Nó đói. Nó nhân ra điều này bởi một cơn buồn rười rượi vô cớ chợt tới. Không còn là sự dày vò thể xác, cơn đói chỉ còn là tâm trạng u buồn triền miên, phẳng lặng, một sự không hài lòng bản thân và không còn đủ sức nhắc nhở về sự no đủ đã qua. Trước đây, mỗi khi đói mà được ai mời, nó không giấu được sụ hoan hỉ. Nhưng khi ních căng dạ dày bởi lòng tốt của người khác thì nỗi tủi nhục cũng đầy ứ lên. Mỗi khi ghé mặt vào đĩa thức ăn người ta cho, nó cũng đành nghiêng lòng hắt cả nỗi tủi hổ của mình vào đó rồi nuốt ngược lại. Rồi nó chần chừ trước lời mời chào. Rồi nó bỏ lại lời mời chào sau lwng mình. Rồi nó lãnh đạm. Rồi nó mỉm cười thân ái từ chối không vấn vương. Bây giờ không ai mời nó nứa. Nó đã được bình đẳng với mọi người. Hay ít ra nó tự hãnh diện với bản thân mình như thế. Chín Giờ tối, khi người ta đã chui vào phòng riêng ăn bữa cơm muộn, xem ti vi hay vài bạc, nó mới ra chỗ riêng của mình là khoảng trống ở đầu cầu thang tầng bốn. Có một thằng lạ mặt đã ngồi đó. Cái dáng của thằng kia có vẻ như kẻ rỗi hơi ngồi xem người qua lại, nhưng ánh mắt lại có vẻ bất an, lo lắng một chuyện gì đó. Nó phớt lờ, rải chiếu sát lò sưởi và lôi bành mì ra ăn. Hôm nay nó tự thưởng cho mình một chiếc bánh mỳ kẹp đầy giăm bông vì chiều nay được thuê làm khá nhiều việc. Nó chậm rã cắn từng miếng bánh mỳ tựa như trong mơ. Khi ngẩng lên nó bắt gặp cái nhìn của thằng kia. Gã bất thình lình quặt bô lăng. Đó là cái nhìn của nó trước đây mỗi khi đi ngang qua phòng ai đó đúng vào lúc bữa ăn dọn ra. Miếng bành mỳ đang nhai dở ứ nghẹn trong họng. Nó vụng về nhìn gã kia. -Mày ăn với tao cho vui đi? Gã kia quay lại, giả vờ ngơ ngác một cách vụng về: -Mày vừa hỏi tao à? Nó bẻ đôi chiếc bành mỳ đưa cho gã kia: - Ăn một mình chán ngắt, mày làm một miếng với tao cho vui. Gã kia đón lấy tặc lưỡi: -Ta cũng vừa ăn xong... một miếng thế này thì được. Cả hai cắm đầu vào ăn, không nhìn nhau, không chuyện trò. Gã kia ăn xong trước cả nó. Thấy nó vẫn nhai từng miếng gã kia có vẻ như ngượng ngùng tìm cách trò chuyện: -Mày ở Mát hay ở đâu lên đây? -Trước đây tao làm ở Nôvỗim biếc - Nó trả lời, phủi tay vào ống quần. -Mày có quen ai ở đây không? Nó lắc đầu. Một người quen lo cho nó sang đây, hứa hẹn sẽ giúp nó kiếm việc. Nhưng nó đã lập tức bị bỏ rơi khi đặt chân đến sân bay Sêrementrevơ, giữa đám người xa lạ, thứ ngôn ngữ xa lạ. Hơn một ngày đêm chờ đợi người ra đón theo lời hẹn... Đói, khát, và nỗi sợ hãi điên cuồng đầy đọa. Chiều tối thứ hai nó nhìn thấy một người mắt đen, tóc đen, thấp nhỏ đi ngoài cửa vào, nó lao vút đến, luống cuống hỏi, lưỡi ríu cả lại. Người đàn ông nhìn nó như nhìn vào khoảng không chật đầy tuyết rơi ngoài kia, nhún vai, hoa