Nguyên tác: Jigokuhen

 Lời Người Dịch:
Akutagawa viết Jigokuhen (1918) theo lối cố sự tân biên (chuyện cũ soạn lại), sở trường của ông. Đề tài một phần mượn từ Uji-shui-monogatari (Vũ Trị Thập Di Vật Ngữ), tập sách góp nhặt 197 truyện có màu sắc Phật Giáo do tác giả vô danh soạn vào thế kỷ 13 (dưới thời mạc phủ Kamakura), phần khác mượn từ Kokin Chobun Shu (Cổ Kim Trứ Văn Tập) (1)  liên quan đến bức bình phong địa ngục nổi tiếng. Akutagawa lấy cảm hứng viết Jigokuhen từ thái độ quái gở của một họa sư tên gọi Ryôshu hay Yoshihide (Lương Tú) bởi vì nhân vật nầy tỏ ra khoái trá khi thấy nhà mình bị hỏa tai thiêu rụi.
Jigokuhen (Địa Ngục Biến) là tên thu gọn của Địa Ngục Biến Tướng Đồ, bức tranh trên bình phong tả những cảnh tượng hình phạt dưới địa ngục mà tăng lữ Phật Giáo cho vẽ ra để răn dạy tín hữu làm lành lánh dữ.
Truyện này tuy không dính líu gì đến phim Địa Ngục Môn (2)  (1953) của Kinugasa Teinosuke, đã đoạt Giải Chính Đại Hội Điện Ảnh Cannes năm 1954 nhưng có liên hệ với Địa Ngục Biến (1969) do các tài tử hàng đầu Nhật Bản như Nakamura Kinnosuke, Nakadai Tatsuya và Naitô Yôko diễn xuất.
Akutagawa có lẽ viết theo phong cách kôdan (giảng đàm), nghệ thuật sân khấu hưng thịnh nhất vào thời Genroku (1688-1704), có lẽ đến từ Trung Quốc. Người kể truyện ngồi trước cái bàn con, cầm quạt gỏ nhịp, lên bổng xuống trầm kể những loại truyện có chủ đề chiến trận, vũ hiệp, báo ân báo oán, thế thái nhân tình. Đây là một ví dụ điển hình của truyền thống kết hợp văn học với nghệ thuật trình diễn (misemono) của Nhật Bản, vẫn còn truyền đến ngày nay.
Quan điểm của Akutagawa là nghệ thuật trên hết (tuy lúc cuối đời ông có vẽ bị dao động vì những biến cố thời cuộc). Nghệ thuật dẫu thắng được quyền lực nhưng nếu hy sinh Thiện để chọn lấy Mỹ thì theo thiển ý, điều đó không hẳn thỏa đáng. Tuy nhiên, tác giả đã có lý khi bảo địa ngục không cần phải tìm đâu xa, nó đã có ở trong lòng ta hay trước mắt ta qua quan hệ với tha nhân.
Người dịch sử dụng nguyên tác Nhật ngữ của nhà xuất bản Kôdansha in lại năm 1971, tham chiếu The Hell Screen (bản dịch sang Anh Ngữ của Takashi Kojima, trong Ryunosuke Akutagawa,Japanese Short Stories, Tuttle Publishing, Tôkyô, 5th edition, 2000) cũng như bản Pháp ngữ Figures Infernales của Arimasa Mori, trong Rashômon et autres contes, Gallimard, Unesco, Paris 1965).
