Phải mất dăm lần bảy lượt nói đi nói lại, ngọt ngào có, đay nghiến có, hờn dỗi có, mặt nặng mày chì có, giận lên giận xuống có, vật vã trăm điều, vậy mà rồi cuối cùng anh vẫn chưa chịu vâng lời. Chuyện hết sức giản dị đó hai mẹ con cứ phải đấu tranh với nhau từng ngày một, từng bữa một, lúc rảnh rang, lúc bận bịu, đến cả lúc ngồi vào bàn ăn vẫn còn đưa ra bàn cãi, vậy mà anh cứ một mực không, không, không.Bà mẹ có lúc đã phải vận dụng lôi hết các câu ca dao, tục ngữ ra để cố lay chuyển, thuyết phục anh mà dường như anh vẫn cứ trơ trơ. Mẹ anh bảo cái ngữ “ cá không ăn muối cá ươn, con cưõng cha mẹ trăm đường con hư “ rồi có xuống a tỳ địa ngục cả trăm lần cũng không hết tội, con ạ. Lại có khi bà mẹ dở cái màn khóc lóc ra với anh, cố để anh hồi tâm nghĩ lại, thế mà anh cứ trơ trơ như gỗ đá. Bà mẹ tìm những câu thật nặng, vứt vào mặt vào mũi anh như mưa rào nhưng anh vẫn như không. Nói thét đâm mỏi miệng, người bà cứ bã ra, tay chân mệt mỏi, cái lưng muốn sụm, công việc vẫn chỉ loanh quanh ở mức chớm bắt đầu. Nói vừa thì anh im, nói tới nói lui thì anh lảng đi nơi khác, nói hoài nói mãi thì anh đâm cáu. Chẳng còn giữ ý giữ tứ gì nữa, anh nói đốp luôn vào mặt mẹ “ thì u xem u thích ai, u cưới người ta về làm vợ cho vui cửa, vui nhà “. Bà mẹ điếng lên, nghĩ là anh hoá dại, mình lo chuyện cưới vợ cho nó, nó lại bảo cưới vợ là cưới cho mình. Thủa đời nhà ai có đâu cảnh lộng ngôn đến thế, vợ chồng là chuyện giữa đàn ông và đàn bà con gái, chứ đâu một người nữ lại lấy một người nữ khác làm chồng. Rồi bà ngửa mặt lên trời như phân bua với ai đang ở trên đó nhìn xuống “ thời buổi thế này có nhăng nhít, lộn tùng phèo, ngả nghiêng không, ơi hỡi cao xanh “. Bà đi ra đi vào thở dài sườn sượt. Bà ngao ngán mặc bà, anh vẫn cứ dửng dưng như khách đến chơi. Suốt ngày anh cứ lầm lì ngồi một chỗ, tay cầm con dao con khoét vào khúc cây, chẳng ra một hình thù nào cả. Ðẽo chán, anh quẳng khúc cây nát vào xó rồi lại nhặt khúc khác lên đẽo tiếp. Những bụi cây xung quanh chỗ anh ngồi bị vặt dần trụi cả, cành nào cũng chỉ còn lại những nhánh lêu vêu như bàn tay gã cùi. Bà mẹ lại khổ khi đi ra đi vào thấy nhóm cây quí của nhà bị tước phá. Bà nghĩ hay là thằng bé bắt đầu giở triệu chứng điên? Bà đem chuyện con đi hỏi han các bà quen biết. Người thì bảo nó bị ma hành, người thì đoán có đứa nào bỏ bùa cho nó, người thì nhất định khuyên việc này vô cùng hệ trọng, chị phải lên chùa cầu xin sư cụ cho bùa phép giải đi. Bà mẹ càng hoang mang trước các lời khuyên ném vào tâm trí bà tới tấp như người bị xử tội ném đá. Rồi bà cũng nghe theo lời bày biểu của mọi người. Trước, bà gặp khó khăn vì không làm sao bảo được anh cưới vợ, lúc này bà lại càng cảm thấy khó khăn hơn khi muốn rủ anh đi viếng chùa. Bà tính tới tính lui, xoay chiều dăm bảy lượt, lơ lơ làng làng, nói y như chẳng nói với anh: lâu quá nhà chẳng đến lễ chùa gì cả, hay là hôm nào ta đi. Lần đầu, anh cũng chẳng đả động gì, sau nghe nhắc nhiều bận, anh nói ngay với mẹ: u thì lúc nào chẳng rảnh, lo cơm nước xong là có thể tranh thủ đi chùa, ï u có đi cũng chẳng