Ðang say sưa nằm trên chiếc ghế bành phòng khách để theo dõi trận football tới hồi gay cấn, tôi bỗng giật mình nhỏm dậy vì có tiếng điện thoại reo vang. Ðầu giây bên kia là một giọng phụ nữ nghe quen quen:
- Mình ơi! Ðến Lord & Taylor ở Galleria đón em nhé. Em shopping xong rồi. Hôm nay họ có onsale hơn hai chục phần trăm, em mua suốt sáng đến giờ nhiều đồ quá em mang không xuể.
Rồi đổi sang giọng âu yếm và êm ái, người phụ nữ tiếng quen quen đó nói tiếp:
- Bữa nay em xài hết limit của cái Visa rồi. Mai mình apply cái khác nghe. Hôm nay ngày trực mãn, sao kế đô, em cúng ông táo, em kiêng, đừng có la em.
Mắt tôi bỗng dưng hoa lên, hai lỗ tai tôi bắt đầu lùng bùng nghe không còn rõ lời nàng nữa. Lúc này trên màn ảnh truyền hình, Terrel Davis của Denver Broncos đang ôm banh, lách qua hai tacklers rồi chạy thẳng vào endzone giữa những tiếng reo hò cuồng nhiệt của thao trường. Nhưng tai tôi đã ù đi. Những tiếng được tiếng mất vang lên từ chiếc phone, như Lord & Taylor... Galleria... shopping... Visa... limit..., vùn vụt bay vào màng nhĩ tôi, ở đó có những sợi giây thần kinh như chiếc âm thoa chuyển sự rung động của âm thanh thành một thứ tín hiệu và truyền lên óc, từ óc những tín hiệu đó lại trải qua một lượt processing nữa để biến thành những signals mà não bộ có thể hiểu được và phiên dịch ra được. Cả một quá trình vận chuyển đó thường thì chỉ diễn ra trong khoảng phần mười giây đồng hồ. Nhưng có lẽ, óc tôi bị đặc cứng vì hung tin cái Visa đã vượt limit, nên tôi cứ ú ớ mãi, cổ họng nghẹt lại, vợ tôi chờ mãi không thấy tôi trả lời nên lại lên tiếng:
- A lô... Anh Tiến... Anh có nghe tiếng em không?? A lô??
Ðằng hắng một lúc cổ họng tôi mới thông lại. Tôi lắp bắp mãi cố nói thành lời:
- Làm sao em... xài hết được? Limit của card mình tới gần chín trăm cơ mà?
Có tiếng giận dỗi ở đầu giây bên kia:
- Eo ơi! Anh sắp sửa bần tiện, bủn xỉn, keo kiệt với em phải không? Cả năm Galleria họ mới onsale có một lần... Em diện em đẹp cho ai? Em đeo nữ trang để cho ai được sang vì vợ, nở mày nở mặt với bạn bè?
Tôi luống cuống chống chế vì biết mình vừa lỡ phun ra một câu của một đấng phu quân kém hào phóng:
- Ðâu có... Anh đâu có nói gì đâu nào? OK, em chờ nghe. Anh lại đón em ngay.
