Những ngày mùa thu, khi những cơn gió lạnh thổi lá vàng bay bay ngoài ngõ là những ngày gợi sầu gợi nhớ nhiều nhất, những ngày thu cuối tuần tôi thường pha cho mình một ly trà tầu, lục lấy đĩa nhạc tiền chiến bỏ vào máy mở nghe lại những bản nhạc bây giờ ít người nghe như Giọt Mưa Thu của Ðặng Thế Phong, Bến Xuân của Văn Cao, Trương Chi của Phạm Duy, Suối Mơ, Thuyền Viễn Xứ v.v…. Tôi đã khẳng định ít người nghe vì khi vào mấy tiệm bán băng nhạc khó khăn lắm mới tìm ra những đĩa hát những bản nhạc cũ bị coi là lỗi thời (như bản thân tôi) nay không còn phổ thông nữa! Trước đây những chiều thu thế này tôi lấy giấy bút ra viết lá thơ dài dăm bảy trang giấy gửi về Banmêthuột cho bố mẹ tôi, thường là những lời thăm hỏi thông thường chỉ có nửa trang là hết chuyện, còn lại tôi thường viết một câu chuyện kể về kỷ niệm buồn vui thuở ấu thơ, vừa để vơi đi niềm nhớ, vừa để chia xẻ lòng mình, dăm bảy trang giấy cho thấy dù là bận rộn xa mặt nhưng không cách lòng, với lại tôi lười viết thư nên khi viết cũng nên viết dài để bù đắp lỗi mình không đủ quan tâm thường xuyên thăm hỏi đến cha mẹ tuổi già, và vẫn biết chẳng còn niềm vui nào hơn là nhận được cánh thư của con cái từ phương xa! Khi tôi về lại Banmêthuột làm giỗ đầu cho bố, các em tôi bảo mỗi khi bố nhận được thư anh bố mừng lắm, gọi cả nhà đến đọc cho mọi người cùng nghe, những ngày kế tiếp ông lại lôi ra ngồi đọc đi đọc lại như muốn thuộc lòng từng câu từng chữ trong thư ấy, sau bố xếp lại có thứ tự trong tủ cẩn thận, rồi cứ thỉnh thoảng lại lôi ra đọc như thể kinh sách quý giá lắm! Cha tôi cũng đã vĩnh viễn ở lại Ban Mê, dù thương nhớ chúng tôi rất nhiều ông vẫn nhất định ở lại đó, tôi đã hết lòng khuyên nhủ động viên qua ở với chúng tôi để sống an nhàn hưởng thụ tuổi già, nhưng ông từ chối, định mệnh của cha tôi là như vậy, tôi không cưỡng lại được. Từ khi cha tôi mất, tôi cũng thôi viết những lá thư dài gửi về Ban Mê! Giờ đây những bản nhạc du dương, những lời tha thiết của quê hương trong một buổi chiều lá vàng rơi đầy trước ngõ: Bây giờ là mùa thu, Trời giăng khói sương mù Hàng cây khô sầu úa Anh đã quên mùa Thủ Ngoài kia giọt mua Thu thánh thót rơi Trời xám, mưa buồn mây hắt hiu ngừng trôi... Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì ai? Ngồi nghe băng nhạc cũ Bài ca "Giọt mưa thu " Gởi hồn về quê cũ Thu này nữa mấy thu! Bài ca tiền chiến vi vu Man mác gợi lòng cô phụ Cho thế nhân hoài cảm Ðiệu nhạc buồn thiên thu Như dịu dàng Như ai oán Như bọt bèo của cuộc phù du Lá vàng đỏ tô màu Ðợi gió về rơi mau Cho Thu còn vẻ hôm nào Lòng dạt dào Khói thuốc bay mờ khung cửa Ký ức hiện về xôn xao Như một giấc chiêm bao Ngườì ngồi đó mà hồn nơi nao? Thu này có khác gì nhau? Sao chẳng nguôi sầu Ôm trái tim đau Mà mãi di tìm quá khứ? Mà hỏi vì dâu? Thu 90 Ðó là bài thơ cũ làm vào một buổi chiều thu như chiều hôm nay, tôi vào phòng đọc sách, bật máy lên định viết một