Đã từ lâu tôi nảy ra ý định viết một tập “Cổ tích kể ngược” vì nghĩ rằng mỗi chuyện cổ tích nên có hai kiểu trái ngược nhau để con cháu sinh ra có quyền chọn lựa. Nếu chúng sợ tự do, chúng không dám chọn lấy một cách nhìn, một cách chối bỏ, một cách nâng niu, thì chúng sẽ bốc thăm để cầu xin một mệnh lệnh của Trời, hoặc chúng sẽ có ít nhất hai thủ lĩnh để áp đặt ý muốn lên đầu chúng. Nếu không tìm thấy một kẻ độc đoán ban cho chúng một niềm vui nô lệ, thì chúng sẽ có trò chơi đung đưa giữa các ngọn cờ. Trước khi đặt bút viết những điều cãi lại ký ức của người xưa, tôi muốn thắp một nén hương giữa buổi chiều nắng xế để xin phép triệu triệu linh hồn vô danh đã khuất cho tôi được thử một lần bước ra khỏi trò chơi chạy tiếp sức của tâm linh. Không phải để xoá mờ biểu tượng Thánh Gióng linh thiêng mà chỉ mong thám hiểm chiều sâu của số phận con người đằng sau huyền thoại ấy, làm cho hình ảnh Thánh Gióng trở nên máu thịt và lập thể, có thêm những chiều kích khác nhau của đời sống muôn dân.
Ngày xửa ngày xưa, lũ giặc Ân ngạo mạn tràn sang đất ta, đi đến đâu đem vàng bạc lụa là và thóc lúa để nuôi dân đến đấy. Âm mưu của chúng thật thâm hiểm. Chúng định làm cho dân ta trở lên lười biếng, ăn sẵn và yêu chúng hơn yêu ruột thịt tổ tiên! Nếu cứ kéo dài mãi sự tử tế kiểu này thì chẳng bao lâu dân Trung Hoa bị nghèo đói sẽ căm thù dân ta đến tận xương tủy. Các cụ nhìn xa trông rộng đã thấu tâm can kẻ ngoại bang nên ra lệnh cho con cháu không được dùng của cải của giặc Ân chu cấp! Nhưng dân đói nhiều năm quá, hư hỏng gần hết, không mấy người theo lệnh triều đình. Trong triều đình các quan không nghiêm, vẫn để cho con cháu lấy vàng bạc lụa là của địch về chất đầy kho, nên dân càng khinh nhờn phép nước. Tình thế dân tộc vô cùng nguy ngập. Dân no quá, sẽ có ngày đú đởn cởi truồng đi ngoài đường. Nước giàu quá sẽ trở thành miếng mồi ngon cho giặc ngoại xâm. Không gì bằng con Lạc cháu Hồng, đóng cửa bảo nhau, nghĩ cách làm ăn, biết thắt lưng buộc bụng, biết lấy đói làm vinh, biết ấm no là nhục, thì với chiếc cày chìa vôi và mảnh đất cằn cũng đủ sống để giữ lấy bàn thờ ngất ngưởng ngàn năm.
Vào một ngày kia, trời không một gợn mây, xanh đến mức đáng ngờ, đất không một ngọn gió, cỏ cây im phăng phắc đến nỗi những sợi khói hương kéo tít tắp lên trời như những sợi dây thép dài vô tận mà những con nhện vô tâm có thể bám vào đó leo lên cõi mờ xanh. Những con con gà trống gáy rách cổ vẫn không thành tiếng. Cả thế gian câm lặng để đón vị anh hùng lắm mồm chào đời, đó là cậu Gióng. Vừa mới ra đời, chưa sạch máu, Gióng đã nói xa xả mắng mỏ giặc Ân kêu gọi dân làng cầm giáo mác đuổi giặc. Bà mẹ tội nghiệp ngất xỉu ngay sau khi trông thấy đứa con còn đỏ hỏn đã lăm lăm con dao găm trong tay và quắc mắt đòi lên đường ra trận. Hỡi ôi, người mẹ nhân từ tội nghiệp kia đâu có biết rằng chín tháng mười ngày qua bà đã mang trong bụng một lưỡi dao sáng lóa và một bọc ngôn từ còn chát chúa hơn cả tiếng sỏi va nhau. Dường như nỗi oán hờn thẳm sâu len lỏi trong từng mạch ngầm của trời đất, thấm qua những tàu rau yếu ớt, những cây lúa ốm, những con tép gầy và nhữg sợi khói chiều hiu quạnh để len lỏi vào dòng máu của bà đây. Có lẽ trời đất đã giao cho bà cái sứ mệnh thiêng liêng phải mang trong mình bọc ký ức nặng trĩu của ngàn năm, giống như cặn của lịch sử, mà trời xanh hòa bình kia đã láu lỉnh trút lên số phận riêng bà. Làm sao quên được chiến tranh khi một dân tộc đã mấy ngàn năm bị đe dọa và phản bội, phải tồn tại bằng bạo lực của chính mình và phải nuôi nấng bạo lực trong từng giọt sữa của trẻ thơ. Biết đâu, trong cái đêm hợp hôn để sinh ra Gióng, chồng bà với một quả tim của một người lính truyền kiếp đã chẳng ngân nga một vần thơ ca ngợi vầng trăng như vũ khí của cha ông giữ lại để giữ gìn cuộc sống cho cháu con?
