Vừa đến phòng khám, tôi đi thẳng đến chiếc ghế đi văng, nhưng bác sĩ ngăn tôi lại, bảo: - Hôm nay không khám nữa! Hai chúng tôi nhìn nhau. Ông bác sĩ đầu hói, đeo đôi kính dầy cộp, làm cho hai con ngươi màu xanh lơ của ông ta thêm to hơn, giống như hai xoáy nước. Mũi ông ta nhọn, ở giữa gồ lên và hơi vẹo trông tựa như một cái khoan. Bên dưới cái mũi “dò xét” ấy là hốc miệng tròn được bao quanh bởi những nếp nhăn mảnh như vết dao cạo râu. Ông bác sĩ này người cao, dáng người bệ vệ, vai rộng, đùi to. Ông ta thích ngồi vắt chân chữ ngũ, để hở bụng chân trắng, béo lẳn bên trên đôi bít tất ngắn cũn. Trông diện mạo của ông ta trông có gì đó thô kệch, thấp hèn, tuy nhiên… Nhưng thôi, hãy nhường lời cho chính ông ta. im lặng một lúc, ông ta bắt đầu nói, bằng một giọng lạnh lùng đáng ghét: - Bà chị thân mến ạ, bà chị chữa đã được tròn một năm rồi. Tôi có bổn phận phải nói cho chị biết rằng chị không có bệnh tình gì cả và không còn cần đến sự điều trị của tôi nữa. Tôi bèn cãi lại ngay: - Ông nói gì vậy, thưa bác sĩ! Tôi thấy người không ổn. Tôi bị thần kinh nặng, rất nặng mà! - Chị hoàn toàn khỏe mạnh. Điều bất bình thường duy nhất mà tôi nhận thấy ở chị là ý định quyến rũ tôi bằng mọi cách. Mà không biết đấy có phải là điều bất bình thường hay không. Chị hãy nghe tôi bảo này: chị là một người phụ nữ trẻ, đẹp, giàu có, lại không sống với chồng -một hoàn cảnh mà người ta gọi là lý tưởng. Tiếc rằng tôi không yêu chị, tôi yêu vợ tôi, mặc dù cô ấy không được trẻ đẹp như chị. Tôi cũng không định có một thiên tình sử lãng mạn nào cả, vì những chuyên như thế thường gây tai tiếng, rất tai hại đối với sự nghiệp công danh. Xuất phát từ những suy nghĩ như vậy, tôi cho rằng chúng ta không nên gặp nhau nữa thì tốt hơn. Ông ta nói những lời đó bằng một giọng rất cương quyết, rồi đứng dậy đi những bước ngắn về phía cửa, giữa chừng dừng lại và nhắc lại: - Yêu cầu chị, yêu cầu chị! Tôi yêu cầu chị! Tôi trở về nhà như trong mơ, không có một suy nghĩ nào cả trong đầu, người bàng hoàng, không làm thế nào lấp được khoảng trống vừa được tạo ra. Khi bước qua cổng tòa nhà để lên thang máy, tôi thấy một chàng thanh niên đang đứng. Một chàng thanh niên tóc dài, để râu bình thường nhất: đầu chải ngôi giữa, tóc quăn đen xám, vắt sang hai bên, thẳng đường ngôi xuống là cái mũi diều hâu trông rất trộm, hai mắt nhỏ, cái miệng mỏng nhăn nhó có ẩn bên dưới bộ râu cằm là cái cằm nhỏ, nhọn. Cậu ta ăn mặc như mọi người: áo blu-dông lông cừu của vùng Xacđenhơ, quần bò, giầy da mỏng. Tôi với cậu ta cùng vào thang máy và cùng ra ở gần cửa phòng tôi. Chỉ lúc bấy giờ tôi mới biết: thì ra cậu ta đến gặp tôi -hỏi xem tôi có mua xà phòng thơm không (cậu ta mang một cái túi quàng vai). Tôi bảo cậu ta vào, còn mình thì đi thẳng vào phòng ngủ lấy tiền (tôi không mang tiền theo người) nhưng lúc quay lại thì thấy cậu ta đã mất hút, còn hai cái bình bằng bạc thì biến mất khỏi giá treo tường. Nghĩ một lát, tôi bèn chạy bổ theo. Cái thằng thật càn rỡ: hắn đang xuống cầu thang, không hề tỏ ra vội vã, một tay vịn thành cầu thang, tay kia đỡ lấy