Ngôi nhà nằm bên con đường không tên. Nguyên xưa là vạt đất vật bùn lên ven hồ của một xưởng than quả bàng, sau bỏ hoang, đầy bụi gai, cỏ, rác, phân, xác súc vật thối. Con đường lồi lõm hiện ra từ các vệt bánh ô tô chở hải sản sơ tán đến cái nhà kho tạm một thời. Người quanh vùng lần theo, đi bộ tắt sang khu bên kia hồ, nơi có đường lớn gần hơn vào trung tâm thành phố.
Lối nhỏ luôn lép nhép bùn, nước đọng. Những đám cỏ bánh chè, đôi khi còn thấy mấy con cuốc mỏ hồng, chân đỏ, thân đen, ăn lẫn với đám gà nhà. Đường cong như cánh tay ôm dải cúc tần sát cái hồ. Hồ cũng không tên, ba mẫu. Bên cùi chỏ cánh tay là khu tập thể của công ty thủy sản: tám ngôi nhà hai tầng, xuân và đông nồm, nom như tám con tầu cũ rẽ sương, khói bếp mù mịt. Dải cúc tần lắm dây tơ nguyệt, mùa xuân nhả mớ tóc vàng óng phủ trên mầu xanh đông đã già.
Ngôi nhà quay lưng vào đầu hồi một nhà tầng, mặt ngoảnh đón gió hồ. Nhà rộng bẩy chục mét vuông, lợp lá gồi, xưa là kho tạm chứa cá khô, nước mắm từ ga Giáp Bát về. Hết chiến tranh, kho không cần tới. Cỏ dại mọc xóa vệt ô tô, chỉ còn vệt đi bộ. Rồi người quay lại Hà Nội như kiến, công ty nhớ tới cái kho bỏ quên hai năm, cải tạo lại, lợp tấm Hy po, quét vôi vàng, ngăn thành ba phần không đều cho ba hộ.
Thật bất ngờ, ba chủ dọn đến đều là vợ chồng mới cưới. Một tuần, đám phụ nữ đã tường gần hết lý lịch của nhau. Tôi, thương binh phục viên, cán sự ba, phòng bảo vệ công ty, ở gian giữa. Vợ chồng anh Phạn bán lòng lợn tiết canh, cô vợ tên Xuân, con gái lớn của bà phó phòng tổ chức ở chái hữu. Vợ chồng anh Thủ, chị Huyền, cán bộ kiểm nghiệm công ty ở chái tả. Hộ cô Huyền rộng gấp rưỡi hộ của tôi và Phạn. Lý do giản đơn là nó có sẵn bức ngăn gỗ, xưa là nơi thủ kho làm việc.
Được chia nhà là diễm phúc rồi. Mè nheo hơn kém vài thước vuông làm gì!
Sự giống nhau của ba hộ là ba cái cửa vào đều loại gỗ tạp, bản lề sắt luôn kin kít và hở toắc trên, dưới, đón gió hồ lồng lộng thổi. Không có gió hồ thì thật không thể nằm trong cái nhà trần thấp lợp xi măng tấm bắt nhiệt như hun ấy. Lại mùa đông, khi gió heo may về, những ống tre hu hú đón gió và bụi đất lả tả bay từ vách tre trộn bùn rơm ngăn giữa hộ tôi và hộ Phạn. Trời nồm, tường sau và trước nhiễm mặn cá khô, tưa nước đọng thành hột, tỏa mùi khăm khẳm, khó thở. Trần bưng bằng cót, kín mà hở. Mùi của ba nhà, tiếng động cứ thông thống từ hộ này sang hộ kia.
Chủ nhật, vợ chồng tôi hì hục dán giấy báo lên biên giới phía trái để che bụi. Phía phải vang lên tiếng đóng đinh cồng cộc, chan chát. Tôi đoán, anh chàng rể của công ty mới đi tây về, sẩm chiều qua, da trắng nhễ nhãi phá hòm gỗ, sớm nay chắc làm xong gác xép, thừa gỗ gia cố biên giới giữa hộ tôi và anh cho vững chắc.
Buổi sáng tuần thứ hai đi xếp hàng lấy nước máy ở đầu nhà A3, gặp ngay Phạn. Hắn đang rửa cái thùng to còn dính cáu mỡ lòng và tiết lợn.
- Chào ông bác! Gớm làm gì mà chèn chắn ghê thế. Để hổng ra một tẹo cho thoáng. Đã bó rì rì các bố lại thi nhau bưng thêm. Đứa đếch nào nghe tiếng phì phò! Em cũng như bác, lúc mải cái ấy thì để ý đến ai.
Phạn bán tiết canh lòng lợn chợ cóc(1). Gã vừa nói vừa đổ òa thùng nước đầy bọt mầu hồng lênh láng khắp mặt đất. Mắt nháy với tôi nom vừa trải vừa bất cần.
-ấy, mình che chắn gì đâu. Bụi quá!
-Nói là nói thế thôi, chứ ông bác có đổ tường xi măng em cũng kệ. Phía em căng cái nilon xanh vừa dịu vừa cách âm hết xảy! Ông bác đi tây hôm qua mới lấy hòm về. Bốn năm cái Kích (2), một đống hàng như núi. Tiên sư! Các bác sướng thật! Chả đầu tắt mặt tối như cánh em!
Tôi không dám trả lời câu chủi đổng bất ngờ ấy. Tủm tỉm cười và lấy thùng nước quẩy nhanh về: “Tớ cũng như ông thôi!”. Phạn có thể nhìn dáng cà nhắc của tôi mà đoán ra điều gì, chắc thế, ái ngại mời với: “Em nói cái bác Thủ thôi! Bác xá cho! Chủ nhật này rỗi, tối, ông anh sang em làm chầu tiết canh nhé. Đừng khách khí ông bác ạ. Trước lạ sau quen!’’
Điều mà Phạn vạch ra trần trụi ấy là có thực, nhưng mà không đáng lo. Bởi vốn hay e thẹn nên vợ tôi nhất quyết bất động trong thời gian khi mấy nhà mới đi nằm. Chúng tôi thường rón rén yêu nhau lúc gần sáng. Khi ấy chỉ có tiếng chuột chạy, tiếng gió đưa sáo trên các lỗ tre, tiếng thở, ngáy đều đều của bốn đứa người ở hai hộ bên.
Mọi sự hoạt động của ba hộ, sau ba tuần chúng tôi đã thuộc làu lịch ăn uống, khẩu vị từng bữa, sinh hoạt, yêu nhau. Tất cả như một mùi hỗn tạp song vẫn phân biệt được, nhất là mỗi chiều chủ nhật, ba nhà cùng nổi lửa. Mùi tỏi xào thịt bò của anh Thủ, mùi rau muống xào tóp mỡ của vợ tôi hòa trong mùi rượu đế thơm nức với tiếng mỡ sôi lép bép, béo tanh khi nhà Phạn rán cá.
Mùa hè năm ấy, gió quật từ hồ đem theo cả mùi ngai ngái và hơi tanh của bèo tây và bọt khí lòng hồ. Tôi thường đọc sách tới khuya bên vách đất. Vợ tôi đã lăn ra ngủ, thở đều, đôi chân trắng nõn của nàng gác lên bức ngăn gỗ.
Tất cả quen dần như vậy. Nó cũng giống như ta thở hít thứ không khí làng quê. Hương làng sống ăn đời ở kiếp bao đời với đa số người việt Nam, nhưng chẳng ai để ý. Khi ra thành phố, vẫn nhơ nhớ một cái gì đó, thiêu thiếu cái gì đó, xưa ẩn dấu trong vô thức, nay có dịp, hong hanh nhớ ra, gợi về cái làng xa kia mà chẳng nhớ rõ mùi gì.
