Buổi tối hôm ấy, tôi được mời đến dự liên hoan mừng chiến thắng ở một hội trường lớn. Trên hàng ghế đầu là các vị chức sắc, họ nói cười vui vẻ và thay nhau bước lên diễn đàn. Phía dưới, phần nhiều là đàn bà con gái. Cuộc chiến tranh vừa đi qua, các chàng trai ra trận hoặc ở lại vĩnh viễn hoặc chưa kịp trở về. Tôi có cái may mắn hơn bạn bè là sống sót và lại được về sớm hơn, dù trên mình cũng mang nhiều vết thương. Chỉ hơi buồn, người yêu tôi đã không đủ kiên nhẫn như những người đàn bà khác. Là con gái đầu lòng của một vị quan chức, em được đi nước ngoài du học và trở thành vợ của người khác. Họ thay vào cái ghế mà nhẽ ra tôi được ngồi vì tôi đã xung phong nhập ngũ và cảm thấy tự hào về cách lựa chọn của mình. Tôi được trở về sớm không phải do các cấp chỉ huy ưu ái, vì tôi là thành viên trong đoàn dũng sĩ được về hậu phương báo cáo thành tích. Số người như thế không đông lắm, hầu như những người ưu tú đa số đều ngã xuống ở chiến trường. Không hy sinh ở trận này thì cũng bị thương trong trận khác, vì đơn vị tôi chiến đấu suốt thời kỳ ác liệt nhất. Có người vừa được phong anh hùng, được tặng huân chương chưa kịp nhận đã ngã xuống.
Các bà chị líu ríu chuyện trò, ai cũng nghĩ ở chiến trường chắc chúng tôi cùng chiến đấu với con em họ. Các cô gái trẻ đầy hâm mộ đối với những chàng dũng sĩ mặc quân phục, ngực lấp lánh huân chương.
Một cô gái khá xinh đẹp đem hoa đến tặng Thắng và ôm hôn thắm thiết. Thắng là trưởng đoàn. Tôi nhận bó hoa từ tay một chị gái đứng tuổi. Cô bé xinh đẹp cứ quấn lấy Thắng trò chuyện. Cô hỏi đủ thứ chuyện ở chiến trường. Chị gái khoe với tôi, người yêu của chị cũng ra trận gần mười năm. Mười năm đối với đời một người con gái.
Họ yêu nhau năm chị tròn mười bảy và bây giờ chị đã hôm bảy nghĩa là đang đứng trước ngưỡng cửa của cái tuổi "đã toan về già".
Hết phần thủ tục đến chương trình chính thức, ban tổ chức giới thiệu thành tích từng người. Thắng đứng lên hùng dũng vẫy chào. Những ánh đèn nhấp nháy liên tục, các nhà quay phim, nhiếp ảnh thi nhau đốt phim để ghi lại những chân dung đích thực.
Nghe đọc đến tên mình, tôi ngập ngừng đứng dậy nhưng rồi lại ngồi xuống rất nhanh. Tôi ngại thứ ánh sáng chiếu thẳng vào mặt. Thắng lên diễn đàn mọi người chăm chú lắng nghe. Bản báo cáo thành tích được chuẩn bị công phu nên anh đọc khá lưu loát. Với lại, đây không phải là lần đầu Thắng đăng đàn diễn thuyết. Các mẹ, các chị nhất là các em gái hoan hô tưởng vỡ hội trường. Cô bé tặng hoa Thắng bỗng liếc mắt nhìn tôi. Dù lắng nghe tâm sự của người chị gái thì những câu chuyện của Thắng với cô bé vẫn lọt vào tai tôi. Cô nói chuyện rất có duyên lại thêm chất giọng khá ngọt ngào. Lát sau, Thắng và cô bạn mới quen đã trở nên thân thiết. Tôi thoáng buồn, nhưng lại nghĩ, một dũng sĩ đẹp trai mã thượng ai lại đi ghen tị vớ vẩn. Tuy vậy, tôi vẫn đón đợi ánh mắt của người con gái. Chiếc áo mầu xanh và chấm hoa đỏ như hút lấy tôi. Cánh hoa rung rinh mỗi khi cô bé cử động. Gương mặt hồn nhiên bừng lên sau nụ cười. Đôi mắt trẻ thơ của nữ đồng trinh đã sưởi ấm những gì nguội lạnh của tuổi thanh xuân tôi bỏ lại nơi chiến trận. Hồi hộp vui mừng và cả chút hy vọng mơ hồ, tôi cảm thấy cô bé với mình có những liên hệ không biết từ bao giờ, gương mặt quen thuộc, điệu cười giọng nói tôi đã từng nghe. Cô giao liên và chùm phong lan đỏ. Những giọt máu lấm tấm trên vạt áo xanh. Vết bom bi găm trên ngực và đôi tay trắng ngần. Đôi mắt nhìn tôi, khuôn mặt thiên thần và cánh hoa thấm máu. Tôi nâng niu gìn giữ, thứ hương sắc khiến tôi bâng khuâng mỗi chiều...