túi quàng vai, lại còn vừa đi vừa huýt sáo nữa! Tôi đuổi kịp hắn ta và vừa thở hổn hển vừa bảo: - Này, cậu lên phòng đã chứ? Hắn ta không chút ngạc nhiên, nhìn tôi rồi gật đầu. Lên đến phòng, tôi hỏi: - Tên cậu là gì? - Đômênicô,- hắn ta đáp. Chắc hẳn các bạn còn nhớ đảng trộm nổi tiếng hồi nào chứ? Báo chí đã từng một thời viết nhiều về nó. Trong vòng mấy tháng, mười một gia đình cả thảy lần lượt bị mất trộm. Vậy mà trên thực tế chẳng có đảng cướp, đảng trộm nào cả. Chỉ có hai chúng tôi: Đômênicô và tôi. Chúng tôi hành động như sau. Tôi quen nhiều người trong giới nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh và người nước ngoài. Các phòng ở của họ thường có hai đặc điểm: ở tầng trên cùng và đêm đến không có người ở lại trông nhà. Vào ngày định đến lấy trộm, tôi gọi điện cho nạn nhân để biết kế hoạch buổi tối của họ, chủ yếu là giờ trở về nhà. Tiếp đó, mọi việc diễn ra theo quy trình đã được xác định. Tôi với Đômênicô trèo lên mái hiên nhà nào đó bên cạnh. Ở Rôma, điều đó rất đơn giản vì các cửa mái hiên thường không khóa hoặc khóa bằng những cái khóa cổ có thể luồn một cái đinh cong vào mở ra một cách không có gì khó. Hai chúng tôi nấp giữa những quần áo, chăn vải phơi trên dây và đợi đến giờ. Rồi chúng tôi nhảy từ mái hiên nọ sang mái hiên kia đến nơi đã định. Nếu cửa sổ vào phòng đóng, Đômênicô dùng xà beng bẻ doãng song sắt ra, rồi cẩn thận nậy kính, thò tay vào trong mở chốt. Tôi người bé nhỏ, nhanh nhẹn trèo vào trong nhà, còn Đômênicô đứng ngoài, bên thành cửa sổ. Tôi lấy phần lớn là những đồ lặt vặt: bức tượng xinh xinh, cái gạt tàn thuốc, một vài thứ lặt vặt, hay hay. Chúng tôi ấn tất cả những thứ lấy trộm được cùng dụng cụ đồ nghề vào trong một cái túi ta và theo lối cũ trở về nhà. Nhưng nếu kỹ thuật ăn trộm đã được chúng tôi nâng lên mức hoàn thiện, thì không thể nói như vậy về mối quan hệ giữa chúng tôi. Chúng tôi trở thành tình nhân của nhau một phần chính vì cùng là tòng phạm. Những cảm giác lo âu chung, sinh ra tình yêu, nhưng trong đáy lòng tôi chỉ cảm thấy đối với Đômênicô một sự khinh bỉ. Bề ngoài, trông cậu ta có vẻ một gã thanh niên hiện đại, nhưng về nội tâm, thực chất cậu ta chỉ là một gã tiểu tư sản phàm tục. Giai đoạn này của cuộc đời với tôi đặc biệt đáng nhớ bởi những đêm trăng, vì mỗi đêm như thế, ánh trăng đầy đặn chiếu sáng mái hiên nhà những người bạn bị lấy trộm của tôi. Tôi nhìn vầng trăng và suýt khóc vì sung sướng với ý nghĩ rằng cuối cùng, lần đầu tiên trong đời tôi lao vào một việc mạo hiểm thật sự. Trước đó, tôi chưa làm cái gì mạo hiểm bao giờ. Đó cũng là nguyên nhân bệnh thần kinh của tôi. Bởi vì dù làm gì đi nữa, tiền không chỉ ngăn cho tôi khỏi gặp nguy hiểm mà còn gạt bỏ mọi trở ngại trên con đường tôi đi. Tôi nghĩ rằng cả những phút hiếm hoi tình yêu Đômênicô chợt lóe lên trong lòng tôi cũng gắn với cảm giác mạo hiểm đó. Ít nhất cũng là vào những ngày mà chúng tôi không thực hiện các “phi vụ”. Đúng là tôi chỉ thấy căm ghét cậu ta. Và rồi tất cả trôi đi mất, suốt đời tôi phục tùng sự điều khiển của bản năng, sự làm việc của cái