Một tháng, mười ngày, năm ngày và hôm nay gã ra tù. Gã giang hồ đã quá mệt mỏi để biết không nên ngoái đầu nhìn lại cửa nhà tù, nhưng không hiểu sao gã vẫn đứng nhìn cái cổng sắt chầm chậm khép lại rồi mới đi bộ ra đường cái.
Thế là xong, mười năm, gã cũng tròm trèm bốn mươi. “Tam thập nhi lập”, lập đâu chả thấy, cái tuổi ba mươi với mấy lít rượu đế cùng “chiến hữu”, rồi gây sự đánh nhau. Đối với gã mười năm vì tội ngộ sát là nhẹ. Đêm đâm người gã say lắm, sáng ngủ dậy nhìn mấy vết máu khô trên tay gã mới hoảng sợ.
Gã giang hồ ra tù hôm trước thì hôm sau đã thấy gã có mặt ở đầu phố bên hông chợ xếp. Cũng phải kiếm ăn chớ. Chiều đến đã thấy gã ngồi cùng bàn với Hoàng “hí”, một thằng đàn em ngày xưa giờ cai quản khu lề đường này. Xét về tuổi thì gã lớn hơn, còn về số má giang hồ thì gã cũng thừa, tù mười năm làm ngực gã có thêm một số hình xăm, dù không rồng phượng nhưng cỡ bò cạp, rắn rít thì có dư, được xăm bên cạnh cái quan tài và mấy câu chữ lem nhem.
Nhưng khổ nỗi gã đã dốc hết sức lực của thời kỳ sung mãn nhất cuộc đời lên những cánh đồng mía, cánh đồng cao su của trại cải tạo. Mười năm, bao nhiêu giọt mồ hôi đã đổ trôi sức lực của gã. Gã căm lắm khi nhìn thằng đàn em nhai ngồm ngoàm gần hết con khô mực bự nhất trong đĩa. Giá mà như ngày xưa thì đã no đòn với gã, còn giờ... biết làm sao được! Gã đang nhờ nó mà.
- Lão ca à! - Hoàng “hí” lên tiếng sau khi ực hết ly bia Sài Gòn - Lúc này làm ăn khó khăn lắm, lão ca ở trỏng lâu quá không biết chứ giờ mọi thứ thay đổi hết. Mấy thằng nhỏ mới lên giờ máu me lắm, liều gấp mấy lần anh em mình ngày xưa. Thôi lão ca cứ ở đây với thằng em.
Thảy lên bàn mấy đĩa phim bên ngoài in cặp trai gái đang quấn lấy nhau, thằng đàn em vỗ vai gã cười hề hề: “Chẳng ai tóm được lão ca đâu, coi vậy chứ đĩa trắng không hà, tịch thu thì lấy đĩa khác thiếu gì...”.
Trời chuyển mưa đen kịt.
Một người đàn bà lầm lũi băng qua phía bên kia đường khi thấy Hoàng, nhưng đã quá trễ. Một cái ngoắc tay, người đàn bà vội vàng băng ngược về phía bên này, rồi không đợi hỏi, kéo ghế ngồi sát bên Hoàng.
- Anh Hoàng thông cảm, mấy hôm nay mưa quá em không làm gì được, em kiếm được gởi anh liền. Cho em nợ mấy ngày nha anh.
Gã giang hồ ngước nhìn người đàn bà, lớp phấn rẻ tiền thoa đầy trên mặt không thể lấp kín các nếp nhăn, đôi gò má nhô cao làm khuôn mặt thêm hốc hác. Nhưng vẫn còn thoáng nét duyên của người con gái khi chưa bị thời gian và sự mệt mỏi làm tàn phai. Hoàng “hí” đưa cặp mắt lươn của hắn về phía người đàn bà, những con người sống bám vào lề đường này chẳng ai dám nhìn vào cái khe nhỏ xíu ấy trên mặt hắn, nên cũng không ai biết trong đó có tròng đen không nữa?
