Rời thị trấn Portô Versiô, theo hướng tây bắc tiến sâu vào trong đảo người ta thấy mặt đất cao lên khá nhanh, rồi sau ba tiếng đồng hồ vượt qua những con đường mòn khúc khuỷu thường bị nghẽn vì những tảng đá lớn, và thỉnh thoảng lại bị những khe suối cắt ngang, người ta đến trước một ma-ki rộng bao la. Ma-ki là xứ sở của những người chăn cừu đảo Corxơ và của những ai có việc rắc rối với pháp luật. Cần biết rằng người nông dân Corxơ, muốn đỡ công bón phân, thường cho ngay một mồi lửa vào khoảng rừng nào đó. Lửa có cháy lan ra quá nơi cần thiết cũng kệ; muốn ra sao thì ra, chắc chắn sẽ được mùa khi gieo hạt trên mảnh đất màu mỡ nhờ lớp tro than kia. Bông lúa gặt xong, người ta để rạ lại, cắt làm gì cho mệt, nên mùa xuân năm sau, những rễ cây còn nằm dưới đất chưa bị tiêu hủy mọc lên thành những chồi rậm, rồi chỉ độ vài năm những chồi cây này cao tới bảy tám pi-ê. Chính loại rừng rậm ấy người ta gọi là ma-ki. Đủ loại cây lớn bé mọc lên trong đó, tha hồ lẫn lộn chằng chịt vào nhau. Phải dùng rìu mới mở được lối đi và có những ma-ki rậm rạp um tùm đến nỗi ngay sơn dương cũng không chui lọt. Nếu bạn đã giết người, bạn hãy vào ma-ki Portô Versiô, ở đây bạn sẽ sống an toàn, với một khẩu súng tốt, ít thuốc súng và đạn. Bạn đừng quên một áo choàng nâu có đính mũ trùm để dùng làm chăn và đệm. Cánh mục đồng sẽ cho bạn sữa, phó mát và hạt dẻ, và thế là chẳng còn sợ pháp luật hay thân nhân người đã khuất, trừ khi bạn cần xuống phố mua sắm thêm đạn dược. Lúc tới ở đảo Corxơ, năm 18…thì nhà bác Matêô Fancôn cách ma-ki ấy nửa dặm. Bác ta là người khá giả của vùng này; bác sống ung dung, nghĩa là chẳng cần làm gì cả, với sản phẩm của các đàn gia súc do cánh mục đồng, một kiểu dân du mục, dẫn đi ăn lúc chỗ này lúc chỗ nọ ở trên núi. Lúc tôi gặp bác, hai năm sau khi xảy ra câu chuyện sắp kể, tôi ước chừng bác độ năm mươi tuổi là cùng. Các bạn hãy hình dung một người nhỏ bé nhưng lực lưỡng, tóc quăn, đen nhánh như huyền, mũi khoằm, môi mỏng, đôi mắt to nhanh nhẹn và nước da như màu mặt trái giày ống. Tài bắn súng trường của bác, ai cũng cho là phi thường, ngay ở quê hương bác là nơi nhan nhản những tay thiện xạ. Chẳng hạn, Matêô không bao giờ thèm dùng đạn ghém để bắn sơn dương. Cách một trăm hai mươi bước, bác có thể bắn hạ nó bằng một viên đạn một, đúng vào đầu hay vào vai tùy ý. Ban đêm bác sử dụng vũ khí cũng dễ dàng như ban ngày, và người ta đã kể cho tôi nghe một chuyện về tài bắn của bác, có lẽ ai chưa từng đến đảo Corxơ sẽ cho là không thể tin được. Cách tám mươi bước, người ta đặt một ngọn nến đang cháy, sau một tờ giấy bóng chỉ to bằng mặt đĩa. Bác giơ súng lên ngắm rồi người ta thổi tắt ngọn nến; một phút sau, trong bóng tối hoàn toàn, bác bắn bốn phát thì ba phát thủng mảnh giấy. Nhờ tài nghệ cao cường như vậy, Matêô Fancôn rất nổi tiếng. Người ta còn nói rằng bác là người bạn tốt bao nhiêu thì là kẻ thù nguy hiểm