Vợ tôi ngồi vá áo thỉnh thoảng cắn chỉ tủm tỉm cười một mình. Tôi tò mò hỏi:
 - Có chuyện gì vui mà em cười?.
 Yến nhìn vào mắt tôi hồn nhiên đáp:
 - Thì nhớ cái chuyện hồi đó đó, tự dưng xông vào nhà người ta...”.
Trong đời mình, đàn ông con trai ai chẳng đã một lần có hành động ngớ ngẩn đến chết cười - không phải chồng, không phải ông, không phải cha, càng không phải là chỉ huy hay lãnh đạo, tự dưng tôi xông vào nhà người ta, mắng nhiếc con gái người ta như té tát:
- Tại sao bạn bỏ học, tại sao bạn hủy hoại tương lai của mình một cách oan uổng? Hoàn cảnh! Hoàn cảnh! Không có hoàn cảnh gì cả! Ai cũng đổ thừa hoàn cảnh thì đất nước ngày mai sẽ ra sao đây? Hay chỉ toàn là những công dân thất học...
Chợt có một bàn tay lực lưỡng từ phía sau đặt lên bờ vai, ngoái lại nhìn thấy ông nông dân lực điền tay cầm cái mác vót.
- Chuyện gì vậy người bạn trẻ, cho tôi vuốt giận vào nhà ngồi chơi khắc nói! - Yến! Pha cho ba ấm trà mời khách.
- Thưa bác! Cháu bức xúc có sao nói vậy. Xin bác tha lỗi cho cháu.
- Yên tâm đi! Tôi cũng từng trải qua thời trẻ trai bằng tuổi cậu - Vậy cậu quen với con Yến nhà tôi ra sao?
- Dạ không có gì đâu ạ! Đây là lần đầu tiên cháu nói với cô ấy. Cô ấy học lớp 11, cháu học lớp 12 trường huyện - trên một lớp, chỉ nhìn thấy, chưa hề liên hệ.
- Vậy là dây vào chuyện của người khác rồi!
- Dạ thưa! Vì học sinh tự ý bỏ học là chuyện tày trời, bác ạ! Tại sao bác không ngăn cản hay là bác không cho bạn ấy đi học?
- Tôi ba đứa con, nghèo gì nghèo, tôi cũng ráng lo cho chúng ăn học đầy đủ, hai thằng em nó đứa học lớp 8, đứa học lớp 6. Không may mẹ các cháu mất sớm, tôi gà trống nuôi con, sớm vác cuốc ra đồng, trưa về nấu cơm cho chúng về ăn. Tự dưng cách đây mươi hôm, tôi đi làm đồng về rửa chân vào nhà, sửng sốt cảm thấy như có nàng tiên từ trong quả thị bước ra. Nhà cửa sạch sẽ, mâm cơm dọn sẵn lên bàn, cơm sốt canh nóng bát đũa sạch sẽ. Tôi vào bếp hỏi sao con không đi học. Nó rơm rớm nước mắt nói: “Từ nay con không đi học nữa, con ở nhà đỡ công việc cho ba nuôi hai em ăn học đến nơi đến chốn cho bằng người...”. Tính con tôi nó ương lắm, tôi biết, việc gì nó cho là phải, trời gầm nó cũng chẳng chịu nghe.
. Nhân hậu: Tình yêu đến nhiều khi chỉ từ một nụ cười, một ánh mắt. Tưởng rồi sẽ thoảng qua nhưng nhiều khi lại bền lâu nhờ tấm lòng nhân hậu của người phụ nữ.
- Vậy sao bác không đi bước nữa để có người nội trợ nuôi con? Bên xã cháu, có người cũng thương binh như bác mất sớm để lại người vợ góa ở vậy nuôi con, bà ấy hiền hậu giỏi giang... Hay là để cháu giới thiệu bác với bà ấy để giải phóng cho cô Yến được đi học.
- Cậu cũng biết làm quân sư tình yêu nữa ư? Chuyện này dài lắm - không khéo sẽ đem chiến tranh về bùng nổ ngay trong biên giới sân nhà để khổ cho các con tôi, đau lòng mẹ chúng nơi chín suối.