Hấp tấp thay quần áo, bỏ mặc trận TV football với Brett Farve đang dẫn banh trong một drive ngoạn mục từ 5-yard line lên gần tới khung thành Denver, tôi vội vã ra xe lên đường đón vợ, trực chỉ khu thương mãi sang trọng Galleria, là cái nơi mà tôi chỉ nghe đến tên cũng đủ phát ghét, còn hơn dân Do Thái khi nghe nhắc đến tên trại tập trung Auschwitz bên nước Ba Lan. Tôi mơ ước nếu được là thị trưởng Houston, sắc lệnh đầu tiên tôi ký sẽ là lệnh đóng cửa Galleria, và tất cả các tiệm chuyên bán đồ mắc như JCPenney, Foleys hay Dillards. Chỉ cho hai tiệm được tồn tại hoạt động là Kmart và Walmart, và tích cực trợ giúp mở rộng các tiệm Thrift Store. Còn những cửa hàng nữ trang như Bảo Ngọc, Minh Trí và Ðồng Tín, các chủ nhân dứt khoát là phải ra tòa và tự nguyện đóng cửa, tài sản xung vào công quỹ; để dành tài trợ cho các trung tâm counseling chuyên an ủi tâm thần cho những anh chồng cặm cụi đi làm kiếm tiền để cho vợ tiêu xài hoang phí... Suy nghĩ lan man, tôi đã vượt một cái đèn đỏ. May mà không có chuyện gì xảy ra. Gần đường ra freeway, xe chạy ngược xuôi, gió lộng ào ào hai hàng cây nghiêng lá báo hiệu một trận mưa rào sắp đến. Lòng tôi bỗng dưng dịu lại. Vì tôi đã hình dung ra dáng vợ tôi tươi cười đứng trước gương ngắm nghía bóng mình trong bộ dress mới, say sưa ướm đôi earings lên và bắt tôi phải chọn cho nàng bộ bông tai đẹp nhất trong hộp nữ trang của nàng. Ngày xưa Trụ Vương còn mong ước đổi ngàn vàng để được lấy nụ cười của nàng Ðắc Kỷ. Bây giờ, tôi mất có vài trăm bạc mà nhìn thấy khuôn mặt vợ mình sung sướng nâng niu mấy chuỗi ngọc trai lên cổ quay qua quay lại trong gương, thì có gì đâu mắc mỏ. Ðừng kẹo với vợ quá như thế chứ, tôi nhủ thầm. Tôi huýt gió một bản nhạc vui, để xua đi nỗi tiếc của. Nhưng chỉ được một lúc là tôi biết mình đang tự an ủi cho nỗi lòng của mình tan nát. Vì tôi thừa hiểu, hoàng đế Trụ Vương ngày đó có cả muôn kho báu trong thiên hạ. Ngàn lượng vàng thì có nhằm nhè gì... Còn tôi thời nay, cơ nghiệp vốn liếng tính ra từ đầu đến chân vị chi còn có mỗi cái credit card. Nay đi đứt thì có chết cửa tứ không, hở giời!

*

Trên thiên hạ khắp chốn giang hồ năm châu từ Âu sang Á nếu hội liên hiệp phụ nữ quốc tế có tổ chức một cuộc tranh giải vô địch quần thoa về sự làm dáng, đại lãn và đoảng vị trong giới anh thư, chắc ít ai đủù bản lãnh qua mặt được một nhân vật của vùng Southwest ở Houston Texas, một người đã từng hăng hái đóng góp đáng kể vào sự làm giàu cho các ngành kỹ nghệ cosmetic, fashion và jewelry tại thành phố này. Ðó chính là người vợ yêu dấu của tại hạ.
Bùi thị Thu Sương, tức tên nàng, tức vợ tôi - sinh ra áp út trong một gia đình đông chị em. Thường trong những gia đình lắm con gái, chỉ vài chị lớn mới hay phải giúp mẹ làm bếp, nên mới có cơ hội phát triển tài năng gia chánh. Còn áp út như Sương, ít khi phải hạ cố đến long thể vì nếu có việc gì phải làm, như đã nói trên trong nhà đã có sẵn một hệ-thống đệm - buffer zone - gồm bốn bà chị hàng ngày giúp mẹ cơm nước quét tước dọn dẹp giặt giũ. Mỗi lần các chị sai nàng làm gì thì mẹ nàng hay bảo:
- Em nó còn bé đừng bắt nó phải làm việc nhà tội nghiệp. Ở được với mẹ ngày nào còn sướng ngày ấy, mai sau đi lấy chồng là khổ.