Mưa đổ như trút.
Hoàng “hí” không nói gì nhưng thế cũng đủ để người đàn bà cho đôi bàn tay kẹp giữa đùi để khỏi run. Tấm nilông của quán quá nhỏ không đủ để che mưa khỏi tạt làm ướt sũng mảng lưng người đàn bà. Hoàng quay sang gã: “Lão ca ở trỏng chắc thiếu đủ thứ phải không? Em đãi lão ca đêm nay đấy!”. Choàng tay qua vai người đàn bà, hắn gằn giọng: “Làm sao coi được nghe!”.
Người đàn bà ấy tên Hạnh. Chắc khi đặt tên con cha mẹ đã đặt vào đấy ước muốn đứa con của mình sự tròn trịa tiết hạnh và một cuộc đời hạnh phúc. Nhưng cả hai điều đó lại đối lập với cái nghề làm đêm ngủ ngày này. Sau các vũ trường, khách sạn, quán bar thì lề đường là chốn cuối cùng của họ và giá cũng rớt tỉ lệ thuận với nhan sắc. Hoàng “hí” kiếm tiền nhờ vào những người đàn bà ấy, vào những đĩa phim đen, vào những trò ma mãnh và cả ma túy... nói chung là vào những gì mà được gọi là tệ nạn ở khu lề đường này. Khi người đàn bà đã nằm trong vòng tay gã giang hồ, gã cũng không thôi nghĩ về thằng đàn em. Nó cũng đâu tốt lành gì, nó muốn cho gã thấy vị trí của gã cũng như người đàn bà này thôi, không hơn, không kém. Cơn mưa làm gã thấy lạnh, đôi môi người đàn bà lướt qua ngực làm gã rùng mình. Một sự thôi thúc còn mạnh hơn bản năng khiến gã ôm chặt lấy Hạnh.
Mưa ngớt hạt, Hạnh xin phép gã đi. Sau một hồi từ chối Hạnh cũng chịu nhận mấy chục của gã, đó là số tiền còn lại sau khi trả chầu nhậu hồi chiều. “Dạ, em cảm ơn anh. Nhưng anh làm ơn đừng nói anh Hoàng thì em mới dám lấy”. Gã gật đầu. Người đàn bà mỉm cười vui vẻ nhét vội mớ tiền lẻ vào cạp ngực rồi vội vã ra đi. Gã nghĩ thầm giờ thì chắc em còn câu được mấy thằng xỉn quắc không nhớ được đường về nhà với vợ.
*
Kê lại cục gạch ống, gã dựng đĩa phim lên đấy. Trên cả dãy đường này gần chục cục gạch như thế và cũng ngần ấy cái bẫy. Chỉ cần con mồi xấu số nào vì tò mò đụng khẽ vào đấy là rớt ngay. Vở kịch bắt đầu. Gã lẹ làng nhặt đĩa phim lên ân cần đưa lên cho kẻ tò mò, miệng liến thoắng giá được hét lên tùy vào mặt khách. Nếu lắc đầu chiếc đĩa ném xuống đất lại, con mồi bị vây quanh bởi những cánh tay xăm vằn vện, những câu chửi thề tục tĩu. Gặp khách “cứng” gã diễn trò cuối, móc ống tiêm đã lận sẵn trong người: “Anh cho nhiêu cũng được chứ giờ em tới cơn rồi...”, tiếp theo là một hai cái ngáp. Chỉ bấy nhiêu thôi là tiền của con mồi đã vào túi hắn.
Đôi khi con mồi móc bóp chưa kịp đếm thì hắn đã đếm trước rồi thảy trả lại cái bóp rỗng không. Nhưng thành phố triệu dân này người dại rồi cũng hết, gã ngồi ngáp vặt từ sáng đến chiều cũng chẳng câu được ai. Hoàng “hí” sau thời gian thăm dò, giờ đã chắc gã đàn anh ngày xưa chịu yên phận. “Hôm nào khá lão ca cho em xin tí chứ để tụi nó phân bì” - được cái nó không làm gắt với gã, được thì chia không thì thôi. Nó cũng biết “tức nước vỡ bờ”.
