Trang 16( het)

Bẵng đi một thời gian, cơ chừng bằng những cơn mưa hạ lê thê vừa dứt. Thức lại gặp An. Vào đầu một niên học mới rộn rã, An ngượng ngập trong chiếc áo trắng lần đầu tới trường, bước đi vụng về vướng vấp làm sao ấy.
- Dư hai cái tà chẳng để làm gì cả tụi bây ơi.
- Cột lại đựng sách vở là tiện nhất, khỏi cần mang cặp.
- Xén phứt đi làm “xường xám” cũng hay.
- Bữa nào kiến nghị ban giám hiệu đổi mốt áo bà ba đi học vừa gọn gàng vừa đở tốn kém.
- Hay đấy. Rồi sẽ có mốt thi “Hoa hậu áo bà ba”, tại sao lại không đổi mới như thế nhỉ.
- Chẳng bà ba, bà tư gì ráo trọi. Tụi bây thấy ta mặc áo dài ra sao?
- Cây đèn cầy biết đi.
- Ví von chi kỳ rứa.
- Mặc áo dài mà chẳng có A có B gì hết trơn, thẳng tuốt tuột từ trên xuống dưới thì không là cây đèn cầy thì là cây gì?
- Cây đèn cầy vẫn... sáng hơn là một hột mít mũm ma mũm mĩm.
An đứng ngoài cuộc. Hồi hộp khi gặp anh Thức, An chỉ sợ anh “xì” một tiếng.
- Sao anh cứ nhìn người ta mãi vậy. Bộ trông tức cười lắm hả?
- Đâu có, đâu có. Trông An mặc áo dài càng dễ thương chứ sao?
Cái “chứ sao” của Thức không làm cho An vui lắm. An nghĩ mình đã lớn, Thức phải nhìn nhận nghiêm chỉnh hơn.
- Chị Kim lấy chồng rồi anh Thức ạ.
- Anh biết.
- Không có chị ấy ở nhà để thỉnh thoảng gây lộn cũng buồn.
- Buồn hay bực?
- Lúc trước An chỉ thèm có một phòng riêng, bây giờ ở một mình thấy nó... lẻ loi làm sao ấy.
Thức bật cười:
- Còn tụi bạn của An đâu?
- Chúng quậy phá cũng tàn bạo lắm chứ, nhưng An thấy chúng... trẻ con quá, riết rồi cũng bực mình.
Thực ra thì không phải tất cả đều “trẻ con” để quậy phá nghịch ngợm vô tội vạ mãi như thế. Đóng áo dài vào khối “chị” cũng đã “điệu đà” ra trò, đi đứng khép nép và biết... điều chỉnh âm lượng vừa đủ nghe đôi khi đi bên con trai. Đã có chuyện thầm thì và đỏ mặt có đứa khi bị bạn “đẩy đưa” tới góc này khóc kia.
Mới đầu năm mà có chuyện râm ran toàn trường: Hè này thầy Toán đã đám cưới với một cô học trò. Vừa dứt niên học là cô học trò cấp ba xinh mộng đã bước lên xe hoa về nhà thầy không đợi kết quả thi tốt nghiệp.
- Tốt nghiệp đâu cũng là tốt nghiệp. “Yêu thầy mới được làm (bà) thầy chứ“. Chuyện thường thôi. Chị tao kể, hồi bà còn đi học, trường mình chứ còn trường nào nữa. Giữa sân trường kia kìa, có lần trực thăng đã đáp xuống đấy.
- Chiến tranh lan rộng khốc liệt?
- Chiến tranh giữa sân trường vào giờ tan học. Cánh quạt trực thăng quay vù vù rạp cây rạp cỏ, tung lá tung cát bay mù mịt. Hồi ấy trường mình chỉ toàn nữ sinh, các cô sợ hãi dạt hết cả, nép vào nhau. Ban giám hiệu ai nấy đều ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì sắp xảy tới. Một phút kinh hoàng rồi sau đó, trong đám đông nữ sinh một tà áo dài trắng ôm cặp chạy ra. Chàng phi công trẻ hào hoa bước xuống nắm lấy tay nàng, đỡ lên ngồi bên cạnh. Cánh quạt lại quay tít, chiếc trực thăng bốc lên, chỉ trông chốc lát là đã thoát khỏi khuôn viên trường, để lại cơn gió và những đôi mắt tròn ngước lên nhìn theo.
