Chương 6
THAY ĐỔI MỘT THÓI QUEN:

KHOA ĐIỀU KHIỂN

BẰNG LIÊN TƯỞNG

"Một thói quen bắt đầu giống như một sợi chỉ vô hình, nhưng mỗi lần chúng ta lặp lại hành động là chúng ta làm cho sợi chỉ dày lên, thêm một sợi vào trước, rồi thành một cuộn dây thừng cột chặt tư tưởng và hành động của chúng ta mà không thể nào tháo gỡ".
-ORISON SWETT MARDEN
Nếu chúng ta muốn thay đổi một thói quen, chỉ có một cách duy nhất đem lại hiệu quả: chúng ta phải liên tưởng tới những đau đớn tột độ và trực tiếp mà thói quen cũ gây ra cho chúng ta và những cảm giác vui sướng khôn tả mà một thói quen mới có thể mang lại. Ta hãy suy nghĩ thế này: nhờ kinh nghiệm, tất cả chúng ta học được một số lề lối suy nghĩ và cư xử để tránh đau khổ và có niềm vui. Chúng ta có những cảm giác như nhàm chán, thất vọng, tức giận, hay nặng nề và chúng ta tìm cách để chấm dứt những cảm giác này. Một số người đi mua sắm; một số thì đi nhậu nhẹt, số khác chơi bời; số khác sử dụng ma túy; số khác rầy la con cái. Ý thức hay không, họ biết rằng những hành động này sẽ làm dịu cơn đau khổ và cho họ một mức độ thỏa mãn tức thời nào đó.
Dù chọn cách nào, nếu chúng ta muốn thay đổi nó, chúng ta vẫn phải đi qua 6 bước đơn giản nhưng mang lại một kết quả trực tiếp và lâu bền để giải thoát ta khỏi đau khổ và mang lại niềm vui một cách hiệu quả và thanh tao hơn. Đó là 6 bước sau đây:
Bước thứ nhất
QUYẾT ĐỊNH XEM BẠN THỰC SỰ MUỐN GÌ
VÀ ĐIỀU GÌ NGĂN CẢN BẠN ĐẠT ĐƯỢC NÓ
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi có nhiều người tới xin tôi điều trị và khi tôi hỏi họ muốn gì, họ phải mất hai mươi phút để kể cho tôi nghe những gì họ không muốn hay những gì họ không còn muốn chịu đựng nữa. Chúng ta nên nhớ rằng mình chú tâm vào điều gì thì sẽ đạt được nó trong đời. Nếu chúng ta chú tâm vào những gì chúng ta không muốn, chúng ta sẽ lại càng có thêm nó. Bước thứ nhất để tạo sự thay đổi là quyết định xem bạn thực sự muốn gì để bạn nhắm vào nó mà tiến tới.
Chúng ta cũng phải tìm xem điều gì ngăn cản chúng ta đạt được điều mình muốn. Thường là do chúng ta sợ những đau khổ do sự thay đổi gây ra. Chúng ta thường suy nghĩ "Nếu tôi thay đổi, tôi sẽ phải chịu khổ", hay chúng ta có một nỗi sợ mơ hồ mà sự thay đổi có thể gây ra cho chúng ta.
Bước thứ hai
TÌM ĐỘNG LỰC: LIÊN KẾT
ĐAU KHỔ LỚN VỚI VIỆC KHÔNG THAY ĐỔI BÂY GIỜ
VÀ NIỀM VUI LỚN VỚI VIỆC THAY ĐỔI BÂY GIỜ
Nhiều người biết họ thực sự muốn thay đổi, thế mà họ không thể bắt đầu hành động! Không phải vì họ không có khả năng, mà vì họ không có động lực. Nếu có ai đó gí súng vào đầu chúng ta và nói, "Mày phải bỏ tình trạng ủ rũ này và bắt đầu cảm thấy vui vẻ ngay bây giờ", chắc hẳn không ai là không tìm hết cách để thay đổi tâm trạng của mình lúc đó.
Nhưng vấn đề là ở chổ chúng ta không tin chắc sự thay đổi là phải làm, mà chỉ là nên làm. Hoặc cũng có thể là phải làm, nhưng tới "ngày nào đó" thôi. Cách duy nhất để chúng ta thực hiện thay đổi ngay bây giờ là chúng ta tạo ra một sự khẩn trương tột độ khiến chúng ta buộc phải làm đến cùng.
Một trong những điều thúc đẩy hầu như mọi người phải thay đổi đó chính là tình trạng một người chạm tới ngưỡng đau khổ. Nghĩa là cảm nghiệm đau khổ sâu đậm tới mức bạn thấy mình phải thay đổi ngay bây giờ.
"Cho tôi một đòn bẩy đủ dài và một điểm tựa đủ mạnh,
tôi có thể một tay nâng nổi trái đất".
-ARCHIMEDES
Đòn bẩy mạnh nhất bạn có thể làm cho chính mình là sự đau khổ đến từ trong con người bạn, không phải từ bên ngoài. Mối đau khổ sâu xa nhất là bạn biết rằng mình đã không sống xứng đáng với những tiêu chuẩn đời sống của chính mình.
Vậy tại sao có người không chịu thay đổi mặc dù họ cảm thấy và biết rằng họ cần thay đổi. Là vì họ coi việc thay đổi sẽ đem đến đau khổ nhiều hơn là không thay đổi. Để thay đổi một ai và thay đổi chính mình, chúng ta phải đảo ngược quan điểm này, để tin rằng không thay đổi sẽ đem lại đau khổ to lớn và thay đổi mang lại kết quả đầy hấp dẫn và thích thú.
Để có đòn bẩy mạnh, bạn hãy nêu cho mình những câu hỏi nhắm vào đau khổ: "Tôi sẽ phải trả giá thế nào nếu không thay đổi?". Phần lớn chúng ta cân nhắc quá nhiều về cái giá phải trả cho việc thay đổi, mà ít cân nhắc những cái giá phải trả nếu không thay đổi. Bạn hãy làm sao cho mình cảm nhận thật sâu sắc sự đau đớn nếu không thay đổi, khiến cho bạn không thể nào do dự hành động.
Kế đến bạn hãy nêu những câu hỏi nhắm vào sự thỏa mãn để giúp bạn liên kết những cảm giác vui sướng với việc thay đổi: "Nếu tôi thay đổi, tôi sẽ cảm nhận thế nào về bản thân? Tôi có thể tạo được động lực lớn thế nào nếu tôi thay đổi trong cuộc đời? Gia đình và bạn bè sẽ cảm thấy thế nào? Bấy giờ tôi sẽ hạnh phúc hơn bao nhiêu?.
Chủ yếu là bạn hãy tìm ra thật nhiều lý do, những lý do đủ mạnh để thúc đẩy bạn hành động ngay lập tức, chứ không phải đợi một ngày nào đó trong tương lai. Nếu bạn không cảm thấy được thúc đẩy thực hiện sự thay đổi ngay bây giờ, có nghĩa là bạn thực sự không có động lực làm đòn bẩy.
Bước thứ ba
ĐOẠN TUYỆT THÓI QUEN TIÊU CỰC
Để mình cảm thấy luôn ở trong trạng thái ổn định, chúng ta phát triển những thói quen suy nghĩ, tập trung vào cùng những hình ảnh và ý tưởng, tự đặt ra cho mình cùng những câu hỏi. Vấn đề là ở chổ đa số chúng ta muốn có một kết quả mới, nhưng lại luôn hành động theo kiểu cũ. Có lần tôi đã được nghe một câu nói rằng định nghĩa của sự điên khùng là "Cứ làm đi làm lại cùng một việc mà lại mong đạt kết quả mới".
Xin bạn đừng hiểu lầm tôi. Bạn không có gì sai cả; Bạn không phải con người "cố định". Nguồn lực của bạn đã có sẳn trong bạn ngay lúc này rồi. Chỉ có điều là bạn cũng có những liên tưởng cố định thường ngăn cản bạn sử dụng khả năng ấy mà thôi. Điều bạn cần làm là tổ chức lại hệ liên tưởng của mình để nó ổn định hướng dẫn bạn theo hướng những ước muốn của bạn chứ không phải theo hướng những nỗi thất vọng và sợ hãi của bạn.