phải rủ rê ai, lúc nào u muốn cứ lên vãng Phật ai cấm. Bà mẹ phân bua: ý mẹ là muốn anh cùng đi, có lễ lạy cầu xin vẫn có hơn, con ạ. Anh đốp chát ngay: nếu cầu mà được, ai chẳng vội lên chùa. Song sự đời nhiêu khê lắm, cầu cũng chẳng được mà muốn cũng chẳng xong. Hạnh phúc cứ như cái bóng vờn vờn, đùa trêu con trẻ vậy. Rồi anh cất tiếng hát oang oang: ta đi tìm em khắp đồi cao, suối thẳm. Em ở đâu, hỡi người yêu quí của anh. Bà mẹ ngẩn người ra, nhìn anh, không hiểu ất giáp gì hết. Bà mẹ lại đem những gì anh nói kể lể với các bà lân cận. Những bà mẹ cúi đầu vào nhau, bàn luận tỉ tê, lật xáo vấn đề lên mọi phía, cố truy tìm cho ra căn nguyên của cái sự lạ này, giống như các cụ trong uỷ ban, hội đồng họp bàn việc chính trị, tìm con đường đi cho vận nước. Chẳng bà nào chịu phục bà nào, ai cũng cho ý kiến mình là nhất, là tối ưu, là siêu việt; chỉ tội bà mẹ càng nghe càng thấy lạc lối, hẫng chân. Thôi thì đủ cách, đủ trò, đủ phương, đủ kế mà đâu vẫn chẳng ra đâu. Làng trên, xóm dưới trai tráng, thiếu nữ đua nhau đi lấy vợ lấy chồng. Ðám cưới rềnh rang, bà cũng đã nhiều lần được mời tham dự. Ăn của người rồi, bà mẹ càng cay càng đắng, càng ngậm ngùi tấc dạ năm canh. Bà chỉ sợ ăn mãi của thiên hạ, nợ trần gian chất hoài thêm nặng, anh con bà cứ ỳ xác trơ thây, liệu đến bao giờ mới trả công trả nợ. Liệu rồi thời gian càng lúc càng dầy, nhỡ khi bà xuôi tay, nợ đời chưa dứt, nợ do cái miệng gây ra sẽ trả lời ra sao trước ba toà quan lớn phán xét. Rồi mỗi năm trong xóm, trẻ bủ được thi nhau sinh ra. Các ông bố bà mẹ đi đâu cũng khoe đứa cháu mình bụ bẫm. Bà cả xóm trên bảo: dâu nhà tôi vú đúc tầng tầng, sữa đầy nhung nhúc, thằng chó cạp lấy cạp để mà không hết, bây giờ bồng cháu cứ nặng chình chịch trên tay. Bà năm xóm bên chặn lại: ấy chẳng bù với con hĩm nhà tôi mắn đẻ gì đến sợ. Mới lấy nhau 3 năm đã có 2 cháu rưỡi rồi, trông đứa nào cũng mộng cũng xinh như Kim Ðồng, Ngọc Nữ. Chỉ tháng ba, tư này là lại thêm một đứa nữa thôi, sao mà bọn trẻ dạo này khoẻ thế. Các bà có người chúm chím cười, đàn ông thì cứ ào ào lên tiếng: con chưa chui ra bố đã chui vào, chả trách cứ sòn sòn năm một. Ðây rồi không khéo nạn nhân mãn chật cả địa cầu, đến khi chúng tôi chết chẳng còn đất đâu chôn xác nữa. Nghe thế, các bà kêu toáng lên: khiếp, nói năng thô tục, không sợ bọn trẻ nó cười. Các ông vẫn trây trúa chưa chịu tha: các bà cứ làm như chuyện đơn giản, miệng thì cứ ơ hờ mà ghen ngấm, ghen ngầm thật dai. Ðàn ông chúng tôi có lại gần một tị thì xua đi ngoe nguẩy, ấy vậy mà mới nghe ai mách thóc là đã nổi cơn lục tặc, tam bành. Aên thì cố mấy cũng chán, vậy mà nhường thì chớ chịu buông xuôi. Thế chả trách làng xóm mình bây giờ đi đâu cũng gặp toàn con trẻ, cứ như câu ra ngõ gặp anh hùng. Với ngữ này giặc có đến chỉ nội nghe bọn thằng cu, con đĩ khóc inh lên là đã vội kéo nhau chuồn thẳng. Các ông kể xong, xem chừng đắc ý cười rung cả râu, cả bụng. Các bà nguây nguẩy kéo nhau đi. Bà mẹ vốn thấy mình hẩm hiu nên ít chường mặt ra thiên hạ. Nhưng trong lòng thì lúc nào cũng nóng bỏng như có mớ lửa hun. Bà