Khi được đưa xuống Phòng Siêu Âm thì tôi còn tỉnh. Bà y tá Mỹ giao bệnh nhân xong bèn bỏ đi. Trong phòng chỉ có hai người. Một là người đàn bà Việt Nam khoảng 50 tuổi, trông cũng còn trẻ, người không to cao, dáng dấp thanh nhã, không thuộc loại bình dân và ăn mặc diêm dúa hoặc lam lũ như tôi thường thấy tại thành phố nầy và một cô gái Mỹ, tuổi gần ba chục – Cũng khó đoán tuổi người ngoại quốc -. Người đàn bà Việt Nam, như sau nầy tôi biết, vừa học xong và đang thời kỳ tập sự, còn người đàn bà Mỹ đang dạy thực tập cho bà kia. Họ đẩy cái giường tôi đang nằm tới gần một cái máy, trông hơi giống như cái computer, cũng có monitor, trên màn hình hiện rõ tên tôi. Người đàn bà Việt Nam vén cái áo bệnh viện tôi đang mặc lên, đặt một vật trông giống như cái bàn ủi, nhưng hình tròn, đẩy nhẹ qua lại từ hông bên nầy qua hông bên kia. Nhìn lên màn hình, tôi thấy nhiều đường rằn ri đen trắng hiện ra nhưng không biết đó là gì. Cô y tá Mỹ đứng sau lưng người đàn bà Việt Nam, thỉnh thoảng nói “Stop”. Cái “bàn ủi” dừng lại và nghe một tiếng cách rất nhẹ từ trong máy phát ra. Có lẽ người ta chụp hình chỗ nào đó mà họ nghi ngờ cần xem lại cho kỹ. Trong khoảng mười phút là xong việc, tôi được đẩy ra ngoài phòng, chỗ chờ đợi. Một lúc sau, người đàn bà Việt Nam bước ra, lấy tập hồ sơ trên tay bà nhét dưới tấm nệm ở chân giường của tôi. Tôi hỏi:
- “Bà thấy bệnh tình tôi có chi nguy hiểm không?”
Thay vì trả lời tôi, nghe giọng tôi nói, bà ta hỏi:
- “Ông là người Huế?”
- “Không, tôi người miền Trung, nhưng Huế là nơi tôi ở khá lâụ” Tôi trả lời.
Như sực nhớ ra câu tôi hỏi, bà ta nói:
- “Ông đừng lo. Theo nguyên tắc thì tôi không được tiết lộ gì với bệnh nhân hết, nhưng ông đã hỏi, tôi không thể làm thinh. Bác sĩ đã quyết định mổ, nhưng phải xem lại đường ống dẫn mật. Ðường ống ấy có một số sạn mật. Tôi đã chụp hình kỹ.”
- “Bác sĩ cũng cho tôi biết sẽ mổ ngay tối nay vì lần mổ trước không thành công hoàn toàn.” Tôi nói.
- “Nghe mổ, ông đừng lo. Ðời bây chừ người ta mổ như mổ gà. Vài ba bữa là khoẻ.”
Tôi cười, nói “Cám ơn”. Nhưng bỗng bà ta lại hỏi tôi:
- “Ông nghe tôi nói tiếng Huế có rành không?”
- “Bà nói tiếng Huế pha giọng Bắc. Có lẽ bà gốc Bắc hay Huế mà sinh đẻ ở Bắc. Nghe hơi kỳ cục.” Tôi cười, giải thích.
- “Nguời ta thường nói “Bắc Kỳ cục” mà ông. Quả thật tôi người Bắc nhưng lấy chồng Huế. Lấy chồng Huế hơn hai mươi năm, có con đã lớn mà tôi vẫn không hiểu hết người Huế. Ông không phải người Huế, tôi cũng không phải người Huế, nhìn người Huế, không biết quan điểm của ông và tôi có gì giống nhau không?” Bà ấy cười nói.
- “Ối. Chuyện Huế cũng giống như “Truyện dài Nhân Dân Tự Vệ”, nói mấy cũng không hết. Ðể ý làm chi cho mệt.” Tôi cười nói.
