Một nhà sư Phật giáo, thiền sư Thích Nhất Hạnh, là người sáng lập viện đại học Vạn Hạnh Sài gòn ; trước đây, ông đã từng giảng dạy tại đại học Colombia bên Mỹ và đại học Sorbonne bên Pháp. Nhiều người biết đến ông qua các buổi thuyết giảng về thiền tại nhiều nơi trên thế giới và qua các kỳ tu tập cách ly trong Làng Mai bên Pháp, nơi ông đang sinh sống. Ông nói đến đạo Phật của ông là đạo Phật hiện đại, là đạo có thể đem ứng dụng vào hàng ngày để đi tìm sự an lạc ngay trong chính mỗi người.
Mới đây, tháng 5 năm 2001, Thiền sư Nhất Hạnh (NH), 73 tuổi, đã sang Luân đôn thuyết giảng đạo Phật. Nhân dịp này, đài BBC với Quốc Vinh (chủ biên mục Tư Duy Thế Kỷ) đã tổ chức một buổi nói chuyện giữa Thiền sư với các phóng viên Nguyễn Giang (NG), Lê Minh và Nguyễn Hoàng của đài.
Sau đây là tóm tắt những nét chính:
NG: Từ tâm thức của một tu sĩ VN, Thầy nghĩ thế nào khi nói đến VN, từ môi sinh cho đến bạo lực, trong xã hội hiện đại, những vấn đề chung trên thế giới đã lan đến VN rồi, trong làn sóng toàn cầu hóa... thì câu trả lời của Thầy đâu phải chỉ đơn giản là chuyện từng bước đi đem lại hòa bình, hay còn những gì khác nữa?
NH: Tôi thấy nỗi đau khổ người ta đang gánh chịu bây giờ nó cũng dạy cho người ta nhiều lắm và người ta có một trình độ tỉnh thức nào đó, muốn làm điều gì để chận đứng cái đà bạo động kia. Trong thiền quán, chúng tôi quen nhìn thật sâu để hiểu được nguồn cội sâu sắc, mới có thể đi tới một giải pháp. Nếu chỉ tìm biện pháp trên mặt thì không giải quyết được. Thí dụ nếu cha mẹ không sống hài hòa hạnh phúc với nhau, không biết thương nhau mà cứ tiếp tục làm khổ nhau mỗi ngày, thì những khổ đau và bạo động của cha mẹ từ từ thấm vào những người con. Tại trường học người ta không dạy mình làm thế nào để nhận diện nỗi khổ đau, tại gia đình thì mình cũng không được học vì vậy cho nên bạo động lan tràn.
NG: Thầy đòi hỏi và yêu cầu từng người phải hoạt động từng giây phút hướng về hòa bình và chống bạo động thì như vậy có mệt quá không? Phải tập trung mọi lúc như vậy thì cuộc sống của ta nằm ở chỗ nào?
NH: Cuộc sống thực của chúng ta nằm trong từng giây phút. Thí dụ cha mẹ phải thức tỉnh, ý thức rằng nếu mình không cư xử với nhau bằng tình thương bằng ngôn ngữ hòa ái, bằng khả năng người này lắng nghe người kia thì sự liên hệ giữa mình với nhau không bao giờ xây dụng được, mình sẽ khổ và con mình sẽ tiếp tục khổ. Vì vậy xin cha mẹ ký một hiệp ước hòa bình với nhau; có thể nói rằng từ nay trở đi tôi sẽ cố gắng tu tập, sử dụng ngôn ngữ hoà ái, tôi không chú trọng đến hạt giống khổ đau, giận hờn bạo động nơi ông nữa, và ông cũng làm như vậy, vì trong tôi cũng có hạt giống của bạo động, của khổ đau, của hận thù. Nếu ông cẩn thận, ông đừng tụ tập những hạt giống xấu đó mà dùng những ngôn từ hòa ái tưới tẩm những hạt giống thương yêu hiểu biết nơi tôi thì như vậy chúng ta đối đãi với nhau dễ dàng, chúng ta có thể sống với nhau một cách thoải mái, an lạc với tình thương. Và như vậy chúng ta ảnh hưởng tốt đến các con. Cha mẹ có thể làm điều đó và làm được liền. Trong đạo Bụt chúng tôi có pháp môn tu tập có thể áp dụng ngay trong giây phút hiện tại. Ðó không phải là chuyện nói suông, mà phải đi tới ngay những biện pháp, những phương pháp sống.
