Dịch giả : Trịnh Đinh Hùng và Hoàng Hải
NGƯỜI ĐÀN BÀ HAM THÍCH HỘI HÈ

Tôi sinh ra trong một thành phố không lớn, ở trung tâm Italia, gần biển. Thành phố của chúng tôi xấu xí, tuy cổ kính; nhưng mặc dù đã có từ lâu, nó chẳng có giá trị lịch sử hay nghệ thuật nào, cả những công trình đồ sộ cũng không có. Nhiều thế kỷ qua, nó chẳng có gì đặc biệt, nhưng gần đây nó được kiến thiết thêm, trở thành khá hiện đại. Ở quảng trường trung tâm là những dinh thự tuy cổ kính nhưng xấu xí, và nhà thờ -còn lâu mới được coi là một di tích văn hóa thời cổ- cây cối còi cọc, hình như là loại ngô đồng mọc lên ở đó.
Khu trung tâm này được coi là mê cung của những ngõ ngách ngoằn ngoèo với những ngôi nhà cỏ đơn sơ; xa hơn nữa, bắt đầu những đại lộ mới, rộng rãi, thẳng tắp, bên lề trồng trúc đào; những con đường ấy kéo dài tới tận ven thành phố, dọc đường mọc lên những dinh thự đơn giản.
Ở thành phố chúng tôi có một ngành công nghiệp gì đó liên quan ít nhiều với nông thôn; có nhiều gia đình khá giả -bác sĩ, luật sư, thương nhân; nền kinh tế của chúng tôi càng phát triển thì công việc của họ càng thuận lợi.
Bạn tự hỏi, tại sao tôi lại mô tả thành phố của mình nhỉ? Là vì thế này: tôi yêu nó đến mức tuy đã ra ở riêng và chuyển sang ở Rôma rồi, tôi vẫn phục hồi được bối cảnh quen thuộc và sống lại cuộc sống trước đây của mình. Chúng tôi dọn đến ở khu phố mới, gồm quảng trường trung tâm và một vài đường phố chạy tới đó. Nó là bản sao chính xác của quê hương tôi, quanh nó là cả một sự nhộn nhịp đô thành, nhưng chẳng hề gì, có thể không lưu ý tới chuyện đó.
Quảng trường ở Rôma, nơi chúng tôi đang ở, cũng như ở quảng trường thành phố quê hương tôi, tất cả những thứ cần thiết đều có: nhà thờ, rạp chiếu bóng, các loại cửa hàng lương thực, thực phẩm, dụng cụ gia đình, quần áo may sẵn, văn phòng phẩm và sách, cả cột xăng tự động và cả “siêu thị” nữa.
Chúng tôi ở gần quảng trường, trên tầng sáu một ngôi nhà nhiều tầng -cả đường phố đều xây những loại nhà như vậy. May mắn cho tôi: tình cờ mới vỡ lẽ là trong ngôi nhà chúng tôi, có một bà góa đồng hương với tôi. Chúng tôi làm quen với nhau, bà giới thiệu tôi với các bạn đồng hương khác sống quanh đó. Đối với tôi, điều đó rất quan trọng, vì tôi nói đặc sệt giọng địa phương và sự tiếp xúc với những người phát âm giống như mình gây cho tôi ấn tượng là tôi chưa hề rời khỏi nhà mình.
Chủ nhật, chúng tôi cùng đi lễ nhà thờ, thứ bảy đi xem chiếu bóng, cách một ngày lại cùng đi uống cà phê. Tôi dùng thì giờ đúng y như ở thành phố quê hương: sáng ra quảng trường mua bán, khoảng sáu bảy giờ đi dạo. Vì thế cuộc sống ở Rôma của tôi in hệt như hồi trước khi ra ở riêng khi tôi còn là con gái, sống với bố mẹ ở tỉnh lỵ. Ở trung tâm Rôma, tất cả các danh lam thắng cảnh như các thành phố Vênêtô, Cônđốtti, các quảng trường Cônlônhơ và Pôpôlô, một năm tôi chỉ miễn cưỡng tới đôi ba lần.
