Bà nội về quê gần hai năm. Nhớ bà quá, nhưng Tâm biết bà không ra Hà Nội nữa. Bà giận mẹ.
Bà nội nghiện ăn trầu từ thuở còn con gái. Bà bảo có hai loại trầu: trầu quế và trầu mỡ. Ngon và thơm nhất là trầu quế. ở quê mình, đàn bà, con gái xưa đều ăn trầu và nhuộm răng đen. Hơn bảy mươi tuổi rồi, bà nhịn cơm chứ không nhịn trầu được, các cháu ạ.
Những ngày đầu ra Hà Nội ở chơi với con cháu, bà cứ thơ thẩn, hết ra lại vào. Tưởng bà nhớ quê, Tâm và Nam thi nhau bật vô tuyến suốt ngày cho bà xem. Nhưng bà cứ nhìn đi đâu ấy. Tâm mách mẹ, mẹ cười: "Bà nội con nhớ trầu cay đấy. Để chiều nay, mẹ ghé vào chợ Hôm mua trầu cau cho bà".
Chiều đó, bố mẹ đèo nhau về đến cổng, đã gọi tướng lên:
- Tâm, Nam đâu? Ra giúp bố mẹ một tay nào?
Hai đứa chạy ùa ra. Mẹ đang bưng trên tay một chiếc bình vôi. Bố rút từ giỏ xe ra một túi trầu và rau tươi.
- Mẹ ơi, chúng con mua trầu cau cho mẹ rồi đây này. Cả con dao chìa vôi để mẹ têm trầu nữa.
Bà nội tươi tỉnh, tay run run đỡ lấy bình vôi:
- Bà thèm trầu quế, nhưng bà ngại... phiền mấy con.
Đêm ấy, mùi trầu không thơm cay toả khắp sân. Tâm và Nam xoắn lấy bà, bắt bà kể chuyện ma: "Cố Bợ đốt nhà chỉ cháy lạt, không cháy gianh". Chuyện bà kể sợ ơi là sợ, nhưng hai đứa cứ thích nghe. Mẹ phải mấy lần gọi, hai đứa mới chịu vào học bài. Nhưng lạ thật, ma Cố Bợ cứ lởn vởn đâu đấy.
Những buổi tối thơm nồng mùi trầu như thế kéo dài không lâu. Một buổi sáng, Tâm thức dậy tập thể dục, đã thấy mẹ xách nước rửa sân, dùng chổi tre kỳ cọ mãi góc sân nơi ba bà cháu ngồi đêm qua. Thì ra vui chuyện, bà nội đã vứt bã, nhổ quết trầu ra đấy. Mặt mẹ cau cau khó chịu.
Tâm kể chuyện ấy với bố. Bố thần mặt, thở dài rồi phóng xe ra phố, mang về cái ống nhổ bằng đồng. Bố dặn Tâm: "Con nói nhỏ với bà nhổ nước trầu vào đây nhé". Những chuyện cổ tích ở quê lại được ba bà cháu rì rầm. Tâm cầm cái ống nhổ phục vụ bà, mỏi tay lại chuyền cho em Nam.
Rồi bố đi công tác tận Lạng Sơn. Gói trầu và cau tươi của bà cứ cạn dần. Mẹ không ghé vào chợ Hôm nữa. Tâm nhắc mẹ, mẹ gắt: "Chợ hết trầu cau rồi. Thời nay có ma nào ăn trầu đâu mà mua với bán. Mày lấy kẹo cao su cho cụ nhai vậy. Vừa sạch răng lại đỡ bẩn nhà".
Bà nội không quen ăn kẹo, nên trệu trạo nhai cau khô với vỏ cho đỡ nhớ. Thương bà quá. Giá Tâm có tiền và chợ còn bán cau trầu... Chuyện Cố Bợ, ma rà cũng tắt. Các buổi tối, hai đứa chúi đầu vào học bài. Mẹ ngồi ốp bên cạnh. Bà ho khan một mình trong buồng...
Một buổi chiều, Tâm đi học thêm về muộn. Cổng mở toang. Đèn trong nhà không bật. Chiếc bình vôi lăn lóc góc sân, vôi đổ tung toé. Thằng Nam đang gào khóc với mẹ:
- Con bắt đền mẹ đấy. Con bắt đền mẹ đấy! Mẹ không mua trầu cho bà... lại quét đổ bình vôi của bà... để bà bỏ đi rồi. Hu... hu... bà ơi... bà về với cháu đi... bà ơi...
