LỜI TỰA

Làn sóng văn minh vật chất đang lan tràn trên thế giới. Đặc biệt kỹ thuật tân tiến đang cung cấp đời sống tiện nghi khiến “tinh thần hưởng thụ” đang xâm chiếm tâm tư nhân loại khắp chốn.
Bởi lắm nhu cầu nên con người ngày đêm phải lo kiếm cho nhiều tiền, nhiều bao nhiêu cơ hồ cũng không đủ.
Thế là còn đâu đầu óc, còn đâu thời giờ người ta dành cho Chúa và linh hồn!
Số người công khai tuyên bố bỏ đạo thật ra không có là bao, nhưng số người chỉ giữ đạo hình thức hời hợt thì có lẽ nhiều vô kể lúc này.
Người ta vẫn tin có Chúa, có sự thưởng phạt, có linh hồn, có đời sau…, nhưng tất cả tưởng chừng như quá mơ hồ, xa lắc xa lơ tựa ở mãi tận phương trời nào đó.
Bao người giữ đạo vì thói quen, vì gia đình, vì sợ bị mang tiếng chê cười này nọ. Bởi thế, dầu vẫn cùng gia đình tới nhà thờ mỗi tuần vào ngày Chúa Nhật, họ cũng chỉ cố gắng ngồi cho hết ván lễ, tâm trí thì phân tán tứ phía tận đâu đâu!
Phúc Âm được gửi tới tâm hồn họ thì như hạt giống bị gieo vào mảnh đất cằn cỗi sỏi đá, chưa kịp mọc lên thì đã bị chim trời ăn mất.
Hơn lúc nào hết, có lẽ Lời Chúa một lần thắc mắc thuở xưa nay lại đang vang vọng khắp nẻo: “Chẳng biết ngày Con Người trở lại trần gian lần thứ hai có còn thấy được đức tin trên mặt đất nữa hay không!”
Trong tâm tưởng nhiều người, Thiên Chúa được quan niệm như một pho tượng trên Thiên quốc, có chăng chỉ là biết thưởng với phạt. Ngoài ra, chuyện ân nghĩa quan phòng, chuyện chăm sóc yêu thương, chuyện đoan hứa sẽ sát cánh ở bên con cái loài người có lẽ chả khác chi những thứ đồn đãi viễn vông.
Thế là Đạo Chúa dần dà trở thành một thứ mê tín dị đoan, không hơn không kém. Kết quả là đời sống đạo của bao người đã hóa nên thật ấu trĩ, trẻ con.
Cụ thể nhất là khi gia đình hoặc bản thân họ gặp hoạn nạn khó khăn, hay đối diện với một nhu cầu khẩn cấp, khiến họ vái lạy khẩn cầu trước Tòa Chúa vô cùng tha thiết, mà rồi kết quả chả được như ý, biết bao người đã quay ra buồn bực thất vọng.
Dĩ nhiên, sinh hoạt tôn giáo lúc đó giản dị chỉ còn là một chiều khô khan: Giữ đạo chỉ có nghĩa là do sợ hình phạt hỏa ngục, hoặc hy vọng được Chúa thương tình thi ân giáng phúc qua những may mắn lợi lộc vật chất.
Trong cái viễn ảnh đen tối ấy, đó đây đã thấy nhóm lên những phong trào canh tân sống đạo. Nhiều tổ chức đã được thành lập mong ngăn chặn làn sóng vật chất đang ào ạt gây ảnh hưởng tai hại như cơn nước lũ.
Tập sách nhỏ này được viết ra củng là như một cố gắng góp phần vào công cuộc tu sửa tinh thần sống đạo ngày hôm nay. Mục tiêu tối hậu là làm sao cho ba chữ TIN CẬY MẾN được lấy lại ý nghĩa trong tim óc từng Kitô hữu lúc này.
Thay vì cố giữ đạo theo tiêu chuẩn tối thiểu, với lập luận “tôi đâu có cần tòa cao sang trên Thiên đàng, miễn sao được ngồi xổm ở một góc nào đó là đủ rồi”, người giáo hữu phải ý thức giá trị của Ơn Thánh đang được Chúa phú trao nơi linh hồn mình.
Họ phải thấy cho thật rõ ý nghĩa việc Chúa đổ máu ra cứu chuộc nhân loại và Chúa tha thiết chừng nào khi mời gọi họ tiếp tay với Ngài để thánh hóa trần gian.
Mỗi người phải nhận ra niềm hân hạnh lớn lao khi mình được tham dự vào cuộc sống siêu nhiên của chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Một khi hiểu được rằng Chúa thật sự yêu thương và chăm sóc đời họ, họ sẽ buộc lòng đổi thay thái độ và lối sống.
Lúc đó họ sẽ xác tín được về ơn gọi Kitô hữu để biết sống đạo thế nào, bởi vì sau khi đón nhận Bí Tích Thánh Tẩy, mỗi người được Chúa gửi thác một sứ mạng tông đồ cao cả để trở thành những nhân chứng cho tình thương của chính Ngài.
Lúc đó họ sẽ hân hoan như người thiếu phụ Samaria, sau lần hạnh ngộ cùng Chúa bên bờ giếng Gia-cóp, để rồi loan báo cho thân hữu bạn bè về Đấng Thiên Sai đang ở giữa họ.
Họ sẽ theo gương các Tông đồ xưa, một khi được ơn Chúa Thánh Thần tràn ngập, để dùng hết khả năng sinh lực của chuỗi ngày còn lại mà tận tâm phục vụ Nước Chúa.
Họ cũng sẽ chân thành tạ lỗi cùng Chúa như thánh Augustinô ngày nào: “Lạy Chúa, con biết và yêu mến Chúa quá muộn màng. Xin giúp con biết đền bù từ nay”.
Và như thế, một cuộc SỐNG ĐẠO TRƯỞNG THÀNH sẽ biến đổi đời họ. Bóng dáng thiên đàng vì thế sẽ ẩn hiện đâu đó, để tất cả sẽ trở thành nguồn hoan lạc, dẫu cho thử thách cùng gian khó đang phủ vây tứ bề.
Linh mục Joseph Nguyễn văn Thư