- “Ông nói vậy là với người thường, còn ông viết báo viết sách, nói rứa đâu có được.” Bà ta nói, giọng hơi nghiêm lại.
- “Ai nói với bà tui viết báo. Tui có biết chi mô! “Nhà báo nói láo ăn tiền”. Tui không muốn bị người ta chê là nói láo.” Tôi chống chế.
- “Ông bị hố rồi. Hồi nảy, khi vào làm, tôi gặp bà ở ngoài hành lang. Bà ấy nghe ông bị mổ, bà sợ, khóc. Tôi có an ủi bà. Ở đây đâu có nhiều người Việt. Ðọc tên ông, tôi biết ông là chồng bà. Chịu thua chưả ” Bà ấy vừa hỏi vừa cười.
- “Trên đời nầy, có người đàn ông nào mà không thua đàn bà. “Lệnh ông thua cồng bà”. Tôi cười nói.
- “Thôi để ông nghỉ. Tôi cũng vào làm việc. Mai hoặc mốt, ông hơi khỏe, tôi sẽ lên thăm cả hai ông bà và tôi hỏi chuyện ông về Huế, giải đáp thắc mắc cho tôi.”
- “Tui biết chi thì nói nấy! Nhưng bà nhớ cầu nguyện cho tôi tai qua nạn khỏi kỳ nầy mới nói chuyện được.” Tôi thành thật nói.
- “Tôi đã nói ông yên tâm mà. Mổ xong rồi, ông thọ lắm.”
Theo thói quen, tôi nói nhỏ trong miệng “Nam mô A-Di-Ðà-.... Lạt” và cười thầm với câu nói nghịch ngợm mà tôi cũng như các bạn tôi, thường nói đùa đã mấy chục năm, từ khi còn trẻ.
&
“Tôi là người Bắc, không phải “Bắc Kỳ 75” mà cũng không phải “Rân Ri Cư 54”. Những năm gần Hiệp Ðịnh Genève 1954, sợ chiến tranh, bố mẹ tôi đưa gia đình vào ở Ðà-Lạt. Tôi lớn lên ở đó, học trường “đầm” ở Saigòn và lấy chồng Huế.” Người đàn bà, sau khi vào chuyện, giới thiệu sơ về thân thế bà ta.
Tôi cười góp ý:
- “Những người chạy giặc vào Nam trước 54 không thuộc hạng giàu có thì cũng khá giả. Hoặc ít ra thì cũng thuộc hàng sợ “Cải cách ruộng đất” của Cộng Sản mà chạy trước làng. Còn như người Bắc, học ở Saigòn mà lấy chồng Huế thì là “Hòa Hợp Hòa Giải Thống Nhất Bắc-Nam-Trung”. Có điều hơi lạ, dân Tây sao không học trường đầm ở Ðà-Lạt mà lại học ở Saigòn. Cộng Sản họ đánh giá những người có văn hóa Pháp như bà là chịu ảnh hưởng văn hóa nô dịch và là đại Việt Gian. Nói vậy, bà có sợ Việt Cộng không và có mất lòng bà không?
- “Ông nhận xét như thế có cái sai, có cái đúng. Việt Cộng gọi tôi hay gia đình tôi là gì, tôi không cần để ý tới. Bây giờ thì rõ rồi đấy, ai là Việt Gian ai không. Bán nước cho Tàu cho Nga thì cũng giống như bán nước cho Tây vậy. Nước không bán cũng bỏ vì nước sẽ bốc hơi; còn như bán đất mới thật là có tội. Không những bán đất mà bán cả Ải Nam Quan nữa thì tội tày trời. Bố tôi nói trong lịch sử, Việt Nam chưa bao giờ mất đất cho Tàu, kể cả đời Mạc Ðăng Dung (°). Còn tôi học trường đầm ở Saigòn vì sau nầy bố tôi làm công chức cao cấp ở Saigòn. Còn như nói “Hòa Hợp Hòa Giải và Thống Nhất” thì nước Việt Nam không bao giờ có. Theo bố tôi thì ngày xưa cũng thế thôi. Còn bây giờ, ở Việt Nam thì người Bắc cai trị người Nam. Ông cứ về Saigòn thì biết. Saigòn biến thành thành phố Hồ Chí Minh mất rồi, không còn là Saigon nữa, có nghĩa là vào bất cứ cơ quan chính quyền nào ông cũng gặp toàn Bắc Kỳ 75, không là Bắc Kỳ chính cống thì cũng Thanh-Nghệ-Tĩnh, Ðồng Hới, Quảng Bình. Nếu có anh Nam Kỳ nào thì anh ta cũng lo thủ phận ngồi thu lu một góc. Không bao giờ có “hòa hợp”, ngay trong gia đình tôi cũng vậy. Nếu “hòa hợp hòa giải” được thì vợ chồng tôi đã không phải chia tay nhau.” Người đàn bà nói một hơi dài, giọng buồn và hơi ai oán một chút khi nói tới sự chia lìa vợ chồng của bà.