Tuần thứ tư từ khi lấy nhau, vợ tôi ghi một dấu thập to vật trên tờ lịch. Mới chín giờ tối, mà hai nhà bên đã tắt đèn. Tôi đành tắt đèn trần và bật cái đèn ắc quy vẫn dùng khi mất điện.
-Trời nhiều mây, gió nhẹ, nhiệt độ từ 18 tới 25 độ.- Tôi tắt vội đài.
-Tiên sư mấy con phò bán trứng(3). Bảo mấy lần rồi mà nó cứ chèn ngang vào đầu hàng nhà mình.
-Ngày mai anh sẽ bảo nó. Thôi, lại đây! Anh chúa ghét cái thứ khuy cài. Mai anh lên Hàng Đào mua cho em cái loại mới về của Thái! Mềm và đẹp lắm. Sờ vào, mát cả tay!
-Rõ dơ! Tay gì như hòn than thế!
-Gớm…có tiếng khúc khích rồi yên một lát.
Tôi cố tập trung cúi xuống đọc tiếp giáo trình thương phẩm để khỏi mang tiếng là nghe trộm.
-Anh yêu em như thế nào? Có tiếng rất nhẹ từ chái phải vọng sang.- Tiếng Huyền!
Tôi bịt tai lại. Đầu ong ong mà vẫn nghe tiếng rinh rích của bầy chuột đùa chơi trên trần nhà. Bịt tai mới được muơi phút phải bỏ hai ngón tay ra. Khó chịu quá!
-Mùa đông bên kia lạnh lắm. Tuyết trắng xóa. Anh ở nhà một mình ngồi nghĩ tới em!
-Nói dối!
-Thật đấy, đóa hồng của anh!
-Ai tin ma ăn cỗ?
-Nhìn trăng kia kìa. Có nó chứng giám cho anh!
-Bây giờ của anh rồi, ván đã đóng thuyền. Còn yêu thế không?
-Hơn chứ, Cưng ơi! Anh yêu em bằng cả trái tim chỉ dành cho em!
Tôi chợt nhận ra, trăng lên thật. Tia sáng loang loáng như lưỡi kiếm màu vàng chém xéo qua khe cửa xuống vạt chiếu vợ tôi nằm.
Có tiếng gì chun chút như tiếng mở cái giác chữa cảm khỏi da thịt, như mút bóng từ miếng bóng bay vỡ, vọng từ chái phải. Lại nghe: “Anh thích trai hay gái?”
-Trai gái đều được tuốt! Gì cũng thích.
-Em thích con trai!
-Anh cũng thích con trai!
-Em thích con gái!
-Thôi, gái trai như vậy cả. Đấy! Con gái nhe´! -Có tiếng thở. Tiếng cựa mình. Rồi tất cả chìm trong im ắng như tuyệt đối. Một lát lại nghe tiếng sột soạt của áo quần. “Ngày mai anh còn đi lên viện, có cuộc họp rất quan trọng! Thôi, ngủ đi cưng!”
Gió đêm nổi lên. Đập vào chỗ trần nào kẹp không kỹ, dập lên dập xuống. Hình như có tiếng thổn thức. Hay là gió?
Buổi sớm hôm sau tôi ra chợ. Đám hàng rong bán rau và trứng bầy lấn ra hết cả lối đi. Mới sớm mà trời oi lạ. Những người ở ngoại thành kéo ra bán rau tự sản từ tinh mơ, những người buôn từ chợ rau Mơ cũng đã qua nhà tôi rình rịch từ khi trời còn tối. Cái chợ bé mà chẳng thiếu gì. Tôm cá từ mạn Đuôi Cá còn tươi đành đạch trong các thùng sơn hay trên mẹt. Rau, dưa, hành, thơm, đủ cả. Quầy bán tiết canh lòng lợn ngay đầu chợ. Họ không trông thấy tôi. Tôi nhìn thấy Phạn thoăn thoắt thái lòng cho vợ anh xếp lên đĩa. Mùi cháo dăm hành phả ra thơm ngậy. Tôi nín thở. Tôi quay mặt đi vòng nhanh trốn chạy cái mùi hấp đẫn. Cồn cào! Tới chỗ bán đậu phụ còn nghe tiếng Xuân lanh lảnh: “nhà em hãm tiết bảo đảm, nước luộc lòng sôi trăm phần trăm. Các bác có chén tới ễnh bụng cũng vô tư đi!”
“Tổ sư con kia, ông đã bảo không quang thúng chềnh ểnh chỗ đấy cơ mà. Đổ xe của khách ông bảo” Tôi quay mặt đi. Giọng Phạn! Có tiếng cười nồng khùng khục của ai đó. Tiếng ai: “em đi đây, em đi đây!”

*

Tháng sau, phòng quản trị công ty cho người tới chuẩn bị mắc nước cho ba hộ chúng tôi. Người ta đo đạc sau nhà và quyết định đào phía sau một cái hố, xây bể nước. Công việc chẳng cần sự có mặt của tôi nên tối về mới biết công trình ngày mai khởi công. Phạn chạy sang nhà Huyền rồi quay sang nhà tôi: “Anh em ta mỗi người bỏ ra năm ngàn bồi dưỡng thợ. Chúng em tính giá lòng mua, đắt là hai lít chính hiệu Con Nai Vàng(4) nếp lủi. Thôi thì cho bọn nó nhờn mép một tí, không mai bể nước lại rò rỉ thì chết cả nút.” Vợ tôi lấy tiền đưa Phạn. Gã cầm tiền xỉa vèo vèo. Xong! Phạn cười, mùi rượu phả vào tôi: “Giầu mà kiết, anh ạ. Nó tưởng em lợi dụng chém nó, hỏi đi hỏi lại mấy đồng bọ, như thanh tra không bằng. Em cần đếch gì mấy cắc đểu(5) của nó”.
Nửa tháng sau bể nước xong. Cái bữa xả nước hồi hộp như đào vàng. Dòng nước trong vắt lừ đừ dâng lên trong bể. Cô Xuân, cô Huyền chốc chốc lại ra ngó xuống. Phạn và tôi xúc đất, than xỉ làm một cái nền quanh bể. Từ nay chúng tôi đỡ chen chúc tranh nước quanh cái vòi công cộng. Cám ơn công ty. Công ty muôn năm! Phạn tự nhiên hô to như vậy, gã nằm lăn ra đất, sau khi dội ào ào liền mấy xô nước lên cái thân hình khi nào cũng ám lòng lợn và mùi rượu.
Vợ tôi dọn một mâm cơm đậu phụ và đĩa thịt vịt ra chiếc chõng kê ngay đầu hồi nhà Phạn. Dù đã mời gia đình cô Huyền trước, nhưng cô Huyền cười cười từ chối: “Các bác cứ tự nhiên xơi, chứ nhà em hôm nay có hội nghị đã ăn cơm rồi“. “Cán bộ có khác, suốt ngày đi họp, lại đỡ cơm nhà!“- Xuân nói.
-Gớm! Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì cứt. ấy, em xin lỗi bác!- Phạn nhìn theo cặp mông căng lẳn của cô Huyền tấm tắc cái quần hồng cô đang mặc để nhận một cái véo rứt thịt của vợ.
