Cả xóm xôn xao khi nghe tin sáu giờ chiều nay cậu Bạch từ Mỹ về. Bạch là con của ông bà Thành buôn bán thực phẩm tại chợ Phước Bình. Tiệm tạp hóa của ông bà Thành hôm nay nhộn nhịp hẳn lên, mọi người ra vào mua lặt vặt để hỏi thăm về cậu Bạch, nhất là những người con gái đến tuổi cập kê vì từ lâu họ nghe phong thanh cậu Bạch sẽ về quê kiếm vợ. Bà Thành là người khôn ngoan, đoán được tâm lý của đám dân nghèo trong xóm, vả lại bà cũng muốn nhân dịp này để kén chọn một nàng dâu để đi cưới cho con mình...
Bà Thành thắc mắc vì người con gái bà muốn chọn hôm nay lại không thấy ngang qua, cốt ý mở tiệm trong ngày này cũng vì lý do đó, toàn thấy những người con gái ăn mặc diêm dúa, son phấn lòe loẹt và mấy bà mẹ ngồi lê đôi mách xí phần ra trước để kể lể về công dung ngôn hạnh của con gái.
Bà Giáp bước vào hàng hỏi mua một gói tôm khô rồi hỏi:
- Sao, tôi tưởng bữa nay bà đóng cửa để đi đón cậu Bạch chứ?
- Dạ! Thì cũng phải đóng cửa sớm để đi. Sáu giờ máy bay mới tới. Cỡ mười một giờ là ông nhà tui mướn một chiếc xe về rồi đi thẳng ra phi trường Tân Sơn Nhất.
- Bây giờ mới chín giờ rưỡi mà! À, mà Bà đã chọn được mối nào cho cậu Bạch chưa?
- Ôi, chuyện vợ chồng là duyên số cả chị ơi! Chờ nó về nó ưng ai thì tui xin cưới nấy chứ biết ai đâu mà chọn?
- Chỗ chị với tôi thân tình tôi mách nhỏ cho chị biết con Ngà con ông bà Tâm cũng ngấm nghé định bàn với chị để...
Bà Thành ngắt lời:
- Có, có tui có nghe nói sơ nhưng tôi đã nói với chị vợ chồng là duyên số...
- Khoan, chị nghe tôi nói hết cái đã, con Ngà hư lắm, nay đi với thằng này, mai đi với thằng khác nếu chị không nói cho con chị biết trước rủi về nó chọn là mệt chị đa!
- Cám ơn chị, tui sẽ lưu ý. Thôi xin lỗi có khách khi khác nói chuyện nghe!
Bà Giáp chào bước ra có vẻ hả dạ vì đã... hạ bớt một địch thủ cho con gái mình...
Rồi những người khách khác vô cũng mua một thứ hàng hóa nào đó rồi kể lể chuyện này chuyện kia về việc giới thiệu người này ngoan, hiền, hiếu thảo, nên tránh người kia vì thế này, thế nọ... Bà Thành ngao ngán cứ nghe người này người kia nói toàn là những người mà bà không lưu tâm tới. Lòng thầm cầu mong một người nào đó nói về Diệu Ái con của bà Hương góa phụ ở cuối xóm để bà có dịp cậy nhờ mai mối.
Chờ đến trưa khi chồng cho con gái út ra báo xe đã về bà mới uể oải đóng cửa tiệm để về. Mẹ con bà đi đến đâu cũng thấy họ xì xầm bàn tán, chỉ trỏ vào bà nói thầm nói vụng. Bà tới nhà thấy chiếc xe hơi đậu trước cửa, xóm giềng bu quanh cửa nhà bà. Bà thở dài sườn sượt bước vào nhà...
Đến hai giờ chiều ông Thành tuyên bố ai muốn đi phi trường đón con ông thì tụ tập đúng ba giờ. Cả xóm rần rần báo động.
Mới hai giờ rưỡi con nít ăn mặc đàng hoàng đã đứng chật nhà ông bà Thành. Ông cười bảo: "Nội số con nít này hai xe chở cũng không đủ. Thôi chỉ có người lớn đi thôi..." Rồi để an ủi đám con nít, ông vào trong lôi ra một bịch bánh kẹo phân phát rồi bảo tụi nhỏ giải tán. Đám trẻ nhỏ tự dưng được quà nên hỉ hả về nhà thay quần áo không một tiếng phàn nàn.
