Kính tặng ông cụ ChùaNơi Niết Bàn ông chứng giám cho lòng conCon gái xa nhớ!... Bố biết con đang trong kỳ nghỉ đông cuối cùng. Hè sang năm con sẽ hết hạn học tập ở nơi đất khách quê người. Nhưng việc con có trở về nước hay không là tùy thuộc vào quyết định ở nơi con. Bố mẹ không có ý kiến nào hết. “Sinh con ai dễ sinh lòng”, rồi sướng khổ thế nào lại oán trách cha mẹ.Bố mẹ ở nhà vẫn khỏe, các em đi học đều ngoan. Thu nhập cũng khá, ấy là nhờ ở mẹ con. ở trong nước dạo này phong trào nuôi chó Nhật phát lắm. Thâm niên được 30 năm trong nghề bà đỡ của mẹ con được người ta tin dùng. Một ca đỡ cho mẹ tròn con vuông được trả công hai trăm ngàn, bằng hai tháng lương của một bà đỡ cho con người. Khoản thu nhập tăng, việc chi dùng bớt ngọ ngằn, gia đình mình vui vẻ thêm lên...À hôm rồi bố có về quê nội. Bây giờ khác hẳn hồi con đi. Cái cơ hàn không còn đậm dấu ấn nữa. Đời sống vật chất tăng. Nhà bác Quý, chú Luyến đổ mái bằng cả rồi. Cả ngôi chùa Làng cũng được xây dựng lại khang trang lắm. Người ta đang tô tượng, đến rằm này làm lễ dâng hương và đón nhận di tích lịch sử. Hôm ấy thế nào bố mẹ cũng về. Chỉ tiếc cho con, bố biết con yêu quý ngôi chùa đó lắm. Giá hôm ấy mà con được về dự thì vui biết mấy. à, con còn nhớ chú Tuyên không? Chú con nhà ông Tuyến cùng ngành với bà nội nhà mình ấy. Hồi con hay về thì chú ấy làm bí thư kiêm chủ tịch xã. Chú ấy mất rồi. Khổ, nghỉ hưu mới được mấy năm thì phát bệnh. Bệnh gì mà lúc chết thì chẳng chết ngay cho, cứ chết dần từng khúc. Chết đến đâu cứng lại đến đây. Rồi chết đến đâu biết đến đấy. Chết đến bụng thì bảo chết đến bụng. Lúc chết đến ngực, mồm vẫn leo lẻo: “ý nguyện cuối cùng của tôi là buông thây tôi trên sông. Tôi muốn tấm thân tôi bập bềnh trôi nổi trên con sông quanh làng mình”. Rồi chết, lúc nhập quan chân cứ chống cồng, cợi ván lên nhất định không chui vào lòng đất”.Đọc xong thư bố tôi buồn quá. Tôi bỏ dở kỳ nghỉ đông với chồng chưa cưới trở về ký túc xá. Tôi buồn không phải vì bố nhắc tôi phải kỹ càng trong việc lựa chọn ở lại hay về. Về hay ở đối với tôi không quan trọng. ở đâu cảm thấy sung sướng thì ở. Là vì bố nhắc đến quê nội. Quê nội là chỗ mong manh nhất trong tim tôi. Chỉ chạm khẽ vào thôi đã ứa máu. Lòng tôi cứ dàn dạt thắt lại.Ngực tôi nóng ran lên, đau quặn. Tôi ôm ngực hổn hển. Quê nội ơi – quê nội – Nỗi vui sướng trẻ thơ đầu tiên của tôi cũng bắt đầu từ Ngươi. Sự linh thiêng đầu tiên của tôi cũng bắt đầu từ Ngươi. Sự lớn khôn của tôi cũng bắt đầu từ Ngươi. Và bây giờ trong bụng tôi đang quẫy đạp một hài nhi lai