bấy nhiêu. Vốn tính hay giúp đỡ và bố thí, bác sống hòa thuận với tất cả mọi người trong quận Portô Versiô. Tuy vậy, người ta kể về bác rằng ở Corxơ, nơi bác lấy vợ, bác đã quyết liệt trừ khử một địch thủ lợi hại cả về chiến đẫu lẫn ái tình, ít nhất họ gán cho Matêô phát súng đã kết liễu đời tay tình địch ấy trong khi y đang cạo mặt trước tấm gương nhỏ treo nơi cửa sổ. Khi việc êm, Matêô cưới vợ. Bác gái Giuxéppa đầu tiên sinh được ba cô con gái (khiến bác trai tức điên cả ruột), cuối cùng một cậu con trai đặt tên là Fortuynatô –hy vọng của cả gia đình, kẻ nối dõi tên họ bác. Các cô con gái đều lấy chồng khá giả. Lúc cần thiết, ông bố vợ có thể trông cậy vào những nhát dao găm và những phát súng tay của các con rễ. Cậu con trai mới lên mười nhưng đã tỏ ra có nhiều năng khiếu. Một ngày thu nọ, Matêô cùng vợ ra đi rất sớm đến thăm một bầy gia súc của bác ở một khoảng rừng thưa trong vùng ma-ki. Cậu bé Fortuynatô muốn đi theo, nhưng khu rừng thưa xa quá. Vả lại, phải có người ở lại trông nhà chứ; vì thế ông bố từ chối: ta sẽ thấy rồi bác có phải hối hận về điều đó không. Bác đi vắng đã được vài giờ. Chú bé Fortuynatô đang yên lặng nằm dài dưới ánh nắng, ngắm rặng núi xanh và nghĩ tới chủ nhật sau chú bé sẽ được xuống phố ăn cơm ở nhà ông cậu ca-pô-ran(1) thì đột nhiên có tiếng súng nổ làm ngắt quãng những điều chí đang ngẫm nghĩ. Chú bèn đứng dậy nhìn về phía cánh đồng, nơi phát ra tiếng nổ. Nhiều phát súng khác tiếp theo, cách quãng không đều, và mỗi lúc một gần, cuối cùng, trên con đường mòn từ cánh đồng dẫn tới nhà Matêô, hiện ra một người, đầu đội mũ vải nhọn kiểu mọi người miền núi thường dùng, mặt mày râu ria, áo quần rách rưới đang chống khẩu súng lê đi một cách khó nhọc. Gã bị trúng đạn ở đùi. Người này là một gã lục lâm(2). Đêm qua, gã xuống phố mua thuốc súng, dọc đường rơi vào ổ phục kích của lính tuần tiểu Corxơ. Sau một cuộc chống cự mãnh liệt, gã tháo chạy được, vừa bị đuổi riết vừa bắn từ mỏm núi này qua mỏm núi nọ. Nhưng gã không vượt được bọn lính bao nhiêu, và vết thương khiến gã không thể tới ma-ki trước kho bị đuổi kịp. Gã lại gần Fortuynatô và nói: - Cháu là con bác Matêô Fancôn phải không? - Vâng. - Chú, chú là Gianéttô Xanpiêrô. Chú đang bị tụi cổ vàng(3) đuổi riết. Cháu giấu chú đi, vì chú không thể đi xa hơn nữa. - Nhưng bố cháu chưa cho phép, nếu cháu giấu chú, bố cháu sẽ bảo sao? - Bố sẽ bảo cháu làm đúng. - Biết đâu đấy? - Giấu chú nhanh lên, tụi nó đến kìa. - Chờ bố về đã. - Chờ à? Khốn nạn chưa! Năm phút nữa là tụi nó tới rồi. Nào giấu tao đi, không tao giết mày. Fortuynatô trả lời hết sức bình tĩnh: - Súng chú hết đạn rồi. Trong bao da chú cũng chẳng còn cất tút. - Tao có dao găm. - Nhưng chú chạy nhanh bằng cháu à? Fortuynatô nhảy phóc một cái và ra khỏi tầm tay. - Mày không phải là con trai bác Matêô Fancôn! Mày để mặc tao bị tóm trước nhà mày hay sao? Chú bé dáng chừng cảm