tay ra hiệu không hiểu. Cay đắng, tuyệt vọng, nó xấu hổ quay đi. Với nó tiếng nói đồng bào lúc này không chỉ là niềm an ủi, cảm thông mà là sự sống. Lúc tưởng chừng sắp buông xuôi thì điều mong đợi đã đến. Một sinh viên trả phép sang đã đưa nó về ký túc xá của anh ta. Sau đó anh sinh viên nhờ một người quen đưa nó về Nôvôximbirxcơ để nhập vào đoàn quân đứng chợ đội tuyết bán hàng. Được khoảng hơn một năm, trong một lần trên đường tới chợ, nó bị bọn đầu gấu bản địa chặn lại trấn tiền, hàng. Nó bị rách một bên khoé mắt nhưng cũng kịp đánh vỡ đầu một thằng rồi bỏ chạy, chịu mất toàn bộ số hàng và tiền mang theo. Số tiền tích cóp hơn một năm vừa đủ trả tiền cho chủ hàng.Sợ bọn kia trả thù nó bay ngay lên Mátxcơva, nhập vào đội quân cơ nhỡ, không giấy tờ tuỳ thân, không tiền bạc, không nơi trú ngụ đang ngày một đông. -Nghe nói ở dưới đó làm ăn dễ hơn, mày lên Mát làm gì? -Ở Mát có nhiều cơ hội hơn - Nó nói tránh đi. Gã kia nhếch mép cười: -Tao ở đây hai năm rồi mà chưa trông thấy cơ hội nào cả? Nó tránh xa tao như dịch hạch ấy. -Thế mày sống bằng gì? Đi chợ à? Gã kia cười hô hố, rồi cúi nhìn sâu lòng mình. - Có bát đâu mà đi chợ. Không có tiền vốn, chẳng ai tin mình. Tao mới dạt sang ốp này làm cửu vạn. Còn mày? Nó kẹp hai tay vào đùi cho đỡ lạnh, lưng dựa vào lò sưởi. -Tao cúng mới lên đây làm cửu vạn được hai tháng. Nhưng được vào cạ của chúng nó đâu. Chỉ ai thuê mới làm. Gã kia chắt nước bọt qua kẽ răng nhổ vào tường, rít lên: -Mẹ kiếp, cũng là kiếp ăn mày cả mà còn chèn ép nhau. -Chỉ có mấy suất cơm chim mà toàn lũ hổ đói mà lỵ - Nó tặc lưỡi. Nó không muốn kể cho gã kia nghe cái ngày đầu tiên mới lơ ngơ về đây. Khi nghe trên loa thông báo là có xe chở hàng về, nó chạy hai bậc cầu thang một xuống tầng dưới. Có một tên đầu đinh, đen trũi đứng lừng lững bên cạnh nơi bốc hàng. Thấy nó, gã đầu đinh hất đầu gằn giọng: - Đây không phải là chỗ của mày. Biến! Nó lẩn vào đám đông, đợi lúc thằng kia không để ý liền ghé lưng vào đón bao hàng dài gần bằng người nó cõng đi. Vừa đi được một đoạn, bỗng có cái gì đó đập mạnh vào bao hàng. Nó khuỵu chân mặt đập về phía trước. Cả bao hàng đè dọc người nó.Tiếng thằng đầu đinh rít lên: -Tưởng qua mắt tao được à? Thằng chó chết! Thằng đầu đinh đạp bao hàng qua một bên. Nó lồm cồm bò dậy, mắt hoa tít, sầm tối. Khi đám sương mờ mịt tan đi, nó đưa mắt nhìn quanh tìm một ánh mắt dịu dàng nào đó, nhưng tuyệt nhiên không thấy gì vì người ta còn đang rối lên tiền hàng. Nó nhẫn nhục lết vào góc tường cho qua cơn choáng váng. Sự phản kháng bị dập tắt nhanh chóng khi người ta không còn khả năng kiếm sống. Miếng ăn nhỏ bé hàng ngày đã nén nó vào trong cái khuôn của sự nhẫn nhục. Nó tự