- A lô, xin lỗi phải ông Thức đó không? - Vâng, tôi nghe đây. - Tôi là Kim… - … - Tôi là Kim, chị của nhỏ An đây. Tôi muốn nói chuyện với ông một chút, không phiền chứ? - Chẳng có gì phiền cả, xin cô cứ nói. Ở đầu dây đằng kia, giọng nữ ngập ngừng: - Tôi… muốn… hỏi thật ông, nhỏ An vẫn thường quấy rầy ông phải không? - Không thường đâu. Và cũng chẳng có gì gọi là quấy rầy cả. - … Giây yên lặng. Thức hiểu không ổn rồi đây. - Cô yên tâm. An ngoan và rất thông minh. - Cám ơn ông, em tôi có thể tôi biết rõ hơn thế. Tôi gọi tới chỉ để xin ông lưu ý một điều … Câu nói ngắt bởi một cái bậm môi có lẽ, rồi thật nhanh, giọng nữ rắn rỏi: - Xin ông nhớ cho, An vẫn còn là một con bé. Ðối thoại cắt ngang như để dằn xúc động, Thức nghe tiếng “kịch” đặt máy khô gọng dội lại tai mình. Cầm cái ống nghe ngẩn ngơ một lúc, không biết nghĩ gì, Thức bật cười khan, nhẹ nhàng đặt xuống. Rồi anh lững thững bước ra cửa, nhìn bâng quơ lên khoảng trời nhỏ qua những tàng cây kẽ lá. Ðôi khi những mảnh đời cỏn con lại trở thành quan trọng. - Sao? Lại nhức nhối con tim rồi à? Một anh bạn từ trong đi ra vỗ vai Thức. Thúc nhún vai: - Có gì đâu. Cố tình phủ nhận để òa vỡ trong Thức một cảm giác phiêu lưu, lãng mạn vô bờ. Ngồi nơi góc quán thường ngày, từ sớm, Thức ngóng sang cổng trường chờ những “thiên thần áo trắng” từ “thiên đường nhỏ” ùa ra làm rộn rã đường phố, làm lấp lánh sáng một cõi trần gian này. Cái ảo tưởng mình là kẻ tội lỗi thoáng qua, ở cái nơi khói và bụi bây giờ, vừa là nỗi đam mê rắn độc, vừa là niềm trân trọng trái cấm. Thức không định ra được điều mình nghĩ. Nhưng nào phải anh là kẻ đi kiếm tìm những thứ thường tình trong cuộc sống. Không bao giờ anh muốn bằng lòng đặt chân trên những lối mòn đã trở thành đường cho bao người, anh biết rõ mình điều này. Và trên một lối riêng nào đấy, hẳn là anh phải cô đơn một mình cho đến tận cuối chân trời không tưởng kia, có thể. - Bản phác thảo của cậu tới đâu rồi? Hà Nhân, anh bạn đạo diễn trẻ ở xưởng phim truyện kéo chiếc ghế xích lại gần Thức. - Còn cần nhiều góc cạnh lắm. Tôi đã có ý định lọt vào sân trường để thực tế nhưng chưa biết lấy danh nghĩa gì cả. - Cần gì danh nghĩa chính thức. Cậu cứ đóng vai phụ huynh đi lớ ngó khắp trường để tìm văn phòng xem có ai đuổi cậu không nào. - Ý kiến hay đấy. - Bọn học trò sắp nghỉ hè rồi. Tôi đã cho thu hình những tàng phượng đỏ nở đầu tiền trong thành phố này. - Cả những tàng phượng cuối mùa buông trái nữa chứ? - Tôi cần gì phải theo suốt mùa một cây phượng như thế, mình có làm phim thực vật đâu. - Chẳng cần phải là phim thực vật mà cây phượng vẫn cứ quan trọng đối với học trò. Nó là hoa học trò mà lại, chúng gọi thế đấy. - Tôi ghi nhận điều này. Nếu cậu cho kịch bản sớm ta sẽ khởi quay vào mùa hè tới. - Vội thế. - Cũng còn phải duyệt xét, bố trí tới lui. Tôi sẽ tham gia với cậu phân cảnh sau. Ðầu mùa hè này tôi lại còn nhận cố vấn cho một nhóm phim thể nghiệm, cũng toàn trẻ cả thôi. Có thể tôi sẽ làm việc nhiều ngày ở Vũng Tàu với họ. - Thú nhỉ. - Nếu cậu thích cứ tháp tùng cho vui. - Tôi sẽ “lên chương trình” vụ này. - Có gì cứ ghé Câu lạc bộ điện ảnh, tôi thường tới lui ở đó. - Rồi. - Tôi phải có công chuyện đi ngay. Hà Nhân leo lên xe đạp máy, chiếc mô tô hai ống khói dềnh dàng như chủ của nó, nổ to át cả tiếng nói. Ði rồi anh ta còn hét vọng lại: - Này thi sĩ, yêu học trò thì được chứ đừng dạy học trò yêu nhé, tội ngập mặt. Mấy tuần lễ nay Thức bận rộn không còn hở một chút thời gian để ngồi quán, lặng lẽ nơi này vào giờ tan trường đợi An ngang qua như mọi lần. Dù bận còn quá nhiều việc chạy tới lui chưa xong nhưng từ lúc nghe điện thoại Kim gọi tới, anh muốn buông xuôi tất cả. Tự dưng cảm thấy mình nhớ An, nhớ đôi mắt và giọng nói cười hồn nhiên của cô bé quá đỗi. Tan trường đã lâu, những cánh áo trắng đã chia khắp ngã đường và cổng trường đã thưa hẳn mà chẳng thấy An đâu. Lòng