Thế là Gióng ra đời. Và sự hằn thù tưởng như đã bị vùi lấp, bị xóa đi bởi bạc vàng và những nụ cười hữu hảo của giặc Ân bỗng thức dậy trong ký ức của cộng đồng. Gióng đòi mẹ bế đi khắp nơi kêu gọi mọi người nổi dậy chống giặc Ân. Những người dân lâu nay quen sống bình yên trong nhung lụa của giặc Ân, đã quen ngồi cùng mâm với kẻ thù địch mà chén thù chén tạc như ngồi với bạn, giờ đây nghe cậu bé sơ sinh mắng chửi và kêu gọi, cứ nghĩ là lời Thánh mượn mồm trẻ nhỏ nên nhất loạt tin theo. Gióng đòi mẹ bế đến cổng kinh đô, bắc loa kêu gọi triều đình tỉnh ngộ. Vua cả sợ, lập đàn tế trời đất, khóc mà nói rằng:
- Hỡi ôi! Nếu ý Trời không muốn cho muôn dân thoát họa gươm đao, nếu trời đã chọn đất này làm kho gươm giáo đến ngày tất cả thành cát bụi, thì chúng con xin gạt nước mắt vâng lời. Chỉ xin Trời cho chúng con một hạt cơm đổi một mạng người, đừng bắt chúng con lấy nhiều hoa như ngày xưa…
Vua sai đem đến giấy mực để vua thảo một bài thơ tế Trời dịch nghĩa như sau:
  Bốn cõi xin dâng những kẻ hèn sợ vua hơn sợ giặc
Trời hãy làm muôn dân kinh sợ hạnh phúc
Chỉ xin giữ lại một cây liễu mềm với một nhà thơ
Và một khoảng trống trong mắt những người đàn bà góa
Xin trời đừng mượn muôn trẻ nhỏ để mắng mỏ chúng con
Đừng bắt muôn dân chỉ làm nghề đánh trống
Nếu muốn chúng con nhảy vào lửa mà múa
Trời hãy làm cho những bụi tre héo vàng nảy mầm lá xanh.
Vua chọn giờ thiêng đốt bài thơ trên rồi viết hịch kêu gọi muôn dân đánh đuổi giặc Ân. Thế là máu tràn bốn cõi. Giặc Ân bị dân ta nổi lên đánh bất ngờ trở nên dã man giết người không thương tiếc, làm dân chúng ngày càng sợ hãi hoang mang. Chúng đốt hết làng mạc làm các bụi tre xém lửa vàng hoe. Mẹ Gióng bế con chạy lên một khu rừng rậm. Gióng không thiết ăn uống gì, chỉ thích nghe kể chuyện đời xưa, không có truyện đời xưa là Gióng xỉu đi. Càng lớn Gióng càng nhiều tật xấu như đái dầm, hống hách hay cướp lời và nói chặn họng người khác. Vua và quần thần chạy loạn lên rừng thấy khó xử vô cùng. Nếu không nuôi nấng chăm sóc Gióng thì lấy gì để dân tin rằng vua đã làm theo lệnh truyền của Thánh? Gióng chỉ linh thiêng khi còn bé quá mà đã biết nói những lời già cả, nếu Gióng lớn lên thêm thì cùng lắm Gióng chỉ là một gã còi xương hay một ông cụ non thôi! Vua ra lệnh cho một đại tướng chuyên lo việc đi tè cho Gióng để tránh những phút bất ngờ Gióng đái dầm trước ba quân và trước muôn dân. Vua cũng nhờ quan ngự y phục thuốc cho Gióng đừng lớn nữa. Các quan trong triều cùng nhân dân lên rừng đánh giặc lần lượt kể lại cho Gióng nghe những chuyện vui của ngày xưa. Ký ức của nhân dân đã cạn kiệt dần, những chuyện thật của ngày xưa đã hết, thế là người ta bịa ra lịch sử để nuôi cậu Gióng linh thiêng làm Gióng cứ bé dần... Vua sai quan bốc sư chọn một ngày lành tháng tốt để rút quân nhưng chọn mãi vẫn thấy có sao xấu chiếu. Quan bốc sư tâu rằng trong dân có nhiều kẻ cứng đầu không tin vào Thánh Gióng nên nếu động binh ắt sẽ thất bại. Vua truyền bắt hết những kẻ không tin Gióng, chống lại lệnh trời làm rối loạn lòng dân. Lính vua bắt về hai bố con thợ rèn về kết tội là âm mưu phản nghịch vì những người này đang rèn một con ngựa sắt và một thanh gậy sắt rất to, những người này một mực kêu oan, họ quỳ xuống trước vua mà khóc. Người cha nói:
- Muôn tâu bệ hạ, chúng con không tin vào thánh Gióng, nhưng chúng con tin vua, chúng con thù giặc. Chúng con rèn ngựa sắt và roi sắt để nuôi chí diệt thù. Nay ngựa sắt đã xong, roi sắt đã dài, xin cho chúng con ra trận đuổi giặc Ân.
