Mới đây anh về Việt Nam một chuyến, về thăm cha già ốm đau và cải táng phần mộ mẹ anh. Cha anh ở Sài Gòn và mộ mẹ anh còn ngoài Thanh Hoá. Hơn bốn mươi năm mộ vẫn còn. Lạ? Không đâu, ấy là nhờ trong khối nhân dân bần cố còn sót một số trình độ tiếp thu tư tưởng cách mạng kém cỏi, nhồi cách mấy vẫn không thông chính sách cào bằng lấp sạch. Anh mặc tang phục, mua hương nến, các thứ cần thiết thuê thợ cải táng. Áo quan mẹ anh xưa bằng gỗ vàng tâm, bền như sừng, thế mà khi mở xương khúc còn khúc mất. Anh nhìn xuống mộ huyệt khóc cười tuỳ lúc. Anh Mới, người kéo xe tay cho mẹ anh xưa, giờ đã là ông cụ hom hem ngoài bảy mươi, ngạc nhiên hỏi vào tai anh: "Cậu khóc hay cười đấy?" Anh nhìn kín nhiều người lạ mặt, đáp khẽ: "Cả hai. Phải thích nghi hoàn cảnh." Anh mới hiểu, giọng gần với sự biếm nhẽ: "Ngoài quy hoạch hết rồi. Cả nước đã tự do khóc, cậu khóc tí nữa không sao." Thế là anh khóc, khóc to hơn cả ngày thơ ấu lúc mẹ anh mất. Cải táng xong anh rời khách sạn, ôm lư sành nhỏ đựng cốt mẹ về Thọ Xuân, chỗ anh ra đời và chỗ sống của anh Mới hiện tại. Nghỉ thêm ít bữa, anh Mới hỏi có muốn quay lại thị xã thăm thú cơ ngơi cũ của gia đình ở phố nhà Chung không, có muốn về nhìn lại quê hương tổ tiên ở Ba Làng huyện Tĩnh Gia không? Anh Mới dù gì vẫn là nhân dân. Còn anh con cháu giai cấp nợ máu. Nhân dân khiến sao anh làm vậy. Và quả đúng như lời anh Mới nói: "Cả nước đã có tự do khóc." Bà con anh khóc lu bù. Anh tính đáp xe lửa về lại Sài Gòn rồi từ đó trở sang Mỹ, nhưng anh Mới bảo chẳng biết bao giờ gặp lại, nên vào Nghệ một chuyến. Ở Nghệ anh Mới biết gia tộc anh còn nhiều chi họ nội ngoại. Suốt mấy mươi năm chuyên chính vô sản, thứ tình cảm tư sản độc hại lây từ gia tộc anh anh Mới chữa không dứt, vì thế vẫn lén lút duy trì mối liên hệ linh tinh với họ hàng chủ cũ -- những kẻ bị lịch sử vô sản tiêu diệt lốm đốm. Anh Mới mua vé xe đem anh xuống Nghệ, dặn cứ y cách ở Thanh mà khu xử. Nhờ ơn bác đảng không còn là khẩu hiệu trí trá phổ thông với nhau nữa, giờ cứ nhờ ơn phong bao trong có ít tờ xanh xanh là nhất. Đó mới là tình nghĩa quốc tế keo sơn thứ thiệt. Rời Thanh như rời một giấc mơ. Xuống Nghệ như đi vào giấc mơ khác. Anh cố nhẫn nhịn để câu thơ "Đường vô xứ Nghệ loanh quanh, non xanh nước biếc như tranh họa đồ" hướng dẫn thế mà không xong. Rừng thì phá, núi thì khoét, đường thì ổ gà; nói tóm lam nham như bức dư đồ rách. Cuối cùng anh tóm được trong anh cảm giác trung thực hơn cả: Chân không chấm đất, đầu không chạm trời, thần trí không chạm người. Anh thấy như anh đang phiêu diêu vào một cõi âm. Chỉ khi ôm sát vào lòng chiếc lư sành nhỏ đựng cốt mẹ anh, anh mới bừng tỉnh nhớ mình còn ở cõi dương. Nhưng điêu tàn đổ nát cũng có cái thẩm mỹ riêng của nó, vì thế cứ tức cảnh sinh