Khi chúng tôi đi khắp nơi trên thế giới để hiến tặng những khóa tu 5 ngày, 7 ngày hay 21 ngày chúng tôi chỉ dạy chừng đó thôi. Làm thế nào để nhận diện hạt giống bạo động, hận thù, khổ đau trong mình, lamụ thế nào để nhận diện hạt giống từ bi, trí tuệ, tình thương, hiểu biết trong con người mình ; mỗi ngày có thể tưới tẩm và tưới tẩm cho nhau những hạt giống tốt để cuộc sống của mình có được phẩm chất khá hơn.
Theo chúng tôi, chỉ cần thực tập vài ba ngày thì trong ta đã có sự đổi thay. Khi mình mĩm một nụ cười, khi mình nói được một lời từ ái, là tại vì hạt giống tốt trong con người mình đã được phát hiện. Người này có thể giúp được người kia. Vợ có thể giúp chồng tưới tẩm những hạt giống của thương yêu, của độ lượng, của niềm vui, giúp cho người chồng tự mình có thể tiếp xúc được với những hạt giống đó. Chuyện đó là chuyện có thể làm, có thể học hỏi và luyện tập được trong ba, bốn ngày.
NG: Người ta có thể làm được chuyện đó mà họ vẫn có những ham muốn đi về phía trước, chẳng hạn kiếm thực nhiều tiền hay là giành lấy những gì được coi là tốt đẹp theo ý riêng của họ, thì cái thông điệp của Thầy nằm ở chỗ nào?
NH: chúng tôi thường nhắc nhở rằng hạnh phúc chân thật nằm ở chỗ mình có tình yêu chân thật, có lòng từ bi, có sự bao dung. Chúng ta hãy nhìn lại quan niệm hạnh phúc của chúng ta, hãy sống cùng nhau trong thương yêu, đi xe hơi nhỏ hơn cũng được, ở nhà nhỏ hơn cũng được nhưng mình nhìn nhau mình cười với nhau được, mình sống gần nhau, có thì giờ chăm sóc cho nhau, chuyện đó đòi hỏi mình sự tỉnh ngộ.
NG: Thầy nói nhiều về đi tìm hạnh phúc, nhưng tại sao ta phải tìm hạnh phúc?
NH: Hạnh phúc trước hết là sự vắng mặt của khổ đau. Khi không có bạo động, căm thù, giận hờn trong ta thì ta sẽ có được an lạc trong lòng, và mới có thể tiếp xúc được với mầu nhiệm của sự sống, như trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo...thì những cái đó sẽ nuôi dưỡng chúng ta, làm cho ta nở một nụ cười, ta có thể làm ra hạnh phúc cho những người chung quanh. Nếu không, chúng ta có đầy những hận thù, bạo động, giận hờn thì chỉ làm khổ cho những người chung quanh thôi! Chuyện đó là chuyện dĩ nhiên.
NG: Chuyện đi tìm hạnh phúc là một nỗi muốn rồi, mà theo tôi hiểu cái muốn ấy là lòng dục, là điều có lẽ không tốt.
NH: Cái muốn, có nhiều thứ muốn. Anh muốn giúp người thì đó đâu phải là muốn xấu? Ðức Thích Ca cũng muốn giúp người nên Ngài mới đi tu. Khi tu thành Ðạo rồi, Ngài muốn giúp người, nên Ngài đã dạy trong 45 năm. Cái muốn đó là muốn tốt. Chỉ cái muốn xấu mình mới cần chuyển hóa nó thôi. Cái muốn tốt thì tại sao mình lại dại dột đem chuyển hóa? Muốn có trí tuệ, muốùn có tình thương, muốn làm hạnh phúc cho nhân loại và cho các loài khác.. cái muốn đó rất cần thiết. Chính đức Thích Ca đã nói như vậy.