Chắc bạn từng nhìn thấy một con ruồi bị nhốt trong một căn phòng chứ? Nó lập tức tìm chổ có ánh sáng, vì thế nó lao về phía cửa sổ, đập mình vào cửa kính, có khi hàng giờ liền. Chắc bạn cũng từng nhận thấy có người làm y như vậy chứ? Họ rất muốn thay đổi; họ có đòn bẩy mạnh. Nhưng đòn bẩy dù mạnh đến đâu cũng không thể giúp bạn thoát ra được một cánh cửa đóng chặt. Bạn phải thay đổi phương pháp. Con ruồi chỉ có cơ hội thoát ra khỏi phòng nếu nó bay ngược lại và tìm xem có lối ra nào khác không?
Nếu bạn và tôi cứ theo cùng nề nếp cũ, thì chúng ta sẽ chỉ đạt được những kết quả cũ mà thôi. Mới đây, tôi có tạo ra một phương pháp khá thú vị để cắt đứt lề thói cũ, trong một đợt hội thảo 3 ngày tôi tổ chức ở chicago. Một người nói rằng anh ta thực sự muốn bỏ thói quen ăn quá nhiều chocolate, nhưng tôi thấy rõ là anh ta cảm thấy rất sung sướng khi nhận mình là một "tay ghiền chocolate". Thực vậy, anh ta còn mặc một chiếc áo thun mang hàng chữ "Tôi muốn cả thế giới, nhưng tôi sẽ nhân nhượng chocolate". Điều này cho thấy rõ người đàn ông này tuy có thể muốn bỏ ăn chocolate, nhưng vẫn cảm thấy có "cái lợi nào đó" trong việc duy trì thói quen này. Chính vì thế, anh ta không thể bỏ được nó. Anh ta chỉ có thể có lực bẩy nếu biết gán cho những liên tưởng đau khổ cho việc ăn chocolate. Lúc đó, anh ta sẽ tìm hết cách gỡ mình khỏi những đau khổ đó và tìm niềm vui sướng khác cho mình. và tôi đã giúp anh ta làm được điều này bằng cách tạo những liên tưởng đau khổ trong việc ăn chocolate và giúp anh tạo nên những thói quen mới mang lại cho anh niềm vui sướng.
Một trong những bí quyết hiệu quả để cắt đứt thói quen xấu là bạn phải thực hiện vào đúng lúc thói quen này tái diễn. Bạn hãy nhớ rằng, nếu chúng ta muốn có sự thay đổi mới, ta phải quyết tâm cắt đứt thói quen cũ. Phải tẩy sạch mọi dấu vết của thói quen cũ và tìm ra một thói quen mới, rồi tập đi tập lại thói quen này cho đến khi nhuần nhuyễn.
Làm thế nào cắt đứt
những thói quen tiêu cực
về cảm giác và hành động
Quả đúng là nếu chúng ta dành đủ thời gian để cắt đứt một thói quen, chúng ta sẽ có sự đổi mới. Một cách đơn giản để cắt đứt một thói quen là gạt bỏ những cảm giác gắn liền với thói quen đó trong tâm trí chúng ta. Lý do duy nhất khiến chúng ta buồn phiền là vì chúng ta diễn lại sự việc một cách nào đó trong tâm trí mình. Vì dụ, nếu giám đốc của bạn la rầy bạn và bạn cứ nghĩ đi nghĩ lại chuyện ấy suốt cả ngày, liên tục nghĩ đến việc bạn bị chửi mắng, thì bạn sẽ càng cảm thấy tệ hại hơn mãi. Sao bạn không gạt phăng cái cảm giác đó đi ngay từ đầu? Sao bạn không xóa sạch cảm giác đó đi một lần cho xong?
Bạn hãy làm thử thí nghiệm này. Hãy nghĩ ra một tình huống làm bạn cảm thấy buồn, thất vọng, hay tức bực. Bây giờ, bạn hãy thực hiện hai bước đầu tiên chúng ta đã học trên kia. Nếu bạn đang cảm thấy buốn vì tình trạng của bạn bây giờ, bạn muốn mình sẽ cảm thấy như thế nào? Tại sao bạn muốn cảm thấy như thế? Điều gì đang ngăn cản bạn không cảm thấy như bạn muốn? Nếu bạn có thể cảm thấy khác đi, điều đó sẽ tuyệt vời biết bao? Bây giờ, bạn hãy tìm một đòn bẩy. Nếu bạn không thay đổi cảm giác hiện có, bạn sẽ tiếp tục cảm thấy thế nào? Chắc chắn là tồi tệ lắm! Bạn có muốn phải trả cái giá đó và tiếp tục mang những cảm giác tiêu cực này đến người khác hay tình huống khác không? Nếu bạn có thể thay đổi bây giờ, bạn sẽ cảm thấy khoan khoái hơn chứ.
Bước thứ tư
TẠO MỘT SỰ CHỌN LỰA MỚI TÍCH CỰC
Bước thứ tư này có tính quyết định tuyệt đối cho việc thiết lập một sự thay đổi lâu bền. Thực vậy, nhiều người thất bại trong việc tìm ra một con đường để ra khỏi tình trạng đau khổ và bước sang tình trạng sung sướng, lý do lớn là vì người ta chỉ nhắm thay đổi nhất thời. Nhiều người đã đạt tới cực điểm của đau khổ buộc họ phải có thay đổi và họ thậm chí cũng đã cắt đứt được thói quen tiêu cực cũ. Nhưng sau đó, họ không có gì mới để thay thế cho kiểu mẫu cũ.
Nếu bạn không chắc chắn có thể tìm ra cách gỡ mình khỏi đau khổ và tìm ra niềm vui cho việc bỏ hút thuốc, uống rượu, hay các cảm xúc và thái độ khác, bạn có thể tìm ra câu trả lời bằng cách noi gương những người đã thành công trong việc thay đổi của họ liên quan đến các loại tập quán đó. Hãy tìm ra những mẫu gương đã đạt được những thay đổi lâu dài; tôi cam đoan là những người này đã có những lựa chọn để thay thế cho những lối ứng xử cũ.
Tôi xin kể cho bạn một ví dụ liên quan đến một bạn của tôi. Tên anh là Fran Tarkenton. Khi Fran và tôi cùng cộng tác với nhau trong chương trình sức mạnh bản thân trên tivi, anh ta có một thói quen làm tôi ngạc nhiên thật sự. Anh ta luôn luôn nhai thuốc lá. Cả khi chúng tôi đang ngồi trong một cuộc hội nghị, Fran cũng thường quay ra phía sau và nhổ nước miếng. Hành động này tạo một hình ảnh không đẹp về một con người có sức mạnh và thanh lịch. Thế mà anh ta đã mắc thói quen đó suốt 20 năm.
Sau này Fran cho tôi biết là anh cảm thấy nhai thuốc lá là một thú vui lớn nhất trong đời anh. Nó là người bạn thân nhất của anh.
Nhưng điều gì đã khiến anh bỏ được thói quen đó? Anh đã tìm ra đòn bẩy mạnh cho mình. Một hôm, nhờ một chút giúp đở của một người bạn, anh ta bắt đầu nhận ra việc nhai thuốc lá hoàn toàn không phù hợp với phẩm chất con người anh. Nó cho thấy anh không làm chủ được đời mình và vì đối với Fran, làm chủ cuộc đời là điều có giá trị cao nhất và là tiêu chuẩn tuyệt đối mà anh không thể hủy bỏ. Thật vô cùng đau đớn cho anh khi đang ở trong tình huống này. Anh bắt đầu làm cho trí óc của mình tập trung vào khả năng có thể bị ung thư miệng. Và anh gợi ra những hình ảnh tưởng tượng thật sinh động khiến chẳng bao lâu anh đã thành công loại bỏ ý tưởng nhai thuốc lá. Mùi vị của thuốc bắt đầu làm anh buồn nôn. Những hình ảnh này tạo cho anh một đòn bẩy mạnh giúp anh cắt đứt được sự liên tưởng giữa thuốc lá và niềm vui.