tây, cũng bắt đầu từ Ngươi chăng? Tôi có ý định chối bỏ Ngươi rồi.Quê nội tôi có cái tên rất nhân từ – Làng Đức Hậu. Làng ở ven sông. Làng ở ranh giới giữa hai huyện, sang bờ sông bên kia là huyện khác.Bố tôi đi thoát ly, lấy mẹ tôi ở nơi khác. Chỉ có dịp giỗ tết chúng tôi mới về quê nội. Mỗi lần về cả nhà chuẩn bị vài ngày. Từ chỗ bố mẹ tôi làm việc về quê cách khoảng ba, bốn chục cây số – Nhà chỉ có một chiếc xe đạp. Thế là bố tôi đèo ba chị em chúng tôi. Mẹ gồng gánh đi bộ theo sau. Trên đường về quê, những người ven đường trở nên quá quen thuộc đối với chúng tôi. Họ vừa gẩy rơm vừa vui vẻ:- Ông phải đèo thêm cả bà nhà nữa một thể.- Vâng, giá như họ làm thêm cái xe dài ra một chút nữa.Về quê vui không thể tả được. Vừa về đến đầu thôn đã nghe tiếng họ hàng chào đón.- Bố con cậu Lân đã về đấy hả?- Bác cho các cháu về chơi.- Con chào ông trẻ đi. Chào cả các cô, các chú.Rồi mấy đứa trẻ chạy như phi về báo với bà nội, với chú biết. Từ đầu ngõ đã có người bế bổng chúng tôi vào nhà. Nhà bà nội thơm lắm. Bà làm thuốc đau răng. Mùi quế, mùi hồi và cả mùi phèn chua nữa ngào ngạt. Hàng xóm bắt đầu sang hỏi thăm chật cả nhà và chúng tôi thành rốn của vũ trụ.Nhưng tất cả điều kể trên quê nội nào dường cũng có cả. Điều đáng nói ở đây là chùa làng và ông cụ Chùa.- “Ông cụ Chùa”, cả ba chị em tôi đều gọi thế. Trông ông mới hiền hậu làm sao! Ông cạo trọc đầu nhưng ông không mặc quần áo theo kiểu nhà sư. Ông mặc quần nâu, áo nâu như những người trong làng. Lần nào giỗ ông nội, bà nội cũng mời ông đến cúng. Cúng xong ông ngồi bỏm bẻm nhai trầu. Mắt ông nhìn chúng tôi như có tia phát ra, lấp lóa:- Cha tiên nhân con nhà thằng Lân nhá.Hương tàn ông uống một chút rượu rồi về chùa. Âởy là lúc chúng tôi lỉnh theo ông.Bố tôi kể rằng ngồi chùa ấy có từ lâu lắm rồi. Từ hồi bố còn bé tí đã hay theo bà nội lên chùa. Ông nội tôi lại theo đạo giáo, nhưng vẫn biết ngôi chùa ấy có từ hồi ông của ông tôi. Khi ông nội chết, bà nội làm ma cho ông theo mọi nghi lễ của đạo giáo, nhưng ngày giỗ ông, bà lại mời ông cụ Chùa về cúng.Bố còn kể, hồi bố hay theo bà lên chùa thì ông cụ Chùa còn trẻ lắm. Bố của cụ Chùa còn sống, trông nom chùa. Còn cụ Chùa thì đi học làm sư.Ngôi chùa được làm trên một dẻo đất rộng đầu làng ngay sát chân đê. Phía trước chùa là những cánh đồng bát ngát, và phía sau là nhà ở san sát.Theo chân ông chúng tôi đi trên bờ đê chứ không đi trên đường làng. Gió sông thổi rối tung tóc. Dòng sông êm đềm chảy. Vạt ngô phía bên kia sông xanh tốt lạ thường. Bờ bên làng tôi là bên lở. Trẻ chăn trâu cho trâu gặm cỏ trên triền đê. Chúng chia làm hai bọn. Một bọn thì thánh thót:- Đi đạo ăn gạo tám thơm.Một bọn thì chua ngoa:- Đi đạo ăn gạo té re, an rè té rổng...Cụ Chùa dừng lại.