Hai mươi bốn năm qua, mỗi lần nhớ tới Lê Anh Xuân tức Ca Lê Hiến, là lòng tôi lại dấy lên nỗi thương tiếc khôn nguôi, và hồi ức thường đưa tôi trở về một ngày đã xa trong cuộc chống Pháp. Dạođó khoảng 1951, tôi mới mười sáu tuổi, chèo một chiếc xuồng con từ cơ quan tôi công tác là Chi hội Văn nghệ Nam Bộ về thăm má tôi ở vùng Biển Bạch, lần đầu tiên tôi gặp Hiến. Bên bờ dòng kinh U Minh nước đỏ sẫm, một cậu bé chừng mười một tuổi vóc dáng mảnh khảnh, đẹp trai, cùng với các em gái tôi băng qua một vùng rẫy bí nở đầy hoa vàng để đến một ngôi trường kháng chiến. Năm sau, tôi gặp lại Hiến trong một nhà in nằm giữa rừng đước Cà Mau. Hiến đã là người thợ xếp chữ nhỏ tuổi nhất trong nhà in của Sở giáo dục Nam bộ, nơi chúng tôi đang in tờ Tạp chí Lá Lúa. Từ đó tới năm 1954 khi có hiệp định Giơnève, tôi không gặp lại Hiến. Tới lúc tập kết ra Bắc, mới biết Hiến cũng đã ra, đang học ở trường học sinh miền Nam. Do học chung với các em tôi ở Hải Phòng, rồi sau đó lên học ở Hà Nội, Hiến thường đến nhà tôi luôn. Khi ấy tôi ở một buồng trên gác nhà số 2, Cổ Tân Hà Nội, là ngôi nhà có nhiều anh em viết văn Nam bộ ở. Năm Hiến học Đại học, khoa Sử, một hôm ghé chỗ tôi, Hiến rụt rè đưa cho tôi một xấp thơ và nói:
- Em có làm mấy bài thơ, anh ái đọc thử coi có được không?
Tôi hơi ngạc nhiên. Thì ra bấy lâu nay Hiến đã lặng lẽ làm thơ, trong khi đang lo học gạo để chuẩn bị thi tốt nghiệp. Tôi đọc mấy bài thơ của Hiến, thấy thơ dạt dào tình cảm, rất mượt mà và trong trẻo, nên tôi nói:
- Thơ được đấy. Em làm tới đi, vừa làm vừa gọt dũa, chừng nào gần đủ 40 bài thì ra một tập...
Nghe tôi nói tới việc in thành lập, Hiến hơi hoảng. Nhưng tôi nói:
- Không phải gấp, em cứ gởi đăng báo trước, rồi in sau. Thơ Hiến đăng trên các báo, được bạn đọc yêu mến. Rồi Hiến được giải thưởng trong cuộc thi thơ của báo Thống Nhất. Đó là những bài thơ thiết tha về tình yêu, về quê hương mà ít lâu sau Hiến đã gom lại thành lập "Tiếng gà gáy" đầu tiên của mình.
Đầu năm 1962, tôi được phân công về Nam. Đi tập luyện bắn súng, ném lựu đạn, tập mang vác nặng suốt mấy tháng ròng, khi ở Sơn Tây lúc ở Gia Lâm, nhưng chiều thứ bảy nào tôi cũng tạt về chỗ 2 Cổ Tân. Một chiềuthứ bảy nọ về đó, tôi thấy Hiến đợi sẵn trong buồng (vì tôi có giao chìa khóa cho Hiến). Em ấy khẻ hỏi tôi:
- Bộ anh ái sắp về Nam hả?
Tôi gật đầu. Hiến có vẻ bần thần, ngồi lặng đi một lát rồi thốt:
- Phải chi em cũng được đi về trỏng như anh thì hay quá!
Tôi nói:
- Đợt đi này chỉ có vài người viết văn xuôi. Hình như Trung ương coi là thí điểm... nhưng, anh nghĩ rồi thế nào cũng có ngày mấy em sẽ được về.
Nói ra câu đó, tôi không phải chỉ cốt để an ủi Hiến, mà do láng máng nhìn thấy cục diện tình hình cách mạng ở miền Nam e diễn ra còn lâu. Sự chi viện trên nhiều mặt của miền Bắc chắc chắn sẽ còn phải gia tăng rất cao.
