Cái tin có người chết trên đỉnh núi Chúa làm cả làng Mực xôn xao. Nhiều người kéo ra bãi cát, ngửng đầu chỉ vào đám lau phơ phất tít trên cao: "Đó, chỗ đó”.
Núi Chúa cao vòi vọi. Muốn lên phải đi vòng rất xa, từ phía trong đất liền, băng qua một quả đồi rồi cứ thế trèo tiếp. Đường đi tuy ngoằn ngoèo nhưng sườn núi thoai thoải, cây cối um tùm nên có thể vừa đi vừa ngắm cảnh thiên nhiên. Trái hẳn lại sườn núi bên này dốc đứng, nhô ra sát biển. Ngày đêm những con sóng lớn đập vào vách đá tung bọt trắng xoá. Người dân làng Mực đành chỉ có thể đứng dưới chân núi mà nhìn lên và hỏi nhau xem người chết là ai, từ đâu đến...?
Cụ Toàn là người đầu tiên nhìn thấy xác chết. Cụ kể với dân làng: Đang ngồi trong nhà thì tôi nghe tiếng chim kêu. Chạy ra nhìn, thấy trên ngọn cây cộc một con chim rất to. Tôi quay vào, lại nghe tiếng chim. Lúc ấy mới nhận ra có người ngồi tựa vào gốc cây như đang ngủ. Con chim kêu một tiếng thứ ba rồi vỗ cánh bay đi. Tôi ra tận nơi thì thấy người ấy đã chết rồi. Chết mà như đang ngồi ung dung ngắm cảnh, đầu hơi ngả đôi mắt lim dim nhìn trời nhìn biển.
Cụ Toàn có ba người con trai. Từ sau cơn bão số 5 khủng khiếp cả ba người con không một ai trở về. Nghề đi biển là thế. Từ đấy cụ rời làng lên đỉnh núi Chúa, dựng một túp lều. Ngày đêm cụ nhìn ra biển, nhìn màu xanh mênh mông, mãi mãi mênh mông...
Anh cảnh sát khu vực cùng cụ Toàn lại gần xác chết. Thoáng nhìn biết ngay đây là một khách du lịch, người miền Bắc. Ông ta mặc cái áo vét cũ, quần ka ki ống rộng, chân đi đôi giày vải đế mỏng. Anh cảnh sát vừa nhấc chiếc mũ vải mềm trên đầu người chết, cụ Toàn sửng sốt nhìn cái trán hói lơ thơ mấy sợi tóc bạc, kêu lên: "Ông này... cũng nhiều tuổi rồi?". Trong cái túi vải ông khách đeo bên mình, vật dụng còn nguyên. Túi áo ngực có 200.000 đồng, ở túi quần sau, trong ví còn có 600.000 đồng. Cụ Toàn lẩm bẩm: "Ông này còn đi chơi xa, chơi dài ngày". Trên thi thể người chết không một vết xây xước. Vậy là không phải bị cướp, bị giết. Anh cảnh sát dự đoán thận trọng: Có thể sau chặng đường dài leo núi vất vả, ông khách ngồi nghỉ dưới gốc cây. Vẫn còn đầy chai nước khoáng cạnh bao thuốc Vinataba đặt trên tảng đá. Chỗ này gió lộng. Phải chăng ông khách bị cảm đột ngột, trái tim ngừng đập và cứ thế, ông ngất đi.
Anh cảnh sát xuống núi, phóng xe ra thị trấn. Theo địa chỉ ghi trên giấy chứng minh, anh phải điện ngay về Thái Bình báo cho gia đình người chết biết tin.
Chị đã đến đây. Chị, cùng đứa con trai mười tuổi. Nhận được điện báo, chị nửa tin nửa ngờ. Ngồi trên chuyến tàu tốc hành vào miền Trung, chị vẫn hi vọng người ta nhầm đấy thôi. Thiên hạ thiếu gì người trùng tên trùng họ. Hoặc chỉ là anh phải cảm, đang nằm trong một bệnh viện nào đó... Nhưng khi nhìn chiếc túi, nhận ra chiếc kính lão của chồng, mặt chị tái đi, chị bủn rủn chân tay, khuỵu xuống lúc chiếc khăn che mặt anh được nhấc ra.
