Thư đi vội vào giảng đường nhỏ của trường Y tá tại Hamburg, tìm một chỗ trống ở những hàng ghế đầu để nghe cho rõ. Còn hai phút nữa, mắt nhìn lên đồng hồ trên tường, tay lục tìm cây viết và quyển tập trong giỏ xách để ghi chép, thói quen từ thời sinh viên già, mặc dù Thư biết là tất cả các bài giảng đều sẽ được phát cho từng học viên để làm tài liệu nghiên cứu sau này. Một nhấn tay nhẹ trên vai. Quay lại, Thư reo: - Anh Thành! Lâu quá! Thành cũng là đồng nghiệp, làm ở một bệnh viện cách Hamburg 2 giờ xe hơi. Hôm nay là khóa tu nghiệp cho y tá vùng bắc nước Đức. Cả vùng chỉ có hai y tá chánh ngạch người Việt nên Thư quen Thành cũng đã khá lâu, hai mươi năm không chừng, qua những khóa tu nghiệp hàng năm, cả năm sáu năm rồi, năm nay hai người mới chọn cùng khóa. Thành cười rộng miệng, mắt một mí kéo dài như nhỏ lại, giọng bắc pha 80% giọng Nam hỏi một câu dư thừa: - Cô Thư cũng chọn đề tài này à? - Nhìn tới nhìn lui, chẳng có đề tài nào hấp dẫn cả nên chọn đại. Lâu lâu được đi tu nghiệp, được bao ăn uống, trốn mấy bệnh nhân cằn nhằn đòi nói chuyện suốt được vài ngày, không đi uổng chết. Anh vẫn làm chỗ cũ chứ? - Vâng! Già rồi, cũng chẳng muốn thay đổi gì nữa. Còn cô? - Cũng mõi rồi anh, không muốn bon chen nữa, lúc này Thư có được 8 giờ ngồi trực bàn nên nhàn lắm. Thôi tới giờ, chút nói chuyện thêm. Giờ giải lao, Thành rủ Thư lại ngồi ở một góc cateen để nói chuyện bằng tiếng Việt cho đã. Thành nhìn Thư chọc: - Coi Thư không có gì thay đổi cả, năm sáu năm rồi còn gì, có cọng tóc bạc nào chưa? - 50 rồi đó anh, tìm kỹ thì ít nhất cũng chục cọng, bắt Harald nhổ, ổng cằn nhằn hoài. Đang chuyện trò trăng nước thì có tiếng mobile kêu, Thành rút máy trong túi, nháy mắt xin lỗi Thư. Thư nhìn lơ đãng ra sân, vô tình mà lại lắng nghe câu chuyện đàm thoại. Giọng Thành, người đàn ông gần 60 mươi tuổi, tóc muối tiêu, đổi hẳn, dịu ngọt: - Em đừng mua gì cho anh. -....... - Áo len của anh cả chục cái mặc không hết. -...... - Ừ thôi cũng được, nếu em thích màu đó. Em tìm được cái nào cho em chưa? -...... - Chút ba giờ thì xong, em chờ anh ở cà phê Đà Lạt nha! Thư đùa: - Hai ông bà già rồi mà còn tình tứ quá nhỉ, anh với em ngọt sớt. Thành nhìn Thư như có vẻ thông cảm vì câu nói đùa mang chút sót xa đó, Thành hiểu Thư. Trở lại giảng đường, Thư thẩn thờ: Tiếng Việt mình hay thật, có những đại danh từ được dùng để xưng hô với nhau thật trìu mến, thật đặc biệt cho người trong cuộc, chớ không như những ngôn ngữ khác, cái gì cũng you với I, cái gì cũng toa với moa, cái gì cũng ich với du, cái gì cũng mich với dich... Tiếng Việt mình, tiếng anh và em thật mầu nhiệm, thật ngọt mật....Cho đến cuối đời, tóc bạc da mồi vẫn còn giữ tiếng xưng hô thần ái đó. Tiếng anh và em như một chứng nhận tình yêu... ...Trong quán kem cuối đường Nguyễn Du gần tới nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Hải âu yếm hỏi: - Anh đặt kem dâu cho em nha? Tiếng em Hải kéo dài, thật nhẹ, thật êm như hai ngón tay Hải vuốt nhẹ gò má Thư hồng rám nắng. Giọng Phan Thiết cưng cứng nồng nàng của Hải làm Thư cảm động, nũng nịu: - Thêm hai cây bánh kẹp nữa, anh quên món tủ của em. Tiếng em lần đầu tiênThư xưng với Hải sau ba tháng quen nhau. Tiếng em được giọng con gái Sài Gòn nhão nhẹc kéo dài, đầy thương yêu làm Hải xúc động. Tiếng em mà Hải đã kiên nhẫn chờ đợi. Hải hiểu như đó là dấu hiệu đáp lại tình yêu của anh khi Thư xưng em một cách nũng nịu như muốn áp mặt vào bờ ngực Hải căng cứng, như muốn tìm sự chở che trong vòng tay anh. Hải ngồi xuống cái ghế mây bên Thư, vuốt nhẹ cánh tay trần có những cọng lông măng mịn màng, mắt Hải đầy thương yêu: - Thêm một trái dâu lớn thật lớn? Thường thì Hải gọi Thư bằng tên Thư ngọt ngào hay "chó nâu" đùa nghịch. Cái tên "chó nâu" Hải đặt cho Thư vì hình ảnh cô bé Sài Gòn trong cái quần pat nhung nâu xậm, vai đeo cái giỏ da nâu chỗ đậm chỗ lợt vì