Gởi anh Nguyễn Tuân
Anh mà nhận lá thư này của tôi được phát qua Đài phát thanh Giải phóng, chắc anh ngạc nhiên rồi thốt lên: "Lạ quá!"
Vâng, tôi đả đọc bày ký của anh trong một đêm tối trong rừng đước, dưới ánh sáng của ngọn nến trắng. Và biển ở gần sát đó cứ ầm ầm như có trận dông lớn đang đi tới. Biển của mũi đất mà anh đã ví như "ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm" ấy.
Anh Tuân ạ! Sau lúc đọc bài của anh, tôi đã đặt tờ báo Văn Nghệ số 12 năm 1963 đó lên ngực mà suy tưởng, mà ngẫm nghĩ, mà cảm động vô hồi. Bởi vì anh nói với nhân vật Lý, Trần, Lê của anh rằng: anh chưa hề đặt chân tới Cà Mau bao giờ. Nhờ địa lý và lịch sử, nhờ tiếp xúc với những anh như Lý, nhất là nhờ tình yêu của anh dành cho mũi Cà Mau mà anh viết lên những chữ nói về đất, về nước, về lò than, về cây đước, về những con người cầm súng đứng dậy ở đây. Anh cũng nói khá sát, khá đúng. Lâu nay tôi tưởng chẳng có anh nào ở miền Bắc hiểu nổi giá trị của một ca nước ngọt ngày nắng hạn ở nơi đây. Tôi cứ tưởng các anh chỉ có thể nghe nói tới cái địa danh Thới Bình, chớ không thể nào biết ở đó có một ngã ba sông. Với lại các anh thì làm sao biết được cái bầu trời ong ong tái tái chỉ có chốn cuối đất này mới có. Tôi cảm động chính là vì anh nói đến mọi thứ đó, những cái mà ở đây hầu như chúng tôi nghỉ tới nó hàng ngày, là mùi bùn bốc lên từ các bãi bồi, là vị muối trong hơi thở của các con kinh ăn ra biển cả, là vị ngọt cùa ca nước ngọt từ sông Hởu chở đến trong tháng nắng, là đất phân U Minh dày hai, ba thước, mùa khô thường cháy ruỗng bên dưới. Tôi cảm động hơn nữa là vì nhận ra sức mạnh của văn học vời tình yêu không nén nổi, nó đã cất lên cái tiếng nói ứng nghiệm lạ thường. Anh Tuân! Anh đã nghe nói tới cái lò thanh Năm Căn và cũng đã hình dung ra làn khói thoát ra từ các lò than ấy. Xin báo thêm cho anh biết: ngay bây giờ trong cuộc chiến đấu, các dãy nhà lò ở Năm Căn ngày đêm vẫn đỏ hồng củi đước. Muốn cho cây được trở thành than, công việc đầu tiên là chuyển cây đước ở rừng về, rồi cưa thành khúc, rồi chất những khúc đước dài chừng non một thước đó vào lò. Lò than hình bán cầu, tợ như cái chén úp, có lỗ thông hơi. Người thợ lò than sẽ gầy lửa đốt suốt ngày đêm, rồi anh ta ngửi mùi con là thân đã chín chưa. Công việc đại thể là như vậy. Nhưng chính trong những dãy lò ấy, con người thì thế nào? Phải nói là con người vừa đốt than vừa đánh giắc. Có lần tôi đã nhìn thấy một anh thợ đốt lò chiến đấu với khẩu súng tự tạo, lấy lò than của mình làm công sợ. Sau khi cùng toàn đội đẩy lùi cuộc tàn, anh bị thương nặng từ trong lò bò ra, người anh bám đầy than đen, ngực anh đầm đìa những máu. Trước lúc chết, anh bảo vợ bồng đứa con gái nhỏ lại gần, anh kề miệng hôn đứa con mình lần cuối. Một vệt than in trên má của con anh, sau đó anh chết. Kỷ niệm cuối cùng của anh để lại trên đời là vất than trên má đứa bé. Những cái chết tương tự như vậy có rất nhiều. Hồi năm 1959 đen tối ở Cà Mau, có lần bọn Mỹ - Diệm đã từng sát hại nguyên một lò than người. Nói vậy để lúc nào anh đó dịp cầm lên trong tay một mẩu than Năm Căn, anh sẽ có một ý niệm về than đước sâu xa hơn. Một mẫu than đước mang trên mình có cái ý nghĩa lớn: lao động hòa bình và tính chiến đấu tự vệ vẻ vang.
