Người đàn ông có dáng dấp trông rất quen thuộc. Trong trí tưởng nàng vẫn mang máng đâu như đã gặp khuôn mặt ấy - chả rõ từ bao giờ - nhưng chẳng tài nào nhớ nổi. Rồi nàng chợt mỉm cười với cái ý tưởng ngộ nghĩnh, rất "cải lương" vừa thoáng qua trong đầu: "không lẽ mình gặp người ở trong mộng!". "Người trong mộng ở đây trạc độ gần bốn mươi, dáng dấp cao ráo, khoẻ mạnh. Trông cách phục sức và cử chỉ của người đàn ông, nàng đoán có thể là dân Việt kiều. Thời buổi này, một số người từ ngoại quốc trở về thăm quê nhà thường hay mang cái phong cách của một chủng tộc văn-minh, giầu sang, đòi hỏi sự suýt xoa, nể trọng đối với dân bản xứ nghèo nàn, nhược tiểu. Nàng cảm thấy người đàn ông này không chút gì gọi là phô trương, cao ngao ỉ. Hắn trái lại dường như muốn kín đáo hoà nhập vào cái xã hội mà hắn đã cách rời sau bao năm. Vỏn vẹn với chiếc quần jean hơi bạc mầu với chiếc áo thun đen cao cổ, người đàn ông ấy xuất hiện một cách đột ngột, bất ngờ như một buổi sáng mùa xuân chợt đến. Sáng sớm hôm đó, như thường lệ, nàng thường đi dọc xuống dốc Ngọc-Lan để phụ mẹ mở cửa hàng café bên cạnh bế xe. Trong lúc bầy hàng, nàng thấy người đàn ông đứng lặng lẽ bên cạnh bờ hồ, dường như đang trầm ngâm, suy tưởng về một quá khứ, dĩ vãng nào đó. Mãi cho đến khi nắng lên, sương mờ đã tan, hắn mới lững thững đi bộ băng qua đường. Ghé vào quán café nhà nàng, gọi một ly café và ngồi uống nhâm nhi nhìn từng chiếc xe đò to, nhỏ lần lượt chất người và hàng hoá theo nhau rời bến. Không chừng người đàn ông thích thú ngắm cái cảnh tượng ồn ào, tạp nhạp của một bến xe đò tỉnh nhỏ mà bên nước ngoài chẳng bao giờ co ù. Buổi chiều nàng lại thấy hắn đứng trên con dốc, khoanh tay theo dõi những chuyến xe đầy bụi đường, mỏi mệt lăn bánh trở về bến, yên nghỉ. Con nhỏ Quyên, em gái út của nàng, ngày thứ nhì đã khám phá ra sự hiện diện của người đàn ông lạ mặt ấy, tưởng nàng không biết, khoe:
- Mấy hôm vừa rồi có một ông khách hay đến quán mình chị biết không?
- Ai vậy nhỉ? nàng trả lời, giả vờ như vô tình.
- Có lẽ dân du lịch ở đâu đến. Trông lạ lắm. Chị gặp là ưng liền...
Quyên nói xong và cười tủm tỉm. Từ ngày sinh nhật của nàng hai mươi bẩy tuổi, con nhỏ thường hay lo lắng, sợ bà chị ruột yêu quí "ống chề", thỉnh thoảng vẫn phụ hoạ với bố mẹ, khuyên nàng đừng nên kén chọn quá đáng. Quyên lấy chồng đã được hơn hai năm. Nàng thấy vợ chồng son như nó mà vẫn chưa đủ khả năng để ra ở riêng. Quyên vừa phụ trông tiệm, vừa phải nhận thêm hàng về đan mới đủ tiêu sài với cái đồng lương công nhân viên của chồng. Nàng không muốn đem thêm gánh nặng cho gia đình, và nhất là khi chưa gặp được người gọi là hợp nhãn, hợp tính. Năm ngoái, có người muốn làm mai nàng cho một anh chàng từ Mỹ về thăm nhà. Ðại khái không biết anh ta có thành công như thế nào ở xứ người. Anh chàng ăn mặc rất sang trọng và tiêu tiền như nước. Nàng phân vân tự hỏi, không biết người ta đã có vợ hay thuộc loại cả đẫn đến nỗi bên đó họ chê không thèm lấy! Chừng ghé đến nhà nói chuyện uống nước độ dăm ba bận, nàng nhận xét anh chàng có cái tánh Tây-phương một cách nửa mùa, thỉnh thoảng nhún vai chêm vài câu tiếng Anh, cố ý ra vẻ rất phong lưu, lịch lãm. Sự thật thì nàng buồn cười, tội nghiệp cho hắn nhiều hơn là chê bai. Vuột mất đám đó, mẹ nàng cũng hơi buồn, cầu nhàu:
- Hồi tao lấy bố mày nào có yêu thương, kén chọn gì. Rồi cũng đâu vào đó cả!