Tôi mồ côi mẹ năm 12 tuổi như các con tôi bây giờ; đêm nằm nghe ông sư tụng kinh cầu an, giật mình thức dậy sờ lên má nước mắt nhạt nhòa mới hay nhớ mẹ mình khóc trong giấc ngủ. Sau đó cha tôi đi bước nữa, chúng tôi có người mẹ kế. Cuộc đời mãi mãi vẫn đẹp, nhưng con người vẫn cứ hiểu lầm nhau hoài hoài nên sanh chuyện. Xét cho cùng như thiên hạ, bà mẹ kế của tôi cũng như anh chị em chúng tôi đều là người tốt nhưng mục đích tự thân của mỗi người lại khác nhau nên cứ hiểu lầm nhau, theo cấp số nhân, mâu thuẫn cãi cọ nhau suốt, nếu không nói là muốn loại trừ nhau nữa; đấu khẩu cứ bùng lên bất chấp cả “trời đánh tránh bữa ăn”, cha tôi ở kẻ giữa, một bên là vợ, một đằng là con, ông ăn lưng bát đã bỏ đũa đứng dậy. Muốn thoát ra khỏi cảnh ngộ, tôi đành bỏ nhà ra đi bơ vơ giữa thị thành đến ngày theo thanh niên xung phong tham gia chiến cuộc biên giới Tây Nam rồi bị thương. Đến nay có người vẫn cho là hồi ấy tôi bất mãn, đâu có ai biết rằng tôi bỏ nhà ra đi vì muốn để cho cha tôi được hạnh phúc. Tôi nói vậy chắc cậu có thể hiểu rõ vì sao tôi phải cảnh giác với cảnh các con tôi phải tan đàn xẻ nghé.
- Cháu tầm bậy quá! Vậy mà cháu ngớ ngẩn đến đây quát tháo với bạn ấy.
Mâm cơm dọn lên: “Gặp bữa! Cậu ăn cơm với tôi, đừng làm khách!”.
Cơm gạo lức nấu nước cốt dừa, bỏ muối măn mẳn trộn hành lá ăn với cá cơm kho keo và canh bông so đũa nấu với tép muỗi. Gạo lức nhai vỡ lớp vỏ lụa nghe sướng răng béo béo bùi bùi bắt cơm nhờ sự mộc mạc, ăn một lần, lâu lâu nhớ công người sáng tạo gia thêm nước cốt dừa lại thèm.
Tôi đưa bát xới thêm hai lần, tò mò không hiểu tại sao mỗi lần trao bát, Yến lại nghiêng mặt che giấu nụ cười rất hóm.
Nụ cười biết nói ấy theo tôi đến khi Yến lấy xuồng máy đưa tôi qua sông về nhà, khi bước lên bờ cám ơn từ giã, ngoái lại lần nữa tôi lại phát hiện thấy nụ cười hóm ấy mà không làm sao hiểu được ý tứ.

*

Tôi lên thành phố học Trường Nông nghiệp Thủ Đức, tỉnh gửi đi đào tạo, nên tốt nghiệp xong trở về địa phương tôi được phân công về huyện nhà nhận công tác ở phòng nông nghiệp, được đi xuống các xã thường xuyên. Một mình lái tắc rán qua chợ nổi nhìn vào thấy bên cạnh chiếc ghe treo một chùm chôm chôm trên đầu sào, có một chiếc xuồng máy xếp một loạt cần xé trái cây cập hông, người lái là Yến. Tôi lái xuống quay lại kề sát vào.
- Chào Yến! Bác trai có mạnh khỏe không?
Sóng lách tách vỗ vào hai mạn thuyền. Lúc này tôi đã dày dạn rồi nên khi thấy Yến quay mặt chỗ khác để cười hóm, nhớ lại lần đầu tiên tôi phát hiện ra nụ cười này ở nhà Yến năm ấy.
- Mặt tôi có cái gì hài hước ư? Tại sao xa cách bao lâu vẫn còn nụ cười năm ấy! Có thể cho tôi biết ý nghĩa nụ cười này không?
Bây giờ Yến cũng đã dày dạn hơn xưa.
- Người ta cười là cười kiểu tỏ tình ấy.
- Kiểu tỏ tình ra làm sao?
- Kiểu mắng nhiếc người ta làm trời để tỏ tình ấy mà.
- Thú thật nhé! Hồi ấy mình chẳng có ý thức trước gì đâu. Bỗng dưng nghe Yến bỏ học, bốc lên xông đại đến như bị đánh mất con mồi vậy. Về nhà biết xấu hổ rồi mới hay rằng mình thích người ta. Vậy lúc này còn nấu cơm gạo lức nước cốt dừa nữa không?
- Cái cối xay gạo lức thời bác Ba Phi vẫn còn đó, xay nhoáng cái là xong ngay! Đến nhé!