xoay sở trong cái khuôn chật hẹp ấy sao cho thoải mái nhất để khỏi phải bị xúc phạm thêm. Nó tự tạo cho mình một hình nhân đi nhẹ, nói nhỏ, cười sẵn, một khoảng không tạo ra lực đẩy với những người xung quanh. Nó thích nghi nhanh đến mức chính nó cũng phải ngạc nhiên. Con người thực của nó vùi sâu vào bên trong, để lại ở ngoài đời một bóng hình bất tri lộn ngược. Gã kia ngáp dài rồi hỏi: -Mày ngủ ở đâu? Nó dậm chân xuống nền nhà bảo: -Ở đây này! Nó lôi trong thùng các tông để sát chân tường ra một cái chăn dạ cũ kỹ nhưng còn lành lặn trải xuống chiếu. -Cho tao ngủ chung với nhé - Gã kia nói. - Thì ngủ, càng ấm! Gã kia chui vào chăn nằm xuống cạnh nó. Nó nhắm mắt im lặng để khỏi phải nói chuyện. Trước đây nó rất sợ lúc đi ngủ, bởi hễ đặt lưng xuống là tâm tưởng nó lại vượt ngàn trùng xa cách để về được căn nhà xinh xắn của nó nằm ở giữa một căn phố nhỏ sát ngoại ô. Dường như nó nhìn thấy cả khoảng sân con trước nhà, nơi bố nó bày mấy chậu địa lan. Vào cữ mùa xuân, những lá lan vươn dài như những ngón tay gầy xanh xao vươn ra đón mưa. Người ta bảo địa lan thiêng lắm, thường đãi người tri kỷ trước lúc đi xa... Nghe kể nó không tin và cười. Tết năm ấy các chậu lan rủ nhau đồng loạt nở hoa. Có ba chậu mặc lan nhánh hoa đâm lên che kín cả lá. Bố bê mấy chậu đẹp nhất kê sát cửa ra vào, vừa để cả nhà thưởng hoa, vừa để khoe với khách. Mẹ ngồi ngắm hoa và lặng lẽ thở dài. Sau tết bố mời một nữ sỹ già nua, lưng còng nhưng nét mặt thơ thới, đôi mắt vẫn còn tinh anh lắm đến chơi nhà ngắm hoa kẻo sợ tàn. Ba người già đốt trầm đọc thơ không nói chuyện thế tục. Lúc nữ sỹ ra về, bà ghé tai bố nói nhỏ: " Năm nay chị nhà gay đấy. Rất khó qua khỏi tháng tám. Nếu anh giữ cho chị qua khỏi vận hạn này thì sẽ trường thọ ". Bố cả cười cám ơn nữ sỹ già. Bố không kể lại cho ai và cũng quên đi lời dặn dò ấy. Ngày mồng ba tháng tám âm, chín giờ sáng mẹ còn ngồi uống trà với bố, nhắc bố đưa mẹ về thăm người bạn lâu ngày chưa thấy lại chơi. Mười giờ mẹ kêu mệt đi vào giường nằm. Mười rưỡi mẹ nấc lên một tiếng nước mắt ứa ra rồi lặng lẽ ra đi. Bố bảo trước khi mẹ mất chừng hai tháng, mẹ hay nhìn thấy một người mặc quần áo bộ đội đi ngang qua sân. Lúc mẹ chạy ra thì không thấy ai cả. Mẹ tả lại cho bố nghe thì thấy đúng hình dáng người chú của bố hy sinh trong kháng chiến chống Pháp mà mẹ không hề biết mặt vì không còn bức ảnh nào để lại. Mẹ còn nói rõ chiếc áo trấn thủ có ba sáu đường gian khổ bị sờn ở bên vai trái và chiếc mũ ca lô bạc phếch che xuống tận chân mày. Người lính ấy tươi lắm đi rất nhẹ, hai tay gần như không vung vẩy. Qua hơn nửa tháng bị xốc và đau buồn sau cái chết của mẹ nó mới để mắt tới mấy chậu lan. Ba chậu lan đơm