Câu nói của tôi không ngờ đã trở thành sự thật đối với Hiến, sau đó khoảng hơn hai năm. Nghĩa là trong hơn hai năm, từ đầu năm 1962 tới gần cuối năm 1964, sau khi tôi vượt Trường Sơn về tới Hội Văn nghệ Giải phóng ở chiến khu Đông Nam bộ, rồi đi xuống đồng bằng sông Cửu Long, trở lại rừng miền Đông ngồi viết vừa xong tiểu thuyết "Hòn đất" thì Hiến vào tới. Tôi còn nhớ lúc mới viết dứt trang cuối của tiểu thuyết, tôi phải tạm xếp lại, vì được phân công dẫn một tốp anh em gồm nhiều cây bút ở Hội đi dự và viết về Đại hội Anh hùng Lực lượng Vũ trang Giải phóng miền Nam lần thứ nhất. Chúng tôi phải tới địa điểm trước ngày khai mạc cả nửa tháng, để gặp gỡ các anh hùng, khai thác tài liệu. Lần ấy, vừa mang ba lô sang tới nơi, chúng tôi đã gặp Nguyễn Thi cùng các cây bút của văn nghệ quân đội đón đợi ở đó rồi. Anh Nguyễn Thi thấy lực lượng chúng tưi kéo sang đông thì mừng lắm. Tối đó, Nguyễn Thi, Võ Trần Nhã làm gà nấu cháo đãi chúng tôi. Qua bữa sau, vào lúc tôi nằm ngủ trưa trên võng, chợt võng bị lắc mạnh. Mở mắt ra thấy Nguyễn Thi trỏ vào hai anh cao cao đứng sát bên, cười và la lớn:
- Anh Đức dậy mau đi, coi hai thằng nào đây nè!
Tôi dụi mắt, nhận ra Ca Lê Hiến và Từ Sơn.
Bật người dậy khỏi võng,tôi ôm chầm cả hai. Nguyễn Thi bắt đầu gây một sòng trà với kẹo đậu phộng và thuốc "Con két". Ca Lê Hiến kể:
- Em với Dũng (tức Từ Sơn) về trong đoàn cán bộ giáo dục. Mới về tới B3 (Tiểu bao giáo dục) thì được huy động đi viết về Đại hội Anh hùng, tụi em quá phấn khởi, nên tức tốc sang đây liền.
Thế rồi Hiến tủm tỉm cười
- Nhưng tụi em là dân nhà giáo, đi lại qua đây chớ không biết có viết được không.
Tôi nói:
- Viết được hết. Cái vụ nầy là viết người thực việc thực, họ kể sao mình viết vậy. Yên chí đi!
Nguyễn thi cũng vừa vào:
- Có gì đâu mà ngán, các cậu cũng toàn là dân từ lò đại học văn ra cả mà!
Thế là cả hội chúng tôi, bên quân đội và bên dân sự, cùng nhau làm cái công việc mà lúc bấy giờ, và cả về sau này, ai cũng lấy làm vinh dự và xứng đáng, dù rằng trong cuộc đó, chỉ có Nguyễn Thi là đạt hiệu quả cao với tập "Người mẹ cầm súng". Riêng Ca Lê Hiến viết tới hai tập, đều được in ra. Tôi thì viết về người anh hùng miền núi Raglai Bi Năng Tắc. Xong Đại hội Anh hùng, Hiến phải trở về cơ quan của mình là tiểu ban giáo dục, đóng sát bên Hội Văn nghệ chúng tôi. Một hôm, Hiến sang tôi, rủ rỉ:
- Anh ái à, lúc anh đi Nam, em học rồi tốt nghiệp loại ưu, được nhà trường giữ lại làm phụ giảng. Thành ra khi vô đây cũng đi theo con đường đó, là ngành sư phạm,như ba em hồi trước. Nhưng em lại muốn...
Hiến nói chưa hết câu, nhưng tôi đã đoán biết Hiến muốn gì rồi. Tôi nhìn Hiến cười:
- Em muốn... bỏ giò qua văn nghệ chứ gì?
