Tiếng xe ngựa lọc cọc chở hàng bông từ xóm trong ra chợ quận đánh thức Lan dậy. Lan hé mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Trời tối nhờ nhờ, nhánh trứng cá vẫn còn cụp lá. Sớm chán. Lan quắp cái gối ôm, co người như con tôm luộc, nhắm mắt định ngủ tiếp nhưng mãi không ngủ lại được. Thật tiếc, lúc nãy Lan đã mơ thấy chuyện gì vui lắm. Hôm nay là chủ nhật, không phải đến trường. Ngày đi học thì mặc đồng hồ reng, mặc mẹ gọi năm lần, bẩy lượt, mắt vẫn mở không lên. Ngày nghỉ không ai kêu cũng dậy. Có tiếng lục đục dưới nhà, chắc là mẹ. Mẹ luôn là người dậy sớm nhất. Tiếng máy may khua lên lạch xạch nhè nhẹ, Lan giở chiếu lên nhìn xuống khe gác, chỉ thấy một phần lưng và cái búi tóc tròn của mẹ rung rung theo nhịp đạp chân. Sắp tết, quần áo nhiều quá, một mình mẹ phải thức khuya dậy sớm. Lan ngồi bật đậy, đi rón rén xuống nhà. Nghe tiếng chân, mẹ hỏi: Đói bụng ngủ không được hả? Lan đứng tựa vào người mẹ: Có cái nào dễ dễ, con may phụ. Đưa cho Lan một xấp quần đùi bằng vải đen, mẹ bảo: May kỹ một chút. Đường đáy nhớ đạp hai lượt cho chắc. Vừa làm, Lan vừa thắc mắc: Nhà toàn đàn ông hay sao mà may một lúc cả chục cái quần xả lỏn hả mẹ? Mẹ ừ ào: Của thằng Thuấn lò bánh mì bên đường kia chứ ai. Thuấn, anh con trai to lớn dềnh dàng vẫn cười với Lan mỗi ngày đấy ư? Chiếc răng khểnh nơi khoé miệng làm cho nụ cười của Thuấn rất dễ thương và Lan cứ phải cười đáp lại, dù chẳng chơi với nhau bao giờ. Thuấn học khá giỏi, trên Lan một lớp, nổi trội trong đám học sinh trường Chí Thiện vì hay tranh luận và vặn vẹo thầy giáo. Tụi bạn thì thầm: Hình như hắn là người của "bên kia". Hắn hay nói về lý tưởng, mục đích chính nghĩa, đấu tranh gì gì đó với thầy Lâm dạy sử. Nhà Thuấn ở mãi tận trong bưng, Thuấn ra chợ quận làm công cho lò bánh mì để đi học. Lan chm chút từng đường kim, mối chỉ, cố gợi chuyện để được nghe mẹ nói về Thuấn: Người trong quê họ thích màu đen quá mẹ nhỉ? Mẹ trả lời cụt ngủn: Màu đen dơ không nhìn thấy. Buổi sáng, Thuấn sang lấy quần, Lan chọc ghẹo: ở nhà anh, chắc có cả tiểu đội con trai phải không? Thuấn vui vẻ gật đầu: Một tiểu đội rưỡi. Trước khi ra về, Thuấn để trên bàn máy may, nơi Lan ngồi một con trâu bằng đất sét. Con trâu có cái bụng tròn o, đôi sừng cong vút, xinh xắn: Cho Lan, Lan nhìn sững con trâu và nói với theo khi Thuấn đã quay đi: Anh làm đó hả? Không khí trong trường thật khác lạ khi Lan đến. Thầy Hiệu trưởng cùng ông giám thị đị dọc theo hành lang, nhìn soi mói vào các lớp học. Thục Điền nói nhỏ: Truyền đơn. Đâu? Bị tịch thu hết rồi. Lan tò mò muốn biết người ta viết gì