Ngày nào cũng vậy đúng 4 giờ chiều, ông Năm đi tắm rồi ra ngồi trước hàng ba nhà có một chiếc ghế để sẵn, ông nhìn bâng quơ, hết nhìn cây gió thổi, đến nhìn trời rộng mênh mông. Mấy đứa cháu trong nhà, kể cả con cái đều vô tình trước cảnh sống đơn độc cuả ông Năm, duy có Tuấn là đứa cháu chia phòng, nhưng lại hay trêu đùa với ông Năm. Tuấn thấy ông Năm ngồi nhìn mong, nó chọc: - Ông Năm nhớ ông bà Năm rồi? Ông Năm cười, không nói gì cả. Ông Năm buồn lắm! Nếu bảo ông Năm hối hận vì bảo lãnh vợ, con, thì quá đáng. Khi được may mắn ra nước ngoài, sống tự do đa số đều lo bão lãnh vợ, con đoàn tụ. Nếu bảo ông Năm hối hận thì có khác nào chửi ông Năm là phường vô nhân, vô đạo! Có điều, những gì ông Năm mơ ước đều không thành sự thật. Ông Năm nghĩ, con cái trai có, gái có thì hạnh phúc rồi. Chắc cái gì con cái cũng hỏi, cái này làm sao hả ba. Cái kia là tại sao vậy Ba, con trai thì gần gũi tâm sự hỏi về chuyện đã qua; con gái thì nhõng nhẽo đòi điều này, việc nọ, còn vợ thì tha thiết ân tình để bù lại những ngày xa vắng... nhưng thực tế, con cái chúng sống quây quần theo mẹ. Điều nầy, chẳng có gì đáng trách, vì ông Năm sống xa cách các con hơn 10 năm, bây giờ gặp nhau, tình nghĩa cũng không mấy đậm đà. Có người nói thế. ông Năm nghĩ cũng có lý. Có lần ông làm nhàm với bà Năm: - Bọn nhỏ xem anh như cha ghẻ. Em không dạy dỗ chúng nó gì cả. Mỗi lần nhắc đến chuyện gia đình, tự nhiên bà Năm giận dữ: - Chạy gạo nuôi chín mười đứa con, không bị đói là quý rồi. Thì giờ đâu mà dạy dỗ. Sao ông không ở nhà mà giáo dục. Hứ, con tôi vậy đó! Ông Năm buồn: tại sao lại là con tôi. Nghe câu này, ông Năm tưởng chừng đám con cái ông bảo lãnh sang Úc, không phải là con của ông Năm nữa? Lẽ ra, con cái phải nghĩ, chúng có phước, vì thiếu cha, nay được có cha, từ cõi chết trở về mới phải? nhưng ông Năm cố gắng đè nén, vì nói ra, thì cơn ghen của bà Năm lại bừng phát. Ông Năm hiểu ý nên ông làm ngơ. Sinh quán ông Năm ở Đồng Tháp, sau 75 ông về Tây Ninh, vì gia đình ông Năm theo Đạo Cao Đài. Về Tây Ninh, nhờ ông Năm biết thích nghi với cuộc sống, biết đem sở học áp dụng vào đời. Lúc bấy giờ thời quân quản, họ căn theo luật, nên gia đình ông Năm không được nhà cầm quyền địa phương cấp Hộ Khẩu. Họ đuổi ông Năm về nguyên quán hoặc đi vùng kinh tế mới. Hai điều này, ông Năm không thể chấp nhận điều nào. Do đó, gia đình ông Năm sống ngoài vòng pháp luật. Về nguyên quán thì lên Tây Ninh, đâu còn ý nghĩa “sống gởi nạt, thác gởi xương cho Đạo” nữa. Còn đi vùng kinh tề mới thì làm sao để sống. Cuối cùng bà Năm quyết định bám theo chợ Long Hoa lao lách mua bán, để nuôi sống gia đình 11 miệng ăn (9 con và hai vợ chồng). Khổ nỗi, lúc bấy giờ Chợ Long Hoa lại nằm trong quy hoạch bung dân. Vì vậy gia đình ông Năm bị ghép vào thành phần “cư trú lì ” nên ông Năm bị tù lia lịa, để cưỡng bức lao động. Hồi đó Nhà Nước còn khó khăn nên chính phủ đưa ra chính sách gọi là ba lợi ích, đại khái cho các cơ quan ra làm ăn như nhân dân. Công an Huyện có một phần ruộng, hễ tới vụ cấy lúa, làm