 
 Một
Đức ông Horikawa (3) có lẽ là nhân vật xưa nay chưa hề thấy mà mai sau khéo chẳng ai sánh kịp ngài. Người ta đồn trước khi ngài thác sinh vào cõi đời nầy, Đại Uy Đức Minh Vương (4)  đã hiện ra bên gối mộng của đấng từ thân nên tự thuở còn thơ ngài đã có cái gì khác hẳn người thường, nhất cử nhất động không ai lường được. Chỉ riêng qui mô phủ đệ ngài xây ở vùng Horikawa thì ôi thôi, tráng lệ, huy hoàng, cao kỳ đến mức bọn phàm tục chúng tôi dù có bóp trán cũng không sao nghĩ ra nỗi. Những điều thiên hạ thì thầm về ngài có cả chuyện liên quan tới tính hạnh mà kẻ bảo giống Tần Thỉ Hoàng (5), người so với Tùy Dạng Đế (6). Nhưng hạng bàn tán kiểu đó thì, như ngạn ngữ nói, khác chi lũ mù xem voi. Đức ông không bao giờ chuộng lộng lẫy hào nhoáng cho riêng mình mà lúc nào cũng nghĩ đến kẻ dưới, nói cách khác, có cái lượng cả chỉ lo cho trăm họ yên vui.
Con người ngài quang minh chính đại như thế nên ngộ nhỡ đêm khuya qua cung điện phường Nijô, có gặp phải quỉ sứ chắc chúng cũng chả dám động đến lông chân. Ngay hồn ma của quan Tả Đại Thần Minamoto-no-Tôru mà thiên hạ đồn đại đêm đêm vẫn hiện về ở viện Kawara-no-in (7) phường đông Sanjô, nơi nổi tiếng vì có khu viên đình mô phỏng theo phong cảnh Shiogama trong xứ Michinoku (8), bị ngài mắng cho, phải lủi mất. Nam phụ lão ấu đất kinh đô có tôn kính ngài như hiện thân Phật Tổ tái sinh thì cũng chẳng quá đáng. Đến độ hôm đi dự yến thưởng mai trong Hoàng Cung về, con bò kéo xe cho ngài lồng lên đâm phải ông lão bên đường đến bị thương, mà lão già ấy chỉ biết chắp tay xá dài, coi chuyện bò ngài húc phải như một vinh hạnh.
Suốt đời đức ông không thiếu chi những chuyện đáng lưu truyền hậu thế. Nầy nhé, nhân đại yến của Thiên Hoàng, ngài đã dâng ba mươi thớt ngựa, toàn ngựa kim, để làm quà cho khách; lúc gặp khó khăn khi xây một chiếc cầu dài, ngài lại đem cậu tiểu đồng hầu cận sủng ái nhất làm chân cầu sống để tế thần ( 9 ) ; có hôm còn to gan cho một nhà sư Trung Quốc đem cái thuật Hoa Đà mổ nhọt tấy trên đùi nữa đấy. Những chuyện thế đấy kể ra không hết, tuy nhiên trong số các giai thoại, xem ra không có gì thảm khốc hơn câu chuyện về nguồn gốc bức bình phong vẽ cảnh địa ngục mà con cháu ngài còn giữ làm của báu trong nhà. Thường ngài có bao giờ dao động vì điều gì đâu, thế mà trong thời gian câu chuyện bình phong xảy ra, đức ông cũng tỏ ra bối rối. Không thưa chắc quí vị cũng hiểu, kẻ chầu chực bên cạnh ngài như bọn tôi thì hồn xiêu phách tán cả lũ. Riêng bản thân từng hầu hạ trong phủ có trên hai mươi năm, thú thực tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng nào hãi hùng như vậy.
Thế nhưng, để mào đầu câu chuyện, quí vị phải nghe tôi giới thiệu tay họa sư Yoshihide, tác giả tấm bình phong nói trên, là nhân vật thế nào cái đã.
Hai
Nhắc đến cái tên Yoshihide, có thể trong vòng quí vị, nhiều người hãy còn nhớ. Hồi đó, hắn ta là một họa sư danh tiếng lẫy lừng, cả giới cầm cọ chẳng có người nào qua mặt. Lúc câu chuyện sắp kể xảy ra, hắn đã là một lão già ngoại năm mươi, dáng dấp khẳng khiu chỉ có da bọc xương, khổ người thấp bé, tính nết khó ưa. Mỗi lần đến hầu cửa phủ, hắn ta hay mặc một bộ quần áo nhuộm màu nâu nhạt và đội chiếc mũ đen mềm, trông thật ti tiện. Không hiểu cớ nào từng ấy tuổi mà hắn còn tô môi đỏ chót khiến cho ta phải nghĩ tâm địa hắn có cái gì quỉ quái. Hư thực thế nào chẳng rõ, chỉ nghe có người bảo cặp môi son kia là do thói quen mút đầu cọ vẽ lâu năm mà sinh ra. Kẻ xấu miệng hơn lấy cách đi đứng, cử chỉ giống như khỉ của hắn ta để đặt cho hắn cái biệt hiệu Saruhide, nghĩa là "con khỉ Hide".