trong ấy. Thục Điền tròn mắt: Thì tao cũng đã được đọc đâu. Ai mà gan quá trời. Bị bắt là tù liền. Tự dưng Lan nghĩ đến Thuấn và tim phát đập ình ình. Lời thầy giảng lọt từ tai nọ sang tai kia rồi bay luôn ra ngoài cửa sổ, Lan không thể nào tập trung được. Kẻng vừa đánh hết giờ là Lan phóng liền ra cửa, đưa mắt rảo khắp sân trường tìm Thuấn. Không thấy. Xuống nhà xe. Không nốt. Lan vòng ra bờ kênh bên hông trường. Kia rồi! Thuấn đang ngồi vắt vẻo trên chạc ba cây trâm với mấy ông bạn quý. Cả bọn cười nói ồn ào, ném lia những chùm trâm xuống cho mấy chị gái dưới đất. Miệng mồm ai cũng tím ngắt. Lan thở phào nhẹ nhõm và lặng lẽ rút lui. Tại sao mình lo cho Thuấn? Lan không hiểu và cũng không muốn hiểu. Tiếng đại bác vọng ì ầm suốt đêm. Thỉnh thoảng những đốm hoả châu sáng loé lên trên nền trời đen kịt. Xe nhà binh chạy bạt mạng ngoài lộ. Cả nhà Lan đều ngủ chập chờn. Mẹ nói với bà nội: chắc là đánh nhau trong rừng. Má xuống hầm ngủ cho yên tĩnh. Bà nội cự: Ngột ngạt lắm. Mẹ thở dài lẩm bẩm: Biết bao giờ mới chấm dứt. Chiến tranh chỉ mang đến nỗi đau. Cha Lan đã mất trong cuộc chiến này. Từ ấy đến nay, mẹ luôn sống trong sự bất an, thắc thỏm. Đứa em trai của Lan sắp lớn... Lan nhìn qua song cửa sổ trên gác, xéo bên kia đường, lò bánh mì vẫn sáng đèn. Mùi bánh mì nướng thỉnh thoảng theo gió tạt sang, thơm ngào ngạt. Sang năm thi tú tài, nếu không đậu, Thuấn cũng sẽ bị vào lính, sẽ ra trận và biết đâu sẽ... Lan rùng mình không dám nghĩ tiếp. Có điều gì đó xôn xao trong lòng khi Lan nhớ đến nụ cười rng khểnh của Thuấn. Nụ cười ấy... Hình như Lan đã "nghiền" nó lắm rồi... Tiếng đại bác lại ầm ầm vang dội. Nhà cửa rung rinh. Lan ngước mắt lên trần nhà: Cầu trời cho sớm được bình yên!. Đêm giao thừa súng nổ vang trời, một trái đạn rớt ngay vào cây trứng cá trước cửa nhà Lan, lá cành đổ ào ào, tơi tả. Lan phóng ba bước một từ trên gác xuống nhà trẹo cả chân. Mẹ con, bà cháu ôm nhau run lập cập dưới hầm. Bà nội liên tục niệm Phật, ấn đầu Dũng thằng cháu đích tôn xuống dưới mấy bọc quần áo dày cộp. Thằng nhóc chỉ chực nhảy chồm ra cửa hầm, nghểnh cổ ngó lên khoảng trống của cái giếng trời giữa nhà xem trái sáng. Mùi thuốc súng nồng nặc át mất mùi hương trầm trên bàn thờ cha mới mấy phút trước đây còn thoang thoảng. Những bước chân chạy thình thịch, tiếng lên đạn lách cách và tiếng gọi thầm thì ngoài hiên làm mấy người phụ nữ gần như nín thở. Chiến trường ngay trước cửa nhà mình. Trời ơi! Tiếng súng chợt im. Không khí đông cứng lại. Tiếng phành phạch của trực thng nghe rõ dần và chẳng mấy chốc tiếng nổ lại vang lên chát chúa. Bầu trời sáng loá lên dưới ánh hoả châu. Trên gác, ngay chỗ Lan ngủ lúc nãy, một lỗ trống bằng cái nia toang hoác trên mái ngói. Lan nhắm mắt, gọi lung tung trong đầu: cha ơi, cha ơi,đừng để con chết. Bà Nội khóc sụt sùi, mẹ dỗ bà như dỗ con nít: Má, má, không sao đâu mà. Không sao đâu...Chiều mùng hai, tiếng súng thưa dần và chuyển hướng lên xóm trên. Bà nội than: Hết trầu,nhạt miệng quá.Thằng Dũng cuồng chân, được dịp đề nghị: Để con đi mua cho. Mẹ hốt hoảng, gắt bà: Má cố chịu một chút. Bà nội chép miệng, thẫn thờ ngồi bó gối trong góc hầm đến là tội. Không chịu nổi cảnh ấy, Lan nn nỉ mẹ: Im rồi. Con chạy cái vèo qua nhà Thục Điền là có trầu ngay. Lan mở cửa bếp, men theo mấy cây dừa xiêm cạnh chuồng heo, đi tắt vào vườn chuối. Lúc Lan dượm chân nhảy qua mương rau muống thì bất ngờ bị chặn lại bởi tiếng quát: Đứng im! Trước mặt Lan, một thanh niên trần trùng trục, quần đùi đen, mặt mũi đằng đằng sát khí, Lan xanh mặt: Ơ... Dưới mương, thêm một ông nữa trồi lên. Thuấn! Thuấn giơ tay, phân trần với "quần đùi": Ngọc Lan, con dì Tư thợ may trong xóm, bạn tao. Lan ngó chiếc quần trên người hắn, vớt vát: Cái quần anh đang mặc là tui may đó. Hắn ngoác miệng cười: Vậy hả, cám ơn nghen, Thuấn đẩy Lan ngược vô vườn chuối, nạt nộ: Đi đâu? Về nhà ngay. Đã hoàn hồn, Lan bắt đầu nổi nóng: Mắc cái gì la, tui đi mua trầu cho bà, bà hết trầu từ hôm tới giờ. Thuấn xuống giọng: Nguy hiểm lắm. Tui lạy Lan, về dùm tui. Lan vùng vằng: Sao anh đi được mà tui thì không? Đến lúc này, Lan mới nhận ra bên hông Thuấn giắt lùm xùm mấy nhánh là nguỵ trang: Anh là du kích hả? Thuấn nheo mắt cười, nắm lấy tay Lan. Nụ cười đẹp mê hồn. Lan ngẩn ngơ, quên cả việc đi mua trầu, quên luôn cuộc chiến còn lẩn khuất bên cạnh. Bàn tay mạnh mẽ của Thuấn bóp nhè nhẹ những ngón tay mảnh khảnh của Lan. Hai người im lặng bước bên nhau. Không ai muốn vội vã. Lá khô dưới chân kêu loạt soạt. Đến giữa vườn, Thuấn đột ngột quàng tay qua vai Lan. Chiến tranh dường như chưa bao giờ có. Thời gian dừng lại. Nắng chiều rực rỡ, lao xao... Chừng hoà bình, tui sẽ nói với Lan nghe chuyện này hay lắm. Lan dừng lại, nôn nóng: Còn lâu mới hoà bình, anh nói liền đi. Thuấn cúi xuống, nhìn vào mắt Lan: Lúc nào trong túi áo tui cũng có cái nầy nầy. Thuấn đưa nắm tay lên mũi Lan. Đố biết cái gì? Lan chun mũi hít một hơi dài. Mặt mày đỏ lựng: Hoa ngọc lan. Thuấn đứng sát vào người Lan, thở dồn dập. Trời đất bắt đầu quay mòng mòng, vườn chuối ngả nghiêng, trước mắt Lan chỉ có một màu xanh. Màu xanh bát ngát của lá và vườn hoa thoang thoảng. Giọng Thuấn dịu dàng: Lan đọc