chuyện gì đó để tâm sự với cha tôi, nhưng ông đâu còn sống để đọc thư! Viết cho ai? ai đọc mà viết! Buồn bã quá tôi mò ra sau vườn một mình ngắm mây bay, nhìn nắng vàng hanh, nhớ về quê hương xa xôi những ngày xưa cũ, tôi bước lại vào nhà vặn TV lên xem tin tức, trên màn ảnh truyền hình cuộc chiến tại thành phố Falluja bên Iraq đang đến hồi gay gắt máu đổ thịt rơi, những căn nhà đổ nát, những đám khói đen bốc lên, những xác người vương vãi … mấy đứa con tôi cũng đã lớn, thằng cả đã là sinh viên đại học, tụi nó đi ngang qua thấy bố chăm chú theo giõi TV, chúng chỉ liếc qua rồi đi thẳng, chiến tranh tuốt tận bên Trung Ðông không làm chúng bận tâm, dĩ vãng tìm về, tôi tắt TV ra thư phòng ngồi vào bàn máy lách cách gõ đều … Năm 1956, sau khi giải ngũ chia tay với đơn vị từ quận Trà Bồng Quảng Ngãi, cha tôi đưa cả gia đình lên Banmêthuột lập nghiệp sau một thời gian ngắn ở trọ và ăn tết tại Sàigòn. Tại đây gia đình tôi xum họp với người bác ruột anh của mẹ, và cũng là bạn xưa chiến hữu của cha tôi từ những năm trước cuộc cách mạng mùa thu năm 1945 ngoài bắc. Bác cũng mới giải ngũ và dọn từ Sàigòn lên Banmêthuột trước đó một năm. Ngoài ra ở tỉnh lỵ Banmêthuột nhỏ này tôi còn có một người bác họ phía bên mẹ, bác thuộc nhóm người tiên tiến bỏ làng mạc lên Hà Nội, tự lập gia đình rồi đưa vợ đi "Tân Thế Giới" nghĩa là vào Nam và lên BMT làm cảnh sát tại đây từ năm 1945-1946, nhà bác ở Đường Y Jut. Thường thường chúng tôi chỉ theo cha mẹ ghé lên chúc tuổi bác ngày nguyên đán, rồi cả năm sau mới gặp lại, chẳng phải vì xa xôi gì lắm nhưng vì bố mẹ tôi rất bận rộn trong việc sinh nhai, chẳng bao giờ có dịp rong chơi nhàn tản, ngay cả những ngày xuân đến. Đó là dịp tết Mậu thân, lúc này nhà tôi dọn tới ở ngay sau biệt thự Nicholas và Garage sửa xe mà chúng tôi gọi là "nhà cao cẳng" của bà Sáu Vĩnh, cách vườn cà phê nhà ông Huấn vài chục bước chân, do sự chỉ dẫn của bác hàng xóm - bạn của cha tôi - ông ta xuất thân từ làng ông tổ của nghề pháo và thuốc nổ Bình Đà cũng không xa quê nội và quê ngoại tôi ngoài Bắc, anh em chúng tôi mới chế ra được khẩu moọc chê từ hôm trước ngày 29 tết, bắt đầu bằng cái vỏ ống đựng hoả tiễn của máy bay lượm từ ở đống rác Mỹ bên hông vườn cà phê nhà ông Huấn đối diện trường trung học Hưng Đức, ở đây có vô số vỏ ống hoả tiễn, vỏ thùng đạn các loại thường được tôi lượm đem về dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Cái ống một đầu bịt kín, hình như làm bằng nhôm pha gang dài khoảng thước rưỡi đường kính khoảng 10 phân, chúng tôi khoan 1 cái lỗ nhỏ cách đáy ống chừng 15 phân, dùng tre già buộc chống vào làm hai càng trông oai vệ như khẩu súng cối 120 lỵ Sáng hôm 30 tết tôi chạy ra đường Nguyễn Thái Học vào mấy tiệm tạp hoá của người Hoa mua "đạn dược" đó là nửa ký gió đá mà chúng tôi gọi là đất đèn gói kín trong túi nylon vì nếu để hở ra gặp không khí nó sẽ tự phát nhiệt mà tàn ra tro dần