Tháng rồi quả là tháng vô mánh của gã, đúng như Hồng “bóng” xem bói cho gã. Sáng đến chiều kiếm vài trăm. Hồng trụ ở đây lâu nên nắm được qui luật, chỉ có gã là không biết. Vậy mà gã cũng tin, thết bữa nhậu ra trò. Nhập học, dân khắp các tỉnh đổ về thành phố này, chân ướt chân ráo hau háu nhìn vào mấy tấm hình gã chưng thế là dính đạn.
*
Thở dài, gã hứng miếng nước rỉ từ cột nước chữa cháy vuốt lại mái tóc rồi đi lang thang xem có gì kiếm ăn được không.
Ngang bệnh viện gã do dự. Đã quen dùng sức mạnh, xưa thì với kẻ ngang gã hay có khi mạnh hơn giờ thì với kẻ yếu hơn, có điều gã không thích mấy trò trộm cắp vì nghĩ nó hèn hạ làm sao. Nhưng đó là ngày xưa, cái thời mà chỉ cần thấy bộ râu của gã ở đâu là rượu thịt bày ra ở đấy, còn giờ thì gã đang đói... Thôi kệ. Gã bước lên cầu thang đi lòng vòng mấy bận để biết hết các lối tẩu thoát nếu như tóm được món gì. Xong đâu đấy, gã thong thả như người đi thăm bệnh, đảo mắt nhìn quanh. Có ai nắm lấy tay khiến gã giật mình nhưng kịp trấn tĩnh lại ngay. Một người đàn bà trông quen quen, phải rồi đó chính là người đàn bà đầu tiên khi hắn ra tù: Hạnh. “Gặp anh em mừng quá. Con em đang sốt mà giờ em phải đi mua thuốc dưới đất... Anh có mần gì không? Làm ơn trông chừng giùm em chút, em chạy lên liền” - Hạnh cuống quít.
Gã lúng túng nhìn thằng bé nằm đó, trán được mẹ đắp cho cái khăn hạ sốt. Gã không thể từ chối, bụng nghĩ thầm: “Mày làm mẹ mày dại mất rồi con ạ, lỡ tao ẵm mày đi mất thì sao. Quen biết chi mà gởi gắm. Thiệt đúng là đàn bà!”. Thằng bé cựa mình nhăn mặt khóc khi tay hắn rờ vào trán nó. Chắc nó giật mình vì tay gã đầy chai sần, khác với bàn tay mềm mại của mẹ nó. Mà nó cũng chỉ khóc một hai tiếng rồi nín. Nhìn thằng bé gã quên mục đích vào đây. Mắt nó nhắm nghiền, môi chu chu nút nút chắc đứa bé mơ thấy đang nằm trong bầu ngực mẹ nó. Đây là lần đầu tiên gã nhìn khuôn mặt trẻ con gần như thế. Lần thứ hai gã sờ đứa bé, miệng lầm bầm: “Sao con mẹ mày lâu thế nhóc?”, đứa bé biết đôi tay ấy không làm hại nó nên không phản ứng nữa.
Gã nhớ đến mẹ. Hồi nhỏ gã hay bệnh lắm làm bà cứ nháo nhào chạy thuốc cho gã. Khi thuốc tây, khi thuốc tàu và cả bùa phép, rằm hay mồng một bà đều đi chùa cầu cho gã hết bệnh, mạnh khỏe. Không biết có phải vì thế không mà lớn chút thì gã không còn bệnh nên bà mừng lắm. Gã ăn dữ, có sức khỏe, khi gã bắt đầu dùng tới nắm đấm, bà lo lắng suốt. Rồi bà mất khi gã đi tù được hai năm.