Đặc biệt các ngày lễ đã duy trì trong tôi ảo tưởng như tôi chưa hề xa rời thành phố quê hương. Ở tỉnh lỵ chúng tôi, người ta tổ chức các ngày lễ nghiêm chỉnh, ngay cả khi người ta không tin vào cái mà người ta ăn mừng. Người ta lần lượt ăn mừng các ngày lễ dân gian cổ xưa, lễ nhà thờ, và đặc biệt là những ngày lễ gia đình: sinh nhật, lễ kỷ niệm.v.v… Tất nhiên, cả những ngày lễ chính thức nữa.
Sống ở Rôma giữa các đồng hương, tôi hoàn toàn có thể tiếp tục tập quán này: ăn mừng tất cả các ngày hội của chúng tôi. Cũng có người trong số đó ăn mừng ở thủ đô -kể ra có khác đi chút ít. Ví dụ như ở quê, người ta gán cho ngày hội hóa trang, một ý nghĩa lớn hơn nhiều, suốt năm người ta nóng lòng sốt ruột đợi nó, như đã thành lệ từ ngày xửa ngày xưa. Còn ở Rôma, người ta làm rầm rĩ rùm beng lên, cái chính cốt để cho trẻ em tiêu khiển, có thế thôi.
Cần phải nói là chồng tôi hoàn toàn không chia sẻ các sở thích với tôi. Mặc dù anh sinh trưởng ở cùng một thành phố với tôi, nhưng ngay từ hồi còn nhỏ, anh đã sang Mỹ học. Trở về, anh là một người “Mỹ” chính cống: lúc nào anh cũng mặc bộ trang phục sẫm bằng vải mỏng, áo lót trắng và cà vạt sẫm. Bộ tóc đỏ cắt kiểu “bốc” như người Đức, búi tông đơ hai bên mái. Kể đeo kính cũng bằng thừa, vì lúc nào mà anh chả nghiêm trang, kiên quyết. Về chuyên môn, anh là chuyên gia dầu mỏ, nên phần lớn thời gian trong năm anh phải đi xa. Bao giờ anh cũng đi tới một số nước nhất định: Iran, vùng Cận Đông và Libi, hoặc anh tới châu Mỹ latinh, cụ thể là Vênêduêla.
Còn tôi thì lại không thích đi du lịch. Nhiều lần chồng tôi muốn tôi đi cùng nhưng tôi từ chối. Từ đó, bắt đầu những mối bất hòa giữa chúng tôi: “Cô là dân tỉnh lỵ hay nhà quê” anh nói.
Một buổi chiều, tôi mở tập bản đồ địa lý, lấy cây bút chì đỏ vạch một vòng tròn trên tấm bản đồ thế giới: vạch đỏ bắt đầu từ Iran vòng qua vùng Cận Đông và Libi, tới Vênêduêla, qua Rôma rồi lại khép lại ở Iran.
Tôi giải thích:
- Mỗi ngày, ra khỏi nhà, em đi một vòng quanh quảng trường rồi quay về nhà. Cho nên có gặp ai thì cũng là gặp lại những khuôn mặt cũ, có làm việc gì thĩ cũng lại làm những việc cũ.
- Thế là cô tìm cách để sống ở đô thành hệt như mình chưa từng bước chân khỏi tỉnh lỵ chứ gì?
- Thì anh cũng đi từ Rôma tới Têhêran, sau đó đi Riát, từ đó tới Tripôli, từ Tripôli tới Caracaxơ, rồi lại đến Rôma. Vậy thì anh cũng chỉ gặp một số người quen và làm một số công việc nhất định, phải thế không?
- Nói chung, thì là thế đấy.
- Vậy thì có gì khác giữa lối sống của em với lối sống của anh? Chỉ có điều là em làm một đường vòng vài trăm thước, còn anh thì vài nghìn cây số thế thôi. Trái lại, đời sống của em mới đa dạng chứ! Anh chỉ toàn gặp những người chuyên về dầu lửa, có nói với họ thì cũng chỉ nói về dầu lửa. Chứ em, thì em tiếp xúc với đủ mọi loại người, chuyện trò với họ về đủ mọi thứ.