Rồi số người lớn trong xóm cũng đến đông đủ. Nội bà con của ông bà Thành cũng chiếm hơn một nửa chỗ ngồi trên xe, cuối cùng cũng thu xếp cho số người đến cùng đi, họ đồng ý ngồi đâu cũng được nên ai ai cũng vui vẻ nhường nhau chỗ ngồi... một số an phận ngồi bệt xuống sàn xe miễn sao có mặt đi đón cậu Bạch là được.
Đêm ấy xóm Phước Bình nhộn hẳn lên, nhà ông bà Thành nhạc xập xình. Bánh kẹo, thức ăn, trà, nước ngọt đãi đằng cả xóm. Các cô gái ăn mặc đúng thời trang đến thăm cậu Bạch. Cậu Bạch người ốm dong dỏng cao mắt đeo kính cận trông có vẻ trí thức khiến cô Tư, cô Năm cứ ngồi lì không chịu về, cô nào cũng hy vọng cậu Bạch để ý đến mình, nhưng cậu Bạch mệt mỏi quá, chỉ trả lời những câu hỏi khi có ai hỏi đến. Khuya lắc khuya lơ thấy bà con trong xóm cứ hết tốp này đến tốp khác đến thăm, bà Thành phải lên tiếng xin lỗi mọi người để cho cậu Bạch vào nghỉ lúc đó họ mới lục tục kéo về.
Đóng cửa xong bà Thành mới đến ngồi bên con thủ thỉ:
- Sao thấy trong hình con mập mạp mà ở ngoài con ốm quá vậy?
- Má à, tại mấy tháng nay con nôn nóng quá không ngủ ngáy ăn uống gì nên sụt mất 7, 8 pounds đó?
- Cái gì? Sụt mấy "bao" là sụt làm sao?
- Dạ, "pound" là đơn vị đo lường bên Mỹ giống như ký lô đó mà!
- Ờ, vậy mà làm má hết hồn. Nè, con ở bển đã bồ bịch gì chưa?
- Chưa má à! Vì con gái ở bển họ trèo cao lắm, con đi làm hãng xưởng lương tiền đâu có bao lắm mà dám mơ tới!
Ông Thành chen vào:
- Bộ con gái bên đó có giá thiệt vậy sao? Hèn nào tao nghe họ nói mà không tin.
Bà Thành xua tay bảo chồng:
- Ông để tui nói chuyện với nó cái đã.
Rồi bà quay sang Bạch:
- Con có còn có ý định về lấy vợ thiệt không để má liệu?
- Thì con cũng định đó chớ má nhưng nãy giờ để ý con thấy mấy cô đến chơi lúc nãy chẳng có người nào hợp nhãn con cả.
Ông Thành lại lên tiếng:
- Từ từ chứ con! Tụi nó đến mới có mấy đứa, còn nhiều đứa không có mặt ở đây coi cũng được lắm!
Bà Thành cười bảo:
- Con nói đúng đó! Mấy con nhỏ tối nay má cũng không vừa ý đứa nào cả ăn mặc lố lăng, phấn thì dày cả tấc!
Rồi bà hạ giọng:
- Má có nhắm một chỗ để rồi má liệu.
Bạch ngáp đài:
- Thôi, từ từ má à! Con định nếu gặp thì tốt, không thì thôi. Má đừng có lo lắng quá!
Ông Thành bảo con:
- Vô nghỉ đi, chiều giờ cứ ngáp hoài chắc mệt lắm?
Bà Thành như sực nhớ ra điều đó vội vàng đứng dậy:
- Ờ, con đi ngủ một tí đi. Ngày mai còn ra đăng ký với phường khóm nữa!
Nghe chữ "đăng ký" Bạch ngao ngán vì ở Mỹ chàng theo dõi báo chí cũng như một số người về trước ai cũng nói điều đó. Gặp địa phương hắc ám đôi lúc phải hối lộ nữa. Chàng nói xuôi:
- Dạ, để mai rồi con đi.
Rồi chàng thở dài:
- Mấy bữa nay mệt quá! Về đây nóng kiểu này không biết con ở được mấy bữa!