Trong đạo Bụt chúng tôi nói tới sự tỉnh ngộ như là điều thực tập căn bản. Ðạo Bụt từ chữ Buđha mà ra, có nghĩa là người tỉnh thức, conụ Buđhism là con đường của sự tỉnh thức, tất cả bắt đầu từ chỗ một giây phút tỉnh thức. Tôi thấy bây giờ giới trẻ có người tỉnh ngộ họ muốn sống một cuộc sống an bình, không muốn xô bồ bạo động; có nhiều người trẻ tỉnh thức, bắt đầu ít ăn thịt hơn, họ thấy ăn thịt không làm cho mình khoẻ mạnh hơn. Ví dụ bên Mỹ bây giờ khắp các siêu thị đều có bán đậu hũ, và khi mình đi máy bay mình thấy các chuyến máy bay bây giờ đều không cho hút thuốc, none smoking plane, và trên mỗi bao thuốc lá đều có đề là "Coi chừng, hút thuốc là nguy hiểm cho sức khoẻ của bạn". Chúng tôi cho đó là những thứ giác ngộ. Rất nhiều người đã tỉnh ngộ, đã tìm cách sống thế nào cho trái đất mình còn có đủ sự xinh tươi và trong sáng để cho con cháu mình được hưởng. Trình độ giác ngộ đó đang hiện hữu và đang tiến triển. Chúng ta đừng bi quan quá, ta thấy những điều tích cực và tiếp tay yểm trợ nó, đồng thời góp phần giúp mọi người tỉnh thức. Ngược lại, trên con đường tiêu thụ sản xuất ta phải làm giảm việc tiêu thụ những sản phẩm nuôi lớn sự bạo động, sự căm thù nơi mình và nhất là nơi giới trẻ.
NG: Có phải hướng đi Phật giáo của Thầy không có gì trái với computer?
NH: Thật ra chúng tôi đã sử dụng computer một cách thông minh. Cứ mỗi 15 phút thì computer thỉnh chuông để chúng tôi thở và chúng tôi biết là không tự đánh mất mình trong công việc. Computer là một dụng cụ, mình đừng để trở thành nạn nhân của dụng cụ đó. Mình phải làm chủ.
NG: Nếu ta đi quá một bước nữa, chẳng hạn trong công nghệ sinh học, có thể tạo ra trí tuệ nhân tạo, có thể nó thống trị lại con người, chuyện biến cải gen, chuyện cloning... Thầy có chấp nhận những thứ đó, nó có trái với giáo lý mà Thầy rao giảng hay không?
NH: Mình có trí tuệ, vì vậy phải dùng nó để soi sáng. Cái gì cũng cần có thời gian thí nghiệm. Phương pháp tu học cũng vậy. Những loại ngũ cốc trồng theo phương pháp genetry modified thì cần thời gian nghiên cứu xem việc sử dụng nó có tác hại gì cho cơ thể hay không.
NG: Vậy là trên nguyên tắc, Thầy không phủ nhận?
NH: Không. Nếu mà phủ nhận trong khi mình không biết gì về cái đó hết thì cái đó là sự ngu si rồi, đó không phải là trí tuệ nữa. Sau khi thí nghiệm chắc chắn rồi, thấy nó không phương hại cho sức khoẻ thể chất và tâm thần con người thì lúc đó mình mới chắc thôi.
NG: Ðiều Thầy vừa nói, ý thức về môi sinh, ý thức về chủ nghĩa tiêu thụ có nguy hại thế nào đối với con người, đối với môi trường... thì đã được rất nhiều nhân vật, tổ chức, nhiều quốc gia nói đến, chính phủ nào cũng tự nhận là dân chủ, là bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi sinh, thì thông điệp của Thầy đi về đâu?
NH: Tôi nghĩ rằng đất nước mình nếu người ta biết lợi dụng sức mạnh tâm linh thì người ta có thể thoát khỏi giai đoạn khó khăn này rất dễ dàng. Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo chính trị ở VN họ biết rất rõ cả trong hệ thống lãnh đạo của đảng và của chính quyền rằng sự tham nhũng đã đến giai đoạn nặng nề vô cùng. Guồng máy của đảng và chính quyền chạy bằng xăng nhớt của tham nhũng và cả của sự sợ hãi, nghi kỵ.