- Rồi sau đó?
- Trời đất bao la ai mà biết được. Chả lẽ ban giám hiệu... chạy theo ghi số máy bay đi... kiện Bộ Tư Lệnh không quân. Chỉ còn biết thông báo cảnh cáo chung chung không được gây mất trật tự trong sân trường. Nhưng thực sự chẳng chặn được xôn xao trong lòng nữ sinh thuở ấy.
- Chưa oai bằng nếu trường mình đến ngày nào đó người ta... khiêng ra bờ sông. Sẽ có chiến hạm đậu dài dài. Rồi hai hàng thủy thủ đồng phục trắng lốp, bồng súng trang nghiêm chào đón một áo dài ôm cặp bước lên tàu.
Câu chuyện kể vắn tắt, nhưng An nghe rồi vẫn còn ngân nga trong đầu mình suốt ngày sau đó. Những “cổ tích hiện đại” đã mang tính chất huyền thoại kỳ thú và ngọt môi không ngờ. Ngay cả hình ảnh hai cô cậu che dù chung trong mưa cũng khiến An nhìn theo mãi và ngẫn ngơ không ít. Rồi bâng khuâng An nghĩ tới Thức, suốt đời anh vẫn muốn coi mình còn nhỏ nhít để ngậm kẹo và cười đùa thôi. An bậm môi, phải cho anh biết là mình sắp mười sáu tuổi. Một ý nghĩ vụt lóe trong đầu, sinh nhật mười sáu mình sẽ tổ chức thật người lớn, không còn vớ vẩn những trò đùa nghịch như hồi năm ngoái nữa. Sẽ có cả Long và Hoàng Ly để tổ chức ca nhạc sống, nhảy nhảy chút nếu hứng. Gạt ra ngoài danh sách những bạn lớp lóc chóc, ăn mặc chẳng ra sao, mốt miếc nhà quê nửa đi mượn nửa tư biên tự... mặc. Sẽ có chị Hà và cả mấy bạn của anh Thức nữa chứ. Còn cái anh chàng Quân tốt bụng? Thực buồn cười, ít bữa nay anh ta chê tốc độ xe “cuộc” và đã dành được thế chủ động cưỡi xế nổ, ngày đôi ba bận lượn qua nhà rồ máy ra chuyện ta đây có mặt nữa chứ.
“An ra lệnh cho anh đấy, anh Thức ạ. Chị Kim đi rồi còn anh, sinh nhật An anh phải ngồi bên em và hoàn toàn... chịu trách nhiệm về em đấy nhé. Em sẽ nổi như một cái bánh ga-tô và sẽ rực rỡ nhuI một ngọn pháo bông giữa bạn be1 khi có anh ở bên, anh đừng quên đấy... và bản Romance”.
Nhận được “giấy mời” bằng trang vở mở đôi của An vừa ngộ nghĩnh vừa quan trọng. Thức thấy vui hẳn lên. Anh sửa soạn máy quay, máy chụp và lỉnh kỉnh những phụ liệu mang theo đầy đủ như được mời thực hiện một... dịch vụ đặc biệt. Anh dợt bản Romance với tất cả nồng nàn, đam mê mà những ngón tay mình tưởng chưa bao giờ tha thiết đến thế. Rồi đôi mắt An, đôi mắt mở rộng lung linh ánh nến, An cúi xuống, đôi môi chu dài nũng nịu, rưới những hơi thở sâu tự trong ngực ấm, phả xuống tuổi mình. Mười sáu ngọn hồng, mười sáu bài hoan ca tươi vui cùng chắp cánh bay cao, bay mãi. Cuối cùng chỉ còn những làn khoíi. Thức sẽ thu cho được cận ảnh những làn khói ấy. Khi làn khói cuối cùng tan đi, hiện ra khuôn mặt rạng rỡ với một nụ cười đáng ghi nhớ nhất của An, ngày em mười sáu tuổi. Và tiếng pháo tay nổ ran, nhảy nhót khắp phòng.
Nhưng không có một hình ảnh nào như trong trí tưởng của Thức. Một buổi chiều hoàn toàn bất ngờ mọi chuyện, đã làm tan vỡ tất cả. Tan vỡ cả An, tan vỡ cả Thức: Tan vỡ luôn cả khung trời huyền thoại mà anh ươm trồng những ước mơ, tưởng như muôn đời còn giữ mãi được.