Nhưng vua không tin cho là xảo ngôn bèn truyền lệnh chém đầu làm gương cho thiên hạ. Khi quân lính lôi ông thợ rèn đi, ông ta ngửa mặt lên trời mà than rằng:
- Nguy rồi! Vận nước nguy rồi, dân tin vua, vua chỉ tin vào thánh.
Rồi ông vùng vẫy vớ lấy thanh gươm tự chém đầu mình quỳ xuống dâng vua, máu trào từ cổ ra lênh láng. Con ngựa sắt ở giữa sân bỗng hí vang phun lửa xém bạt áo bào nhà vua. Vua và quần thần hốt hoảng ra lệnh cho con trai người thợ rèn phải giữ con ngựa lại. Người con trai đến bên ngựa sắt vỗ nhẹ lên lưng nó, lập tức con ngựa trở nên ngoan ngoãn. Vua cho gọi người con trai tới hỏi chuyện, chàng trai đáp:
- Muôn tâu bệ hạ, chúng thần căm thù lũ giặc tàn bạo, muốn ra trận rửa nhục cho xứ sở, chứ đâu dám nghĩ chuyện triều đình.
- Các người lấy sắt ở đâu?
- Muôn tâu, chúng con ăn cắp trong kho của triều đình và mua lại của bọn thương gia Trung quốc.
- Các ngươi to gan thật! Dù các ngươi muốn đánh giặc, các ngươi cũng phải vâng mệnh ta. Đánh giặc xong mà thánh mất thiêng thì đánh để làm gì? Ta cần giữ cho thánh mãi mãi thiêng để gom sức muôn dân, ta đâu cần một hai kẻ tài ba như các ngươi?
Vua giận tím người chỉ tay vào mặt người thanh niên vạm vỡ:
- Bây giờ, tuỳ ngươi chọn lấy hình phạt.
- Muôn tâu, xin cho con được chết ngoài chiến trận, cho con được thỏa ước mơ giết giặc của cha con - Người con trai khóc quỳ lạy vua.
Vua thở dài ái ngại. Vua không giấu niềm thương cảm đối với một người dân yêu nước mà trái luật vua. Nếu như tha bổng cho những con người dữ dội này, những kẻ trung với nước nhưng coi thường cái biểu tượng thiêng liêng mà vua hằng tôn thờ, thì có thể vua sẽ không thể có cách gì nắm bắt được cái đám đông ù lỳ mãnh liệt yên phận với luật vua và linh hồn vẫn còn bị ám ảnh bởi lời của Thánh. Dựa vào đám đông u mê hay dựa vào các cá nhân tỉnh táo và kiêu hãnh? Đó là câu hỏi lớn, lờ mờ trong tâm trí nhà vua từ bao ngày, bỗng nhiên hiện hình rõ rệt như một con rắn quằn quại giữa quả tim nhà vua. Và lịch sử có thể rẽ ngoặt trong cái giây phút băn khoăn sâu thẳm đó, cái giây phút lựa chọn giữa những kẻ cuồng tín và những tên tội đồ, giữa ông thánh linh thiêng đúc bằng sự lừa dối và con ngựa sắt hùng dũng đúc bằng những thỏi sắt ăn cắp.