động lại gần và nói: - Nếu cháu giấu chú thì chú cho cháu cái gì nào? Tên cướp lục trong bao da đeo ở thắt lưng, rút ra một đồng năm phơ-răng mà chắc hắn định dành để mua thuốc súng; Nhìn thấy đồng tiền, Fortuynatô mỉm cười. Chú cầm ngay lấy rồi bảo Gianéttô: - Đừng sợ gì hết. - Lập tức chú bới một lỗ to trong đống cỏ khô cạnh nhà. Gianéttô rúc vào, và chú bé lấp kín cỏ lại vẫn chừa ít không khí cho gã thở, nhưng chẳng để ai ngờ được trong đống cỏ ấy có người. Chú còn giở một mẹo khá tinh khôn khác nữa của dân ở rừng. Chú đi bắt một con mèo cái và đàn mèo con, đặt lên đống cỏ để làm người ta tưởng không phải nó vừa bị xáo trộn. Tiếp đó, nhận thấy có những vết máu trên đường mòn gần nhà, chú lấy cát bụi phủ kỹ, rồi công việc xong, chú lại nằm dài dưới ánh nắng với vẻ bình thản nhất. Vài phút sau, sáu người mặc quân phục màu nâu cổ vàng, do một viên quản chỉ huy, đã đứng trước của nhà bác Matêô. Viên quản này hơi có họ với bác Fancôn. (Ai cũng biết rằng ở đảo Corxơ, người ta nhận họ xa hơn ở các nơi khác nhiều). Y tên là Tiôđôrô Gamba; một người hoạt động tích cực, từng tóm cổ khá nhiều tên cướp nên bọn này rất sợ. Y đến gần Fortuynatô và nói: - Chào cháu! Cháu lớn quá! Vừa rồi cháu có thấy một người đàn ông qua đây không? - Ồ, cháu đã lớn thế nào được bằng chú, hở chú? -Chú bé làm ra vẻ ngờ nghệch trả lời. - Rồi sẽ bằng thôi. Nhưng nói cho chú biết, cháu có trông thấy một người đàn ông qua đây không? - Cháu có trông thấy một người đàn ông qua đây không à? - Ừ, một người đàn ông đội mũ nhọn và mặc chiếc áo ngoài thêu đỏ và vàng? - Một người đàn ông đội mũ nhọn bằng nhung, mặc chiếc áo ngoài thêu đỏ và vàng à? - Ừ, đáp nhanh lên, đừng nhắc lại câu hỏi như thế. - Sáng nay, cha cô có đi qua cửa nhà cháu, cha cưỡi con ngựa Piêrô cha có hỏi cháu: bố khỏe mạnh không,và cháu đáp… - Gớm, nhóc con, mày giở trò láu cá! Nói nhanh lên, thằng Gianéttô đi lối nào, chúng tao đang lùng bắt nó và tao tin chắc nó đã chạy theo con đường mòn này. - Ai biết được? - Ai biết được? Chính tao biết mày có trông thấy nó. - Ngủ thì có trông thấy được người qua đường không? - Nhãi, mày không ngủ. Tiếng súng nổ đã đánh thức mày. - Thế chú tưởng súng của các chú nổ to đến thế kia à? Súng bố cháu còn kêu to hơn nhiều. - Quỉ bắt mày đi! Đồ khốn! Tao chắc chắn mày có trông thấy thằng Gianéttô. Không khéo mày còn giấu nó nữa. Nào, các anh em, hãy vào nhà này, xem thằng ấy có ở đây không; Thằng quỉ quyệt, nó còn một chân và nó thừa khôn ngoan, chả dại gì mà lại cố tập tễnh lần về ma-ki. Vả lại vết máu ngừng ở đây. Fortuynatô cười gằn, hỏi: - Rồi bố sẽ bảo sao? Bố sẽ nói thế nào nếu biết các người đã xộc vào nhà trong khi bố đi vắng? - Nhãi con –viên quản Gamba vừa xách tai chú vừa nói-. Mày có biết tao đủ khả năng làm cho mày phải đổi giọng không? Có lẽ phải phết cho mày hai chục má gươm, mày mới chịu khai. Fortuynatô vẫn cứ cười khẩy và dõng