Nghe vậy, Sương thích lắm. Vả lại, tay chân nàng vốn rất ư là vụng về, nên chẳng ai muốn giao Sương trách nhiệm nấu nướng vì sợ phải tiêu thụ dùm những món nàng làm hỏng. Ai lại muốn ăn cơm khê, thịt kho cháy, cá chiên mà lòng ruộtù phèo phổi vẫn còn nguyên trong bụng bao giờ! Y phục nhờ Sương ủi, ai lại muốn mặc với nỗi lo ngay ngáy là thể nào không có vết cháy nám cũng một li biến thành ba bốn li như chơi bao giờ! Do đó, càng ít việc giao, Sương càng ít cơ hội tập sự và ngày càng lười và vụng hơn. Càng vụng, Sương càng ít bị ai giao việc. Cứ như thế, cái vòng luẩn quẩn mà môn tâm lý xã hội học gọi là "vicious cycle" này đã làm cho Sương, người vợ mai sau của tôi năm đó trở thành một phụ nữ phương tây ngay từ những ngày còn ở trong (trứng) nước. Vả lại, Sương còn có một triết lý sống khá vững vàng. Nàng cho rằng đối với phái nữ, trên đời quan trọng nhất không phải sự đảm đang khéo tay hay làm; mà là việc đỏm dáng nom sao cho mát mắt là đủ. Nàng có một niềm tin mãnh liệt là cái nết dù quan trọng đến đâu, rồi cũng sẽ bị đánh chết tươi bởi cái đẹp. Và nàng xem chừng thành công mỹ mãn trên bước đường vạch ra từ thời niên thiếu. Vì vừa lớn học mới lớp tám lớp chín, Sương đã trông vẻ mặn mòi, đã có dáng nét hứa hẹn cho một dung nhan yêu kiều trong một tương lai không xa lắm. Với mái tóc đen mướt xoã ngang vai, khoé miệng cười răng khểnh và đôi mắt nhung huyền trong sáng, Thu Sương đã là niềm mơ mộng của bao gã trai non chung trường cùng lớp, đủ loại từ những chàng nhút nhát chỉ dám trao thư cho đến những anh bạo dạn ngày ngày đón đường đưa lời tán tỉnh, cả đến mấy tay hung hãn kèn cựa bịch nhau toé khói để hy vọng được nàng chú ý. Sự “đắt hàng” của Sương, đã đóng một phần không nhỏ vào sự hình thành cái cố tật đại lãn mà đã đeo đuổi nàng cho đến trọn đời.
Tính đại lãn đáng yêu ấy cũng một phần do sự tin tưởng lời thầy bói mà ra. Ngày đó, có một đấng chuyên hành nghề nói láo ăn tiền tiếng Mẽo bồi gọi là turtleshell feeler, ông Mộng Dần, người cùng làng bố Sương đã phán từ khi nàng chỉ mới mười ba mười bốn cái trăng tròn:
- Tôi xem lá số tử vi con bé này, ông bà không phải lo đường chồng con cho nó. Sao đào hoa nằm ngay trong cung mệnh, lớn lên chẳng phải đi đâu, cứ ở nhà là tự nhiên sẽ có người tranh nhau đến rước!
Ở trong bất cứ một gia đình đông con gái vào thời buổi chiến tranh làm xã hội ta lâm tình trạng thiếu cò thừa hĩm, nỗi kinh hoàng nhất cho các bà mẹ là năm tháng qua đi mà các cô con cứ ỳ cán cuốc, không thấy cô nào chịu ca bài "một lần khép nép từ biệt mẹ cha" để ra ở riêng. Thế cho nên cái guarantee phun ra từ miệng ông tiên tri Mộng Dần rằng Sương, mai mốt somehow, someway sẽ có người đến rước, thực đúng là một thứ insurance policy, thuộc loại premium-fully-covered. Còn phải lo tập nấu ăn tập làm bánh mứt làm gì cho mệt thân! Còn phải lo học may vá thêu thùa làm chi cho tổn thọ! Cho nên, Sương cứ thế mượt mà óng ả lớn lên, quan niệm cuộc đời như là một cuốn phim mà nàng đã biết trước sẽ diễn biến ra sao; như trong cuốn Sleeping Beauty có nàng công chúa tuy đang nằm chết nhăn răng nhưng chắc chắn rồi cuối phim cũng sẽ được chàng hoàng tử nước láng giềng tìm đến trao tặng nụ hôn, sống dậy và được mang về hoàng cung sống đời đời hạnh phúc.