Tôi vội nói:
- “Bà thứ lỗi. Tôi không rõ hoàn cảnh bà hiện tại nên có gì lỡ lời, bà hiểu cho.”
- “Không có gì, ông cứ yên tâm. Chúng ta không có gì tránh né thì nói chuyện thoải mái hơn. Theo ông nghĩ, quan điểm của bố tôi, của tôi có gì quá khích không?” Người đàn bà hỏi.
- “Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu!?” Câu nầy trong truyện Kiều mà các thầy giáo dạy tôi hồi xưa cũng nói là tâm trạng của Nguyễn Du khi ra làm quan với triều Nguyễn. Triều Nguyễn là người Nam, đám quan lại như Nguyễn Du là người Bắc. Người Bắc hợp tác với người Nam là ở cái thế chẳng đặng đừng, cũng như bây giờ ai người Nam ra làm việc với Bắc Kỳ 75 vậy. Ngay cả giới phụ nữ như Bà Huyện Thanh Quan cũng mang cái tâm sự u-uất ấy. “Dừng chân đứng lại trời non nước. Một mảnh tình riêng ta với ta!” Nhìn trời non nước mà nói tới mảnh tình riêng thì đó không phải là tình yêu mà chính là mối “Hoài Niệm Lê Triều”, là “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc” như trong văn học sử người ta nhận xét vậy. Người Nam bây giờ có ai hợp tác với Cộng Sản thì cũng chỉ là trong cái thế cần có cái cần câu cơm. Chắc gì trong lòng họ không có tiếng kêu của con chim quốc. Cộng Sản biết rõ như thế nên không mấy khi họ giao cho người Nam những chức vụ quan trọng, ngoài những công việc thuộc lãnh vực khoa học, kinh tế mà họ không làm được. Còn nói trong gia đình, tôi vẫn thấy nhiều cặp vợ chồng Trung-Bắc-Nam rất hòa thuận.”
- “Tôi và ông ấy cũng có những thời gian sống đầm ấm, hòa thuận, nhất là trong những lúc chỉ có chúng tôi sống với nhau, cha mẹ không ở chung. Ðến khi qua được Mỹ rồi thì hết. Người ta chạy trốn ra ngoại quốc để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Chúng tôi qua tới đây thì vợ chồng con cái chia ly mỗi người một nơi. Buồn ơi là buồn!” Người đàn bà than thở.
- “Ông ấy là người Huế?” Tôi hỏi.
- “Còn hỏi nữa, tôi đã nói ngay từ đầu ” Bà ấy trả lời, rồi nói tiếp: “Ông ấy rất có hiếu, vì vậy mà chúng tôi xa nhau”
- “Vâng, tôi cũng có nhận xét như bà. Người Huế rất có hiếu. Mấy cô gái Huế thương mẹ lắm, rất thương mẹ, thương hơn thương cha, ít ai có. Ðiều ấy dễ hiểu thôi.”
- “Ai cũng có hiếu. Người Việt Nam đều vậy. Có riêng gì người Huế. Tại sao có điều đặc biệt hơn?”
- “Có hiếu với cha mẹ là văn hóa Việt Nam. Ðặc biệt có hiếu là văn hóa Huế. Ðó cũng là văn hóa Việt Nam nhưng ở Huế thì nó đậm nét hơn.”