Nàng phải an ủi mẹ và đùa:
- Mẹ quá lo đi thôi. Ðến như chị Quí hàng xóm nhà mình, mãi đến ba mươi hai mới lấy chồng thì cũng đâu gọi là trễ. Cùng lắm con sẽ đăng báo "tìm người hôn phối", mẹ cứ yên chí...
Tuy bề ngoài nói thế, thâm tâm cũng có lúc nàng cảm thấy trống vắng, e ngại cho cái hoàn cảnh muộn màng của mình. Về mặt sắc diện thì nàng không phải thuộc vào hạng chim sa, cá lặn. Nhưng nhiều người hay khen nàng có nét nhu mì, hiền lành. Thuở còn đi học, nàng được một số người theo tán tỉnh, ve vãn. Vốn sẵn tính e thẹn, nhút nhát của con gái và ít nhiều mang cái mặc cảm nghèo, nàng thường hay làm lơ, tảng lờ như không biết đến. Thời gian gần đây, nhất là sau cái đám cưới của Quyên, vấn đề hôn nhân của nàng càng được mọi người trong nhà đề cập đến giữa bữa cơm. Ai cũng muốn dành làm ông mai, bà mối. Từ giai cấp công nhân viên, cán bộ đảng cho đến dân thương-mại, buôn bán và Việt kiều. Nàng chưa chấm được ai có một điểm gì để nàng yên tâm, giao trọn cuộc đời mình. Hầu hết dường như đều mang một cái gì giả tạo, hời hợt mà nàng không thể nào giải thích nổi. Ngoại trừ người đàn ông lạ mặt nàng gặp mấy hôm nay. Nhìn lối hắn ngồi và khuôn mặt thật hiền hoà, bao dung. Nàng tưởng như có lúc nàng đọc được nội tâm của hắn qua ánh mắt và nụ cười. Chưa bao giờ nàng thấy một người đàn ông nào vừa có vẻ nghiêm trang, tinh nghịch lẫn hiền lành như hắn. Ðặc biệt nhất là đôi mắt, thỉnh thoảng hắn vẫn khiến nàng mường tượng đến một kỷ niệm nào ấu thơ nào đùó trong quá khứ.
Người thanh niên chăm chăm, sững sờ nhìn đứa bé gái trạc độ chín, mười tuổi đội chiếc nón lá của người lớn, to quá khổ so với khuôn mặt tròn nhỏ, bầu bĩnh dễ thương của nó. Con bé bưng chiếc rổ còn lại vài cái bánh, đứng co ro, nép dựa vào vách tườngcủa góc chợ Hoà Bình để trú mưa. Nó làm người thanh-niên chợt nghĩ đến mấy đứa em của hắn, có đứa cùng lưá tuổi với con nhỏ, giờ này chắc đang yên bình đọc sách, đùa giỡn dưới mái ấm hạnh phúc gia đình. Tội cho con bé. Hắn lắc đầu, nhớ lại lời khuyên của vị linh-mục ở đại chủng-viện: "Nếu mổi ngày con chỉ cần thực hiện được bất cứ một việc gì làm sáng danh ngài thì con đã hơn ta rồi đấy."