dần. Chiều ba mươi chúng tôi thử nghiệm cây bích kích pháo của mình, nạp đạn nghĩa là đổ khoảng hai xị nước vào ống rồi thả vào trong khoảng hai ba viên đất đèn lớn bằng đốt ngón tay cái, gặp nước lập tức đá đèn sủi bọt nóng hực và nhả ra chất gas bốc hơi rất mạnh, dùng que nhang (hương) châm lửa vào nơi cái lỗ khoan sẵn trên thân ống cách bàn tiếp hậu khoảng 1 gang, lập tức phát nổ dữ dội lửa phun ra miệng ống xa cả đến vài thước, tiếng nổ lớn hơn súng moọc chê thật, làm rung động mái tôn cả xóm, mấy cái chân nến trên bàn thờ ngã nghiêng lả tả, mẹ tôi sợ hãi cấm chơi, nhưng cha tôi là dân quân đội võ biền nên chịu chơi hơn, ông xem qua cái phát minh đó chỉ nhắc chúng tôi cẩn thận thôi chứ không cản, thọc cái gậy tre vào ống khoắng mấy viên đá đèn lên khoảng một phút tạo thêm hơi gas trong ống rồi lại châm lửa bắn nữa, khoảng ba lần khí đá tàn hết ta lại đổ ra thay nuớc và bỏ đá mới... bắn tiếp. Chiều hôm ba mươi tết Mậu Thân, sân nhà tôi chật cứng trẻ em, cũng có cả dăm người lớn nghe nổ kéo tới vây quanh xem chúng tôi "Pháo kích vào Phi trường L19" với những tiếng nổ long trời nổ to hơn là pháo tống nữa, thời buổi xã hội thanh bình nên cũng không có cảnh sát cấm đoán gì cả, với lại người ta dùng súng bắn thay pháo khắp nơi có sao đâu. Tự hào với phát minh và sở hữu khẩu súng cối dềng dàng cao hơn đầu, xử dụng lại rẻ hơn là mua pháo, tôi giới thiệu với hàng xóm tối giao thừa trở lại xem thấy để thấy rõ lửa phun ra nơi họng súng mới cảm nhận được sự … hùng hồn của khẩu súng thần công, những trẻ bằng hoặc nhỏ hơn tôi chạy đi khắc làng trong xóm ngoài phao tin về khẩu súng của chúng tôi, tụi nó quảng cáo còn rầm rộ còn hơn là vụ phi thuyền Apollo của Mỹ đáp xuống mặt trăng năm ngoái! Người ta ngày ba mươi lo trả hết nợ nần, còn tôi chạy vào nhà xin mẹ cho tiền lì xì trước và năn nỉ "mượn" mẹ thêm chục bạc (qua tết có nhiều tiền mừng tuổi sẽ trả) để rồi chạy vụt ra phố mua thêm hơn 1 ký "đạn dược" sẵn sàng thức trọn đêm nay! Đêm giao thừa Mậu Thân, khẩu súng đặt sẵn sàng trước sân, khi bóng tối vừa phủ xuống, người ta đã tới đầy trước sân (đa số là con nít) để chờ xem, chúng tôi bắt đầu liền chương trình "Pháo kích", lửa phụt ra từ nòng súng sáng loà cả cái sân rộng, hết quay nòng qua "phi trường L19" phía bắc làm vài phát rồi lại hướng về "Bộ tư lệnh SÐ23" phía tây làm vài cú, hoặc là dừng lại khúc giữa là quay nòng vào "Phố BMT" ở phía tây bắc để... pháo kích vào phố, tội nghiệp họ đâu có tội tình gì, hồi đó tôi đã không nghĩ ra là nên chõ ra phía rừng buôn Đất, buôn Cam Leo, hoặc là bên ngoài buôn Ki, buôn Thá v.v.. để phản pháo những cú pháo kích thiệt sự của súng cối và hoả tiễn 122 ly bay véo qua đầu mà tôi đã chứng kiến trước đâỵ Cũng như đám sinh viên đàn anh đã xuống đường chống chính phủ và chống chiến tranh ở Sài Gòn hồi 1963-1965, đầu óc thơ ngây của tôi cũng bị chiến tranh làm cho dính... chàm, cũng