hoa đẹp nhất vào dịp tết đã tàn úa. Một người bạn chơi hoa cùng bố trách rằng sao không để tang cho hoa? Giống lan sống vì chủ và thờ chủ. Rồi nó cũng bị bệnh ốm liên miên. Tiền của nhà vốn đã chẳng dư dả gì nay cạn kiệt. Nó phải bỏ dở năm thứ ba đại học vì không còn tiền đóng tiền học. Mấy người quen xui nó sang Nga làm ăn, và mỗi người một it cho nó vay tiền. Lúc đầu nó hăm hở lắm vì được thay bố và chị gánh vác việc nhà.Bố không bằng lòng, nhưng không cản nổi cuộc ra đi này. Bố nhìn nó rồi cuộn cái nhìn ấy giấu vào lòng, chôn tiếng thở dài vào khoảng không vời vợi trên đầu. Nó thương hại nhìn sự cả lo của bố và hi vọng tràn trề vào sự đổi đời. Nó hứa với bố sau này có tiền nó sẽ trở về học tiếp. Giấc mơ trở về giờ đây vùi trong mộng mị phiêu diêu. Một cõi mơ sầu muộn và cay đắng. -Mày ngủ rồi à? -Gã kia lên tiếng. -Chưa - Nó trả lời cộc lốc. -Nhà mày ở đâu? - Gã kia tiếp tục gợi chuyện. -Ở Hà Nội. Còn mày? -Nhà tao ở Hà Tây, huyện Chương Mỹ ấy mà. Nhà tao ở một làng ven sông Đáy. Chiều nào đi học về đá bóng xong tao cũng nhảy xuống sông bơi thoả thích. Làng tao bọn con trai đứa nào cũng biết bơi khi còn rất nhỏ. Mẹ tao đi xem bói, thầy bói bảo tao không có số xuất ngoại vinh hiển đâu, tao không tin cứ đâm đầu đi bằng được mặc mẹ tao khóc lóc van xin. Đúng thật, xuất ngoại mẹ gì mà như thế này? Còn khổ hơn con chó làng tao vào tháng ba ngày tám. Lâu lắm rồi tao không viết thư về nhà. Chẳng biết tin tức ở nhà thế nào? Có địa chỉ đâu mà đòi nhận thư kia chứ? Mẹ tao bị phong thấp, mùa đông giá buốt thế này là nhức lắm đây. Mẹ tao hay khóc lắm cơ, nhiều khi bực cả mình... Này, ngày đầu tiên trở về mày sẽ làm gì? Làm gì ư? Giấc mơ trở về gần như không còn cấu xé nó nữa. Cái hình bóng niềm vui đoàn tụ gần như một đám mây tiêu tan trên bầu trời xám xịt. Nó như thể đi trọn cuộc đời tươi vui cho đến tận cái ngày bước chân lên máy bay sang đây. Cái ngày ấy đã bị xẻ đôi, dứt nó ra khỏi trò chơi trẻ con giữa bãi cỏ rười rượi gió đồng, để bắt nó mặc áo đen râu ra ngoài sân đình bàn chuyện thế sự, nhân sinh. Trong cái mũ áo thùng thình ấy nó đã lớn lên, dẫu chưa vừa vặn gì nhưng giờ đây nó không còn thấy vướng víu như buổi ban đầu nữa. Ngày trở về mọi điều đã khác. Mọi người cũng khác. Liệu có tìm lại được ánh mắt nhìn ta như ngày xưa nữa không? Và cả nó nữa, đằng sau ánh mắt nó mọi sự đã đổi thay... - Ngày đầu tiên trở về mày sẽ làm gì? - Gã kia nhắc lại. - Tao cũng không biết nữa - Nó bâng khuâng trả lời. - Tao ấy à, tao sẽ lao ngay ra bờ sông bơi cho thoả thích. Mày biết không được la hét giữa sông sướng mê tơi... - Giọng gã có vẻ phấn khích - Hét bao nhiêu cũng cảm thấy không đủ, giọng mình cứ bị rơi tõm đi đâu