Như người trong mộng, đôi mắt tôi tìm kiếm. Gặp lại em rồi, chùm phong lan đỏ. Nhưng kìa, cô bé đang lắng nghe Thắng nói và mỉm cười tin cậy. Cảm giác mất mát bỗng dâng lên chẹn lấy ngực tôi, lẽ nào chùm hoa phong lan xinh đẹp ngát hương nhường kia lại dành cho Thắng. Nhưng làm sao cô bé ngây thơ kia nhìn được ra Thắng. Vâng, chỉ mình tôi, mình tôi thôi. Lặng lẽ quan sát hai người, lòng tôi tràn ngập một nỗi buồn chẳng biết vì sao. Tôi chờ đợi ánh mắt. Hình như cô bé chỉ nhìn tôi một lần, cái nhìn vô tư dành cho tất cả những người lính. Nhưng không, đúng lúc Thắng chăm chú nhìn lên sân khấu dõi theo những âm thanh chúc tụng hùng hồn, cô bé lại nhìn sang tôi. Cái nhìn khác lạ, ấm áp và bừng sàng. Tôi đón nhận và đáp lại cô bằng cái nhìn chắc cũng không kém phần cháy bỏng. Bất chợt Thắng quay sang, tôi như kẻ bị bắt quả tang. Thoáng hốt hoảng tôi không dám nhìn cô gái nữa nhưng trái tim cứ đập rộn rã, bất chấp cả sự ghìm nén. Thú thực, tôi như kẻ bước vào cõi mơ bởi vì suốt những năm tháng ở rừng đánh giặc, mỗi khi nhìn thấy một mái tóc dài đã hạnh phúc lắm rồi. Rất vui là sau đó tuy nói chuyện với Thắng, thỉnh thoảng cô bé vẫn gửi tặng tôi những ánh mắt biết nói. Ngầm so sánh mình với Thắng, tôi thấy mình đầy tự tin. Trí tuệ và phẩm hạnh là thứ khó thấy ngay. Chỉ riêng gương mặt và hình thể tôi ăn đứt Thắng, khi đứng trước phái đẹp. Tôi cao lớn đường hoàng còn cậu ta nhỏ thó lại thấp lùn. Anh em trong đơn vị gọi Thắng là Tréc. Anh ta không chút tự ái mà còn có vẻ thích thú với cái biệt danh ấy. Từ lúc Thắng nhìn sang, máu lính nổi lên tôi bỗng tỏ ra lạnh lùng mỗi khi gặp ánh mắt của cô gái. Tôi hướng về phía trước như đang lắng nghe diễn giả.