may mà không dính máu! như một bài hát thời chiến: "Chuyện một đêm kia, nghe súng nổ, nổ vang trời, chuyện một đêm kia, ôi máu đổ, đổ lệ rơi, chuyện một đêm khuya, nghe tiếng than trong xóm nghèo, mái tranh lửa cháy bốc lên ngùn ngụt trời cao! Bà mẹ đau thuơng..." Đúng nửa đêm, súng của chúng tôi nổ liên hồi kỳ trận làm át hết cả những tiếng pháo chuột và tiếng súng tay của một số hàng xóm bắn chỉ thiên thay pháo đón xuân, nền sân hôm trước rửa sạch để chuẩn bị đón xuân, bây giờ ngoài xác pháo, cát tút đạn, lại thêm loang lổ đầy những bãi nước có trộn tro tàn của gió đá trắng như vôi vung vãi khắp nơi, tụi con gái không thích mùi khí đá bịt mũi kêu thối, nhưng nhóm con trai hăng say như ngửi mùi thuốc súng thật rạo rực, tiếng nổ như sấm rền làm nức lòng tuổi trẻ như sẵn sàng tòng chinh! Một giờ sáng, người tới xem đã ra về gần hết, ngoài tiếng súng của chúng tôi, phía đầu xóm lại vang lên những tiếng nổ của lựu đạn, của hoả tiễn B40, những tiếng lốp đốp của AK Tiệp Khắc khác hẳn tiếng súng Carbine hoặc Ga Răng mà chúng tôi vẫn nghe quen. Bố tôi còn thức ông cũng nghe tiếng nổ đầu xóm, bằng vào kinh nghiệm lửa đạn bao nhiêu năm, dù thật bất ngờ ông đã đoán biết mấy phần chuyện gì đang xảy ra đầu ngõ. Cùng lúc ấy cả gia đình ông hàng xóm sát cạnh nhà Nicholas chạy xuống hổn hển cho biết "chúng nó" đã đóng quân đặt phòng không tại kế bên hông nhà ông ta chỉ cách nhà tôi ba căn. Thì ra cũng đêm ấy họ lẻn vô trong hai vườn cà phê nhà ông Huấn từ trước, giờ giao thừa đã bất thình lình xông ra chiếm hết những khu vực quanh đó gồm khu Nicolas gồm hai nhà đúc dùng làm bản doanh, chỉ trong vài giờ sau giao thừa họ đã chiếm đóng Ty ngân Khố, Ty sắc tộc, Toà Hành Chánh, Ty Mục Súc, Nhà thờ quân đội, trường Hưng Đức, toà đại biểu chính phủ và phòng Thông Tin bên cạnh Tiểu khu, đại đội địa phương quân 702 có nhiệm vụ canh gác những công sở này hầu hết đã về nhà ăn tết nên các công thự gần như bỏ ngỏ. Không biết chạy đi đâu nên cả, mấy gia đình hè nhau ra sân sau nhà tôi bắt đầu đào hầm cho nhanh, xếp cây, xếp củi lên mấy miếng vỉ sắt - loại dùng để lót phi trường - rồi kéo nhau vào ngồi im chờ trời sáng, tiếng pháo đã thưa dần rồi hết hẳn chỉ còn lại tiếng súng của chiến tranh. Sáng mồng Một, mọi chuyện đã rõ, hướng đằng công viên và Tiểu khu súng nổ liên hồi, trời còn mờ sáng tôi len lén ló đầu ra ngõ nhìn ngược lên dốc đã có thể thấy những tay súng mặc quần áo đen lom khom chạy qua chạy lại quãng giữa nhà ông Nicholas và vườn cà phê. Tới trưa mồng một thì nghe nhiều tiếng súng phản công cùng với tiếng máy bay bắn phá xuống những mục tiêu đã bị mất, nghe dần quen đi có thể nhận định được tiếng súng phe nào bắn đi, tiếng súng phe nào bắn lại v.v… Đạn cối 60, 81 ly đã lác đác rơi xuống chung quanh nhà và máy bay rít lên bắn rockets vào khu Ngân khố, toà hành chánh tỉnh chỉ cách nhà tôi khoảng trên trăm thước, mấy cây 12.7 và 37 