Nói tới Saruhide, người ta còn nhớ cả câu chuyện như sau. Dạo đó, đứa con gái độc nhất của Yoshihide mới mười lăm tuổi được tuyển vào làm thị nữ trong phủ đức ông. May mắn cho hắn, cô gái nom ra đẹp đẽ yêu kiều, nghĩa là chẳng giống bố tí tị nào. Có lẽ vì mồ côi mẹ từ nhỏ hay sao mà cô ta sớm chín chắn, biết để ý để tứ, kính trên nhường dưới, tính lại lanh lợi nên mới từng ấy tuổi đã xử sự khôn khéo, được lòng mọi người, trên từ Lệnh Bà cho đến hàng thê thiếp.
Thế rồi không hiểu nhân cơ hội nào, có người ở vùng Tanba đem dâng một con khỉ nuôi đã thuần tính. Công tử con trai đức ông đang tuổi tinh nghịch mới mượn cái tên Yoshihide đặt cho nó. Khốn nỗi cái tên lại ăn khớp với tướng mạo kỳ khôi của con khỉ nên khắp phủ không ai là không buồn cười. Nào chỉ có thế, cứ mỗi lần con khỉ leo lên ngồi vắt vẻo trên cành tùng hoặc làm bẩn mặt chiếu phòng học công tử, bọn gia nhân lại kêu réo ầm tên Yoshihide để dọa cho nó sợ.
Nhưng có hôm, khi cô con gái của Yoshihide, tay cầm nhánh mai hồng có cài một tờ hoa tiên, đang đi dọc theo cái hành lang dài thì từ phía cánh cửa kéo đằng xa, con khỉ Yoshihide kia, chân khập khiễng như bị lọi, không đủ nhanh nhẹn để trèo cột nữa, đang cố lết mình chạy trốn ai đó cho thật nhanh. Thì ra sau lưng nó, công tử nhà ta đang hươi gậy đuổi, miệng mắng: Đợi đó, mầy chạy đi đâu, đồ trộm quít. Trước cảnh tượng ấy, đứa con gái của Yoshihide ban đầu có chần chừ giây lát nhưng khi con khỉ đến nơi, bám cứng vạt áo dài của mình và cất tiếng kêu thảm thiết như van lơn thì cô ta bỗng động lòng thương. Một tay cô đưa nhành mai lên cao, tay kia vung ngay ống tay áo thụng màu tím nhạt, nhẹ nhàng bế con khỉ vào lòng, tiến đến trước mặt công tử, khẽ cúi đầu cất tiếng trong thanh thưa:
- Dám xin công tử tha tội cho con vật ngu dại này.
Công tử đang hùng hổ đuổi theo đến nơi, dễ gì mà tha, mặt người mới sa sầm, dậm chân ầm ầm hai ba lần, quát mắng:
- Nó là đồ trộm quýt, mi bao che cái gì?
-Thưa công tử, thú vật chúng đâu có hiểu phải trái...
Cô gái mỉm cười hiền hậu đáp lời, rồi phân trần:
- Con vật nầy cũng mang tên Yoshihide như cha thiếp. Nếu nó bị trừng phạt khác thì khác nào cha bị phạt nên thiếp không nỡ giương mắt làm ngơ...
Nghe vậy, ngạo ngược như công tử cũng phải vuốt bụng:
- Nếu ngươi có hiếu muốn cứu mạng cha thì lần này ta tạm tha cho nó đấy!