Khi trời vừa xế trưa, quán cũng bắt đầu thưa khách. Nàng bảo Quyên trông hàng hộ nàng, đoạn rảo bước lên dốc chợ, định bụng đi dạo mấy hàng bán đồ tết trước khi ghé mua vài cân đường và café về cho nhà bán. Nhìn hàng cây Anh Ðào trên con dốc chợ mới ngày nào trông tiêu điều, cằn cõi giờ đã rộ nở những cánh hoa trắng hồng tươi thắm dưới ánh nắng. Nàng bỗng đổi ý, muốn thả bộ đi thong dong một mình dưới hàng thông, dưới con đường vắng dẫn lên ngọn đồi bên hồ. Ngày xưa, thỉnh thoảng nàng vẫn thường có cái thú đi dạo bâng quơ như thế. Mấy năm sau này, nàng quên bẵng đi cái thói quen nhẹ nhàng, êm đềm ấy chẳng qua chỉ vì lo buôn bán. Hơn nữa, nàng cảm thấy mình như đã quá cái tuổi lãng mạn để làm những chuyện rảnh rỗi đó. Nhưng hôm nay, giữa một ngày xuân ấm áp, lòng nàng đâm rạo rực, bồi hồi muốn sốùng lại cái giây phút hồn nhiên, vô tư thưở trước. Thanh thản đếm từng bước chân, nàng nhớ những kỷ niệm của tuổi dậy thì, áo dài đi học. Tưởng tượng và nhớ đến những người theo tán tỉnh, lẽo đẽo theo hỏi vài câu, tay chân nàng như đông lạnh, miệng câm như hến, rồi nàng quýnh quáng vội lảng tránh. Nàng cười thầm tự hỏi sao ngày ấy nàng nhát quá cỡ. Vài đứa bạn thân hiểu tánh đặt nàng với danh hiệu "tai thỏ". Những người khác lại cho nàng là "bơ đời", lạnh lùng. Thật lòng, từ trước đến giờ, nàng chưa hề bị cái gọi là cú sét ái tình. Chỉ một đôi lần rung động trước sự tán tỉnh, si mê của dăm người con trai học cùng trường. Sự rung động ấy, nghĩ lại, nàng thấy chẳng qua chỉ là sự bồng bột, lãng mạn của tuổi mới lớn. Nàng chả hiểu phải là người như thế nào mới khắc phục, chiếm trọn được con tim của nàng. Cho đến giờ, chưa một hình bóng nào đã làm nàng mong ngóng, khắc khoải. Ngoại trừ người đàn ông lạ mặt mới xuất hiện mấy hôm nay làm nàng thỉnh thoảng có thắc mắc, chờ đợi một cách lạ thường.
- Em bán món gì đấy?
- Dạ, đây là món bánh bao chỉ mẹ em làm ngon lắm, anh mua dùm hộ em.
- Mấy đồng một cái vậy nhỉ? Em còn đi học hay chỉ ở nhà phụ bán hàng?
Người thanh-niên vừa gợi chuyện, vừa nhẩm đếm mấy cái bánh còn lại trong rổ. Con bé thấy khách có vẻ muốn mua, mừng rở, đôi mắt mở to tròn xoe đen láy:
- Dạ em đi học ban ngày, chiều về mới đi bán. Bánh chỉ có hai trăm đồng một cái anh mua hộ hai cái nghen?
Giọng nói trẻ thơ của con bé nghe dễ thương chi lạ.
Người thanh-niên động lòng, tội nghiệp rút tờ mười ngàn đưa cho nó, bảo:
- Anh lấy hết bốn cái còn lại này. Em khỏi phải đưa tiền thối và nhớ về nhà sớm kẻo bố mẹ em trông.
- Dạ.
Con bé giao bánh xong, cám ơn người thanh-niên và vui mừng sách chiếc rổ, bước những bước chân sáo ra về. Những tuần lễ sau đó, thỉnh thoảng người thanh-niên gặp lại đứa bé gái và thường hay dúi cho nónhiều tiền hơn là cố ý mua bánh. Mãi cho đến một ngày xuân kia, trước khi trở về với gia đình để ăn tết, người thanh niên ấy lì xì cho con bé một ngàn và tặng nó cái kẹp tóc hình con bướm làm bằng bạc, chạm trổ rất đẹp mà hắn mua định làm quà cho đứa em gái. Con bé có vẻ rất sung sướng, trông mong là sau tết người khách trẻ giầu lòng hảo tâm này sẽ trở lại. Không ngờ, người thanh-niên đó đã biệt tăm tích luôn từ dạo đó. Sau này, mỗi lần hàng ế, con nhỏ lại nhớ đến ân-nhân của nó mà tưởng chừng như nó đã đọc, mơ tưởng một thứ truyện thần thoại, cổ tích nào đó của trẻ thơ.
Lúc nàng trở về thì Quyên đang trò chuyện với người đàn ông lạ mặt. Vẫn lối ăn mặc nhã nhặn, giản dị. Hắn đứng dậy hơi cúi đầu chào khi nàng bước vào trong lúc Quyên nhanh nhẩu đưa tay giới thiệu:
- Ðây là chị Loan, chị cả của em. Còn đây ông Phong, Việt kiều từ Mỹ về thăm nhà đã hơn một tuần. Chị phải nghe ông Phong kể vài điều thật lý thú mà chị không thể tưởng tượng nổi chuyện ở xứ ngoài..
- Tôi cũng được cô Quyên đây kể lại dăm mẫu chuyện bên nhà cũng khá ngộ nghĩnh. Hy vọng rằng tôi đã không đến nỗi quấy nhiễu hàng quán của gia đình cô?