tình anh đều đề trong óc một đoạn tứ tuyệt. Nhưng lạ, khuya đó ở nhà người cô họ, lấy giấy bút tính ghi lại thì đầu trắng bóc. Buổi tối sau cơm nước, khi anh Mới đã ngáy như hùm anh mới hỏi han cô anh nhiều cố sự. Cô không nhớ gì nhiều, mà có thì lộn xộn lắm; đôi khi anh còn phải kín đáo điều chỉnh vài chuyện vụn ngay trong gia tộc, dù ngày còn bé anh chỉ nghe lóm. "Vậy thì cháu nhắc nữa đi cho cô nhớ với," cô xúc động bảo. "Dĩ vãng chốn này tựa thú hiếm cháu ạ, nhiều thứ tuyệt chủng từ lâu, phiêu lưu vào nó thế nào cũng lộn mộng ra thực thực ra mộng." Đêm ấy trên chiếc chõng tre anh băn khoăn quá. Hay đây đúng là nơi người ta dị nghị vùng đất ít người nhiều ma? Cô là con nuôi ông chú -- em ruột ông nội anh. Xưa ông chú anh giàu. Cha anh từng kể thời tiêu thổ kháng chiến Việt Minh phải đặt vè mà phá nhà ở Vinh: "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, Hoan hô bộ đội phá nhà MT." Di sản ấy sót lại nơi đây là ít người như cô, một bà già ngoài sáu mươi ốm yếu, không chồng con, lam lũ như một bà nhà quê. Quyền làm người của cô là được sống sót. Nhưng giờ có vẻ cô sống thoải mái hơn. Nói kiểu biện chứng sự thoải mái ấy là nhờ cách mạng vừa thực hiện thành công cuộc đổi đời mới nhất và sau cùng nhất. Từ đổi mới, giai cấp vô sản -- kẻ cựu thù với giai cấp dưỡng phụ cô -- đã lặng lẽ hè nhau chạy túa theo con đường mưu cầu tư sản từ hồi nào, do đó chẳng ai còn rảnh rang, còn tai mắt đâu mà nhòm nhỏ dao thớt nhà cô, suy bì với lối sống "bóc lột" của gia tộc dưỡng phụ cô dù nó đã được mai táng từ nửa thế kỷ trước. Cô nghiễm nhiên trám chỗ hoàn toàn và triệt để khoảng trống vô sản bao la nhân dân vừa bỏ lại. Phần già chậm chân, phần kinh cung chi điểu, cô đành tận tụy với giai cấp mới nhưng vừa cũ mà xưa cô chỉ là kẻ tân tòng. Trong mắt anh, cô có nhiều triển vọng sẽ mang vinh dự người gác dan sau cùng trao chìa khoá thiên đường cộng sản cho một thế lực mới nào đó đến tiếp thu một ngày không xa. Một hai ngày đầu anh nuốt không vào miếng cơm độn đã nhiều chục năm trở thành xa lạ. Anh dấm dúi phong bao cho cô, khá, thế mà quanh đi quẩn lại vẫn cơm độn với canh đủ xanh nấu cá trỏng khô, bữa nào dôi lắm có thêm tí trứng rán. Anh hiểu và thương. Thượng đế sinh con người có kèm một ân huệ phụ: Thói tập thành huyền diệu. Cách khác, mù mãi thân được bóng tối. Nhà cô nằm bên bờ sông Lam có núi Thành không xa nhìn xuống. Căn nhà lá vách đất mới đây rùng mình biến thành căn nhà ngói vách ván. Nhờ phép lạ kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa? Cả nước để sống bắt chước nhau dối trá như cuội, riêng về sự khá giả lại thật như đếm. Cô siêu nhân sao mà dám đi ngược xu hướng thời đại. Cái khoản nhà ngói cây mít cô thú nhận họ hàng từ nước ngoài gửi tiền về giúp. Một lần