Sợ hãi người ta lật đổ mình, người ta âm mưu phá mình. Cái đó chỉ chứng tỏ mình có nỗi sợ hãi rất lớn, nỗi nghi ngờ rất lớn.
Nếu những người có trách nhiệm ở Việt nam tới gặp chúng tôi, cùng uống trà đàm đạo, cùng ngồi thiền với chúng tôi vài ba ngày thì những sợ hãi nghi ngờ se tiêu tan, sẽ thấy họ tưởng tượng ra nhiều hơn.
NG: Như vậy Thầy tin giải pháp của Thầy mạnh hơn chủ nghĩa Mac xit?
NH: Ðạo Bụt là một đạo rất bao dung, đi tới đâu thì nó chấp nhận triết lý, văn hóa, tôn giáo của nơi đó, chứ không bao giờ chống. Trong quá khư,ù tôi đã từng viết những luận văn "Ðạo Bụt với Mac xit", chúng ta có thể học được từ thuyết Mac xit những điểm tốt nào đó và chúng ta có thể làm cho thuyết Mac xit trở nên một yếu tố của nền văn hóa Việt nam vì văn hóa Việt nam có khả năng dung hợp và biến cải rất hay. Chúng ta đã dung hợp được đạo Lão, đạo Khổng và những nền văn hóa khác, chúng ta đã có khả năng biến những chất liệu đó thành văn hoá của ta thì tại sao ta lại không thể lấy được từ thuyết Mac xít một vài yếu tố có thể bồi đắp cho gia tài phong phú đó. Tinh thần Phật giáo không phải chỉ đời này mới có, nó có từ 25 thế kỷ về trước.
NG: Thầy có lo sợ rằng văn hóa Việt nam suy yếu đến mức độ không qua nổi cơn toàn cầu hóa, nếu ta nhìn toàn cầu hóa như một cái gì đó không tốt đẹp?
NH: Tôi không nghĩ chúng ta không đủ sức làm việc đó. Nếu quí vị về VN thấy những người lớn tuổi đang sống ở các làng mạc, họ vẫn còn đứng vững trên nền thành trì văn hóa Việt.
NG: Nhưng những người trẻ ở VN, những thanh niên, chúng tôi về các làng và quan sát thấy họ không quan tâm gì hết, ngoài chuyện hút xách, chuyện ăn chơi. Còn làng xã bây giờ xây thành làng xi măng, không còn cây tre nữa, không còn cây xanh nữa.
NH: Nếu quí vị tới làng Mai bên Pháp quí vị sẽ thấy các tăng ni xuất gia toàn là người trẻ, tốt nghiệp đại học. Có những người đậu bác sĩ y khoa và khoa học. Bên này với bằng cấp họ có đầy đủ phương tiện để sống cuộc đời vật chất dồi dào. Hỏi tại sao họ từ bỏ, xuất gia để sống trong tăng đoàn? Tại vì họ thấy cuộc sống an vui, có thể giúp được nhiều người. Ở Việt nam cũng vậy, những thanh niên đi trên con đường trác táng và chạy theo tiền bạc là vì họ chưa thấy con đường nào đẹp hơn con đường đó. Trong khi đó thì chính phủ VN không cho phép chúng tôi về để trình bày vấn đề đó mà chỉ cho phép về cúng lễ hành đạo theo phương pháp cổ điển thôi.
Nếu họ thông minh họ có thể thấy nơi chúng tôi một đồng minh về phương diện tinh thần. Nhưng có lẽ vì sự sợ hãi lớn quá khiến họ không thấy được điều lợi này. Nếu chúng tôi đã gây cảm hứng được cho hàng triệu thanh niên tây phương đến tu học thọ 5 giới ; sách của chúng tôi đã đi sâu vào các tầng lớp dân chúng ở các nước tây phương thì họ sẽ thấy chúng tôi có thể nói chuyện với giới trẻ VN, đưa người trẻ về con đường tâm linh, con đường văn hoá dân tộc.
Ðiều này rất quan trọng. Nếu không có yếu tố tâm linh và phát triển văn hóa dân tộc thì nó sẽ đưa tới sự đổ vỡ toàn diện của đất nước VN.
 

Xem Tiếp: ----