- Nhưng dẫu sao cô vẫn là dân tỉnh lỵ, là nhà quê, còn tôi là con người hiện đại, có văn hóa.
Những ngày hội hè, ngày lễ làm anh tức điên hơn cả. Anh căm ghét những cái đó, anh dám chắc rằng anh cũng có những ngày đáng ghi nhớ của riêng mình, không phù hợp với những ngày chung: ví dụ như ngày được tăng lương hay ngày mua chiếc xe hơi mới, nhưng chẳng ai bận tâm đến, dù là trong những ngày hội của anh thì anh cũng chẳng bận tâm đến ngày của người khác.
- Anh còn chẳng muốn nghe nhắc tới những ngày lễ tập quán, -Tôi đã từng nhắc đi nhắc lại với anh- Còn em thì ngày lễ nào em cũng thích! Em thích cây thông ngày lễ giáng sinh, hoa giấy những ngày hội hóa trang, quả trứng nhuộm ngày lễ phục sinh, cuộc đi chơi lên tỉnh ngày hội Feragôxlô. Ngay cả ngày kỷ niệm các người đã khuất, ngày mà người ta mang hoa cúc tới nghĩa trang, em cũng thích!
- Phải! Em thì chẳng cần ăn, chỉ cần chơi!
- Nếu hủy bỏ các ngày lễ, thì cũng ví như nhẽ ra ngồi vào bàn ăn cho ra ăn, lại đi ăn khăn. Cũng ví như đang ở nhà cửa chuyển sang ở nhà hang…Dẫu sao em cũng vẫn là một con người quá ư man rợ!
- Chính anh mới là man rợ! Cứ ý anh nghĩ, thì có lẽ anh hủy bỏ tất cả trên đời này, ngay cả đến quần áo. Trông bọn mình bấy giờ mới thật hay: cả em, cả anh, cả con gái đều trần truồng mà đi và đều sống trong hang hốc.
- Tôi quên kể là hồi đó chúng tôi sinh được một mụn con gái, cháu Giannina. Bề ngoài, trông cháu giống bố cháu, nhưng lớn lên chút ít, cháu in hệt như tôi: cũng cùng những sở thích, những say mê như nhau. Nó thích quảng trường, nhà thờ, cửa hàng, quán cà phê của chúng tôi. Và điểm cơ bản là nó mê thích các ngày hội.
Ngày hội hóa trang sắp tới, Giannina đã lên năm, và tôi quyết định đưa nó vào vũ hội hóa trang. Đó là cuộc khiêu vũ hóa trang đầu tiên trong đời nó, và tôi không muốn đấy là vũ hội cuối cùng: cần phải làm thế nào để nó gây cho con gái tôi một ấn tượng không thể phai mờ, để suốt đời nó phải nhớ đến. Như thường lệ, chồng tôi đi xa, ở đâu đó vùng Cận Đông. Chúng tôi cùng với người bạn gái góa chồng bàn luận rất lâu xem nên ăn mặc như thế nào. Theo ý tôi thì một thiếu phụ tóc đen mảnh dẻ, nên giả làm một nữ hải tặc, còn con gái tôi tóc màu sáng, đúng là một nữ thiên thần! –nên mặc bộ cánh tiên với chiếc mũ nhỏ nhọn đầu rải rác những vì sao và mảnh trăng non, với cây gậy thần cầm tay. Cuối cùng bàn cãi hồi lâu, tôi quyết định mặc bộ cánh Tây Ban Nha, đúng hơn là bộ cánh digan Tây Ban Nha: chiếc áo choàng đen, lược cặp sau gáy, một bộ phách trong tay. Còn cho con gái, tôi chọn bộ cánh của các bà quý tộc thế kỷ mười tám: nó phải đeo mớ tóc giả màu tro, váy có khung phồng, cổ khoét sâu, mặt hóa trang, đính nhiều nốt ruồi giả và cầm quạt trên tay.