Đêm ấy thực là dễ chịu hiếm có. Gió phe phẩy, nhiệt độ chỉ 18 độ. Tôi nằm xuống cứ thao thức mãi, có thể vì quá chén chăng? Trăng mười bẩy và ánh sáng của muôn ngàn tinh tú loang loáng qua các khe hở phía trước nhà. Tiếng đồng hồ rí rách, chậm và thong thả thế!
-Lần này thì trúng thật rồi anh ạ.
-Nói thật chứ!
-Tiên sư đứa nào lừa anh!
Tôi giật mình nghe tiếng ré lên ngẹt trong họng của Phạn sau đó. Tôi trả vờ ho đánh tiếng. Có tiếng đấm bùm bụp vào da thịt chắc nịch. Yên ắng một lúc, lại nghe:
-Anh yêu em không?
-Yêu!
-Yêu thế nào?
-Yêu đéo chịu được!
-Thật không?
-Đ…mẹ thằng nào nói dối!
Tôi thiếp đi sau tiếng rúc rích, tiếng chân chuột vẫn chạy trên tấm trần cót.
Tôi không hề biết rằng gần sáng hôm đó vợ tôi cũng trúng, bắt đầu có trong người một mầm sinh linh. Sự kiện phải hai tháng sau mới xác định được. Ba tháng sau, vợ cho biết tin ấy, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì mình sẽ có con. Lo vì cuộc sống thế này, hai miệng ăn với lương lậu chỉ đủ chi hạt tiện, nay mai thêm trẻ, nuôi nấng ra sao? Tôi không dám nói điều băn khoăn ấy cho vợ biết. Còn vợ tôi thì hớn hở khi thấy nụ cười của tôi trong đêm. Chưa gì nàng đã dự kiến tương lai của cái hoa mới vừa hong noãn. Nào là đi học trường y, trường nhạc, nào là sẽ may cho nó đồ màu xanh; nào là đi học bách khoa hay trở thành nhạc sỹ? Đàn bà trẻ bao giờ cũng lãng mạn như bọn thi sỹ ấy, còn khi đã có con, trăm công ngàn việc, họ có còn vậy không? Tôi không dám cười, lặng kéo vợ vào lòng, nhìn nước mắt vợ cũng lặng ứa và chợt nhớ bao nhiêu mộng ước trước chiến tranh tôi từng có.
Câu chuyện của chúng tôi nói nhỏ thế mà sớm ấy Phạn nghe thấy. Phạn chả hay dậy sớm uống trà rồi đi lấy lòng và tiết từ ba giờ. Vài tháng sau, khi thau bể nước vì con chuột nào ngu ngơ sểnh chân, chết nổi lềnh bềnh, Phạn khoe: “Vợ em cũng có rồi. Ba tháng! Mẹ em sờ bụng, xem tóc gáy bảo: con trai! Vợ chồng anh thì mong cháu đi học này, học nọ chứ con em chả cần học gì hết. Chỉ cần biết đếm là đủ! Đếm không nhầm là đủ. Con trai cho học hết lớp năm, biết đọc báo. Con gái thì ở nhà giúp mẹ thái lòng, đếm tiền! Hết!”
Phạn nhoẻn miệng cười rồi vỗ vai tôi. Nụ cười của gã ngoắc tận tai, nom vô tư và rất thiện cảm. Nụ cười ấy xóa hết những nét rất sắc cạnh ở khuôn mặt phong trần của gã. Người ta, khi cười rõ hình thiện và ác, có phải thế chăng mà tôi quên đi hết nét mặt vốn dĩ chờn chợn của gã, giữ lại nụ cười ấy suốt bao nhiêu năm phiêu lạc sau này của mình. Bàn tay gã nặng và ấm đặt lên vai tôi. Tôi nghĩ, Phạn không đùa.
Mùa thu năm ấy đến sớm hơn mọi năm. Không gian trước nhà chúng tôi như rộng ra khi gió trở mình đùn hết bèo từ mặt hồ bên này sang bờ bên kia. Vợ chồng tôi cuốc đất, dọn bụi trồng rau ven hồ từ đầu hè. Thu tới, rau muống vừa cằn thì cải lên xanh. Nom rất mát mắt. Thấy vậy, vợ chồng Phạn cũng xí một khoanh. Cô Huyền cũng xí một manh, chạy dọc tới năm chục mét, rào kỹ mà chẳng trồng xới. Vợ chồng Phạn không mát tay, rau cải của họ chưa kín luống đã vàng. Bù lại, mấy hàng ớt của họ rất tốt. Xanh mướt và cho trái ngay. Phạn bảo, gã bứng cả gốc từ nhà bạn nên lạ đất và lắm phân gà mà như vậy, chứ chả giỏi giang quái gì! Con người em như ớt ấy, càng lạ càng tốt, nhiều phân rác càng hay! Lạ là cái gì nhỉ? Tôi chẳng biết gã muốn nói gì. Hắn lại bảo, hơn ba chục tuổi mới biết cái sở trường của hắn là chọc tiết và hãm tiết! Ông anh biết không, thọc con dao vào cái cổ mũm mĩm trắng toát để máu phun ra chói lòa ấy mà, chuyện ấy đâu có giản đơn. Phải biết! Phải xử chính xác lưỡi dao, không run tay, chệch hướng, chọc một cái là đứt màng trên, dí cái thứ hai là trúng tim. Tiết chảy hết, không đổ màu tím và không có một tiếng kêu. Đấy là nghề! Nghe gã nói mà rởn người.
Những khi rau rộ, chúng tôi tỉa vài cây tươi roi rói chia cho hai nhà. Đúng là chúng tôi bắt đầu già trước tuổi, hay là khó khăn mà thấy vui vui bên luống rau. Những câu chuyện bên cái vườn ấy lan man đủ thứ. Tôi biết thêm việc Phạn cũng từng ở lính. “Ông đừng nhìn tôi bây giờ mà đánh giá nhé! Tôi từng là học sinh giỏi, chẳng khi nào chịu tổng kết các môn tự nhiên dưới điểm 9 đâu!” Phạn mở màn với câu như vậy.
Phạn vào Bình Trị Thiên hai năm, đánh dăm trận rồi bị thương, ra Bắc điều dưỡng. Cả năm, anh đi xin việc khắp nơi mà không có công sở nào nhận. Sau nhờ bạn đồng ngũ, làm ở lò mổ dạy cho nghề tiết canh lòng lợn, lại tìm cả mối bỏ hàng. Phạn kể “Gia đình tôi gốc ở Nam Hà. Hai đời các cụ kỵ đều đỗ đạt, làm quan cho triều Nguyễn. Đời ông cũng bằng tây, chữ ta đủ cả. Tới đời bố tôi thì ruộng nương cũng chẳng còn mà cái sở học, tiếng tây, những sự biết của ông về Hắc Sơn, Man, Chu Chi, Hê Min Uê(7), đại loại như vậy, trở nên thừa thãi. Chẳng kiếm đủ cơm ở Hà Nội, bố mẹ tôi lên Tuyên Quang khai hoang rồi lại xuôi Hà Nội. Xoay đủ thứ, sau chuyển làm hộp giấy gia công, rang xay cafe. Khi sinh tôi, mẹ tôi chỉ muốn tôi sau này đủ ăn nên đặt tên tôi là Phạn. Phạn là cơm. Mẹ tôi nói vậy. Người ta đói thì cần cơm. Cha mẹ tôi trong loạn lạc triền miên, nên giản đơn mong tôi có ăn là đủ. Các anh chị tôi tên đẹp lắm, nào Hùng, nào Lan, Ngọc. Chuyện tôi lấy vợ là duyên số. Tôi quen cô ấy trong một lần đi xem phim ở Tháng Tám. Gặp người ta gây gổ với nó. Tôi can thiệp. Sau đó nên vợ nên chồng. Vợ tôi như miếng mỡ gầu, ngu hơn tôi một chút. Cô học chỉ hết cấp hai. Cái thời sơ tán, đạn bom, đi theo mẹ lang thang suốt trên những chuyến giao hàng. Nồi lành úp vung lành, méo úp méo. Chúng tôi hợp nhau. Trời cho lộc thì chả mấy chốc tay dao tay thớt mà có của ăn của để!”