đầu không đóng vai trò gì lớn lắm. Theo bản năng tôi quyến rũ ông bác sĩ tâm thần, cũng theo bản năng tôi quyết định lấy trộm ở phòng khám của ông. Tại sao lại lấy trộm của ông ta? Điều đó chỉ đến phút chót, khi cùng với Đômênicô chuẩn bị “chiến dịch”, tôi mới hiểu ra. Sau khi kể cho Đômênicô nghe câu chuyện của mình với ông bác sĩ, cuối cùng tôi thú nhận: - Chính bản thân tôi cũng không hiểu nổi tại sao mình lại nghĩ ra việc lấy trộm của ông ta… Đômênicô, con người trần thế, không bao giờ thích nghĩ ngợi xa xôi, chẳng thèm để ý gì đến câu tôi nói. Nhưng rồi hầu như ngay lập tức, tôi đã tự trả lời: rõ ràng, tôi vẫn còn yêu ông ta, ông bác sĩ của mình. Việc lấy trộm thực chất chỉ là một biện pháp để khôi phục bằng cách nào đó mối quan hệ đã bị gián đoạn. Cái đêm dự định đã tới. Đấy là một đêm trăng sáng huy hoàng, những đêm như thế thường làm tôi ngây ngất. Trong lúc Đômênicô, như thường lệ, lấy xà beng bẩy cửa, tôi ngửa mặt nhìn trời. Đột nhiên -thề có trời đất- tôi cảm thấy rằng vầng trăng trắng bệch như cổ chân béo mập của ông bác sĩ, đúng hơn, chính đó là chân ông ta! Bằng nỗ lực to lớn của ý chí mới buộc được mình dứt ra khỏi bức tranh huyền diệu ấy, tôi bước lên bậc cửa sổ, nhảy nhẹ vào phòng, nấp sau bức rèm để xem xem nên lấy thứ gì. Cuối cùng, tôi chọn hòn đá khổng tước to bằng đầu đứa trẻ con dùng để chặn giấy mà bác sĩ để trên bàn làm việc cạnh chiếc đèn. Tôi thoáng nghĩ rằng sau này có thể đóng kịch như thể tôi tìm được hòn đá bị lấy cắp trong một cửa hiệu đồ cũ và mang nó về cho bác sĩ, rồi còn sau đó sự việc sẽ xảy ra như thế nào thì tùy… Cái bàn kê ở góc phòng –tôi nhớ rõ lắm- vừa đúng đối diện với cửa sổ. Tôi vén rèm, bước mấy bước trong bóng tối về phía cái bàn. Chợt thấy trên bàn làm việc sáng đèn: ông bác sĩ đang ngồi đấy nhìn tôi chằm chằm và nói chậm rãi: - Chào buổi tối! Có một anh chàng tên là Đômênicô đã báo trước với tôi. - Thằng đểu? - Trong lúc này đây, thằng đểu ấy đã đi xa rồi. Hắn đã chán chị, và trước khi đi, hắn có nhờ tôi nói cho chị biết là như thế. Hắn cũng bảo rằng hắn dự định bắt đầu một cuộc đời mới bằng cách mở một hiệu bán tem… Phải công nhận rằng đấy là một cách làm lại cuộc đời thật lạ… Tôi bàng hoàng cả người. Nhưng khi nhìn xuống gầm bàn, thấy bác sĩ ngồi vắt chân, để lộ cái bụng chân trắng hếu, tôi nhớ lại mặt trăng. Và bấy giờ - không biết là lần thứ mấy- tôi lại bị bản năng chi phối. Tôi lại gần đi văng, nằm xuống và nói (ông bác sĩ ở vào vị trí sau lưng tôi, như cuộc khám nghiệm thần kinh đòi hỏi phải như vậy): - Bây giờ thì anh sẽ không thể nói được rằng tôi không bị bệnh nữa nhé! Trong vòng sáu tháng, tôi đã ăn trộm mười một nhà người quen. Những đồ đạc lấy được tôi không hề đụng đến. Có lẽ cái thằng ngốc ấy tính lấy đem bán để bắt đầu xây dựng cuộc sống mới. Nhưng cho đến ngày hôm qua, mọi thứ vẫn còn y nguyên. Một lúc lâu im lặng. Cuối cùng tôi nghe thấy một giọng nói rè rè quen thuộc. Bác sĩ nói: - Thế thật…Nhưng thôi, bây giờ phải đi ngủ thôi. Mai ta sẽ lại gặp nhau. Haỹ gượm, để tôi xem lại sổ đã… À, phải rồi, vào lúc sáu giờ.