cỏ lúa, thì công an vét tụi cư trú lì, (số người cư ngụ không có giấy hộ khẩu hay bọn đàn bà mua chui bán chạy, đám nam nữ tu sĩ không chịu về sống với gia đình, cứ bám theo Thánh Thất, Điện Thờ Phật Mẫu mà không khai báo (thật ra, khai báo cũng không ai chấp nhận). Công an đưa bọn gọi là “sống bất hợp pháp” lên đám ruộng để làm công, Khi làm xong công việc thì được nhà nước khoan hồng (thả về). Hằng năm đều y chang như vậy. Trong những lần ở tù đó, ông Năm lại thân quen với cô giáo Ngọc, chồng ở tù về tội gọi là “phản động” nàng bị: « mất dạy ». Để có tiền nuôi con, Ngọc bắt buộc phải tham gia hàng ngũ “mua chui bán chạy”. Từ quen biết sơ sơ, giúp đỡ qua lại, tình cảm mấy hồi. Thế là cả hai đều phạm tội với gia đình: « tội ngoại tình! » Con đường vượt biên của ông Năm cũng lắm cam go. Lúc đầu, ông Năm và Ngọc qua Nam Vang sống, với mục đích dò đường vượt biên. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Lúc đầu, dự định tìm đường vượt biên, Ngọc bàn với là ông Năm theo một người bạn đi trước, rồi ông Năm trở lại dẫn Ngọc cùng đi, không ngờ lại bị những tổ chức phục quốc gạt ông Năm vô vòng. Tấn thối lưỡng nan. Họ đưa ông Năm vào khu chiến. Thế là mất liên lạc với Ngọc và cả gia đình. Vì tình hình chung của thế giới, chiến khu giải tỏa, ông Năm trở thành người vượt biên như những người khác. Ông Năm ra trại bị thanh lọc. Ông Năm thanh lọc đậu, đa số đều nghĩ rằng nhờ có chân phục quốc, nhưng không phải vậy mà LHQ căn cứ ngày đương sự bỏ nước ra đi. Ông Năm đi năm 1983, tức là trước ngày có quy chế thanh lọc, năm 1989. Khi ra nước thứ ba, lương tâm ông Năm đặt trước ngả ba đường. Bão lãnh ai đây? vợ con, hay Ngọc. Dĩ nhiên là gia đình chính thức mới phải đạo, mới làm vui lòng linh hồn mẹ ông Năm nơi cõi hư vô. Hơn nữa, bặt tin ông Năm quá lâu, Ngọc, trở về chung sống với chồng. Ít lâu sau, chồng Ngọc mãn tù. Hai người về chung sống lại. Khi có bà Năm bên cạnh, ông Năm không dám liên lạc. Vướng víu thì cả bốn đều khổ tâm!!! Ông Năm là người chí hiếu, vâng lịnh mẹ cưới vợ. Vào thập niên 1960, ông Năm không hề yêu ai, ví ông muốn làm vừa lòng Mẹ. Mẹ ông Năm lại muốn sống chung với ông Năm. Ông định, nếu vợ ông Năm là người do ông Năm chọn lựa thì khó tạo cảnh dung hòa giữa nàng dâu mẹ chồng. Hay nhứt là ông Năm nhượng bộ để Mẹ quyết định. Nghĩa là ông Năm chấp nhận nghi thức xưa, con trai phải để cho Mẹ đi coi mắt dâu, rồi nhờ mai mối dẫn đường. Nói cách dễ hiểu là “tình yêu sau hôn lễ”. Phải nói rằng, trước 75 gia đình ông Năm vô cùng hạnh phúc. Chồng nói vợ nghe. Bà Năm một mực kính trọng cha mẹ chồng. Láng giềng đều khen ngợi cho đến ngày nay. Nhưng hoàn cảnh đã làm cho lòng người thay đổi: sang nước tự do, con cái thay đổi 95 %. Cái 5% ông Năm chừa lại, đó là con cái ông Năm không xì ke ma túy, học hành thành tài, nhưng tình cảm nhạt nhẽo. Chúng không có tâm trạng của ca sĩ Mạnh Đình trả lời phỏng vấn: « Cái gì MĐ cũng hỏi mẹ, dù MĐ biết cha mẹ chẳng giải quyết được gì những chuyện của MĐ, thứ đến là gia đình MĐ còn giữ được nề nếp ăn chung bữa cơm tối không có cái cảnh, mỗi người một tô cơm, bưng vào phòng đóng cửa …vừa ăn, vừa xem tivi... » Người xưa nói ghét của nào, trời trao của ấy. Phải chăng ông Năm ghét cái cảnh gia đình sống chung một nhà mà việc ai nấy biết. Có lần ông Năm đi bệnh viện để mổ trỉ, bè bạn ông Năm điện thoại hỏi thăm. Thằng con trai lớn của ông Năm trả lời: « Không biết. » Nhiều khi ông Năm bực tức tại sao chúng ta không kết hợp những cái hay của Âu Á lại thành một công thức mới để sống vui. Tại sao theo Mỹ, theo Úc thì lại bỏ hết cái đẹp của VN? Như đã nói ông Năm là tín đồ Đạo Cao Đài, nhưng cách hành đạo của những vị gọi là lãnh đạo Cao Dài nơi hải ngoại không giữ nguyên chơn truyền, giáo pháp mà tùy tiện canh cải. Ho cải cách lung tung. Ông Năm tuyên bố, tôi là tín đồ, xưa sao nay “đồ” vậy. Còn ai muốn vẽ thì cứ vẽ, do đó ông Năm Thiên Nhãn tại nhà và cúng bái tại nhà. Lúc đầu con cái còn nhỏ, chúng cúng theo. Sau, chúng vào Đại Học chúng lơi việc cúng chung. Nếu hỏi thì nó trả lời: « bận thi. » Nay bà Năm theo bạn đi làm ở nông trại xa, ông Năm không thích cảnh chồng một nơi, vợ một nẻo... vì vậy ông Năm khó chịu, nhưng càng nhớ, càng giận, càng thương nên mỗi lần tâm tư dao động về sự xa vắng bà Năm ông Năm chỉ biết ngồi trông trời, ngóng đát... Ông Năm nhiều lần ngỏ ý: - Anh 70 tuổi rồi, em cũng trên 60, sao còn lo hoài vậy? - Ráng làm có chút đỉnh, muốn làm công quả cũng dễ. Mình muốn làm cái gì, có tiền làm theo ý mình, chờ con cái “bố thí” chắc còn lâu! Ý kiến của bà Năm cũng đúng, hơn nữa 1 Úc kim đến 10 ngàn đồng VN. Bà Năm làm mỗi ngày tệ gì cũng 50 đô, tính ra nửa triệu bạc VN. Thế là ông Năm chịu phép ngóng mong chờ đợi. Đúng như lời ca vọng cổ của Mạnh Quỳnh với Hương Thủy “một túp lều tranh, hai quả tim vàng, không có thật”!!! Nhiều khi quá buồn, ông Năm tính nốc luôn 10 viên Valium cho rồi cái đời bất hạnh, đến tuổi này mà cũng bị tiền bạc phân ly tình cảm! Nhưng rồi ông Năm sực nhớ: Mỗi lần cúng Đức Tôn, sau khi dâng Tam Bửu ông Năm đều nguyện: Nam mô, con xin dâng mảnh hình hài, cả trí thức tinh thần, cả linh hồn con cho Chí Tôn dùng phương nào thì dùng. Cà linh hồn, cả trí não, cả hình hài con Thầy đào tạo, đó là của Thầy, thì do nơi quyền hành độc đoán của Thầy định”. Nhớ đến đây ông Năm sực tỉnh, Thầy muốn cho mình xa cách vợ, chắc cũng để Thầy làm cái gì đây. Biết đâu Thầy thử thách mình, hay thử thách vợ mình. Hay là thử thách cả hai. Ông Năm làm mọi việc cho khuây khỏa để cho ngày giờ qua mau, nhưng làm sao được khi lòng bất an. Ông mượn cớ viết văn, làm thơ, thì thơ văn đâu mất hết. Phải chăng, người buồn là mất hứng thú. Rốt lại ông Năm vẫn buồn. Hôm Thứ bảy, gần như không còn chịu đựng được sự nhớ thương lẫn bực bội, ông Năm chạy lên nông trại thăm bà Năm. Thăm được một đêm, về nhà lại buồn nữa. Ước gì trời sập cho mọi người hết buồn. Đang nghĩ bâng quơ, Tuấn (người chia phòng) gọi, 6giờ 10 rồi ông Năm. Ông Năm im lặng đứng dậy, đi thắp nhang như mọi ngày. Giờ đây ông Năm ước mơ một điều, bà Năm