- Ới anh ơi, anh Hoàng ơi, sao anh lại bỏ mẹ con em mà đi như thế này?
Đường núi dốc cao, làng chài ở tít dưới xa nên mẹ con chị tối hôm ấy xin được ở với cụ Toàn.
Cụ Toàn đốt một đống lửa to. Cụ thường đốt lửa như thế này: Để người đi biển thấy mà bơi vào bờ. Không biết thằng Cả, thằng Hai, Thằng Ba nhà cụ nhìn rõ chưa?
Gió thổi ù ù. Sóng biển vỗ ì ầm. Những cái tàn lửa bay vút lên cao. Sương đêm càng xuống đậm thì ngọn lửa càng cháy sáng rực. Người cha già ngồi canh lửa trong đêm, hy vọng, đợi chờ...
Trong túp lều, đứa trẻ nhỏ đã ngủ say. Bên đống lửa chỉ còn 2 người.
-Đời con khổ lắm bố ơi!- Chị nghẹn ngào kể lại cuộc đời mình cho cụ Toàn nghe.
Ngoài 30 tuổi chị mới lấy chồng. Anh Hoàng ngày ấy cũng đã 42. Hai làng cách nhau một dòng sông. Sông hẹp, nhưng vẫn phải đi thuyền. Đám cưới sang ngang, chú rể nắm tay cô dâu, dắt lên bến. Chị luýnh quýnh để tuột chiếc dép, lại phải xuống đò rửa chân.
Thế là chị xa mẹ, xa các em, đi lấy chồng thiên hạ. Người ta bảo chị số cao, nay mới cắt được tiền duyên. Tiền duyên là kiếp trước có một người yêu chị lắm nhưng không lấy được chị nên biến thành cái bóng ngày đêm ám ảnh chị. Mấy đám hỏi chị đều không thành. Chẳng hiểu nghe ai mách, bà mẹ lén cắt một mớ tóc của chị, dâng lễ, cầu xin người kia hãy buông tha cho chị đi xây dựng hạnh phúc gia đình.
Chị bước chân về nhà chồng như số phận đã định.
Nhà anh Hoàng nghèo, một mẹ, một con. Cụ giáo mất từ năm anh chưa đầy tám tuổi. Con một nhưng khi đất nước bị quân thù xâm lấn, bà mẹ vẫn cho ra trận đánh giặc. Giặc tan, Hoàng trở về sống với mẹ già và tiếp tục công việc một anh giáo làng.
Làm vợ anh, chị mới bắt đầu "tìm hiểu", thương anh và ngày càng tha thiết yêu anh. Anh là của chị. Cuộc đời chị từ nay không thể thiếu vắng anh... Hạnh phúc ngọt ngào, ngây ngất. Thằng Hạnh ra đời. Dường như chị chẳng còn ước mơ gì hơn. Bà mẹ chồng cũng vậy, trước khi nhắm mắt, cụ nắm chặt tay đứa cháu đích tôn, cười mãn nguyện. Tên con là do anh đặt. Anh bảo: “Người ta sống phải có hạnh. Lâu nay ít người nhắc đến đức hạnh, phẩm hạnh, tiết hạnh... Rồi anh im lặng nhìn ra sân. Anh có dáng ngồi rất riêng, đầu hơi nghiêng và đôi mắt lúc nào cũng đăm đăm nhìn bên trái. Cái nhìn thông tuệ, nửa như mơ màng, nửa như chăm chú dõi theo một cái gì đó ở chính trong lòng mình mà lại đang chơi vơi trước mắt.
