Anh em gần nhau lại yêu nhau như vậy, ai cũng tưởng ngày càng dài nghĩa càng mặn, nào dè Quảng Giao thuở nay không chịu đi chơi, mà chừng có Bác Ái về ở gần được ba tháng rồi thì anh ta sanh tâm hay đi chơi đêm lắm. Ban đầu hai ba đêm anh ta mới đi chơi một lần, mà có đi thì chừng 11 giờ hoặc 12 giờ khuya thì về, lần lần mỗi đêm mỗi đi, có đêm cho tới hai ba giờ, nhứt là tối thứ bảy thường đi tới sáng bét. Bác Ái lại chơi hai ba lần không gặp Quảng Giao ở nhà thì buồn chí nên không muốn lại nữa. Còn Xuân Hoa thấy chồng hay bỏ nhà đi chơi thì buồn thầm, song vì sợ chồng phiền nên ban đầu cứ giả bộ làm vui không dám nói. Lần lần thấy chồng đi thường quá, sợ mê hoa nguyệt mà đánh đổ cang thường, hoặc sa đắm bạc bài mà bại suy gia sản, nên mới nhỏ to than thở dứt bẩn chồng. Thiệt, hễ Xuân Hoa lấy lời đoan chánh khuyên lơn, thì coi bộ Quảng Giao có sắc ăn năn, mà cách chừng vài bữa sau lại cũng cứ đi chơi như cũ. Có bữa Quảng Giao dạy học 5 giờ ra đi mất cho tới sáng rồi đi dạy luôn đến trưa bữa sau mới về nhà ăn cơm, vóc mình gầy, mắt vàng ẻo. Xuân Hoa buồn rầu hết sức không lời chi can gián nữa, chỉ đêm khuya ngồi trong phòng ngó ngọn đèn tàn rồi đau lòng rơi lụy mà thôi. Cô muốn viết thơ gởi về mẹ ruột với mẹ chồng tỏ hết đoạn thảm mối sầu cho hai mẹ nghe, mà cô nghĩ hai mẹ ở nhà, người thương rể, kẻ thương con, nếu mình đem cái tin chẳng lành mà bỏ vào nhà thì hai mẹ chắc chẳng khỏi lo lắng sanh bịnh hoạn, bởi vậy cô ta dợm đến năm bảy lần mà chưa dám viết. Đêm nọ lối 7 giờ, trăng mọc dọi hàng cây, sao sáng rỡ, ngoài đường xa mã chạy rần rần, Xuân Hoa ngồi ăn cơm một mình giọt lụy chan canh, khối sầu nghẹn cổ, ăn không ngon, nuốt không được, nên chống đũa ngó ra ngoài đường, thấy nhiều thầy dắt vợ con thủng thẳng đi chơi, chồng ngó vợ mà cười, vợ ngó chồng mà nói, cô ta nhớ phận mình tiu hiu quạnh quẽ, có chồng mà như kẻ góa chồng, thì tức tủi trong lòng chịu không nổi mới dạy đứa ở là thằng Tư, bưng mâm cơm dẹp rồi đi mời thầy Bác Ái lại đặng cô hỏi thăm. Bác Ái nghe mời, chẳng biết có chuyện chi, nên lật đật thay áo đổi quần rồi đi riết lại. Vừa bước vô ngó thấy Xuân Hoa ngồi chòm hỗm tại cửa, mặt mày dã dượi, đầu cổ chôm bôm, thì anh ta lấy làm đau đớn trong lòng, nên dừng bước rồi muốn thối lui, dường như nhác bước vô cái cảnh bi thảm là cái cảnh dễ làm cho mình động tình rồi thì khó dằn lòng giữ tiếng cho được. Xuân Hoa vừa ngó thấy Bác Ái liền đứng dậy chào hỏi, mời vô nhà. Bác Ái kéo ghế ngồi, tay vấn thuốc, mắt ngó ra cửa sổ. Xuân Hoa ngồi bên ván, dựa cửa buồng, tay lau nước mắt, muốn nói mà nói không ra lời. Bác Ái không lẽ ngồi lặng thinh loài, nên gượng gạo hỏi rằng: - Anh đi chơi hoài, bữa nay cũng không về nữa sao? - Hơn một tháng nay có đêm nào ở nhà đâu. - Thiệt, tôi thấy ảnh ham chơi như vậy tôi cũng buồn quá. Tuy mấy tháng nay tôi thấy ảnh đi chơi hoài, không có ở nhà, nên tôi không lại, song hễ tôi gặp ảnh thì tôi thường can gián dứt bẩn ảnh luôn. Tôi biết ảnh hồi còn