Thật là chạy trời không khỏi số. Mr. Mộng Dần, the Nostradamus đoán mò thế ấy mà đúng phong phóc. Quả nhiên ít năm sau, đất Sài Thành nẩy ra một gã trẻ tuổi ngu ngốc trong một phút men lòng dợn sóng ma dắt lối quỷ đưa đường đã tự ý dẫn xác đến nhà Sương nạp mạng, cố công làm quen và “rước” Sương y lời sấm truyền của ông thầy tử vi; để rồi lãnh thẹo ngàn thu một kiếp. Cố nhiên gã đó chính là tôi.
Vâng, nói theo thơ của Duyên Anh thì lúc ấy, Trần Ðăng Tiến "tôi khờ khạo lắm ngu ngơ lắm, chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì"... Mới học hết năm dự bị, là ba mươi tháng tư xảy đến. Sài Gòn nhốn nháo kẻ mất người còn, Sài Gòn sống trong hồi hộp và tuyệt vọng. Công sở đóng cửa, công chức triệu tập đi học nhiều khoá cải tạo tư tưởng. Các đại học biến thành địa điểm giảng dạy chính trị. Tôi bỏ ngay nợ bút nghiên, ra đời mưu sinh để tránh bọn sinh viên băng đỏ ngày nào cũng vác súng đi vòng quanh trường rình rập những phần tử lạc hậu chưa giác ngộ đường lối và chủ nghĩa cách mạng. Vả lại, gia đình tôi bắt đầu sa sút nhiều, đồ đạc trong nhà cứ theo nhau ra chợ đúng theo khẩu hiệu của thành uỷ là “nhà sạch nhà, phố sạch phố”. Dần dần mọi thứ sạch banh cả. Ra chợ Lê Thánh Tôn, chợ Minh Mạng chạy cò đủ thứ hàng lậu như đồng hồ bút máy cho đến la-dô tủ lạnh, tôi kiếm cũng đủ sống, lây lất chờ ngày tìm đường vượt biên. Ðây thực là một nghề vất vả. Sài Gòn đang thời kinh tế xuống dốc trầm trọng, lại bị cắt hẳn liên lạc với thế giới bên ngoài, hàng nhập từ các nước Âu Mỹ không còn nữa; hàng nội địa cũng ngưng sản xuất. Nhu cầu thì nhiều mà không có mặt hàng tiêu dùng nên những thứ vứt đi không ai nhặt bây giờ cũng bán được giá. Các món đồ tầm thường ngày xưa như cassette, bàn ủi điện nay bỗng trở nên quý báu vô cùng. Thị trường chợ trời do đó mới có dịp phát triển. Những chợ này mọc lên như nấm ở khắp nơi trong mười một quận Sài Gòn. Dân chợ trời thuộc đủ thành phần xã hội, từ những người buôn bán chuyên nghiệp có tiệm trước 75 nay bị đóng cửa phải chào hàng ngoài đường; hay đám lưu manh chuyên sống bằng sự lừa đảo nhá nhem; và nhiều nhất là những dân tay mơ xưa nay chưa hề chạy mánh nay túng tiền cũng ráng bon chen học nghề chồm hổm.