Đêm ấy tôi nằm nghĩ lại chuyện Phạn. Cái tên là lạ của anh ấy cũng có cả một lịch sử dằng dặc của mấy đời. Đời phức tạp quá hay con người ta trót mơ mộng nhiều nên khi vỡ mộng thì quay lại thực tế với những điều giản đơn nhất? Lạ thật, có còn xứ nào cái tên cũng cõng theo thân phận, ước mơ của một kiếp đời không?
Vài lần, khi cả bọn đang làm vườn, tôi thoắt trong thấy bóng anh Thủ nhìn chúng tôi qua cửa sổ. Cái nhìn rất khó hiểu, gật đầu chào nhau mà tôi vẫn thấy có gì đó không cắt nghĩa. Sao anh ấy không trồng hái gì nhỉ? Tôi tự hỏi khi cô Xuân và vợ tôi vừa nhổ cỏ vừa thì thào. Họ thương cùng kiếp đàn bà mà sao chị Huyền vợ Thủ chưa có gì. Phạn cười phá lên: “Các bà lo bò trắng răng. Tại giống đấy. Bọn tôi lực điền, giống xịn. Còn nó giống phò. Không tin để tôi thử một phát. Lách trái con gái, lách phải con trai. Trúng ngay!” Xuân đứng bật dậy, tát liền vào má chồng: “Tiên sư cái thằng dê!”
Tát rõ mạnh. Ten tét hai ba cái liền, thế mà Phạn chẳng né tránh, còn cười như phá. Tiếng cười thia lia trên mặt hồ có làn sóng lao xao.
Chúng tôi cứ như thế, như thế sống.
Tôi bước vào năm cuối cùng tại chức nên rất bận. Tuy nhiên vẫn phải chuẩn bị vật chất cho đứa con sắp chào đời. Tôi đi làm thợ hồ, thợ chụp ảnh đám tang, đám cưới, làm điện trong tất cả các ngày chủ nhật, cả ngày lễ, tết. Vợ tôi năng lên bà ngoại lấy tóp mỡ, dưa, thịt kho, cá kho. Vợ chồng Phạn thì xoay ra mua lợn tự mổ, bán kèm thịt. Có hôm, không mổ ở nhà chủ lợn, Phạn đèo lợn bằng xe đạp về chọc tiết ngay đầu hồi. Hắn làm thế nào mà không có một tiếng kêu. Sáng ra, thấy vệt máu mới biết đêm qua hắn làm lợn ở đó. Tôi bảo, ông khéo thế! Gã hiểu ý tôi cười: “Sợ làng xóm mất ngủ thôi, còn mấy ông bác thuế vụ, có phần cả rồi!”
Vợ chồng anh Thủ vẫn đều đều đi làm. Mỗi sớm, anh dắt xe máy qua cửa nhà thấy tôi gật đầu chào. Bây giờ anh để bộ ria đen nhẫy, cặp kính râm vừa khuôn mặt màu xám nom rất hợp. Mắt luôn nhìn thẳng như chưa bao giờ trông thấy chúng tôi. Tôi nghĩ, mỗi người có một cá tính và sống bên Tây rồi nên như thế. Nhưng Phạn thì phản ứng ra mặt. Một lần đụng nhau ở chỗ bể nước, Thủ vụng về để rơi thùng múc nước xuống mà không sao lấy lên. Phạn nhổ nước bọt ra dáng khinh bỉ, đu xuống lấy hai chân khều cái dây lập lờ lôi lên. Thủ không nói gì, mặt hơi tái, xách xô nước đi về nhà không ra nữa. Cô Huyền ra kín nuớc thay chồng. Phạn múc nước giúp Huyền, lại xách cả hai thùng về để ở đầu hồi nhà Thủ. Không hiểu sao Phạn hay ác cảm với Thủ như vậy?
Sau tết, qua xuân, sang hè, cái bụng vợ tôi cao lên bao nhiêu thì công việc chuyền sang tôi bấy nhiêu. Vợ tôi yếu, người vàng nhớt. Cô ấy chẳng chịu ăn, hơi trở trời là kêu mỏi, đau. Vợ Phạn thì không như vậy. Chị quần quật từ sáng tới tối mịt như chưa từng có chửa. Cái bụng ưỡn ra phía trưóc, bước chân khuỳnh khoàng nhưng vẫn thoăn thoắt đi trước gánh lòng, thịt chồng gánh. Đúng là trời sinh ra mỗi người một phận. Chúng tôi thường an ủi nhau rằng có con thì hạnh phúc phải trả giá, thêm vất vả, neo bấn. Cô Xuân đôi khi e ngại nhìn vợ tôi rồi lại bảo: “Sướng chán, nom con Huyền kia kìa, có cái đéo gì để sướng như tụi mình đâu!” Lời thì thế, nhưng mặt ngó không có ý ác. Vợ tôi nhăn nhó cười.
Tháng tám vợ Phạn sinh trước. Một thằng con trai rõ to khỏe, bốn cân hai, chân tay mũm mĩm, mắt đen nhìn lơ láo, miệng đỏ tươi như múi quýt hồng. Tôi hỏi Phạn, đặt tên con là gì? Phạn bảo: ‘‘Tiến! Tiến lên ông ạ!’’
Hồi ấy, Hà Nội chưa chơi Tá Lả, mới có trò Tiến Lên. Giá có Tá Lả thì chắc Phạn đã đặt tên con là Tá.
Vợ tôi vật vã hai ngày hai đêm trong bệnh viện Bà Mẹ Trẻ Em. Mụn gái chưa đầy ký rưỡu, ủ trong lồng kính, chân tay đầy lông như con chuột con, nom rất thương. Phạn chắc cũng như tôi chỉ mong mọi việc xong là về nhà với con. Khuôn mặt người ta có hạnh phúc là biết ngay, lúc nào Phạn cũng tơn tớn. Không biết nom mặt tôi có thế không?
Sự thật là như vậy! Nhưng bên niềm vui dễ cảm nhận ấy thì Phạn rất vất vả trong mỗi phiên chợ mà chỉ có mình anh. Tôi thì khỏi phải kể. Ai đã từng có con ở cái thời bấy giờ, cái thời mà mua một hộp sữa, một lạng sườn nấu cháo cho trẻ cũng phải cân nhắc, đắn đo mãi, phải nhịn ăn, nhịn tất cả mọi sở cầu vật chất, tinh thần của người lớn như thịt tươi, xi nê. Sự ấy, cho tận tới khi con gái tôi biết đi, biết chạy và đến lúc bẩy tám tuổi, chúng tôi chưa hết vất vả vì cháu luôn đau ốm. Tim dị tật, bẩm sinh, phản kháng rất nhậy với đủ mọi thời tiết. Sau, do tiêm gì đó động huyệt, chân cứng nhắc, đại tiện đứng rất tội! Không khí trong nhà luôn căng thẳng, nhất là những ngày nóng bức mà con khóc ngặt nghẽo, mềm lả trong tay người vợ tôi.