cúi vo gạo bờ ao, thấy một lão già thoáng qua, cô có vẻ thất sắc, vòng tay kéo ngay vạt áo lưng xuống. Trông dáng dấp một bà cụ ngoài sáu mươi làm trò thiếu nữ anh có ngạc nhiên hỏi: "Ai thế?" Cô không đáp, thầm thì: "Lạ, sao dạo này lão về hoài." Rồi cô quày quã mang rá gạo vào nhà, cài then cửa trước, không hé môi gì thêm. Trưa sau anh lại thấy lão. Lúc ấy lão ngồi thả câu bên cái ao cá có tấm biển đề "Ao cá bác Hồ." Thấy lão trầm ngâm, râu ria đạo mạo anh tò mò lân la làm quen. Nhờ cái cần câu làm vội anh nhanh chóng được lão chấp nhận bạn câu. Lão phá đi sự câm lặng như cái cối xay dưới lòng ao để trò chuyện với anh. Lão mặc bộ quần áo nâu xuềnh xoàng nhiều túi, chân vẫn dép râu đầu vẫn nón cối. Dù sao nhìn chung lão có tí cốt cách, duy giọng đục, xa; sự đục và xa ngang với dĩ vãng của anh, một dĩ vãng dài hơn bốn mươi năm mới lại được về chỗ cũ ngồi dưới một gốc sung thả câu bâng quơ thế này. Nhìn những con nhện nước chạy ngang dọc trên mặt ao anh rùng mình. Thốt nhiên anh nhớ lại những nẻo đường anh từng chạy ngang dọc trên đất nước, trên mặt địa cầu. Anh bắt chuyện trước: "Đây ra sông mấy bước sao cụ câu ao?" "Tuổi già nhìn nước trôi như nhìn thời gian, chóng mặt lắm." "Ao có cá chứ cụ?" "Đất nước ta rừng vàng biển bạc, cá thịt xuất khẩu không hết, câu cho vui, miếng ăn nào phải vấn đề." Anh nghĩ thầm có lẽ lão là một cấp ủy chi đó đã hưu. Mà thế thì thôi. Xảo trá ăn vào xương một lão già chỉ thần chết cạo được. Anh tiếp tục, "Cụ bà và các anh các chị ở quanh đây cả chứ?" Lão lạnh lùng: "Cụ bà thì không còn con cháu rải rác đếm chi xuể. Vả ai đi làm cách mạng cũng thê tróc tử phược cậu nghĩ đem đất nước đến được kết quả thế này?" Anh rút thuốc lá mời lão. Điếu thuốc Mỹ khiến cảm tình một người cách mạng lão thành dành cho anh nảy nhanh như bèo tấm mùa xuân. Rít mấy hơi liền giọng lão có vui, bảo: "Thơm, thuốc Mỹ vẫn thơm!" Thấy lão già cũng phàm tục như ai, anh nổi máu đùa khá suồng sã: "Cụ vừa bảo không cụ bà lại lắm con cháu là sao?" Lão không đáp ngay câu hỏi mà mông lung kể một câu chuyện: "Các cụ xưa có dạy ‘đàn bà ra chợ là vợ đàn ông.’ Mà nhảy vào cách mạng thời chúng tôi khác nào nhảy vào cái chợ quốc tế. Thôi thì mặc sức. Thời còn trẻ hoạt động tôi có thằng em song sinh đa tình, đi đâu vợ đó, sau hai trứng dái, xin lỗi cậu, lúc chết phát to như trứng dái dê." Đột ngột lão ta đổi giọng nghiêm chỉnh, "Cậu nước ngoài về?" Anh chột dạ: "Sao... cụ biết?" Ngẫm nghĩ giây lát, lão thở dài: "Tôi chán sự đánh giá người cách mạng của các cậu lắm. Luôn luôn các cậu tưởng chúng tôi ngu. Không đâu. Cả một đời đụng và thắng đủ các thế lực ngoại thù đế quốc thực dân, thủ tiêu hết các giai cấp nội thù phong kiến tư sản đảng phái Việt gian phản động, xin lỗi cậu, tai mắt