Buổi sáng Bạch vừa bừng mắt ra là đã nghe tiếng xôn xao ở phòng ngoài, chàng lắng tai nghe, tiếng mẹ chàng sang sảng: "Dà... cám ơn chị. Nó còn ngủ... Dà, hôm nay tui đóng cửa hàng một bữa, bị đêm qua thức khuya quá..." Rồi cứ nghe tiếng "Dà dà dạ dạ" của mẹ chàng nhiều hơn ai hết. Chàng ôm chiếc gối vào lòng muốn ngủ thêm một tí nữa nhưng vừa nóng chiếc gối là chàng muốn tung người dậy vì cảm thấy nóng nảy, bứt rứt vì khí hậu một mặt nghe tiếng được tiếng mất ở phòng ngoài khi mẹ và hàng xóm đang bàn tán về chàng.
Chàng bật dậy chui ra khỏi mùng. Vừa bước khỏi giường đã thấy con Vân đứng nhìn nhoẻn miệng cười, chàng xoa đầu em:
- Sao không ngủ thêm đi dậy chi sớm vậy?
- Em dậy lâu rồi, anh về nên nôn nóng quá đâu có ai ngủ được, anh ra ngoài xem kìa họ tới thăm mừng anh về đầy nhà!
Chàng vừa bực bội nhưng cũng có chút kiêu hãnh khi được xóm giềng chào đón ân cần mặc dù bao năm nay ở Mỹ chưa hề biết hàng xóm của gia đình chàng là ai. Chàng ra bếp đánh răng rửa mặt xong, vào thay quần áo mới ra phòng ngoài. Bà Thành lên tiếng:
- Đó, thằng Bạch đó. Con, mấy bác ở đây cũng là người quen trong xóm cả đó!
Bạch gật đầu chào. Bà Thành mời mọc:
- Mấy chị ở chơi ăn tô cháo vịt, tui ngủ không được dậy hồi năm giờ sáng nấu một nồi tổ chảng cả xóm ăn không hết!
Mấy bà hàng xóm êm ru không thấy ai phản đối hay nhận lời. Bà Thành xoay người vào phía trong gọi vọng vào:
- Vân! Coi dọn cháo vịt ra nghe con!
Rồi bà đứng dậy:
- Mấy chị ngồi chơi tui vô phụ với nó.
Hai, ba bà cũng đứng dậy theo vào.
Ông Thành và Bạch ngồi chịu trận những câu hỏi nhạt nhẽo của mấy bà hàng xóm cũng gần cả nửa tiếng mới nghe mẹ bảo:
- Thôi, bố con ông mời mấy bác tới dùng miếng cháo cho ấm bụng!
Bạch nhủ thầm:
- Ấm bụng? Nóng bỏ xừ mà ăn cháo... Thôi thì ráng nuốt trọng một chén cho bà già vui.
Bạch húp vội chén cháo rồi buông xuống hỏi ông Thành:
- Ba, bữa nay con mượn xe Ba được không?
Ông Thành nhanh nhẩu:
- Được chứ sao không? Mầy đi đâu cả ngày cũng được ba để cho mầy tự do.
Bà Thành chen vào:
- Con lo ra xã làm giấy tờ cho xong rồi đi đâu thì đi.
- Xã ở đâu vậy má?
Con Vân nói hớt:
- Ăn xong em dẫn anh đi!
Thủ tục khai báo xong, Bạch về nhà chào cha mẹ rồi mượn xe đi tuốt lên Saigon ghé kiếm bạn bè. Sự có mặt của Bạch bạn bè vui mừng, đêm đến họ rủ Bạch vào phòng trà nghe nhạc uống rượu. Nhìn những người từ ngoại quốc về vui chơi phè phỡn bên đống vỏ bia, Bạch ngao ngán và cảm thấy lạc loài. Những người bạn theo chàng hôm nay lấy làm lạ và họ cũng thấy vui hơn khi tìm thấy ở Bạch một tâm hồn chân thật giản dị như thủa còn đi học. Hoàng đề nghị về nhà đấu láo cả bọn đồng ý...
Họ kéo nhau về. Một cuộc họp bạn được loan báo nhanh chóng bằng cách tẽ riêng từng người đến tận nơi đón một số bạn bè thân thuộc.