Tôi thuộc loại người sau cùng trong nhóm nêu trên. Ðồng nghiệp của tôi là những chị vợ gương mặt lúc nào cũng buồn tủi vì có chồng đi cải tạo, chỉ mong sao tiền chạy cò bữa nay đủ để mua vài ổ bánh mì cho đám con; hay những thầy cô giáo cũ nay đã từ biệt thiên chức cầm cục phấn và cây thước đứng giữ cửa Khổng sân Trình. Cửa Khổng giờ đã sơn màu đỏ, sân Trình nay đã nhuộm màu tang. Thầy Bùi Khương gốc Huế dạy Anh Văn trường tôi giọng nặng chình chịch mà tiếng Việt của thầy sau cả nửa khoá học tôi mới bắt đầu nghe ra nổi (còn tiếng Anh của thầy thì cứ gọi là forget it, giời xuống mà hiểu), ông giáo trung học yêu nghề kiến thức uyên bác với một dáng dấp tiên phong đạo cốt ngày xưa, bây giờ sáng sớm đạp xích lô ở chợ Nguyễn tri Phương, gần trưa ra đứng ngã tư Trần quốc Toản - Nguyễn văn Thoại bán nhông và líp xe đạp. Gặp lại thầy Khương một buổi chiều trên phố, tôi nhắc lại lời thầy ngày xưa thề rằng sẽ sống chết với nghề giáo trọn đời. Thầy cười lớn nhe hàm răng vàng khói thuốc Vàm Cỏ:
- Hồi tau nỏi tụi mi câu rửa tau đâu biệc tụi giại phỏng shau nì chủng vô như ri! Giài học... Giài học bi chừ chị cỏ nược mà đoại!
Ít lâu sau tôi được tin thầy Khương đi tù vì tội loan những nguồn tin phương hại trật tự công cộng. Số là thầy có có người cháu bên Úc gửi về tờ đơn đã dịch ra tiếng Việt do chính phủ Úc phát ra để đăng ký di dân. Chẳng biết cái “tuy ô” đó thật hay giả, nhưng thầy đã đưa cho một người bạn xem tờ đơn; ông bạn này đem photocopy ra vài chục bản đem phát cùng làng xóm; thế là oan gia đại sự. Ông bạn bị tóm trước, khai ra thầy Khương rồi hai người rủ nhau vô Ðại-Lợi nằm vài năm dưỡng lão.

*

Ðứng đường lâu ngày, con mắt tôi lúc nào cũng đăm đăm nhìn xem “hàng” đến chưa; hay dự phòng công an ruồng bắt, mái tóc cháy nắng đỏ quạch, nước da tôi thành đen xạm, người tôi gầy quắt lại, đã xấu trai sẵn lại càng xấu hơn. Ðôi khi nhìn vào gương tôi cũng ngán ngẩm cho nhan sắc chim sa cá lặn của mình. Vóc tôi nhỏ con lại hơi lùn, kèm với cái trán kém thông minh và cặp mắt chỉ độc một mí. Tôi vốn mang biệt hiệu Tiến hí từ nhỏ vì đôi mắt giống hình hai sợi chỉ. Cái biệt hiệu quái ác do lũ trẻ cùng trường trung học đặt cho đã dính liền với đời tôi một cách khó chịu. Ðến khi lên năm thứ nhất, môi trường đại học ít ai biết ai, không còn bị gọi là Tiến hí nữa, tôi đã tưởng thoát kiếp. Nhưng mắt tôi vẫn không mở lớn ra, dáng dấp tôi vẫn không gây ấn tượng cho ai nên các cô sinh viên Khoa Học không ai để ý đến tôi. Chỉ có mẹ tôi chú ý đến tôi. Khi trước tôi còn đi học, mẹ tôi chưa lo lắm. Khi thôi học ra chợ trời buôn bán, mẹ tôi mới bắt đầu ưu tư cho đường vợ con của thằng quí tử. Mẹ tôi thường chép miệng than với mấy bà bác:
- Hoài của cái thằng Tiến đang học được. Thằng đã không tinh không tướng lại thôi học, con gái đứa nào nó chịu...
Còn bố tôi quả là người lạc quan, thường dặn dò:
- Con ạ, đừng nghe lời mẹ mày. Trăm người bán vạn người mua... Thế gian này chửa có hết đàn bà đâu mà lo! Ở ngoài chợ thấy đứa nào nó chăm chỉ, chịu thương chịu khó, tảo tần, tiết kiệm, khéo chân khéo tay thì cố làm quen nó mà lấy. Chớ có quàng vào cái đứa se sua, móng chân móng tay sơn bóng với lại chuyên ăn hàng chợ mà chết đấy, mai mốt cứ hầu nó mà chớ...