- “Tại sao ” Người đàn bà hỏi.
- “Dễ hiểu thôi! Người Việt theo đạo Nho thì Trung với Hiếu là hàng đầu. Triều đình nhà Nguyễn cũng lấy triết lý Nho Giáo làm nền tảng để bảo vệ triều đình và xây dựng xã hội. Học hành cũng lấy trong Tứ Thư, Ngũ Kinh. Thi cử cũng từ đó mà ra. Vua quan phải giữ cái đạo đó. Huế là kinh đô của nhà Nguyễn; vậy thì Nho giáo ở Huế đậm nét hơn các nơi khác là đương nhiên. Bà có đồng ý như vậy không?” Tôi giải thích.
- “Tôi lấy chồng Huế nhưng không ở Huế nên không rõ việc nầy. Ông nói cũng có lý đấy nhưng chưa cụ thể.” Người đàn bà cười trả lời tôi.
- “Cụ thể hả? Ông Tự Ðức làm vua rồi, có lỗi cũng nằm dài xuống ghế, lấy roi cho mẹ đánh. Vua còn thế huống gì quan với dân. Nhiều gia đình mấy đời làm quan tức phải tạo cho được một cái nếp nhà “Hiếu-Trung” như vậy. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.” Người dân thường cũng phải noi theo. Cho nên cái đặc biệt Hiếu Trung của văn hóa Huế rất dễ biết.”
- “Ðâu có phải ai cũng như vậy ” Người đàn bà phản bác. “Với lại đã Hiếu, còn phải Thảo nữa chứ. Bố tôi nói vì chữ Thảo mà anh em ông Diệm chết chóc, tan tác. Phải vậy không?”
- “Ðương nhiên. Ðó cũng là cái đặc biệt của văn hóa Huế còn nặng Phong Kiến hay truyền thống dân tộc, khó nói quá (°). Nhưng đó không phải là vấn đề. Vấn đề là trong cái đặc biệt nầy, có cái đặc biệt khác nữa. Cái đó mới khó thở.” Tôi nói.
- “Ðặc biệt khác nữa là sao?” Người đàn bà lại hỏi.
- “Nói nôm na là văn hóa Huế “dỗm.” Dỗm có nghĩa là nó không phải vậy mà
cố làm ra như vậy. Ðó là thứ hàng “ mạo hóa”. Không phải là hạng “con giòng cháu giống” mà cố làm ra vẻ ta đây là con giòng cháu giống. Không máu mủ gì với hàng vua quan hết mà cố làm ra vẻ ta đây thuộc dòng dõi vua quan. Không thuộc hạng “nếp nhà” mà cố làm ra vẻ ta đây thuộc hạng “nếp nhà”. Thứ nầy, Huế không phải là không đông. Ngoài ta còn hạng đầu rồng đuôi chuột.”
- “Ðầu rồng đuôi chuột là sao?” Người đàn bà lại hỏi.
- “Ông Lê Lợi là anh hùng dân tộc nhưng tới đời Lê Uy-Mục, Lê Tương-Dực sử gọi là “vua heo”. Tướng như tướng heo. Thứ đó thì chỉ ăn cho no, ngủ cho mập thân và chơi bời. Huế hạng nầy không thiếu gì. Cháu chắt mấy ông Hoàng bà Chúa không ít người như thế. Về quan thì cũng có người xưng “dòng tui những hơn mười đời quận vương” nhưng xem ra không thua gì bọn giá áo túi cơm. Ðầu rồng đuôi chuột là vậy ”
- “Nghe ông nói thêm nhức cái đầu.” Người đàn bà than.