Bí quyết quan trọng nhất tiếp theo là Fran đã tìm ra những phương pháp mới để đạt những niềm vui còn hiệu quả hơn là thuốc lá. Anh miệt mài trong công việc làm ăn của mình với tất cả sức lực và bắt đầu đạt những kết quả lớn khiến cho công ty Knowledge ware của anh trở thành một trong những công ty phần mềm vi tính thành công nhất ở Wall street.
Thông thường, nếu chúng ta cắt đứt được những thói quen cũ đi, trí óc của chúng ta sẽ tự động tìm những thói quen mới để thay vào nhằm cung cấp cho chúng ta những cảm giác chúng ta mong ước. Thế nên những người bỏ hút thuốc thường lên cân: trí óc họ tìm ra cách thức mới để tạo niềm những cảm giác thích thú và giờ đây họ ăn được nhiều hơn để lên cân. Vì vậy, bí quyết ở đây chính là chúng ta cần ý thức chọn lựa những thái độ hay cảm giác mới để đưa vào thay thế cho những cảm giác cũ.
Bước thứ năm
ĐIỀU KHIỂN THÓI QUEN MỚI CHO TỚI KHI ỔN ĐỊNH
Điều khiển là cách bảo đảm rằng một sự thay đổi mà bạn tạo ra sẽ trở nên ổn định và lâu dài. Cách đơn sơ nhất để điều khiển một điều gì là lặp đi lặp lại nó cho tới khi trở thành một thói quen. Nếu bạn tìm thấy một chọn lựa nào tích cực, hãy luyện tập cho tới khi nó giúp bạn thoát khỏi sự đau khổ và đạt được sự thỏa mãn mau chóng. Trí óc của bạn sẽ bắt đầu liên tưởng đến điều này như một phương thế để đạt một kết quả ổn định. Nếu không làm được điều này, bạn sẽ lại rơi vào thói quen cũ.
Nếu bạn lặp đi lặp lại sự chọn lựa tích cực mới mẻ này với một mức độ cảm xúc mãnh liệt, bạn sẽ tạo được một con đường mới và nó sẽ tiếp tục trở thành một đại lộ đưa bạn tới kết quả rồi trở thành một phần của lối ứng xử thường xuyên của bạn. Hãy nhớ rằng, trí óc của bạn không thể phân biệt được điều gì bạn tưởng tưởng mãnh liệt với điều bạn thực sự cảm nghiệm. Việc điều khiển bảo đảm rằng bạn sẽ tự động đi trên con đường mới này, khiến cho thói quen cũ của bạn bị vượt qua và nó thực khó mà quay trở lại. Và thật dễ hiểu sức mạnh củng cố thói quen mới này sẽ làm cho tiến trình điều khiển nó đạt được một cách nhanh chóng.
"Không có gì mà việc luyện tập không thể làm.
Không có gì vượt quá tầm với của nó.
Nó có thể biến đổi thái độ xấu thành tốt.
Nó có thể tiêu diệt những nguyên tắc xấu
và tái tạo những nguyên tắc mới;
Nó có thể nâng con người lên bậc thiên thần".
-MARK TWAIN
Nguyên tắc tổ chức đầu tiên của mọi việc "Điều khiển thành công" là sức mạnh củng cố. Để ổn định trong việc tạo được một thái độ hay cảm xúc ổn định, chúng ta phải tạo được một thói quen điều khiển. Một thói quen điều khiển là kết quả của việc củng cố, cách riêng, bí quyết của việc tạo nên sự ổn định trong cảm xúc và thái độ của chúng ta là sự điều khiển chúng.
Quy luật củng cố
Mọi khuôn mẫu cảm xúc hay ứng xử mà được củng cố liên tục sẽ trở thành một phản ứng tự động và được điều khiển. Mọi khuôn mẫu mà chúng ta không củng cố được đều sẽ biến mất.
Chúng ta có thể củng cố thái độ của chúng ta hay của người khác bằng việc củng cố tích cực, nghĩa là mỗi khi chúng ta tạo ra được một thái độ mong muốn, chúng ta được tưởng thưởng có thể là một lời khen ngợi, một món quà, một sự tự do mới.v.v...Hoặc chúng ta có thể dùng sự củng cố tiêu cực. Nó có thể là một sự khó chịu, một sự ầm ỹ, thậm chí có thể là một hình phạt thể xác. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu rằng sự củng cố này không đồng nghĩa với hình phạt hay phần thưởng. Củng cố là đáp ứng một thái độ ngay sau khi nó xảy ra, trong khi phần thưởng hay hình phạt có thể xảy ra rất lâu sau đó.
Tuyệt đối phải định thời điểm
Định thời điểm thích hợp là điều sẽ quyết định tuyệt đối tính hiệu quả của việc điều khiển. Nếu một huấn luyện viên la to "Tuyệt vời!" ngay khi đội bóng của ông vừa có một cú banh đẹp, lời khen ngợi này có ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với việc ông chờ cho xong trận đấu mới khen ngợi. Tại sao? Vì chúng ta luôn luôn muốn liên kết cảm giác của việc củng cố với mẫu hành động đang xảy ra.
Một vấn đề mà nền tư pháp của chúng ta mắc phải là khi người ta phạm một trọng tội nào, họ thường không bị phạt ngay lập tức. Trí óc họ có thể biết rõ lý do của hình phạt, nhưng mẫu hành động xấu này không hề hấn gì-nó không bị ngăn chặn, cũng không có sự đau khổ gắn liền với nó ngay lúc ấy. Chúng ta phải luyện tập trí óc mình để hành động hiệu quả, không phải bằng lý luận mà bằng cảm xúc. Khó khăn là ở chỗ hầu hết chúng ta không nhận ra rằng chúng ta không ngừng điều khiển lẫn nhau và uốn nắn thái độ của nhau. Thường chúng ta điểu khiển người khác một cách tiêu cực chứ không tích cực.
Câu chuyện sau đây xảy ra với một bạn trai cũ của con gái tôi, Jolie. Jolie đang rất bận bịu với việc học hành, khiêu vũ và một vỡ kịch nó sắp diễn. Bạn trai của nó muốn nó gọi điện cho cậu ta hằng ngày và nếu hai ba ngày nó không gọi, cậu ta làm cho nó chịu khổ sở ghê gớm. Hiển nhiên, cậu ta muốn nó gọi điện thường xuyên hơn, nhưng cách hành động của cậu ta làm con bé bị phiền toái và buồn bực mỗi khi gọi điện.
Bạn có bao giờ cảm thấy có lỗi về chuyện này không? Nếu bạn muốn bạn gái, bạn trai, chồng, vợ, hay một người nào thân thiết với bạn gọi điện thường xuyên cho bạn, bạn thử nghĩ bạn này ép họ gọi điện cho bạn có hiệu quả không? Và khi họ gọi, bạn có chào họ với lời lẽ như sau "Ồ, thế là cuối cùng em đã gọi. Sẽ cứ tiếp tục như thế chứ? Tại sao cứ luôn luôn là anh phải gọi cho em?"
Hành động của bạn đang thực sự dần dần làm cho người kia không gọi cho bạn! Bạn đang tạo cho người ấy đau khổ ngay sau khi người ấy cố làm mọi cách để vừa lòng bạn. Kết quả là người ấy sẽ coi việc gọi điện cho bạn không phải là điều hứng thú nữa, mà là một cực hình. Và như bạn có thể đoán được, kiểu củng cố tiêu cực như thế sẽ thấm vào mọi khía cạnh của mối quan hệ và có thể dẫn tới chỗ kết thúc quan hệ.
Nếu bạn thực sự muốn ai đó gọi cho bạn, thì mỗi khi họ họi tới, bạn phải đáp lại với sự thích thú hân hoan. Nếu bạn nói với họ, bạn nhớ họ biết bao, bạn yêu họ biết bao, bạn biết ơn họ vì được nói chuyện với họ, chắc chắn họ sẽ sẳn sàng gọi lại cho bạn. Bạn hãy nhớ liên kết sự thích thú với thái độ nào mà bạn muốn người khác lặp lại.
