Thú thật là tôi muốn bày tỏ nỗi lòng này từ lâu lắm rồi.  Tuy nhiên, phàm là một đấng trượng phu, tôi không sao tránh khỏi e ngại khi thốt lên những lời lẽ không hay về “Cánh hồng Trung Quốc” đầy gai của mình, những chiếc gai mà mỗi khi chợt đụng vào hoặc chỉ mới nhớ tới thôi, tôi đã cảm thấy rùng mình khó thở!  Thế nhưng lần này, tôi nhất định thố lộ tâm can vì quả tình, tôi chịu không thấu nữa rồi!
Nếu ai cắc cớ đề nghị tôi hãy đặt cho vợ mình một Nickname thì tôi chẳng ngần ngại hô to: “Mrs. WORRY”.
Mrs. WORRY: Chà, ước gì có vị Mạnh thường quân nào đó nổi hứng tổ chức cuộc thi tuyển chọn “Mrs. WORRY” thì hay biết mấy!  Chắc chắn bà vợ yêu quí của tôi sẽ chiếm giải nhất sau khi đã đánh bại bao địch thủ khác với thành tích “lo lắng thái quá”, nghĩa là lo từ việc lớn đến việc nhỏ, lo cả những chuyện chẳng đáng lo chút nào.  Chẳng hạn như chỉ cần thấy mấy hột mụn trên mặt của cô con gái đang bước vào tuổi dậy thì là kể như đêm hôm ấy, bà không thể nào yên giấc.  Lắm khi tôi tự hỏi: “ Mỗi đêm, vợ tôi thực sự ngủ say trong bao nhiêu tiếng đồng hồ nhỉ?”
Dẫu biết rằng đây là chuyện cấm phòng the, chớ nên để lọt vào tai thiên hạ, thế nhưng…thật chán chết đi thôi!  Thử hỏi sau một ngày làm việc mệt nhọc, tôi còn ao ước nào hơn là được yên ổn thụ hưởng những giờ phút ấm êm bên cái xương sườn thân thiết của mình.  Vào lúc tôi đang đê mê thả hồn về những ngày đầu mới cưới, bỗng cái xương sườn của tôi ngồi bật dậy, la hoảng:
- Chết cha rồi!  Em quên uống thuốc.
- Chà em quên hỏi bé Ti xem sáng mai nó có cần dậy sớm không?
thườn thượt, lăn một vòng ra tận mép giường, quay mặt vào vách và cố tìm giấc ngủ trước khi giọng hót líu lo ấy trở lại tấn công tôi.
Nói nhiều quá: Tôi nói thế không quá đáng đâu nhá!  Bởi lẽ vợ tôi có thể xí xô xí xào suốt ngày, từ chuyện con cái, chuyện được nghe kể đến tin tức hàng ngày chiếu trên Tivi.  Cứ thế, bà ấy nhét hết vào lổ tai tôi.  Cũng may mà khi bước chân ra đường, tính tình bà ta trái ngược hẳn, nói năng từ tốn, thường uốn lưỡi bảy lần trước khi nhả ngọc phun châu, bằng không chắc tôi phải độn thổ vì có bà vợ “lắm lời, nhiều chuyện”.
Nếu ai đó bị Trời đày đọa, gặp phải bà vợ được mệnh danh là chiếc “computer hiện đại nhất” thì còn có diễm phúc hơn tôi vì các dữ kiện chỉ có thể hiện lên một cách im lặng, có trật tự sau tiếng “click”.  Chứ đằng này…Ôi thôi!  Cái radio tự động “on, off” của tôi có thể tường trình tin tức, phóng sự hoặc lên tiếng phỏng vấn bất cứ lúc nào, kể cả nửa đêm, gà chưa gáy sáng.