Hiến cười, có vẻ hơi ngượng ngập vì như tự thấy mình mới về mà đã "từ núi này dợm trèo qua núi nọ". Phần tôi, tôi lại nghĩ đó là một nguyện vọng chính đáng và thích hợp, nên gật đầu hứa sẽ giúp Hiến. Sau đó, tôi nói chuyện với các anh ở Hội và anh Tô Lâm, bấy giờ là thường trực Ban Tuyên huấn. Anh Tô Lâm vui vẻ chấp nhận ngay. Vài bữa sau, Hiến vác ba lô sang, ở chung nhà với tôi. Gặp lúc tôi vừa cho đánh máy bản thảo "Hòn đất" để gởi ra Bắc, Hiến ngồi chỉnh bản tiếp tôi. Vốn tính tỉ mỉ và thận trọng, Hiến sửa bản đánh máy rất kỹ. Nhưng lúc buông ra nghỉ xả hơi, Hiến bay hỏi chuyến đi của tôi về miền Tây Nam bộ, quá trình thâm nhập lại xóm làng, về chuyện vượt qua các con lộ, các ấp chiến lược ra sao. Tôi kể lại cho Hiến nghe, đồng thời nghĩ bụng: "Chắc Hiến sốt ruột muốn đến với thực tế, để từ đó làm ra sáng tác".Tôi bảo với Hiền rằng Hiến sẽ đi trong nay mai, và điểm đi của Hiến chúng tôi cũng đã trù tính, đó là Bến Tre, quê hương của Hiến. Nghe tôi nói thế, Hiến vui mừng ra mặt. Những ngày sau đó, Hiến chuẩn bị cụ thể cho chuyến đi, sao cho thật đầy đủ nhưng thật ngon nhẹ. Anh Thủy Thủ tức nhà văn Thái trần Trọng Nghĩa cũng muốn cùng đi. Thế là hai người lên đường. Cả hai về Bến Tre, xẽ Tân Thành Bình, quê của Hiến. Xã này là một xã chiến đấu giáp ranh với vùng địch. ở đó Hiến có gia đình người chị ruột là Ca Lê Du. Tám tháng sống với cô bác, với du kích, Hiến và Thủy thủ viết được nhiều. Trở về R, người nào cũng hết sức phấn khởi về chuyến đi. Hiến làm được nhiều thơ, chọn in thành tập "Hoa Dừa". Thủy thủ viết được nhiều truyện ngắn và bút ký, về sau in thành tập "Pháo đài trong rừng dừa". Hiến kể với tôi:
- Em về dưới, gập lại chị Ba em là chị Du. Thiệt thương cho chị ấy quá... Cả nhà em đều ra Bắc, anh chị ở lại tham gia đấu tranh, rồi có chồng, có con. Chị Du vừa công tác vừa làm ruộng, nhà rất nghèo, nhưng khi em về đó chị thường kiếm tôm càng cho em và anh Thủy Thủ ăn. Hôm sắp về, chị còn mua vải, may cho em một bộ đồ...
Đó là mựt bộ quần áo bà ba bằng vải pôpơlin màu tro, tôi thấy Hiến thường mặc, nâng niu, gìn giữ.
Hồi ấy tôi là Bí thư chi bộ được phân công xúc tiến việc kết nạp Hiến. Một hôm tôi gọi Hiến đến nói:
- Em đi chuyến vừa rồi, thâm nhập thực tế và sáng tác tốt, nên chi bộ dự định kết nạp Đảng, em thấy sao?
Hiến không nói gì cả, nhưng lộ vẻ rất xúc động. Tôi nói thêm:
- Hồi em ở ngoài Bắc về, Chi bộ cũng đã tính, nhưng thấy rằng cứ để em đi một chuyến thực tế sáng tác về rồi kết nạp thì hay hơn.
Hiến bảo chúng tôi tính thế là phải, rồi làm đơn xin vào Đảng.
Trong một đêm tối giữa rừng Suối Cây thuộc Tây Ninh, chúng tôi đã làm lễ kết nạp Hiến. Tôi đã nhiều lần theo dõi phát triển đảng viên mới, nhưng chưa có lần nào thấy trong chi bộ và cơ quan có sự nhất trí caođ ến như vậy. Từ đảng viên đến quần chúng đều mừng, từ anh em văn nghệ đến anh chị bảo vệ, cấp dưỡng đều vui. Nguyên do chính là vì Hiến sống rất tốt, tốt từ công việc của người viết và cả cuộc sống thường nhật. Là một trí thức, một nhà thơ trẻ, không khi nào Hiến lấy đó làm điều, Hiến luôn có mặt trong các lần luồn rừng hái lá trung quân, hoặc tải gạo, đào hầm, chống càn. Có thức ngon vật lạ gì Hiến cũng đem ra dùng chung. Nhớ lần Hiến đi Bến Tre, bác Tư Ca Văn Thỉnh là ba của Hiến khi ấy làm đại sứ nước ta rại Campuchia có gởi chó tôi một cái thư và một chiếc cặp da. Thư gởi tôi, bác Tư nhờ tôi gần gũi giúp đỡ chăm nom Hiến trong sáng tác và trong cuộc sống ở chiến trường mà bác thừa biết là rất ác liệt và gian khổ. Trong chiếc cặp có một số đồ vật, thuốc bổ, hàng lố dầu cù là và dầu Nhị Thiên Đường. Khi Hiến ở Bến Tre về, tôi trao lại, Hiến nói:
- Sao anh không lấy dùng và chia cho anh em.