dạc nói: - Bố tôi là Matêô Fancôn. - Mày biết không, thằng nhãi, tao có thể giải mày về Corxơ hay về Baxtia. Tao sẽ cho mày vào nằm hầm tối, trên đống rạ, chân thì xiềng lại, rồi tao cho mày lên máy chém, nếu mày không chịu nói thằng Gianéttô Xanpiêrô trốn ở đâu. Nghe câu dọa lố bịch đó, chú bé phá lên cười. Chú nhắc lại: - Bố tôi là Matêô Fancôn. Một người lính nói nhỏ: - Ông quản ạ, chúng mình không nên sinh sự với lão Matêô. Gamba lộ vẻ lúng túng.Y trao đổi thì thầm với tốp lính, bọn này đã đi khám khắp nhà. Công việc không lâu gì, vì nhà người Corxơ nào cũng chỉ có mỗi một phòng hình vuông, đồ đạc gồm một cái bàn, một số ghế dài, hòm xiểng và dụng cụ săn bắn hoặc nấu bếp. Trong khi đó, chú bé Fortuynatô vẫn vuốt ve con mèo, và hùnh như lấy làm thích thú với vẻ bối rối của bọn lính tuần và ông chủ họ. Một người lính đến gần đống cỏ. Hắn nhìn thấy con mèo, vừa uể oải đưa một nhát lưỡi lê vào đống cỏ, vừa nhún vai như cảm thấy sự cẩn thận của mình đáng buồn cười. Chẳng có gì động đậy, và nét mặc chú bé không lộ mảy may xúc động. Viên quản và tốp lính bực bội vô cùng; họ trầm ngâm nhìn về phía cánh đồng như định rút lui theo đường cũ, thì viên đội trưởng thấy rõ rằng lời đe dọa chẳng có tác dụng gì đối với con trai Matêô Fancôn, bèn thử cố gắng lần cuối cùng bằng vuốt ve và quà cáp. Y bảo: - Này cháu, chú thấy cháu sẽ là một cậu trai lanh lợi. Sau này cháu sẽ khá lắm. Nhưng cháu đùa chú một vố không tồi. Nếu chú mà không sợ làm phiền bác Matêô, thì mặc cho quỉ bắt chú, nhất định chú sẽ điệu cháu đi. - Chậc! - Nhưng khi nào bố cháu về, chú sẽ mách hết, rồi bố cháu sẽ đánh cháu hộc máu ra vì tội nói dối. - Nghĩa là? - Rồi cháu xem…Nhưng này…chóng ngoan, rồi chú sẽ cho cháu cái này. - Còn cháu, chú ạ, cháu xin góp ý là nếu chú còn trù trừ nữa, tay Gianéttô sẽ chui vào ma-ki mất. Lúc đó muốn bắt hắn ở trong ấy, sẽ phải cần nhiều người cứng rắn hơn chú. Viên quản rút trong túi ra một cái đồng hồ vỏ bạc, đáng giá đến mười ê-qui(4). Nhận thấy mắt thằng bé Fortuynatô sáng lên khi nhìn thấy, ý bèn giơ chiếc đồng hồ lủng lẳng ở đầu sợi dây đeo và nói: - Này, thằng ranh! Chắc chú mình muốn có chiếc đồng hồ thế này để đeo lủng lẳng ở cổ áo lắm nhỉ? Chú mình sẽ đi dạo trên đường phố Portô Versiô, kiêu hãnh như một con công. Rồi người ta sẽ hỏi chú mình: “Mấy giờ rồi cậu?” và chú mình đáp: “Nhìn vào đồng hồ tôi đây này”. - Khi nào cháu lớn, cậu ca-pô-ran của cháu sẽ cho cháu một chiếc. - Đúng rồi, nhưng con trai của cậu cháu đã có một chiếc rồi…Thật ra không đẹp bằng chiếc này đâu…Thế mà nó còn ít tuổi hơn cháu… Chú bé thở dài. - Thế nào, cháu có muốn có chiếc đồng hồ này không cháu? Fortuynatô liếc nhìn chiếc đồng hồ, như một con mèo lúc người ta giơ cho nó một con gà giò. Vì thấy người ta trêu mình, mèo không dám giơ vuốt ra quắp và thỉnh thoảng nó nhìn ra chỗ khác để khỏi bị cám dỗ; nhưng nó cứ liếm mép luôn ra vẻ muốn nói với chủ: “Đùa gì mà ác vậy?” Nhưng viên quản Gamba có vẻ thật lòng khi giơ chiếc đồng hồ ra. Fortuynatô không chìa tay ra mà chỉ nói với nụ cười chua chát: - Sao chú cứ đùa cháu thế? - Có trời chứng! Chú không đùa đâu. Chỉ cần nói chú biết thằng Gianéttô đâu, thế là chiếc đồng hồ này là của cháu. Fortuynatô hé một nụ cười hoài nghi; rồi nhìn thẳng vào mắt viên quản bằng cặp mắt đen sáng của mình, chú cố tìm xem những lời nói kia có đáng tin cậy chăng. Viên quản nói to: - Nếu được thế mà chú không cho cháu đồng hồ, thì chú xin mất lơn! Có anh em đây làm chứng chú không thể sai lời. Vừa nói vậy, y vừa nhích chiếc đồng hồ sát lại, sát lại mãi, cho đến khi gần chạm làn má nhợt nhạt của chú bé. Trên gương mặt chú phản ánh rõ rệt một cuộc đấu tranh trong nội tâm giữa lòng tham và nhiệm vụ tô trọng truyền thống hiếu khách. Lồng ngực phơi trần của chú nhô mạnh lên; chú gần như nghẹt thở. Trong khi đó chiếc đồng hồ vẫn đung đưa, quay tròn và đôi lần lại chàm vào đầu mũi chú. Cuối cùng, bàn tay phải của chú dần dần nâng lên hướng đồng hồ; đầu ngón tay chú chạm vào rồi toàn bộ chiếc đồng hồ đè nặng lên lòng bàn tay chú, tuy viên quản chưa buông đầu dây đeo…mặt đồng hồ màu xanh da trời…vỏ mới đánh bóng…dưới ánh mặt trời, nó rực sáng như lửa…Sự cám dỗ thật quá mạnh. Fortuynatô cũng giơ bàn tay trái lên, đưa ngón tay cái qua vai chỉ vào đống cỏ mà chú đang tựa lưng. Viên quản hiểu ngay. Y buông đầu dây đồng hồ ra; Fortuynatô cảm thấy mình là chủ nhân duy nhất của chiếc đồng hồ. Chú nhỏm dậy nhanh như hoẵng, lùi cách đống cỏ mươi bước, tốp lính liền bới tung đống cỏ. Chẳng phải đợi lâu đã thấy có rung động; rồi một người đầy máu me, tay cầm dao găm chui ra. Nhưng khi gã cố nhổm dậy, vết thương lạnh cứng không để cho gã đứng vững được nữa. Gã khuỵu xuống. Viên quản nhảy đến, giật lấy con dao. Lập tức họ trói chặt gã lại, mặc dầu gã chống cự. Gianéttô nằm dưới mặt đất và bị trói gô lại như bó củi, quay mặt về phía Fortuynatô, lúc đó đã lại gần. Gã nói, vẻ khinh bỉ hơn là tức giận: - Đồ con nhà…! Chú bé ném trả lại gã đồng tiền mà chú đã nhận, cảm thấy mình không còn xứng đáng với nó; nhưng kẻ bị gạt ra khỏi xã hội ấy không có vẻ chú ý để cử chỉ này. Rất bình tĩnh, gã bảo viên quản: - Ông Gamba thân mến, tôi không bước được. Ông đành phải khiêng tôi về thành phố thôi. Kẻ chiến thắng ác nghiệt đáp lại: - Lúc nãy mày còn chạy nhanh hơn hoẵng. Thôi được, cứ yên trí. Tóm được mày, là tao hả dạ đến nỗi dù có cõng mày một dặm đường cũng không thấy nhọc. Vả lại, anh bạn ạ, chúng tôi sẽ làm cho anh cái cáng bằng cành cây và cái áo khoác của anh; rồi tới trại Crétpôli, khắc tìm ra ngựa. Tên tù nhân nói: - Tốt. Xin ông để thêm ít rơm lên cáng, cho tôi được thoải mái hơn. Trong khi toán lính bận rộn người lấy cành để làm một cái cáng, người băng bó vết thương cho Gianéttô, chợt Matêô cùng vợ xuất hiện ở một chỗ ngoặt trên