Ngày ngày, Hoàng đến trường dạy học. Quần áo xềnh xoàng, chiếc xe đạp cọc cạch. Anh dạy vật lý, giáo viên giỏi toàn tỉnh. Một hôm, cô giáo sinh vật lớp bên bị ốm nghỉ liền mấy ngày mà không có người dạy thay. Hoàng bảo: Để tôi đỡ cho một tiết. Các em học tới đâu rồi? Lớp bọ cánh cứng à? Hoàng rủ mấy em học sinh ra đồng. Hôm ấy, cả lớp trố mắt nhìn khi thấy trên tay thầy Hoàng cả một bộ sưu tầm những con bọ đa, cánh cam, xén tóc, bần bật, niềng niễng... Những người bạn đồng quê thân thiết của lũ trò nhỏ ấy như lần đầu hiện ra với biết bao điều lạ! Hết tiết học, thầy Hoàng còn kể các em nghe ở rừng Trường Sơn, bọ cánh cứng nhiều loại phong phú lắm... Đáng nhớ nhất là chuyện một buổi chiều, Hoàng đang đi trinh sát thì gặp máy bay Mỹ rải chất độc màu da cam. Anh nằm sấp mặt dưới đất, ho sặc sụa. May sao có đàn bọ cánh cứng từ đâu bay đến. Chúng bay là là, đông vô kể, như một dãy lụa hồng rập rờn khi cao khi thấp. Hàng ngàn bộ cánh nhỏ vỗ liên tục làm tan loãng hơi độc và dường như những sinh vật nhỏ bé ấy còn tiết ra một chất gì đó khiến các anh dễ thở hơn.
Cho đến khi Hoàng và hai anh nhặt súng đứng dậy loạng choạng bước đi, các anh sửng sốt nhận ra hàng ngàn con bọ cánh cứng rã cánh nằm chết đầy hốc cây, núi đá.
Trẻ em mến thầy Hoàng, các cụ già trong làng cũng quý trọng thầy giáo Hoàng lắm. Không chỉ vì cái đức gia tiên để lại mà còn vì anh giáo tuổi chưa nhiều đã biết cả chữ thánh hiền. Chẳng hiểu tự học từ bao giờ, hoành phi, câu đối trong đình chùa, Hoàng có thể vừa đọc vừa dẫn giảng ý nghĩa, sâu xa uyên bác. Nhà nghèo, nhưng trong căn phòng thoáng mát của anh xếp đầy sách báo. Đôi khi cô nhân viên bưu điện mang đến cho anh một bức điện báo mời ra lãnh nhuận bút của một tờ báo nào đó. Những tờ giấy nhỏ này làm cho dân làng tuy nghèo nhưng rất tôn sư trọng đạo càng quý mến anh hơn. Dĩ nhiên không phải ai cũng nghĩ như vậy. Trong làng, có người cho Hoàng là "ngộ chữ". Họ bảo chữ nghĩa nhiều thì có mài ra mà ăn được không? Nhà anh cái sân chưa lát, ngõ chưa xây cổng, thời đại này mà ra đường vẫn đạp cái xe cọc cạch?
Kệ cho người ta nói, chị càng thương anh, càng yêu anh. Từ ngày nghỉ hưu anh càng có nhiều thì giờ đọc, viết và đi chơi xa, một ham mê vốn có từ ngày bé.
Cảnh đẹp trong vùng, các di tích, lễ hội... Anh đều có dịp thăm thú. Nơi gần, anh đạp xe. Nơi xa, anh đáp tàu hoả, vẫy ô tô. Năm ngoái, anh có món nhuận bút hơn triệu đồng tiền dịch một cuốn sách thiếu nhi. Chị khấp khởi mừng định bụng may thêm cho anh bộ cánh mới. Chẳng ngờ anh bàn đi thăm mấy người bạn chiến đấu cũ và cũng là tiện dịp làm một chuyến du lịch xuyên Việt. Anh đi tận Minh Hải, đi tận Kiên Giang! Đúng một tháng trời, chị ở nhà vừa lo vừa giận. Nhưng vừa thấy anh trở về, khoẻ mạnh, tươi tỉnh, tíu tít kể với bạn bè những điều hay, cái đẹp thu lượm được trong chuyến đi, cùng những bức tranh anh vẽ, những bài thơ anh làm thì chị chỉ biết vui lây? Có phải ai cũng được bạn bè yêu quý như chồng chị? Có phải nhà nào cũng đông khách như nhà chị, những người khách xuề xoà ngồi trên chiếu, người trong làng, người từ bên kia sông bơi thuyền sang...