Đến giờ giải lao, mọi người đổ xô ra hành lang. Họ giải khát, hút thuốc, nói chuyện... Tôi lang thang ra vườn hoa trước cửa hội trường. Khí trời lành lạnh, hương hoa dạ lan ngan ngát dễ chịu. Tôi tản bộ trên con đường rải sỏi quanh những vườn hoa bể cá dưới ánh trăng. Ngày đó những vườn hoa chưa có đèn cao áp như bây giờ nên mặt trăng còn là ngọn đèn hết sức đáng yêu và đầy chất lãng mạn. Giá như lại có hai người. Nhưng tôi chỉ có một mình. Phía hành lang hội trường, anh bạn của tôi vẫn quấn quít cô gái như gã gà trống cà quanh ả gà mái tơ. Hết giờ giải lao mọi người lục tục kéo vào hội trường. Tôi không trở lại chỗ ngồi vì phần nghi lễ chính thức đã xong, giờ đến phần liên hoan ca nhạc. Đoàn quân nhạc cử những bài hùng ca chọn lọc chào mừng đoàn dũng sĩ từ chiến trường trở về.
Dạo chán quanh vườn hoa, tôi ghé xuống chiếc ghế đá. Trước mắt tôi một tượng đài chiến sĩ vô danh được tạc bằng đá hoa cương, khá đẹp. Dưới chân tượng đài là những bó hoa còn tươi. Đêm về khuya, trăng lên cao soi tỏ những mặt lá láng bóng sương đêm. Tiếng côn trùng rỉ rả. Bảy năm ở chiến trường chưa bao giờ tôi có dịp được hưởng một đêm yên tĩnh, được ngắm kỹ vầng trăng như đêm nay. Tôi chỉ biết có một vầng trăng, lúc xanh lạnh chiếu xuống núi rừng âm u, lúc vàng úa vì lửa đạn và pháo sáng. ở đây vầng trăng tỏa sáng lan rộng và tròn trạnh một cách lạ thường. Tôi ngước nhìn rất lâu. Gió bỗng từ đâu đưa tới một đám mây, nó lướt qua và che khuất. Mặt trăng chỉ còn là một mầu tro xám. Mải mê với chị Hằng, với cảnh vật tôi quên cả gió lạnh. Từ trong hội trường tiếng hát vẫn vọng ra, tiếng của các ca sĩ, tiếng hòa theo của khán giả trong bài ca quen thuộc. Bài ca niềm vui đại thắng. Đúng lúc ấy, cô gái bỗng hiện ra. Tôi hơi bất ngờ.
- Anh Kha! Sao anh lại ngồi đây?
Giọng cô gái thảng thốt.
- Những bài hát đó tôi nghe nhiều lần rồi.
Tôi nhìn cô bé.
- Thắng đâu mà cô ra đây?
Cô có vẻ không hài lòng vì câu hỏi của tôi. Mãi sau mới đáp:
- Em xin phép ra ngoài một lát, trong đó ngột ngạt quá.
Cô ngồi xuống bên cạnh tôi, im lặng không nói gì thêm. Tôi cũng im lặng. Lát sau, cô bé ngẩng lên nhìn thẳng vào mặt tôi. Trăng soi tỏ, ánh mắt của cô làm tôi sợ hãi. May quá, một đám mây lại lướt qua mặt trăng.
- Anh Kha, anh hãy trả lời câu hỏi của em.
- Chuyện gì vậy cô?
- Trận đánh của anh Thắng anh có dự không?
- Có! Nhưng sao? Cô gái hạ giọng.
- Có thật thế không anh?
- Thật chứ! Trận ấy ta thắng to. Địch bị tiêu diệt nhiều còn ta bị hy sinh không đáng kể.
- Không đáng kể là bao nhiêu?
- Tôi không nhớ. Đúng như bản thành tích của anh Thắng vừa kể.
- Thế thì đi đánh giặc cũng thích đấy chứ... Cô gái kéo dài giọng.
- ừ, cũng có lúc vui đến nổ trời.
Tôi khẳng định, nhưng ngay sau đó bỗng cảm thấy tim mình nghẹn lại. Hình như tôi đã nói dối. Trận đánh này không vui như thế. Tôi còn nhớ chứ. Chính tôi đã chôn cất anh em. Đã bọc những cái xác trong những chiếc võng ka ki, đã ghép những áo quan bằng tre nứa, rồi mấy ngày sau bom đạn lại hất tung lên. Chúng tôi thu gom, chôn chung một hố. Xương thịt hàng chục con người vương vãi túm lại trong tấm tăng ni-lông. Ba cái tăng thì đúng nhưng không phải chỉ hy sinh có ba người.