Hãy định thời biểu cho việc cũng cố
để sự đổi mới có thể lâu dài
Khi bạn đang bắt đầu thiết lập một mẫu ứng xử mới hay cảm xúc mới, điều tối quan trọng là bạn phải củng cố chính bạn hay người có liên quan. Ban đầu, mỗi lần bạn muốn thực hiện mẫu ứng xử mong muốn (ví dụ, đẩy một cái khay còn đầy thức ăn trên đó), bạn cần phải có ý thức về việc củng cố sự thỏa mãn gắn liền với hành động đó. Tuy nhiên, nếu từ đó trở đi, mỗi lần bạn hành động, bạn đều củng cố nó, thì hành động đó sẽ không còn hiệu quả như trước.
Vì tôi đã tự hứa với mình sẽ luôn luôn giúp đỡ những người thiếu thốn, nên mỗi khi tôi đi qua các sân bay, tôi đều cho tiền những người ăn xin. Tôi sẽ không bao giờ quên được một người đàn ông kia luôn đứng ăn xin ở một chổ cố định tại một sân bay mà tôi thường đi. Lần nào đi qua chổ đó, tôi đều cho anh ta tiền. Có một buổi sáng, tôi rất vội và không có sẳn tiền trong túi. Khi đi qua mặt anh ta, tôi mỉm cười nói: "Chào anh! rất tiếc hôm nay tôi không có đồng nào trong túi!". Anh ta nổi giận vì tôi không còn cho anh ta tiền như tôi đã từng cho anh và anh đã từng cảm thấy rất vui sướng mỗi khi tôi cho.
Chúng ta cần nhớ rằng yếu tố bất ngờ thích thú là một cảm nghiệm rất sung sướng mà con người có thể có. Nó quan trọng hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Chính vì thế mà, nếu bạn muốn có một lối ứng xử lâu dài, bạn cần hiểu và sử dụng phương pháp gọi là định thời biểu cho việc củng cố một thói quen.
Chúng ta xem một ví dụ về việc huấn luyện cá heo. Ban đầu, để tập cho cá heo nhảy, người ta chờ cho cá heo tự động nhảy lên. Họ quan sát một hành động đúng của con vật và thưởng cho nó một con cá. Và cứ mỗi lần con cá heo tự ý nhảy lên, nó đều được thưởng một con cá, dần dần nó hiểu là nếu nó nhảy lên, nó sẽ được một con cá.
Tuy nhiên, về sau người huấn luyện chỉ thưởng cho cá heo nếu nó nhảy cao hơn. Bằng cách nâng tiêu chuẩn lên, người huấn luyện có thể hình thành thái độ của con cá heo. Trọng tâm là chổ này: Nếu lần nào con cá heo nhảy lên, nó đều được thưởng, nó sẽ quá quen và sẽ không đạt hiệu quả 100 phần trăm. Vì thế trong tương lai, con cá heo có khi nhảy lên lần đầu thì được thưởng, có khi phải tới lần thứ hai, có khi tới lần thứ năm. Nó sẽ không chắc cú nhảy nào được thưởng. Điều này khiến nó lúc nào cũng phải cố gắng hết sức. Phần thưởng không bao giờ được coi là đương nhiên.
Tình trạng này cũng tương tự với những người đánh bạc. Một lần họ đánh bạc được sẽ làm họ vui sướng và liên kết sự vui sướng này với sự thắng bạc của họ và nó kích thích họ để luôn luôn đánh bạc với mong đợi có được sự vui sướng ấy. Và phấn thưởng luôn luôn như miếng mồi nhử họ tiếp tục mãi. Ngược lại, một người chơi bạc mà không bao giờ được tiền, dần dần họ sẽ bỏ chơi.
Điều này cũng giống phản ứng của các nhân viên khi nhận tiền lương đều đặn mỗi tháng. Nếu tháng nào họ cũng nhận được cùng một số tiền lương cố định, họ sẽ cố gắng tối thiểu chỉ đủ để nhận tiền lương mà không có điều gì bất ngờ. Ngược lại nếu ngoài tiền lương, thỉnh thoảng họ còn được hưởng các điều bất ngờ khác, như tiền thưởng, lời khen, thăng bậc, thì họ sẽ dồn sức lực tối đa cho công việc để có thể được hưởng những điều bất ngờ thích thú đó. Điều quan trọng là những dịp bất ngờ này phải là bất ngờ thật, không thể đoán trước, nếu không nó sẽ lại trở nên quen thuộc và vô hiệu.
Bước thứ sáu
HÃY TRẮC NGHIỆM
Chúng ta đã học năm bước hình thành và điều khiển thói quen mới. Chỉ còn một bước thứ sáu là trắc nghiệm để xem nó có tác dụng trong tương lai hay không. Sau đây là một bảng trắc nghiệm đơn giản để giúp bạn bảo đảm rằng kiểu mẫu hành động mới của bạn hiệu quả, thích hợp và sẽ tồn tại lâu dài trong tương lai.
°TRẮC NGHIỆM VỀ HIỆU QUẢ°
1. Bảo đảm hoàn toàn liên kết sự đau khổ với khuôn mẫu cũ.
Khi bạn nghĩ đến thái độ hay những cảm xúc cũ của bạn, bạn có hình dung ra và cảm thấy bây giờ chúng đang gây đau khổ cho bạn thay vì sung sướng không?
2. Bảo đảm hoàn toàn liên kết sự thỏa mãn với khuôn mẫu mới.
Khi bạn nghĩ đến thái độ hay những cảm xúc mới, bạn có hình dung ra và cảm thấy đó là những điều bây giờ đang đem lại sự sung sướng thay vì đau khổ không?
3. Đối chiếu với các giá trị, niềm tin và qui luật của bạn.
Thái độ hay những cảm xúc mới có phù hợp với những giá trị, niềm tin và qui luật của bạn bạn trong đời sống không? (Chúng ta sẽ bàn tới vấn đề này trong một chương sau).
4. Bảo đảm duy trì được những lợi ích của thái độ cũ.
Thái độ hay nhũng cảm xúc mới có còn cho phép bạn hưởng những lợi ích và cảm giác sung sướng mà bạn từng có trong khuôn mẫu cũ không?
5. Sự tiến bộ trong tương lai. Hãy hình dung bạn đang thể hiện thái độ mới trong tương lai.
Hãy hình dung ra điều có thể thúc đẩy bạn chấp nhận khuôn mẫu cũ. Hãy cảm thấy chắc chắn rằng bạn có thể dùng khuôn mẫu mới thay vì khuôn mẫu cũ.
Sáu bước thực hiện việc điều khiển liên tưởng có thể dùng cho bất cứ điều gì: những thách đố trong các mối quan hệ, các vấn đề trong kinh doanh, dễ cáu giận và la mắng con cái.v.v...Ví dụ, bạn quá lo âu về những chuyện mà bạn không kiểm soát nổi. Bạn có thể sử dụng sáu bước điều khiển trên đây để thay đổi khuôn mẫu tiêu cực này như thế nào?
1) Hãy tự hỏi "Tôi muốn làm gì thay vì lo lắng?"
2) Tìm cho bạn đòn bẩy và nhận ra những gì mà sự lo lắng phá hoại trong cuộc đời bạn.
3) Cắt đứt khuôn mẫu tiêu cực đó! Mỗi khi bạn lo lắng, hãy cắt đứt khuôn mẫu ấy ngay.
4) Tìm ra một chọn lựa tích cực. bạn sẽ làm gì thay vì lo lắng? hãy mở nhật ký của bạn và viết ra kế họach bạn sẽ thực hiện ngay lập tức.
5) Điều khiển khuôn mẫu mới. Tưởng tượng một cách sinh động và tập luyện khuôn mẫu mới này với sự cảm xúc mãnh liệt cho tới khi tư tưởng, thái độ và cảm xúc mới này trở thành tự động. Củng cố thói quen này bằng cách thực hiện bước thứ nhất: Kiểm tra để thấy bạn liên tục thành công.