- Cha tiên nhân con nhà Bản nhé, lếu láo quá.Cả bọn im re.Làng tôi có cả nhà thờ nữa.Theo chân ông chúng tôi bước lên thềm. Hai bên thểm rêu phong. Mùi ngai ngái của đất, của têu, của gió sông, say đến lạ. Ông mở cửa cho chúng tôi vào chùa. Tự dưng bước chân chúng tôi rón rén. Chúng tôi cũng đưa tay chắp trước ngực. Trong chùa hàng trăm pho tượng đang nhìn theo chúng tôi. Như đọc thấu tâm can chúng tôi. Có những pho tượng nhìn thật dữ dằn, tôi sợ. Tôi đi ra ngoài. Cụ Chùa ở gian khác ngó ra gọi:- Vào đây.Tôi đi vào, trong gian này chỉ có vài ba bức tượng nhỏ và một bức tượng rất to – Ông cụ Chùa đứng bên tôi:- Phật đấy cháu ạ. Ngài ngự trên tòa sen. Cháu lạy Phật đi. Cháu phải ngoan, nghe lời cha mẹ Phật sẽ phù hộ cho cháu.Tôi nhìn Phật. Mặt Phật nghiêm trang nhưng khóe mắt Phật cười. Tôi thấy lòng thanh thản. Kết thúc chuyến đi thăm chùa diễn ra ở bếp. Bếp của cụ Chùa chỉ có vài chiếc siêu rất nhỏ. Nhưng lần nào cũng thế, cời trong đống tro chúng tôi sẽ có mấy củ khoai lang hoặc một vài bắp ngô đã nướng chín như chờ sẵn. Chúng tôi hỏi cụ, cụ bảo trẻ trâu nó nướng đấy.Chị em chúng tôi đều ngoan và học giỏi. Như một phần thưởng mà mỗi năm chúng tôi về quê một hai lần và một năm hai lần chúng tôi lên chùa.Khi tôi học lớp mười, lần giỗ ấy bổ chỉ bảo mình tôi:- Mai bố con mình đạp xe về quê nội.Nhà tôi đã có hai chiếc xe đạp.Tôi trằn trọc không ngủ được, sáng tôi dậy trước cả bố. Tôi đạp như bay. Tôi đạp như bay. Tôi về nhà bà nội ngồi cả tiếng mới thấy bố đến sau. Hôm ấy tôi về, không khí quê nội có một cái gì đó khang khác. Các gương mặt đăm chiêu suy tư và những câu nói lấp lửng. Tôi nhận thấy điều ấy rõ ràng trong mâm cơm khi bà nội tôi sụt sịt:- Nó lại còn họ hàng gần với nhà mình kia đấy.Thím tôi chen vào:- Cụ Chùa đói khát mấy hôm nay.Tôi chẳng hiểu có chuyện gì nhưng nhắc đến ông cụ Chùa làm tôi nôn nóng kỳ lạ. Tôi và vội miếng cơm cuối cùng rồi rón rén đứng dậy, lau vội miệng rồi lỉnh ngay ra ngõ. Tôi chỉ sợ bố bắt gặp gọi lại.Tôi phóng lên bờ để. Đã thu, cỏ trên đê úa vàng. Chỉ có những bông cỏ may vẫn cứ nhởn nhơ đùa với gió. Nước sông trong một cách kỳ lạ. Cảnh sắc sông nước làm tôi sung sướng. Trong lòng tôi có muôn ngàn tiếng reo vui. Có một chút ngại ngùng dâng lên má tôi, đỏ lựng, nếu không tôi đã nhảy chân sáo và hát toáng lên rồi. Tôi bước đi rất chậm mà cảm như đang bay. Đột nhiên tôi sững