ly phòng không cứ phành phành ròn rã bắn trả lên nền trời đã càng làm cho những chiếc máy bay như con thú say mồi bu lại xả bom đạn xuống càng lúc càng nhiều, thấy có mòi không ổn chiều ngày mồng Một tết năm sáu gia đình xóm tôi dắt díu nhau chạy xuống xóm dưới nơi bờ suối chỉ kịp quơ theo mấy cái bánh chưng, giò nạc, giò thủ …. cha tôi bảo không nên đào hầm trong nhà vì nhà có thể trở thành mục tiêu, khi nhà cháy dưới hầm cũng bị chết ngộp, kéo ra giữa cái vườn rộng dưới tàn cây vú sữa cao và rậm rạp chúng tôi lại cùng thay phiên nhau đào một tăng xê hình chữ chi thật nhanh, trưa ngày mồng Hai tết khi mọi người ổn định chỗ ngồi dưới hầm, thì ở phía đầu dốc hướng xóm nhà tôi bắt đầu đánh lớn hơn nữa, hết phi vụ này đến phi vụ khác những chiếc Sky Raider, A37, hoặc Phantom F5 liên tục ném bom phá và cả bom xăng đặc xuống mù mịt cả góc trời, sau khi nghe tiếng phản lực xà xuống rít qua đầu khoảng vài giây, những tiếng bom nổ to gấp trăm lần khẩu súng cối của tôi, đã làm đất cát trên nóc hầm rơi lả tả đầy lên đầu lên cổ mọi người, tiếng gạch đá rơi loảng choảng xuống mái tôn, mảnh bom bay mọi hướng chém ngã cây cành đổ nhào xuống đất, khi phản lực vừa rời thì trực thăng và C130 kéo tới xả đại liên và đại bác 20, 40 ly xuống các ổ kháng cự còn sót, suốt ngày đêm lúc nào cũng nghe chiếc "đầm già L19" bay rè rè thám thính ở trên. Chúng tôi mệt mỏi ngồi dựa nhau ngủ gà ngủ gật, các bà có con mọn lo bịt miệng không cho con khóc những khi nghe có tiếng chân người đi ngang cách hầm không xa. Sáng mồng Ba tiếng súng cũng đã giảm hẳn, chúng tôi khoảng hơn 50 người cầm những cây tre có gắn khăn trắng quyết định bồng bế dìu dắt nhau lên phố, chúng tôi đi men theo bờ suối ra tới nhà thờ Xứ Hưng Đạo còn gọi là xứ Nghĩa Đức của cha Bân, gặp thêm khoảng 50 người từ nhà thờ nữa cùng nhập bọn đi ngược con đường Đề Thám tới ngang đầu ty Thú Y nơi chúng tôi thường gọi là "Dốc Ðê" thì thấy trước mặt đã cháy rụi không còn gì cả, từ chỗ chúng tôi đứng nhìn lên thấy tận tường xây màu vàng nhạt của khuôn viên Biệt Điện và những gốc thông già ngoài công viên, các nhà cửa dân chúng và dinh thự ty sở không còn thấy nữa, lác đác chỉ còn vài cái cột đen trủi ngun ngún khói, ngay chỗ này cũng có cái trường tiểu học tư thục tên Thanh Tâm của gia đình tôi cho mướn dạy học cũng đã cháy mất dấu, rẽ về phía mặt lên dốc chúng tôi băng ngang đường Phạm Hồng Thái hướng về con đường cổng sau Tiểu khu, quân nhu, quân trấn v.v.. phía bên các chuồng heo trong Ty thú y, vẫn còn lốp đốp những tiếng AK bắn bâng quơ về hướng nghĩa địa quân nhân nhắm vào Tiểu khu Darlac Cứ thế chúng tôi lầm lũi bước đi, bố tôi cưỡi chiếc Suzuki M12 chở theo các em tôi và đi dẫn đầu đám đông, có chỗ phải lách bước qua những xác chết nằm giữa đường lộ, khi tới chỗ ngang nhà lao, có nhiều người lính chạy ra hỏi thăm tình hình "phía đằng đó" thế nào? Bố tôi trả lời những người lính