Đoàn Thụy Hoàn ở đất Thiểm Tây, nổi danh là một phú ông đầy lòng nhân hậu, nên thường giúp đỡ người khốn khó. Gặp cảnh không may, khiến tha nhân đem lòng ngưỡng mộ. Một hôm. Có Tăng Hổ là bằng hữu đến chơi, vội vàng nêu thắc mắc:
- Đệ nghe người xưa hay nói: Tri vi tri, bất tri nhi bất tri, thị tri dao, diễn nôm ra là: Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, thế mới là hiểu biết vậy. Câu này có đúng không?
Thụy Hoàn đực mặt ra mà suy nghĩ. Mãi một lúc sau mới chậm rãi đáp rằng:
- Biết mà nói biết, không biết mà nói không biết, thì có gì là lạ. Không biết mà dám nghĩ mình biết, rồi đem cái biết đó truyền bá khắp nơi nơi - để ai ai cũng tin mình biết thật - thì mới đáng mặt trượng phu. Xứng danh là quân tử!
Rồi ngừng một chút để lấy hơi, lại ào ào phang tiếp:
- Nói thiệt với đệ. Biết hay không biết chẳng ăn thua gì hết ráo. Miễn hồ sống đặng thì thôi. Chớ bận tâm chi đến lời xưa ý cũ…
Ngày nọ, nhân tiết trời trong xanh gió mát, Hoàn mới gọi vợ ra hòn non bộ, mà nói rằng:
- Nước từ đáy hồ chảy lên núi cao, rồi… năm phút sau lại quay về chốn cũ, mới mang lại sự vui tươi cho cá vàng khoái trá, mà bơi lượn tung tăng. Loài hổng phải người mà còn như dzậy. Huống chi mình. Lẽ nào lại nín lặng hay sao?
Vợ của Thụy Hoàn là Liễu thị, nghe qua bỗng giật bắn cả người. Ngơ ngác nói:
- Đã là vợ chồng! Muốn gì thì nói… mẹ nó ra. Chớ cứ lấp ló mần răng mà đoán được?
Đoạn dõi mắt ra xa mà thở. Thụy Hoàn thấy vậy, mới trong lòng trĩu nặng lắng lo, rồi hớt hãi hớt ha mà nhủ thầm trong dạ:
- Đàn bà thật là khó hiểu! Khi nói nhẹ nhàng thì hối lẹ cho mau. Khi nói nhanh nhanh lại cho thiếu đi phần… thơ mộng, rồi mắt u ám như mây mù che kín, thì đạo vợ chồng ta biết liệu làm sao? Khi nối khúc ni thì đứt liền khúc nọ!
Rồi nghệch mặt ra như cố đè nén nỗi khó chịu trong lòng. Tha thiết nói:
- Ta với nàng đã ba năm tròn hương lửa, nhưng tự thân nàng nay bệnh mai đau, thành thử lửa hương kia chẳng ấm ung gì hết cả!
Liễu thị bỗng trong lòng dậy nổi phong ba. Uất ức nói:
- Người ta lấy chồng lúc trẻ là nương cậy lúc già. Lúc khỏe mạnh để đỡ đần lúc đau yếu, thì mới không bỏ phế công lao ngồi kề… gương với lược. Chớ đâu như chàng. Thấy vợ chớm qua thời con gái, đã vội tháo nài bẻ ống đặng chơi riêng, thì so với đứa thất phu chẳng hơn gì đó vậy!
Đoạn, mở bóp ra mà trang điểm. Thụy Hoàn thấy vậy, bỗng đắng ở bờ môi, liền xoay chuyển trong tâm mà nghĩ này nghĩ nọ:
- Vợ mà chưa… tính được, thì nói chuyện cơ đồ mà nghe đặng hay sao?
Rồi nắm chặt hai bàn tay lại. Mạnh dạn nói:
- Vợ chồng! Có nghĩa là tuy hai mà một. Tuy một mà hai, tuy… bốn hay năm cũng đều chung hết cả. Nay ta thấy nàng sớm hôm buồn lên mắt biếc, nên tính kiếm người đỡ đần khó nhọc sớm khuya, đặng có chút an tâm mà yên lòng chữa bệnh. Chớ chữ phu thê chỉ mình ta vun xới - thì dẫu hết đời - cũng chẳng thể nào tươi tốt được đâu!
Liễu thị bỗng tím cả mặt mày. Tức tối hét:
- Chồng một thì lấy. Chồng chung thì đừng. Đứa nào vô đây dành chồng của bà, thì bà… luộc. Bà đã luộc thì từ chín tới rục. Tan tác thịt xương. Quyết trăm năm sẽ mần y như thế!
Bấy giờ, có Tiểu Oanh là nữ tỳ trong nhà. Hiểu được cái ước muốn có vợ bé của Thụy Hoàn, nên động mối thương tâm, tìm cách giúp đỡ. Thời may gặp Biểu thị là người cùng quê, lại có ba đời chồng, nên mừng rơn trong dạ. Gấp gáp nói:
- Chị đã ba lần mặc áo cưới, ắt… vác nhiều kinh nghiệm. Có thể vì tình mà chia sớt được chăng?
Biểu thị cười cười đáp:
- Đã sinh ra là phận gái, thì chỉ có hai đường. Một là làm vợ. Hai là làm mẹ, hoặc… vợ, mẹ một lần cho phỉ chí hồng nhan. Cần chi phải sớt?
Tiểu Oanh liền vẹo mình mà suy nghĩ, rồi cẩn trọng nói:
- Đành là vậy, nhưng vợ lớn vợ bé. Cái nào tốt hơn?
Biểu thị liền đảo mắt một vòng. Khi chắc chắn là chẳng có ai, bèn hí hửng nói:
- Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn le lói suốt đêm thâu. Tao thà làm bé ông lớn hơn là… làm lớn ông bé. Mày đã hiểu chưa?
Tiểu Oanh nghe qua bỗng phớn phở mặt mày. Sung sướng đáp:
- Học thầy không bằng học… chị! Thiệt là hết ý!
Một hôm, Liễu thị đi sang làng bên khui hụi. Thụy Hoàn ở nhà đang cho cá ăn. Chợt thấy Tiểu Oanh từ xa bang tới. Khoan khoái nói rằng:
- Cá không có nước thì cá chết. Người không có tình. Còn sống được hay sao?
Rồi đứng kề bên cạnh, tự tiện bỏ thức ăn, như là cá của mình vậy, khiến Hoàn quá đổi ngạc nhiên. Ngơ ngác nói:
- Từ hồi bây vào nhà này, chưa hề như vậy. Nay lại vầy, là cớ làm sao?
Tiểu Oanh làm duyên, đáp:
- Giàu, mà không biết hưởng cái giàu của mình, thì cũng như người không có. Cũng giống như có tình mà không biết nhận, để đời được thăng hoa, thì so với kẻ đơn côi cũng còn thua lắm vậy!
Đoạn, đứng sát rạt bên Hoàn, tha thiết nói:
- Chàng xưa nay nổi tiếng là người giàu, đó là một điều hay. Vợ thường hay đau yếu, là hai điều hay. Chưa chọn được người tối khuya an ủi, là ba điều hay. Cha mẹ mất sớm, là bốn điều hay. Thiếp lại sẵn trong nhà, là năm điều hay. Với năm điều hay đó. Muốn khổ cũng khó lòng khổ đặng. Chàng không thấy vậy hay sao?
Thụy Hoàn như trên trời rớt xuống. Chưa kịp nói năng, lại nghe Tiểu Oanh rộn ràng phang tiếp:
- Cái gì có thể để qua ngày mai được. Còn tình. Không thể nào trễ nãi được đâu!
Thụy Hoàn nghe trống ngực dộng thình thịch. Rộn rã tim gan nên bàng hoàng bảo dạ:
- Tháng trước ta di coi bói. Thầy có phán rằng: Mấy tháng liền tiền bạc tiêu hao, nhưng Đào hoa chiếu mạng, nên tạm quên đi chuyện tài lộc chưa tới, mà đón đợi nợ duyên. Cho vơi phần lo nghĩ. Đã vậy thầy còn nhiều lần căn dặn: Hương khói là ở chỗ này. Chớ không phải chỗ kia, nên lẽ thiệt hơn đã bày ra trước mắt! Ta buồn lòng trộm nghĩ: Vợ bé thì không cho lấy. Hầu thiếp thì chẳng chịu mua. Thậm chí quen lai rai cũng khó lòng có được, thì chữ nợ duyên mần răng tính tới? Khi cản mũi đêm ngày làm sao tính chuyện bay? Khi nắm hết kim ngân làm sao mà thoát đặng?
Rồi nhìn thẳng vào mắt của Tiểu Oanh, thì thấy lòng ấm lại. Cật ruột kêu vang, bèn thì thào tự nhủ:
- Muốn đánh địch, thì phải nắm thắt lưng của địch mà đánh. Muốn trốn địch, thì phải núp trong sân nhà của địch. Lẽ tự nhiên thường ra vẫn thế. Nay ta muốn vợ bé mà vợ lớn đừng hay, thì chỉ có cách dzớt em này đó vậy!
Đoạn, nắm lấy tay của Tiểu Oanh, cẩn thận nói rằng:
- Khi không có ai, thì em là chủ. Khi có người, ta làm chủ của em, thì mối lương duyên mới giữ gìn lâu đặng.