Cuộc hàn huyên kéo đến nửa đêm và họ hẹn lại đêm mai vì Bạch mới đến Việt Nam một ngày nếu không về e gia đình lo lắng. Bạn bè luyến tiếc chia tay, Bạch cảm động và không cảm thấy hối tiếc vì chuyến về thăm gia đình lần này.
Trên đường lái xe về nhà chàng suy nghĩ miên man. Nhớ đến hoàn cảnh Nhật hiện vợ đang bệnh nặng chưa có tiền chạy chữa. Đến Thục có đứa con gái gia đình đang nhờ cậy qua những ngày buôn bán tảo tần vừa bị bắt vì ghép vào tội buôn bán trái phép không có tiền chạy chọt... và... còn vài người bạn nữa hoàn cảnh nào cũng bi đát. Chàng mừng thầm khi biết gia đình chàng nhờ tiền chàng gửi về nên tiệm tạp hóa đầy đủ mặt hàng và có tiền đóng thuế đều đặn nên cuộc sống cũng sung túc phần nào. Chàng định thầm đêm mai sẽ đổi ra một số ngoại tệ để giúp đỡ bạn bè... với ý nghĩ đó chàng thấy vui vui rồ thêm ga, lách qua lách lại một cách nghịch ngợm.
Đến gần nhà, đường tối bỗng nhiên chàng húc vào một người đi đường lọt tõm xuống mương. Trong cơn thảng thốt chàng la lên: "Trời ơi!" và ngừng xe lại. Dựng xe sát lề đường chàng nhanh nhẩu xuống đỡ nạn nhân lên. Tối trời chàng chỉ biết đó là người đàn bà. Chàng ân cần:
- Xin lỗi bà, bà có sao không?
Một giọng trong trẻo cất lên:
- Ông chạy xe kiểu này có ngày giết người như không!
Chàng ân hận:
- Xin lỗi bà tôi ở xa mới về đêm nay lần đầu đi trên con đường này vì trời tối quá nên tôi chưa quen.
Im lặng bao trùm. Chàng lại hỏi:
- Bà có sao không? Nhà bà ở đâu tôi đưa bà về!
- Thôi cám ơn tôi đi bộ được, nhà tôi cũng gần đây thôi!
Bạch bì bõm dưới mương đỡ người phụ nữ lên. Thấy tay nàng tay xách hai túi ướt sũng, Bạch dành xách phụ. Lên bờ, Bạch mở máy xe và bật đèn xe. Ngạc nhiên khi thấy người con gái còn quá trẻ, chàng nài nỉ:
- Cho phép tôi đưa bà về, nếu bà không chịu tôi rất ân hận vì đã để xảy ra chuyện đêm nay.
Im lặng. Chàng bồi thêm:
- Có lẽ bà ngại tôi là đàn ông đưa về sợ ông nhà hiểu lầm chăng?
Người con gái lúc này mới lên tiếng:
- Tôi còn độc thân! Còn ông, ông về đi kẻo gia đình mong. Tôi biết ông ở bên Mỹ mới về hôm qua, nếu giờ này ông còn lang thang ở đây có lẽ gia đình ông lo lắm đấy?
Bạch mở rộng tầm mắt ra để nhìn xem cô gái này đêm qua có mặt ở nhà chàng không mà hiểu rõ về chàng đến thế. Nhưng tuyệt nhiên đây là một cô gái thùy mị, đơn giản trong bộ quần áo thô sơ. Chàng nói như reo vui:
- Xin lỗi, sao cô biết về tôi vậy?
Cô gái hóm hỉnh:
- Cậu Bạch con ông bà Thành bán tạp hóa về Việt Nam... kiếm vợ ai mà không biết!
Bạch đưa tay gãi đầu:
- Thì ra...
Chàng bỏ lửng câu nói. Nài nỉ mấy cô gái cũng không chịu để chàng chở về, hỏi tên nàng cũng không chịu nói. Tự ái nổi lên chàng đành chia tay, nhìn nàng hai tay hai túi xách nặng nề chàng ái ngại, định vọt luôn vì... người gì đâu mà khó quá chàng nhủ thầm. Nhưng bỗng "Ối!" người con gái khuỵu xuống. Chàng lại hoảng hốt buông xe, phóng xuống đỡ nàng lên, nàng rên rỉ:
- Ôi chao! Sao chân tôi đau quá!