người. Máu! Cả một khúc sông loang máu. Không, không thể? Tôi lắc mạnh đầu, dụi mắt. Cả một khúc sông đỏ ngầu. Tôi chạy xuống triền sông. Tôi căng mắt để nhìn cho rõ. Ôi! Những bức tượng bập bềnh không chịu trôi đi. Nhấp nhô lúc chìm lúc nổi trên sóng mỗi lúc một to dần như bị nghẹn lại giữa dòng. Tôi thẫn thờ không hiểu. Tôi cứ lặng người nhìn theo các pho tượng trên sông. Một bức tượng to nhất dạt vào gần chỗ tôi đứng, tôi giơ tay ra với. Bức tượng lại trôi xa hơn. Tôi rụt tay vào, bức tượng lại dạt vào gần tôi. Ba lần như thế, tôi hiểu không giơ tay ra nữa. Bức tượng trôi ra giữa dòng và trôi theo dòng nước. Các bức khác trôi theo. Đó chính là bức tượng phật. Mặt phật vẫn bình thản như đang tọa trên đài sen, bao quát nhân gian bởi một nụ cười.Những bức tượng trôi xa dần tôi òa khóc. Nước mắt tôi nhòe nhoẹt nên tôi không nhìn thấy phía xa kia dân làng Đức Hậu cũng đứng trên bờ sông và khóc như tôi.Tôi sực nhớ đến cụ Chùa, tôi chạy như bay đến. Một lần nữa tôi lại sững người. Một đống đổ nát hoang tàn. Sự rêu phong cổ kính ập xuống. Viên gạch vỡ làm đôi, mầu đỏ. Trong đống đổ nát ấy còn một bệ thờ bằng đá, hình hoa sen. Tôi gào to:- Ông ơi, cụ Chùa ơi!Nước mắt tôi trào ra nức nở. Lòng tôi sập xuống không khác gì đống đổ nát ấy.- Ông ơi, cụ Chùa ơi!- Vào đây. Cha tiên nhân nhà thằng Lân đã về đấy à?- Ông ơi, ông ơi! Tôi rối rít.Ông từ từ chui từ bệ thờ ra. Tóc ông, râu ông đầy những bụi vữa.- Vào đây với ông.Tôi trèo qua đống gạch vừa vào với ông. Ông trải một manh chiếu nhỏ dưới bệ thờ, một chiếc chăn rách và mấy manh áo rách. Ông cùa tay và đưa cho tôi củ khoai. Tôi khoái trí:- Khoai nướng hả ông?- Không, khoai luộc thôi. Mấy bà trong làng vừa đem qua cho đấy.- Sao ông không vào nhà bà cháu.- Ông sợ liên lụy- Ông có họ với nhà cháu kia mà.- Thì ông có họ với cả họ nữa chứ.- Cháu không hiểu ông ơi.- Cháu không nhìn thấy ư? Bệ thờ bị đập nát, tượng thì buông sông.- Ai vậy, hả ông? Và để làm gì chứ.- Để mất phúc đức. Cả một thế hệ con cháu chúng nó sẽ hư hỏng tuốt. Đập mất bệ thờ rồi thì còn chân lý nào mà dạy con cái, sẽ thất học, trộm cắp, đàng điếm.- Ai ạ, chúng cháu á ông?- Cháu phải biết giữ lấy mình và vươn lên. Thế hệ cháu sẽ bắt đầu lại. Cháu hãy giữ lấy trong mình một bệ thờ, dù nhỏ thôi. Không vô thần được đâu.- Ông ơi, cháu không hiểu.- ừ, ông cho cháu cái này.