Anh Tuân à! ở mũi Cà Mau, ngày nào cũng có máu hòa vào các dòng kinh nước mặn, ngày nào cũng có đạn rốc két nổ phụp xuống rừng đước, ngày nào cũng có từng đống dây thép gai vây quanh các ấp chiến lược bị cuốn tung lên... ở ngoài đó các anh thường nghe tin về các cuộc đấu tranh trực diện với hàng bao lượt người rầm rộ tràn qua đồn bót, thị trấn tràn vô Cà Mau, nhưng anh vẫn chỉ nghe nói, chớ chưa thấy các cảnh các mẹ, các chị, các cô bơi xuồng ào ào ra Cà Mau đâu. Khí thế chính trị của ta là ở cái mái chèo vỗ sóng vỗ nước, ở rừng xuồng ghe lao mũi tới như tên bắn, ở sự ung dung tự tin của các bà mẹ ngồi trên xuồng đi đấu tranh vẫn điềm nhiên ngoáy trầu ăn, và các cô gái vừa bơi vừa sửa lại khăn đội đầu cho ngay ngắn. Có khi vật đấu tranh chở dưới xuồng là mấy quả đạn 105 ly của địch bắn vô xóm bị lép, có khi là những thi hài bà con bị chúng mổ bụng. Bà con cơm đùm cơm nắm lên đường từ khuya, nơi nào xa thì phải đi tờ chiều hôm trước để kịp đến Cà Mau lúc tan sương. Bình minh là cuộc đấu tranh bùng nổ. Kẻ địch có lần đã mò xuống xuồng để cướp thi hài, hầu phi tna tội ác của chúng. Tức thì lúc đó các đoàn thuyền vây bọc xung quanh chiếc thuyền chở thi hài ken khít lại hơn. Trên mặt sông dàn ra một trận thế vô cùng vững chắc. Mặt sông vang lên những khẩu hiệu đòi nhận đơn, đòi bồi thường tài sản, nhân mạng. Bọn địch nổ súng, lúc đầu chúng bắn dọa, là đạn bay trên cao, bà co cặp xuồng vô bờ đổ bộ lên, bọn địch hạ thấp mũi súng xuống. Súng nổ có người té sấp ở vệ sông. Thế là người ta nhảy từ trên xuồng xuống ôm xác người chết đưa lên đi tới. Cuộc đấu tranh giằng co nhiều khi tới xế chiều. Trong chợ xuất hiện nhiều người bán bánh đi lẫn vào đoàn người, đó là hình thức tiếp tế của bà con ở ngoài chợ. Bánh trái ăn khỏi trả tiền. Một khi cuộc xô xát xảy ra, bà con còn giả cách bưng từng rổ mía chặt khúc đem vô bán, đó là cách tranh bị gậy gộc cho bà con biểu tình khéo léo nhất. Mỗi người cầm lấy một khúc mía làm võ khí tùy thân đánh nhau với lính. Cuộc đấu tranh biến cả chợ thành một cái tổ ong vở náo động cả lên, cho kỳ tới lúc tỉnh trưởng bối rối nhận đơn chịu bồi thường mới thôi. Tôi đã nhìn thấy bà con đem về những khúc mía gãy giập sau cuộc xô xát. Đặc biệt có nhưng tấm áo lịch sử. Một lần nọ chúng vây bắt một số bà con ta torng cuộc biểu tình, chúng lấy nước sơn viết lên áo của bà con dòng chữ "Toàn dân tham gia diệt cộng". Bà con vùng vẫy cưỡng lại, dòng chữ viết ép uổng ngoằn ngoèo chữ nào không ra chữ nào. Sau đó chúng thả bà con ra. Đi ngang phố bà con ghé vào hiệu nhuộm dùng nước thuốc để xóa hết các dòng chữ trái lòng trái dạ kia. Chuyện đấu tranh còn nhiều cái vui lắm, anh Tuân ạ. Giá có anh ở đây, các em, các chị sẽ kể cho anh nghe. Mà họ kể hồn nhiên lắm kia. Các chị vừa