mớ quần áo ướt vừa đi bơi về, đôi giầy sandal da nâu thấp gót, cái áo thun trắng trên ngực có thêu chữ Dream mỹ miều ôm sát người lần đầu tiên Hải quen Thư trên con đường Phan Thanh Giản....Hình ảnh tươi trẻ đầy sức sống của cô bé Sài Gòn đã là sinh viên rồi mà vẫn con nghịch ngợm như nữ sinh trung học. Cô bé đã làm yếu lòng Hải ngay từ lúc gặp gỡ vì lối nói chuyện không e ấp, vì ánh mắt nhìn trong sáng, nhìn thẳng người đối diện không chút e dè như những cô gái khác khi nói chuyện lần đầu tiên với đàn ông xa lạ. Khi nào Hải và Thư dùng tiếng em, tự nhiên cả hai đều cảm nhận cả làn sóng tình trìu mến cho nhau đậm đà hơn, ngọt mật hơn thường lệ. Thư ngẩn người, lời giảng viên nghe văng vẳng đâu đây. Tiếng Hải đầm ấm dỗ dành dưới dàn hoàng lan năm nào trong đêm Hải trở về để sáng sớm mai xe thiếu tá Vinh dến đón đi Long Khánh. Cái đêm cả hai đều không ngờ là đêm cuối cùng. Lòng Hải hoang mang vì anh hiểu tình hình chiến trận của những ngày cuối xuân năm 1975. Lòng Thư lo âu vì phim Mộng Thường chiếu trên TV, vì giọng Thái Thanh nức nỡ bài Kỷ Vật Cho Em mỗi ngày trên radio. Hải không kể cho Thư nghe nổi hoang mang của mình. Thư không kể cho Hải nghe nổi âu lo của mình. Cho nên Thư níu kéo, cho nên Hải chùng chằng: - Em vô nhà rồi anh mới đi. - Làm sao anh về? - Anh đi lang thang. - Xa lắm! - Anh đi lang thang để nhớ em. - Cho em theo anh đi lang thang. - Không được! Khuya rồi, nghe lời anh, vô nhà đi, ba má la em. - Em chịu la. - Chó nâu hư, anh lớn, anh không để ba má la chó nâu. Thư vùng vằn đi vô nhà, nước mắt lăn dài trên má, nước mắt thấm mặn môi Thư. Nước mắt rơi trên trang giấy đã ngưng ghi chép từ lâu. Thư giả bộ nhắc cặp kính cận lau mắt, lau mặt, làm như mắt bị vướng hạt bụi nào đó, hạt bụi của những ngày tháng Sài Gòn thơ mộng. Sau Hải, Thư chưa một lần được may mắn xưng em với những người đàn ông đã có cảm tình với Thư, với những người đàn ông Thư đã có cảm tình. Không phải tiếng em Thư dùng với hai chị mình, không phải tiếng em Thư dùng với hai ông anh rễ, không phải tiếng em Thư dùng với mấy ông anh con cô Ba. Bởi vì sau Hải, những mối tình chưa đến đã tan, những mối tình Thư chưa kịp chuẩn bị cho phép lòng mình xưng tiếng em ngọt mật, tiếng em mang ý nghĩa cho nhau. Tiếng em đối với Thư mang đầy ý nghĩa thương yêu gắn bó cho nên Thư không dám dùng khi Thư thấy lòng mình chưa thực sự chín chắn cho chữ em thiêng liêng đó. Sau Hải, những viên đá tình yêu được ném xuống hồ nước nhưng không tạo được những vòng tròn làm chứng tích tình yêu trên mặt hồ bởi hồ nước luôn luôn gợn sóng, bởi lòng Thư chưa yên ổn, bởi những tình cảm của những người đàn ông chưa đậm đà để đủ có kiên nhẫn chờ đợi Thư xưng tiếng em mang đầy thương yêu cho mình. Harald không hiểu tiếng em mầu nhiệm trong ngôn ngữ tình yêu của người Việt nên anh không cần chờ đợi. Anh yêu Thư và muốn sống đời với Thư mà không chờ Thư nói tiếng yêu anh, ngay cả tiếng yêu anh bằng ngôn ngữ nước anh. Trong năm đầu mới lấy nhau, trong cơn nồng ấm vợ chồng, Harald năn nỉ: - Nói đi Thư! Nói rằng em yêu anh bằng ngôn ngữ nước em đi Thư. Thư tảng lờ, Thư im lặng, Thư hôn chồng đậm đà hơn, Thư lẫn tránh. Harald không nài nỉ nữa. Năm mươi tuổi rồi mà Thư lúc nào cũng xưng tên mình như thời còn đi học với những người đàn ông Thư giao thiệp hàng ngày. Ba mươi năm rồi, ba mươi năm mất Hải, mất bàng hoàng không một dấu tích báo trước; Hai mươi năm rồi, hai mươi năm tình nghĩa vợ chồng vẫn thắm thiết mặc dù không có một đứa con để gắn bó với nhau; Thư chưa một lần được xưng tiếng em thiêng liêng. Nổi sót xa thỉnh thoảng làm nhói tim Thư vì Thư biết rằng mình không bao giờ có được cái diễm phúc đó, cái diễm phúc được xưng em ngọt mật với người chồng không hiểu ý nghĩa thiêng liêng của chữ em, với người chồng mình thương yêu. Diễm phúc cho chị, diễm phúc cho em. Võ Thị Điềm Đạm vietnamlibrary.net