Xóm ảo như một xóm ma và tất cả những người sinh hoạt ở trong cái xóm này cũng y như là những bóng ma, vật vưỡng với những thăng trầm, khắc khoải với những suy tư, cập rập với những mảnh tình tưởng như là rất thật …Những bóng ma chập chờn, lúc ẩn, lúc hiện, chỉ thấy tiếng nói mà chẳng thấy rõ con người. Chả biết xấu đẹp thế nào, chả biết già trẻ ra sao. Tất cả chỉ trong phỏng đoán và dĩ nhiên sai số của sự phỏng đoán dường như là luôn rất cao. Xóm ảo cũng có tổ chức như một khu xã thật của loài người. Cũng có viên xã trưởng đứng đầu kèm theo là một vài vị phụ tá. Dưới là những trưởng phòng, trưởng ban, mỗi phòng, mỗi ban đều phụ trách một công việc nghe như là rất riêng biệt, nhưng thật ra thì chung qui lại cũng chỉ là một. Công việc được làm bằng những ngón tay. Những ngón tay thần thánh có thể làm cho xóm ma hưng thịnh hay suy vong. Những ngón tay ma mãnh có thể làm cho xóm ảo có những trận cười vui như tết và chính nó cũng có thể làm cho trời kéo mây đen, tan bầy xẻ nghé, đất nứt hang sâu chôn vùi tình ma dưới lòng địa ngục. Xóm ảo với những luật pháp chế tài mà ông quan tòa là những vị thừa hành. Mức án nặng nhất cho những bóng ma là tước quyền công dân của họ và đuổi họ ra khỏi xóm làng, vĩnh viễn không được về lại, ngoại trừ một may mắn có chỉnh lý hay đợt ân xá …mong manh. Tôi đứng nhìn xóm ảo, cái xóm mà tôi cứ mường tượng là như nó toạ lạc đâu đây, ở ngay cái góc đường Holgate và 82nd. Phía bên kia đường Holgate là chợ Walgreen và xích xuống phía dưới một quãng là chi nhánh thư viện Multnomah. Phía bên kia đường 82nd là cà phê Starbucks và sâu hơn một chút là Wal-Mart.Bởi tôi thấy lảng vảng những bóng ảo trên những con phố này. Những bóng ảo ngồi tụm năm tụm ba uống cà phê bất kể giờ giấc, những bóng ảo ghé chợ shop bất kể ngày đêm, những bóng ảo cũng ghé thư viện đọc sách như là chăm chú nghiên cứu bài vở hay say mê một tác phẩm nào đó. Thậm chí có những bóng ảo ghé Eastport Plaza Dental để làm răng nữa. Lại lạ một điều họ cũng ghé vào dealer xe để lựa mua xe nữa …chả biết để làm gì. Xóm ảo dường như không có ai đi làm, vô công rỗi nghề. Xe cộ đâu dùng được vào cái gì trong cái xóm ma này … - Này bạn. Có phải bạn ở xóm ảo Holgate? Bóng ảo nhìn tôi mà như là nhìn ở mãi đâu đâu: - Vâng. Sao bạn biết vậy? Tôi cười: Biết chứ vì đây là xóm ảo mà. Tôi muốn vào làm xóm viên của xóm. Bạn có thể chỉ cho tôi phải làm sao, thủ tục như thế nào.? Bóng ảo nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên: Bạn muốn vào sống trong xóm ảo ư? - Vâng (nhưng bạn ơi bạn nhìn ngay tôi đi, tôi đứng ở đây này, ngay bên cạnh bạn thôi, sao con mắt bạn cứ nhìn trệch đi đâu không hà …tôi thầm nói như vậy) - Muốn vào xóm ảo, trước tiên bạn phải biết “biến dạng pháp”. Phải biết biến dạng, thiên hình vạn trạng …Trông bạn chưa