Bây giờ, ngồi dưới giàn bầu xanh mát trước sân, Tâm càng da diết nhớ bà. Giá như ngày ấy... có một giàn trầu không. Thương nhất là bố. Bố đi Lạng Sơn tất tả về, vai mang bọc quà, trên tay là một nhánh trầu không phủ lá chuối. Vừa vào cổng, bố đã reo lên:
- Em ơi, anh đã tìm được giống trầu quế về cho mẹ đây này.
Đáp lại là bộ mặt buồn xỉu của cả nhà. Thằng Nam mau nước mắt, oà lên khóc:
- Bà bỏ về quê mất rồi bố ơi! Con bắt đền mẹ. Tại mẹ...
Bố đứng sững, đánh rơi nhánh trầu không xuống sân, kêu lên đau đớn: "Mẹ ơi!". Nước mắt bố chảy xuống má.
Bỗng bố bật dậy, ném bọc quà vào nhà. Không nhìn mẹ, không hỏi Tâm một câu, bố cởi áo, chạy ra sân, đến bên cạnh cái chậu sành lớn nhất, bố nhổ phăng gốc trúc Nhật ném ra góc sân.
Nhánh trầu quế được giâm vào cái chậu cảnh. Hàng ngày đi làm ở cơ quan về, bố lầm lụi vun đất, tưới tắm cho trầu. Bố ít nói hẳn đi. Bữa tối, cả nhà ăn trong im lặng. Lùa uể oải bát cơm, bố xách ghế ra sân ngồi im lìm bên chậu trầu không...
Thế là đã gần hai năm bà không ra Hà Nội. Nhánh trầu không bố mang về đã thành một giàn trầu xanh mướt, che kín nửa sân. Mùi trầu quế thơm nức.
Bố mẹ đã làm lành với nhau. Đó là một đêm mưa thu, sau hai tháng nặng nề, mặt bố lạnh như tiền. Nửa đêm, Tâm chợt thức giấc. Nghe có tiếng thì thầm. Rồi tiếng mẹ nức nở.
Bây giờ, giàn trầu là niềm vui chăm sóc của cả nhà. Mẹ là người chi chút, nâng niu nhất. Sáng nào mẹ cũng dậy sớm tưới nước, bắt sâu, vắt những nhánh trầu non lên giàn. Chưa vừa lòng, mẹ còn phân công hai chị em Tâm ra bãi thải tìm vôi tường cũ, đem về đập vụn đắp vào gốc trầu nữa.
Giàn trầu mượt xanh như láng mỡ. Nhưng bà nội vẫn không ra chơi. Bố đã hai lần về quê đón bà. Hai lần bố ra một mình.
Nghỉ hè. Tháng 9 tới, Tâm lên lớp 11, em Nam lớp 6. Đêm qua trăng sáng. Cả nhà mang ghế ra sân, ngồi dưới giàn trầu quế. Bố bảo mẹ:
- Ngày kia giỗ ông nội, anh và thằng Nam về thăm bà. Em và cái Tâm trông nhà nhé.
Mẹ ngả đầu vào vai bố:
- Không. Em chuẩn bị tất cả rồi. Em phải về cùng. Lỗi do em gây ra, em phải về tạ lỗi với mẹ chứ.
Tâm nhanh nhẩu:
- Mẹ nói đúng. Cả nhà cứ về quê thăm bà nội. Con giữ nhà cho. Nhưng mẹ phải nhận với con một điều cơ...
- Trăm điều mẹ cũng nhận. Con nói đi.
Tâm bí mật ghé vào tai mẹ thì thầm. Mẹ cười:
- Suýt nữa... Cảm ơn con gái.
Mờ sáng. Mẹ một mình bắc ghế đứng dưới giàn trầu, thận trọng chọn những lá trầu tươi nhất, xanh nhất xếp thành một chúc trầu thơm ngát.
Mẹ sẽ mang chúc trầu quế của cả nhà về biếu bà.
Tâm tin là đến một ngày nào đó, một đêm nào đó, bà nội sẽ ngồi nhai trầu dưới giàn trầu quế. Chị em Tâm tha hồ nghe bà kể chuyện cổ tích./.