Ngẩm nghĩ lại, tôi cũng thông cảm nỗi lòng của vợ tôi lắm chứ!  Nhớ hồi mới quen nhau, nàng thường thủ thỉ tâm sự về giấc mộng được trở thành nữ xướng ngôn viên của Đài phát thanh Sàigòn.  Tôi đã ân cần khuyến khích nàng hãy ôm chặt giấc mộng vàng, cùng nàng hy vọng vào một ngày đẹp trời nào đó, niềm mơ ước kia sẽ biến thành sự thật.  Nhưng đó là chuyện quá khứ của ba mươi năm về trước kìa, còn bây giờ…một khi tôi biết chắc rằng: “Còn chi nữa mà mơ, mà mộng, em ơi!”, tôi muốn ôn tồn rỉ vào tai vợ tôi: “Này nữ xướng ngôn viên…hụt ơi!  Xin hãy làm ơn nhớ cho là nữ xướng ngôn viên chỉ nên đọc tin tức, báo cáo vào giờ giấc nhất định với bản văn có đầu đuôi, gốc ngọn đàng hoàng, chứ đâu thể nào bù lu bù loa, không giấy tờ chẳng thời khắc chi hết vầy nè?”  Phải chi vợ tôi chỉ ham nói thôi sao, bà ấy còn thích hát nghêu ngao suốt ngày mới khổ!
Tiếng hát vượt không gian và thời gian:  Nói thế không có nghĩa là bà vợ “tài ba” của tôi có giọng ca vàng đâu mà chỉ có nghĩa là bà ta có thể lên cơn cất tiếng ca bất cứ loại nhạc nào, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.  Thật vậy!  Mấy cô cậu chim se sẻ ngoài sân chắc hẳn phải sanh lòng ganh tị với tiếng hát bay xa vang trời của bà ấy.  Thế nhưng đối với tôi … Ối trời đất quỉ thần ơi!  Khùng khiếp nhất là những lúc bà ấy nổi hứng xuống câu vọng cổ bù long!  Kể ra nghe cũng mùi mẫn không kém gì giọng ca của nữ nghệ sĩ Úc Bạch…Tuột.  Có điều quanh đi quẩn lại trong suốt hơn 20 dài đăng đẳng sống chung dưới một mái nhà, tôi chỉ nghe bà ấy ư ử mỗi một đoạn nghe quá ư là thảm thiết:
- Mẹ ơi!  Phận gái mười hai bến nước, biết bến nào trong, biết sông nào đục, biết rủi hay may một khi con xuất giá theo…ơ…ơ…chồng.  Mười mấy năm qua, mẹ nuôi con nên vóc nên hình.  Mười mấy năm êm đềm bên gối mẹ, giờ cả một đời trao trọn cho người ta.  Mai mốt đây làm dâu thiên hạ…(hít…hít…)
Thế rồi sau thời gian dài luyện giọng ở khắp mọi ngỏ ngách trong nhà, từ phòng khách, nhà bếp, phòng tắm cho đến restroom, kể cả trong lúc lái xe phom phom trên con đường tráng nhựa, một hôm nữ ca sĩ nhà tôi bèn đóng chặt cửa phòng ngủ, tự thu thanh tiếng ca oanh vàng rổn rảng của mình, không tiếng đàn, tiếng trống cũng chẳng cần tiếng kèn chi cả.
Trước cảnh tượng ấy, tôi ngao ngán lắc đầu, lẳng lặng chui vào bếp chuẩn bị bữa ăn trưa vì tôi biết chắc là còn lâu lắm, người nữ ca sĩ ấy mới chịu tạm gác cái thú đam mê ca hát của nàng.
- Nếu dự định làm một keo nước mắm ớt thì sẽ được bonus thêm một keo.
- Nếu cần 5 phần ăn tối thì sẽ được dư 2 phần cho bửa ăn trưa ngày hôm sau.
- Nếu muốn thưởng thức một bửa cơm chay thì “no problem” sẽ được nhâm nhi tì tì suốt ba ngày ba đêm vẫn chưa hết, v.v… và v.v…
(Xin bật mí cho quí bà nghe một chuyện vô cùng bê bối: Có lần bà ấy ba chớp ba sáng, túm nhằm bao muối đổ ào ào vào tô nước mắm mà cứ tưởng đó là bao đường cát trắng thượng hảo hạng.  Ô hô!)