Có thể tất cả những điều ấy đã làm cho một thằng tôi, một người quen với cuộc sống 12 năm ở lính, chỉ quen chấp hành mệnh lệnh, nay trở nên một người hết sức lúng túng chăng? Đi bộ xuyên rừng tốt, kiếm rau rừng tốt, kinh nghiệm tìm nơi ẩn giấu, giữ cái mạng mình tốt, nhưng chả biết gì ở cuộc sống một cặp vợ chồng phải mềm mại giải quyết những khó khăn khi rơi vào hoàn cảnh mà tôi kể trên. Tôi trở nên thường xuyên cáu bẳn vô cớ. Vợ tôi cũng hết cả sự dịu dàng của cô kỹ sư trẻ vừa ra trường. Cả hai kẻ chẳng đứa nào xấu, nhưng ngô nghê trước cuộc sống gia đình vốn chả giản đơn. Sau này nghĩ lại, tôi vừa xa xót vừa ân hận. Nhất là nghĩ tới vợ tôi, người suốt cả thời gian ấy phải chịu đựng quá nhiều, việc cơ quan, việc nhà, việc con cái ốm đau. Song thường là, người ta có gục xuống, thì mới nhận ra điều đã mất. Đã mất đi thì cái gì chứ tình cảm như con chim sổ lồng đã vụt bay mất rồi.
Chúng tôi cãi nhau về những điều rất lặt vặt trong đêm. Từ chuyện tôi hút thuốc nhiều; chuyện đi hôm về tối chẳng buồn nhắn một câu; chuyện sao nhà bừa bộn thế, đến cái đầu tôi luôn hôi, bốc mùi trong căn buồng hẹp! Tất tần tật! Mọi sự cứ sinh sôi, chất đầy, nèn chặt trong cái hộ vốn hẹp tí của chúng tôi. Tháng, năm, những giọt nước mắt khô đi để lại khuôn mặt lầm lì và nặng chình chịnh của vợ cả mỗi khi cơm nước dọn ra; có khi bất ngờ không duyên cớ, những tiếng bát vỡ tan tôi ném vào cái cửa đầy những khe hở. Trong khi đó, cuộc sống của vợ chồng Phạn, Xuân vẫn hùng hục như ngày nào, vất vả hơn, nhưng thực là thứ cây hoang dã bất chấp mọi thời khí, để những khi Phạn dậy muộn, chúng tôi phải nghe một câu chửi rất chói tai của Xuân:
-Trời ơi, Đéo mẹ nó chứ, bảnh mắt rồi mà bố con nó còn ôm nhau ngủ như chó thế kia?

*

Khi đứa trẻ đầu mới chập chững biết đi thì vợ Phạn lại chửa. Công việc đòi hỏi cần có người giúp đỡ. Lúc sinh con đầu lòng, mẹ Xuân tới, hai tháng quần quật giặt tã đỡ đần Phạn. Lần này Phạn dứt khoát không muốn mẹ vợ vất vả. Sáng xuống nhà, chiều ngược vào phố. Bà ngoại già rồi, phải ngơi chút xíu chứ! Phạn bảo vậy.
Một cô gái thôn Linh Cầu, đang tuổi xuân thì, em họ Xuân, tên Phượng. Tóc dài mượt đến ngang lưng. Hai tháng trời ra Hà Nội ở nhà trông cháu, không mưa đồng, gió bãi, trắng ra, mắt luôn lấp lánh, đôi má mơn mởn như rắc phấn.
Có người giúp việc, quán xuyến, tháo vát từ trông cháu tới cơm nước, vợ chồng Phạn rảnh rang đan tay làm ăn. Mà đúng khi ấy, Hà Nội đang rộ cao trào nhà nhà nuôi lợn, nên công việc giết mổ, tiết canh rất thuận. Phạn bận bịu lắm, quần quật suốt tháng, suốt năm, nhưng vẫn phởn ra hơn cả hồi mới lập gia đình, lại bớt say ngất ngư. Một bữa Phạn sang tôi bảo, sao vợ chồng tôi không thêm một nhau. Cho có lứa! Cho chó có đàn! Tre ấm bụi!Như cách nói của Phạn. Hắn cười hoắc cái miệng khi ghé tai tôi: “Hay máy ông anh tịt rồi?”
Phạn thừa sức biết gia đình tôi khó khăn ra sao, nhưng điều hắn không thể biết là tôi đã rất nhiều lần phải tự dày vò với mình khi công ty mở chiến dịch giải toả hàng, điều cán bộ bảo vệ đi áp tải. Chỉ cần phẩy tay một cái, trút ngay vài can nước mắm là có mấy tháng lương. Sự hao hụt vài chục lít nước mắm sẽ được bù trừ dễ dàng bằng nước ruộng. Nhưng tôi không sao làm được cái điều giản đơn ấy. Can nước mắm trở nên nặng như buộc đá mỗi khi định xách nó xuống xe dọc đường. Hay, vì công việc chuyên môn, những lần lập biên bản, giáo dục những người ăn cắp hàng hóa níu tay tôi lại; hay từ điều xa xôi nào, ẩn tàng một cái nhìn như quở trách con người thực tại của tôi khi ấy. Ai nhìn tôi? Mắt vô hình! ở đâu, từ đâu nhỉ? Tôi cũng không tự lý giải ngọn ngành mà chắc Phạn càng không biết. Hay là hắn biết mà không thèm nói, vì có lần thấy tôi đăm chiêu, hắn bảo: “Các ông là hay phức tạp lắm. Đời rắc rối quá rồi, cứ để nó thiên nhiên!(8) Nghĩ nhiều là tổn thọ!”
Vợ chồng Thủ, Huyền vẫn chưa có con. Tôi ngửi thấy mùi thuốc bắc đủ loại thơm phức bay sang nhà tôi. Tôi luôn nhìn thấy khuôn mặt đã buồn buồn lại buồn hơn theo năm tháng của Huyền. Anh Thủ vẫn qua cửa nhà tôi mỗi sớm. Cái Mu Kích đã thay bằng chiếc xe Hon Đa đầu bằng máy cộc, long lanh giọt lệ (9), nhưng khuôn mặt thì chẳng đổi, vẫn là cái gật chào rất lịch sự, bộ ria nhẵn nhụi và kính nâu nhạt.
Năm ấy hay mất điện. Mất điện thì ngày cũng như đêm. Ngôi nhà của chúng tôi biến thành lò thiêu. Riêng chái nhà Thủ ở hướng Nam, lại có bóng cây lớn phủ lên và Thủ trổ thêm cửa rộng đằng hồi, nên rất mát. Buổi chiều, bên hồi ấy trẻ con hai nhà hay làm sân chơi. Phượng cũng bế cháu ra đó cho uống sữa, ăn bột, hóng gió.
Tháng bẩy, Cô Huyền đi dưỡng bệnh trên Tam Đảo một tháng theo tiêu chuẩn công đoàn. Chắc ở nhà buồn, chiều nào anh Thủ cũng ra chơi với trẻ con. Nom người vậy mà dỗ trẻ còn tài hơn cô Phượng. Anh bế con Phạn rung rinh trên tay, cười nắc nẻ. Tôi nhìn ra chợt thấy thương anh. Căn hộ chật ních tiện nghi, lương lậu đủ chi, lại thấy anh luôn có khách tới mua bán đồ phim giấy, chắc kiếm ăn được. Thế mà anh chưa có một đứa trẻ! Nom đôi mắt và cái miệng có ria xanh kia nựng trẻ tươi ron rón, chắc cũng thèm một mụn con?