bằng vài câu ngắn gọn những gì mắt thấy tai nghe! Rồi đoàn người chúng tôi hướng về cột phía đèn ba ngọn đi băng ngang qua khu bến xe cũ gần bên hông rạp hát Thăng Long, lúc này mới có cảm giác nhẹ nhõm sau ba ngày nằm chịu trận dưới bom đạn của khu chiến địa bây giờ tìm được về vùng đất an ninh, sung sướng làm sao! Đoàn người tản cư nhập bọn với vô số người từ những nơi khác đến ngồi nằm chật cứng cả sân nhà thờ chính toà, riêng gia đình tôi rẽ xuống phố vào ở nhà ông bác họ ngoài đường Y Jut quãng giữa đường Phan Bội Châu và đường Hoàng Diệu, đối diện Hội tương tế Kiến Hoà Tôi không theo gia đình xuống phố Y-Jut mà nấn ná ở lại nhà thờ chơi với các bạn bè đã cùng chung 3 ngày khói lửa có nhau, đứng ở đây khơi khơi ngó thẳng xuống con đường Thống Nhất, cây cành ngổn ngang, xác người vương vãi, chúng tôi nhìn về xóm mình chỉ cách đó khoảng hơn một cây số, vẫn còn những đợt khói bốc lên, vẫn lác đác dăm phi vụ bỏ bom! Bỗng một tiếng nổ lớn bên hông sân nhà thờ chính toà, một trái bom Napalm nổ văng nhựa cháy khắp bốn phương tràn ra như một biển lửa, nguời ta kêu réo vang trời, anh bạn tôi bị dính tý nhựa bằng hạt ngô cháy ngay đít quần vì chúng tôi đang đứng gần cổng chính nhìn hướng về phía Nam khi bom nổ phía sau lưng, hắn nóng quá lấy tay phủi bị nhựa dính phỏng tay, ngồi phệt đánh chịn xuống sân đất dập được lửa tắt nhưng quần đã cháy lủng một lỗ và mông thì bị vết bỏng to bằng đồng xu, cũng may là phía chỗ bom rơi cũng không đông người tỵ nạn cho lắm nên số người chết cháy không nhiều, số người phỏng nhiều hơn. - Sau này tôi mới có dịp biết thêm chi tiết sự việc ném bom nhầm nhà thờ này!Hai hôm sau tiếng súng đã dứt hẳn, chiều ngày mồng năm tết, tôi cùng người bạn bị phỏng mông cùng ở nhà liền vách, rủ nhau về xem lại nhà cửa heo gà thế nào? để chúng nó đói tội nghiệp, cứ dọc theo đường cái Thống Nhất mà về, qua khỏi Tiểu khu tới ngang toà tỉnh giờ chỉ còn là đống xà bần, xác người bên lề đường, xác người dựa gốc cây, chỗ này bàn tay còn lủng lẳng trên hàng rào kẽm gai, chỗ nọ cái chân v.v… ngang công viên phía bên phải, những bụi hoa giấy những ghế đá, cả chỗ cái xích đu cầu tuột cạnh sân tennis ở đối diện cửa Bệnh viện đều ngả nghiêng gãy đổ hoang tàn! chúng tôi rẽ trái bước qua đống gạch vụn mà trước đó là Ty ngân khố, cũng tạt ngang tìm xem có thấy thùng tiền nào rơi rớt ở đó nhưng không thấy gì cả ngoài mùi khét của thịt cháy, những vết máu loang đã trở nên tím bầm, hai căn nhà đúc thật to của gia đình Nicholas giờ cũng là đống gạch vụn, cả vườn cà phê hai bên bên đường với những hàng muồng cao xanh đậm rậm rịt che kín và căn nhà gỗ đen đồ xộ của ông Huấn đã không còn đứng đó nữa, những lỗ bom khắp mọi nơi, gần như cứ vài chục bước là một lỗ rộng đến bốn năm thước và sâu có đến hai thước, vườn cà phê đã hoàn toàn bị cày nát chỉ còn là lồi lõm hố bom đất đỏ. Qua khỏi sân Nguyễn Trường Tộ cũ, trước khi vào