con đường mòn dẫn đến ma-ki. Bà vợ lưng gãy gập dưới một bị hạt dẻ rất lớn bước đi một cách khó nhọc, còn ông chồng thì đi có vẻ nhàn nhã, chỉ có khẩu súng cầm tay và một khẩu khác khoác chéo sau vai: vì đàn ông mà phải mang vác thứ gì khác ngoài vũ khí của mình là thiếu ưu thế. Trông thấy bóng những người lính, ý nghĩ đầu tiên là họ đến để bắt mình. Sao lại nghĩ thế? Matêô có rắc rối gì với pháp luật chăng? Không. Bác vẫn nổi tiếng đứng đắn. Như người ta thường nói “một con người có thanh danh”. Nhưng bác vốn là người Corxơ và dân miền núi, mà ít có dân Corxơ miền núi, khi lục kỹ trong trí nhớ của mình, lại không tìm thấy một lỗi lầm nhỏ nào đó, chẳng hạn vài phát súng trường, đôi nhát dao găm, và những chuyện lặt vặt khác. Bác Matêô, hơn ai hết có một lương tâm minh bạch; vì hơn mười năm nay, bác chưa hề chĩa mũi súng vào người nào. Tuy vậy, vốn thận trọng, bác cũng đứng vào thế sẵn sàng chống cự cứng cỏi, nếu cần thiết. Bác bảo Giuxéppa: - Này mình, đặt bị xuống, chuẩn bị sẵn sàng. Bà vợ tuân lời lập tức. Bác trao cho vợ khẩu súng đeo ở vai, vì nó có thể làm vướng bác. Bác lắp đạn vào khẩu cầm tay, rồi thong thả tiến về phía nhà bác, men theo những cây mọc ở vệ đường và sẵn sàng, nếu hơi thấy dấu hiệu thù địch, là nhảy ngay đến sau thân cây to nhất và bác có thể nấp và nổ súng. Vợ bác theo sát gót, cầm khẩu súng dự trữ và túi đạn. Trong trường hợp chiến đấu, nhiệm vụ của một người nội trợ đảm đang là nạp đạn cho chồng. Ở đàng kia, viên quản rất hồi hộp khi thấy Matêô tiến lên như vậy, từng bước một, súng chĩa ra đằng trước và ngón tay trên cò súng. Ý nghĩ: - Nếu không may Matêô lại là họ hàng hoặc bạn thân của Gianéttô và muốn bảo vệ nó, thì những mồi đạn trong hai khẩu súng của y sẽ trúng vào hai thằng trong bọn mình, chắc chắn như thư bỏ thùng bưu điện, và nếu, không nghĩ đến tình họ hàng, y lại nhắm vào ta, thì… Trong lúc phân vân, y bèn chọn một cách giải quyết khá can đảm, là một mình y tiến lại phía Matêô, niềm nở như gặp lại cố nhân, để kể rõ câu chuyện; nhưng cái khoảng cách ngắn ngủi giữa hai người đối với y có vẻ dài ghê ghớm. Y nói to: - Ô kìa! Thế nào, ông bạn già? Khỏe mạnh không ông bạn? Tôi đây, Gamba đây, họ hàng của bác đây mà. Matêô không đáp một lời, dừng chân lại, và trong khi viên quản nói, bác nâng dần dần mũi súng lên, cho nên khi hai người giáp nhau, thì nòng súng đã chĩa lên trời. Viên quản chìa tay nói: - Xin chào người anh em. Lâu lắm rồi tôi không được gặp lại bác. - Chào chú. - Nhân đi qua đây, tôi rẽ vào thăm bác và bác gái Pêpa. Hôm nay chúng tôi vừa làm một cuốc dài; nhưng cũng chẳng bỏ công khó nhọc, vì chúng tôi vừa tóm được một món bở. Chúng tôi vừa tóm cổ được thằng Gianéttô Xanpiêrô. - Tạ ơn Chúa! Tuần trước nó xoáy của chúng tôi con dê sữa đấy. Mấy lời này làm cho Gamba hởi lòng hởi dạ. Matêô bảo: - Tội nghiệp! Nó đói mà. Viên quản cụt hứng kể tiếp: - Thằng khốn đã