Chàng buông nàng ra quay lại dựng xe vừa ngã nằm dưới đất chiếu thẳng đèn vào người con gái. Chàng sửng sốt khi thấy mắt cá nàng sưng vù lên. Chàng bảo:
- Có lẽ trặc gân rồi!
Cuối cùng nàng đành để cho Bạch đưa về nhà. Cả xóm đã chìm trong giấc ngủ. Qua vài câu ngắn gọn của mẹ nàng chàng biết nàng tên Diệu Ái, qua sự trao đổi giữa hai người chàng biết bà bị bệnh cụp xương sống không đi làm được, Diệu Ái buôn bán thuốc lá ngoài chợ Thủ Đức, bình thường nàng về sớm nhưng rủi ro hôm nay chiếc xe lam từ chợ Thủ Đức vô Phước Bình bị liệt máy giữa đường. Suốt cả ngày ế ẩm nên nàng tính toán không dám đi xe thồ, vì đi như vậy coi như cả ngày nàng... chẳng bán gì được cả. Cũng vì cố lê lết cho đến nhà mới xảy ra chuyện đêm nay. Bạch nghe chuyện, nhìn nàng thương cảm. Vừa hối hận vừa xao xuyến trong lòng Bạch cứ hết đứng lại ngồi lúng túng. Bà Hương, mẹ nàng thương hại:
- Thôi, chuyện lỡ rồi, cậu về đi, mai tui sẽ kêu thầy tới để nắn chân cho nó! Tôi cũng vừa nghe nó nói cậu là con ông bà Thành ở Mỹ mới về, thôi coi như đây là rủi ro của nó!
Chàng chào ra về, luyến tiếc, thương xót vì mình mà người con gái này mới ra nông nỗi. Chàng hứa mai sẽ trở lại. Bịn rịn nhưng chàng vẫn cố hỏi Diệu Ái một câu cuối cùng:
- Tại sao cô biết tôi là Bạch?
Diệu Ái cười buồn:
- Cả xóm này chỉ có ba người có xe cúp riêng chiếc xe của bác Thành màu đỏ, anh lại bảo ở xa mới về thì... ai mà không biết!
Chàng hứa hẹn:
- Tại khuya quá rồi, chắc ba má tôi mong lắm. Mai sớm tôi xin mời thầy thuốc đến chăm sóc cô ngay!
Vừa dừng xe trước hiên nhà, bà Thành tuôn ra xỉ vả:
- Đi đâu giờ này mới về? Con mới về có một ngày mà đã làm cho ba má muốn điên lên rồi!
Ông Thành bồi thêm:
- Bạn bè thì cũng có giờ có giấc thôi chứ!
Chàng dẫn xe vào nhà không trả lời thẳng cha mẹ lại hỏi:
- Mẹ, mẹ có biết cô Diệu Ái ở cuối đường nhà mình không?
Ông bà Thành trố mắt nhìn chàng, thấy ba mẹ nhìn mình không chớp mắt chàng bảo:
- Chuyện này có gì đâu mà ba mẹ nhìn con dữ vậy?
- Tại sao con mới về mà con biết con Diệu Ái?
- Tại con lái xe đụng cổ!
- Hả? Có sao không?
- Con làm người ta trặc gân, chân sưng vù lên. Cũng vì chuyện này mà con về trễ!
- Mà sao con lại đụng nó không đụng ai khác?
- Trời, bà hỏi nó vậy thì tui cũng chịu thua nói gì nó! Đã bảo rủi ro mà còn đi "kiếm người để đụng" thì chết rồi!
Chợt bà xuống giọng:
- Nhưng mà không sao trặc gân chỉ là chuyện nhỏ vài hôm xoa dầu là xẹp liền hà!
Bạch thở dài:
- Nhưng tội nghiệp nhà nghèo nhờ vả vào cổ mà cổ lại bị vậy họ làm sao sống?
- Thì mình phải lo cho cổ chứ sao?
- Má nói nghe dễ quá, cổ khó tính lắm con sợ không giúp được?
Bà cười hiền hòa:
- Con để đó má liệu chọ Bạch à, con có biết mấy bữa nay má tính nhờ người mai mối nó cho con đó!