Tôi nghe thế cũng không biết phải trả lời sao. Bố tôi không nhận ra thằng con mình đâu phải thứ danh giá, bảnh trai chi mà ra điều kén chọn. Tuổi thanh niên hăm ba của tôi, sinh ra trong chiến tranh, vào đời khi mất nước, học hành lem nhem, nay phải bươn bả lặn lội kiếm ăn nên tình hình kiếm vợ không mấy chi sáng sủa lắm. Những tiểu thư khuê các con các ông nhà giàu trong mấy biệt thự khu tôi ở đã theo gia đình đi nước ngoài từ 75. Phố chợ La Cai chỉ toàn rặc những A Múi, Sáu Nhỏ, Sen Lùn. Vài cuộc tình bâng quơ thoáng qua đời tôi với mấy em bạn chợ nói trên, chỉ là để khoả lấp chuỗi ngày trống vắng. Thường thì tôi dắt người tình hờ đi coi cải lương, rồi ghé xe mì quảng làm tô hủ tíu trong những lần hò hẹn. Không mối tình nào last quá ba tháng. Có lẽ vì sự bất tâm đầu. Chẳng hạn như Sen Lùn; khi vô coi cải lương ngồi cạnh tôi thường say sưa ca ông ổng theo lời diễn viên trên sân khấu vì thị coi đi coi lại vở tuồng nhiều lần nên thị đã thuộc làu. Vài lần liên tiếp như thế, tôi chán quá nên gài số de ngay. Còn Sáu Nhỏ người tình năm trước thì lại mê ăn ốc vặn. Buổi dating đầu tiên, nàng rủ tôi ra ngã sáu Chợ Lớn đến một quán ốc lộ thiên, quầy hàng ở giữa, bạt poncho căng tứ phía cho khách. Chín mươi chín chấm chín phần trăm khách hàng là phụ nữ. Có lẽ quá quen với chủ quán nên Sáu Nhỏ thản nhiên múc hai dĩa ốc luộc đầy có ngọn đẩy ra trước mặt tôi một dĩa với một chén mắm gừng bự rồi tấn công dĩa của nàng. Thanh toán xong, nàng “lụm” luôn dĩa của tôi vì tôi bảo không biết ăn thứ ốc ấy, sợ đau bụng. Buổi xi-nê tối hôm đó, mùi ốc và mắm gừng từ miệng Sáu Nhỏ phát ra ôi quá nồng nàn làm tôi cảm thấy chân lý tu là cõi phúc tình là dây oan thật chí lý. Cuối cùng là A Múi, nàng Trung Hoa có cái tên rất điện ảnh Hồng Kông là Lâm Tiểu Muội, tuy là người coi được mắt nhất trong đám girlfriends của tôi, thì lại có problem sử dụng tiếng Việt không được khéo lắm. Nàng chuyên gọi tôi bằng nị hoặc mày, và gọi người khác - bất cứ ai - là nó. Thí dụ như khi nàng thỏ thẻ nói về mối tình ngang trái của tôi và nàng “tui thương nị mắc mớ gì thằng cha tui mà nó đòi quánh tui”, nghe thật không mùi mẫn chút nào. Tôi sửa hoài không được nên đành phải ca bài Lời Cuối của Từ Công Phụng - Thôi, còn tìm đến nhau làm gì.
Tuy vất vả nhưng nghề chợ trời cũng có những phút nghỉ ngơi, thường vào ban trưa. Những buổi trưa nắng ế hàng, tôi thường ghé sạp cơm chị Mạch lề đường La Cai, một quầy ăn trưa hạp khẩu và hạp ngân sách nhất của tôi, làm một dĩa thịt kho tầu dưa giá béo ngậy, hoặc tô sườn rim đậu hũ đậm đà. Chị Mạch là một người đàn bà béo trùng béo trục, lúc nào tay chân người ngợm cũng bóng nhẫy mồ hôi nhưng vẫn tươi cười như hoa, luôn miệng đon đả không ngớt chào mời khách ăn trưa đến và đi. Hiếm thấy ai ngọt miệng chuyện trò bằng chị. Lần nào cũng vậy, đi ngang qua hàng cơm của chị, vừa chưa kịp dựng chiếc xe đạp vào gốc cây me sần sùi khoá lại, tôi đã nghe tiếng chị Mạch vang lên:
- Cậu Tiến ăn gì? Hôm nay chị có cá sặc Long An mới đem lên kho rục với gừng tỏi tiêu ớt, cho cậu biết nếm vị ngon miền tỉnh.