Buổi chiều đã tắt nắng, khi Thức vừa tới cổng cư xá thì từ phía trong tiếng máy xe gầm gừ rú dữ dội, một thanh niên cúi rạp trên chiếc xe phóng ào ào tới, Thức chỉ kịp lách về một bên và nghe tiếng đổ rầm ngã ra sau đó.
Trẻ con và những người quanh đấy bu lại ầm ĩ:
- Làm gì mà tự chiều đến giờ cứ thấy nó phóng tới phóng lui gầm rú như thằng điên.
- Đứa nào vậy?
- Thằng Quân ở trong cư xá này chứ còn ai nữa.
Thức rẽ đám đông bước vào. Quân nằm sóng soài ra đấy, bất động, bên chiếc se vẫn còn nổ máy.
- Chết rồi.
- Không sao đâu. Thức lật Quân dậy và xốc lên, ai đỡ cậu ấy phụ tôi đưa lên nhà thương cấp cứu. May mà cậu ta văng ra khỏi xe trước khi vật xuống, chứ không chắc là đã khó bề thoát khỏi.
Hơn hai giờ sau, băng bó xong xuôi và lập thủ tục nhập viện, Quân mới tỉnh lại đôi chút. Thấy Thức, Quân vội quay đi.
- Cậu cứ nằm yên cho khỏe, không đến nỗi đâu. Có lẽ người nhà cậu sắp tới bây giờ. Tôi và người hàng xóm đã đưa cậu tới đây và họ đã về báo cho gia đình cậu biết rồi.
Quân quay lại, đôi môi run và Thức thấy giọt nước mắt ứa ra trên khuôn mặt nhợt nhạt, lem luốc của Quân. Đúng ra là cậu ta muốn nói gì đó. Thức nắm nhẹ lấy bàn tay lạnh đầy bông băng của Quân và hiểu rằng Quân đang lấy gì đó trong ngực áo.
- Cái gì vậy?
Thức lôi ra một gói giấy hoa đã bẹp dúm trong ngực áo Quân. Đôi môi Quân mấp máy, mãi cậu ta mới nói được, thật nhỏ:
- Nhờ anh trao lại cho An.
Khi Thức định về thì anh gặp Hà hớt hải bước vào:
- Quân nó làm sao rồi, ông Thức?
- Tôi sợ có thể bị chấn thương sọ não nên đã xin đi rọi quang tuyến xem xét ngay rồi. Không sao cả, cô yên tâm. Còn tay chân là đương nhiên, ít ra cũng phải bó một thời gian, chuyện đó người ta sẽ tính sau, sau khi đã lành các vết thương ngoài da.
- Cám ơn ông nhiều. Hà thở dài, bố mẹ tôi cũng chưa hề ai biết chuyện này. Cả tuần nay mỗi người mỗi nơi. Rõ chán.
Nhìn khuôn mặt đầy phấn son của Hà, Thức hỏi:
- Cô mới ở chỗ An về phải không?
Hà kéo Thức ra ngoài hành lang:
- Nhỏ An không mời Quân dự sinh nhật nên mới ra nông nỗi này đây.
Thức chép miệng. Thì ra thế.
- Ông nên tới đó ngay đi.
- Tới đâu?
- Tới với An chứ còn đâu nữa. Con bé như khùng, mời khách khứa, bạn bè tới đầy nhà mà cứ muốn đuổi người ta về ngay.
- Chưa tan tiệc sao?
- Có thể bọn trẻ còn nhảy nhót chút chút vì chúng còn chỏ theo ban nhạc rầm rộ lắm.
Không vội vã gì. Thức muốn thế. Thức không muốn nhìn thấy cảnh ồn ào nhí nhố nơi nhà An. Khi anh tới cỡ chừng đã 11 giờ hơn, bọn trẻ hình như vừa về hết, cánh cổng còn mở toang.
An ngồi ngay đấy, trên bậc thềm chia cắt bởi ánh đèn từ trong hắt ra. Tay chống cằm, cô bé lặng im khi Thức tới gần.
Thức cất tiếng, cố gắng tự nhiên hỏi:
- Vui vẽ chứ An?