thoát tục, làm sao mà hoà nhập với đời sống ảo được. - Trước lạ sau quen (tôi cười cầu tài). Chắc là mình phải biết nhìn trệch con mắt, đối tượng ở bên phải, mình cứ nhìn về bên trái, có thế mới hy vọng bước vào cái xóm này đề huề chăng hay tại cái anh, cái chị xóm viên này mắc bệnh mắt lé ( tôi cũng không biết rõ người này là trai hay là gái nữa), nên mình hiểu nhầm thôi. Mong là hiểu nhầm. - Vào office lấy mẫu đơn gia nhập, điền vào …Chúc may mắn. Tôi có hẹn phải đi, à mà này …Phải chuẩn bị tâm lý nhá. Cuộc sống ảo nó làm mình ghiền đấy, ghiền hơn ghiền thuốc lào "Xóm ơi …như nhớ thuốc lào Đã chôn xóm xuống, lại đào xóm lên". Nói xong là bóng ảo biến mất, tôi muốn kéo áo y, thị trở lại nhưng đã túm hụt trong hư không. Tôi dè dặt bước vào cái office của xóm, rón rén rút một tờ đơn. Office vắng tanh không người ngồi, nhìn qua nhìn lại mới hiểu là điều khiển văn phòng này bằng toàn hệ thống điện toán không hà. Xóm ảo văn minh hơn xóm thiệt của loài người có hình, có dáng. Tôi chợt rùng mình: cái kiểu này mình phải coi chừng, phải đắn đo suy nghĩ trước khi gõ những ngón tay thô kệch của mình trên tờ đơn. Và thế là tôi bóp trán suy nghĩ, phác hoạ những cơ nguy mà mình có thể vướng vào chân, vào tay hay vào cổ. Tôi lưỡng lự mãi, đứng tần ngần trước cửa office, chưa quyết định. Có nhiều bóng ảo đi qua đi lại nói chuyện với nhau, liếc mắt đưa tình, cười huyên náo. Vui thiệt, cái xóm ảo này. Có một cô, tôi đoán là thế vì cái giọng trong trẻo như con gái trần gian: - Welcome bạn ghé thăm xóm ảo. Tôi lúng túng gật đầu, không biết nói gì thì cô lại nhoẻn miệng cười: - Mời bước vào trong xơi nước, nước trà ướp lài thơm lắm. À thì ra là bóng ảo Bắc kỳ. Chỉ Bắc Kỳ mới nói là xơi nước thôi - Vậy ra …cô mới ở Bắc vào … Cô ta phá lên cười lớn: - Thiệt tình cái anh này …Em đâu cần phải vào chứ. Em cứ ngồi ở Hà Nội mà vẫn dạo trong xóm ảo này cả ngày … - Ơ …tài nhỉ! Cô ta nheo mắt chớp chớp, đá long nheo tôi. Tôi thiệt sự bị quyến rũ bởi những nụ cười rất tự nhiên, bởi những vồn vã như là rất chân tình, bởi những cú đá mắt rất ư là ngọt, không gượng gạo, không nửa chừng …vì thật ra có nhìn ra rõ mặt nhau đâu mà cần e dè, cần ấp úng. Những người xóm ảo khoác tay nhau dạo phố, những người xóm ảo rủ nhau ra quán cà phê ngồi tán gẫu, tặng nhau những bông hồng vào dịp birthday, vào dịp lễ lậy. Trao cho nhau những lời chúc cao tận trời xanh vào dịp Tết, Thanksgiving, X-Mas ….Nói chung họ rất rộng rãi, rộng rãi trên mọi mặt kể cả những lời tình …Tôi thích những người có tấm lòng thảo như vậy. Tôi quyết định gõ trên tờ application và chờ xã trưởng quyết định cấp visa để ra vào xóm. Đêm về nhà cứ mơ mơ, màng màng, mong sao ngài xã trưởng duyệt lẹ một chút để tôi có thể chễm chệ ngồi vắt chân lên cổ mà gẫu chuyện với dân làng. Đêm chả ngủ gì được, đúng là dễ ghiền thật, chưa gì mà đã mất ngủ rồi …Chắc chắn là còn nhiều cái ngạc nhiên khác đang chờ tôi ở cuối xóm. Tôi chính thức bước vào trong xóm một buổi sáng mùa thu. Trời đẹp lắm. Trên bàu trời, những áng mây vàng bay lơ lửng. Ngoài đường và trong vườn nhà lác đác những chiếc lá vàng chao lượn, cảnh vật làm lòng tôi lâng lâng, rộn rã như ngày xưa lúc còn bé tí được mẹ dắt về quê ngoại, nhìn cảnh lạ nơi quê mẹ cái gì thấy cũng đẹp, cái gì thấy cũng vui. Tôi chạy, tôi nhảy, tôi xục xạo chỗ này, tôi mò mẫm chỗ kia. Những bông cúc trắng trong vườn nhà bên nở trắng vườn như cũng nở trắng lòng tôi. Đang thờ thẫn như lạc mất hồn trước cảnh sắc thơ mộng của khu xóm thì bên tai nghe giọng khàn khàn:" Mới tới hả? Vào đây, vào đây chơi đi. Tớ có hoàng hoa tửu mời bạn đây." Tôi giật mình ngơ ngác " Trời ạ thời này mà còn có hoàng hoa tửu, đúng là mình đã lạc về quá khứ vài trăm năm rồi ". "Thu ẩm hoàng hoa tửu Đông ngâm bạch tuyết thi". Mãi sau này tôi mới nhận ra là cụ Ngã Ngửa. Cụ là Hương chủ trong xóm, tối ngày chỉ thích ngâm nga thi phú. Đang lưỡng lự không biết có nên ghé vào nhà của cụ không, vì tôi cảm thấy ngại quá trước toà lâu đài thật nguy nga đồ sộ của cụ, thì phía bên kia con lộ nhỏ lại có tiếng gọi:" Ê, Ốc Biển, ghé lại đây...". Không biết có phải gọi tôi không, tôi ngơ ngác nghiêng cái tai về phía đó. Một giọng trong trẻo nghe rất êm như giọng hát của Như Quỳnh:" Phù tỉ wẹo cằm Ốc Dzị nha...". Đúng là gọi tôi rồi. Tôi liếc nhanh qua Phù tỉ. Ôi đúng là một thiên hương quốc sắc, tôi khớp...nên quay nhanh qua chỗ khác, tủm tỉm cười một mình...Mình có gan trời cũng không dám bước vào khuê phòng thơm nực mùi ngọc lan của người. Tôi lảng đi quên cả nói một lời cám ơn. Ngày đầu tiên dân xóm ảo chào đón tôi rất nồng hậu. Tuy nhiên không phải ai cũng mau mắn như vậy đâu, cũng có một số người giữ thái độ im lặng như chưa hề biết xóm ta có thêm người mới dọn vô ở. Tôi vội vã về góc xóm lo cất lên một túp lều cỏ để che mưa, che nắng. Dân mới tới mà làm sao so bì với thiên hạ được chớ. Cái lều của tôi nằm khiêm nhượng dưới gốc một cây thông. Cây thông gió thổi kêu vi vu ngày đêm, nghe có lúc nhộn nhịp thật vui nhưng cũng có lúc nghe buồn não ruôt. Tôi cố gắng sơn phết, trang hoàng túp lều bằng những áng thơ ngây ngô. Những áng thơ tôi dán lên những liếp vách trông thấy mà thương, chúng gầy gò, ốm yếu, nghèo nàn, đôi lúc tôi cảm thấy ngượng với bàng dân thiên hạ. Nhưng nghĩ lại rồi tự nhủ với mình “ Họ biết mình mô tê mà ngại chi “. Và nhất là tôi có cái số may, ngay từ những ngày đầu tiên, có một bóng hồng trẻ, đẹp luôn bên cạnh tôi, khuyến khích, giúp tôi một bàn tay: - Cố lên Dzị. Nhà Dzị rồi sẽ đẹp thôi. Tôi thầm cám ơn cái cô bé Sinh Ngôn ấy. Chả biết cô bé giờ ở đâu sau cơn bão năm nào. Cơn bão