mất. Nếu tao còn gặp mày, tao sẽ đưa về quê tao chơi. Mày không biết bơi thì tao sẽ dạy. Mày có đồng ý không? - Đồng ý! Cả hai sau đó lại rơi vào im lặng. Nó đoán gã kia đang bị rơi vào cái miền u tối mịt mùng giăng giăng những kỷ niệm. Một lúc sau gã kia cất tiếng gáy. Bình thường nằm cạnh một người gáy to thế này chẳng dễ chịu gì. Nhưng bây giờ nằm nằm giương mắt nhìn trần nhà nó cảm thấy tiếng khọt khẹt phì phò đã rào lại khoảng không gian trống trải lạnh lẽo này thành một căn phòng ấm cúng hệt như căn phòng của bố và nó. Chỉ cần với tay sang bên cạnh là thấy ngay quyển vở mới viết một nửa và cuốn Streamline bị mất trang thứ mười mà nó vẫn để nguyên chỗ cũ sau khi bỏ học. Sát đầu giường có một bộ salon gỗ, ở chỗ tay vịn có một vết lõm nhẵn bóng mà mỗi khi ngồi xuống nó hay lấy tay di di lên đó. Tinh mơ bố thường ngồi đó uống trà một mình, dáng nghiêng nghiêng ngóng ra ngoài sân mờ tối như ngóng chờ ai đó... Mỗi khi tỉnh dậy nó thường bắt gặp cái dáng ấy của bố trước tiên. Bất chấp vời vợi xa cách, tâm tưởng nó chuyển tất cả những gì thân thiết nhất trong ngôi nhà xa xôi để đặt vào khoang trống đầu cầu thang này, và nó dần thiếp đi trong niềm an ủi nồng ấm. Già nửa đêm nó bỗng bị đánh thức bởi tiếng người lao xao đi lên cầu thang. Đến lúc này nó mới sực tỉnh hẳn để nhận thấy gã ngủ nhờ biến đâu mất. Kệ! Nó xoay người định ngủ tiếp, nhưng bỗng như có hòn đá trượt dọc sống lưng, khi cánh tay nó chạm phải miệng túi áo bị mở. Nó vùng dậy nhanh chưa từng thấy, thọc tay vào túi. Toàn bộ số tiền công hôm nay vừa kiếm được đã biến mất. Trước khi ngủ nó còn kiểm tra lại rồi gài chặt túi áo. Một nỗi căm hân tê dại trườn râm ran khắp người nó, tựa hôm bị bọn đầu gấu chặn ngang ở Nôvôximbirxcơ, lột sạch cả tiền lẫn hàng hoá. Giờ này chắc chắn gã kia chưa ra khỏi ngôi nhà. Nó lồng lên chạy như một con chó điên sục vào tất cả các ngóc ngách của các gian bếp và toa lét. Chẳng khó khăn gì nó tìm thấy gã kia đang đứng co ro nép mình vào góc trong cùng của toa lét tầng một. Không hỏi han, không buồn nói một câu, nó lao vào đấm đá và cảm thấy đấm đá bao nhiêu cũng không hả cơn tức giận đang ngùn ngụt thiêu cháy nó. Gã kia co người lại để đỡ đòn, không hề thanh minh, không đánh trả, không thốt kêu một lời nào. Sự bất phản kháng đớn hèn đó làm bung cái khuôn nhin nhục chật hẹp mà nó tự gò mình vào bấy lâu nay. Chỉ cần gã kia vung ra một cú đấm là nó tỉnh cơn điên ngay. Đúng lúc này, người thật trong nó bỗng tỉnh cơn hôn mê đang nổi điên chống lại một hình nhân nhịn nhục đê hèn, tủi hổ không sao chịu nổi cũng tồn tại chính trong con người nó chứ không phải là một kẻ khác. Nó chỉ dừng tay khi đã kiệt sức. Gã kia lấy nắm tiền