chống cự như một con sư tử. Nó bắn chết một người lính tuần của tôi, thế mà, chưa vừa lòng, nó còn bắn gẫy tay lão cai Sácđông; nhưng không hề gì, vì lão này chỉ là một thằng cha người Pháp…Sau đó, nó đã núp kín đến nỗi quỉ sứ cũng không tìm thấy. Không có cháu Fortuynatô, thì tôi cũng chẳng bao giờ moi ra nó. Matêô kêu lên: - Fortuynatô! Giuxéppa nhắc lại: - Fortuynatô! - Vâng, thằng Gianéttô núp trong đống cỏ đằng kia, nhưng cháu bé đã chỉ cho tôi biết mánh khóe đó. Bởi vậy thôi sẽ thuật truyện này cho cậu ca-pô-ran của cháu nghe, để ông ấy gửi cho cháu một món quà quí thưởng công nó. Với lại, trong báo cáo tôi sắp gởi lên ông chưởng lý, sẽ nêu tên cháu và tên bác. Matêô nói nhỏ: - Vô phúc! Mấy người đã đi đến chỗ bọn lính. Gianéttô đã nằm trên cáng, sắp sửa lên đường. Khi gã thấy Matêô đi cùng Gamba, gã mỉm một nụ cười lạ lùng; rồi quay mặt về phía cửa, gã nhổ xuống bục và nói: - Nhà đứa phản bội! Chỉ có người nào nhất định muốn chết mới dám bảo Fancôn là người phản bội. Một nhát dao găm đích đáng, không cần đến nhát thứ hai, sẽ trả lời ngay câu nhục mà ấy. Thế mà Matêô không có một cử động gì cả, đưa tay lên trán như một người hết sức đau khổ. Fortuynatô đã bước vào trong nhà khi thấy bố về. Chẳng bao lâu, chú lại trở ra với một bình sữa, mặt cúi gằm xuống, đưa cho Gianéttô: Tên bị bắt thét lên như sấm: - Xa tao ra! Rồi quay về phía một người lính, gã hỏi: - Anh bạn cho tôi xin hớp nước! Người lính đặt bầu nước của mình vào tay tên cướp, và tên này uống nước của người vừa mới bắn nhau với hắn. Rồi hắn yêu cầu người ta trói tay ra đằng trước ngực, chứ đừng trói ra sau lưng. Hắn nói: - Tôi muốn được nằm thoải mái. Người ta vội làm vừa ý hắn, xong viên quản ra hiệu lên đường, từ biệt Matêô nhưng không được đáp lại, rồi bước nhanh xuống lối cánh đồng. Đến gần mười phút, Matêô không mở miệng. Chú bé, mắt lộ vẻ lo lắng, khi thì nhìn mẹ khi thì nhìn bố đang tì tay lên khẩu súng, ngắm con với nét mặt tràn đầy giận dữ. Cuối cùng, bác nói với giọng bình tĩnh, nhưng thật ghê sợ đối với người đã biết tính bác: - Mày khỏi đầu giỏi đấy! - Bố ơi! –Chú bé vừa kêu lên vừa bước lại, rưng rưng nước mắt, như định quì sụp xuống. Nhưng Matêô đã thét lên: - Xa tao ra! Chú bé dừng lại cách bố vài bước, đứng im và khóc nức nở. Giuxéppa lại gần. Bác vừa nhận thấy cái dây đồng hồ, một đầu thò ra khỏi áo của Fortuynatô. Bác hỏi, giọng nghiêm khắc: - Ai cho mày cái đồng hồ kia? - Chú quản ạ. Fancôn giật lấy chiếc đồng hồ, ném mạnh vào một tảng đá, nó tan ra thành nghìn mảnh. Bác nói: - Này mình, thằng bé kia có phải là con tôi không? Đôi má rám nâu của Giuxéppa đỏ lên như màu gạch. - Matêô, ông nói gì vậy? Và ông có biết ông nói với ai không? - Vậy thì, trong nòi giống nhà nó, thằng bé này là đứa đầu tiên đã phản trắc Fortuynatô lại càng nức nở thổn thức, còn Fancôn thì vẫn chĩa cặp mắt mèo rừng nhìn chòng chọc vào nó. Cuối cùng, bác