buồn hụt hẫng trở về, suốt buổi chiều Thức chẳng làm được gì cho xong. Kỳ lạ, ta đâu phải thuở nào hồn như trang giấy trắng mà sao cứ vẫn muốn bay? Bật cười với ý nghĩ là mình đã “tương tư” thật rồi, Thức đốt thuốc liên miên. “Xin ông nhớ cho, An vẫn chỉ là một con bé”. Trong lời nhắc nhở của Kim ban sáng có cả trách móc lẫn một chút gì như hờn giận. Nếu có điều gì đáng buồn ở đây là tại Kim. Chính những gì đã buột ra khỏi ý nghĩ là một mũi tên, đẩy nó mau tới đích, để vụn vỡ những gì không thể hình dung được. Ðó là tình cảm của anh với An. Một cái nhìn cũ kỹ đã bao thời, và có lẽ còn mãi tồn tại đến bao đời nữa là, quan hệ giữa người nam và người nữ chỉ có một định danh: Tình Yêu. Mặc ai muốn nghĩ sao thì nghĩ, Thức bật dậy khi nghĩ rằng An đau không đi học được và đang nằm đợi “ước gì có chocolate tới thăm”. “Xin ông nhớ cho, An vẫn chỉ là một con bé”. Sáng hôm sau, chừng vô học đã được một giờ, Thức đóng bộ tươm tất vào trường tìm An. - Tôi muốn gặp thầy giám thị. - Xin phép nghỉ học hả, vào đi. Văn phòng rẽ tay phải. Theo hướng tay người gác cổng. Thức bước vào văn phòng. Giám thị không phải là thầy mà là một “cô” có tướng khá là phúc hậu đang trễ mắt kiếng cúi xuống một cuốn sổ lớn. - Thưa cô … - Cậu tìm ai? - Tôi là phụ huynh học sinh… Cô giám thị sửa lại kiếng, nhìn người đối diện cho rõ hơn. Thức cũng nói cho rõ hơn: - Tôi là anh của trò An. - Lớp mấy? - Phạm thị Thanh An, lớp 9A3. - Ðơn đâu? - Ðơn gì ạ? - Ðơn xin phép nghỉ học chứ còn chi nữa? - À không. Tôi muốn gặp em ấy một chút. - Ở nhà không gặp đến đây gặp chi vậy? - Tôi ở xa mới về, lại phải đi gấp, tôi muốn gặp em có chút việc. - Con nít con nôi mà có việc gì. Cậu ra ngoài phòng khách ngồi đợi tôi cho người xuống lớp gọi. Cầu mong cho cô bé không vì lý do gì nghỉ học, chứ không lại rắc rối to. May quá. Thức đưa một ngón tay lên môi ra dấu khi thấy An xuất hiện ở cửa với đôi mắt tròn bỡ ngỡ. - Có chuyện chi vậy, anh Thức? - Suỵt, nhỏ chứ. Chẳng có chuyện chi cả. Anh tưởng bé đau. - Ðâu có. - Sao bữa qua không thấy An về học? - Anh đi đón An à? - Suỵt, khẽ chứ. - Không có chị Hà, em về học với mấy đứa bạn, đi vòng đường khác rồi. - Thảo nào. - Uổng quá, mất phần sữa đậu nành bánh bông lan của em. - Chỉ hay ăn. - Cũng hay học nữa chứ. Xin được khiêm nhường thông báo cho anh biết: Sáng nay đã có kết quả học kỳ 2, em được xếp hạng 3. - Giỏi. - Phải thưởng cho em cái gì đi. - Có ngay đây. Thức rút trong bụng áo sơ mi ra thanh kẹo chocolate dúi vào tay An. Rất nhanh nó biến vào sau vạt áo của An khi cô giám thị làm phận sự ngoài hành lang kịp ghé mắt nhìn vào. - Ngày mai anh đón em chứ? - … - Sắp nghỉ hè rồi đấy. - Ðợi em ở xe sữa đậu nành nhé? An chu môi: - Tuyệt vời quá. Anh Thức về rồi, cô giám thị đứng đón An ngay ở chân thang hỏi dồn dập: - Ai vậy, có chuyện gì vậy? - Thưa cô, ông anh con. - Anh em mà có chuyện chi phải gấp gáp tới trường cười cợt với nhau vậy? - Dạ, anh ấy mới về phép. - Làm gì mà về phép, tóc tai thế không phải là lính rồi. - Dạ, anh ấy… đi tù, chỉ được phép thăm nhà ít giờ. - Tù gì? Tù hình sự à? - Dạ không, anh ấy hiền lắm. Anh ấy chỉ bị tù oan thôi, sắp được tha rồi. “Hừ”. Cô giám thị nhìn xuống tay An dấu trong vạt áo và chưa kịp hỏi “cái gì đây” thì An đã mau miệng hơn: - Cô mới mua đôi giày đẹp quá, chân cô đi thiệt hợp. Và không ai chạy đuổi theo với đôi giày đẹp bao giờ. Còn An thì đã khuất lẹ ở cầu thang. Hú vía. Giờ chơi có ngay một cái chợ nhỏ ở góc sân với đầy đủ bạn trong nhóm. An thuật lại câu chuyện “ông anh ở tù” và chưởng “tung hỏa mù” đánh lừa cô giám thị, cả bọn được một phen cười nghiêng ngửa. - Mi có ông anh thiệt tuyệt diệu An ạ, mai kêu ông ấy để râu cho giống phim “Chim tải cút hay hót” nhé? - Chỉ có khác là Chim tải cúc của mình lại đóng thế vai chính. - Vai phụ xuất sắc lên vai chính mấy hồi. - Nhờ vậy bọn mình mới có phần chocolate ăn chứ.