đi học thì tánh ảnh đúng đắn lắm, chẳng hề khi nào chịu chơi những việc quấy quá. Ai dè ngày nay ảnh lại đổi tánh như vậy. - Thẩy cưới tôi về ăn ở với nhau đã gần năm năm nay, thẩy có chịu chơi bời như người ta đâu. Không biết tại sao mà ngày nay thẩy lại sanh tâm đổi ý như vậy. Phải tôi dè có chồng mà như vầy thì thà tôi ở một mình tôi nuôi má tôi còn vui hơn. Xuân Hoa nói tới đó rồi ngồi khóc rấm rức. Bác Ái động lòng chịu không được, mới kiếm chuyện khác mà hỏi rằng: - Chị kêu tôi lại đây có chuyện chi hay không? - Anh Tư cũng biết, tôi ở đất nầy chẳng có bà con anh em chi hết, bởi vậy cho nên mấy tháng nay chồng tôi chơi bời, tôi chẳng biết cậy ai can gián dùm. Tôi muốn viết thơ cho hai má hay, mà tôi sợ làm buồn hai bà già, nên tôi không dám viết. Nay tôi nghĩ anh Tư với thầy nó thuở nay thương nhau lắm, nên tôi nới cho mời anh Tư lại đây cậy canh Tư làm ơn chịu khó khuyên lơn dùm chồng tôi, nếu như anh Tư làm thế nào chồng tôi bỏ tánh chơi bời được, thì ơn ấy dầu ngàn năm tôi cũng chẳng dám quên. - Tôi với ảnh tình thương nhau như anh em ruột, không phải đợi có lời chị cậy tôi mới khuyên. Mấy tháng nay tôi thường dứt bẩn ảnh hoài, tại nói ảnh không nghe nên tôi không biết liệu làm sao. Mà thôi, nay chị nói vậy, để tôi ráng khuyên lơn ảnh coi ảnh có động lòng cải tà quy chánh hay không. - Xin anh Tư rán dùm cho em, dầu khuyên được hay là không, em chẳng dám quên ơn anh đâu. - Thôi chị đừng buồn mà sanh bịnh, để thủng thẳng tôi sẽ liệu. Tôi tưởng một ngày một tiếng, nói hoài có lẽ ảnh cũng phải xiêu lòng chớ. Bác Ái từ giã Xuân Hoa ra về. Xuân Hoa tỏ được chút tâm sự mới lưng bớt mạch sầu, nên đêm ấy ngủ yên, ít buồn rầu hơn mấy đêm trước. Mấy bữa sau hễ chiều Bác Ái ăn cơm rồi, thì đi chơi mà kiếm Quảng Giao. Có khi gặp tại nhà hàng có bữa gặp tại khách sạn, có lúc thấy ở chơi nhà bầu bạn, có đêm thấy nghễu nghển ngoài đường gặp chỗ nào Bác Ái cũng dùng lời ngon ngọt, lấy lẽ thiệt hơn mà gián can, có bữa Quảng Giao coi bộ ăn năn nên đi theo Bác Ái về nhà, có bữa lại coi bộ buồn rầu nên kiếm chuyện nói cho xuôi rồi giã từ đi mất. Bác Ái can gián hết sức mà coi bộ Quảng Giao không sửa nết chút nào, cứ cà rà nơi tửu điếm, xẩn bẩn lối lầu xanh, giọt lụy của vợ đẹp không thấm đến can trường, lời khuyên của bạn hiền không nhiễm vào trí óc. Bác Ái thấy vậy càng buồn ý, lại càng thương thân phận Xuân Hoa, tiếc đóa hoa tươi sao lại để cho úa sầu, phiền người có ngọc sao không biết trau dồi cho xinh đẹp. Đêm nọ lối 8 giờ rưỡi, Bác Ái nằm trên ghế hút thuốc, tay cầm một quyển tiểu thuyết, vừa muốn giở ra xem, bỗng thấy thẳng Tự là đứa ở của Quảng Giao, bước vào thưa rằng: "Bẩm ông, cô tôi biểu tôi lại mời ông lại nhà đặng hỏi thăm một chuyện cần kíp lắm". Bác Ái ngồi dậy ngó tên gia dịch ấy mà hỏi rằng: - Thầy mầy bữa nay có ở nhà không? - Thưa không. - Vậy chớ cô vui hay là buồn? - Thưa buồn. Hồi chiều cô tôi ăn cơm rồi kêu xe kéo đi đâu không biết, cho đến 7 giờ rưỡi mới về, mà bộ giận