Thắng dũng cảm, anh ta chỉ huy giỏi? Ai biết chuyện này, chẳng ai hết chỉ mình tôi, tôi là cấp phó của anh. Giá tôi chết hoặc bị thương đến mất trí có lẽ tốt hơn. Trí nhớ phản lại, khiến tôi thêm một vết thương. Mũi tiến quân của đơn vị chủ công chúng tôi lên cao điểm sáu bốn bốn bị đánh bật xuống. Cả đại đội nằm bẹp không nhích lên được vì một ổ đại liên của địch bất ngờ khạc ra những luồng đạn rát bỏng. Nhiều đồng chí hy sinh tại chỗ. Một số bị thương, có đồng chí đau quá không chịu nổi kêu rống lên, địch lại càng bắn rát. Những bao cát xám xịt làm ổ cho khẩu đại liên tỏ ra rất lì lợm trước hàng chục quả lựu đạn thủ pháo. Khi tôi trườn đến cạnh Thắng thì thấy anh nắm úp mặt xuống đất, tôi tưởng anh bị thương hoặc đã hết đạn. Nhưng anh vẫn còn nguyên hai băng đạn. Tôi hất đầu về phía ổ đại liên. Thắng thì thầm vào tai tôi.
- Ta ra hiệu cho anh em lui xuống chân đồi rồi nghĩ cách khác.
Tôi lắc đầu:
- Không được, đã lên đến đây rồi chỉ có đánh thôi, rút cũng nguy. Để tôi lên cho, anh đưa tôi hai quả thủ pháo của anh.
Không đợi Thắng đồng ý, tôi quờ tay móc hai quả thủ pháo rồi trườn nhanh theo cánh phải tiếp cận hỏa điểm của địch. Khẩu đại liên, lại hộc lên cùng với đạn các cỡ nổ rèn rẹt. Tôi nhắm mắt nằm dán bụng xuống đất đợi những viên đạn phập vào bất kỳ chỗ nào trên mình. May sao những viên đạn chỉ ào qua tôi như một làn gió lửa mà không dính viên nào. Loạt đạn vừa dứt, trong tích tắc tôi chồm lên ném quả thủ pháo vào cái miệng đen ngòm vừa bốc lửa rồi chúi đầu xuống đất chờ đợi. Một tiếng nổ lớn tóe lửa kèm theo những tiếng hô lục bục. Khẩu đại liên câm bặt. Anh em lao lên, tôi bị choáng mãi mới đứng dậy được. Thắng lại dẫn đầu đơn vị, miệng hô lớn "Tiến lên!". Đối với đại đội tôi, chưa trận nào thắng lớn nhưng cũng hy sinh nhiều như trận này. Chúng tôi có vinh dự làm đột phá mở màn chiến dịch. Khi cấp trên đến nơi thì mọi việc đã giải quyết xong. Tư lệnh trưởng ôm chầm lấy Thắng. Tôi đứng sau anh cùng với những chiến sĩ còn sống sót. Đại đội được tặng một Huân chương Chiến công. Riêng Thắng được phong quân hàm vượt bậc.
Chuyện Thắng tôi quên từ lâu, chỉ còn nhớ gương mặt của những người hy sinh, mỗi khi quay về với kỷ niệm cũ. Bỗng nhiên cô bé bắt tôi phải hình dung lại trận đánh. Tôi không đủ dũng cảm như khi lao lên hỏa điểm địch. Nhìn vào ánh mắt cô bé, tôi biết cô chưa hề nói dối ai điều gì. Không thể hình dung chuyện gì sẽ xảy ra. Đầu tôi bỗng nóng ran, chịu không nổi cái nhìn của cô gái. Bất lực tôi đứng dậy nói như ra lệnh:
- Cô đi vào hội trường đi...
Cô bé ngạc nhiên, khóe môi mím lại.
