Đỗ Lai Thúy trích dịch
Lời giới thiệu của Đỗ Lai Thúy

Phương pháp khoa học đầu tiên xuất hiện trong nghiên cứu văn học, văn hóa là phương pháp tiểu sử học, tức lấy việc tìm hiểu con người tác giả để tìm hiểu tác phẩm. Phương pháp này ra đời trong Thời đại Mới, như một đứa trẻ song sinh cùng chủ nghĩa lãng mạn.
Mỹ học và văn học châu Âu trung đại, như chúng ta đã biết, chịu sự thống trị của tư tưởng Aristote (384-322 tr.CN), nhà triết học cổ đại Hy Lạp. Ông cho rằng mọi sáng tạo văn học nghệ thuật đều là sự mô phỏng, đầu tiên là mô phỏng tự nhiên, sau đó là mô phỏng các mẫu mực. Ví như, muốn sáng tác một vở bi kịch, người ta lấy ra những bi kịch mẫu mực nhất, rút ra những nguyên lý sáng tạo, rồi cứ đó mà làm theo. Một sự mô phỏng như vậy sẽ biến nghệ thuật thành thủ công, người nghệ sĩ thành thợ thủ công... Ở đây không có chỗ cho tác giả như một con người và như một chủ thể sáng tạo.
Thời đại Mới mở ra với sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân. Mỹ học lãng mạn đề cao con người tác giả như là một chủ thể sáng tạo, một nguồn gốc quan trọng của tác phẩm theo nguyên lí cha nào con nấy. Bởi vậy, việc tìm hiểu “cha” để biết “con”, tìm hiểu tác giả để biết tác phẩm được coi là một cách làm khoa học: phương pháp tiểu sử học ra đời.
Cha đẻ của phương pháp này là nhà phê bình văn học, nhà thơ, bè bạn của Victor Hugo và nhiều nhà văn khác: Charles-Augustin Sainte-Beuve (1804-1869). Tác phẩm chính của ông: Bức tranh lịch sử và phê bình thơ và kịch Pháp thế kỷ 16 (1828) đã làm sống lại Ronsard; Chateaubriand và nhóm văn chương của ông thời Đế chế (1861); Phê bình và chân dung văn học...
Phương pháp tiểu sử học của Sainte-Beuve là sự tổng hợp độc đáo của nguyên lý tính khách quan và tính lịch sử của quá trình văn hóa với học thuyết khai sáng về một “bản chất người” không thay đổi. Chủ nghĩa lịch sử được Sainte-Beuve tiếp thu được từ các nhà lãng mạn đã đưa ông đến việc thừa nhận sự bình đẳng tuyệt đối về mặt giá trị của tất cả các thế giới nghệ thuật - dù đó là thế giới của nhà thơ trung đại Villon hay nhà cổ điển chủ nghĩa Corneille, nhà văn “hạ lưu” Rabelais hay các nhà thơ hùng tráng Hugo, Ronsard... Còn nguyên tắc tính khách quan được thể hiện ở Sainte-Beuve trong quan niệm rằng nhân tố thực sự quyết định sáng tạo văn học không phải là nhân tố hình thức, mà là cá nhân riêng biệt và cụ thể của chính người sáng tạo.
Như vậy, tác phẩm đối với Sainte-Beuve là cái tôi tác giả, “cái tôi nói năng”, còn cá nhân tác giả là thế giới tâm hồn của nhà nghệ sĩ. “Các nhà viết tiểu sử cho rằng không hiểu sao toàn bộ lịch sử một nhà văn thường gắn với các tác phẩm của anh ta và còn sự phê bình hời hợt thì không biết nhìn thấy trong nhà thơ có một con người”. Theo Sainte-Beuve thì, “văn học, sáng tạo văn học không khác biệt, hay chí ít là đối với tôi, gắn liền với tất cả những gì còn lại trong con người, với bản tính của con người. Tôi có thể thưởng thức tác phẩm này hay khác, nhưng tôi sẽ gặp khó khăn khi bàn luận về nó mà không có sự hiểu biết về chính con người...”.