đừng đi làm xa nữa mà nên cùng đi làm với ông Năm. Nơi nào không nhận ông Năm, thì bà Năm can đảm bỏ việc để chứng tỏ bà Năm xem tiền và bất cứ cái gì cũng nhẹ giá hơn ông Năm. Và bữa cơm tối, phải được ăn chung, như lúc bà Năm và con cái mới qua. Ước mơ tuy nhỏ, nhưng chẳng bao giờ thực hiện được, chỉ có chư Thần xui khiền cho những thằng chủ nông trại không dám áp dụng phương thức phi pháp như hiện nay. Ông Năm bắt đầu im lặng như khi bà Năm chưa qua, để chờ việc gì sẽ đến. Ông Năm biết càng tỏ thái độ mạnh thì hậu quả sẽ tai hại vô cùng. Ai biết được tương lai mình, nhứt là ở các nước gọi là văn minh!!! Ông Năm ra vào phòng ngủ một mình, nhìn cái mền xà ngầu không ai xếp gọn như lúc có bà Năm, cặp gối giờ còn đó, nhưng ông Năm kê lên nằm... Sống cảnh cô đơn hiện tại, khiến ông linh cảm như Đức Chí Tôn tập luyện cho ông Năm sống một mình. Ông Năm cũng thường than với bà Năm: Anh cầu xin được chết trước em, vì anh chết sau, anh sống và ở với ai. Nay trước cảnh này, như một cái điềm báo trước là bà Năm sẽ chết trước. Mỗi lần nghĩ đến cảnh tượng này ông Năm khóc một mình và hiện ông Năm đang khóc. Nhưng bà Năm ơi, bà có hiểu không? Ông Năm lúc nào cũng chiù bà, nhưng có khi bà bảo ông Năm đàn áp. Ông Năm tự thấy mình phải phấn đấu mãnh liệt với tử thần. Thuốc Valium ông uống hằng đêm, liệu bà Năm có biết vì một lúc nào đó, ông cả nốc cả vĩ thuốc thì sao? Bà Năm ơi, bà Năm. Tiền ơi sao mi quan trọng và mãnh lực của tiền kinh khiếp vậy. Tiền xưa nay đã giết nhiều người vô tội và, cũng xưa nay chưa có tòa án nào phạt tội đồng tiền?!!! Nhiều lần ông Năm định điện thoại hỏi vấn đề gian lận, nhưng lại thôi, vì mình đã tự nguyện giao tất cả cho Chí Tôn “dùng phương nào thì dùng”. Một lời giao kết vô điều kiện, thì cứ mặc nhiên để cơ tạo xoay vần: “cái gì đến sẽ đến”. Ông Năm tự dặn lòng là không tự tử, vì tự tử là phạm tội với Chí Tôn và thua cuộc với ma quỉ ... Chiến trường giữa ông Năm và ma quỉ đang dằn co quyết liệt, nhưng tiền làm cho bà Năm chẳng thấy điều gì. Bà Năm tệ bạc hay bà Năm cao cả hơn ông Năm, chính bà Năm dàn binh trên ván cờ đời?!!! Đang ngồi một mình để viết cho quên sự đời, bỗng có tiếng gỏ cửa. Nhìn ra đường không thấy xe, ông Năm mở cửa, ngạc nhiên, hỏi: - Mới về hả? - Ừ.Vào nhà bà Năm kể lể: - Chủ nông trại không chịu trả tiền như các năm trước. Hơn nữa cũng hết mùa, dâu ít rồi, làm khai thuế lấy gì ăn, thôi ở nhà. Kiếm việc khác mà làm cũng được. Ông Năm thấy thành công, nhưng giữ mực bình tĩnh: - Tùy em quyết định. Lo lắng quá cũng không được. Ở đời mình tính không bằng trời định. Thế là vạn sự bình an! Lần này, bà Năm tự ý bỏ việc là một điều ông Năm không ngờ. Do đó, đức tin Chí Tôn của ông Năm càng mãnh liệt hơn. Nhứt là lời giao kết với Đức Chí Tôn vô cùng hiệu quả, nhưng sự linh hiển chỉ đến khi mình bị vấp ngã. Đức Chí Tôn cũng có nói Thầy thử thách chớ có ghét con đâu mà làm cho con đau khổ để mà chết. Con xin tạ ơn Đức Chí Tôn đã giải tỏa nỗi ray rứt dằn vặt của con... Chiều thứ bảy: 2-9-2004 Cao Quỳnh Tuệ Lâm