phát sinh từ một cơn địa chấn cực mạnh của Satăng dâm uế. Cơn bão thổi dọc bờ biển Florida ngược về phía Tây Bắc, xóm của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Một số bóng ảo đã phiêu bạt, dấu hiệu của sự ghé mắt của thượng đế trên lầm lỗi của loài người và như con dân Do Thái xưa, lưu lạc mười phương. Chùm Ngao, Sinh Ngôn đã ra đi từ ngày ấy. Xóm lại vắng thêm những lão tiên ông một thời vang bóng. Tôi vuốt mặt buồn xo:… "những người muôn năm trước hồn ở đâu bây giờ!?" Một phút nản lòng tưởng là mọi chuyện rồi sẽ qua đi, nhưng dấu ấn đã muôn đời không phai, như vết thẹo để lại trên da, đã đôi lần nhắc nhớ nỗi buồn. Những người còn lại, co cụm bên nhau mà sống, mà hát “hận Đồ Bàn”: Người xưa đâu … Lão xã trưởng thì chỉ thích vân du tứ hải, đôi khi bỏ xóm đi biền biệt. Tôi đã dăm lần, bẩy lượt khăn gói lên đường đi tìm lão, kéo lão về để lo đại sự, nhưng cũng đành thúc thủ mà phó thác cho ông trời. Ai bảo ông trời cho lão ta có cái học uyên thâm, có nhiều tài năng xuất chúng, hơn người. Tôi ngưỡng mộ lão mọi điều, duy có một điều tới giờ này tôi vẫn cứ cười thầm là lão đã có một lúc tưởng tôi là Áo lụa Hà Tây, người con gái bé bỏng, nhu mì của lão. Tôi nghiệm ra một điều: trong xóm ảo, ngay cã xã trưởng cũng mù tịt về cư dân của mình. Cô Phù là người có phần lo lắng cho xóm nhiều nhất, ngay cả lúc này cũng thế dù cô đã về hiu rồi. Tôi nhớ đã có lần nào đó tôi ước mình là “Thượng Đế” để xoa dịu nỗi buồn Phù cô, nhưng tôi đã chả xoa được, mà đôi khi lại khuấy nỗi buồn cô đông đặc. Tôi mãi giận mình. Có những chiều ngồi trong túp lều của mình, chống cằm nhìn ra ngoài, nhìn những làn khói toả mông lung, tôi nhận ra mình cô đơn chi lạ, đã đến lúc phải đi tìm lại cái “nửa mình” đã thất lạc từ muôn năm trước rồi đây. Tôi uể oải bước ra khỏi căn lều, tiếng thông reo như mời gọi, như thúc dục, tôi lững thức bước đi về hướng mặt trời lặn. Hoàng hôn thật đẹp, những tia sáng yếu ớt của một ngày còn phớt nhẹ trên những bông cúc trắng vườn ai. Tôi ngẩn người, say mê ngắm vườn hoa. Vài chú bướm vàng nhởn nhơ bay, những bông hoa cúc vẫn lạnh lùng, vẫn ung dung cùng chúng bạn, vui hát, nhảy múa khi những đợt gío nhẹ lướt qua. Tôi mê man trong cảnh sắc ấy mãi cho đến khi bừng tỉnh, mới chợt nhận ra mình đang đứng giữa rừng hoa, những bông hoa rất đẹp được chau chuốt, chăm nom rất kỹ lưỡng bởi một bàn tay nghệ nhân điêu luyện. Người chủ vườn hoa này nhất định là người tài hoa, phong lưu, đài các. Có tiếng ai hát nho nhỏ ở trong nhà: Người ơi! Một chiều nắng tơ vàng hiền hoà, hồn có mơ xa … Tôi nói vọng vào: - Vườn hoa tuyệt quá, cho tôi đứng ngắm một chút nha. - Cứ thự nhiên. Ôi giọng nói ai mà ngọt quá đi. Ngọt hơn mía lùi ở cái xóm Ngả ba Ông Tạ ngày xưa của tôi. Giọng nói mà đã bao năm, dù thăng trầm mấy độ, mà tôi