thoăn thoát tay đan lưới, vừa kể vừa cười rúc rích. Câu chuyện đấu tranh nghe như chẳng có cái gì là nguy hiểm chết người cả. Nhưng có những chị vừa cười vừa nói hồn nhiên với ta đó có khi vào hôm sau ta không gặp lại họ nữa. Họ có thể ngã xuống ở hàng đầu cuộc đấu tranh. Họ có thể bị bắt giam, bị đánh bằng gậy sắt, bị quay điện, bị ghim kim vào đầu ngón tay v.v... ấy vậy mà ngày ngày họ vẫn vui cười. Tiếng hát tiếng hò của hộ vẫn thường vút lên trên các dòng kênh hoặc những cánh đồng đã cấy. Cuộc chiến đấu ở mũi đất xa xôi nầy được cái nó trẻ trung, nó tươi đầy. Với giặc thì căm thù xốc tới, với ta thì yêu thương trìu mến. Và vì khát vọng có được một cuộc sống như ở ngoài Bắc nên con người ta dám chết. Hàng ngày Cà Mau rấn lên bùn đất và trong cơn máu đổ. Vậy mà Cà Mau vẫn xanh rờn màu mạ cấy, vẫn sáng loáng những đồng lúa vun cao, vẫn cắm cọc hàn sông ngăn tàu và cẫn bố trí hầm chông giữa ruộng. Nhưng lúc nào bà con cũng lảo đảo vì bắn chìm mấy chiếc thuyền nhựa của bọn công an duyên hải, một lát sau đã đình huỳnh ngồi tại một trại đáy ăn tôm lụi, uống vài ly rượu anít nhãn hiệu "Rồng xanh" cho ấm. Chả là anh ta phải trầm mình dưới kênh về, vì tụi giặc còn lại nó xổ trung liên như mưa theo anh.
Bầu trời Cà Mau cũng vậy, chẳng phải lúc nào cũng ong ong tái tái đâu. Cũng tùy mùa. Sáu tháng nắng, sáu tháng mưa mà. Mùa mưa bầu trời như se lại, bất cứ lúc nào cũng có thể đổ ào xuống một trận mưa to. Các ánh đồng kể cả rừng đước, vẹt, kể cả rừng tràm xứ U Minh Thượng, U Minh Hạ đều nhứ dầm chân trong nước. Không phải lo cho cây lúa, lúa cứ luôn luôn vượt khỏi mặt nước mà sống. Hầm chông, hố chông trong ruộng tựa như được nước lụt che, thằng giặc chẳng biết đâu mà rờ. Trong mùa nước, thằng giặc Mỹ - Diệm đổ bộ từ trực thăng xuống bị sụp chông, máu cứ loang đỏ trên mặt nước, trên màu mạ cấy.
Anh Tuân ạ! Vừa rồi ở trong nầy tôi may mắn được đọc tập "Sông Đà" và một số bài lẻ từ kháng chiến của anh. Trên mạn sông Đà, nếu anh có dịp theo một chiếc thuyền than nào đó xuôi sông Quỳnh Nhai, hoặc giả anh bắt gặp mây Mèo trên các triều núi Tây Bắc thì nay nếu anh mà đến được Cà Mau, tôi tin rằng anh sẽ gặp nhiều cái gợi anh nghĩ đến rất nhiều thứ chất liệu dành cho ký sự. Anh sẽ gặp bà má Năm Căn ngày đêm mong mỏi được ra thăm Hồ Gươm, anh sẽ gặp ông già cao niên nhất ở Viên An chuyên sống nghề hạ bạc, nghề làm củi. Các ông già ấy thể nào cũng cầm giữ anh lại ở trại đáy, cho anh ăn cua biển gạch son hoặc tôm lóng lớn bằng ngón chân cái luộc dấm. Các ông lão không quên đãi anh một vài ly rượu nếp cội (ở đây thì gọi là rượu mắt mèo, và nó trong lắm, trong như mắt con mèo vậy). Anh cứ lưu lại ở đó chơi qua một đêm. Khi đôi mắt của những ông già đã hoe hoe đỏ, khi bếp củi phựt sáng, rơi vạc than