Bạch sửng sốt:
- Thiệt không má? Nhưng cổ... có ai chưa?
Ông Thành góp ý:
- Có lẽ đây là duyên trời định đó con à!
Bạch ngồi ngây người một lúc rồi lại hỏi mẹ:
- Cổ có ai chưa má?
- Có ai thì làm sao má biết nhưng theo má tìm hiểu cổ chưa ưng ai hết vì bao nhiêu tiền kiếm ra lo cho mẹ hết, cổ thì lại hiếu thảo nên...
Bạch hy vọng:
- Vậy ngày mai con kiếm thầy lo cho cổ rồi... má tìm cách nói vô giùm con nha!
- Ừ! Thôi đi tắm rửa rồi đi ngủ đi con!
Bạch sực nhớ đến Vân và hỏi:
- Con Vân đâu rồi má?
- Nó chờ con lâu quá, mai phải đi học sớm nên nó ngủ rồi!
Tự dưng Bạch nghe lòng vui vẻ, chàng huýt sáo bước vào phòng tắm...
oOo
Buổi sáng tiếng gà eo óc nổi lên. Bạch tung mình dậy sớm, vội vàng tắm rửa, thay quần áo, ra thấy ba mẹ đã ngồi sẵn bên mâm cháo đậu xanh với cá bống kho tiêu. Ông Thành hỏi:
- Bữa nay con có cần xe không?
- Dạ không ba à! Ba đi đi, con đi bộ tới nhà bà Hương lo cho Diệu Ái được rồi! Chiều sáu giờ con mới cần xe đi Saigon.
Rồi quay qua mẹ:
- Bữa nay má mở tiệm hay nghỉ?
- Nghỉ hôm qua rồi nay phải ra mở lại. Để lâu mất khách hết!
Chàng tươi cười:
- Con phải tìm thầy thuốc cho cô Diệu Ái xong con ra phụ với má nha!
Bà Thành vui thích:
- Ừ, lát con ra với má!...
Thành nghe lòng thương mẹ rạt rào, đến vòng tay qua bụng nhấc bổng mẹ lên.
- Má, con thương má quá!
Ông Thành cười hỉ hả, bà Thành giẫy nẩy:
- Cái thằng này!!!
Rồi cả nhà vui vẻ ăn sáng.
oOo
Tin Bạch "hất" cô Diệu Ái xuống mương loan ra trong xóm nhanh chóng. Số người tò mò vờ vĩnh đến thăm Diệu Ái bị nạn nhưng thật ra để nhìn và đoán mù đoán mò về tình cảm của câu Bạch và cô Diệu Ái thế nào...
Diệu Ái được ông thầy thuốc băng một lớp thuốc mỏng với lá cây, 2 chân gác cao lên gối... và cho biết khoảng hai, ba ngày sẽ đi đứng lại bình thường.
Bạch bắt chiếc ghế ngồi bên cạnh giường nói chuyện cùng Diệu Ái, còn bà Hương tuy lưng còng xuống cũng lui cui nấu nước pha trà cho người thanh niên lỡ làm con mình bị nạn nhưng rất biết điều và nhất lại là... Việt kiều về nước nữa!
Qua những dọ hỏi khôn khéo Bạch tin chắc Diệu Ái chưa... có ai nên mạnh dạn hơn khi nói chuyện. Khi hỏi về vấn đề tại sao trẻ đẹp như nàng mà đến giờ vẫn còn cô đơn. Diệu Ái buồn bã:
- Thú thật, đôi lúc em cũng buồn, muốn có đôi bạn lắm. Nhưng thanh niên thời buổi này kiếm một người cho đúng nghĩa tri kỷ đâu có dễ anh! Trước kia có một người em rất yêu thương nhưng gần gũi lâu thấy bản chất họ ích kỷ chỉ biết cá nhân mình, không có sự yêu thương đối với nhân loại. Tụi em cãi cọ vài lần rồi xa luôn! Giờ em cũng chán ngán không muốn quen ai. Hơn nữa mẹ em anh thấy đó cứ đau nhức kiểu này biết họ có rộng lượng để mình lo cho mẹ mình không?