Tôi với nó trông thật xinh! Những đồ trang sức của chúng tôi mới hợp với chúng tôi làm sao! Tôi mặc toàn đồ đen, trông bí ẩn, sôi nổi, đầy vẻ quyến rũ như yêu tinh thần nữ. Bó chặt trong xiêm áo lụa là rực rỡ, Giannina nhờ phấn sáp và mực vẽ, không những trông như người lớn, mà còn là một cô gái đỏng đảnh, khêu gợi.
Đúng lúc tôi đang xoay đi xoay lại trước gương, thì có tiếng ồn ào ở lối vào: chồng tôi bất ngờ xuất hiện. Anh mặc bộ trang phục trắng rõ ràng anh mới ở các xứ Ả-rập nóng bức về. Nhìn thấy Giannina, anh lặng lẽ nắm tay nó, đưa vào buồng tắm, giấm ướt khăn mặt và chỉ trong vài giây, anh phá hủy bằng hết thành quả lao động nhiều giờ của tôi: anh rửa phấn hồng, phấn trắng, sáp, mực vẽ và nốt ruồi. Nhưng đến khi anh bắt đầu lột xiêm áo nó ra thì tôi can thiệp vào. Tôi chẳng còn nhớ chúng tôi đã đối đáp nhau những gì, nhưng chắc chắn là đã xảy ra một cuộc tranh cãi, xem giữa tôi với anh ta, ai là kẻ man rợ. Tuy nhiên lần này chúng tôi đã to tiếng cãi nhau, kèm theo những lời quát tháo sỉ nhục lẫn nhau, và kết thúc bằng ẩu đả: lần đầu tiên trong sáu năm sống chung, chồng tôi tát tôi một cái. Tôi nắm lấy con gái và mẹ con tôi nhảy bổ ra đường. Tôi, trong bộ quần áo digan Tây Ban Nha, nó, như một bà Đờ Pompađua(1) bé, xấu, chúng tôi lên xe hơi đi thẳng.
Tôi lái một lèo luôn ba tiếng đồng hồ, gần nửa đêm, về tới tỉnh lỵ quê tôi. Thấy chúng tôi trong bộ quần áo trá hình, mẹ tôi hồn nhiên kêu lên:
- Các con đến dự vũ hội hóa trang nhà ông chưởng khế Đôgiualani đấy à?
Tôi cũng chẳng trả lời mẹ là không phải. Rốt cuộc thì tại sao lại tước đi của cháu bé niềm vui vô tội, là cuộc vũ hội hóa trang đầu tiên trong đời nhỉ?
Chúng tôi đi dự vũ hội hóa trang và hết sức hào hứng. Gần sáng trở về, mệt phờ, người đầy hoa giấy rắc, dây giấy quấn quanh.
Tôi không quay về thủ đô nữa: vợ chồng tôi ly dị nhau. Mới đây, tôi gặp anh ấy ở phòng khách của ông luật sư của tôi ở Rôma, nhân khi tôi tới thu xếp công việc gia đình. Anh tỏ ra dễ thương, nhưng đối xử thật xa cách. Anh hỏi tôi làm gì. Tôi đáp:
- Em vẫn sống như mọi khi.
Tôi hỏi xem anh làm gì. Anh nói:
- Tôi vẫn sống như mọi khi
Để chứng thực lời nói của mình, ngay chiều hôm ấy, tôi chuẩn bị trở về nhà tôi ở tỉnh lỵ, và khoảng hai giờ sau, anh cũng phải ra đi về vùng Cận Đông.
Chúng tôi chia tay nhau gần như đôi bạn. Anh nói:
- Chúng ta không hiểu được nhau. Chúng ta là những kẻ có trình độ văn hóa khác nhau.
Tôi đáp:
- Văn hóa gì ở đây! Em với anh cùng tốt nghiệp một trường ra. Chỉ có điều em thích các ngày hội của đời mình, còn anh thì không thích nữa, thế thôi.
Chú thích:
1) Quận chúa Pháp, người được vua Lu y XV sủng ái.