lung lắm. Nãy giờ cô tôi ngồi viết giống gì dài quá không biết, rồi mới sai tôi chạy lại mời ông đây. Bác Ái nghe nói dứt lời thở dài ra một cái rồi biểu rằng: - Mầy về trước đi, một lát nữa tao lại đa. Thằng Tự ra về, Bác Ái bước vô buồng thay áo đổi quần rồi đội nón đi liền. Bác Ái bước vô nhà thấy Xuân Hoa đương ngồi trên ván, mặt có sắc giận, chớ không phải buồn như trước. Bác Ái vừa kéo ghế ngồi vừa hỏi: - Chị kêu tôi có chuyện chi vậy? - Anh Tư ôi, thiệt tức tôi quá. - Sao vậy? - Mấy tháng nay tuy chồng tôi nó không nghĩ đến tôi nên nó chơi bời, song tôi cũng ráng giữ cho tròn đạo vợ, bởi vậy cho nên tôi thường hay lấy lời ngon ngọt mà khuyên lơn, chớ không dám nói một tiếng nào nặng nề. Chẳng dè chồng tôi nó không biết nghe lời phải, nên lời tôi nói cũng như nước đổ lá môn. Tôi nghĩ tôi giận, nên tôi mới tính tôi làm rầy một lần, hoặc may chồng tôi nó có tởn chăng. Hồi tối tôi kêu xe kéo tôi đi kiếm, trong bụng tôi tính hễ gặp thì tôi kéo lưng đem về, nếu mắc cở đánh tôi, thì tôi la mã tà (lính) đặng họ bắt nó cho nó biết chừng. Xe tôi chạy ngang Vĩnh Lạc khách lầu, tôi thấy chồng tôi đương ngồi ăn cơm với hai thầy nào đó không biết mà lại có hai con đĩ nữa. - Úy sao chị biết đó là đĩ? Không biết chừng hai cô đó là vợ của hai thầy nọ chớ. - Không, tôi biểu xe đi chậm chậm qua lại hai ba lần tôi coi kỹ lắm mà. Thứ đồ đánh chơn mày, cạo tóc con, môi thoa son, má dồi phấn, ngồi nói chuyện cười ngả nghiêng ngả ngửa đó mà vợ ai. - Ậy, bây giờ phần nhiều người ta trang điểm lung lắm, chớ không phải u tệ như ở dưới xứ mình vậy đâu. - Không! Tôi biết, đồ đó là đồ đĩ thiệt mà, chớ không phải người tử tế đâu. Tôi giận quá tôi muốn vô tôi đánh nó coi chồng tôi nói làm sao? Nhưng mà tôi nghĩ lại nếu tôi rầy rà chắc là chồng tôi mang xấu với anh em bạn, bởi vậy nên tôi không nỡ bước vô, mà thấy vậy rồi bỏ qua cũng ức bụng, nên tôi chạy về nãy giờ tôi viết cho chồng tôi một bức thơ đây. Anh Tư cũng như anh em ruột trong nhà nên tôi chẳng dấu diếm mà làm gì, trong thơ tôi nói gắt lắm, nếu chồng tôi còn nghĩ nghĩa vợ chồng thì được thơ nầy phải về liền rồi chừa bỏ tánh cũ đi, thì dầu mấy tháng nay ở quấy với tôi bao nhiêu tôi cũng bỏ hết, còn như chồng tôi nói rằng duyên nợ đã hết rồi, thì cũng phải tỏ cho tôi biết, đặng tôi lo phận tôi, chớ có chồng mà như kẻ góa chồng, thì cực thân tôi nhiều quá. Hồi nãy tôi tính sai sắp ở trong nhà cầm thơ xuống đưa cho chồng tôi, song tôi nghĩ đứa ở nó khờ dại, hễ trao thơ rồi thì thôi, chớ không biết nói tiếng chi cho chồng tôi tỉnh ngộ, nên tôi mới sai mời anh Tư làm ơn đem dùm bức thơ nầy cho chồng tôi, anh là người thân thiết với chồng tôi, nếu chồng tôi đọc thơ rồi anh thừa dịp nói dùm vô ít tiếng chắc chồng tôi xiêu lòng về liền. Anh Tư liệu coi đi dùm cho tôi có được hay không? - Đi thì đi, song tôi liệu tôi đi cũng không ích gì, bởi vì mấy tháng nay tôi nói hoài ảnh cũng trơ trơ, có nhúc nhích chút nào đâu. Bác Ái lấy bức thơ bỏ túi rồi từ giã. Xuân