... Chị kể tiếp cho cụ Toàn nghe:
Hôm mới đây, chẳng hiểu sao vừa nghe anh nói định đi chơi miền Trung, con đã có ý gàn. Con nói bỏ nhà bỏ cửa, bỏ vợ bỏ con. Hám đi tận những đâu!
Anh cười miền Trung nhiều cảnh đẹp lắm. Nghe đồn buổi sáng mùa hè đứng trên đỉnh Chúa mà phóng tầm mắt nhìn ra biển Đông, xem mặt trời, tuyệt vời!
Chị bĩu môi:
- Mặt trời mọc thì sáng nào chả thấy, đứng ở cổng đồng làng mình, cứ gọi là nhìn mỏi mắt?
Anh lại cười, tính anh vốn hiền lành, dễ thương như thế đấy.
- Mặt trời mọc trên cánh đồng làng cũng đẹp lắm chứ?- Anh nói – Nhưng không ai cũng dễ dàng lên tận đỉnh núi Chúa... – Anh lẩm bẩm, như nói với chính mình, chỉ đủ cho mình nghe - Thế mới gọi là du lịch, là đi chơi, đi xem, ngắm. Nâng cao sự hiểu biết, thoả mãn nhu cầu thưởng thức cái hay, cái đẹp. Mà cái hay cái đẹp thì vô cùng...
  • Anh nhiều tuổi rồi, lại đi có một mình, đường xa... Phải giữ gìn sức khoẻ.
  • Anh gật đầu. Thế là chị đồng ý cho anh đi. Anh cầm tay chị, buột miệng:
  • Em yên tâm. Anh chỉ đi lần này nữa là lần cuối cùng.
Và anh lên đường.
Khác hẳn mọi lần, chị theo tiễn anh ra tận nhà ga. Chị cẩn thận lên tận toa tầu, đến tận chỗ anh ngồi, còn dặn anh thanh niên đi cùng chuyến ngồi kế bên: Nhà tôi đi một mình, cần mua bán thứ gì anh giúp cho. Lần thứ hai, anh gở miệng:
- Em yên tâm về nhà với con. Anh chỉ đi lần này nữa là lần cuối cùng.
Ấy là sau này, chị nhớ lại mới nhận ra tất cả những điều như có ai xếp đặt từ trước như số phận anh chị đã an bài trước cả rồi. Ngay từ buổi về nhà chồng, chị đã lỡ bước, để tuột chiếc dép phải xuống đò nhặt lên. Có ngờ đâu câu chị nói anh bỏ cửa bỏ nhà, bỏ vợ bỏ con mải vui tận đâu xa, lại là điềm báo trước giờ phút cách biệt hôm nay!..
Cũng may mọi việc nhờ cụ Toàn xếp đặt chu đáo. Cụ Toàn trao đổi với chị:
- Anh ấy đã đến đây thì cứ để ở đây. Nguyện vọng của anh ấy, cũng là cái số, cái duyên với núi Chúa này.
Cụ Toàn cùng mấy người dân làng Mực hạ cây cộc xuống. Những hạt mùn cưa vừa tơi ra, một mùi hương toả thơm ngát. Thì ra một loại gỗ trầm. Gỗ cây cùng đống củi ông cụ dự trữ sau nhà đủ cho một cuộc hoả táng. Đến chiều thì mọi việc chuẩn bị xong. Khi ngọn lửa bốc cao, chị phục xuống, hai tay cào đất đá, gào lên:
-Ơi mẹ ơi, mẹ chẳng thương con, mẹ chỉ thương anh Hoàng thôi, mẹ gọi anh ấy đi với mẹ bỏ mặc con sống một mình, mẹ ơi?