Còn hậm hực, công tử nói xong câu, vứt cái roi rồi đi khuất vào trong theo cánh cửa khi nãy.
Ba
Con gái Yoshihide và con khỉ nhỏ trở nên thân thiết từ ngày có câu chuyện kia. Cô đem cái lục lạc bằng vàng tiểu thư ban, gắn vào sợi dây đỏ cho nó đeo vào cổ. Còn con khỉ cứ quấn quít bên cô, ít khi chịu rời. Lúc cô bị cảm, trong người khó ở phải nằm một chỗ, nó cứ ngồi bên gối, cắn cắn móng tay, gương mặt đượm vẻ lo lắng.
Có điều lạ là cũng kể từ hôm đó, thiên hạ không còn xúm lại trêu chọc con khỉ như trước. Trái lại họ ngày càng yêu chìu nó, ngay cả người khó tính như công tử lâu lâu cũng ném cho nó quả hồng hay hạt dẻ. Lúc trong đám cận vệ có kẻ lấy chân đá nó, người bèn nổi ngay cơn thịnh nộ. Rồi đến phiên đức ông cũng có lần cho gọi con gái Yoshihide bế con vật đến chầu ngài, có lẽ vì đã nghe thuật lại chuyện liên quan đến con khỉ và duyên cớ những trận lôi đình của công tử.
- Mi hiếu thảo, ta khen cho đó!
Đức ông phán như thế và cô gái được thưởng cho một tấm yếm màu hồng. Con khỉ cũng nhanh nhẩu bắt chước cô gái nâng chiếc yếm lên trán để tạ ơn làm ngài vô cùng đẹp ý. Phải nhớ cho là con gái Yoshihide có lọt vào mắt đức ông chỉ nhờ cái đức hiếu hạnh tỏ ra khi che chở thương yêu con khỉ làm ngài cảm động chứ không phải ngài đắm đuối sắc đẹp như thiên hạ cứ hiểu lầm. Như tôi sẽ từ từ tường thuật, những lời đồn đại đó cũng không chỉ là chuyện bịa cả nhưng phải thưa trước là người như đức ông thèm gì tơ tưởng tới con gái anh thợ vẽ cho dầu nàng ta sắc nước hương trời đến đâu chăng nữa.
Con gái Yoshihide được đức ông khen thưởng xong, mới lui ra. Vì tính cô khéo ăn ở, các nàng hầu trong phủ không ai ghen tức cả. Ngược lại, kể từ hôm đó, họ càng đem lòng thương mến cô lẫn con khỉ, còn cô thì lúc nào cũng được ở cạnh tiểu thư, không thiếu gì dịp theo hầu xe loan xem hội đó đây.
Ta hãy tạm gác chuyện cô con gái ở đây để kể về người cha, tức là họa sư Yoshihide. Trong khi con khỉ kia chẳng mấy chốc bỗng được mọi người cưng yêu chìu chuộng thì cái lão Yoshihide chính hiệu vẫn bị ghét bỏ, người chung quanh hễ gặp dịp cứ gọi lén hắn là Saruhide. Chả riêng người trong phủ không ai ưa, bên ngoài như tăng quan chùa Yokawa bây giờ, lúc nghe ai nhắc tên Yoshihide là biến sắc như người gặp ma và ghét hắn ra mặt. (Có người cho biết nguyên do tại Yoshihide hay vẽ hí họa hành tung của ông ta nhưng đó chỉ là lời đồn có mười đã phải bỏ bớt tám chín, không lấy gì làm chắc). Dù hỏi ai chăng nữa, mọi người đều nghĩ không tốt về hắn. Không nói xấu hắn có lẽ chỉ là hai ba đồng nghiệp trong ngành họa hoặc những ai biết hắn qua tranh mà chưa tiếp xúc với người. Trên thực tế, thiên hạ ghét hắn không riêng chỗ tướng mạo ti tiện mà còn vì một số thói hư tật xấu nữa. Nếu có gì là do hắn tự chuốc vạ vào thân thôi chứ không thể nào giải thích lối khác.
