1. Bạn tôi là người yêu viết lách. Anh đã có một số bài báo được đăng, tạm xếp vào dòng "phê bình văn học trẻ". Hôm tình cờ gặp nhau ở quán cà phê, anh nói: "Chắc sắp tới tôi phải cai mạng thật ông ạ! Đành rằng mạng như cái chợ trời thượng vàng hạ cám không mất tiền, thăm chỗ này một tí, ghé chỗ kia một tẹo cũng thú nhưng tới lúc này tôi thấy "loạn" quá! Nghiện thì nghiện thật nhưng đến nước này tôi cũng khủng hoảng rồi!"... Ờ nhỉ! Cai mạng! Một từ hay! Từ mới toe của thời acoòng, đigitồ kỹ thuật số, intẹcnét đấy! Đã nói cai thì trước hết phải là nghiện. Nghiện nặng. Mà phàm ở đời nghiện nặng một thứ gì đó đều không tốt. Dễ rước họa vào thân. Kể cả nghiện thông tin. Nghiện chữ. Vì thế phải cai. Nhưng cai mạng là cai thế nào? "Tôi sẽ không lên mạng một thời gian. Tuyệt đối tuyệt giao đaolốt các thông tin - Anh bạn tỏ vẻ quyết tâm - Tôi sẽ bỏ bàn phím và đi Hà Nội thăm thú các nơi khoảng hai tháng. Họa may bệnh mười sẽ giảm đôi phần chăng?". Bạn tôi trước kia chỉ là một nhân viên mổ lợn cho công ty chế biến thực phẩm lớn nhất thành phố. Từ khi biết mạng không hiểu ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào mà anh hứng thú mổ thêm bàn phím, quyết tâm trở thành nhà phê bình văn học. Được bài nào anh meo bài ấy. Rồi bài anh xuất hiện ào ào trên các oépsai. Ban đầu thì anh rất thú bởi cho rằng tiếng nói của mình có trọng lượng. Thậm chí anh còn khoe với tôi các vị chủ trương trang oép mỗi lần nhận được bài là meo trả lời ngay lập tức: "Cam on nha phe binh tre. Bai cua anh se xuat hien tren mang chung toi khoang 1 tieng nua!". Sướng! Viết lách như thế oách quá còn gì! Bài nào xài bài nấy! Ít khi bị các vị biên tập viên cắt xén sửa chữa. Nhưng rồi dần dần anh bớt thú vì viết gì cũng được đưa lên nên đâm nghi ngờ. Mà cũng chẳng nghe họ nhắc tới nhuận bút gì cả! "Thua cả nghề mổ lợn! - Anh phân trần - Công nhân như tôi cũng mổ bằng máy nhé! Cứ vượt chỉ tiêu là có thưởng. Đằng này tôi viết cho mạng cũng mổ liên tù tì, năng suất tăng ào ào mà chẳng đồng nào vào túi cả. Đã đành công việc viết lách thì phải có chút nhuận bút nó mới tươi tâm hồn ông ạ!...". 2. Nhưng điều anh bạn tôi nói không xa lạ gì với nhiều người từng có bài viết tham gia các trang web trên mạng hiện nay. Sự xuất hiện của Internet đã làm thay đổi quá trình nhận thức về thông tin. Và rõ ràng là số lượng bạn đọc báo mạng ngày càng cao lên. Theo thống kê của Google, ở Việt Nam hiện nay Báo Thanh Niên là một trong 3 tờ báo điện tử có số lượt bạn đọc truy cập nhiều nhất. Và càng ngày con số này càng tăng lên. Cũng theo Google, từ giữa năm 2003 trên thế giới đã có khoảng 600 triệu người sử dụng Internet. Theo thứ tự, nhiều nhất là Mỹ, khoảng 176 triệu người, chiếm 60,4% dân số. Sau Mỹ là Trung Quốc, chiếm khoảng 59,1 triệu người, chiếm 4,6%. Việt Nam tuy nối kết vào Internet có muộn hơn nhưng vào cuối năm 2002 đã tạo được một sự bùng nổ thuê bao do hiện tượng Internet cà phê, một máy chủ chia ra nhiều máy nhỏ làm giảm giá thành, đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng. Cách đọc báo mạng cũng khác với báo giấy. Người đọc mạng thụ động hơn. Đọc ít, xem lướt thì nhiều. Đôi khi chỉ đọc title rồi bỏ nếu không hấp dẫn. Động tác này giới nghiên cứu Anh gọi scanning, có nghĩa chụp từ, quét ngôn ngữ. Thời gian đọc cố định của người Pháp trung bình 36 phút/ngày. Thụy Điển, Phần Lan 45 phút/ngày, Nhật 42 phút, Mỹ 25 phút. Tốc độ đọc khoảng 200 đến 250 từ/phút. Như thế rõ ràng là đã nhanh gấp 3 lần tốc độ của người đọc báo giấy bình thường. Với hàng trăm website, báo điện tử "bội thực" thông tin là điều không tránh khỏi. Cai mạng để dưỡng tinh thần không phải là chuyện riêng của anh bạn tôi. 3. Là những người cầm bút ai cũng mong tác phẩm của mình đến được nhiều người đọc. Từ in tipô đến sắp chữ, với khuôn dấu mòn vẹt, qua bộ font chữ sắc nét tha hồ chọn lựa của máy tính là bước tiến vượt bậc của khoa học truyền thông. Nhưng khi loại bỏ in ấn, chỉ với một màn hình nối Internet mà vẫn vượt qua mọi biên tuyến, không gian, nối gần lại những khoảng cách, mọi châu lục trên quả đất thì lại đẩy nhà văn đối diện trước những thử thách. Đâu là thông điệp, dấu ấn của chính mình trước một biển thông tin? Để không bị bạn đọc "cai" tác phẩm hay "cai" tên mình, họ chỉ còn cách là một "dũng sĩ giác đấu" với chữ trước cửa sổ màn hình trắng.