dộng súng xuống đất và lại vác nó lên vai, rồi vừa đi theo con đường vào ma-ki vừa thét Fortuynatô đi theo. Chú bé vâng lời. Giuxéppa chạy theo sau chồng, nắm lấy cánh tay. Bác vừa ngước cặp mắt đen nhìn vào mắt chồng như muốn đọc những ý nghĩ trong tâm hồn kia, vừa nói với chồng giọng run run: - Nó là con ông. Matêô đáp: - Mặc tôi. Tôi là bố nó. Giuxéppa bèn ôm hôn con, rồi vừa khóc vừa trở vào trong nhà. Bà quì xuống trước ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh và tha thiết cầu nguyện. Trong khi đó Matêô đi chừng vài trăm bước trên con đường mòn đến một cái khe nhỏ thì dừng lại và bước xuống. Bác dùng súng bắn thăm dò, thấy đất mềm và dễ đào. Chỗ này có vẻ thích hợp với ý định của bác. - Fortuynatô, đên cạnh tảng đá lớn này! Chú bé làm theo lệnh của bố, rồi chú quì xuống. - Cầu kinh đi! - Bố ơi bố, xin bố đừng giết con! Matêô nhắc lại với giọng nói khủng khiếp. - Cầu kinh đi! Chú bé, vừa lắp bắp, vừa thổn thức, đọc kinh “Lạy Cha” và kinh “Kính tin”. Cuối mỗi kinh người bố lại cất cao giọng trả lời: “Amen!”. - Đấy là tất cả các kinh mày thuộc à? - Thưa bố, con còn thuộc kinh Kính mừng và kinh cô con đã dạy nữa ạ. - Kinh đó dài lắm, nhưng không sao. Chú bé đọc hết bài kinh, giọng thều thào như sắp tắt. - Xong chưa? - Ôi, bố ơi, xon xin bố, bố tha tội cho con. Con sẽ không làm thế nữa! Con sẽ van xin cậu ca-pô-ran của con để người ta tha tội cho Gianéttô. Chú còn đang nói thì Matêô đã nạp đạn vào súng, giơ lên ngắm và bảo: - Cầu chúa tha tội cho mày! Chú bé cố sức tuyệt vọng để đứng dậy và ômg lấy đầu gối của bố nó; nhưng nó không còn đủ thì giờ. Matêô đã bấm cò và Fortuynatô ngã vật ra chết cứng. Không liếc nhìn vào cái xác, Matêô trở về nhà định tìm một cái thuổng để chôn con. Bác vừa đi được mấy bước thì gặp Giuxéppa, bà nghe tiếng súng nổ hoảng hốt chạy đến. - Ông vừa làm gì thế? –Bà kêu lên. - Công lý. - Nó đâu rồi? - Trong khe. Tôi sắp chôn nó đây. Nó chết như một kẻ ngoan đạo; tôi sẽ làm một lễ cầu hồn cho nó. Hãy bảo với thằng rể Tiôđôrô Biăngsi của ta đến ở với chúng ta. (1829) Chú thích 1) Ca-pô-ran: Xưa kia, ca-pô-ran chỉ những thủ lĩnh do các thôn xã bầu ra trong những cuộc khởi nghĩa chống chúa phong kiến. Sau này, vào thời kỳ Mêrimê viết truyện ngắn này, danh hiệu ca-pô-ran thường được dùng để chỉ những người có uy thế ở Corxơ. 2) Lục lâm: người bị gạt ra ngoài vòng pháp luật. 3) Cổ vàng: lính tuần tiểu mặc áo cổ vàng. 4) Ê-qui: một loại tiền cổ Pháp, bằng 5 phơ-răng Sơ lược vài nét về tác giả: P.Mêrimê (Prosper Mérimée, 1803-1870): nhà văn Pháp nổi tiếng thế giới về thể loại truyện ngắn, truyện vừa, một bút pháp khách quan, lạnh lùng hàm chút mỉa mai, hài hước; với lối cấu trúc truyện chặt chẽ, lời văn chải chuốt, cô đọng. Các tác phẩm tiêu biểu: Ký sự về thời đại vua Sáclơ IX(1828), Matêô Fancôn (truyện ngắn, 1829), Côlômba (truyện vừa, 1840), Carmen (truyện vừa, 1846)…