Chị khóc thảm thiết: anh Hoàng!
Đã mấy lần chị muốn nhảy theo vào lửa nhưng bàn tay thằng Hạnh cứ nắm chặt lấy tay chị, chị ôm con vào lòng, nước mắt tuôn rơi.
Ngọn lửa hoả thiêu cháy đượm một ngày một đêm. Suốt một ngày đêm, chị không rời xa đống lửa. Chị nghĩ về đời anh, về những ngày tháng hạnh phúc sống bên anh.
Như biết bao người khác, anh sống giản dị, hiền lành. Anh đã ra trận và khi trở về lại chăm chỉ làm lụng, vun đắp cho làng xóm quê hương. Như ngọn cỏ lá cây anh mọc lên từ đất, làm đẹp cho đất, cho môi trường, giờ đây lại trở về với đất.
Một anh thanh niên dân chài nói:
- Nghe chuyện ông Hoàng, chỉ riêng cái tính ông ham đi du lịch tôi đã rất mộ. Nếu biết sớm, tôi xin cứ để nguyên cây cộc, đưa ba nhát rìu tạc pho tượng. Coi đã con mắt...
Nhưng bà con làng Mực vẫn nghĩ theo nếp cũ. Nhiều người bảo: Chết như ông Hoàng là linh lắm. Rồi ông sẽ phù hộ cho vùng núi Chúa này được mát mẻ... Chị vẫn ngồi đấy, vô cảm. Những câu nói, những lời bàn tán thì thầm như gió thoảng qua tai.
Sáng nay, mẹ con chị xuống núi, trở về nhà.
Thằng Hạnh đi bên mẹ, hai tay bê hộp gỗ nhỏ, trong đựng cốt tro.
Từ biệt núi Chúa, chị dàn dụa nước mắt.
Thế là từ nay, mẹ goá con côi.
Chị ngồi xụp xuống, chấp hai tay lạy cụ Toàn hai lạy, miệng nói:
- Con cắn rơm cắn cỏ đội ơn cụ suốt đời.
Cụ Toàn nâng chị đứng dậy, dịu dàng
- Sao con lại nói thế...
Cụ nghẹn ngào, chỉ tay:
- Con nhìn kìa...
Chị nhận ra dân làng Mực đang đứng rất đông như có ý đợi chờ. Khi mẹ con chị bước tới thì thấy một cái miếu nhỏ dựng ngay trên gốc cây cộc. Miếu dựng sơ sài nhưng đẹp như một ngôi chùa một cột. Bên trong, đèn nến, hoa quả đầy đủ. Chính giữa là tờ giấy đỏ, nét chữ mực đen óng ánh “ Đại Hoàng linh vị".
Miếu thờ anh, anh Hoàng!
Chị quỳ xụp xuống chân miếu. Anh Hoàng ơi, thế là anh toại nguyện nhé. Từ trên núi này anh tha hồ nhìn ra biển khơi, ngắm mặt trời mọc.
Đường xuống núi thấp dần, thấp dần. Trước khi vào đoạn rẽ, hai mẹ con đứng lại một lần cuối, nhìn lên. Vẫn thấy đông đảo bà con dân chài quanh ngôi miếu. Vẫn thoảng bay mùi khói hương vương vấn. Trời trên đỉnh núi chúa vòi vọi, bao la. Có hai người khách nước ngoài đang trèo dốc lên núi cao. Gặp nhau, anh thanh niên địa phương dẫn đường giới thiệu với chị:
- Khách du lịch. Họ bảo nghe nơi đây mở thêm tuyến mới, nhất định đòi đi.

 


Xem Tiếp: ----