xóm tôi có bức tường xi măng giống như tường Biệt Điện, chỗ có cây gạo và vườn chuối hột, khi đi ngang đó mùi hôi thối xông lên nồng nặc, tôi nhòm vào thì thấy lố nhố tay chân nhô lên đầy cả! Thì ra trong lúc vội vàng rút đi tối mồng ba họ đã vùi nông chôn tập thể mấy chục xác ngay tại chỗ nàỵ Nhìn xuống tất cả xóm tôi mấy chục nóc nhà đã trở thành bình địa trong lòng nôn nao không thể tả, tôi và anh bạn không ai bảo ai cùng rảo buớc cho nhanh về nhà chỉ vài chục thước dưới kia, xung quanh có hàng cây bông goòng, phía trước có hàng mít và đằng sau là cái vườn cây trái, cám ơn bề trên nhà tôi còn đó, dù cả xóm đã cháy rụi gần hết, thật may mắn nhà tôi là một trong vài căn nhà không bị cháy và còn đứng vững dù là tường vách cũng như mái tôn lủng rách nát lốm đốm như tổ ong và cũng dính đầy nhựa bom Napalm cháy lốm đốm. Mấy con chó vô chủ, nhà chúng nó đã bị cháy, chủ chạy loạn chưa về nay không nhà đói khát đi lang thang trong xóm vắng tìm được cái gì ăn cái nấy kể cả thịt người! Chúng tôi mau chóng lục lọi lấy cám mẻ cho heo ăn, rồi lẹ bước ra lại ngoài phố, khi đi ngang gốc gạo tôi cặm cụi bước thẳng không còn dám liếc nhìn vào cái vườn chuối hoang vu đó nữa! Những ngày kế tiếp, chúng tôi bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, giúp đỡ chôn cất cùng những gia đình hàng xóm có thân nhân bị chết trong mấy ngày tết, có những gia đình di tản đi xa chưa về thì chôn cất thân nhân dùm họ, không có hòm nên chỉ quấn xác lại bằng cái mền, lấy hai miếng tôn cuộn lại bó bằng dây điện rồi vùi xuống góc vườn, tôi đi lang thang trong xóm điêu tàn lùng xục tìm những xác vô thừa nhận, những mảnh thịt xương bầy nhầy bây giờ đã là những ổ giòi bọ, quấn cái khăn có tẩm nhiều dầu gió, dầu khuynh diệp lên mặt, cộng thêm tay cầm cả bó nhang nghi ngút khói cho đỡ mùi xú uế, tôi đã rất đắc lực trong việc đem tiếp tế bánh trái lương thực cho những người "LCĐB", cũng như chỉ chỗ cho họ bốc hốt hết những xác chết từ vườn chuối và nhiều ngõ ngách khác trong xóm chất lên xe GMC đưa đi thiêu đốt ở gần khu trại tế bần. Không gian còn đậm đặc mùi tử khí nên không thể ngủ lại nhà, trong suốt tháng giêng ta, ban ngày ở nhà ban tối lên nhà ông bác ngoài đường Y Jut mà ngủ.Nhà bác tôi chung vách với trại hòm Phú Lâm, cái tiệm gồm gian ngoài cùng bày hòm, gian giữa là xưởng mộc đóng hòm, gian trong là đơn vị gia cư sinh sống của ông bà chủ, ông ta đi khập khễnh vì có một cái chân giả bằng gỗ.Bà bác tôi kể rằng những đêm trăng tỏ ngoài gian bày hòm của Trại hòm Phú Lâm thường hay có những tiếng động của người đi lại và tiếng nỉ non khóc lóc vọng ra, thế là anh em chúng tôi không còn dám ngủ ở phòng ngoài nhà bác kế bên cái phòng bày hòm có ma, rủ nhau chen chúc nhau leo lên cái gác xép chật chội ở gian trong cùng mà ngủ.