trong túi ra đưa cho nó. Qua ánh sáng nhờ nhờ từ ánh tuyết hăt vào, nó nhìn thấy gương mặt gã kia đầm đìa nước mắt. Nó bỏ đi. Không ngủ được nữa nó khoác chăn trèo lên bệ cửa sổ nhìn ra ngoài trời. Đêm phương bắc không bào giờ tối hẳn. Nó thèm có điếu thuốc lá lúc này để làm tan loãng những ý nghĩ u ám trong đầu. Nó đi dọc hành lang tìm nhặt những mẩu thuốc người ta bỏ đi gom lại được nhúm thuốc it ỏi, cuộn vào một tờ giấy báo bẩn để hút. Lúc này những người dậy sớm đi chợ đã lục tục dọn dẹp khua khoáng đồ nghề để ra đi. Một ngày mới nhọc nhằn bất trắc lại bắt đầu. Cả ngày hôm ấy nó làm một vài việc lặt vặt mà các chủ hàng thuê. Có một lần nó giáp mặt với gã kia. Cả hai quay mặt đi như chưa hề quen biết. Thái dương bên phải gần khoé mắt của gã tím bầm. Nhìn bộ mặt gã lút trong bao hàng kềnh càng nó bỗng thấy chạnh lòng. Chiều hôm ấy sau khi khuân xong bao hàng cho chủ thì đã sáu giờ chiều. Vào tiết cuối xuân sáu giờ chiều là đã tối lắm rồi. Nó nhìn vườn cây đen trũi và trơ trụi trước nhà thoáng lưỡng lự.Nhưng rồi ý định chợt đến chiều nay chũng lôi tuột được nó ra khỏi nhà. Nó nghĩ mãi về gã kia. Tuyết nhiên không một chút oán hận ghét bỏ. Ngược lại khi trông thấy cái lưng cong vòng của gã dưới bao hàng to vật, bước run rẩy cố nép vào mép tường xoắn lại như chão khi gặp nó, nó bỗng thấy tâm trạng u ám của nó tan chảy ra. Nó lướt qua gã nói khẽ: " Tối nay mày đến chỗ tao ăn tối nhé!", rồi vội vã bỏ đi vì sợ gã kia từ chối. Tới lúc này nó mới cảm thấy hết nỗi cô độc của nó. Nó như bị tước bỏ mối liên hệ cuối cùng với đồng loại đúng vào lúc nó cần nhất một người bạn đồng hành, dù tốt, dù xấu để nhen nhúm ngọn lửa sống trong đống tro tàn bao tháng ngày qua đã nguội tạnh. Nó quyết định đến cửa hàng mua một ít đồ ăn tươm hơn ngày thường một chút. Cửa hàng nằm cạnh ngôi nhà. Phía bên kia của một công viên nhỏ. Vào mùa hè, rình những khi vắng người nó thường lang thang ra công viên, nằm trên đám cỏ xanh mướt dưới bóng cây tử đinh hương có chùm hoa tím ngan ngát để tưởng tượng tiếng ve ran trong cây sấu già trước nhà. Vào giờ này cửa hàng không còn đông người. Nó lặng lẽ đứng vào dãy người bên gian bán rau quả. Người nào cũng tranh thủ mua nhiều thứ nên hàng nhích lên rất chậm. Bỗng nó để ý đến một ông lão đứng cách nó hai người. Ông lão già lắm rồi, da gấp nếp như những lượn sóng lăn tăn hai bên má và tràn xuống cả cái cổ nhợt nhạt. Ông láo len lén lấy một củ cải đỏ nhét vào trong cái túi vải nhàu nhĩ mà ông đang cầm trên tay. Người nó căng ra vì hồi hộp và lo lắng như chính nó ăn cắp chứ không phải ông lão. Nó liếc nhìn cô gái bán hàng, cô ta vẫn đang tươi cười chiều theo thói õng ẹo của một bà khách khó tính, hai