Người đàn ông nói với giọng thật từ tốn, thân thiện và hoà nhã khiến nàng có cảm tưởng làm như hắn đã từng quen biết chị em nàng từ lâu.Tự nhiên nàng đâm ra lúng túng, vụng về đến suýt nữa làm rơi gói đường. Thời may Phong, tên của người đàn ông, đứng gần nên đã chụp lại được và đặt nó ngay ngắn trên quầy hàng hộ nàng. Lần này thì hai má nàng thật sự đỏ bừng, mắc cở quá đỗi. Nàng chỉ biết ấp úng, ngập ngừng nói đôi lời cám ơn người đàn ông đoạn kiếm cớ vô phía trong, đợi giây lát cho nhịp tim bớt đập loạn xạ, chải sơ lại mái tóc nàng lấy lại sự điềm tĩnh, bước trở ra và nói với người đàn ông như để giải thích về cái hành động vụng về khi nẫy của mình:
- Xin lỗi ông nghe. Có lẽ tại tôi mới vừa dang nắng và bước ngay vào bóng mát. Ông cứ việc ngồi uống café nói chuyện bao lâu cũng được. Giờ này quán thường hay vắng...
- Vâng tôi cũng đoán chắc cô vừa về và bị trúng nắng. Lâu quá tôi cũng quên bẵng đi mất là mùa xuân ở bên này nắng đã bắt đầu ấm. Giờ này ở bên đó hai cô phải biết, có chỗ còn phủ tuyết trắng xoá.
Nghe nói, nàng tò mò muốn tìm hiểu thêm về cái đời sống của xứ Mỹ mà cả đời nàng chỉ được biết đại khái, mù mờ qua phim ảnh, báo chí. Vừa lấy chiếc kẹp để cài lại mái tóc dài xoã bờ vai, nàng vừa đáp lời người đàn ông để tạo một bầu không khí tự nhiên, trò chuyện:
- Ông đi xa không biết chứ, dạo này cao-nguyên khí hậu có vẻ nóng hơn ngày xưa bởi vì thiên hạ đốn củi, chặt cây nhiều quá. Nếu ông còn nhớ, cứ nhìn ngọn đồi ở trước mặt ông sẽ thấy ngay sự trơ trụi, khác biệt...
- Ừ nhỉ, quả là một điều đáng tiếc...
Người đàn ông tên Phong quay đầu nhìn theo hướng tay nàng chỉ và đồng ý với sự nhận xét của nàng lẫn với đôi chút tiếc nuối. Hình như hắn định nói thêm điều gì đó nhưng chợt ngưng, lặng yên đăm đăm nhìn nàng khi thấy nàng đang chải đầu, kẹp lại xong mái tóc. Cái nhìn của người đàn ông không có vẻ xỗ xàng, bất khiếm nhã nhưng nó cũng làm nàng hơi ngượng. Vài giây sau, dường như người đàn ông nhậy cảm được thái độ của nàng nên vội vàng lên tiếng xin lỗi:
- Chết thật, tôi quả là vô duyên. Tại đang thắc mắc không biết cô mua cái kẹp tóc hình con bướm ở đâu trông đẹp và khéo quá. Ngày xưa tôi cũng đã mua một cái giống như thế cho đứa em gái.
Nàng cười đáp lời:
- Ông quá khen, tôi thấy nó cũng thường. Tôi thích dùng bởi vì cái kỷ niệm hồi còn nhỏ, đi bán hàng có một ông khách quen trước khi về ăn tết với gia đình tặng cho...
- Có phải người đó đồng thời lì xì cho cô một ngàn bạc?
Người đàn ông chợt như reo mừng, không đợi cho nàng dứt câu, hỏi vội vàng làm nàng sững sờ, bỡ ngỡ. Ðầu óc nàng vừa vui sướng, loay hoay với câu trả lời, vừa tìm kiếm trong cái trí nhớ một hình ảnh tưởng đã biệt tăm, xa vời nay đang vội quay trở lại. Nàng thấy mình như bị say sóng, một cơn say ngây ngất, lặng đi với nỗi hạnh phúc khó tả mà quên bẵng đi giọng của người đàn ông vẫn vang vọng bên tai, hỏi nàng một cách thân mật, dịu dàng:
- Bây giờ chắc cô đã biết tự làm bánh bao chỉ rồi chứ nhỉ? Chao ơi, ngày đó cô còn bé tí, đội chiếc nón lá...
 

Xem Tiếp: ----