Hoa hối trẻ ở kêu xe kéo rồi nói với Bác Ái rằng: “Chồng tôi chắc bây giờ còn ở tại Vĩnh Lạc Khách lầu. Anh Tư có xuống đó thì gặp. Anh nói dùm dầu được hay không được cũng về ghé cho hay, nghe hôn anh Tư. Tôi ở nhà tôi thức tôi chờ đa”. Bác Ái thấy Xuân Hoa bạc phận chừng nào, trong lòng lại càng thương trộm tiếc thầm chừng ấy. Tuy anh ta chẳng có ý trông Xuân Hoa giận chồng, dứt nghĩa cang thường rồi anh ta thừa mối tình thân bấy lâu mà chấp nối làm cho hóa ra mối tình ái, nhưng mà ngồi xe đi dọc đường nghĩ càng thêm giận Quảng Giao, người sao không biết thương lục tiếc hồng, người sao nỡ để cho vàng phai ngọc đục. Anh ta lại nhớ mấy lời Xuân Hoa nói: “Như chồng tôi nói duyên nợ đã hết rồi thì cũng phải tỏ cho tôi biết đặng tôi lo liệu thân phận tôi”. Liệu làm sao? Xe chạy ngang nhà thờ, đồng hồ đổ chín giờ rưỡi, tiếng chuông đổ boòng boong làm cho Bác Ái tỉnh giấc chiêm bao mà nhớ tới việc nhơn gian. Anh ta nhớ mình tưởng quấy thì hổ thầm, nên giục chạy mau mau đặng cố tìm Quảng Giao trao thơ rồi an ủi. Xuống tới khách sạn không thấy ai ăn uống chi hết, duy có mấy thằng bồi đương dẹp ghế lau bàn, Bác Ái bước vô hỏi thăm thì họ nói Quảng Giao đã mướn cái phòng số 8 ở trên lầu và đương đờn ca với hai thầy và hai cô nào đó. Bác Ái lên được nửa thang lầu, nghe trong cái phòng có tiếng đờn ca inh ỏi. Anh ta đi nhẹ nhẹ, lên tới cửa phòng thấy hai thầy mặc quần tây, áo sơ mi đương nằm trên bộ ván, một người đương vịn ống hút kê đèn cho một người hút có một cô mặc áo lụa trắng, quần lụa trắng, ngồi trên ván khảy đờn tranh, có một cô nữa, mặc áo tím quần lãnh đen đương ngồi trên ghế mà ca, còn Quảng Giao ngồi một bên chống tay dựa bàn ngó mà cười. Bác Ái đi qua rồi đi lại một lần nữa, Quảng Giao ngó thấy liền đứng dậy chạy ra hỏi rằng: - Bữa nay tôi bắt được anh rồi. Anh cũng đi nhà ngủ nữa sao. Thôi vô đây chơi với tôi. Quảng Giao nắm tay kéo, Bác Ái chỏi cẳng trì lại không vô, nói rằng: - Tôi kiếm anh có chuyện riêng, chớ phải tôi chơi hay sao? Anh chịu phiền bước xê ra ngoài đặng tôi nói chuyện riêng một chút. Quảng Giao nghe nói thì châu mày ủ mặt, buông tay Bác Ái ra, rồi hai người thủng thẳng đi lại đứng dựa cửa sổ ngó xuống đường không nói chi hết. Trong phòng hai cô cũng thôi đờn ca và nói chuyện rì rầm, chẳng biết nói gì. Bác Ái liếc coi thấy Quảng Giao có sắc buồn bèn nói nhỏ rằng: “Anh thiệt là tệ quá! Mấy tháng nay tôi vì tình anh em thường can gián anh mà sao anh không nghe lời cứ đi chơi hoài, bỏ chỉ ở nhà tiu hiu một mình tội nghiệp hết sức vậy? Chẳng dấu chi anh, hồi nãy chỉ đi kiếm chỉ thấy anh ngồi ăn uống với mấy cô ở đâu không biết, mà chỉ giận quá nên về viết thơ rồi mượn tôi cầm xuống đây cho anh”. Bác Ái thò tay vào túi lấy thơ đưa cho Quảng Giao và nói tiếp: “Anh coi thơ đi rồi về với tôi, kẻo chỉ ở nhà trông. Vợ buồn rầu như vậy mà anh không thương cho đành hay sao?” Quảng Giao lấy bức thơ, thở dài một cái, rồi đi lại gần đèn xé ra đọc. Bác Ái đứng chống tay dựa cửa