Bốn
Thói hư tật xấu phải kể ra là keo bẩn, ích kỷ, trơ trẽn, biếng nhác, tham lam... trong đó, nổi bật hơn cả tính phách lối ngạo mạn, lúc nào cũng vênh váo như có cái bảng đệ nhất họa sư bản triều treo trước mũi. Nếu hắn chỉ ngạo nghễ trong lĩnh vực hội họa thì còn được đi, nhưng không, hắn lại coi thường tất cả những gì gọi là qui củ phép tắc trong thiên hạ mới phiền chứ. Một đệ tử theo học lâu năm ở cửa hắn kể chuyện có hôm ở phủ đệ nào đó, trong khi một cô đồng rất thiêng được linh nhập đang báo trước những tai họa thảm khốc thế mà hắn vẫn không thèm lắng nghe, sẵn bút mực cứ chăm chút vẽ lại từng chi tiết nét mặt hãi hùng của cô đồng. Dưới con mắt hắn những lời tiên tri của đức mẫu đều là trò đùa để dọa con nít chắc?
Gã họa sư tính khí như thế nên khi họa tiên nữ Kichijô (10) hắn mượn hình thù gái đĩ thô bỉ, còn vẽ Đức Bất Động Minh Vương(11) hắn lại chọn hình ảnh một tên vô lại mới ra tù, toàn chơi những trò bất kính phạm thượng. Hễ cật vấn thì hắn trả lời như khiêu khích: Nói nghe lạ chưa, Thần Phật Yoshihide tạo ra thì tài nào vật nổi Yoshihide nhỉ! Lời ăn tiếng nói kiểu đó khiến bọn đệ tử thân tín cũng câm miệng hến, thiếu chi những đứa sợ hãi cho tương lai hậu vận đã tức tốc xin ra. Nói tóm lại, phải gọi Yoshihide là kẻ đầy tiền oan nghiệp chướng vì tội ngạo mạn, lúc nào cũng vỗ ngực coi ta nhất trần đời.
Khỏi nói cũng biết hắn ta tự cho tài nghệ hội họa của mình là cao cường. Nhất là khi trong những bức họa vừa kể, từ nét cọ đến cách chọn màu, nhất nhất đều khác phong cách các họa sư đương thời làm cho bọn đồng nghiệp ghét hắn đều cho là tà phái. Theo lời bọn họ bình phẩm thì đối với những họa phẩm của các bậc tổ sư đời xưa như Kawanari (12) hay Kanaoka, không hiếm chi những lời truyền tụng kiểu như, khi các vị ấy vẽ bức cành mai nở bên bờ giếng thì vào những đêm có trăng sẽ thoang thoảng hương thơm, còn nếu là bức bình phong tả cuộc sống nhà công khanh thì tưởng chừng có tiếng tiêu thiều vọng ra từ đó. Trong khi ấy, tranh của Yoshihide lúc nào cũng chỉ để lại một ấn tượng gây gây khó ở. Ví dụ khi gã ta vẽ cánh cửa chùa Ryugaiji (13)  thì riêng một cảnh tả năm cõi luân hồi (14)  thôi cũng làm cho những kẻ đi đường đêm khuya qua đấy tưởng chừng nghe đâu đây tiếng quỉ thần đang khóc than rên siết. Không những thế, có người còn bảo ngửi được cả mùi thây chết thối rữa từ bức tranh ấy bốc ra. Về những bức truyền thần mấy bà thê thiếp của đức ông mà ngài ra lệnh cho hắn làm thì bà nào được vẽ chỉ trong vòng ba năm đều lâm bệnh như bị ai hớp hồn rồi lần lượt ra ma cả. Bọn xấu miệng cứ bảo thế vẫn chưa đủ bằng chứng để kết luận là tranh của Yoshihide theo đường bàng môn tả đạo là gì à?