Cuối tháng bẩy, trời chợt đổ cơn mưa chiều bất ngờ. Cô Xuân từ chợ đội mưa về lấy thêm nước mắm, thấy dãy quần áo chưa kịp rút, ướt sũng trên giây phơi. Xuân ngó vào nhà chẳng thấy cô em đâu. Linh tính thế nào, cô đạp mưa, chạy xô cửa nhà Thủ. “Con em tớ còn ôm cháu. Mặt gục xuống. Thằng khốn nạn đã cởi hết khuy áo của con bé dại dột. Thền lễn vú vê, hêu hếu cả rồi. Tớ điên hết cả người, chả kịp nói gì, lao vào giật con và tát ngay một cái lệch mặt thằng khốn nạn.” Hai tuần sau Xuân vẫn kể hệt như vậy với vợ tôi.
Đêm ấy tôi tưởng tượng lại câu chuyện qua lời thuật của vợ. Tôi thấy Thủ mặt tái với vệt tát đỏ, cúi mặt xuống. Thấy tiên nữ làng quê của tôi hới hải ôm áo đội mưa chạy về nhà. Thấy Xuân chạy ngược ra chợ báo tin dữ với chồng mà Phạn mặt tím lại nhưng vẫn bình thản thái thịt xếp lòng. Tôi nghĩ Phạn sẽ vác dao xông vào băm cho Thủ mấy nhát. Nhất là vợ anh cứ sấn sổ quát: “Bỏ dao thớt đấy cho tôi, về cho nó biết thế nào là mỡ chài với mỡ khổ!”
Vậy mà im như thóc. Tối ấy, Phạn vẫn sang tôi uống trà nhưng lầm lì, không hé răng về chuyện đã xảy ra.
Mưa chiều làm nhẹ không khí cho vợ chồng tôi ngủ thiếp từ chín giờ. Có lẽ hai giờ sáng, tôi chợt tỉnh vì tiếng thì thào từ nhà Phạn vọng sang: “ Tôi nói như thế đủ rồi. Đàn bà như cô biết đéo gì!”
Có tiếng thút thít. Không biết Xuân khóc hay cô Phượng khóc. Lại nghe.
-Em cô vú vê nòn nõn như thế, làm đếch gì không có đứa thích. Nó chưa tụt quần em cô là may rồi. Xử như cô chả ra sao, lại tan nát hết! Lỗi ở con mả mẹ kia nữa. Con gái phải biết giữ mình. Các bà, cái gì chả đổ tội dâm ô trụy lạc cho đàn ông! Đàn ông, đàn bà đều là đàn. Còn thằng Thủ, tôi có cách của tôi. Sao cho nó sợ mà lại biết rõ bộ mặt nó, cho nó biết rõ cái mặt mình. Khóc gì nữa. Ngủ đi, mai còn chợ. Con Phượng muốn lên thành phố thì thiếu gì chỗ. Bạn bè tôi, dân giang hồ, tứ chiếng, đủ cả! Không thiếu thằng chồng ra chồng. Các bà thời này cứ tưởng, mới một tí là chu lên như chó, khóc thảm như thiên hạ khóc Kiều ấy! Bà biết Kiều không? Hay đếch biết nốt? Cũng như cô em cô thôi. Đẹp mà, thời nào chả chết! Không đẹp thì chó nó dòm, một quan cũng chả đắt, tiền đâu chuộc ông via. Nín ngay cho tôi nhờ! Thế dấy! Chán quá! Đời ơi là đời! Đời cứ là đời. Lý thuyết lằng nhằng với cô chán bỏ mẹ. Ngủ đi cho nhanh để mai còn chợ búa!
Tôi bàng hoàng. Thì tôi cũng là thứ chẳng ra gì. Tay đây, vai đây, sức vóc đây mà như bị vòng kim cô thít chặt. Xoay xỏa như thế nào, kiểu nào cho vợ con mát mặt? Tôi nín thở, cắn răng để khỏi đấm mạnh xuống giường.
Buổi chiều hôm sau. Biết Thủ có nhà, Phạn sang rủ tôi sang. Tôi từ chối. Nhưng Phạn quyết kéo tôi đi. Anh không lo! Phạn này chả dẫn ai vào thế cùng đâu, gã nói vậy và kéo tôi xềnh xệch ra cửa.
Cái bàn gỗ lát có tấm kính và bộ uống trà men sứ tây long lanh trước khuôn mặt tái nhợt của Thủ. Tay anh run run nhưng còn chút bản lĩnh để mở cửa, lịch sự mời chúng tôi vào nhà. Đôi mắt Thủ vốn vô hồn, giờ đây nhớt nhát, khó tả quá. Tôi ngoảnh mặt đi chỗ khác, nín thở. Không khí căng, im như khi tôi lên dây mí đàn ghi ta.
Phạn vào đề ngay. Tiếng anh nhỏ, nhưng gằn:
-Nói cho ông biết! Vuốt mặt phải nể mũi! Đánh đĩ thiếu đéo gì nơi. Nó là em tôi! Chúng tôi không phải là chó! Cho ông một nhát thì dễ hơn chọc con lợn. Nhưng như thế thì tiệt cái thứ giềng tỏi xóm gừng. Ông định lợi dụng nó thì phải rứt khoát sang xin lỗi vợ tôi, xin lỗi con Phượng. Còn muốn có con vì vợ thiếu trứng, hoặc yêu thực nó thì báo vợ. Có gan! Tôi cho ông quan hệ thoải mái. Đ…mẹ, đừng có lập lờ! Lập lờ là không xong với thằng này. Hẹn cho ông ba ngày! Nếu không làm thì nói một câu cho nhanh! Nhắc lại, chúng tôi quyết không phải giống chó! Nhưng!
Phạn chợt dừng nói. Anh đứng phắt dậy, làm tôi giật thột nguời. Thôi! Đủ rồi! Phạn kéo tôi đứng dậy, đi luôn.
Suốt vài hôm, tôi không thấy bóng Thủ. Hắn biệt đi hai hôm, lại về. Tôi không rõ việc Thủ có gặp Phạn không và nếu gặp thì gặp ở đâu, nhưng thấy Phạn trở lại vẻ tơn tởn xưa. Thậm chí còn tỉnh bơ huýt sáo như chưa hề có chuyện gì. Mãi nửa năm sau Phạn mới bảo, nó thực hèn, đạo đức giả, cố làm sang, tách ra khỏi hàng xóm láng giềng. Đi mẹ đâu cho khuất chứ còn gầm trời này, phải thở khói bụi này! Nhưng may là nó còn biết thương vợ một chút. Còn không thì em bảo, Phạn này không thích đùa dai.
Chuyện chỉ biết đến vậy. Mắt gã khi ấy kinh thật! Quắc sáng như điện, chớp lạnh cả sống lưng tôi.

*

Hết đợt nghỉ, Huyền về và sự việc Thủ với Phượng chìm trong lãng quên. Cũng còn do sau đó hai tháng Phượng về quê, thế chỗ là một chị cứng tuổi, cũng em Xuân. Đùng một cái có tin vợ Thủ có mang. Ba năm trôi qua, khí thế xốc tới, Huyền Thủ có hai gái rất kháu khỉnh. Thủ chẳng thay đổi gì, vẫn khuôn mặt như hôm nào, nổ máy xe nhè nhẹ qua cửa nhà tôi.