6) Trắc nghiệm xem nó có tác dụng lâu dài không. Hãy nghĩ đến tình huống từng làm bạn lo lắng và tìm cách gạt bỏ sự lo lắng trong tình huống ấy.

Truyện ĐÁNH THỨC CON NGƯỜI PHI THƯỜNG TRONG BẠN LỜI NÓI ĐẦU Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Đã xem 399313 lần. --!!tach_noi_dung!!--


Chương 4
NHỮNG NIỀM TIN CỦA TA:

SỨC MẠNH XÂY DỰNG

VÀ SỨC MẠNH HỦY HOẠI

--!!tach_noi_dung!!--
"Suy nghĩ của chúng ta như thể bức màn che của tinh thần,
nó chứa đựng tất cả niềm tin mà chúng ta diển tả trong cuộc sống".
-ANTONIO MACHADO
Anh ta cay đắng và tàn bạo, một tay nghiện rượu và ma túy, đã mấy lần tự tử nhưng không chết. Hôm nay anh ta lãnh cái án tù chung thân vì tội cố sát một nhân viên thâu ngân cửa hàng rượu vì đã dám "cản đường" anh ta. Anh ta có hai đứa con trai. Chỉ cách nhau mười một tháng. Một đứa lớn lên giống hệt cha nó: một con nghiện ma túy chỉ biết sống bằng cướp giật và trộm cắp cho tới khi chính nó cũng phải vào tù vì tôi mưu sát. Nhưng đứa kia thì khác hẳn: nó lớn lên và trở thành cha của ba đứa nhỏ, gia đình êm ấm, hạnh phúc. Nay anh làm giám đốc của một công ty lớn cấp quốc gia và anh vui thích với công việc đầy thách đố nhưng cũng đem lại sự thỏa mãn cho anh. Thân hình cân đối, không nghiện rượu hay ma túy. Làm sao hai người thanh niên sinh ra và lớn lên trong cùng một môi trường lại có thể khác biệt nhau đến thế? Người ta đã hỏi riêng từng người, "Tại sao đời anh trở nên như thế?" lạ thay, cả hai đưa ra cùng một câu trả lời:"Tôi có thể nào trở nên khác hơn được khi tôi được lớn lên với một người cha như thế?".
Chúng ta thường bị cám dỗ cho rằng các hoàn cảnh điều khiển cuộc sống chúng ta và môi trường đã dệt nên con người chúng ta hôm nay. Không có gì sai lạc bằng. Không phải hoàn cảnh dệt nên đời sống chúng ta, mà chính những niềm tin của chúng ta tạo ý nghĩa cho hoàn cảnh.
Hai Phụ nữ vừa mừng thọ 70, nhưng mỗi người nhìn biến cố này một cách khác. Một bà"biết" rằng đời mình đã xế bóng. Đối với bà, 70 năm sống đã làm tàn tạ cơ thể bà và bà nên nghĩ tới cái chết. Bà kia thì lại tin rằng con người làm được gì là tùy ở niềm tin của mình và vì thế bà đã đề ra một lý tưởng cao hơn cho mình. Bà tin rằng leo núi là một loại thể thao thích hợp ở tuổi của bà. Suốt 25 năm sau đó bà đã dấn mình vào cuộc mạo hiểm mới này và đã chinh phục được một số đỉnh núi cao nhất thế giới và cho tới nay, khi ở tuồi 90, Hulda Crooks đã trở thành người phụ nữ già nhất thế giới leo tới đỉnh núi Phú Sĩ.
Bạn thấy đấy, cái dệt nên cuộc đời chúng ta hôm nay và ngày mai không phải là hoàn cảnh, mà là ý nghĩa mà chúng ta gán cho các hoàn cảnh mình sống. Niềm tin là cái tạo sự khác biệt giữa một cuộc đời vui tươi cống hiến và một cuộc đời khốn khổ hủy diệt. Niềm tin biến một số người thành anh hùng, đang khi một số khác thành những con người cam phận.
"Thuốc không phải luôn luôn cần thiết,
nhưng niềm tin chắc khỏi bệnh là điều luôn luôn cần."
-NORMAN COUSINS
Tôi may mắn được quen biết Norman Cousins từ gần 7 năm nay và tôi cũng may mắn thu băng được cuộc phỏng vấn với ông một tháng trước khi ông qua đời. Trong cuộc phỏng vấn, ông chia sẻ với tôi một câu chuyện chứng tỏ niềm tin của chúng ta ảnh hưởng mạnh mẽ trên thân xác chúng ta như thế nào. Tại một trận đấu banh ở Monterey Park, ngoại ô Los Angeles, nhiều người có những triệu chứng bị ngộ đôc thức ăn. Bác sĩ khám nghiệm kết luận nguyên nhân là tại loại nước giải khát ở máy bán nước tự động, vì tất cả những người bị ngộ độc đều đã mua nước giải khát ở đó. Một thông báo được phóng thanh trên loa cảnh cáo không mua nước ở máy bán nước tự động vì đã có người bị ngộ độc và mô tả các triệu chứng ngộ độc. Thế là một bầu không khí hốt hoảng tràn ngập các khán đài và hàng loạt người ngất xỉu khi nghe tin này. Thậm chí có những người chưa từng đứng gần chiếc máy bán nước cũng bị bệnh! Các xe cứu thương tới tấp chạy đến đưa các người bị bệnh đi bệnh viện. Đến khi người ta khám phá ra lỗi không phải ở chiếc máy bán nước giải khát, lập tức những người đã bị bệnh cảm thấy được khỏi bệnh một cách lạ lùng.
Chúng ta cần hiểu rằng niềm tin của chúng ta có khả năng làm chúng ta bị bệnh hay làm chúng ta khoẻ mạnh ngay tức thì. Người ta đã chứng minh rằng niềm tin ảnh hưởng đến hệ miễn nhiễm của chúng ta. Quan trọng hơn cả, niềm tin có thể cho chúng sự dứt khóat hành động, hay có thể làm suy yếu và hủy diệt động lực của chúng ta.
Thế nên, nếu muốn điều khiển đời mình, chúng ta phải ý thức kiểm soát các niềm tin của mình. Và để làm điều này, trước hết chúng ta phải hiểu rõ niềm tin là gì và nó được hình thành như thế nào.
Niềm Tin là Gì?
Nhiều người coi niềm tin như một sự vật, nhưng thật ra nó là một cảm giác chắc chắn về một điều gì đó. Nếu bạn nói rằng bạn thông minh, có nghĩa là bạn nói,"Tôi cảm thấy chắc chắn tôi thông minh". Cảm giác chắc chắn này cho phép bạn khai thông những nguồn năng lực giúp bạn tạo được những kết quả thông minh. Tất cả chúng ta đều có sẳn nơi mình câu trả lời cho hầu hết mọi chuyện hay ít ra chúng ta có thể tìm những câu trả lời cần thiết nhờ những người khác. Nhưng chúng ta thường thiếu niềm tin, thiếu sự chắc chắn, khiến chúng ta không sử dụng được khả năng có sẳn nơi mình.
Ví dụ đơn sơ giúp bạn dễ hiểu niềm tin là gì. Bạn hãy nghĩ ra một ý tưởng. Bạn có thể nghĩ ra vô số ý tưởng, nhưng bạn không thực sự tin. Chẳng hạn bạn có ý tưởng bạn là một cô gái hấp dẫn. Bạn hãy ngưng lại giây lát và nói trong lòng, "Tôi là một cô gái hấp dẫn". Câu nói này là một ý tưởng hay là một niềm tin còn tùy ở mức độ bạn cảm thấy chắc chắn bao nhiêu khi nói lên câu đó. Nếu bạn nghĩ, "Thực ra tôi không hấp dẫn", thì điều bạn thực sự muốn nói sẽ là, "Tôi không cảm thấy chắc chắn mình hấp dẫn hay không".
Làm thế nào đổi một ý tưởng thành niềm tin? Tôi xin cống hiến bạn một ẩn dụ cho dễ hiểu. Giả sử bạn có thể nghĩ đến một cái mặt bàn không có chân. Nó giúp bạn hiểu tại sao một số ý tưởng không chắc chắn bằng một niềm tin. Không có chân, mặt bàn không thể đứng được. Ngược lại, niềm tin thì có chân. Nếu bạn thật sự tin rằng, "Tôi hấp dẫn", làm thế nào bạn biết là bạn hấp dẫn? Chắc chắn là bạn có những chứng cớ để bênh vực cho ý tưởng của bạn, những kinh nghiệm trong cuộc sống để hổ trợ ý tưởng đó. Những kinh nghiệm đó là những cái chân làm cho mặt bàn của bạn đứng vững, làm cho niềm tin của bạn chắc chắn.
Một khi bạn hiểu được niềm tin là gì, bạn có thể bắt đầu tìm hiểu xem niềm tin của bạn hình thành như thế nào, cũng như bạn có thể thay đổi nó ra sao.
Trước hết chúng ta có thể phát triển niềm tin của mình về bất kỳ điều gì, chỉ cần chúng ta tìm ra đủ những chân, những kinh nghiệm minh chứng để xây dựng niềm tin ấy. Giả sử bạn có khá nhiều kinh nghiệm trong đời sống, hay bạn quen biết những người đã gặp chua xót trong quan hệ với người khác, bạn có thể hình thành niềm tin rằng con người là xấu xa và nếu có dịp, người ta sẽ lợi dụng bạn. Hay ngược lại, nếu bạn có những kinh nghiệm trong đời để chứng minh cho ý tưởng rằng nếu bạn thực sự quan tâm tới người khác và cư xử tốt với mọi người, thì bạn sẽ có niềm tin này: Con người vốn có tính tốt và sẳn sàng giúp đỡ bạn.
Tất cả những người thành đạt xuất sắc mà tôi có dịp phỏng vấn đều có khả năng làm cho mình cảm thấy chắc chắn sẽ thành công, cho dù trước họ chưa có ai làm được. Họ có khả năng tự tạo ra kinh nghiệm qui chiếu cho mình mà những kinh nghiệm này trước đó chưa từng có hoặc được coi là không thể thực hiện.
Bất cứ ai sử dụng máy tính cá nhân đều biết đến cái tên "Microsoft". Nhưng điều ít người biết đến Bill Gates, người đồng sáng lập công ty này, không chỉ là một thiên tài gặp may, mà là một con người đã biết tự tạo ra kinh nghiệm để hỗ trợ niềm tin của mình. Khi biết rằng công ty Albuquerque đang khai triển một thứ gọi là "máy tính cá nhân" cần đến phần mềm BASIC, Bill Gates đến gặp họ và hứa bán cho họ phần mềm, mặc dù vào lúc đó ông chưa hề có thứ phần mềm này. Đã hứa, ông phải kiếm cách thực hiện. Thiên tài đích thực của ông là ở khả năng tự tạo ra niềm tin chắc chắn. Có rất nhiều người cũng thông minh như ông, nhưng ông biết sử dụng niềm tin để khai thông nguồn năng lực của mình và chỉ trong ít tuần lễ, ông cùng một đối tác đã viết ra một ngôn ngữ để biến máy tính cá nhân thành hiện thực. Bằng việc quyết tâm và tìm ra lối đi, Bill Gates đã khởi động ngày hôm đó một chuỗi những sự kiện sẽ làm thay đổi toàn diện lề lối kinh doanh của người ta và đã trở thành tỷ phú khi mới 30 tuổi. Niềm tin mang lại sức mạnh!
Bạn có biết câu chuyện chạy một dặm trong 4 phút không? Từ trước tới nay, người ta vẫn tin là không ai có thể chạy một dặm mà chỉ mất 4 phút thôi. Thế mà vào năm 1954, Roger Bannister đã phá vỡ sự tin tưởng vững chắc ấy. Anh quyết tâm thực hiện bằng được "điều không thể" ấy, không những bằng việc luyện tập thể dục, mà còn bằng việc không ngừng lặp lại trong trí mình rằng mình có thể làm được việc này, khiến hệ thần kinh của anh đã hình thành một mệnh lệnh bắt buộc anh đạt cho bằng được kết quả. Tuy nhiên, nhiều người không nhận ra khía cạnh vĩ đại nhất của thành công này lại chính là những gì anh đạt được cho người khác. Hầu như không ai dám nghĩ là có thể đạt kỷ lục chạy 4 phút một dặm, thế mà chỉ trong vòng một năm sau khi Roger phá kỷ lục, 37 vận động viên khác cũng đã phá kỷ lục này. Kinh nghiệm của anh đã cống hiến cho họ mẫu gương đủ vững vàng để tạo nên nơi họ niềm tin chắc chắn rằng chính họ cũng có khả năng làm"điều không thể". Và một năm sau đó nữa, 300 vận động viên khác đã đạt cùng một thành tích như thế!
"Niềm tin nào trở thành chân lý cho tôi...
là niềm tin cho phép tôi sử dụng hết sức lực của mình,
dồn hết năng lực của mình vào hành động"
-ANDRE GIDE
Những người từng gặp những thất bại trong quá khứ thường dễ tin rằng họ sẽ không thể thành công trong tương lai. Vì thế, do sợ thất bại, họ bắt đầu liên tục suy nghĩ sao cho thật "thực tế". Nhiều người khi phát biểu, "chúng ta phải tỏ ra thực tế", thực ra là họ đang sợ hãi, sợ lại thất bại lần nữa. Vì sợ, họ có những niềm tin làm cho họ do dự, không dám dấn thân và vì thế họ chỉ đạt những kết quả hạn chế.
Các lãnh tụ vĩ đại thường ít khi "thực tế". Họ thông minh và họ chính xác, nhưng họ không thực tế theo tiêu chuẩn của người thường. Gandhi tin rằng ông có thể giành độc lập cho Ấn Độ mà không cần dùng bạo lực để đối chọi với nước Anh, một chuyện chưa từng xảy ra trước đó. Ông không thực tế, nhưng ông chứng tỏ ông chính xác. Cũng thế, một người tin rằng mình có thể tạo niềm vui cho dân chúng bằng việc xây dựng một công viên giải trí giữa một khu rừng cam và ai muốn vào cửa cũng phải mua vé. Hồi đó, chưa hề có loại công viên nào như thế trên thế giới. Thế mà Walt Disney đã có một niềm tin chắc mà ít người có được và niềm tin lạc quan của ông đã biến đổi hoàn cảnh.
"Chỉ trong trí tưởng tượng của con người,
chân lý mới tìm được sự tồn tại hiểu quả và chắc chắn.
Trí tưởng tượng, chứ không phải sự phát minh,
mới là ông chủ tuyệt đối của nghệ thuật và của đời sống"
-JOSEPH CONRAD
Một thách đố lớn nhất trong đời sống mỗi người là quan niệm thế nào về "thất bại". Cách chúng ta đối phó với những thất bại của đời sống và cách chúng ta xác định nguyên nhân của thất bại sẽ hình thành định mệnh của chúng ta. Đôi khi chúng ta gặp quá nhiều thất bại đau đớn khiến chúng ta bắt đầu tiêm nhiễm xác tín rằng chúng ta chẳng có thể làm gì để cải thiện tình thế được. Chúng ta cảm thấy mọi cố gắng của chúng ta chỉ là uổng công và chúng ta rơi vào tình trạng vô vọng.
Nguyên nhân của tình trạng vô vọng này là do chúng ta nghĩ sự thất bại của chúng ta là cái gì vĩnh viễn, toàn diện và cá nhân.
Nhiều danh nhân trên thế giới đã thành đạt vang dội mặc dù họ cũng gặp vô số những vấn đề và trở ngại to lớn. Họ khác với những người dễ đầu hàng ở chổ họ không coi những khó khăn hay thất bại của họ là vĩnh viễn. Tám năm về trước, Khi tôi đã rơi xuống tận cùng của cuộc đời mình và hoàn toàn thất vọng với mọi chuyện, tôi đã tin chắc vấn đề của tôi là vĩnh viễn không thể cứu vãn. Có thể coi như đời sống cảm xúc của tôi đã chết. Thế nhưng tôi đã tỉnh ngộ. Tôi thấy rằng niềm tin ấy của tôi đã gây ra biết bao đau khổ, thế là tôi quyết định hủy diệt niềm tin ấy và không bao giờ còn chiều theo nó nữa. Bất kỳ điều gì xảy đến cho cuộc đời bạn, bạn phải có khả năng tin rằng, "chuyện gì cũng sẽ qua đi thôi".
