Cậu Thảo đi công tác mấy ngày và khi về, trong gia đình thêm một thành viên mới, đó là Nga.
Mới 12 tuổi nhưng cái vẻ mơn mởn, xinh xắn phát lộ nơi Nga khiến tôi không khỏi ghen tị. Âu cũng là thói thường tình của con gái. Nước da trắng hồng, sống mũi cao, tóc trước trán hoe vàng, đôi mắt luôn mở to như thế giới xung quanh đều lạ lẫm, gợi trí tò mò, trông Nga như một con bé “Tây”.
Tôi nêu nhận xét đó thì Nga cười để lộ chiếc răng khểnh thật duyên: “Ồ, nhiều người cũng nói như chị đấy. Nhưng mà em vô duyên lắm, không được như chị đâu, Quyên ơi”.
Tôi thầm phục sự khéo léo của con bé. Hơn Nga 5 tuổi nhưng tôi biết mình quê mùa, nhiều cái còn thua xa Nga. Nga khéo tay lắm. Tài cắm hoa trang trí, nhất là chuyện nấu ăn, bếp núc, ngay cả mợ tôi, một người lớn, khá giỏi dắn cũng phải ngợi khen Nga. Ôi một con bé mới lớn nhưng chỉ ở chung ít ngày tôi đã thầm phục và mến nó đến lạ. Bé Nga cũng thật ngoan, luôn coi tôi như người chị lớn. Thái độ đó làm tôi ấm lòng, bớt đi cái mặc cảm con ở. Vậy là tôi có “đồng minh”. Nhưng không biết Nga ở chơi với tôi được bao lâu.
Với tôi Nga đem lại sự hài lòng, nhưng với gia đình cậu Thảo tôi, sự xuất hiện của Nga làm không khí trong gia đình như chùng hẳn xuống. Cả ba người - cậu mợ và thằng Chung, dường như đều có vẻ khó xử nhất là cậu Thảo. Trên gương mặt cậu ánh lên nét ưu tư, mặc cảm tội lỗi. Còn mợ Trang tôi, nỗi phiền muộn không thể giấu giếm, dẫu tính mợ kín đáo. Mợ hay kêu chán ăn. nhức đầu rồi bỏ vào giường nằm. Tôi nhìn cậu. Tội nghiệp cậu nhai cơm mà như nhai trấu hay đại loại như người già không còn răng mà phải ăn thứ cơm vừa khô vừa nguội. Tôi đi chợ, cậu thường dặn với theo: "Nhớ mua cài gì nấu canh, cháu nhé''. Trước đây không bao giờ có việc đó. Cậu là người dễ tính, như là xong chuyện ăn uống. Xốc nổi và thể hiện thái độ rõ nhất là thằng Chung. Nó tỏ rõ sự hằn học với Nga, tuy rằng con bé chưa làm điều gì phật ý nó. Tính nó khó chịu vậy đấy. Tuy là chị em họ với nhau nhưng trong mắt nó, tôi biết, tôi vẫn chỉ là con ở. Thái độ của nó làm tôi nhiều lần mủi lòng muốn bỏ về quê, nhất là hồi mới lên đây. Thằng Chung cũng tỏ thái độ coi thường cậu Thảo - ba nó, việc mà tôi chưa từng thấy. Cậu tôi bực lắm nhưng đành nín nhịn trong khi thằng Chung đứng hẳn về phía mợ tôi.
Nga về được bốn ngày thì mợ tôi cùng thằng Chung về thăm ngoại. Cậu tôi lúng túng dặn dò: ''Em nhớ giữ gìn sức khỏe. Anh cũng đã suy nghĩ, nếu không ổn, anh đành đưa nó về với ông bà nội". Mợ tôi không nói gì, nét mặt càng thêm đau khổ. Ẩn trên cái miệng thằng Chung một nét cười vừa khinh bỉ vừa chua chát. Bé Nga đứng dựa cửa nhìn ra, mặt đượm buồn. Mợ đi rồi, cậu ngồi thở dài sườn sượt một lúc rồi bảo Nga: ''Con lên nhà trên, ba níu chuyện với chị Quyên một chút''. Mấy ngày nay, tôi cũng khó hiểu khi thấy cậu xưng hô ''ba con" với Nga. 17 tuổi, tôi suy đoán...
Cậu tôi vào đề thật khó nhọc. Sau này thì tôi hiểu, chẳng đặng đừng cậu mới phải kể chuyện tình của mình cho tôi nghe khi trong mắt cậu, tôi vẫn chưa đủ lớn để có thể thông cảm. Thì ra cái điều tôi đoán già, đoán non đã thành sự thật trớ trêu.
-16 năm trước, mợ tôi sinh thằng Chung sau 6 năm chung sống với cậu. Có đuợc "cục vàng" nhưng cậu mợ tôi cũng không khỏi buồn khi bác sĩ cho biết, mợ tôi không còn khả năng sinh nở. Bi kịch bắt đầu khi cậu tôi đuợc điều động về trạm hải quan cửa khẩu. Năm tháng sau, cậu tôi quen biết với một phụ nữ đã qua một đời chồng, hơn cậu một tuổi, nhưng vẫn còn mặn mà nhan sắc. Họ đã ngã vào vòng tay nhau với những tính toán vụ lợi. Người đàn ông xa vợ có khi nửa năm mới về thăm nhà lại sống nơi rừng núi heo hút thì những giá trị đạo đức, sự thủy chung trở thành những khái niệm mờ nhạt trước sức cuốn hút của một người đàn bà đã qua rồi những e dè con gái. Người đàn bà cũng sẵn sàng dâng hiến để làm dịu cơn thèm muốn tình dục, vừa là để mở lối cho con đường buôn lậu, khi có tình nhân là trạm trưởng hải quan.
Thế rồi một bé gái đẹp đẽ ra đời khiến cậu vừa mừng, vừa lo. Cậu mừng vì máu thịt của cậu sinh chồi, sinh nhánh. Bởi có lúc, nói dại, cậu không khỏi lo thằng con duy nhất sơ sẩy. Ai chẳng mong có cái "gậy chống" lúc về già. Còn cậu lo, là lo hạnh phúc gia đình, sau chuyện ''tình cảm'' này, có thể tan vỡ, hay ít nhất cũng bị sứt mẻ nhiều.
Rồi cậu ''được" chuyển về cục và chuyện đi lại và người đàn bà kia cũng thưa thớt dần với lý do ngụy tạo "đi công tác". Cậu không còn là ''cái mỏ" cũng chẳng còn là nguồn nước mắt và thế là người đàn bà kia chẳng thể cứ gắn bó mãi với cậu. Bà ta lấy một chủ doanh nghiệp, già, góa vợ nhưng bảo đảm cho bà ta một cuộc sống đài các. Bà ta cũng chẳng muốn làm khó cho cậu, làm khổ cho con, nhưng ông bà ngoại đã mất, nên Nga buộc phải về sống với bố đẻ của nó, nghĩa là sống với mẹ ghẻ!
Đã nghe phong thanh chuyện tình của chồng, nhưng khi chồng đưa con riêng về và buộc phải nghe chồng kể sự thật, mợ tôi không khỏi choáng váng. Còn trong mắt thằng Chung, nhân cách ba nó như vừa tiêm nhiễm một căn bệnh đáng phỉ nhổ. Cậu Thảo đau khổ, có phần bế tắc, người đầu tiên cậu thổ lộ là tôi, mong tôi là chỗ tựa nho nhỏ cho cậu và đứa con gái.
Tôi không khỏi trách cậu, nhưng thương cậu nhiều hơn và tôi thấy phải thực hiện cái bổn phận, cái sứ mệnh mà cậu mong mỏi và giao phó. Cậu là ruột thịt của tôi mà. Nga cũng thế, nó cũng thật đáng thương. Cùng là em nhưng tôi phải thương nó hơn thằng Chung, cái thằng nhiều lần tỏ thái độ coi thường tôi.
Không khí nặng nề trong nhà còn kéo dài khá lâu, đến khi tôi nhận món tiền công đểá về quê lấy chồng thì gia đình cậu tôi đã thật sự đầm ấm. Là người trong cuộc, tôi nhận chân được điều đó với một sự tò mò và cả sự khó hiểu. Trong sâu thẳm trái tim người mẹ kia có thực sự thương yêu con chồng, hay chỉ là cách cư xử khéo léo cho trong ấm ngoài êm? Trước khi rời nhà cậu mợ sau bao năm gắn bó, tôi rất muốn bật mở cánh cửa cuối cùng đó.
Nghe tôi hỏi, mợ không khỏi ngạc nhiên. Nhưng rồi mợ mỉm cười thân thiện và gật đầu như tâm đắc. Tối đó, cơm chiều xong, mợ bảo tôi: "Lên đây mợ nói chuyện Quyên nghe''. Mợ cháu tôi lên sân thượng vừa hóng gió từ ngoài sông đưa vào, vừa nhìn đèn đang lên dầán trên thành phố như đom đóm này trong đêm hè. Và tôi đã hiểu điều sâu thẳm trong trái tim người mẹ.