Thằng bé quơ tay chân, nó được bế lên bằng đôi tay to bè của gã. Gã vụng về lắm nhưng thằng bé quá nhỏ so với đôi bàn tay gã nên cũng đâu vào đấy. “Thôi ngủ đi con; mẹ mày hư lắm đi đâu mà chưa lên nữa. Ngủ đi, ta thương”. Thằng bé khóc thét lên như thể nó biết được người lạ mặt này mắng mẹ nó vậy. Hắn càng dỗ thằng bé càng khóc dữ.
- Này anh, râu anh cạ vô mặt làm nó khó chịu mới khóc đấy. Có con rồi mà cha vụng thế! - bà già trông cháu gần đấy nói vọng sang. Gã ngượng ngùng đặt thằng bé xuống, vậy mà nó nín khóc ngay.
Hạnh lên tới, đi như chạy, trông thấy mặt con còn chưa yên tâm. Hồi nãy gấp quá thì vậy chứ giờ sợ, biết đâu được... Hạnh ôm con lên hết nhìn mặt rồi nhìn đầu, gã bật cười: “Làm như thể người ta tráo đứa khác vậy?”. Hạnh đỏ mặt lí nhí cảm ơn gã. Bây giờ khuôn mặt Hạnh đã xóa đi lớp phấn bồi, trả lại sự tàn phai hằn lên đấy nhưng sao gã thấy đẹp lạ.
*
Ngày mai thằng bé được ra viện. Cầm hộp sữa gã cho cất vào tủ ở đầu giường, động tác của Hạnh rất khẽ sợ phá giấc ngủ của con.
- Tội nghiệp thằng nhỏ, em cũng không biết cha nó là ai anh ạ! Em có tội với nó quá - Hạnh ngập ngừng nhìn thằng bé như sợ rằng nó thức giấc sẽ nghe được câu chuyện của mẹ nó - Sém chút nữa là em giết chết nó rồi, may mà thai to quá bác sĩ không cho phá. Tới hồi sinh nó ra, để nó nằm bên cạnh em sung sướng lắm anh ạ. Em nghĩ vầy anh coi có được không? Hồi trước chỉ có mình em thì sao cũng được, giờ có nó rồi thì em phải có trách nhiệm với nó. Chứ để nó lớn lên rồi người ta nói mẹ nó thế này, mẹ nó thế kia thì tội nghiệp nó lắm. Tại em nghĩ vậy nên em bỏ nghề luôn, thiệt sống khổ cũng được. Mà khổ là hồi trước kia chứ giờ em có con em rồi thì em vui lắm anh. Hổng biết anh tin không, nhiều khi em ngồi nhìn con ngủ hoài mà không chán. Giờ em chỉ sống cho con em thôi.
Đứa bé giật mình, Hạnh vội ẵm nó lên: “Ngoan nào con của mẹ, mẹ đây nè, đâu bỏ con đâu, ngoan nào - thằng bé dúi dúi đầu vào bầu ngực mẹ - Cha mày, háu đói thế mới bú xong giờ lại đòi. Ừ, thương lắm nè, bú giỏi đi cho mau lớn nha con”.
Trông thằng bé áp đôi môi của nó vào bầu sữa mẹ bú lấy bú để, lòng gã giang hồ chợt run lên một cảm giác lạ lẫm, một cảm giác trước đến giờ gã không có được.
Gã giang hồ đi ra cổng, nút áo trên cùng bị đứt thấp thoáng chiếc quan tài gã xăm giữa ngực làm ông bảo vệ già nhìn chằm chằm. Gã mỉm cười đưa tay rờ cằm, râu rễ tre đâm tua tủa. Đi thẳng đến tiệm tạp hóa, gã hô lớn:
- Bà chủ, bán cho một đồ cạo râu loại tốt nghe!