mũi cách mạng không nhạy như chó thì nghe sao ra ý đồ xấu xa, thấy sao ra quyền biến mưu mẹo, ngửi sao ra vàng bạc châu báu chôn giấu? Phớt qua tôi biết cậu vừa cạo râu có bôi nước Old Spice; và gói thuốc của cậu nữa, sự bèo nhèo không tố giác cung cách kẻ quen thừa mứa hàng tiêu dùng đấy sao?" Anh hơi lợm nhưng chợt hiểu rõ hơn một điều đã hiểu. Thấy lưỡi câu của lão máy động, anh giục: "Cá lớn đấy, giật đi cụ!" Lão nhìn anh cười khỉnh: "Mắt cách mạng không phải mắt dân thường. Máu còn chả khúc xạ được tia nhìn chúng tôi nữa là cái mặt nước ao. Cậu muốn tôi bắt một con giếc nhãi? Này thanh niên, đã cất công giật câu phải được cá kình!" Cho là lão già kiêu ngạo gàn dở, anh toan đứng lên thì lão ghì anh lại bằng câu hỏi đột ngột, "Bên Mỹ thế nào? Sau bang giao cậu thấy sao?" Từ khi bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất anh đã tự dặn lòng hai điểm phải tránh: Điều thứ hai không nói chính trị sau điều thứ nhất chớ đả động đến họ Hồ. Bên Mỹ thế nào, bang giao ra sao đều có tính chính trị. Anh đánh bài lờ. Thấy anh im lặng, lão liếc, nét tinh quái hiện trong khoé mắt. Một lát lão trổ giọng phủ du, "Giờ cởi mở. Với lại vùng này tôi tiên chỉ. Nói với ai cậu ngại chứ với tôi cứ tự nhiên. Ở đây tôi toàn quyền ngồi xổm trên mọi chính sách." Anh không quan tâm lắm đến những lời huênh trộn cay đắng của đám cán bộ già hết thời. Về đây chạm hạng này nhiều rồi. Cố tỏ ra chút ngạc nhiên, anh hỏi: "Thời xã hội chủ nghĩa làng xã cũng có tiên chỉ nữa sao?" Lão cười: "Hỏi bà gì ấy nhỉ, bà cô của cậu ấy khắc rõ." Lão kéo câu gắn mồi mới. Anh lẩm bẩm, "Thế ra bình mới rượu cũ, vẫn tiên chỉ thứ chỉ!" Lão nghe lọt, nhìn anh như thương hại cho một con câu non, giải thích với giọng khá chân thành, "Làm cách mạng là để đạt được những cái xấu, cái tiêu cực thơm phức của giới cai trị mà khi chưa cướp được chính quyền người cách mạng thèm, xin lỗi cậu, như chó thèm xia, hà tất chỉ tí đầu lợn làng xã." Cảnh giác ban đầu mất biến, anh nổi tò mò: "Hoá ra cứu cánh là tư lợi phương tiện là cách mạng?" Lão vung tay. Sợi dây bắn ra giữa mặt ao. Lão hỉnh mũi: "Cậu đọc Hàn Phi, đọc Marchiavelli đấy chứ? Những liên hệ hữu cơ giữa người với người, giữa cai trị với bị trị đều vì tư lợi tuốt luốt. Ông tiên chỉ gắn với làng xã để hưởng cái đầu lợn, cách mạng gắn với nhân dân để hưởng sự toàn quyền ban phát những cái đầu lợn thừa mứa. Ấy là nói kiểu biểu tượng đấy thôi. Mà cậu xem. Con cá dưới ao tù còn phát triển, quyền lực lãnh đạo nửa thế kỷ qua cậu tưởng bị còi? Mồ hôi nước mắt nhân dân vô ích? Nảy nở không lường được nữa cao rộng không đo được nữa cậu ạ." "Thụy kỳ chung..." "Hà hà... thì thế. Đã gần đất xa trời quanh co với trẻ làm gì. Nói trắng với cậu chúng tôi phát động cách mạng là để lập