hàng mi cong cong che rợp đôi mắt như hai cánh bướm khẽ rung rung. Mỗi khi cánh bướm nhẹ cất lên lại hiện ra hồ nước xanh thẳm, mênh mông. Len lén nhìn cô gái ông lão lại nhón thêm một túi nilon bắp cải muối cho vào túi khi cô ta khẽ cúi xuống lấy bó hành tươi cho khách. Làm xong việc ông lão tách ra khỏi hàng và đi ra cửa. Nó thở ra nhẹ nhõm... Ông lão vừa ra đến cửa thì có tiếng gọi giật giọng: - Ông già đứng lại! Nó sững sờ nhìn cô gái bán hàng. Cô ta đang dõi thẳng ánh mắt vào ông lão, đôi cánh bướm khẽ động đậy che bớt cái nhìn giễu cợt. Ông lão đứng chết trân ngay tại cửa, bàn tay nhăn nheo đang vịn trên cánh gỗ từ từ trôi tuột xuống. Cánh cửa gỗ nặng chịch bị bật trở lại kêu đánh rầm. - Ông lại đây! Ông lão loạng choạng đi về phía cô ta. Tất cả ánh mắt của những người mua hàng đổ dồn về phía ông lão, người thì lắc đầu, người thì quay mặt đi.Nó rất khó đoán những ánh mắt ấy, những cái lắc đầu ấy... - Ông vừa bỏ cái gì vào túi thế? Ông lão như bị thôi miên, thò bàn tay khẳng khiu có những móng tay đen sì đầy đất vào túi lôi ra gói bắp cải muối. Rồi bàn tay ấy thoáng ngập ngừng, run run dựa vào quầy hàng. Cô gái vẫn cười nửa miệng. Nụ cười giễu cợt khiến cái miệng nhỏ nhắn nhếch lên cáng thêm duyên dáng. Người đến lượt mua nhắc cô gái bán hàng. Anh ta trông có vẻ vội lắm, từ nãy liên tục nhìn đồng hồ, khó chịu với việc bất ưng xảy ra. Ông lão quay người đi ra cửa lưng còng xuống, phút chốc người ông như thu nhỏ lại. Ông lão vừa đẩy được cánh cửa nặng chịch để ra ngoài thì tiếng gọi trịch thượng lại giật ngược trở lại: - Ông già quay lại đi! Ông lão đứng im hai bàn tay buông thõng, môi trễ xuống run run. - Lại đây! Vẫn cái giọng trống không lanh lảnh của cô gái. Đôi cánh bướm xoè rộng hết cỡ để lộ mặt hồ xanh vời vợi, sâu thẳm. Toàn bộ khối nước trong xanh ấy đổ ụp lên ông lão khiến ông nghẹt thở và bất động. -Ông nghe thấy gì không? Ông lão thu hết sức tàn còn lại đi về phía quầy rau. -Mở túi ra! Chưa hết... Lập cập mãi ông lão mới để được cái túi vải lên quầy hàng. Cô gái thò tay vào lôi ra củ cải đỏ giơ lên hỏi như đố vui: - Cái gì thế này? Cô gái nhìn củ cải đỏ và cười như đùa với một sự gì ngộ nghĩnh lắm. Xung quanh có vài tiếng khúc khích rồi im bặt. Cô gái quẳng củ cải vào khay nhựa, nói: - Lấn sau ông đừng đến đây nữa nhé! Đi đi... Ông lão quay ra. Người đàn ông đến lượt khó chịu cằn nhằn: -Mất thì giờ quá! Cô gái ngẩng lên nhìn người đàn ông cười duyên dáng, đôi cánh bướm xoè ra lung linh làm ánh mắt dịu lại: -Xin lỗi, anh mua gì nào? Người ta quên ngay câu chuyện vừa xảy ra, người đàn ông mua xong thì đến lượt nó. -Anh cần gì? Nó nhìn vào sâu mắt cô gái, đột nhiên lắc đầu rồi quay ngoắt đi. Ra