Câu nói của Diệu Ái nhắc nhở đến điều hứa hẹn với đám bạn đêm qua, tự nhiên chàng thấy gần gũi Diệu Ái hơn. Qua tâm sự, chàng càng quý mến Diệu Ái và tự dặn lòng nhất quyết bằng mọi giá phải chinh phục cô gái này bằng cách xin cha mẹ đến nói chuyện thẳng với mẹ nàng để minh chứng lòng thành của mình...
Từ giã Diệu Ái chàng đi thẳng ra chợ gặp mẹ, thấy chàng đến những người ở trong tiệm cười chào vui vẻ. Chàng phụ mẹ một lúc khách vắng vẻ chàng kể thật với mẹ ý muốn của mình. Bà Thành cười hỉ hả vì đúng như ý muốn bà, theo con dọn tiệm về sớm vì Thành cần có xe củ a cha để đi Saigon gặp bạn như đã hứạ Bà Thành sẽ theo ông Thành qua thăm Diệu Ái với ý thăm dò bà Hương. Ông bà cũng mừng vì đây là lý do chính đáng nhất để họ đến nhà bà Hương mà không cảm thấy ngượng ngùng.
Bạch đến nhà Hoàng ở đường Nguyễn Thiện Thuật, bạn bè đã đông đủ. Chàng sau những phút chào hỏi, tay bắt mặt mừng, đưa cho Hoàng một ngàn Mỹ kim và tuyên bố ý muốn giúp đỡ những người bạn đang bị nạn mà không có tiền để xoay xở. Nhờ Hoàng đứng ra đổi thành tiền Việt rồi tùy theo hoàn cảnh mỗi người để giúp đỡ. Chàng vắn tắt tai nạn đêm qua để cáo lỗi về sớm. Thấy chàng nhiệt tình và giàu lòng nhân bạn bè tiễn ra cửa với tất cả mến thương, lưu luyến.
Khi chàng trở về nhà thì chỉ gặp Vân, Vân bảo:
- Ba, má qua nhà chị Diệu Ái rồi, dặn nếu anh về sớm qua liền bên bển!
Chàng dẫn xe vào nhà rồi rủ em gái đóng cửa theo chàng đi chơi. Vân tung tăng theo anh với lòng hân hoan, hãnh diện...
Đến nơi, chào bà Hương và ba mẹ, cả ba đang ngồi quay quần ở cái bàn phòng khách. Chưa đợi chàng hỏi bà Hương đã lên tiếng:
- Nằm suốt ngày nên chân nó xẹp xuống nhiều rồi cậu đừng lo!
Bạch xin phép vào trong thăm Diệu Ái....
Thấy chàng bước vào, Diệu Ái bẽn lẽn quay nhìn phía khác. Chàng hồi hộp đánh liều hỏi:
- Ba má anh đã nói gì với má em chưa?
Ái vẫn nhìn lơ nhưng đầu gục gục hai, ba lần. Chàng mạnh dạn:
- Em! Còn em... thấy thế nào?
Nàng lơ đi không trả lời. Bỗng bà Hương bước vào nói:
- Ba má cháu đã nói chuyện với bác rồi. Bác thì đương nhiên rất vui mừng cuộc hôn nhân này vì bác đau yếu bệnh tật biết chẳng còn sống bao lâu. Nếu được cháu thật lòng thương yêu đùm bọc nó thì bác rất vui mừng. Nhưng đó là ý bác còn con Diệu Ái nó thế nào là... do ở cháu mà thôi!
Bạch nghe qua lòng như mở hội. Chờ bà Hương khuất ra ngoài, Khải đánh liều nắm tay nàng tha thiết:
- Diệu Ái, đây là tất cả lòng thành thật của anh... Em... Em có đồng ý không cho anh biết!
Diệu Ái rụt tay lại nhìn Bạch đăm đăm:
- Anh thật sự không ân hận?
Bạch hấp tấp:
- Không! Không bao giờ. Vì em biết không ba má anh cũng định đi hỏi cưới em cho anh trước khi anh về đây kìa!
Diệu Ái bật cao đầu dậy:
- Có chuyện đó nữa sao?
Bạch mạnh dạn cầm tay Diệu Ái bày tỏ:
- Anh biết nói như thế nào để em tin anh đây? Nếu không tin em cứ ra ngoài hỏi ba má anh đi! Anh thấy khi anh lỡ tông vào em đó cũng là định mệnh em ạ!