lại chu kỳ lịch sử bằng cách tinh vi và khoa học hơn, có thế mới tồn tại, mới muôn năm trường trị được. Cậu vừa chê chúng tôi phong kiến? Trở lại phong kiến và biến phong kiến thành siêu đã từ lâu lắm." Anh ngẫm nghĩ giây lát, hỏi dè chừng: "Không nên không phải cụ bỏ qua cho, tôi nhớ Saint-Just có nói ‘chẳng ai cai trị mà không phạm tội ác.’" Như một người thừa thông minh vặt, lão già cười hệch lên: "Lời thú tội của một tên ấu trĩ! Lão luyện phải nói thế này, chẳng ai cai trị giỏi mà phạm tội ác." "Tôi...." "Đáng thông cảm. Trình độ cậu chưa hiểu nổi đâu. Cứ xem như quá trình cách mạng vô sản nước ta, đấy cậu thấy, bọn phản động công phá bao năm rồi thấm tháp gì. Như đồng chí Văn Cao viết, cách mạng chúng tôi có bao giờ nhợn chuyện ‘uống máu quân thù.’ Nhưng ai sẽ là kẻ bị lên án uống máu, uống từ vụ đấu tố cải cách ruộng đất, đến vụ Nhân Văn & Giai Phẩm, vụ xét lại chống đảng, sau này vụ tù cải tạo, vụ đánh tư sản, vụ đào mồ bốc mả cả miền Nam lên, vụ bách hại các tôn giáo, đàn áp trí thức văn nghệ sĩ, cả vụ bán dân cho cá mập biển Đông lấy vàng?" Anh choáng váng thấy lão phun sự thật trong cung cách lạnh lùng vô cảm. Tay nhấp nhấp cần câu, miệng lão vẫn đều đều, "Giá như, tôi nói giá như thôi đấy nhá, lịch sử làm một cú lộn lèo thì kẻ lãnh án uống máu là ai? Óc nhân dân sáng tạo phục vụ Tổ quốc thì bao la nhưng khả năng nhận diện những kẻ uống máu thì hạn hẹp lắm. Tôi bảo đảm với cậu nếu lịch sử tráo trở sẽ khó tránh cảnh ‘đầu đường cổ lính treo cao, cuối đường cảnh sát dao vào sau lưng.’" Vô cớ anh thốt la lên: "Họ đâu là thủ phạm, họ thừa hành!" Lão già trầm ngâm hẳn. Lão ngước nhìn trời. Thấy xế bóng lão khoan thai thu lại mớ đồ nghề câu. Có tiếng chim chích choè loé sau bụi tre. Anh ngửi thấy mùi cơm độn khoai toả sau mấy cây rơm. Và mùi canh đủ xanh nấu cá trỏng khô nữa. Anh ngước nhìn núi Thành xa xa, bất giác thấy giống một mộ bia cao ngất chạm trời, và rùng mình nhìn dòng Lam như vừa biến thành dải tang bất tận dưới màu chiều lạnh. Lão già đã sửa soạn đứng lên. Rõ ràng lão không có ý thân thiện mời một người từ ngoại quốc về ghé thăm nhà lão. Lão nhấp miếng nước đựng trong một vỏ bầu khô. Anh ngửi thấy mùi rượu thơm khá quen thuộc. Nhưng lão không cho anh thêm thì giờ thám thính trên con người lão. Lão vuốt bộ râu dài chẳng để gỡ rối mà hình như vì thói quen. Ngoảnh mặt chỗ khác, lão nói khẽ, "Vì thế tôi mới hỏi cậu bên Mỹ lúc này thế nào, sau bang giao ra sao?" Anh lúng túng. Có lẽ đoán anh tối dạ, lão đội chiếc nón cối trắng lên đầu, tiếp, "Thường lãnh đạo thời nào cũng thế cậu ạ, đặc quyền đầu tiên là không phải trực tiếp xông pha hòn tên mũi đạn, kế nắm xã tắc trong tay, kế nữa tội ác chế độ có dê tế thần, và sau chót giá như con quỷ lịch sử trở mặt, họ luôn