Đến đầu tháng Hai ta thì gia đình tôi không còn lên phố ngủ nhờ mỗi tối nữa, nhà tôi hay nói khác hơn là cái khung còn sót lại một lần nữa trở thành trại tỵ nạn cho bà con lối xóm có chỗ tạm dung, kể cả trải chiếu nằm ngủ đỡ ngoài sân, trong thời gian họ cần dọn dẹp, rồi những cái lán sơ sài lại từ từ mọc lên trên đám tro tàn của những cái nền nhà xi măng còn sót lại.Trò chơi mới của chúng tôi năm đó là đẽo khẩu súng như tiểu liên Thompson bằng gỗ, có gắn cái lon sữa bò bên dưới, ngay sau cái đít lon là cái nắp keng (nắp chai bia hoặc nước ngọt đập dẹp) treo xỏ trên sợi dây thun, vặn nắp keng như lên dây thiều đồng hồ vài chục lần, cò súng là cọng dây điện bằng đồng, kéo sợi thun lùi xa đít lon một chút là nắp keng quay tròn và gõ "na phan" vào đáy cái lon, chúng tôi chơi đuổi bắn nhau ròn rã như tiếng lốp đốp của AK50, AK47 mấy hôm trước đâỵ Quê hương đã mất vẻ thanh bình, các trương chương trình bình định, phụng hoàng, xây dựng nông thôn, dần dần mọc ra, khẩu móc chê đầy tự hào của tôi nổ ròn đêm giao thừa đó đã vĩnh viễn không được xử dụng lại, nó nằm yên hoen rỉ nơi góc sân là kỷ vật theo cái tuổi thơ của tôi dần dần chìm xâu vào quá khứ! Tết Mậu Thân chỉ là một cái dấu mốc đáng nhớ thời tuổi trẻ của tôi, từng thế hệ lần lượt ra đi, rồi vài năm sau khi tôi mới chỉ cao bằng cây Garan M1 cũng đã bỏ súng gỗ ôm súng carbine đi làm nhiệm vụ bảo vệ thôn xóm mình, chưa hết tuổi sợ ma đêm đêm vẫn phải đi tuần hành qua khắp hang cùng ngõ hẻm trong xóm, mỗi khi đi qua vườn chuối hoặc những chỗ trước đây có xác chết "cái tóc lựng dựng, cái lưng lành lạnh" Các con tôi giục giã nhau đi sinh hoạt đoàn thể ngoài nhà thờ, chúng nó đã lớn hơn tôi hồi đó rất nhiều, nó có tuổi thơ của nó, tôi có tuổi thơ của tôi, như con suối "Mu Ri" chảy một chiều, tôi hiểu tuổi thơ của chúng nhưng chúng không thể hiểu tuổi thơ của tôi, khác với chúng nó tôi hiểu chiến tranh là thế nàọ Banmêthuột nơi tôi khôn lớn trong chiến tranh đến nay đã mấy chục năm rồi mà còn ngỡ như mới hôm qua! Một chiều thu 11/2004Ghi Chú: ° Ðêm giao thừa Mậu Thân, khoảng hai tiểu đoàn vừa đặc công vừa quân chính quy Bắc Việt bất thình đánh vào trung tâm hành chánh của thị xã Banmêthuột. Một nhóm khác tấn công B50 là trại lực lượng đặc biệt gần phi trường Phụng Dực cùng lúc. LCÐB: Lao công đào binh, những người lính không có mặt tại nhiệm sở trong những ngày chiến tranh, bây giờ phải làm những công việc dọn dẹp tạp lục. Khoảng năm 1991 tôi gặp ông Bùi Thế Dung tại Springfield Massachusetts, là thiếu tá chỉ huy đơn vị thiết giáp gần nghĩa địa BMT năm 1968. Theo lời ông kể chính ông là người đứng bên chiếc M113 và V100 tại cổng Biệt Ðiện vừa chỉ huy dưới đất và vừa liên lạc lên bên không quân cho bỏ bom nhà thờ tin lành ở cổng số một và nhà thờ quân đội ở đối diện dinh tỉnh trưởng, không ngờ do sự thông dịch nhầm lẫn nào đó viên phi công thả trái bom Napalm vào sân nhà thờ chính toà ngoài ngã sáu! Ông Dung sau là Ðại Tá và là Thứ trưởng Quốc Phòng vào những ngày cuối cùng của miền Nam.