- “Ðể tôi kể cho bà nghe một câu chuyện nầy. Khá buồn cười. Con gái tôi lấy chồng Mỹ, hai đứa cùng học và ra trường cùng làm chung một hãng. Hôm nó dẫn thằng chồng sắp cưới đi thuê đồ chú rễ vì thằng rễ muốn ăn mặc theo quốc phục của ta, chúng tới một cửa hàng cho thuê đồ cưới. Bà chủ hỏi chuyện rồi nói với con gái tôi: “Cha mẹ bác hồi xưa ở Huế khó lắm. Bác lấy chồng Mỹ mà gặp rất nhiều khó khăn cha mẹ mới chịu cho cưới ” Con gái tôi về kể lại cho tôi nghe, tôi nghĩ thầm: “Thôi chết rồi, bà nầy thuộc “Những người ở gần kho đạn.” (°) Ai chẳng biết bà ấy ngày xưa bán Bar, có con lai, được đi Mỹ theo diện con lai. Vậy mà cũng xưng là thuộc loại “con dòng cháu giống”, “nếp nhà”. Thứ đi bán Bar nầy được sắp hạng hạng nhất trong xã hội miền Nam trước 1975 (°). Kho đạn nầy thuộc loại đại bác nên nổ to thế!”
- “Ông kể chuyện nghe buồn cười. Ðâu có phải ai ngoài đó cũng như thế.” Người đàn bà lại phản bác.
- “Vâng, không phải ai cũng thế. Nhưng tâm lý ưa chơi trội đó rất phổ biến ở Huế nên Huế có rất nhiều nhà “Trí thức”, có rất nhiều nhà “Ái quốc”, nhiều bậc “Quân tử”, có rất nhiều nhà “Phản Chiến vì yêu Hòa Bình, yêu Dân Tộc.” Xem lại là toàn một bọn “ngụy” hết, một bọn “giả danh”, “mạo hóa” hết. Có điều quan trọng là chẳng có ai sống với bọn nầy được hết. Ngay bọn chúng cũng chẳng sống được với nhau. Lợi dụng nhau thì đúng hơn, lợi dụng nhau không được thì bôi lọ nhau. Háo danh vô cùng. Trịnh Công Sơn chết chưa kịp chôn thì cả chục thằng nhảy ra xưng danh là “bạn” với ông nhạc sĩ “lớn” ấy. Không có lòng thành thật thì ai sống được với ai ”
- “Ông nói họ không thành thật?” Người đàn bà hỏi.
- “Chớ chi ” Tôi cười trả lời.
- “Ông nói sao mà trúng ngay mẹ chồng tôi. Bà ngọt như đường phèn mà sau lưng bà đâm nhát dao nào cũng lút cán. Chồng tôi lại rất có hiếu với mẹ, bỏ tôi là vì nghe mẹ. Rồi chết luôn cả hai mẹ con.”
- “Bà nói chết là sao? Chết thiệt đấy à?” Tôi hỏi.
- “Ðâu có phải vậy! Hồi ở Saigon, mẹ chồng ở ngoài Huế, chúng tôi sống với nhau cũng hòa hợp. Chúng tôi chạy qua đây năm 75, rồi bảo lãnh mẹ chồng qua. Dĩ nhiên ở chung nhà, ông ấy đâu có muốn xa mẹ. Ông ấy thương mẹ lắm mà bà ấy có máu đỏ đen. Ở Huế bà đánh tứ sác tối ngày. Qua đây tuần nào cũng đi Connecticut. Gia đình chào xáo xung khắc từ đó. Hai đứa con gái của tôi không chịu được cảnh bất hòa trong gia đình, bỏ vào nội trú, ra trường xin đi làm xa cho khỏi bực mình. Thế rồi chúng tôi phải ra tòa. Xong một đời.
&
- “Tôi lại sắp lấy chồng!” Người đàn bà nói.
- “Ủa? Chưa “tởn” hay sao mà còn đòi đi bước nửa?” Tôi cười, hỏi.
- “Ông nghĩ coi, tới chừng nầy tuổi mà còn đi tìm hạnh phúc lứa đôi, bộ tôi vui tươi hay náo nức lắm hay sao!? Cái vui tươi và náo nức đó chỉ dành cho tuổi thanh xuân kia. Bây giờ thì già rồi, tôi biết tôi già chứ. Nhưng nghĩ tới những ngày già cô đơn, tôi bỗng sợ. Tôi sợ cái cô đơn của tuổi già. Ðó là lý do chính của tôi.” Người đàn bà giải thích.