Hoặc:
- Món mực khóm của cậu nóng hổi mới bắc ra khỏi bếp đây! Thật đấy, chẳng có ai hên như cái nhà cậu Tiến này, thích món xào lại đến đúng lúc. Ðể chị làm cho cậu một dĩa xe lửa.
Chị Mạch vẫn nói giọng bắc rặc, tuy sống ở Sài Gòn đã lâu. Giọng bắc kỳ quen thuộc vang lên giữa một phố xá miền Nam - nhất là tại vùng bìa Chợ Lớn đầy những bạn hàng người Hoa - nghe thật hiếm hoi, làm tôi cảm thấy một sự gần gũi như chuyện trò với người họ hàng thân thích. Có lẽ nghe tôi nói giọng cùng miền nên chị Mạch cũng hay dành cho tôi những biệt đãi, như thỉnh thoảng một ly trà đá free; hay lục lọi cho tôi miếng sườn extra large đè trên đĩa cơm xới đầy phủ kín bằng một lớp bì vàng đậm dúi tận trước mặt tôi kèm thêm lời ân cần lo lắng như người chị cả dành cho thằng em út, nửa như mắng mỏ nửa thương yêu:
- Dạo này gầy rộc ra rồi đấy. Tội nghiệp... Người đã gầy như con cò hương lại còn kén ăn sức đâu mà đứng nắng đứng chợ. Ăn khoẻ một tí vào. Yếu như cậu làm cái nghề chợ trời, làm sao chạy thoát công an. Nó chưa đuổi mình đã ngã lăn đùng...
Rồi ngắm nghía tôi thêm vài giây, chị giơ tay phân bua với ba bốn người khách đang quây quần quanh sạp:
- Cậu Tiến mai mốt phải kiếm con chủ tiệm ăn mà lấy thì sau này mới có da có thịt. Cơm hàng tôi mà cậu Tiến còn chê thì cơm nhà làm sao mà nuốt...
Một ông thực khách quen tên là Sáu Hiển chạy xích lô ngồi bên cạnh tôi đang gỡ cái xương sống con cá nục chiên để lộ nửa miếng thịt cá nạc trắng muốt, nghe thấy quay sang góp chuyện:
- Ðầu dãy này có con nhỏ Tư bán bánh ướt coi cũng đằng đặng, chị quen nó hôn chị Hai Mạch? Làm mai cho cẩu đi. Lấy nó ngày ăn hai cữ bánh ướt nhưn tôm không cũng đủ mập đại... Hay là con nhỏ Tám hột vịt lộn? Trời đất, chỉ nội nó liếc một cái là mấy thằng hay mua hột vịt thiếu cũng bắt ngán không dám quịt. Cậu Tiến hiền lành phải gả cho mấy đứa lanh lanh một chúc...
Tôi chỉ nhìn quanh, bẽn lẽn cười trừ. Mới ngoài hai mươi, hễ nghe tới chuyện vợ con là tôi hay thẹn. Lại nghe tiếng bà Xuân Hương, bạn hàng chợ trời của tôi, vừa trờ tới nghe chuyện liền bắt vô:
- Ối cái thằng Tiến này mà hơi đâu lo cho mệt. Hồi hổm tui thấy nó với con Sáu Thanh Vân đi Hào Huê coi cải lương. Tụi nó chở nhau ngồi ôm eo sát rạt!
Câu chuyện về hậu vận vợ con của tôi đang dòn tan giữa chị Mạch và mấy người khách quen, thì bỗng nghe tiếng một người con gái vang lên từ đường lộ:
- Chị ơi em đậu rồi!