hồng, là lúc các ông ấy sắp dẫn anh đi ngược lại cái thuở ban sơ đến đây lập nghiệp, sau khi dời các sứ xa khổ ải, họ đã tới đây dựng lên hàng lưới, hàng đáy ra sao, dựng lên những lò than nung nấu cây đước ở chốn nê địa như thế nào. Anh nên đến đấy lắm, để nhìn xem tàu lá dừa nước óng mượt bụm nước U Minh đỏ ngầu như rượu vang. Rồi đây sẽ không bao giờ trở lại với ta nữa những đêm đi theo xuồng một chuyến giao liên, mỗi lúc cô giao liên khuấy chèo là vẽ lên một dòng sáng rực trên con kinh nước mặn. Có lẽ sau này khó mà nghe lại những hồi mõ, hồi trống nổi lên trong một vùng tranh chấp. Anh cần đến đây để tham quan cái hàng rào vĩ đại của bà con làm bằng cây đước, cây vẹt, vây chặt lấy biệt khu Bình Hưng của lũ giặc Mỹ - Diệm - Tưởng. Và ngày chủ nhật, ở vùng ven Bình Hưng, nghe thấy tiếng chuông nhà thờ từ trong cái địa ngục ấy vọng ra. Con chiên đi lễ là lũ giặc lóp ngóp chui qua từ các hệ thống hầm ngầm, vọng gác. Có tên trước lúc đến nhà thờ mới vừa ăn xong gan người xào, có tên trước giờ xưng tội còn tranh thủ giội nước sôi vô chiếc lu nhốt người cho người chịu tội bóc tuột da ra mà lũ giặc gọi là "làm lông" để sau khi đi nhà thờ về là chúng bắt tay pha thịt nấu nướng. Những chuyện về bọn Nguyễn Lạc Hóa khiến tôi nhớ tên Đèo Văn Long trong bài Một chút tiểu sử và một bản lý lịch và bài Xòe của anh. ở Tây Bắc, người con gái bị giết sau tối xòe đã là chuyện bi thảm rồi. Nhưng ở Bình Hưng ngày nay, chúng nó chẳng cằn xòe hát gì cả, chúng nó đi càn quét các vùng lân cận bắt con em chúng ta về lập nên nhà chứa cho lính. Tên lính nào vô nhà chứa mấy lần đều có ghi sổ, tới cuối thành tên Nguyễn Lạc Hóa sẽ khấu trừ vào số lương của họ. Chuyện Bình Hưng là cả một chuyện đau lòng, rùng rợn về con người. Bởi vì chúng nó cũng là con người. Bọn ăn thịt người tới mức độ đã biết ngon, biết chế biến ra cách xào nấu, biết lỗ tai người và bàn tay người là ngon nhất. Giành nhau một cái mật người, chúng có thể đâm nhau, bắn nhau, bởi vì một cái mật có thể bán 1.000 đồng, nghe nói nay đã lên tới 1.500 đồng, 1.800 đồng. ở Sài Gòn có một bọn thầu mua, chẳng sợ ế! Bọn Diệm thường gọi Bình Hưng là "Biệt khu Hải Yến bất khả xâm phạm". Bọn Kennơđi tặng Bình Hưng tên "Ngôi sao của thế giới tự do". Chỉ có bà con Cà Mau gọi Bình Hưng đúng với cái tên của nó, "Địa ngục Mỹ - Diệm - Tưởng". Lũ giặc Bình Hưng trong cơn say chếnh choáng giữa bữa tiệc thịt người thường vỗ ngực nói rằng:
- Nếu Việt Cộng đánh được Bình Hưng thì Việt Cộng mới lấy được miền Nam.
Mới đây nghe tin lực lượng võ trang ta triệt hạ hai chi khu quân sự Đầm Dơi, Cái Nước, thì Bình Hưng bị pháo kích dữ dội, 80 tên giặc vừa chết vừa bị thương, bọn Bình Hưng đâm hoảng bảo nhau:
- Việt Cộng nó đã đánh Đầm Dơi, Cái Nước, thì ở đây nguy đến nơi!