Chính trong giây phút băn khoăn đó một cận thần đã quỳ xuống giải thoát cho vua bằng một mẹo tài tình.
Trước khi kể lại mẹo này, xin nói đôi lời về vị cận thần kia. Ông xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, ham học từ bé, được một thầy đồ dạy học cho đến khi đỗ trạng nguyên. Hai mươi năm làm quan ở quê nhà, rồi mười năm lăm làm quan trong triều ông nổi tiếng là người khiêm nhường thanh bạch không làm hại ai, không ức hiếp ai, không dối lừa ai. Ông lặng lẽ như một cái bóng được vua tin vì biết lặng im. Ngay cả khi ngồi trước ngọn nến, hay ngồi trước vầng trăng, ông cũng im phăng phắc như bức tượng, dường như ông sợ sự ồn ào động đậy sẽ làm cho những gì bẩn đục đã lắng xuống đáy tâm hồn sẽ vẩn lên. Vậy mà lúc này ông nói, cái bồ sách lặng thinh ba mươi năm cất tiếng:
- Muôn tâu, thần xin được mạo muội bàn riêng với bệ hạ một điều.
Vua đuổi hết quần thần rạ Viên quan bàn với vua như vầy:
- Tâu bệ hạ, vì vận nước lâm nguy kẻ sĩ phải hy sinh cả đức, vì sợ vua gặp sóng gió tôi trung phải hy sinh cả danh. Kẻ bầy tôi thờ vua năm mươi năm có lẻ, đọc bao sách thánh hiền, nuốt bao điều uất ức, ngẫm bao việc trớ trêu, chỉ để được phò vua một phút như phút này. Xin bệ hạ thứ lỗi cho thần.....
- Khanh cứ nói! - Vua ân cần chờ đợị
- Tâu bệ hạ, phải thực hiện kế này.....
Viên quan thì thầm nói vào tai vua điều gì đó, vua reo lên: “Thật là cao kiến”. Vua vừa dứt lời, viên quan lăn ra chết, mắt mở trừng trừng. Vua vội cho chôn cất viên quan rồi gọi con trai người thợ rèn đến:
- Sáng mai ta cho ngươi cưỡi ngựa sắt đi đánh giặc ân. Nhưng ngươi phải nói với mọi người rằng tên ngươi là Gióng vừa lớn dậy từ đứa bé lên ba, nếu không ta giết.
Người con trai nhận lời. Vua cho quân bắt cậu bé Gióng về cung và cho sứ giả gọi loa khắp ngả:
- Loa! Loa! Loa! Ngựa sắt đã rèn xong để Thánh Gióng lên đường đánh giặc, bàn dân thiên hạ ai có gì góp nấy đem lương thực tới để nuôi Thánh Gióng lớn nhanh, sau ba lần vươn vai Thánh Gióng sẽ trở thành một chàng trai vạm vỡ cưỡi ngay lên ngựa sắt. Loa! Loa! Loa!
Thế là dân đổ lên đường về gánh gạo, gánh ngô, khoai, gà, lợn.v.v... để nuôi Thánh Gióng. Vua cho đưa cậu bé Gióng ra trước muôn dân để cậu bé nói những lời yêu nước và giả vờ ăn qua quýt mấy miếng khoai lang và mấy quả cà, rồi lại cho lính đưa cậu bé vào rừng sâu vứt vào một cái hang. Bà mẹ bị giết ngay để bịt đầu mối. Sau đó, chàng thợ rèn bước ra diễn tấm kịch đã được dặn trước, làm qua các thủ tục lớn lên của một anh hùng rồi nhẩy lên ngựa sắt lao đi... Dân chúng trầm trồ thán phục sức mạnh thần linh, họ không thể biết được sức mạnh ấy sẵn có trong họ từ trước khi nó đi qua các nghi lễ thánh thần để trở thành lịch sử vinh quang.
Và anh hùng mang tên Gióng đã ra trận đánh bại giặc Ân như thế nào thì ngàn đời nay mọi người đã truyền tụng. Gậy sắt gẫy, ngọn lửa ngựa phun và những bụi tre ngà... tất cả đều có thật, chỉ có cái tên Gióng là không có thật.
Biết đâu cái việc cưỡi ngựa lên trời cũng là không có thật. Vì lẽ nào sau khi chiến thắng giặc Ân người anh hùng kia lại hèn nhát trốn đi say mê với danh hiệu thánh thần mà bỏ mặc lại sau lưng một thế giới còn ngổn ngang mù quáng và dối trá.

Xem Tiếp: ----