Gia đình Phạn cũng thêm đứa nữa là ba mống, hai trai một gái. Vợ chồng tôi vẫn ở với nhau. Chúng tôi hoàn toàn tan vỡ về mặt tình cảm nhưng bệnh tật của đứa con gái vẫn níu chân nhau lại. Có bận, tôi bỏ nhà một đêm sau lần tôi thư từ với một bạn gái cũ tận Huế, bị vợ nghi ngờ trai gái, vặn vẹo rồi ném thẳng vào mặt một câu nói khinh bỉ: “Anh là đứa phản bội. Từ bộ đội về, thực khố rách áo ôm! Bây giờ no xôi chán chè lại định mèo mả gà đồng hả. Muốn bỏ mẹ con tôi thì nói cho rõ ràng rồi chia tay!”
Tôi không muốn thanh minh cho sự hèn hạ và kém trải đời của tôi khi ấy. Tôi không đủ sức chịu đựng và hiểu ra nguồn cội câu nói nặng nề của vợ. Tôi cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Tình cảm của cả hai như con chim sẻ già bị bẫy vào lồng, cố vùng vẫy càng xơ xác. Chỉ còn nước chim tự cắn lưỡi chết hay vụt bay đi khi cửa lồng vô ý hé mở. Như thế, vợ tôi và tôi là hai bóng ma buộc vào đứa con tật nguyền.
Năm 1988, con gái tôi đã hơn mười tuổi. Cơ quan có đợt đi Đức. Tôi quyết định ra đi mong: “Có tiền mà tay vẫn sạch”. “ Cũng nên biết ở xứ khác, người ta sống thế nào” vợ tôi nói vậy. Chúng tôi quyết định, nếu tôi đi thì bán căn hộ ấy để vợ tôi có cái mà chi tiêu chữa chạy cho con. Vợ tôi cũng muốn đi chỗ khác. Cô ấy bảo, đất ấy xúi quá nên con cái không ra gì. Nếu bán hộ ấy, tính cả đất chúng tôi chiếm được trước, sau nhà làm vườn, chái bếp công ty mới làm cho ba hộ sau nhà, vị chi khoảng hai cây rưỡi. Tôi hỏa hồng một phòng nhỏ ở khu tập thể gần nhà mẹ vợ bên Tương Mai còn dư ra vài chỉ. Thế là quyết!
Vợ tôi đánh tiếng cho cô Huyền vì biết cô dóng tiếng mua nhà. Dây dưa hai tuần, ông Thủ dứt khoát chỉ trả cây tám. Chuyện bán chác nhà tập thể khi ấy chẳng phải che dấu như xưa nên đến tai Phạn. Tối chủ nhật Phạn sang hỏi giá và không bớt một cắc, hẹn tuần sau chồng đủ hai cây rưỡi. Vợ tôi mừng rỡ, sớm sau vay tiền mẹ đặt cọc cái phòng nhỏ nói trên. Đùng một cái, thứ tối thứ hai vợ tôi lại nhận tiền đặt cọc của cô Huyền. Ba cây! căn hộ này ba cây! Vợ tôi báo với tôi giọng mãn nguyện.
Tôi không biết xử lý ra sao. Trời ơi, nửa cây với chúng tôi là cả gia tài lớn. Bảo vợ giữ lời với Phạn thì mất toi nửa cây. Tôi trằn trọc tới nửa đêm nhưng không sang nói lại với Thủ hoặc là thưa lại chuyện với Phạn. Đêm tối, tôi quay về nhà Phạn lầm rầm: “Phạn ơi tha thứ cho vợ chồng tôi!”
Ngày giờ tôi đi Đức được quyết định chính xác. Ngày giờ chúng tôi chuyển đi, bứt khỏi nơi chúng tôi sinh sống, chung đụng mười hai năm trời trong cái nhà ba hộ, đã xác định. Vợ chồng tôi vào đêm trước ngày chuyển nhà không sao ngủ được. Con gái đã ngủ, chúng tôi ngồi yên lặng nhìn nhau không nói một lời. Cô ấy đang nghĩ gì nhỉ? Bao lần tôi tự hỏi.
Đêm ấy, tôi linh tính cảm thấy cuộc đi của tôi là cuộc chạy trốn vô vọng hay cô ấy cũng cảm thấy điều ấy mà mọi sự nói chuyện phút chia tay đều trở nên vô nghĩa và dối trá?
Phải hai ba tiếng sau gì đó, cô ấy phá tan sự yên lặng, buột hỏi: “Anh có yêu em thực không?”
Tôi im lặng, phải tới hai mươi phút sau mới nói: “Anh thương em!”. Vợ tôi cắn môi, lặng nhìn tôi không chớp rồi lẽ đứng lên đi tói bên cửa.
Sau này, mấy người bạn rất thân biết chuyện đều nói: “Mày tàn nhẫn!”. “Tại sao mày không thể nói khác đi? Bắt người ta chịu đựng ba bốn năm nữa, nuôi con mình, chữa bệnh cho con mình, mà vẫn trâng trâng nói không yêu? Thực khốn nạn và tàn nhẫn!” Tôi không phủ nhận rằng, đấy là một sự thật rất phũ phàng, đau đớn với người vợ của tôi khi đó. Nhưng thà rằng tôi chịu cái tội chỉ một lần và sớm sủa ấy còn hơn tôi tiếp tục lừa dối cô ấy. Tôi biết tính vợ tôi mà. Cô ấy sẽ hỏi một lần nữa. Chắc chắn hỏi lần nữa. Nếu sau này, bất kỳ ai trong hai chúng tôi, khi sắp đến trước cái huyệt mộ, lần chia tay ấy mới thực là vĩnh viễn, ai bảo đảm cho tôi là cô ấy không hỏi lần nữa? Sự thật tới lúc ấy thật ghê rợn vì nó đương nhiên sẽ bóc trần sự lừa dối cả đời người, mang theo nỗi hận xuống mồ. Hay là có kẻ còn dám nói dối ở lần cuối ấy? Hơn mười năm ở nước ngoài, biết bao nhiêu ngày tôi tự hỏi mình câu hỏi trên. Tôi luôn là kẻ đứng trước ngã ba không có ai chỉ ra con đường phải tới. Tại sao con người cứ phải sống quẩn quanh, không nhìn đúng cái bản chất, tâm hồn sâu kín của mỗi người? Đâu là đạo đức? Cái điều không giản đơn ấy sáng dần ra khi tôi bình tĩnh từ nước ngoài nhìn lại tôi. Nhất là ở nước ngoài, sự khó khăn của đời sống, các mối liên quan như nuôi con, chỗ ở, đồ đạc không là vấn đề quá nặng nề đặt lên trên cả hạnh phúc, tự do có tính cá nhân của con người.
Tôi hay cô ấy đã tự hiểu ra rằng, tình yêu khi là sự ngộ nhận, ngộ cảm thật nguy hiểm và càng nguy hiểm hơn trong nhà ba hộ ấy, một thời gian chả ngắn ngủi gì, gần nửa tuổi thanh xuân của người đàn bà! Con chim sẻ già của chúng tôi tự cắn lưỡi trong cái lồng khốn nạn.
Cuộc dọn nhà diễn ra trước khi tôi đi Đức hai ngày, rất nhanh và không kèn trống. Tôi và vợ sang chào Phạn. Vợ Phạn vẫn cười chúc chúng tôi may mắn. Phạn thì chẳng nói nửa lời. Mắt hắn lơ lơ nhìn đi đâu. Mãi lúc ra cửa gã mới hạ một lời gọn lỏn: “Thôi, ông đi!’’
Gã giận là phải! Tôi nghĩ.