Hẳn là như vậy rồi, sớm muộn rồi Bình Hưng củng bị tiêu diệt, lực lượng võ trang của ta đã báo trước cho Bình Hưng biết điều đó. lực lượng ta lớn mạnh mau chóng thật, anh Tuân ạ. Chỉ huy trẻ trung, chiến sĩ trẻ măng, đôi mươi, có khi còn trẻ hơn nữa. Nhất là các chú trinh sát đặc công. Trong cuộc chiến đấu này, con em ta đã ra tiền tuyến trước tuổi. Đó là điều khiến tấm lòng các bà mẹ vừa kiêu hãng lại vừa xót xa. Một bà má ở U Minh vừa tiễn con trai 17 tuổ đi bộ đội, bảo tôi với giọng nghẹn ngào:
- Biết làm sao bây giờ? Má sợ con má nó chết lắm, nhưng má không thể giữ nó ở nhà với má được!
Bà mẹ U Minh nói như vậy, anh Tuân ạ. Về văn học, cái mâu thuẫn xâu xé trong cõi lòng bà mẹ miền Nam như vậy thì gọi là gì hở anh? sự thật thì chẳng có bà mẹ nào muốn con mình chết cả, chẳng qua là vì lẽ sống ở đây đòi đổi lấy bằng máu, không thể kỳ kèo tiếng một tiếng hai với kẻ thù được. Trong trận tiêu diệt chi khu Cái Nước tôi có tham dự, chiến sĩ giải phóng quân ở nhà anh nào anh nấy coi hiền lành, cù mì củ mỷ lắm. Đóng quân trong xóm, các anh bị các cô trê cứ đỏ mặt lên hết. Thế mà ở mặt trận thì họ khác hẳn, anh nào coi cũng dữ, cũng quyết liệt, họ hét, họ tuốt lê lao lên, họ dồn tờng tên địch vào góc tường rồi xốc tới trói nghiến lấy. Trận tấn công Cái Nước hôm đó mau lẹ đến nỗi điện đài địch không kịp kêu cứu về Cà Mau. Theo dõi Rađiôphôni nghe thấy một cái đồn lân cận, là đồn Rau Dừa kêu về Cà Mau báo tin chi khu Cái Nước bị tấn công dữ dội. Bọn Cà Mau điện trả lời:
- Hiện thời mọi chi khu đều biến động, chỗ nào nấy lo không thể tiếp cứu được.
Chi khu Cái Nước vừa bị hạ thì xuồng của đồng bào dân công đã bơi ào ào xông ra chở tù binh, chở chiến lợi phẩm. Con rạch dẫn ra Cái Nước, xuồng ghe chật cứng như nêm. Bà con gặp bộ đội, câu hỏi đầu tiên là:
- Sao? anh em mình có sao không?
Một số tù binh nghe các câu hỏi như thế cúi gằm mặt xuống. Bởi suốt cuộc đời lính cho Mỹ - Diệm, họ không sao kiếm ra một câu hỏi như vậy. Tất nhiên một trận đánh diệt ngót 200 địch ở Cái Nước, ta hy sinh năm chiến sĩ thì không có gì đáng kể. Thế nhưng có cái gì rất xót lòng, anh Tuân ạ! Tôi có đến nơi tẫn liệm năm chiến sĩ ấy. Lúc đó lối chừng hai giờ khuya. Dưới ánh sáng của những ngọn nến trắng cỡ lớn, năm anh chiến sĩ nằm gần nhau, mặt anh nào cũng phủ lá cờ Mặt trận. Xung quanh là các má, các chị, người lo thay quần áo cho anh em, xé vải liệm. Một bà má ngồi bên nhẹ tay vén là cờ nhìn mặt từng anh. Má lắc đầu, nước mắt lã chã. Má thương các anh quá. Tôi trông dáng bà má lúc ấy như đang tìm kiếm cái gì trên nét mặt của những đứa con mình. Có một anh chừng hai mươi tuổi chết rồi mà mắt cứ mở. Bà má vuốt mắt anh nhưng mí mắt anh vẫn không khép lại. Má đưa tay vuốt mặt lần nữa. Vừa vuốt má vừa thì thầm câu gì. Tôi nghe hình như má nói:
- Ngủ đi, ngủ đi con!