đến ngoài cửa nó nhìn thấy bóng ông lão đi phía trước. Ông lão đi như cắm từng bước xuống lớp băng trơn trượt phủ kín mặt đường. Nó cố dấn bước đuổi theo. Đến bệ đá công viên thì nó bắt kịp ông lão. Ông lão ngồi bệt xuống lớp tuyết, vai tựa vào bệ đá. Khi nó đến gần ông lão hốt hoảng đứng dậy chống gối định bỏ đi. Nó vội chìa hai bàn tay nắm lấy cánh tay ông lão vỗ nhè nhẹ. Không hiểu ông lão cảm thấy điều gì trong cái vỗ về ấy mà lại ngồi xuống. Qua ánh đèn công viên, nó thấy đôi mắt già nua của ông lão ầng ậng những nước sắp sửa trào ra phủ kín gương mặt nhăn nheo xanh bợt. Nó muốn nói với ông cái gì đó mà không thể thốt nên lời, không phải vì vốn tiếng Nga ít ỏi của nó, mà nó cảm thấy được nỗi đau vô bờ của ông. Nó cũng ngồi bệt dưới tuyết sát cạnh ông lão, nghe rõ tiếng thở nghèn nghẹn trong lồng ngực già nua kia. Nó thò tay vào túi lấn sờ những đồng tiền vừa kiếm được, vừa giành giật được khỏi tay kẻ khác... Những ngón tay cuộn lại nắm tiền lộn xộn rồi khẽ rút ra. Nó ấn nắm tiền vào tay ông già, giọng run run xấu hổ: - Xin ông hãy cầm lấy... Ông lão chỉ chờ có thế liền bật trào nỗi đau đớn cố nén có lẽ chứa chất từ lâu lắm rồi. Nó hiểu câu được câu mất trong tiếng nghẹn ngào: - Tao là lính... Sevattôpôn... tao bị thương... vợ tao ốm... lâu lắm...không có con... không có tiền... nó chỉ bằng cháu tao... nhục nhã quá... tao là lính mà... Ông lão nhắc đi nhắc lại câu "tao là lính mà, nhục quá ". Ông lão giơ cánh tay cầm nắm tiền nó đưa cho lên trước mặt, tiếng nấc lại dội từ đâu đó xa lắm vọng về. Mãi sau ông mới nói được lời cảm ơn. Nó đỡ ông lão đứng dậy. Ông lão cúi đầu cảm tạ nó một lần nữa rồi cất tiền vào túi áo trong. Lúc ông lão rẽ vạt áo ra, nó chợt nhìn thấy mất tấm huân chương, huy chương cái ở mặt trong ngực áo. Ánh bạc của chúng bắt tia sáng ngọn đèn công viên loé lên lấp lánh và chúng va khẽ vào nhau rủng rẻng. Không chịu nổi, nó bỏ đi. Lòng nó trống rỗng như cánh rừng hoang xơ xác sau cơn bão. Đôi cánh bướm mịn như nhung dập dờn trên đôi mắt tựa hồ nước xanh biếc, trong veo của cô gái bán hàng nhìn nó vào giây phút ấy khiến nó phải bỏ đi. Còn gì nữa? Lúc ông lão quay ra, nó nhìn thấy một ánh mắt không phải là của một sinh linh đang sống, mà là của một thân xác đang bị linh hồn trút bỏ lại, không còn cả nỗi tuyệt vọng, không còn cả nỗi đau đớn... Ông lão đã bị đẩy sang một giới hạn, nếu vượt qua giới hạn đó thì không còn cách nào dừng lại được nữa, đó là giới hạn của sự trở về sống giữa loài người... Ông lão đã đi đến tận cuối con đường. Còn nó, nó đang ở đâu trên con đường ấy? Và, liệu nơi tận cuối con đường mà ông lão, nó, gã kia.. sẽ đặt chân tới đâu, cuộc sống mới có bắt đầu hay không?