Tôi quay lại. Một người con gái khoảng mười tám, tóc thề xoã vai, hấp tấp dựng chiếc xe đạp vào lề đường rồi đi nhanh đến bên chị Mạch. Thiếu nữ có gương mặt từa tựa chị Mạch nhưng thân hình nhỏ nhắn trong bộ đồ bộ màu xanh với đôi mắt ngây thơ, miệng cười răng khểnh. Nàng ngồi xuống bên cạnh chị Mạch, ríu rít nói thật nhanh không kịp thở, không để ý đến ai xung quanh:
- Em đậu hạng tư trong trường. Con Hà, con Trang, thằng Khánh cũng đậu hết. Chúng nó đang ở nhà mình, má nấu bún bò khao tụi nó ăn...
Nàng còn nói nhiều nữa nhưng tôi không nghe ra, không nhận ra nàng nói gì. Tai tôi ù đi vì lúc ấy tâm hồn tôi rung động lắm (chứng lùng bùng lỗ tai mỗi khi nghe hoặc thấy sự xúc động còn đeo đuổi tôi cho đến bây giờ). Nếu gọi đó là cú sét ái tình thì nó ắt phải mạnh cỡ 2,500 volts, 60 hertz và 1,000 megawatts vì lúc đó tôi đã ngồi ngẩn ngơ bỏ dở bữa cơm trưa, mặt nghệt ra, mắt không chớp dán đăm đăm nhìn người con gái.

*

Buổi gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi là như thế. Hai mươi năm sau trên đất khách, lòng tôi vẫn ấm lại mỗi khi nhớ đến phút ban đầu. Nhưng hình như chỉ có mình tôi còn ấn tượng về ngày hôm đó, chứ Sương thì chỉ nhớ lờ mờ. Mỗi khi tôi nhắc đến cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, Sương chỉ mỉm cười:
- Ai thèm để ý tới anh. Lúc ấy người ta con gái đang mơn mởn...
Nhắc cách chi nàng cũng không chịu nhớ bất cứ một chi tiết nào của ngày hôm ấy. Có lẽ tiếng sét chỉ giáng vào một mình tôi, còn nàng, nàng lấy tôi chỉ vì chịu thua ngón võ “thứ nhất đẹp trai thứ hai mặt dầy” của gã Trần Ðăng Tiến ngày nọ? Ðôi khi tôi tự an ủi, có lẽ Sương cũng xúc cảm hồi hôm gặp tôi, nhưng vì tự ái nên không bao giờ chịu thừa nhận chăng?
Nhưng cần gì. Tôi biết Sương yêu tôi nhiều lắm. Bằng chứng là nàng đã chẳng chăm chỉ mua sắm chưng diện đều đều để tôi được nở mày nở mặt với chúng bạn và đeo vô số nữ trang cho tôi được tiếng chiều vợ đấy ư?
Suy nghĩ miên man chuyện ngày xưa, xe tôi đã đậu trước parking cổng vào của cái tiệm mang tên Lord & Taylor đáng ghét. Sương đã đứng chờ sẵn bên đống thùng đồ mới mua, tươi tắn như một bông hoa quỳnh buổi sáng. Nàng ríu rít cười nói như thường lệ, quên bẵng anh chồng đang ruột xót như dầm, lòng đau như cắt:
- Suýt nữa là em miss cái big sale ngày hôm nay. Cả ba tiệm onsale cùng một lúc, anh bảo có lạ không. Tiệm Foleys, JCPenney, với Lord&Taylor mỗi tiệm bớt mười mấy phần trăm đó.
Ngừng một giây nàng khoan thai nói tiếp:
- Cơ hội onsale ngàn năm một thuở nên sức mấy mà em để lỡ. Ðã xài hết cái Visa rồi, nên em phải dùng đến personal check, ký thêm cho nó cái check sáu trăm rưởi nữa cho đủ. À này anh, account mình còn bao nhiêu nhỉ? Liệu được sáu trăm rưởi không?
Tôi chỉ còn sức để nghe được đến thế. Tai tôi lại bắt đầu ù đi...
 

Xem Tiếp: ----