Cặp mắt anh chiến sĩ cuối cùng khép lại. Các má các chị lần lượt nâng con em mình đặt vào hòm. Tiếng khóc nấc lên giữa đêm sắp hầu tàn. Tôi cùng các má lội nước đưa các anh ấy ra nghĩa trang, và tôi giã từ những mộ phần mới đó ra đi trong đêm tối nhợt dần. Sáng ra rồi, tôi vẫn thấy ánh nến chập chờn, thấy đôi mắt của các chiến sĩ nuối nhìn cuộc sống, thấy các má các chị tới lui tất tưởi.
Đêm miền Nam là như vậy. Lứa tuổi trẻ ở miền Nam ngã xuống có anh chưa biết tình yêu là gì, chưa viết cái hơi thở ấm áp của một cô gái phả vào mặt mình, chưa hề cầm nắm một bàn tay khác lạ, nói chi đến chuyện hẹn hò nhau vào những chiều thứ bảy, nói chi đến chuyện dắt nhau đi dạo chơi trong công viên ngày chủ nhật. Sau những đêm như thế, khi ngày rạng, tôi thấy thiên nhiên cũng đổi khác. Nhìn sang rừng đước, tôi thấy dường như nó cắm sâu xuống lòng đất hơn, con rạch, vầng lá hình như cũng nhuộm thắm thêm cái màu sắc lãng mạn của cuộc chiến đấu.
Anh Tuân ơi,
Trong bài viết của anh, anh có nhắc tới những thằng Mỹ đem thân bón cho cây đước Cà Mau. Vào lúc tôi viết bức thư này cho anh, thì số tên lính Mỹ vùi thây dưới đất bãi bồi này tăng lên rất nhiều rồi. Trận gần đây nhất là trận Chà Là. 15 máy bay Mỹ bị bắn hạ. Một kỷ lục cao nhất về bắn hạ máy bay, có hàng chục phi công Mỹ chết theo máy bay của chúng. Có cả vợ quan lái tàu bay Mỹ đi vào vùng ta tìm kiếm thây chồng chết trận này. Mới đây, anh em đưa về chỗ chúng tôi một mớ tài liệu giấy tờ của hai tên Mỹ lái hai phi cơ phóng pháo bị du kích ta bắn rơi. Một trong hai tên phi công đó bị một viên đạn bắn xuyên qua cổ. Hai du kích bắn, một anh bắn khẩu Lơben, một anh bắn khẩu Garăng Mỹ. Tên phi công chết tốt. Chiếc máy bay cằm đầu xuống một cửa biển. Hai an du kích, anh nào cũng quả quyết là do chính khẩu súng của mình bắn hạ. Nhưng chẳng ai phân xử nổi. Tới chừng vớt xác tên Mỹ lên, thì vết đạn ở họng hắn lại chính là vết đạn Lơben. Loại súng này vốn là loại súng trường cổ lỗ của Tây, anh em gọi nó là "Quảng tầm sào", vì nó dài lêu nghêu như cây sào. Anh du kích bắn Lơben khoái trá nhảy cỡn lên mà la:
- Thấy chưa? Thấy cây "Quảng tầm sào" của tôi chưa? Đừng có khi dễ nó mà!
Tên Mỹ xấu số đó là trung úy Uyliam Xtadi, còn tên thứ hai là trung úy Vôn Hăngri Nétxi cũng bị hạ cùng chiếc phi cơ phóng pháo B.26 tại xã Khánh Bình Đông. Cả mớ tài liệu gồm có thẻ quân nhân, thẻ ăn sáng, thẻ câu lạc bộ hàng không ở Nêvađa, bản đồ, sổ ghi số bom đạn mang theo bao nhiêu, đã ném bao nhiêu và một số ảnh của vợ con chúng. Chiếc thẻ quân nhân của Uyliam Xtadi do Bộ Quốc phòng Mỹ cấp có dán ảnh hắn. Tên này trạc ba mươi tuổi. Đầu hắn hớt cua, mày rậm và hai mắt hơi lộ, trắng dã. Đôi mắt của hắn lúc ng mà đã như nhìn về cõi chết. Bức ảnh của tên Hăngri Nétxi bị tróc nham nhở, có lẽ bị thấm nước ruộng Khánh Bình Đông nên tôi không nhận ra được dung mạo của hắn. Trong quyển sổ võ khí có trang ghi: bom napan đã ném 20 quả, đạn rốc két đã bắn 43 trái. Thế có nghĩa là ngày hôm ấy nhà cửa đồng bào đã cháy, các em bé và các bà mẹ đã chết, cây ăn quả ngã gục. Dòng chữ ghi một cách ngắn gọn, tàn nhẫn. Tội ác của chúng được cụ thể hóa bằng số liệu bom và đạn. Vì vậy cái chết của chúng chẳng có gì là quá đáng. Vật cuối cùng tôi chú ý hơn cả là mấy bức ảnh của vợ con chúng, mấy bức ảnh được bọc rất kỹ trong giấy nhựa. Bọn giết người cũng viết nâng niu hình ảnh vợ con chúng. Một bức ảnh chụp người thiếu nữ Mỹ độ hai mươi ba tuổi, mặc áo hở ngực, đó đôi mắt sâu thẳm. ở người thiếu nữ này vẫn có cái gì tươi trẻ như mọi cô gái khác trên trái đất. Cô đang lâm vào một số phận đáng thương. Tôi biết vậy, nhưng lòng sao cứ ngây ngấy nổi lên mối ác cảm. Người thiếu phụ thứ hai lớn tuổi hơn có vẻ là người đàn bà nội trợ, đang nửa ngồi nửa nằm trên ghế sôpha, miệng cười chúm chím. Bức ảnh cuối cùng khiến lòng tôi se lại. ảnh chụp hai đứa bé, một trai, một gái. Đứa trai chừng năm tuổi, đứa gái chừng ba tuổi... Hai đứa nắm tay nhau đứng nhoẻn miệng cười trên bãi cỏ. Con của bé giết người cũng có nụ cười ngây thơ dễ thương như mọi đứa trẻ khác. Chúng ta đã mồ côi cha!
Tôi tự nghĩ rằng từ đây, nếu hai đứa trẻ ấy hỏi đến cha nó, thì liệu mẹ nó phải nói như thế nào? Chị ta có thể bảo thật với nó rằng: Cha chúng đã chết ở miền Nam Việt Nam không? Không, chắc người đàn bà ấy không đáp được câu hỏi của con mình. Tôi tính chị ta sẽ úp mặt vào lòng bàn tay mình mà nức nở, anh Tuân ạ. Và có lẽ đêm đó, người đàn bà đáng thương kia lại mường tượng tới mỏm Cà Mau xa lạ.
Anh Tuân! Mỏm đất đấy thì chúng ta biết rõ, nhất là tôi. Còn anh, anh cũng đi tới rồi đó, anh. Anh đi tới mũi Cà Mau với cây đèn đất lịch sử soi trên bản đồ địa lý, với trái tim nhịp đập theo sự kiện chạy ngày một khỏe của Cà Mau. Anh đến với mũi đất này như thế cũng quý hóa lắm rồi... Tính tới năm 1963 nầy, người dân Cà Mau đã trải qua ngót 20 năm đánh giặc rồi anh Tuân ạ. Nếu không cò thằng Mỹ, thì cuộc đời đã vui tươi sung túc bằng mấy. Nhưng từ nay bước vào cuộc kháng chiến gian khổ lâu dài, dân Cà Mau vẫn lạc quan theo đuổi đến cùng. Ngày ngày những con gió bão lớn nhứt thổi hắt vào mặt họ, nhưng tay cầm tay, họ đứng vững chân trên đất hệt như cây đước. Vấn đề là ở chỗ phải đứng chắc chắn như cái thế của cây đước. ở Cà Mau đã lâu, tôi chưa hề gặp một cây đước nào bị dông gió thổi bật, cho dù là một trận dông lớn nhất sức gió cũng không thể nhổ bật được hàng trăm rễ đước cắm sâu xuống lòng đất. Vả chăng có cây đước nào đứng riêng lẻ đâu? Nó đứng cạnh nhau, che chở cho nhau. Chỗ đứng đầu sóng ngọn gió sản sinh ra loại cây khả dĩ có thể chống chọi được sóng gió. Con người sinh ra ở đây cũng như vậy. Theo tôi, họ là những người Việt Nam thống khổ nhất, bị áp bức gai cấp mà đi riết các chỗ hết đất hết trời. Tôi cả tin ở lời anh nói rầng: những người tới đất Cà Mau sớm nhất có thể là một anh lính thú, một cung nữ thất sủng, hoặc là những kẻ bất hạnh. Tôi xin bổ sung thêm là gần đây vào thời lịch sử nước ta bị chia cắt lần thứ hai, tại mũi đất cuối cùng này lại đến thêm những con người bất hạnh mới. Đó là những bà con miền Bắc trong cuộc di cư cưỡng ép cuối năm 1945. Sau khi trải qua không biết bao nhiêu cảnh khổ, họ đã trôi dạt tới đây. Bà con này bị Mỹ - Diệm tập trung trong các khu dinh điền. Nhờ lực lượng võ trang ta đánh vào và bà con tự phá ra chạy vô vùng giải phóng. bà con ấy đã định cư làm ăn, tham gia cách mạng. Bà con lại đi bộ đội, du kích. Có người được kết nạp vào Đảng Nhân dân cách mạng, được cử vào Mặt trận ở địa phương. Là nào rụng về cội ấy. Người Cà Mau giúp đỡ, đùm bọc những người trước kia sống ở đồng bằng sông Nhị, sông Chu, hoặc ở những nơi đồng chiêm trắng nước tỉnh Hà Nam. Bà con miền Bắc này vẫn hay nhắc tới cái cổng xây, cái đình làng họ, cái giếng nước làng họ. Cho dù gặp con cá con tôm mập béo ở xứ đất màu mỡ, họ vẫn nhớ con cua con cáy. Tại Sào Lưới, một xóm nhỏ của Cà Mau nằm bên vịnh biển Thái Lan ầm ầm sóng vỗ, một hôm tôi đã nghe một ông cụ người quê Kẻ Sặt (Hải Dương) nói:
- Chiều chiều tôi nhìn những đám mây mà nhứ làng nhớ quê quá cậu ạ.
Tôi hỏi:
- Thưa cụ, cụ nói những đám mây kia?
Ông cụ gật đầu, đáp giọng như lạc đi:
- Phải, những đám mây đang trôi về quê tôi đấy, cậu ạ.
Chiều hôm đó, tôi mới vở lẽ ra ông cụ Kẻ Sặt có rất nhiều buổi chiều ngồi nhìn lên như thế. Ông cụ trông về phương Bắc... Mà thôi, tôi chẳng nói về ông già Kẻ Sặt ấy viết thư về cho những người thân thường bảo rằng "Ngày Bắc đêm Nam".Cũng đều giống nhau cả, kẻ đàng trong nhớ ra đàng ngoài, kẻ đàng ngoài nhớ vọng vô trong. Thư này tôi viết cho anh đã dài, mà những điều muốn nói về Cà Mau thì lại càng dài hơn. Có lẻ tôi tạm ngừng ở đây chăng? Một dịp khác tôi sẽ lại viết tiếp cho anh. Giờ đây đêm đã khuya, mưa đang đổ lớn, biển động dữ dội. Dạo này, đêm Cà Mau, gió mưa cứ tầm tã, ở ngoài đó chắc đã lập đông rồi, phải không? Mặt nước Hồ Gươm mùa đông có đẹp không anh. Lát nữa trời sẽ rạng sáng. Dù chưa biết Hồ Gươm, tôi vẫn nhớ Hồ Gươm và đoàn rằng lúc ấy Hồ Gươm sẽ đẹp hơn cả mọi lúc, vì khi ấy Tháp Rùa sẽ hiện ra trong sương sớm như xuất hiện từ trong câu chuyện thần thoại của bản thân nó. Cây đước của bà má Năm Căn có ở đó không anh nhỉ? Chừng nào thì xuất hiện cây đước với vòm lá xanh rì của nó, chừng nào thì rễ đước bắt đầu bén đất Hồ Gươm?
Chừng nào? Cái câu hỏi ấy, mỗi người đều phải đặt lấy, định lấy. ở tôi, ở anh, ở tất cả thảy chúng ta trên hai miền Nam Bắc. Tin rằng: Thời gian sẽ ủng hộ chúng ta. Để anh có thể vô thăm Cà Mau sớm hơn. Và tôi có thể ra viếng Tháp Rùa một thể cùng một chuyến với các bà mà Năm Căn, vai đeo bị bàng đựng những trái đước giống.
Chúc anh sức khỏe.
Cà Mau tháng 11 năm 1963.

Xem Tiếp: ----