có chỗ dung thân an toàn cho cả chó mèo. Mà thôi, hỏi cậu vậy thôi, chứ Mỹ thế nào, sau bang giao ra sao đây thông cả. Giờ kiếu nhá. Già nó vậy, cơm rượu phải đúng cữ, muộn chút khó ở ngay." Lão lửng thửng vác cần câu bước ra bờ sông Lam. Anh cũng đứng lên, bần thần, một lát sực nhớ, hỏi với theo: "Thế cụ ở đâu, cụ làm gì sống?" Lão như miễn cưỡng dừng lại, nhưng không đáp, mà hỏi ngược: "Thế cậu về làm gì?" "Dạ hốt cốt mẹ tôi." Lão bật cười thành tiếng: "Quả lạc hậu là bệnh di truyền khó chữa. Sao người ta cứ thích sống với người chết thế nhỉ! Này nhớ, không phải ai chết cũng đáng nhắc mãi, nhớ mãi; vinh dự ấy chỉ dành cho các lãnh tụ anh minh đã được sách sử đóng mộc thừa nhận sẽ sống mãi trong quần chúng thôi." Đã hiểu "muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa," mà lão ta không là một con người xã hội chủ nghĩa thuần thành đó sao, anh thấy hề nếu biến đạo lý thành chuyện tranh luận, nên bấm bụng lập lại câu hỏi cũ: "Thế cụ ở gần đây chứ?" "Bảo gần không phải bảo xa cũng không đúng. Mà cậu hỏi làm gì?" "Tôi còn ở đây ít ngày, muốn đến... chơi cụ." Lão không giấu nổi nét nghi ngại, cười nhạt, giọng khá bí hiểm: "Đảng đứng trên đứng ngoài chứ không đứng kề đứng giữa nhân dân bao giờ. Xáp gần là cách dẫn đến hoạ tru di tam tộc nhanh nhất. Tôi mong cậu hiểu cho châm ngôn bất di dịch của người làm cách mạng vô sản chuyên chính nhà nghề như chúng tôi, cho dù tôi đã hưu từ lâu lắm." "Vâng, nhưng ít nhất..." Như đoán ra câu hỏi, lão nói luôn: "Hỏi cô của cậu ắt biết. Hàng năm tôi vẫn về Nam Đàn nghỉ mát. Gần đây thôi. Ném lẵng hoa cũng tới." Rồi lão gãi tai xin anh thêm điếu thuốc, bảo ban trưa đãng trí bỏ quên gói thuốc ở nhà. Anh đưa hết gói thuốc Mỹ còn sót dăm điếu cho lão, ý cũng ngầm xem kỹ nét mặt lão lần nữa trước lúc lão ra đi. Nhưng như biết ý đồ anh, lão lẩn tránh bằng cách cúi đầu châm thuốc, nhả khói mờ cả mặt, thản nhiên quay gót. Những ngọn cau ngọn dừa xô dạt. Mùi sông nước đồng áng khi không tanh tanh lẫn với mùi lịch sử khi không cũng tanh tanh. Anh đứng bất động nhìn theo lão già khuất sau một bụi tre gai. Một dải nắng chiều sáng loé. Hình ảnh cuối của lão anh ghi được chỉ là một khoé mắt rất lanh, nét môi dày và một vành tai bạt nhĩ; sau đó chỉ còn tiếng gió lộng như có lộn tiếng cười rền kỳ dị của lão. Anh về. Cô hỏi đi đâu và bảo sửa soạn ăn tối. Anh đáp ngồi câu với lão già. Sực nhớ cả buổi quên hỏi tên lão, anh hỏi cô, cô im lặng. Nhìn ra ngoài trời chạng vạng, cô nói "Tháng này sương xuống sớm, tắt nắng đã u ám như bãi tha ma." Cô quay nhìn anh dặn cách khó hiểu, "Còn chơi đây ngày nào cháu nên thận trọng." Nói đoạn cô bước xuống bếp, lẩm bẩm, "Rõ thần suy quỷ lộng," và lặng lẽ lấy treo trước cửa một xâu tỏi đã mối mọt nhiều. Alhambra 9-95