Trang 1

Những người tỵ nạn ở đảo Bidong quen biết hắn đều gọi hắn là Tâm ‘y tá’. Thật ra Tâm chả biết một tí gì về y khoa, hắn cũng chả có miếng bằng cấp nào lận lưng, nói gì đến nghề y tá. Nói của đáng tội sau năm 75, Tâm lăn lóc kiếm sống bằng cách chạy ‘áp-phe’ và ‘mánh mung’ ngoài chợ trời, bạ cái gì cũng có thể mua đi bán lại với hy vọng ‘trúng mánh’ để có tiền đắp đổi cuộc sống, nuôi gia đình. Trong các cú ‘áp-phe’ lớn của Tâm, thuốc tây là thứ dễ mua bán vì nó nhẹ nhàng, dễ cất dấu và có lời nhiều. Gia đình Tâm nghèo lắm, bố mẹ hắn chỉ là công chức ‘ba cọc ba đồng’ thời trước, tiền lương hàng tháng chỉ vừa đủ nuôi sáu miệng ăn trong gia đình, nên sau ngày miền Nam được thay ngôi đổi chủ, gia đình Tâm tuột nhanh xuống hàng cùng đinh, giai cấp những người chuyên chính vô sản thứ thiệt trong cái chế độ mới. Chạy hàng chợ trời lâu ngày nên Tâm rành rẽ tên thuốc tây cũng như dụng cụ y khoa để buôn bán giao dịch, móc ngoặc với nhà thuốc tây quốc doanh. Thời gian đầu mới đến đảo, Tâm chả có nghề ngỗng gì nên được xung công làm nhân lực tàu bốc vác ‘supply’ từ tàu và xà-lan vào kho chứa hàng. Một hôm trong lúc vác hàng Tâm vấp chân xóc phải cái dằm trên cầu ‘jetty’. Mấy ngày sau thấy đau, xem lại ngón chân đã sưng tấy đỏ, hắn mầy mò với cái kim khâu mãi mới lể cái dằm ra, đau thấu mây xanh…! Tưởng lấy cái dằm ra là yên chuyện ai dè ngón chân nhiễm độc mưng mủ đau nhức làm cho việc đi lại sinh hoạt rất khó khăn. Bữa lên khám bệnh, Tâm phải đi cà nhắc lên ‘sick bay’ xin trụ sinh uống ‘dứt nọc’ ngón chân đang làm độc. Người cao ủy y tế sau khi xem xét vết thương, rửa ráy và băng bó lại, phát cho Tâm hơn chục viên ‘Pinicillin’ loại 500 ngàn đơn vị. Tâm cầm viên thuốc trên tay hỏi người cao ủy y tế:
- Tôi phải uống loại'antibiotic' loại 500 ngàn này 2 viên mỗi ngày phải không?
Thấy Tâm phát âm tiếng Anh cũng khá chuẩn, dùng chữ ‘antibiotic’ trong câu nói ra vẻ thông thạo y học, người cao ủy hỏi xem hắn có thể giúp ông ta phát thuốc men cho đồng bào tỵ nạn đau ốm trên đảo được không? Thấy người cao ủy y tế tốt bụng và vui tính, hắn vui vẻ nhận lời. Từ ngày được trọng dụng vào Ban Y Tế trên đảo, Tâm cảm thấy vui vui trong bụng và tự hào lắm, hắn cho đây là dịp để phục vụ đồng bào tỵ nạn trên đảo. Với mớ vốn liếng tên thuốc Tây và biết công dụng của thuốc cho những căn bệnh sơ xài, ai ngờ những kiến thức ‘ba mớ’ Tâm thâu thập ngoài chợ trời đâm ra có kiến hiệu. Từ ngày có hắn cộng tác trong Ban y tế, việc phát thuốc cho bệnh nhân trôi chảy và nhanh chóng hơn. Viên cao ủy y tế mừng lắm, có thêm người phụ với ông trong công tác phát thuốc và làm thông dịch mỗi khi cần. Những lúc rảnh rỗi ngồi tâm sự, viên cao ủy thường hỏi hắn về quá khứ trước đây xem hắn có phải là bác sĩ hay là y tá gì không? Khi nghe Tâm trả lời cái kiến thức về y học là vốn liếng những ngày lang thang đói khổ, chạy hàng thuốc tây, dược phẩm và dụng cụ y khoa ngoài chợ trời, viên cao ủy ngạc nhiên dương hai con mắt tròn xoe cứ hỏi lại hắn như không tin:
- You’re kidding, right???!!!
Từ ngày nhận trách nhiệm phát thuốc trong Ban Y Tế trên đảo Tâm nghiễm nhiên trở thành ‘y tá’ chính thức của trạm xá ‘sick bay’, không là thầy thuốc nhưng hắn rất ‘mát tay’, những bệnh trái gió trở trời, ấm đầu sổ mũi lên gặp ‘Tâm y tá’ là dứt bệnh. Thời gian qua nhanh, thấm thoát mà Tâm đã ‘nằm’ đảo hơn một năm, không có ưu tiên và thân nhân nước ngoài nên chỉ còn nước chờ phái đoàn Mỹ ‘hốt rác’. Thằng Ban, bạn hắn trong Ban Hồ sơ Cao ủy cho biết tấm thẻ ‘lu ca’ (blue card) của hắn đã bị cao uỷ các phái đoàn các nước như Ca-na-đa, Pháp, Úc, Anh, Hòa Lan… đóng mộc ‘xù’ một cách vô tội vạ không hiểu vì lý do gì. Tâm cũng đã cạy cục làm đơn xin đi các nước khác nhưng chả đâu nhận, nhiều lúc Ban phát cáu dùm cho hắn:
- Tứ cố vô thân và chuyên chính vô sản như mày mà còn bị chế độ tư sản ‘xù’ thì tao cũng hết biết!