Cha tôi có người bạn vong niên học với nhau cùng trường từ thuở còn đeo cặp. Lớn lên ra trường, mỗi người một ngả - tình cờ hai ông gặp nhau trên thị xã mời nhau về nhà tôi. Sau bữa cơm rượu thân tình, hai người ngồi lại thì thầm về chuyện tương lai con trẻ qua khói thuốc lá. Ông bạn có cô con gái rượu, sắc đẹp thiên phú, đôi mắt mẹ cho, lại là con ông chủ nhà máy tư nhân sản xuất nước đá. Tiền trong túi của người tiêu dùng ở thị xã và vùng ven theo tiếng đập đá và tiếng leng keng bỏ vào ly đi từ túi họ vào túi ông, nên tài sản ông trội hơn ông già tôi, đáp lại ông già tôi có cái bằng đại học của thằng con đích tử là tôi. Nhưng hai ông thừa biết, trẻ ngày nay theo thời đại khác rồi, nếu nêu bài bản “hôn nhân sắp đặt” thì trái tim chúng sẽ loạn nhịp. Nhưng trong tiềm thức, vốn cẩn trọng các vị vẫn thích sắp đặt theo ý mình hơn. Tuy vậy, hai vị cũng thừa khôn khéo để không lộ ý đồ mà tạo điều kiện cho lửa gần rơm, trèm trụa rồi dù có hôn nhân sắp đặt cũng là con tim của chúng nó. Tuần sau, cha tôi kéo tôi đi dự đám giỗ ở nhà ông bạn. Ái nữ của ông ấy so với người mẫu trên bìa các báo không có gì kém cạnh về sắc nước hương trời và thời trang thì đương đại. Đêm đấy hai cha con tôi lưu lại nhà ấy để sáng hôm sau, gọi một thuyền du lịch loại nhẹ đưa chủ khách - bốn người cha nào con nấy - đi tham quan các cù lao. Đến nơi, hai ông bố nói còn phải lội bộ đi thăm ai đó trong đồng sâu, thả đôi nam nữ chúng tôi về trước với nhau, tự do lênh đênh trên vùng sông nước gió mát trăng thanh. Chẳng lẽ làm thằng ngố, đi với một cô gái mà chẳng nói một lời như người câm nên tôi phải chuyện trò, nhưng chọc cười thì có, ghẹo thì không, như hai người bạn tốt không hơn.
Về nhà, nghỉ ngơi tắm rửa xong cha tôi gọi tôi lên nhà trên bảo ngồi đối diện. Cha trịnh trọng nói:
- Đỗ đạt xong rồi, có vị trí công tác đâu ra đấy đã đến lúc con phải lập gia đình như người ta. Vậy con có tính tới chưa?
Tôi biết tính cha tôi, không dễ gì chịu được khi người khác trái ý ông nên xuôi theo.
- Dạ thưa ba! Con cũng có nghĩ tới ạ!
- Được! Vậy đám ấy con thấy có ưng ý không?
- Thưa cha đám nào ạ?
- Thì con gái của người bạn vong niên của ba đó. Cô Thảo ấy! Tao thấy hai đứa quấn quýt nhau, lại ra về giữa đêm trăng với nhau trên một con thuyền. Chưa nói với nhau chuyện gì à!
- Dạ có nói, nói chuyện văn hóa xã hội, chuyện phim ảnh, chuyện bóng đá Euro...
- Còn chuyện kia? Chẳng xơ múi gì à?
- Dạ tim con có xao xuyến gì đâu mà xơ múi?
- Ngốc ơi là ngốc! Con nhất thiết phải toàn tâm với cuộc hôn nhân này. Nội ngoại hai bên đã thống nhất với nhau cả rồi, ba và ông ấy là bạn vong niên, hiểu với nhau như lòng bàn tay. Cô Thảo lại xinh đẹp, thông minh, gia đình khá giả, làm ăn như diều gặp gió.
- Tất nhiên cô ấy đẹp và thông minh, nhưng con không hề yêu cô ấy!
- Mày làm nhục cha mày đấy hở con! Tao đã hứa bắt tay thông gia với nhà người ta rồi. Người lớn với nhau cả, ăn nói ra sao đây?
- Dạ thưa ba! Con với cô ấy cách biệt với nhau xa lắm. Lương của con không đủ tiền cho cô ấy son phấn, vả lại con cũng có người yêu rồi.
- Mày mà cũng có người yêu? Bao lâu rồi?