Nhưng con người là gì, theo Sainte-Beuve? Trước hết đó là một “tính cách” nào đó có tính bẩm sinh, một kiểu khí chất, một cố kết những thiên hướng, tốt và xấu, tóm lại là một đặc định tâm lý của cá nhân. Như Montegne là một tâm hồn trong sáng, không giả tạo, hiện thân của tính chừng mực, tính dịu dàng, trong khi đó Corneille có bản tính dễ bị kích động, sự chân thành trẻ thơ, sự nghiêm khắc và kiêu ngạo... Nhờ có cách nghiên cứu con người như vậy, quả thực Sainte-Beuve đã tạo ra một galery những chân dung văn học rất ấn tượng và tuyệt vời về cả sự chính xác lẫn vẻ đẹp, mà ngày nay đọc ông chúng ta vẫn còn có thể hình dung được “bộ mặt sống động” của những nhà văn này. Chính ở đây, chúng ta thấy, sức mạnh của trực giác tâm lý của Sainte-Beuve, đồng thời gắn liền với nó là chỗ yếu của phương pháp tiểu sử học của ông.
Trước hết, cá nhân nhà văn với tư cách là nhà văn, là người sáng tạo còn xa mới đồng nhất với con người tiểu sử, tức bản tính của nó như Sainte-Beuve nói đến. Cá nhân, như ông quan niệm, không phải là một chủ thể có tính lịch sử mà tâm lý của nó được hình thành qua những trải nghiệm xã hội, mà là một bản tính bẩm sinh, nên đối với nó hoàn cảnh lịch sử chỉ bề ngoài và ít nhiều có tính ngẫu nhiên. Từ đó, nhược điểm chính của phương pháp tiểu sử học là sự giản lược hoá tâm lý của nó, là xu hướng hoà tan phê bình văn học vào tâm lý học. Và, vì thế, mà nó đánh mất đối tượng riêng và cách tiếp cận riêng của nó đối với văn học. Sainte-Beuve giải thích không phải tác phẩm văn học xuất phát từ tâm lý nhà văn, mà ngược lại, sử dụng tác phẩm như một nguồn tư liệu để miêu tả thế giới tâm hồn nhà văn. Tác phẩm văn học thế là không phải là mục đích của phê bình văn học, mà chỉ là phương tiện nhận thức tâm lý tác giả. Xét cho cùng, đây là một phương pháp phê bình văn học không có văn học.
Những nhược điểm của phương pháp tiểu sử học khiến nó chỉ tồn tại như một phương pháp chứ không thể thành một trường phái. Tuy nhiên, từ những nhược điểm này sẽ xuất hiện, với tư cách là sự đối lập, điều chỉnh và bổ sung cho nó, trường phái văn hóa lịch sử, cách tiếp cận tâm lý học, đặc biệt là phân tâm học Freud.
Phương pháp tiểu sử học có ảnh hưởng lớn đến phê bình văn học ở Việt Nam. Ở đây, dường như ngoài sự tương đồng về trình độ phát triển, còn có áp lực nào đó của truyền thống văn hóa dân tộc. Từ lâu trong hệ thống văn học, chúng ta chỉ chú ý đến mối quan hệ tác giả - tác phẩm, trong đó tác giả là yếu tố chủ đạo, bởi thi dĩ ngôn chí. Người đầu tiên áp dụng phương pháp tiểu sử học là Trần Thanh Mại với tác phẩm Trông dòng sông Vị (1936) và Hàn Mặc Tử (1941). Sau 1945, tuy vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng, nhưng phương pháp này không còn được sử dụng một cách thuần nhất nữa mà thường hoà lẫn với một cách tiếp cận khác đã trở thành chủ đạo là phương pháp xã hội học.