Rồi cầm chiếc cặp da coi tới lui, Hiến cười bảo:
- Đúng là cái cặp đại sứ của ông già... Thôi, em tặng lại anh kể đựng bản thảo.
Tôi không chịu, nói là cặp của cụ gởi thì Hiến phải giữ. Tôi còn nghĩ rằng bác Tư muốn Hiến nhớ tới bác, vì bác hết sức thương yêu và rất hy vọng ở Hiến. Bác Tư Thỉnh hồi trước từng là thầy dạy quốc văn cho tôi ở trường kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Tôi yêu thích những giời giảng của bác về cụ Đồ Chiểu, về "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", và được nghe bác giới thiệu Lỗ Tấn, Lév Tolstoi... Hiến có những đức tính và cử chỉ rất giống bác Tư. Nhiều buổi trưa trong rừng tôi nhìn Hiến nằm trên võng, thấy Hiến có khuôn mặt y hệt bác Tư.
Trước khi trận càn lớn Gianxơn Xity diễn ra, cơ quan lo chuẩn bị chống càn. Tôi và Hiến lảnh đào một cái hầm bí mật để cơ quan cất giấu tài liệu. Rũi cho chúng tôi là chọn chổ đào hầm ở gần một gò mối, đất rất rắn. Hai anh em luân phiên, mỗi người xuống đào độ nửa tiếng. Nhưng hễ lần nào tôi xuống, đào được chừng hai mươi phút thì Hiến cũng giục tôi lên để Hiến xuống. Đó là một nét của đức tính Hiến, luôn muốn giành phần cực về mình. Tôi và Hiến phải vật lộn với cái hầm ấy tới bốn ngày mới xong. Những ngày ở rừng thường khó có ai tránh khỏi sốt rét, nhưng Hiến lại bị sốt nhiều hơn. Cái tạng người thư sinh của Hiến bị sốt rét tấn công liên tục. ở chung nhà với Hiến, tôi luôn để ý coi cơn sốt ngày hôm ấy có đến với Hiến không. Trong nhiều buổi chiều ta, khi cánh rừng bằng lăng trút dần ánh nắng, cũng thường là khi cơn sốt của Hiến hạ dần. Đó cũng là lúc tôi bơt lo.Tối đến, Hiến lại ngừi vào bàn làm thơ. Dạo ấy Hiến đang viết "Trường ca Nguyễn Văn Trỗi", dài trên hai ngàn câu. Sau khi nghe Hiến đọc cả tập, tôi bàn với Hiến:
- Anh không rành về thơ, nhưng theo anh, đối với trường ca, em phải thận trọng. Tập này của em có mặt mạnh, nhưng hơi dàn trải. Một bài thơ rời thì dễ quán xuyến, chứ vài ngàn câu rất dễ bị hớ. Với lại em chú ý: thơ mà hiền quá, xuôi quá cũng không được, nó cần biến tấu, vận động, xốc xáo...
... Hôm nay khi viết những dòng này,tôi nhớ như in lần cuối cùng Hiến chia tay với tôi và ra đi mãi mãi. ấy là một chiều hè năm 1968, trước hôm đi xuống vùng phụ cận Sài Gòn, Hiến sang nhà tôi ăn cơm, ngồi đùa giỡn với thằng con mới lên bốn tháng của tôi, khen nó ở rừng mà mập, sau đó Hiến đưa cho tôi một bài thơ có nhan đề là "Anh giải phóng quân" để tôi coi và đăng vào tờ "Văn nghệ giải phóng". Tôi đã đổi tên bài thơ ấy lại là "Dáng đứng Việt Nam". Nhưng Hiến đâu có biết bài thơ ấy khi in ra.
Hai mươi hôm sau Hiến rời rừng để đi về hướng vùng phụ cận Sài Gòn, điện từ chiến trường báo về: Hiến đã hy sinh trong một trận đổ quân trực thăng của địch xuống cánh đồng thuộc ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước.
... Đã bốn năm trôi qua, kể từ lúc Hiến ngã xuống nơi cánh đồng ở sát ven lộ 4 cách Bến Lức độ 3 cây số. Nhiều năm nay, tôi vẫn thường qua đại lộ 4. Mỗi lần xe chạy ngang qua chỗ đó, tôi đều chăm chú nhìn vào cánh đồng nơi Hiến chết. Lúa trên đồng bao nhiêu mùa qua đã xanh rờn màu xanh của cơm áo. Trời ở bên trên đã xanh màu xanh yên bình gần hai thập kỷ. Và những dòng thơ của Hiên để lại cũng còn tươi xanh như đất trời ấy.

Xem Tiếp: ----