Tôi ngoái lại mảnh đất, con đường, cái hồ, ba căn hộ lần cuối. Khi ấy bất chợt xuất hiện bẩy sắc huyền ảo của chiếc cầu vồng dẫn từ bên bờ bên này sang bờ bên kia hồ. Tôi dụi mắt. Không! Cầu vồng thật! Cái hồ nửa nắng, nửa mưa tạo thành cầu vồng bắt đầu từ cái dải đất bên này vắt sang bờ bên kia.

*

Thực ra câu chuyện chỉ nên kể đến vậy. Nhưng thực bất công nếu quên nhắc tới việc vợ tôi đã hết sức kiên trì theo đuổi chữa bệnh cho con gái tôi. Qua bàn tay của giáo sư X, với hai lần phẫu, mổ tim và mổ chữa xơ cứng cơ tứ đầu đùi, con tôi hoàn toàn đi lại bình thường. Tất nhiên cũng phải tốn kém. Con gái chúng tôi học xong đại học và ra trường, nay công tác tại một viện khoa học. Nửa năm, sau khi nó khỏi bệnh, tôi nhận được thư và đơn ly hôn của vợ tôi gửi sang. Thư khá dài, nhắc lại thêm đau buồn. Nhưng không bao giờ tôi quên được đoạn thư sau: “Em biết, anh không yêu em. Sự cầu mong một gia đình, sau lần anh cãi nhau với chị dâu anh, dẫn đến việc chúng ta đột ngột quyết định từ mới quen biết thành vợ thành chồng. Đốt cháy giai đoạn, cả em và anh đều ngộ nhận. Tuy mỗi người ngộ nhận một dạng khác biệt. Chia tay, em cầu mong cho anh sẽ chẳng khi nào mắc lại khuyết điểm ấy. Không thể có một gia đình thiếu một tình yêu đích thực…”
Tôi về phép. Chúng tôi ly dị. Tôi thề chẳng bao giờ quay lại nhà ba hộ. Nó không có tội gì, nhưng tôi không muốn nhìn lại quá khứ, kỷ niệm một thời chật chội! Vì thế, mấy năm liền, dù vẫn về Việt Nam ăn tết với anh chị tôi nhưng không khi nào tôi ghé qua nơi đó.
Sự đời chẳng giản đơn giữ một câu thề.
Tết vừa rồi, tôi lại về thì gặp con cả của Phạn đi cùng chuyến, ngồi cạnh ghế. Vô tình hỏi chuyện, mới nhận ra cậu bé mũi xanh lét, ngày nào cha cậu định quyết số phận cậu chỉ học hết lớp năm, biết đếm là đủ. Thằng mũi xanh ấy, vừa đỗ đại học kiến trúc tại Đức với số điểm cao tuyệt đối và được ở lại để làm tiếp bằng tiến sỹ. Vậy là tôi quay lại nhà ba hộ với sự háo hức qua những lời kể của con Phạn: “Bố mẹ cháu vẫn nhắc tới bác. Mẹ cháu vẫn hay tới thăm vợ bác. Mà sao cả hai bác không đi bước nữa hở bác? Chú Thủ sinh thêm con gái nữa. Vẫn ở đấy, nhưng bây giờ nổi tiếng lắm. Chú ấy lên ti vi, viết cả thơ, mới đỗ tiến sỹ mỹ học gì đó! Cô Huyền lên Hồ Tây xây một biệt thự, sống hẳn trên đó với đứa lớn. Bố mẹ cháu dạo này bỏ bán lòng lợn tiết canh, chuyển sang mở hai cửa hàng bia hơi. Người làm thuê bây giờ ở quê ra đầy nên bố mẹ cháu không phải đầu tắt mặt tối như trước nữa.”
Tôi bàng hoàng không nhận ra con đường cũ. Một dãy phố dù lộn nhổn nhưng đúng là phố, hiện ra bên hồ không tên xưa. Mặt hồ vẫn nhiều bèo tây và tôi cảm thấy hẹp lại. Tôi chẳng còn trẻ để xúc động, dù nhận ra cái mùi tanh tanh của nước hồ ngày nào. Ngôi nhà của Thủ và Huyền rộng tới hơn bẩy chục mét, cao vót lên với cái tháp tròn Ba Tư. Tháp muốn nghiêng chùm lên ngôi nhà ba tầng của Phạn. Được báo trước, Xuân ăn mặc rõ nuột nà, còn Phạn thì nghiêm chỉnh trong bộ com lê màu xám rất điệu. Họ đã bốn cháu, nom cũng khác truớc, đẫy ra và tóc đều đổ muối tiêu cả lượt.
Chẳng đứa nào chịu chỉ biết đếm cả! Gã cười toắc tận mang tai khi tôi nhắc chuyện cũ và chỉ sang nhà bên: “Xem kìa! Ông tiến sỹ mỹ học xây cái nhà nửa tây, nửa ta cứ chực nuốt tôi. Tôi thu xếp xong cửa hàng bia hơi nữa cho ổn, sẽ bán đây đi, nhường khu này cho lão và chuyển hẳn đi anh ạ. Con cái đều muốn vậy. Chúng nó bảo, bố mẹ lưu luyến gì đây? Sau này người ta sẽ chẳng phá tất đi để xây lại hết cho mà xem! Bây giờ chả đứa nào nó nghe mình, nên mình khéo phải theo chúng lên khu mới làm nhà mới, cho đời chúng chuyển hẳn sang cái đất khác đi. Ông anh và tôi cố sống chờ xem bọn trẻ chúng nó có cơm cháo gì không rồi nhắm mắt. Mà đếnh ai biết được con tạo nó vần thế nào ông anh nhỉ?”
Phạn đặt tay lên vai tôi. Mắt ấy, môi ấy, hơi rượu thơm nức phả vào tôi để tôi nhận ra hắn đã rũ sạch nỗi bực xưa.
Mưa xuân lắc rắc lẫn trong nắng nhạt. Bụi cúc tần sót bên kia đường mới nhả đám tơ hồng vuơn lên chua chúa những sợi lua rua vàng óng, cố bứt lên, trong ảo huyền mưa nắng, khỏi màu xanh đông già cũ.
Nước Đức-2001
1- Chợ Cóc: chợ họp do nhu cầu tự phát. Lúc nơi này khi mọc lên nơi kia. Không có tên, không nằm trong quy hoạch. Hà Nội rất nhiều chợ như vậy.
2- Xe máy Simson của Cộng Hoà Dân Chủ Đức. Những người đi du học khi ấy thường được tiêu chuẩn mang về hai chiếc trong bốn, năm năm tại Đức. Rất được giá thời kỳ Đông Đức chưa thống nhứt.
3-- Đồ phò, trứng phò, có ý loại trứng không ra gì.
4 nhãn hiệu Con Nai Vàng. Cách nói của đường phố, ý đây là đồ xịn.
5- Đồng bọ, Cắc đểu. Tiếng lóng đường phố. Chỉ tiền không đáng mấy.
6-Knut Hamson, Thomas Mann, Winston Churchill, Ernest Hemingway, bốn nhà văn giải Noben trước 1954 của Nauy, Đức, Anh, Mỹ.
7-Thiên nhiên- Tự nhiên, cũng từ biến dạng của đường phố, ý nói hợp tự nhiên.
8-Một kiểu xe được ưa chuộng thời kỳ ấy của Nhật. Trên bảng đồng hồ có đèn xanh, kim vàng nên người ta gọi vậy để phân biệt với xe Hon Đa Sài Gòn trước bẩy nhăm.

Xem Tiếp: ----