sổ ngó theo, thấy Quảng Giao vừa xem thơ vừa ứa nước mắt. Đọc thơ rồi xếp kỹ lưỡng bỏ vô túi coi bộ trong trí suy nghĩ lung lắm. Bác Ái thấy Quảng Giao đương cảm xúc, tính thừa dịp ấy nói riết vô đặng cho Quảng Giao về, nên bước lại vỗ vai mà rằng: “Đi anh. Đi về với tôi. Tội nghiệp chỉ lắm mà. Chỉ ở nhà buồn quá, mà anh nỡ vui cho đành hay sao?” Quảng Giao day lại nhìn Bác Ái, dường như người mới tỉnh mộng, rồi cười mà nói rằng: “Ừ, thôi anh vô đây chờ tôi một chút rồi tôi về với”. Quảng Giao liền nắm tay kéo riết Bác Ái vô phòng. Bác Ái muốn làm vừa lòng Quảng Giao nên đi theo, không dục dặc nữa. Vừa bước vô phòng Quảng Giao liền nói lớn lên rằng: “Ông nầy là Thừa Biện Ái, anh em bạn thiết của tôi. Ủa, sao lại thôi đờn ca như vậy? Cô Bảy, cô đờn đi đặng cho cô Tư cổ ca một chặp nữa nghe chơi chớ”. Hai thầy nằm hút thuốc thấy Bác Ái, lồm cồm ngồi dậy mà chào. Hai cô nọ cũng đứng dậy chào Bác Ái, rồi kẻ lo làm thuốc phiện, người lo lên dây đờn. Bác Ái kéo ghế ngồi dựa bên Quảng Giao, mùi thuốc phiện bay thơm ngát, sắc ba đào bẹo trước mắt, ngắm cảnh trông người rồi trong dạ bồi hồi, thầm nghĩ cảnh thú như vầy hèn chi xưa nay nhiều người nát cửa hư nhà không hay, giảm giá nhơ danh không tiếc. Tiếng đờn nghe rỉ rả dường như ăn thảm uống sầu, rồi lại tiếng ca nghe bi ai làm cho động tình cảm xúc nữa. Dầu người đại chí mà lạc bước vào lối nầy, thì tâm chí cũng tiêu mòn, huống chi là bực thanh niên, thấy cuộc vui chơi cũng như thiêu thân thấy ngọn đèn, thế thì làm sao khỏi cháy mày nám mặt. Quảng Giao lấy rượu cỏ-nhắc rót rồi mời Bác Ái uống, còn hai thầy kia cứ theo mời hút thuốc hoài. Bác Ái từ chối không chịu uống mà cũng không chịu hút. Bác Ái thấy Quảng Giao lần lần càng thêm hứng chí, chớ không buồn như hồi nãy nữa thì ngó Quảng Giao mà nháy mắt, có ý thúc Quảng Giao về. Quảng Giao đã không tính tới sự về lại cứ theo mơn trớn với hai cô nọ hoài. Bác Ái thấy vậy bèn đứng dậy nắm tay Quảng Giao nói rằng: “Tôi xin lỗi với hai thầy và hai cô, anh tôi bữa nay có việc nhà cần kíp lắm, nên ở chơi không được. Vậy xin cho anh tôi kiếu, để khi khác rồi sẽ ở chơi lâu”. Quảng Giao lắc đầu nói rằng: “Không, không, tôi không có chuyện gì cần kíp hết. Hai cô cứ đờn ca cho tôi nghe đi. Tôi không về đâu”. Bác Ái nghe nói chưng hửng liền hỏi rằng: - Ủa, vậy chớ hồi nãy anh hứa với tôi làm sao? - Không, tôi không về đâu. - Anh thiệt tệ quá! - Thôi, như anh không vui lòng ở chơi với tôi thì anh về đi. - Tôi muốn anh về với tôi chớ. - Tôi về không được. - Sao vậy? - Tại tôi về không được, tôi có biết sao đâu mà nói. Bác Ái nghe nói, đứng chắc lưỡi lắc đầu. Quảng Giao liếc Bác Ái mà nói rằng: “Chắc anh về anh ghé nhà tôi chớ? Nầy, xin anh làm ơn nói dùm với vợ tôi rằng tôi không về được, tự ý nó muốn tính thế nào thì nó tính. Tôi về nó càng buồn, chớ ích gì đâu…Anh làm ơn nói dùm một chút nhé”. Bác Ái nghĩ mình đã nói cạn lời mà Quảng Giao không nghe, dầu ở nữa cũng không ích gì, nên từ giã mà về một mình.