Vâng, đúng như tôi đã thưa trước, Yoshihide là kẻ đạp đổ khuôn khổ của người mà lại vô cùng thoả mãn về mình, đến độ lúc đức ông hỏi đùa hắn: " Coi bộ nhà người chỉ chuộng vẻ toàn cái xấu xa thôi nhỉ?" thì hắn vừa mỉm một nụ cười khó ưa trên cặp môi đỏ chót già không nên nết, vừa trả lời bề trên bằng một giọng trịch thượng: "Bẩm chính thế. Bọn họa sĩ hời hợt thường tình thì làm sao nhìn thấy nét đẹp nằm bên trong cái xấu để mà vẽ nó ra ạ! ". Cho hắn là đệ nhất họa sư của bản triều đi, nhưng đứng trước mặt đức ông mà dám vênh váo thốt ra một câu như thế, quả to gan. Cậu đệ tử mà tôi dẫn chứng lúc nãy hay gọi lén hắn bằng cái hỗn danh Chira Eiju để chế nhạo tính tự mãn của hắn. Thật không có gì đúng hơn vì như quí vị thừa biết Chira Eiju là tên con thiên cẩu có cái mũi to, dài, xưa từ Trung Quốc vượt biển qua đây ấy mà.
Tuy vậy, ngay ở nơi Yoshihide, con người ngang ngược, bất chấp thiên hạ nầy, hãy còn một chút gì gọi là nhân tính, bởi vì hắn cũng biết yêu thương.
Năm
Xin thưa với quí vị rằng tên Yoshihide kia yêu đứa con một của hắn hiện đang làm thị nữ trong phủ của đức ông với một tình thương hầu như rồ dại. Như tôi vừa mới thưa qua, con gái của hắn là người rất mực dịu hiền, có hiếu với cha hết chỗ nói, nhưng hắn nào kém, đối với con cũng lo lắng chi li. Dù là một kẻ không hề cúng cho chùa chiền lấy một đồng kẽm nhưng hễ con gái xin đồ trang sức đầu tóc, quần áo thì hắn không tiếc mảy may tiền bạc, vội vàng sắm sửa cho ngay. Quí vị coi có tin nổi không?
Yoshihide yêu con gái nhưng chỉ yêu suông chứ không bao giờ nghe hắn đả động tới việc kiếm tấm chồng cho con. Ngược lại, nếu có ai tỏ ý săn đón cô gái thì hắn liền tụ tập bọn côn quang lập mưu lén nện người ấy một trận nên thân. Vì vậy lúc đức ông ra lệnh phải tiến cô ấy vào phủ làm thị nữ thì ông bố này không bằng lòng chút nào. Giữa sảnh đường trước mặt Đức Ông mà hắn lộ vẻ đau khổ ra mặt. Những kẻ tung tin ra cho rằng đức ông bị sắc đẹp của cô gái lôi cuốn mới cưỡng cô ta phải vào hầu bất chấp sự chống đối của cha cô có lẽ đã suy luận theo lối họ, nghĩa là những người từng lâm vào cảnh ngộ đó.
Cho dù những tin đồn kia có thất thiệt đi nữa, đối với một người thương con như Yoshihide thì chuyện khấn khứa sao cho nó sớm được trong phủ thải ra là điều hợp lý. Có lần hắn theo lệnh đức ông lấy gương mặt một cậu hầu cận sủng ái của ngài làm mẩu để vẽ hình Văn Thù Bồ Tát thời niên thiếu. Bức tranh hết sức thành công làm đẹp lòng Đức Ông, ngài mới cao hứng ban cho một lời:
-Mi muốn thưởng gì, ta sẽ cho. Đừng ngần ngại, cứ nói thật!
Yoshihide lúc đó mới ngồi lại ngay ngắn. Người ta còn đang đoán thử hắn định xin gì thì bỗng nghe hắn dạn dĩ thưa:
-Xin lượng trên cho con gái của thần được thôi việc.