Yếu tố thứ hai tạo khác biệt giũa người thành đạt và người thất bại, đó là người thành đạt thì lạc quan, còn người thất bại thì bi quan và tin rằng vấn đề của mình là toàn diện. Người thành đạt không bao giờ coi một vấn đề là toàn diện, không cho rằng vấn đề đó chi phối toàn diện cuộc sống họ. Họ luôn luôn coi nó như chỉ là "một chút thay đổi trong nếp sống mà thôi". Vì thế dù có gặp vấn đề gì đi nữa, họ vẫn tin chắc rằng mình có thể làm chủ đời sống mình.
Loại tin tưởng thứ ba thuộc về cá tính. Nếu chúng ta không coi những thất bại như một đòn bẩy để thay đổi phương pháp của mình, mà coi nó như một vấn đề cá nhân, một khuyết điểm thuộc cá tính của mình, thì chúng ta sẽ bị nản lòng ngay.
Những loại tin tưởng tiêu cực đó có thể là những liều thuốc độc giết chết cuộc sống bạn từ từ. Vì thế bạn phải tránh với bất cứ giá nào.
Thay đổi niềm tin thế nào?
Mọi sự phá vỡ bế tắc nơi con người đều bắt đầu với một sự thay đổi niềm tin. Vậy chúng ta thay đổi thế nào? Phương pháp hiệu quả nhất là làm cho tâm trí bạn coi niềm tin cũ như là nguyên nhân của những đau khổ lớn. Bạn phải làm sao tin chắc rằng niềm tin đó không chỉ gây đau khổ cho bạn trong quá khứ, mà cả trong hiện tại và có thể trong tương lai nữa. Rồi bạn phải làm cho tâm trí bạn cảm thấy vui sướng với ý nghĩ có một niềm tin mới mãnh liệt. Nên nhớ rằng chúng ta làm bất cứ điều gì cũng nhằm tránh đau khổ hay đạt niềm vui sướng, vì thế, nếu chúng ta tin là điều gì đó gây đau khổ khá lớn, chúng ta sẽ thay đổi được.
Kế đến, hãy tạo sự hoài nghi. Nếu bạn thành thật với chính mình, bạn có nghĩ là có những niềm tin trước kia bạn dùng để tự biện hộ suốt nhiều năm qua, nhưng nay bạn phải bối rối khi nhìn nhận nó? Điều gì xảy ra vậy? Có gì đó làm bạn nghi ngờ: Có thể là một kinh nghiệm mới, có thể là một khuôn mẫu đối lập với niềm tin cũ của bạn. Chúng ta có những kinh nghiệm mới và những kinh nghiệm này khiến chúng ta đặt câu hỏi, cắt đứt những khuôn mẫu niềm tin cũ và bắt đầu làm chúng lung lay.
Kinh nghiệm mới tự nó không tạo nên thay đổi. Kinh nghiệm mới chỉ kích thích sự thay đổi nếu nó làm chúng ta chất vấn các niềm tin của mình. Hãy nhớ rằng, khi chúng ta đã tin điều gì, chúng ta hoàn toàn không chất vấn nó nữa. Nên nếu chúng ta thành thật chất vấn niềm tin của mình là chúng ta không còn cảm thấy tuyệt đối chắc chắn về nó nữa. Nếu chúng ta xem xét kỹ, chúng ta có thể phát hiện ra rằng điều mà chúng ta đã nhiều năm tin tưởng một cách vô thức, chúng ta đã dựa trên những giả định sai lầm.
Nếu bạn chất vấn một điều gì đủ mức, rốt cuộc bạn sẽ bắt đầu nghi ngờ điều ấy, Nhiều năm trước, tôi đã có cơ hội hiếm hoi với quân lực Mỹ và những thành công to lớn của tôi đã đưa tôi tới làm việc với cơ quan CIA. Trong khi làm việc, tôi đã có cơ hội học hỏi từ một viên chức cấp cao CIA. Phải thừa nhận rằng những kỹ năng mà ông và nhiều người khác như ông đã sử dụng để làm lay chuyển những niềm tin xác tín của người khác và thay đổi các niềm tin của họ quả là vô cùng kỳ diệu. Họ tạo một bầu không khí khiến cho người ta nghi ngờ những gì mình vẫn tin tưởng từ trước đến giờ, rồi họ cung cấp cho người ta những ý tưởng và kinh nghiệm mới để củng cố việc đón nhận các niềm tin mới. Tôi đã đem áp dụng những kỹ năng này vào chính mình để loại bỏ những niềm tin vô ích và thay thế bằng những niềm tin mạnh mẽ.
Cách để tiến bộ trong đời sống là học hỏi gương mẫu đời sống của những người đã thành đạt. Đó là những động lực mạnh, thích thú và những con người này luôn có quanh ta. Hãy hỏi họ những câu như sau:" Niềm tin nào đã khiến bạn thành công? Niềm tin nào đã khiến bạn vượt trội hơn những người khác?"
Những cải thiện nho nhỏ thì dễ tin,
nên có thể đạt được
.
Pat Riley là huấn luyện viên bóng rổ thành công nhất trong lịc sử của NBA. Có người cho rằng ông may mắn vì có những cầu thủ siêu sao. Thực tình ông có trong tay những cầu thủ siêu sao, nhưng nhiều người khác cũng có những nguồn lực mạnh để thành công mà đã không được như Pat. Pat có khả năng làm việc này là dựa trên niềm tin và sự quyết tâm. ông kể là vào mùa bóng đầu năm 1986 ông gặp một thách đố nặng nề. Nhiều cầu thủ của ông đã cố gắng hết sức trong năm ngoái nhưng đã thua đội Boston Celtics. Để tìm ra một kế họach có thể tin tưởng được nhằm kích thích các cầu thủ tiến lên, ông đã chủ trương nhắm vào chủ đề "Những cải thiện nhỏ". Ông đã thuyết phục các cầu thủ mình tin rằng mỗi người chỉ cần tăng thêm 1 phần trăm chất lượng của mình sẽ làm cho chất lượng của trận đấu thay đổi hẳn. Nghe ra thì có vẻ quá nhỏ nhoi vô nghĩa, nhưng nếu bạn nghĩ đến 12 cầu thủ mỗi người tăng thêm 1 phần trăm khả năng của mình trong 5 lãnh vực, thì nỗ lực phối hợp của họ sẽ tạo ra một đội bóng với hệu quả tăng lên 60 phần trăm. vậy mà chỉ cần tăng 10 phần trăm đã đủ để chiến thắng. Tuy nhiên, giá trị của triết lý này là mọi người đều tin rằng điều đó có thể đạt được. Mọi người cảm thấy chắc chắn mình có thể cải thiện ít nhất là 1 phần trăm khả năng tối đa của mình trong năm lĩnh vực lớn của trò chơi và niềm tin chắc theo đuổi mục tiêu đã khiến họ đạt tới những tiềm lực còn cao hơn thế nữa. Kết quả ra sao? Hầu hết các cầu thủ đã tăng từ 5 phần trăm năng lực trở lên, nhiều người tăng đến 50 phần trăm. Theo Pat Riley, mùa bóng 1987 đã trở thành mùa chiến thắng dễ dàng nhất. Niềm tin có tác dụng nếu bạn quyết tâm gắn bó vào nó.
Chúng ta đã khám phá ra được nhiều điều về niềm tin, nhưng để thực sự làm chủ đời mình, chúng ta phải biết chúng ta đã dùng những niềm tin nào để hướng dẫn cuộc đời mình.