Và nếu như tôi dại dột than thở rằng thì là ăn cơm nguội, thức ăn cũ hoài, ngán muốn chết thì vợ tôi sẵn sàng thanh toán ngay.  Tất cả mọi thứ được rải khắp sân sau với tấm chân tình đầy nghĩa yêu thương:
Thế nhưng … Hỡi ôi!  Có ai tội nghiệp dùm tôi chăng?  Chiếc “ute” hiệu Toyota mới cắt chỉ vừa được tôi hì hục chùi rửa, đánh bóng láng coóng bị dày xéo bởi cả chục vết chân mèo lem nhem bùn đất bởi trận mưa chiều qua.  Còn quần áo của tôi thì … Ố là la!  Chúng được điểm hoa bằng mớ của quí do các chú chim thoải mái thải ra sau bửa ăn nhậu no say.  Cầm mấy chiếc áo trắng nhem nhuốc trên tay, tôi lắc đầu ngao ngán:
Vừa dứt lời, tôi chợt nhớ tới…
Số là chỉ vì không muốn phí phạm giọt nước quí giá nào, bà vợ tôi cứ vận dụng hết sức bình sinh của con sư tử cái (vì bà ta thuộc mạng Hải sư mà lị!) để khoá vòi nước cho thật chặt, chặt đến nỗi chiếc vòi cứ bị trật khớp liên tu bất tận.  Thế rồi bà lại lớn tiếng réo gọi tôi phải cấp tốc sửa chữa ngay tức thì, miệng rối rít giảng giải:
- Anh có biết là trong tương lai rất gần, con người trên khắp thế giới sẽ thiếu hụt nước để dùng trong mọi sinh hoạt hàng ngày không?  Vì tương lai của đàn con, cháu chắt, ta cần phải tiết kiệm nước tối đa, bằng không các thế hệ mai sau không còn đủ nước để tưới cây cỏ, ruộng đồng cũng như để dội…toilet nữa?
Tôi ngao ngán vò đầu bứt tóc, vội vàng khuân đồ nghề vào xông xáo sửa cái vòi nước ri rỉ chảy, không phải vì sợ Lệnh Bà đâu nghen, mà chỉ vì tôi muốn làm cho cái radio transistor ấy hãy tịnh khẩu, đừng tiếp tục lải nhải khiến tôi đinh tai nhức óc quá!
Sau một hồi rị mọ, tôi hoàn thành công tác một cách xuất sắc.  Tôi khoan khoái thả mình xuống chiếc nệm ghế sa-lông, định đánh một giấc cho tới bữa cơm chiều.  Nhưng chẳng bao lâu, tôi giật thót cả mình vì tiếng kêu ơi ới từ trong phòng ngủ vọng ra.  Vừa bước chân vào, tôi đã nghe tiếng rên rỉ của một kẻ sa cơ:
- Ôi, anh ơi, khổ thân em quá!  Rõ ràng là hồi trưa này, em chớ hề ăn cái gì bậy bạ, chỉ ních có một tô chuối xào dừa mới để trong tủ lạnh có vài ngày thôi.  Vậy sao bây giờ chẳng hiểu mắc chứng gì mà em đau bụng muốn chết vầy nè? Anh làm ơn làm phước lo bữa cơm chiều dùm em nha.  Em hứa tối nay sẽ tận tình thưởng cho anh một trận.
Chẳng nói chẳng rằng, tôi lặng lẽ bước chân ra khỏi phòng, miệng lẩm bẩm:
- Nghe nói phát ham!  Kẻ đau bụng, người lo nấu cơm muốn xịt khói, liệu còn mấy lăm hơi mà đòi thưởng với phạt đây, hỡi bà ơi là bà!  Ứ hự!
Thụy Khanh
 

Xem Tiếp: ----