Nay nói về Liễu thị. Cả tháng qua thấy chồng mình đổi khác, hay hát điệu dân ca, lại chí thú ở nhà. Chớ không nhậu tràn lan như trước, liền đốt nén hương thơm mà thưa Bà thưa Cậu:
- Đã thương thì thương cho trót. Đã vót thì vót cho tròn. Nay chồng con không còn nhậu nhẹt bê tha, thì xin… vợ bé cũng chung xuồng ra biển…
Từ đấy, yên tâm mà chơi hụi. Chớ chẳng bận tâm canh kiếc gì nữa cả. Một hôm, Liễu thị ngủ trưa. Mơ thấy một đám lửa càng ngày càng lớn, lại thích thú nhảy vào, liền giật mình tỉnh giấc, thì thấy mồ hôi ướt đầm ra cả áo, bèn giật mình bảo dạ:
- Ta mạng thủy, mà mơ thấy hỏa. E chữ… thiện tai khó bề trốn tránh!
Rồi vội vàng gọi phôn hẹn thầy giải mộng. Khi đến nơi, thầy chăm chú nhìn giữa hai chân mày. Chậm rãi nói:
- Khí đen tụ ở giữa hai chân mày, tượng trưng cho cái uất ức trong người mà thành bệnh, cắn nát ruột gan, đến nỗi héo úa tim khô mà đi vào cửa tử…
Đoạn lật hai bàn tay ra. Lấy kính mà soi cho kỹ, rồi nói rằng:
- Đường may mắn ngắn hơn đường tình duyên, ắt chữ phu thê sẽ tắt dần trong sớm tối…
Rồi nhìn thẳng vào mắt của Liễu thị, ào ào phang tiêáp:
- Mơ thấy đám lửa mà nhảy đại vào, thì chuyện vô lý sẽ thành ra… có lý. Không làm sao chữa được!
Liễu thị đang từ hớn hở chuyển sang hớt hãi. Lắp bắp thưa:
- Con bệnh hoạn đã lâu, khác nào như con cá ở trên cạn. Chỉ mong trúng số một lần, để hiểu được tâm tình nó… đã làm sao. Chớ chẳng đua đòi chi hết cả. Nay chỉ vì mộng mị, mà tan nát ruột gan, thì mơ ước kia chẳng bao giờ với đặng…
Đoạn, nước mắt chảy dài trên đôi má. Nghèn nghẹn nói rằng:
- Nếu chuyện vô lý thành ra có lý, thì phải làm sao?
Thầy thủng thẳng đáp:
- Thì chịu chớ làm sao nữa!
Liễu thị về nhà, mang theo mối ưu tư, nên nhìn đâu cũng thấy màu ảm đạm. Đã vậy thấy chồng cứ kéo bài… Nụ tầm xuân ra mà hát, khiến trong lòng trăm sự ngổn ngang. Bực dọc nói rằng:
- Đã coi nhau là vợ chồng, thì phúc cùng hưởng họa cùng chia. Có đâu lại vô tình đến thế?
Thụy Hoàn đáp:
- Bà đi coi bói, rồi nghe thầy phán dạy, đến độ sống không còn vui nữa. Coi có được không?
Liễu thị lắc đầu, đáp:
- Có kiêng có lành. Ông đừng nói bậy, rồi đụng đến cõi… âm, thì mạng sống ông khó lòng yên giữ đặng!
Thụy Hoàn chẳng nói gì. Cứ việc ăn no rồi đi ngủ. Tối ấy, Liễu thị không làm sao nhắm mắt, bèn nhìn lên đỉnh mùng, chợt thấy hai con thạch sùng đang bò ngang trên đó, bèn thì thào tự nhủ:
- Loài vật còn có đôi. Sao ta lại mình ên chiếc bóng?
Rồi định thức chồng dậy, nói chuyện với nhau. Cho vơi đi phần đơn lẻ. Chợt thấy mặt chồng rạng rỡ. Miệng tươi cười. Âu yếm gọi: Em ơi! Bèn bàng hoàng bảo dạ:
- Từ ngày làm vợ đến giờ. Chưa bao giờ nghe được tiếng em yêu. Hay ở tim gan đã in sâu hình bóng khác?
Bèn tức tốc dựng cổ chồng dậy. Đay nghiến nói:
- Tôi đi chơi hụi là lo cho ông lúc tuổi già. Khỏi bận tâm về sinh kế, mà… dính chặt với nhau. Ông đành lòng không hiểu, lại nhẫn tâm gọi người ngoài trong mộng - mà bỏ quên vợ hiền chưa kịp làm… dâu thảo - là cớ làm sao?
Thụy Hoàn vừa dụi mắt, vừa đáp:
- Chuyện mộng mơ ai mà biết được! Sao bà lại tào lao như thế?
Liễu thị uất ức, đáp:
- Ngày tơ tưởng. Tối nằm mơ. Chân lý đó không bao giờ sai trật. Ông còn chối nữa hay sao?
Thụy Hoàn ào ào đứng dậy. Vác mền gối ra sa lông. Vừa đi vừa nói:
- Bà muốn nhà hạnh phúc, mà cứ mãi miết ghen với người trong không biết mặt. Thử nghĩ có nên chăng?

Xem Tiếp: ----