thở ra thở vào, cứ than vắn than dài với anh: giá anh nghe u giờ u cũng đã có cháu. Anh vẫn không nói gì. Chuyện anh muộn mằn lấy vợ chẳng phải là vì anh không thích. Song vì cú thất bại lần đầu khiến cho anh chán mỏi chán mê. So với bọn cùng lứa trong vùng, anh là con người lanh lợi, hoạt bát nhất. Trong khi bọn kia còn đang chơi trò trẻ con chưa lớn thì anh đã thoáng biết thế nào là hương vị tình yêu.Cái năm anh đi làm chung nhóm với Xín, anh đã bắt đầu biết yêu rồi đó. Hợp tác dấm dúi anh với Xín vào cùng tổ, lúc nào hai người cũng bên nhau như bóng với hình. Có Xín, anh thấy mình đâm năng nổ lên, làm việc cật lực không biết mệt. Lần bình bầu nào anh cũng được chọn chấm từ bước tiên tiến trở lên. Xín cứ khen anh là nhiều tài, làm việc giỏi. Anh chẳng màng gì ba cái danh hiệu ỡm ờ, kể cả mấy tấm giấy khen, nhiều đến nỗi anh chẳng còn chỗ treo, cứ vứt bừa vào một xó. Tâm tư anh mong sao người ta cứ để anh làm gần Xín mãi thì dù chẳng được bình bầu gì, anh cũng vẫn lo công việc hết khả năng. Anh lo hết phần việc của anh xong, lại lĩnh phần của Xín, cứ ào ào như quân ta lướt sóng đánh địch. Bọn trai lười hậm hực thầm: mẹ, cái thằng hùng hục như chết dẫm, theo nó có mà gục, của sông công chợ, việc hợp tác là việc về lâu về dài, dại vắt sức kiệt lực, đến khi nằm một chỗ, chẳng có tay cán bộ nào đến giúp đỡ. Anh nghe hết các lời phê bình đó, nhưng giả ngây giả dại cho xong, miễn chỉ cần được Xín khen là đủ. Thế nhưng trò đời thật lạ, anh càng lơ là với việc nhận lãnh danh hiệu thi đua và bằng tưởng lục bình bầu bao nhiêu thì càng ngày anh càng được nhiều thành tích thêm lên mãi. Thậm chí hết được địa phương ca ngợi, hợp tác xã của anh còn được trên nêu là điển hình để các nơi khác đến học tập làm theo. Ðiều này càng khiến cho thanh niên, phụ nữ giận ghét anh, cho rằng sự năng nổ của anh làm cho họ phải bị cuốn hút theo, đến chẳng còn được nghỉ ngơi, thanh thản gì nữa. Nay một tiếng, mai một tiếng, người ta nói ra nói vào, thêu dệt đủ việc, cốt tìm ra cách hất chân anh. Không đánh động gì được đến khả năng, sự tháo vát, tài trí của anh thì người ta nhằm một khía cạnh khác. Họ khai thác chuyện anh với Xín, thêu dệt, nêm mắm nêm muối thêm vào, đến trở thành một vấn đề hệ trọng. Lâu dần chuyện ấy đến tai các ông, anh trong ban lãnh đạo. Nói nào ngay, trong số các người cầm cân nẩy mực cho hợp tác xã đi lên, phần đông ai cũng mến và để ý đến Xín cả. Cô không đẹp, không lộng lẫy gì lắm, song ở cái đồng đất giữa những người sàn sàn như nhau, bỗng nẩy lên một thiếu nữ vừa xinh xinh một chút, vừa nết na dịu dàng, vừa nói năng nhỏ nhẹ, vừa thướt tha yểu điệu thì chém chết ông, anh nào cũng chỉ muốn chộp lấy dành riêng cho mình. Ngoài mặt thì ai cũng giữ miếng nhau, nhưng trong bụng thì chỉ rình hất nhau để chiếm độc quyền cô gái. Trong số có đồng chí chủ tịch hợp tác xã và đồng chí tập đoàn trưởng sản xuất xem ra là xun xoe gần Xín nhiều nhất. Ông chủ tịch thì ra vẻ xuýt xoa cảnh nhà Xín neo người nên muốn tìm phương nâng đỡ, ý định dần dần có dịp sẽ cất nhắc Xín về phụ giúp ông với danh nghĩa