Tôi nói:
- “Nghe bà nói, tôi cũng băn khoăn lắm. Cái xã hội văn minh nầy có quá nhiều sự cô đơn. Càng chạy theo chủ nghĩa cá nhân, người ta càng cô đơn. Ðó là định luật của cuộc sống. Nói cho cùng, tuổi già mà đi tìm tình yêu thì cũng như mò kim đáy biển. “Tìm em như thể tìm chim, Chim bay biển Bắc anh tìm biển Nam” vậy. - “Người nầy cũng người Huế ông ạ!”
Tôi chưng hững:
- “Ủa! Sao nghe bà nói cái chi cũng “động trời” không? Ðã có chồng người Huế, khóc cho thân phận chưa hết nước mắt, bây giờ lại cũng một ông Huế nữa. Bộ Huế có chi hấp dẫn lắm hay răng?” Tôi cười hỏi.
- “Không ông à! Tôi biết nhìn vấn đề lắm. Sở dĩ tôi và ông ấy chia tay là vì ông ấy xem nặng gia đình quá. Hồi xưa chúng tôi ở Saigòn đâu có vậy đâu! Ông nầy thì khác. Các anh em ông chẳng có người nào ở chung với cha mẹ. Họ chủ trương ai có đời nấy, không dẫm đạp lên đời nhau. Vã lại tôi cũng thích gia đình nầy vì có danh giá và có học vấn. Nếu nói “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” thì gia đình ông ấy là vọng tộc ở Huế.”
- “Ở Huế có nhiều họ lớn như Nguyễn Khoa, Hoàng Trọng, Thân Trọng, Hà Thúc... ” Ông ấy thuộc họ nào?”
- “Ở hai họ sau hình như có câu gì của vua Tự Ðức?”
- “Vua Tự Ðức nói là “Thân Thân, Hà Hà thiên hạ vô gia, Hà Hà, Thân Thân thiên hạ vô dân.” Nếu như toàn là họ Hà họ Thân hết thì đều ở nhà quan, hay không còn dân vì đều làm quan hết. Dòng dõi quan to đấy. Bên ngoại Bà Nhu là họ Thân, dòng dõi ông Thân Trọng Huề, một nhà thơ mà cũng là một ông thượng thư của triều đình. Ông nào cũng được, cần nhất là không phải đuôi chuột của cái đầu rồng.” Tôi giải thích.
- “Bố anh ấy là một lãnh tụ chính trị nổi tiếng. Anh ta cũng rất ham mê chính trị.” Người đàn bà nói.
- “Nói thiệt bà nghe. Người Huế mà làm chính trị là trật chìa rồi. Kể từ hồi tôi còn trẻ, di dạy ở Huế, qua các vụ xáo trộn sau khi Ngô triều sụp đổ; nhận xét về các hoạt động hồi ấy, các bạn tôi đều nói rằng người Huế chỉ làm cách mạng, không làm chính trị được. Anh ấy có làm cách mạng thì tôi nghĩ mới thành công. Nhưng làm cách mạng chỉ có hy sinh, có khi chỉ là “Thành Nhân” còn ngoài ra không được chi hết.” Tôi giải thích.
- “Tại sao vậy ông. Cách mạng và chính trị, hai cái ấy không đi chung được à? Ông có thể giải thích cho tôi đươc không? Tôi rất nãn những chuyện lôi thôi rắc rối. Ông nên nhớ là tôi, đã năm mươi tuổi, đang mệt nhọc đi tìm hạnh phúc lứa đôi cho tuổi già. Nghĩ lại, buồn ơi là buồn, nhiều khi tôi phát khóc cho thân phận mình!” Người đàn bà than thở, giọng chán nãn, mệt nhọc. - “Không dễ giải đáp cho cái ẩn số đó đâu. Nếu bà muốn tìm hiểâu thì tôi xin hẹn bà vào một dịp khác vậy.”
(°) Theo sử thì Mạc Ðăng Dung cướp ngôi nhà Lê năm 1527. Quan nhà Lê chạy sang Tàu cầu cứu. Nhà Minh nhân dịp nầy cất quân sang đánh nước ta.