Diệu Ái để yên tay mình trong tay Bạch, nhìn chàng ánh mắt trìu mến hơn:
- Anh cho em vài hôm suy nghĩ lại vì em cảm thấy bất ngờ quá. Hơn nữa bao nhiêu chàng trai ở Mỹ về đây cưới vợ hầu như họ bỏ ra một số tiền để mua vui vài tháng rồi... đi thẳng!
Bạch kiên nhẫn:
- Nhưng anh khác, ba má anh ở gần nhà em, em cũng đã nói với anh lúc xảy ra tai nạn ngoài mương là anh về... kiếm vợ tức là anh có mục đích hẳn hòi, em à, muốn anh nói thế nào cho em hiểu đây?
Diệu Ái mỉm cười:
- Thôi, nói chừng đó đủ chưa?
Bạch vui vẻ:
- Em tin anh chứ?
Diệu Ái chợt đăm chiêu:
- Nhưng rồi... sau đó rồi sao? Cưới xong anh trở lại Mỹ, em vò võ đợi chờ. Biết anh có thủy chung không hay...
Bạch đưa tay bịt miệng Diệu Ái:
- Em, cưới em xong anh sẽ lo ngay thủ tục bảo lãnh dù gì ba má anh cũng biết má em và em không thấy họ đang bàn chuyện cưới hỏi mình ngoài kia sao? Em, em đừng nghĩ này nghĩ kia... tội nghiệp anh mà!
Diệu Ái mỉm cười quay nhìn hướng khác lòng nhủ thầm:
- Coi bộ cũng... thiệt thà!
Bạch cố gắng tấn công:
- Nếu em có gì không tin ngày mai anh sẽ đem giấy chứng nhận anh còn độc thân ở Mỹ cho em xem!
Điều này báo chí vẫn thường đăng tải nên Diệu Ái tin tưởng ở Bạch ngay thẳng, nhưng nàng vẫn bảo:
- Anh cho em suy nghĩ lại vài hôm sẽ trả lời.
Bạch sung sướng:
- Dĩ nhiên, hôn nhân là việc quan trọng em cần phải suy nghĩ lại nhưng có điều... xin em đừng đổi ý tội nghiệp anh!
Diệu Ái phì cười trước sự lém lỉnh của Bạch. Nàng bảo:
- Thôi được, mai anh sang chơi em sẽ trả lời dứt khoát...
Bạch nhảy cỡn lên như trẻ thợ Diệu Ái lại cười và nàng nghĩ thầm:
- Coi bộ... định mệnh thật rồi sao ta?
Gia đình Bạch ra về trong vui vẻ. Đến nhà, tụm lại bàn tán ngày hỏi, cưới. Ông bà Thành hỉ hả vì đã đạt được điều mong muốn, ông Thành vừa cởi giày vừa ngâm lên khe khẽ:
Cố ý trồng hoa, hoa chẳng mọc,
Vô tình nhóm liễu, liễu xanh um!
Bà Thành nhìn chồng cười thỏa mãn và bảo:
- Cưới Diệu Ái cho thằng Bạch xong mình nên lo rước bà Hương về đây cho có người săn sóc bả?
Ông Thành cất tiếng:
- Phải đó! Để bà ấy một mình bịnh tật không nên.
Vân cũng phụ họa:
- Con sẽ thay anh Bạch chăm sóc cho bác Hương để cho ảnh yên lòng. Thôi khuya rồi con đi ngủ để mai còn đi học nữa!
Nói xong Vân chào ba, mẹ và Bạch vào phòng ngủ. Ông bà Thành vẫn còn loay hoay đi tới đi lui như đang nghĩ đến những gì nên làm...
Riêng Bạch chàng nghe lòng xôn xao khó tả. Ngả đầu lên ghế, hai tay khoanh hờ trước ngực, nhắm nghiền mắt lại lẩm bẩm:
- Diệu Ái! Tên em đẹp quá, em cũng đẹp quá và bàn tay em nữa êm ái quá, mềm mại quá... anh mong mau sáng để gặp em lại vì... nhớ em rồi đó!

Xem Tiếp: ----