thư ký riêng. Tuy vậy, ông còn e dè dư luận nên vẫn ngấm ngầm chờ một dịp thuận lợi. Còn anh tập đoàn trưởng vốn được hợp tác uỷ quyền thêm công điểm cho tổ viên, nên sẵn của trời, anh ta phóng tay vung vít ban phát cho Xín không tiếc. Aân huệ đó khiến nhiều khi Xín phải ngạc nhiên, nhưng lại cứ cho là nhờ vào sự tham công tham việc của anh mà cô được hưởng lây. Cô đem chuyện đó kể với anh, anh bảo ai cho cứ nhận, việc gì phải từ khước. Từ đó, bọn trai tráng lừa dịp khi ông chủ tịch hay anh tập đoàn trưởng ra hiện trường là y như họ bơm lời vào. Họ như nói chuyện giữa nhau mà kỳ tình làmuốn rót vào tai các vị đang thèm thuồng, câm nín đó. Anh thì bảo: tao nghe cô Xín sắp lấy chồng và cưới cái anh làm việc hăng của tổ mình đấy. Anh khác cãi: làm gì có chuyện đó, hình như là anh tập đoàn trưởng đang ướm ý cô ta. Cứ thế, có mặt người này họ quàng việc cô Xín lên người khác, để cho mọi điều cứ rối tung lên. Hợp tác xã có đảo điên thì họ mới đỡ phải bận tay, bận chân và luôn bị hành mệt nhoài như hiện giờ. Cho đến hôm Xín bị vấp vào gốc tre già, chân bị đổ máu từng giọt. Cô quính lên, xây xẩm mặt mày. Cô vốn sợ máu, nên tay chân run bần bật, đứng nguyên một chỗ. Trai tráng chẳng ai dám giúp cô, chỉ sợ ông chủ tịch hay anh tập đoàn trưởng bắt gặp, là rầy rà to chuyện. Ðang khi đó chỉ riêng anh ào đến như gió. Anh tức tốc bồng Xín lên, chạy ngay ra ao. Anh dúng chân Xín xuống nước, rửa sạch chỗ máu chảy, xem xét vết thương, rồi cứ xuýt xoa như chính chân anh bị đau. Vết cắt không rộng lắm nhưng sâu nên máu vẫn ứa ra. Anh lau, lau mãi, cuối cùng anh phải xé vạt áo mình để vừa làm ga rô chặn máu, vừa buộc chặt chỗ vết thương lại. Anh đặt bàn chân đau của Xín lên đùi anh. Chân Xín run run, anh làm việc tận tình và chăm chỉ. Nghe ồn ào, cả ông chủ tịch lẫn anh tập đoàn trưởng đang thăm công trường gần đó cùng chạy lại. Thấy cái cảnh Xín đặt chân trên đùi anh và hành động say mê của anh săn sóc cho Xín, cả hai đều lộn ruột. Ðã vậy anh lại còn dùng miệng mình hút chỗ máu độc ở vết thương của cô. Ông chủ tịch gắt oẳn lên: này anh kia, anh biết gì về cứu thương mà làm thế, liệu có gây nhiễm độc cho cô ấy không? Anh tập đoàn trưởng thì cả giận: áo sống anh mặc đang bẩn, thế mà lấy buộc vết thương cho người thì chết còn gì. Cả hai nhao nhao lên, làm như thương xót cho người dưới quyền lắm, song giả sử nếu người bị đau chẳng phải là Xín, chắc không ai có ý kiến gì. Bọn trai tráng được một phen thị chứng cảnh ghen tương ngầm giữa hai người, muốn cười lăn nghiêng ngả mà không dám. Cho nên ai nấy đều cố bưng nét mặt, chỉ lặng lẽ nhìn trộm nhau với ý vị sâu xa. Sau đợt ấy, anh bị chuyển công tác. Người ta cách ly Xín khỏi anh, đưa anh đến một tập đoàn khác. Anh buồn trong lòng, trở nên tiêu cực, lơ làng và trở nên cứng đầu, bướng bỉnh. Anh ì xác ra. Sự năng nổ của anh tan nát như tăm cá. Ai cũng lạ, bàn tán nhau: nó thất tình. Anh nghe chửi toáng lên: thất tình cái mả mẹ chúng mày. Có người lại chê: ngữ ấy có thấy gái chắc cũng không cách gì lên nổi. Anh càng cáu, thách thức: đứa nào chê ông bất lực, đưa