- Dạ hơn năm năm rồi! Từ ngày còn học lớp 12 - trên năm năm rồi, nhưng con chưa tỏ tình.
- Mày diễn văn nghệ cuối tuần đấy à! Yêu năm năm rồi mà chưa tỏ tình.
- Nhưng đêm nào nằm mơ con cũng thấy hình ảnh cô ấy. Yêu đơn phương thôi ba à! Nhưng yêu đơn phương mới bền chặt! Tình chỉ đẹp khi còn dang dở ba ơi!
- Trời ơi! Thằng này nó bệnh rồi. Vậy người ta có biết mày yêu người ta chưa?
- Dạ không rõ nữa. Đứng xa xa nhìn rồi thích thôi chưa dám hy vọng. Đến bây giờ chỉ thỉnh thoảng gặp, thấy cô ấy ngoảnh mặt cười một mình. Con gái khó hiểu lắm ba à! Lần đầu tiên trông thấy là con thích và thích luôn tới bây giờ. Còn yêu lúc nào làm sao rõ được, ảo mà!
Dạo này, tôi được phân công đi cơ sở phổ biến kỹ thuật trừ “bọ cánh kiến hại dừa”, nên lấy lý do tiện dịp ghé thăm.
Cha đi vắng, Yến pha trà mời rồi ý tứ đứng tiếp chuyện, đợi cha tôi bảo mới dám ngồi. Cha tôi hỏi: “Nghe nói cháu bị thằng khờ của bác nó xài xể tầm bậy phải không?”.
- Cháu không dám trách đâu bác! Trong thời đại trí thức quyết định tất cả, cháu lại bỏ học, anh ấy mắng cháu là đúng thôi bác ạ! Nhưng cảnh nhà mẹ mất cha thương binh gà trống nuôi con, hai em còn đang ăn học, cháu đành chấp nhận hy sinh cho người thân, chứ thật lòng bỏ học cháu cũng tiếc lắm. Anh ấy trách là phải.
Nghe qua lời nói, ngắm nhìn cử chỉ dung nhan, chừng mực nào đó, cha tôi có lẽ đã thầm khen trái tim của thằng con trai mình chọn vợ khá giỏi. Ông nói với tôi:
- Thấy chưa con! Yêu ai cảm nhận “Người đâu gặp gỡ làm chi” là phải bày tỏ ngay, đừng có ôm lâu trong bầu tâm sự nặng trĩu khó ở lắm!
- Ảnh không khờ đâu bác! Hôm trước ảnh cập ca nô vào xuồng chôm chôm của cháu ngoài chợ nổi.
- Nó cập vô nói gì với cháu?
- Ảnh gạn hỏi tại sao trông thấy anh, cháu lại ngoảnh đi để cười.
- Cháu trả lời ra sao?
- Dạ! Là cười cách tỏ tình kiểu mới.
- Sao lại là kiểu mới.
- Là ra oai để tỏ tình ấy.
- Vậy trước lạ sau quen, cháu về thưa lại với ba cháu cho bác kết làm thông gia được không? Bác sẽ về chuẩn bị lễ vật đến xin ăn hỏi!
- Dạ cháu không lấy chồng đâu. Vì khi thôi học cháu đã nguyện ở vậy để gánh đỡ cho ba cháu đến trăm tuổi.
Theo thói quen, cha tôi ngụm ngụm trà rồi cầm luôn cái tách khi gặp vấn đề nan giải. Một lúc sau ông đặt tách xuống cười thành tiếng, đấm vào vai tôi:
- Vậy cưới xong cho mày ở rể luôn được không con trai? Bằng lòng nghe cháu “được anh được ả được cả đôi đàng”. Đám cưới rồi cháu khỏi đi làm dâu, cháu cứ ở nhà mình phục vụ thương binh cho tròn chữ hiếu, còn thằng lãng tử này bác gửi cho cháu trông coi. Bác còn bên nhà hai thằng con trai nữa.
Vợ tôi nửa tỉnh nửa quê thôi, nàng vẫn giữ nguyên bản sắc vượt qua chính mình bằng tấm lòng nhân hậu, biết sống chia sẻ với mọi người - còn tâm hồn thơ ca ư? Nàng vẫn luôn mỉm cười với ký ức - còn bề gia chánh thì khỏi phải nói, thơm lừng béo ngậy như cơm gạo lức nước cốt dừa! Trong vòng tay quản lý ngọt ngào ấy tôi nghe thoang thoảng hương bưởi, hương nhài.
 

Xem Tiếp: ----