Vậy thì ngay bây giờ, bạn hãy ngưng mọi công việc bạn đang làm và dành cho tâm trí bạn chừng 10 phút sảng khoái. Bạn hãy nghĩ đến tất cả những niềm tin bạn đang có, những niềm tin hiệu quả cũng như những niềm tin vô ích: Những niềm tin nho nhỏ tưởng chừng vô nghĩa lý và những niềm tin to lớn có vẻ tạo nên khác biệt quan trọng.
Bạn hãy viết ra giấy tất cả những niềm tin ấy, rồi tìm cách củng cố những niềm tin hiệu quả và loại bỏ những niềm tin vô ích hay tiêu cực.
Tài lãnh đạo và sức mạnh của niềm tin
Các người lãnh đạo là những con người sống bằng niềm tin mạnh và dạy cho người khác khai mở những tiềm năng dồi dào của họ bằng cách thay đổi những niềm tin đã từng bóp nghẹt họ. Một lãnh đạo vĩ đại từng gây ấn tượng cho tôi là một giáo viên, tên bà là Marva Collins. Ba mươi năm trước đây, Marva đã sử dụng năng lực của mình và quyết định làm nên tương lai bằng cách thay đổi cuộc sống của những trẻ em. Bà gặp ngay một thách đố lớn: Khi vừa bắt tay vào công việc dạy học lần đầu tiên ở Chicago, đám học sinh hạng hai của bà đã quyết định là chúng không muốn học gì hết. Nhưng sứ mệnh của Marva là uốn nắn cuộc đời của chúng. Bà không chỉ có niềm tin là có thể ảnh hưởng đối với chúng, mà bà còn có một sự xác tín sâu sắc và đầy say mê là sẽ ảnh hưởng đến suốt cuộc đời chúng. Bà không chịu một giới hạn nào đặt ra cho mình. Đứng trước những học sinh bị đánh giá là mắc những khuyết tật về đọc chữ và đủ thứ rối loạn nhân cách khác, bà đã quan niệm rằng vấn đề không phải là ở các trẻ em, mà là ở cách thức người ta dạy dỗ chúng. Chưa có ai thách thức khả năng chúng và vì thế chúng không có niềm tự tin. Chúng không có kinh nghiệm nào để đo lường đúng thực lực của mình. Theo bà, con người đáp ứng lại thách đố và những trẻ em này cần có thách đố hơn bất cứ điều gì khác.
Vì vậy bà loại bỏ tất cả những sách soạn riêng cho hạng trẻ em học chậm và thay vào đó, bà dạy các em những tác phẩm của Shakespeare, Sophocles và Tolstoy. Tất cả các giáo viên khác điều lắc đầu, "Bà ta điên chắc! Lũ trẻ làm sao hiểu nổi những sách ấy?" Và nhiều đồng nghiệp chỉ trích cá nhân bà, cho rằng bà đang làm hại cuộc đời những đứa trẻ. Nhưng những học sinh của Marva không những hiểu được những tác phẩm đó mà còn ham thích nữa. Tại sao? Vì bà tin mãnh liệt vào phẩm chất độc đáo của tâm trí mỗi đứa trẻ, cũng như khả năng học tập của mỗi đứa. Bà truyền đạt với chúng bằng tất cả sự hợp lý và tình thương khiến bà tạo được cho chúng niềm tự tin một số em cảm nghiệm điều này lần đầu tiên trong đời. Những kết quả bà đã tạo ra được trong nhiều thập niên quả là kỳ diệu.
Lần đầu tiên tôi gặp Marva và phỏng vấn bà ở Westside Preparatory School, một trường tư bà đã lập bên ngoài hệ thống học đường của thành phố Chicago. Sau khi gặp gỡ với bà, tôi yêu cầu phỏng vấn một vài học sinh của bà. Học sinh đầu tiên tôi gặp là một cậu bé bốn tuồi, với một nụ cười làm bạn say mê. Tôi bắt tay cậu bé.
"Chào, chú là Tony Robbins".
"Chào chú Robbins, tên cháu là Talmadge E. Griffin. Cháu bốn tuổi, chú muốn hỏi gì cháu?"
"Tốt lắm, Talmadge. Cháu nói cho chú biết mấy hôm nay cháu đang học cái gì?"
"Cháu học nhiều thứ lắm!"
"Được, vậy cháu đã đọc những sách gì?"
"Cháu vừa đọc xong cuốn Mèo và Người, của John steinbeck".
Rõ ràng là tôi bị ấn tượng trước câu trả lời này. Tôi hỏi cậu bé cuốn sách nói gì và tôi nghĩ bụng thằng bé sẽ nói tầm phào bất kể điều gì.
Nó kể, "Vâng, vai chính của câu chuyện là..."
Lúc này thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Rồi tôi hỏi em học được bài học gì từ cuốn sách.
"Thưa chú Robbins, cháu không chỉ học ở cuốn sách. Cuốn sách đã thấm vào tâm hồn cháu".
Tôi cười lớn tiếng và hỏi, "Cháu nói "thấm" nghĩa là sao?"
"Là tràn vào khắp người" và nó cho tôi một định nghĩa đầy đủ hơn là tôi có thể mô tả cho bạn.
"Cái gì làm cháu cảm động nhiều đến thế trong cuốn sách này, hả Talmadge?"
"Chú Robbins, trong câu chuyện cháu nhận thấy trẻ con không bao giờ đánh giá người khác bằng màu da của họ. Chỉ có người lớn làm thế. Điều cháu học được ở cuốn sách này là dù sau này có trở thành người lớn, cháu cũng sẽ không bao giờ quên những bài học thời thơ ấu".
Tôi bắt đầu muốn khóc vì thấy rằng Marva Collins đang cung cấp cho cậu bé này và biết bao đứa trẻ khác những niềm tin mãnh liệt để tiếp tục hình thành những quyết định của các em không chỉ hôm nay mà cho suốt cuộc đời. Marva nâng cao phẩm chất đời sống các học sinh của bà bằng việc sử dụng ba nguyên tắc tổ chức tôi đã nói đến ở đầu cuốn sách: bà tạo được cho các em khả năng đề ra cho mình những tiêu chuẩn cao hơn, bà giúp đỡ để các em có những niềm tin mới và hiệu quả giúp các em vượt qua những niềm tin tiêu cực cũ và bà hỗ trợ tất cả điều này bằng những kỹ năng đặc biệt và những chiến lược cần thiết để thành công trong suốt cuộc đời. Kết quả ư? Những học sinh của bà không chỉ trở nên tự tin hơn, mà còn giàu khả năng. Những kết quả trước mắt về học hành của các em thật là kỳ diệu và những kết quả về lâu dài cho cuộc sống các em thật là sâu xa.
Cuối cùng, tôi hỏi Tamadge, "Bà Collins đã dạy cháu điều gì là quan trọng nhất?"
"Điều quan trọng nhất bà Collins dạy cháu là xã hội có thể dự báo, nhưng chỉ có cá nhân cháu sẽ xác định số phận cho mình!"
Có lẽ tất cả chúng ta cần nhớ những bài học của một đứa trẻ. Với những niềm tin mà Tamadge đã diễn tả đẹp như thế, tôi bảo đảm em cũng như nhiều đứa trẻ khác trong lớp sẽ có những cơ hội để tiếp tục diễn đạt đời sống của mình bằng cách xây dựng tương lai như chúng mong ước, hơn là cái tương lai mà nhiều người lo sợ.
Chúng ta tóm lược những điều chúng ta vừa mới học được. Chúng ta thấy rõ nơi con người mình có một sức mạnh cần được chúng ta đánh thức. Sức mạnh ấy bắt đầu bằng khả năng làm những quyết định có ý thức để dệt nên cuộc đời chúng ta. Nhưng có một niềm tin cơ bản mà chúng ta phải khai thác và giải quyết và niềm tin này có thể tìm thấy khi bạn trả lời cho câu hỏi ở chương tiếp theo sau đây...
--!!tach_noi_dung!!--

Đánh máy: chipdomvn
Biên dịch: Lưu Văn Hy
Nguồn: VNTQ
Được bạn: mickey đưa lên
vào ngày: 7 tháng 4 năm 2005

--!!tach_noi_dung!!--
--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--