em gái chúng mày xem thử ông có cho bụng phễnh lên không. Bà mẹ nghe tục quá, can: sao con lại nói năng thô bạo thế. Anh chất vấn lại mẹ: chứ u bảo cuộc đời này hiền lắm à. Thằng nào thấy gái cũng mặt ngây, mặt thộn, con bảo trước có ngày phải băm chúng nó. Bọn trai nghe sợ lảng xa. Rắp ranh chỉ e trong thôn có án mạng. Ông chủ tịch, anh tập đoàn trưởng báo cáo công an, dặn dò phải xem chừng anh. Tay an ninh thôn đến dò chừng anh chỉ thấy anh cười khùng khục. Bà mẹ càng lo lắng tợn. Các cuộc vấn kế các bà trong thôn càng lúc càng nhặt thêm. Mỗi bà nói một phách, mỗi nơi chỉ một kế. Ðám đàn ông thì cứ chõ mồm vào: thất tình, thất nghĩa gì, cứ đưa hắn đi nhà thổ một lần là bệnh tiêu tan tất. Gió lên lơ lửng ngọn tre. Những thân tre già vặn mình như răng nghiến. Xín lầm lũi đi trong bóng đêm. Cô lần mãi mới tìm ra nhà anh. Bà mẹ anh đã ngủ, chỉ còn mình anh thức ở phía gian sau. Giả như không có ngọn nến đốt leo lét, Xín cũng không nghĩ ra là anh đang ở nơi đó. Cô bước đi rất nhẹ, sợ làm anh kinh động cũng nên. Tiếng chó tru từng chập nghe thật xa xôi mà cũng thật gần cận. Xín gặp anh trong bóng nến chập chờn. Cô không ngờ người anh chóng hư hao đến như vậy. Má anh hóp lại, hai cái xương nhô ra như có hai hòn đá nhét vào. Môi anh trông trề hẳn ra phía trước, đen bầm như miếng thịt trâu ôi. Mắt anh lơ dại nhìn vào ngọn nến lúc cao lúc thấp như người đang chú tâm xem một bức tranh, hai con ngươi đứng im và như muốn lồi ra ngoài. Xín thấy lòng thương anh dào dạt. Nghĩ đến cái miệng ấy hôm nào đã mút máu độc ở vết thương cô, Xín như thấy người còn nổi gai rờn rợn. Chẳng suy nghĩ thiệt hơn, chẳng e dè dư luận, cô ào vào người anh. Anh giật mình nhìn thấy Xín, anh lặng đi, không tin rằng đây là sự thực đến với mình. Anh dơ tay ôm gọn cô vào lòng, mơn man lên tấm lưng cô. Bàn tay lướt trên lớp vải trơn như da rắn. Xín dụi đầu, dụi mặt vào ngực anh, hình như cô ấy đang khóc. Anh bứt rứt tâm hồn, song anh kịp trấn tĩnh lại, nhẹ đẩy cô ra, miệng nói: Xín về đi, đừng để anh phải mang luỵ vào thân. Xín vẫn áp vào người anh không nhả. Khuôn ngực cô như một lớp bông êm đè nhẹ lên người anh. Một hai anh cứ dỗ dành Xín: đừng em ạ, anh rất hiểu lòng em, song anh không thể nào vâng lời. Xín bù lu bù loa khóc, nước mắt rơi như suối, không cách gì làm ngưng chảy. Rồi Xín liên tục nháo nhào đổ sấp xuống anh. Tiếng chân ghế xê dịch nghe ồn ào trong khuya vắng.Bà mẹ anh hỏi vọng ra: mày làm gì lịch kịch vậy con. Anh bịt tay lên miệng Xín mà nói: không có gì đâu u, u cứ ngủ đi. Con còn thức đây, chẳng sợ trộm nả gì vào nhà đâu, u ạ. Ðó là lần hai người gặp gỡ nhau. Sau đó thì Xín đi lấy chồng, Xín về làm vợ anh tập đoàn trưởng. Ông chủ tịch cay đắng, nhưng vì còn bà vợ ở cạnh bên nên đành phải ngậm oán chuốc cay. Anh cũng nhận được giấy mời của Xín nhưng không đến dự. Anh lẳng lặng ngồi ở nhà. Ðến khi nghe tiếng pháo xa xa vọng về, anh mới ngâm nga câu: bây giờ sáo đã sang sông. Ðành thôi để sáo sổ lồng bay đi. Và anh ngửa mặt lên trời cười sằng sặc. Bà mẹ quýnh lên, luôn miệng kêu: ới con ơi là con ơi…