truyện "Quê người" của Tô Hoài chưa? Anh chàng Hời ném hoa ngọc lan vào cửa sổ nhà cô Ngây để gọi người yêu ra gặp. Dù thấy hay không thấy hoa rơi, cô Ngây vẫn biết có người yêu đang đứng bên ngoài đợi. Hương ngọc lan nồng nàn quá mà. Lan cúi gằm mặt xuống đất, cực kỳ bối rối. Nói đọc rồi thì ngượng mà chẳng lẽ nói chưa?... Một tiếng nổ xé tai vang lên thật gần, Thuấn kéo Lan chạy thục mạng về phía cuối vườn. Đến gần giếng nước nhà Lan, Thuấn hôn thật nhanh vào má cô gái: Vào nhà ngay nghe chưa. Không được đi lung tung nữa. Anh sẽ mang trầu đến. "Anh sẽ mang trầu đến". "Anh" chứ không "tui" nữa sao? Lan chui vào góc hầm nói với bà nội, mặt mày rặng rỡ: Sẽ có trầu nhưng bây giờ thì chưa.Sáng mùng ba, vừa ngớt tiếng súng là Lan phóng ngay lên miệng hầm, rón rén mở cửa bếp. Hàng dừa xiêm xác xơ, chuối mẹ, chuối con gãy ngang, gãy dọc. Lan muốn khóc quá. Thuấn ơi, anh có làm sao không? Không một bóng người, Lan đứng bên thành giếng nhìn xuống mặt nước tròn xoe phản chiếu một mảng trời xanh biêng biếc, ước ao đến cháy lòng. Đừng bao giờ có chiến tranh nữa. Mắt Lan chợt dừng lại trên chiếc cọc treo gầu, một gói lá chuối khô xếp vuông ngay ngắn. Những lá trầu xanh và một búp ngọc lan mơn mởn. Tim Lan đập loạn nhịp. Thuấn đã đến! Ôi sao mình không gặp nhau thêm một lần... Lan đưa tay lên xoa má. Nụ hôn mới vừa hôm qua... Điều ấy là có thực phải không? Chợ quận lại trở về cuộc sống thường nhật. Lính quốc gia đi nghễu nghệnh khắp các ngả đường, tay lm lm cò súng. Lò bánh mì mở cửa. Tiệm may mở cửa, chợ họp ngay trên những đống rác xà bần... Lan trở về lớp học. Trường Chí Thiện mất đi một phần ba sĩ số. Thục điền xoè tay đếm: Vắng Long, Thanh, Cẩm Tú, Hiển, Minh Thư, Quyên, Toàn... Lan buồn rầu đọc tiếp: Thuấn. Thục Điền vô tư: Thuấn, Hồng Liên... Cuối năm. Bà nội mất, mẹ đưa chị em Lan về Sài Gòn sống với ngoại. Không có tin tức gì của Thuấn. Giải phóng, Lan vội vã về quê, nôn nao một niềm hy vọng. Bạn bè đứa mất, đứa còn, đứa đi, đứa ở. Thục Điền kể sôi nổi: Ông Long làm Trưởng ban quân quản; Quyên làm bí thư quận đoàn; Quế Anh, Hiển vượt biên; Thuấn mất tích từ sau Tết Mậu Thân, Minh Châu sinh con gái ngay ngày 30 tháng 4... Vườn chuối ngày xưa biến mất. Trên nền đất cũ giờ là một bến xe. Những chuyến xe ngang dọc đến từ mọi ngả đường, qua nhau vội vã... Mối tình đầu thơ dại, nụ cười răng khểnh, hoa ngọc lan, nụ hôn vội vàng trong khói lửa và lời hứa: chừng hoà bình tui sẽ nói với Lan... cũng đã qua đi. Nắng tháng năm oi nồng rát bỏng. Lan đứng lơ ngơ bên cây cột đèn đường, chờ chuyến xe của mình, cổ họng khát khô.