Tôi khẽ thở dài, lòng tràn ngập niềm cay đắng. Biết nói thế nào để cô bé hiểu. Tôi giục cô trở lại với Thắng. Cô ngước mắt nhìn tôi rất lâu như đang kìm nén một điều gì. Hiểu điều đó, nhưng lúc này tôi rất sợ, mọi chuyện rồi sẽ đi đến đâu nếu cô gái cứ trò chuyện với tôi. Đối với người đàn bà mình yêu, chẳng người đàn ông nào còn bí mật. Ôi khủng khiếp, nếu tôi nói hết những điều mình còn nhớ được.
Ngẩng lên, cô bé vẫn đứng trước mặt. Tôi lại giục cô vào hội trường. Giọng cô nghiêm lạnh. Một lần nữa đám mây che khuất mặt trăng. Không chịu nổi sự lạnh lùng thô bạo của tôi, cô bé bưng mặt bỏ đi. Tôi nhìn theo cái bóng nhỏ xiêu xiêu lòng đầy day dứt. Liệu cô bé có biết trái tim tôi đang phải chống đỡ đến kiệt sức với những ý nghĩ của chính mình không? Tôi rã rời trên chiếc ghế đá với sự mất mát cô đơn. Muốn trở lại cuộc đời của mình như trước kia nhưng không được. ánh mắt chói chang của cô bé và chuyện Thắng làm tôi chống chếnh. Giá cứ như trước đó. Tôi không gặp cô và quên hẳn chuyện cũ. Còn Thắng thì cứ thản nhiên nhìn tôi mà vẫn nói về chuyện đó như không còn tôi trên cõi đời này. Vừa vui mừng ra khỏi cuộc lửa đạn lại bước vào một trận đánh mới, dai dẳng và thảm khốc.
Mệt mỏi tôi bước đi cũng chẳng biết cuộc vui đã tan lúc nào. Mọi người kéo nhau ra về, có lẽ nhiều người đang rất vui và tự hào với những điều vừa nghe được. Tôi ngóng ra phía hành lang chờ đợi, chẳng ai tìm tôi. Cả cô bé và những ánh mắt của cô. Chùm phong lan đỏ đâu rồi? Tôi là người cuối cùng ra khỏi khu vực hội trường. Người gác cổng nhìn tôi nghi ngờ. Lúc ấy trông tôi chắc kỳ dị lắm. Cũng may có bộ quân phục, nếu không chắc tôi sẽ bị giữ lại hỏi giấy.
Tôi lang thang trên phố và cứ đi quanh quẩn mãi như kẻ không nhận ra đường. Trước mắt tôi hồ nước trong xanh đã hiện ra. Những hàng liễu rủ xuống mặt hồ tha thướt dưới ánh đèn như đêm vũ hội. Trên những chiếc ghế đá quanh hồ, từng đôi trai gái ngồi bên nhau. Chiến tranh đã bỏ qua thời trai trẻ với gần mười năm trận mạc nhưng trong tôi vẫn chưa hết những phút giây xúc động. Lặng lẽ, tôi đi bên những cặp tình nhân, lắng nghe tiếng họ thì thầm trong gió. Một đôi trai gái ngồi sát vào nhau. Chàng trai đang ghì sát tấm ngực lấp lánh ánh sáng vào mái tóc xanh rì của cô gái. Thật bất ngờ tôi nhận ra người lính đó là Thắng và người ngồi bên chính là cô bé có chiếc áo xanh với những chấm hoa đỏ. Thắng ngẩng lên nhìn tôi như một kẻ không quen biết rồi lại chìm mặt vào bộ ngực nở nang của người con gái. Mắt tôi sầm tối, mặt trăng cũng biến thành mầu tro xám. Sợ cô bé nhận ra mình, tôi run rẩy bước nhanh, có tiếng kêu trong đầu "Hãy tha thứ cho tôi cô bé ơi...".
Như một cái bóng, tôi âm thầm bước dưới trăng mờ, những ngọn gió lạnh buốt không ngớt thổi vào tôi./.
4-1993
Trịnh Đình Khôi

Xem Tiếp: ----