Sử chép:
“Mạc Ðăng Dung thấy quân nhà Minh sửa soạn sang đánh, sợ-hãi quá chừng, bèn để Mạc Phúc Hải ở lại giữ nước, rồi cùng với bọn Vũ Như Quế, cả thảy hơn 40 người, tự trói mình ra hàng, sang chịu tội ở cửa Nam Quan, lạy phục xuống đất để nộp sổ điền thổ và sổ dân đinh, lại xin dâng đất 5 động: là động Tê-Phù, động Kim-Lạc, động Cổ-Xung, động Liễu-Cát, động La-Phù và đất Khâm Châu. Lại đem vàng bạc dâng riêng cho quan nhà Minh.”
Theo nhà Sử Học Trần Quốc Vượng thì những đất Mạc Ðăng Dung dâng cho nhà Minh chỉ là những đất khống, có nghĩa là chỉ có trên giấy tờ mà không có trên thực địa.
Mạc Ðăng Dung tuy có làm điểu sĩ nhục cho bản thân y như quì mọp xuống đất trước quan Tàu nhưng ông vẫn giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ. Khi nhà Minh phát hiện ra đó chỉ là những đất khống thì cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt, không thể tập trung quân lính một lần nữa để đánh họ Mạc, việc đâu có dễ dàng gì.
Thời Việt Minh 1945-46, Hồ Chí Minh tổ chức “Tuần Lễ Vàng” nói là để có ngân sách mua vũ khí chống Pháp. Ðồng bào ủng hộ rất tích cực. Vàng thu được, Hồ Chí Minh cho đúc thành thỏi để dâng cho tướng Lư-Hán và Tiêu-Văn (phe Tưởng Giới Thạch) để họ không còn ủng hộ các đảng phái quốc gia, quay ngược nửa vòng sang ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh.
(°) Theo quan điểm người xưa, trong gia đình có người đổ đạt làm quan hay nên danh vọng là nhờ “Phúc ấm tổ tiên”. Anh em trong nhà nên chia nhau hưởng cái phúc ấm ấy. Vì vậy, xã hội ta mới có câu “Một người làm quan, cả họ được nhờ.” Ông Ngô Ðình Diệm, tuy có Tây học nhưng không thể thoát ra khỏi những tư tưởng phong kiến ấy. Vì vậy, khi ông giành được “ngai vàng” từ tay ông Bảo Ðại thì ông đem về anh em chia nhau vui hưởng cái phúc ấm ấy, người giữ chức nầy, người có quyền kia, như người xưa vậy. Giang sơn là của chung thiên hạ nay trở thành của riêng cho anh chị em trong gia đình họ Ngô. Suy cho cùng thì đó cũng là một nét của “Văn hóa Huế” vậy. Tiếc một điều ông Ngô Ðình Nhu học từ bên Tây về, học thiên kinh vạn quyển mà không nhận ra được rằng quan điểm “chung hưởng vinh hoa phú quí” của ông Diệm là một quan điểm lạc hậu, lỗi thời trong văn hóa Huế. Thay vì ngăn cản ông anh mình làm sai, nên thành lập một nước tự do dân chủ tiến bộ thì ông lại dựa vào đó để xây dựng một chế độ độc tài, “gia đình trị”. Nếu như sau khi xây dựng được nền móng nền Cộng Hòa và Tự Do Dân Chủ ở Miền Nam rồi, ông Ngô Ðình Diệm rút lui như ông Havel ở Tiệp hay Mandela ở Nam Phi, không tham quyền cố vị, thì nay ông Ngô Ðình Diệm có lẽ đã được người Việt Nam tôn sùng như một bậc vĩ nhân vậy.
(°) “Những Người Ở Gần Kho Ðạn” là tên một tác phẩm của Huỳnh Văn Phú, nói về những người hay “nổ”
(°) Thời quân Mỹ đến Việt Nam đông đảo, sau khi chế độ nhà Ngô sụp đổ thì báo chí Saigon có câu sắp hạng xã hội miền Nam thời kỳ đó như sau: “Nhất đĩ, nhì sư, tam cô, tứ tướng” (Cô là ma-cô, chạy gái và bảo vệ cho các bar buôn hương bán phấn với lính Mỹ)
Sự kiện có thật.
Chi tiết do tác giả hư cấu.
 

Xem Tiếp: ----