quá sung túc và công việc quá an nhàn làm cô thấy yên phận. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn nữa là cô không biết tại sao cô lại không nhìn thấy thứ gì để viết hệt như kẻ mù màu hay loạn thị... Nghe đâu lương sắp tăng, không phải vấn đề lớn đối với cô, giá cả thị trường cầm đèn chạy trước việc tăng lương cũng chẳng có gì đặc biệt. Thời buổi này cứ như cuộc thi chạy cự ly ngắn, ai nhanh chân là thắng. Nói thì đơn giản vậy song lại là cả một quá trình vật lộn với đường chạy. Tối nay, Hằng đi sinh nhật tiệc mặn, chồng Hằng thì đi ký hợp đồng ở nhà hàng. Chắc lại tạt qua hàng đi karaoke. Lúc về, Hằng mở tủ lạnh và hỏi chồng: - Anh Khanh, ba hộp sữa chua của em... anh ăn à? Khanh bèn mắng con bé giúp việc: - Mày ăn uống vô tổ chức thế à, phải biết nhìn trước nhìn sau chứ. Con bé giúp việc mân mê lọn tóc dài đen mượt sợ sệt, nó nói lí nhí: - Từ sau, cháu không thế nữa. Hằng bênh: - ăn rồi thì thôi, em hỏi vậy chứ không có ý gì đâu... Chồng Hằng nói: - Em chiều thế rồi nó hư thân. Con bé giúp việc vội chạy xuống bếp dọn dẹp bỗng nó nhớ ra điều gì rồi nói vọng lên nhà: - Cô Hằng ơi, lúc tối, bà gọi điện từ trong Nam ra, bà bảo khoảng nửa tháng nữa bà mới về. - ừ, bà có nói gì nữa không? - Có, bà bảo cu Tôm nhà cô Hòa biết lẫy rồi. Hôm sau, Khanh mang về cho Hằng một đôi khuyên tai có gắn kim cương bé tẹo mà những gần 4 triệu bạc. Hằng bảo: - ở quê em trồng sắn cả năm mới được số tiền thế này, hay là em không đeo nữa để tiền gửi về cho bố mẹ. - Vớ vẩn, cái nào đi cái ý, gửi tiền về cho bố mẹ sau. Khanh ôm ngang eo Hằng thì thầm: - Em đeo đôi khuyên tai này đẹp lắm. Hằng soi gương và nói “ Đẹp quá” để cho Khanh vui, nhưng thực ra, Hằng chẳng thấy mình chẳng đẹp thêm tí nào. Chồng Hằng vẫn đi làm về tương đối đúng giờ, công việc trao đổi qua E-mail, fax và điện thoại di động, Hằng vẫn đến cơ quan và làm những việc loanh quanh không tên đại loại như kiểu văn thư. Con bé giúp việc thỉnh thoảng vẫn ăn vụng và làm vỡ bát đĩa, tệ hơn là nó còn dùng nước hoa của cô, thật không tưởng tượng nổi... Thời gian vô tình vẫn trôi chẳng đợi chờ kẻ chậm chễ cũng không thiên vị người vội vàng. Hằng thấy mình như cây hoa bị chột sống trong chậu cảnh cũ kỹ ở khu vườn bỏ hoang. Cơ quan Hằng thì coi nàng như bông hoa cẩm chướng, cứ có khách là cô phải có mặt để ghi chép, để cười, để bắt tay, để đi đi lại lại… Chồng Hằng coi nàng như con mèo cảnh, đi đâu cũng ẵm đi theo ra vẻ ta nuôi được con mèo quí. Hôm trước, Hằng và Khanh về quê. Khanh mua cho bố mẹ cô cái Tivi màu và cái đầu đĩa cùng một lô đĩa Tuồng, Chèo, Cải lương... Chồng cô đóng chiếc TV đen trắng vào hộp cẩn thận và bảo mang ra Hà Nội để cho ôsin mang về quê. Hằng nói: - Anh thích gì mà chẳng được. Từ hôm về quê đến nay, Hằng vẫn thấy sởn gai ốc khi nghĩ đến cô gái có mái tóc dài tự tử trôi về khúc sông quê Hằng, thế nào mà xác mắc ngay vào gốc cây hoa Gạo. Họ bảo gốc cây Gạo đó có ma, nàng nghĩ ma đâu ở gốc cây Gạo, nó ở gần người nào nó yêu, hoặc căm thù. Hằng nói thế với Khanh. Anh bảo: - Đúng là văn nghệ sĩ hay lý luận hão huyền... Nàng thấy bị xúc phạm thực sự. Anh ta chỉ là người biết đếm tiền, vậy mà dám phát ngôn kiểu ấy, mình sẽ không tha thứ. Chiều nay, Hằng đi mua quần áo cùng một người bạn, nó bảo: - Mày lấy được chồng giàu sướng thật, nhưng được xinh như mày tao sẽ lấy chồng giàu hơn. Hằng nói: - Giàu làm gì cũng chỉ đến đủ ăn đủ mặc, đủ tiêu thì thôi. Tiền là con dao hai lưỡi đấy... - Lại lý luận, bọn nhà văn chúng mày hay nói kiểu ấy thế. Lại nói giống hệt Khanh, Hằng chỉ muốn đập vào mặt nó một nhát, trấn tĩnh lại Hằng nói: - Bọn nghèo nàn nhất, đáng sợ nhất là bọn nghèo nàn về tâm hồn như mày. Nó cười nhe nhởn: - Tao nghèo cả tiền bạc lẫn tâm hồn mới khổ, mới đáng sợ chứ. Hằng bỗng thấy chóng mặt, đau đầu cô uể oải nói: - Thôi, hôm nay về sớm tao thấy chóng mặt quá. - Sao mày bảo mày dặn chồng mày là chiều nay mày về nhà tao ăn cơm, tối mới về? - Tự dưng tao thấy người thế nào ấy, thôi tao về đây, mệt quá, khi khác mình gặp nhau vậy nhé. - Chắc là có tin vui chứ gì? - Cũng có thể, Hằng gượng cười, nhưng thấy người mất thăng bằng, thấy lành lạnh, thấy lợm giọng… Về tới nhà, may quá …Hằng chỉ kịp dựng chiếc xe máy to đùng ở cổng, cô ngồi thụp xuống đất thở dốc, phải mất hai ba phút cô mới lấy đà để đứng dậy bấm chuông, và phải đến vài phút mới thấy con bé giúp việc ra mở cửa, quần áo con bé xộc xệch, nhàu nhĩ, thậm chí còn cài lệch khuy. Hằng bỗng thấy con bé giống hệt người chết ở bến sông hôm nào, mái tóc xổ tung, nó mặc chiếc áo có những bông hoa đỏ rực y như những bông hoa Gạo, một màu đỏ rò rợ bủa vây quanh nó... Hằng nghĩ: chẳng lẽ ma lại trốn đến đây? Thì ra những con ma thời hiện đại dường như đã mắc phải sai lầm, nó đâu biết rằng nó đã trốn khỏi một chốn an toàn nhất./. Hà Nội 3/2004 Đ. T. P. N