Ông quờ quạng, rồi ông lôi ra một cái bọc nhỏ. Ông lần lượt dở các lượt dẻ rách quấn quanh. Hai pho tượng nhỏ. Một ông gầy đét, đen đúa, mặt khổ hạnh. Một ông to béo, bụng phệ, mặc áo phanh cả rốn. Tay cầm be rượu, tay lần tràng hạt, ngửa mặt lên trời cười tít cả mắt. Ông đưa cho tôi pho tượng ông to béo. Tôi muốn lấy bức tượng gầy kia hơn. Trong đầu óc non trẻ của tôi chỉ nghĩ –Trong hoàn cảnh của ông bây giờ lại phải pho tương gây kia thì thật không công bằng. Ông bảo:- Cháu cứ cầm lấy. Phật cả đấy cháu ạ. Ông mang ông gầy bên cạnh là vì cơn “bĩ cực” này. Đến thế hệ các cháu sẽ thờ ông béo kia đấy.Lòng buồn vô hạn, tôi lấy chiếc mùi xoa gói ông phật lại rồi thu vào rà áo. Tôi chia tay ông. Ông xoa đầu tôi:- Cha tiên nhân con nhà thằng Lân nhá. Học cho giỏi rồi mau sau đánh xe về cho ông đi thăm chùa Quán Sứ.Sau đó cho đến khi tôi đi du học ở nước ngoài tôi từ chối các cuộc về thăm quê nội. Nghe lời ông cụ Chùa tôi để lại một bệ thiêng trong lòng, ấy là quê nội, thuở tiếng chuông nhà thờ và chuông chùa cùng ngân lên một lúc.Dải đê xanh ôm lấy hai bệ thờ cong cong như da của mẹ. Con người ấm áp, hạnh phúc vui vầy bên trong. Tôi không muốn chứng kiến những gì ông nói đã thành sự thật. Sự tranh giành ruộng đất làng trên, xóm dưới thành hai chiến tuyến. Cha và con vì một bụi tre mà chém xả vai nhau.Ơi quê nội của tôi, tất cả đều là họ hàng đấy chứ.Sinh con được vài tháng, tôi quyết định nói với chồng:- Em sẽ về nước. Nếu như anh không theo em về thì, chúng ta có thể làm đơn ly dị.Chồng tôi chấp nhận sự ly hôn.Tôi bước ra khỏi tòa án nước mắt lưng tròng. Một sự dằng xé quyết liệt bây giờ mới diễn ra trong tôi. Tôi yêu chồng tôi, dù anh ấy không cùng dòng máu da vàng với tôi. Chúng tôi đến với nhau bằng trí tuệ. Tôi nhớ quê nội da diết. Trong thư bố tôi nhắc đến ông cụ Chùa, chắc ông còn sống. Nếu tôi không trở về, vĩnh viễn tôi sẽ chẳng bao giờ gặp ông nữa. Bức tượng nhỏ tôi vẫn mang bên mình, tôi sẽ trả lại cho ông – Và nhất là lời nhắn nhủ cũng như lời ước của ông canh cánh bên lòng:- Học cho giỏi đi, rồi đánh ô tô về làng cho ông đi thăm chùa Quán Sứ một phen.Chùa Quán Sứ đã xây dựng lại khang trang lắm. Những bức hưu ảnh chụp chùa đã sang bên này rồi. Quê nội ơi, nào có xa xôi gì đâu, 150km mà dân làng Đức Hậu có mấy ai được ra thủ đô.Con về đây, quê nội ơi, ông cụ Chùa ơi.Thế rồi nấn ná mãi, giấy tờ, thủ tục cho đến khi con bé chập chững những bước đầu tiên, tôi và con mới về quê nội.Quả như bố tôi nói, quê nội đã thay da đổi thịt. Hầu như không còn mái nhà nào. Quê nội không đón tôi nồng nhiệt như những ngày lý tưởng trong đời tôi, nhưng cũng không ghẻ lạnh. Đứa con lai, mắt xanh, mũi lõ, tóc đen là một sự suýt xoa, trầm trồ. Thật trái ngược với điều tôi lo sợ. Tôi sợ sự hắt