... Bây giờ thì con chưa thể hiểu hết đâu, Quyên ạ. Chừng nào con có chồng, có con, con sẽ hiểu và thông cảm hơn với mợ. Người vợ, dù có cao thượng, bao dung đến bao nhiêu cũng vẫn là đàn bà. Tạo hóa cho họ thiên chức làm vợ, làm mẹ, nhưng cũng cho họ tính ích kỷ, cố chấp hơn hẳn đàn ông, nhất là trong lĩnh vực tình cảm. Không có người đàn bà nào yêu chồng lại chấp nhận tình cảm vợ chồng bị chia sẻ. Khi đó, sự phản bội xuất hiện không với gương mặt này thì cũng với gương mặt khác, khiến người ta đớn đau và có thể nảy sinh lòng thù hận.
Mợ cũng như ngàn vạn người đàn bà khác thôi, Quyên! Có một người chồng tế nhị, biết chăm lo cuộc sống của vợ con, biết quan tâm đến mọi người, mợ thấy mình hạnh phúc. Cho đến một ngày, mợ biết chồng ngoại tình. Khi người chồng không còn chung thủy nữa, người vợ thêm tai, thêm mắt để nhận biết hạnh phúc vợ chồng, sự êm ấm của gia đình đang bị xâm hại. Mợ đau đớn nhưng âm thầm chịu đựng. Cái ngày cậu đưa con Nga về thì mợ thực sự gục ngã. Lúc đó mợ vừa ê chề tủi hổ vừa bùng phát mãnh liệt một ý chí phản kháng, đốt lên từ sự thù địch.
Rồi thời gian cũng dần xoa dịu vết thuơng. Nói vậy, không có nghĩa thời gian làm người ta quên lãng, làm cho chuyện cũ hóa rêu phong. Đàn ông không biết sao, chứ người đàn bà, cháu cũng phần nào thông cảm, thời gian khó thể, hoặc không thể, làm người ta thay đổi thái độ. Cái chính là con người, Quyên ạ.
Bị người tình bỏ rơi, cậu con đã biết hối hận, ăn năn. Người khác do ích kỷ, có thể coi đứa con riêng của chồng như một thứ tai ương, tai nạn, một cái áo rách khó lòng giũ bỏ, nhưng mợ thì khác. Mợ cũng ngờ vực ngay chính sự đổi thay của mình. Khi thấy chồng quan tâm tới mợ, em Chung và nhất là với con Nga với thái độ đồng đều, không có phần cho con Nga nhiều hơn, mợ cảm động và suy nghĩ tốt về chồng. Một người thực sự có tình thương, không giả dối, biết chịu trách nhiệm về việc mình làm, không đại ngôn mà âm thầm chuộc lỗi lầm, làm sao mình không thương, không tha thứ? Rồi mợ cũng tự biện hộ cho chồng mình. Có chồng rồi con sẽ biết, hạnh phúc gia đình lớn nhất thể hiện ở con cái. Rất tiếc, mợ không còn khả năng sinh thêm cho cậu một đứa con. Đó chính là bất hạnh mà mợ mặc cảm, vì mợ mà cậu phải đeo mang. Dần dần, chính đứa con riêng qua cách cư xử của nó, đã giúp mợ sửa chữa "lỗi lầm" với cậu con. Nhân tố có tính quyết định làm thay đổi, thái độ của mợ, của thằng Chung, chính là con Nga. Con thấy đấy, càng lớn nó càng giỏi dắn mà những lời khen ngợi nó, thú thực làm mợ và chắc tất cả mọi người trong nhà, mát cả tai, nở mày nở mặt, thành niềm tự hào cho người trong nhà, là hạnh phúc của chồng con mợ, và cả của mợ, Quyên ạ. Mợ thầm nghĩ, nó mang nhiều đức tính của cậu Thảo, chỉ có hình thức là giống mẹ. Như vậy cũng là hồng phúc của gia đình mợ.
Ngoài ra, có thể Quyên chưa biết, mợ chấp nhận dành tình thương cho con Nga còn bởi nỗi bất hạnh của mợ. Mợ mồ côi mẹ, khi chưa nhớ nổi mặt mẹ, rồi phải sống với dì ghẻ - một người đàn bà độc ác, suốt đời đố kỵ với mợ. Từ đó mợ soi thân phận, nỗi bất hạnh của Nga vào mình và ngày càng thương nó. Nó thực sự đã thành máu thịt của mợ, thành con gái của mợ và mợ cũng đã thành mẹ của nó. Chính nó cũng không dễ dàng nhận ra tình cảm mợ dành cho nó. Chuyện mợ phân bày với Quyên hôm nay cũng là những gì mợ đã thổ lộ với Nga. Tội nghiệp, nghe xong nó khóc rưng rức, rồi bắt mợ phải hứa, dù hoàn cảnh nào mẹ và con cũng phải bên nhau.
Gió sông phả lên mát tận tâm can. Đêm đầy sao và rực rỡ ánh đèn. Chưa khi nào tôi thấy đêm cao rộng và sáng như đêm nay.

Xem Tiếp: ----