vẫn còn giữ ở trong tim, vẫn còn ấp ủ nồng nàn. Gịong nói, giọng hát ôi sao mà quen thế. Tôi tò mò hé nhìn vào bên trong, một bóng dáng mảnh mai đang đứng trước gương chải tóc. Mái tóc mượt mà, chảy dài trên bờ vai thon nhỏ. Có phải người xưa không, Cỏ Úa năm nào đã tưởng chìm vào lãng quên? Nhưng không phải. Tôi thẫn thờ qua từng câu chuyện với nàng. Duyên dáng ơi là …Từ đó tôi ngẩn ngơ như người mất hồn, tôi vui khi trò chuyện với nàng, tôi buồn khi bắt gặp nàng thân mật với người ta, tôi mất ngủ hằng đêm, người gầy đi, hốc hác …Tôi đi bác sĩ, bác sĩ bảo tôi thiếu dinh dưỡng, mất ký quá nhiều, cần nghỉ ngơi, bồi bổ cơ thể lại. Nếu không có thể sinh bệnh, sẽ rất phiền. Đúng là tôi đã quên ăn, quên ngủ nhiều ngày rồi. Cái vườn hoa ấy là vườn hoa Tao Đàn của tam tiên cô: Hà Tiên Cô, Hoang Tiên Cô và Giang Tiên Cô. Ba đoá hoa rực rỡ, tài sắc vẹn toàn, cầm kỳ thi hoạ đều tuyệt vời. Mỗi tiên cô mộĩ vẻ riêng biệt, ai cũng làm tôi ngây ngất thán phục. Hoang Tiên Cô thì biết tôi tương tư rồi nên hay đùa dỡn tôi hoài: - Muốn gì thì hối lộ cho bổn tiên cô một gói khô bò, mọi chuyện sẽ xong ngay - Sao? Một hũ me ngào là có một buổi hẹn hò vui vẻ … Đại khái là những lời ngộ nghĩnh như vậy. Nhưng giời ơi, tôi đi tìm hết mấy chục cái chợ Mỹ ở đây mà vẫn không tìm ra khô bò và me ngào, nên cứ tức hùi hụi. Miết rồi tương tư cũng mãi chỉ là tương tư. Ấy thế mà cũng có vài phen sóng to gío lớn, sét nổ trong rừng hoang khi những nghi hoặc khoác áo từ đâu lù lù tới, bao trùm chúng tôi, quật chúng tôi túi bụi, không đường chống đỡ. Những giao du từ hôm đó gián đoạn. Tôi thất tình bỏ xóm đăng vào quân đội đánh Iraq. Ơ Iraq tôi thật sự đã xa xóm ảo, vì an ninh tôi chớ hề dám ghé quán cà phê internet lần nào, dù nhớ nàng, nhớ bao người thân trong xóm biết nhường nào. Ngày vui qua mau, tôi lầm lũi ngày đêm bên bờ ranh của sự sống chết. Hôm qua mới nghe tin bom xăng nổ, giết chết mấy chục con người, hôm nay chưa mở mắt ra đã nghe ôm bom cảm tử lao vào chỗ đông người. Chiến tranh đã cướp mất cả hồn thơ mơ mộng của tôi rồi.Tôi quên mất cà tôi nơi chiến trường. Con người và cuộc đời luôn như là xung khắc, chẳng thuận chiều ý nhau. Bể khổ là đây chăng? Rồi ngày tôi trở về tìm lại xóm xưa. Xóm xưa giờ đã thay đổi rất nhiều. Bóng nàng đã khuất nẻo xa. Vườn hoa của Tam tiên cô giờ sao xơ xác, không người trông coi, chăm bón. Tôi đứng nhìn mà lòng quặn thắt, đau thương.Bóng dáng một Niệm Hương thỉnh thoảng ra vào. Có phải lòng ai còn vương vấn? Hay cũng chỉ là một đóm tàn trên vùng ký ức đã cạn khô? Tôi muốn nâng chiếc quạt lên để khơi lại một chút ấm của lò sưởi năm xưa, khi cuối đường chân đã mỏi, tay đã rung. Mà nào có được đâu … Tôi lại như một bóng ma thất thểu trong xóm ảo đơn độc một mình. "Những người muôn năm trước hồn ở đâu bây giờ!?"