hủi vỡi những kẻ đã trót đa mang với dòng máu ngoại tộc. Mộ số thì trầm trồ rằng nó xinh đẹp, còn số đông thì suýt xoa cứ y như nó là một tấm ngân phiếu giầu có.Tôi vội vàng trong câu chuyện mở đầu để nhờ bác tôi dẫn lên chùa. Bà nội tôi đã mất từ lâu. Tôi ngại ngùng vì cảm thấy mình xa lạ.Ngôi chùa mới khang trang quá. Tôi xăm xăm bước vào. Bác tôi kéo tay tôi đi ra đằng sau. ở cuối vườn chùa có một túp lều nhỏ, bác tôi lặng lẽ bước vào. Một cái chõng tre thuở làng Đức Hậu hàn vi. Cụ Chùa khẽ cựa mình, rồi mở mắt. Ôi, đôi mắt tỏa ra những tia lấp lóa:- Cha tiên nhân con nhà thằng Lân về đấy à?- Ông ơi – tôi nghẹn ngào nắm chặt tay ông.- Con đấy à? Bố nó là Tây hả?- Vâng, lạy cụ đi con.- Cháu còn giữ bức tượng ông tặng không?- Còn ạ, cháu đem về đây định bụng sẽ trả lại cho ông để ông để lên bệ thờ.Cụ chùa cựa mình lần nữa rồi thò tay xuống gối lấy ra một bọc nhỏ:- Giữ lấy cháu, giữ cả cho ông nữa với này. Ông sắp tịch rồi, ông không muốn mang theo nó. Cháu giữ lấy nhé, quá khứ vị lai đấy. Còn bức tượng ông tặng, cháu để lên bệ thờ cho mọi người. Nhớ chưa.- Nào đừng có buồn, cha tiên nhân con nhà thằng Lân.- Ông ơi, cháu chưa vào chùa nhưng ngoài chùa to lắm, sao ông đến nông nỗi này. Cái lúc họ đập bệ thờ, buông sông tượng phật chỉ có một mình ông cố giữ chiếc bệ thờ cuối cùng. Bây giờ...- Cháu ơi, đây là những nạn trên đường đời của mỗi người đấy mà. Con người ta ai cũng có những nạn trên đường đời của mình. Họ đập phá chùa, đấy là cái nạn của họ. Mình ngồi ôm bệ thờ liều chết, đấy cũng là cái nạn của mình. Ai vượt qua được thì an lạc trên cõi niết bàn. Ai không qua được thì sa chân xuống địa ngục. Chính bản thân họ cũng lờ mờ hiểu được điều đó đấy chứ, nên ngày ấy họ cso dảm chẻ tượng ra đâu, họ chỉ buông sông thôi.Cháu hãy nhớ lấy mà răn lấy mình.Tối từ lúc nào. Cụ Chùa giục tôi về:- Cháu cho con về đi, đừng khóc cho ông mà làm gì. Ông sắp về cõi rồi, ông sẽ theo và phù hộ cho cháu. Nhớ vào chùa thắp hương rồi hãy về.Tôi gạt nước mắt chia tay ông, cầm trong tay pho tượng của ông. Tôi dắt con gái vào chùa. Trong chùa có khoảng mươi mười lăm người ngồi quanh chiếu uống nước trà, hút thuốc lá, nhai trầu. Một bà ra tiếp tôi:- Mẹ con cô đi lễ chùa muộn thế?Rồi vội vàng đưa cho tôi chiếc đĩa để tôi đặt lễ. Tôi đặt mấy nghìn tiền lễ rồi thắp hương. Tôi không biết xin điều gì chỉ cúi đầu vái mấy cái. Tôi ra ghế ngồi chờ hương tàn.Tôi lấy trong sắc ra pho tượng nhỏ của tôi. Tôi vội vàng đi lên bệ thờ, trân trọng đặt bức tượng vào đó.Như làm tròn bổn phận tôi thanh thản ra về.1993