An đứng dậy bỏ vào nhà. Thức lững thững đi theo. Cảnh tượng chẳng mấy dễ chịu sau bữa tiệc tàn. Trên bàn ngả nghiêng lộn xộn những ly những đĩa. Đây đó vài cọng cúc trắng lẫn với những dây ti-gôn vương vãi trên bàn, trên ghế và cả trên nền nhà.
An đứng dựa lưng vào tường, bặm môi cúi xuống:
- Anh làm hỏng mất sinh nhật của em.
- Anh xin lỗi. Nhưng An biết đấy...
- Em không cần biết gì cả.
- Quân vừa bị tai nạn...
Thức cố gắng phân bua. Nhưng hình như không dằn nổi nữa, An gào to:
- Anh tàn nhẫn lắm anh biết không. Anh coi thường em. Anh đâu biết em đã mong anh đến chừng nào.
- Thật đáng tiếc, anh nào muốn thế. Cho anh xin lỗi.
- Em không cần anh nữa, anh về đi.
An vùng vằng dời chỗ khi Thức tới gần. Thức vẫn nhỏ nhẹ dỗ dành:
- Anh sẽ đền em mà.
Câu nói tưởng như vô tình, nhưng bất ngờ như cơn gió thốc vào ngọn lửa. An chồm tới bàn và mở tung ngăn kéo. Mọi thứ được xốc ra, ném vung vãi tất cả quanh chỗ hai người. Đó là những tờ giấy bọc kẹo chocolate nhiều màu, những mảnh giấy bạc óng ánh, vuông vức. Cả những vỏ sò vỏ vốc trong cái hộp nhỏ cũng đổ ào ra một lượt cùng với lời dằn dỗi:
- Em không cần những thứ này nữa.
Thức đau nhói. Anh cảm thấy có gì vừa rạn nứt, cất cánh và sửa soạn đổ vỡ, bay vuột. Dù sao thì chẳng nên nói gì thêm trước khi mọi chuyện xảy ra và anh cũng chẳng nên đứn lại để chứng kiếng một điều chẳng đợi.
- Quân nhờ anh chuyển tới An. Dù thế nào đi nữa thì đây cũng là sự chân thành của cậu ta.
An chồm lên giằng phắt lấy gói qua từ tay Thức và không cần biết gì, cô bé ném xuống chân và đá mạnh dưới gót giày, đầy giận dữ:
- Em không cần Quân.
Thức nắm lấy hai vai An, ghìm lại:
- Đừng làm thế, An.
- Anh thì lúc nào cũng coi em còn nhỏ nhít - An nức nở vừa đấm túi bụi vào tay vào ngực Thức - Anh vô tình lắm, anh tàn nhẫn lắm. Anh không biết là em cần anh, em chỉ cần anh. Em yêu anh.
Thức chết lặng trong giây lát. Trong giây lát ấy. Thức thấy khuôn mặt người con gái thật gần: mái tóc lăn tăn chẻ lọn từng sợi, mắt môi nhòe nhoẹt phấn son và cổ áo rộng nồng nặc nước hoa. Không phải là An. Và An sẽ chẳng bao giờ còn là An của anh nữa.
Thức buông vội vai An và anh phóng mình ra ngoài như trốn chạy.
Gì thế nhỉ? Thức vừa đâm sầm vào một bụi cây gần cổng, anh nhìn lại và thấy những chùm hoa trắng. Loài hoa mà anh đã ươm cho An vào ngày này năm trước, giờ đã rụng vương vãi dưới sân đêm. Lòng bỗng ứ ngập nỗi xót xa vô bờ. Thức quay mặt đi.
Trở về nơi mình ở, giận vô cớ. Thức đập nát cây đàn anh yêu mến. Anh cũng xé vụn những tấm hình và những trang “phác thảo” mà bấy lâu nay anh hằng ôm ấp. Tất cả đã nát, đã rụng cùng với chùm hoa trắng kia.
Sau này Thức thường tránh những dịp đi lại ngang qua các cổng trường. Thảng hoặc có lần tình cờ thấy những tà áo trắng trên đường, anh thường cúi mặt vội qua. Tiếc nuối với ân hận, anh cầu mong sao các em còn giữ mãi được những hồn nhiên vô tư của tuổi mình, để màu áo trắng kia đừng vội bay. Bởi vì những vô tư và hồn nhiên trong đời là những gì quý giá nhất, người ta chẳng còn bao giờ tìm lại được khi đã lớn lên.
hết

Xem Tiếp: ----