Ở nơi phủ đệ khác thì không nói, chứ đây là được hầu hạ đức ông Horikawa cơ mà! Dù thương con đến mức nào, ai đời lại ngu dại xin cho nó về nghỉ. Ngay cả người có lượng hải hà như đức ông mà cũng thấy bị xúc phạm. Ngài trầm ngâm chốc lát, trừng mắt nhìn Yoshihide rồi phán ngắn gọn:
-Cái đó không được!
Nói xong, mặc kệ hắn, ngài vùng đứng dậy vào trong.
Sự thể như thế phải lập đi lập lại đến bốn năm lần và bây giờ nhớ lại mới thấy cặp mắt đức ông nhìn Yoshihide mỗi ngày càng lạnh nhạt. Nhân chuyện đó, con gái hắn có lẽ vì lo lắng cho cha già nên mỗi khi lui về phòng thường cắn tay áo và thút thít khóc. Thế rồi lời xì xào chuyện đức ông tơ tưởng đến cô gái càng ngày càng lan ra trong phủ. Kẻ thì bảo nguyên do của sự tích bức bình phong vẽ cảnh địa ngục là vì cô gái kia không chìu theo ý muốn đức ông nhưng dĩ nhiên chuyện như thế làm gì có.
Theo con mắt của tôi, sở dĩ đức ông không cho cô gái kia nghỉ việc luôn vì ngài cám cảnh cô ta, thay vì để cô về với một người cha ương ngạnh gàn dở, ngài có hảo ý giúp cô có dịp may ở lại sống đời nhung lụa trong phủ. Dĩ nhiên ngài cũng muốn bảo bọc cô bé hiền hậu dễ thương kia nữa đấy nhưng nếu ta cứ nằng nặc bảo ngài háo sắc thì hơi quá. Đúng hơn, đó chỉ là chuyện đặt điều nói xấu.
Ai muốn bảo sao thì bảo nhưng lúc đó là thời điểm vì chuyện cô gái, ngài đâm ra ghét bỏ Yoshihide. Không hiểu suy nghĩ thế nào mà đột nhiên, ngài cho gọi hắn lại, hạ lệnh vẽ bức bình phong miêu tả cảnh tượng địa ngục.
Sáu
Xin thưa về bức Bình Phong Địa Ngục kia thì đến nay, cái cảnh tượng khủng khiếp trên bức họa vẫn còn hiện ra mồn một trước mắt tôi.
Cũng cùng vẽ cảnh tượng địa ngục như nhau nhưng nếu đem so sánh với tác phẩm của các họa sư khác thì tranh Yoshihide chẳng giống mảy may kể từ hình vẽ đầu tiên. Trên bức bình phong ấy, cả đến từng xó góc, cảnh tượng thập điện diêm vương và phán quan, quỉ sứ đều được tô vẽ tỉ mỉ, sau mới đến một mặt tranh rợn người với ngọn lửa hừng hực đốt sáng núi kiếm rừng gươm. Tưởng chừng lửa đang cuốn hút tất cả. Phẩm phục ra vẻ đời Hán của các vị phán quan còn điểm cho bức tranh một ít chấm xanh hoặc vàng, ngoài ra, cả nền họa bị trùm trong một bầu lửa đỏ. Giữa bức tranh, ta thấy những giọt mực tóe ra thành mấy cột khói đen uốn hình chữ vạn, còn kim nhủ bắn tung như đốm sáng của lửa ngọn đang múa may quay cuồng.
Chừng đó đã đủ mười phần bút lực để làm kinh ngạc người xem tranh nhưng hơn thế nữa, hầu như chưa ai thấy ở một bức tranh vẽ cảnh địa ngục nào khác có được cái cách trình bày cảnh tượng tội nhân đang bị ngọn nghiệp hỏa quay nướng, quằn quại thống khổ như thế. Giải thích tại sao ấy à? Xin thưa là trong đám tội nhân mà Yoshihide vẽ ra đây, có đủ mọi hạng người: trên từ công khanh quyền quí, dưới đến bọn ăn mày ăn nhặt. Nào bậc cao sang đai mão uy nghiêm, nào ả hầu non lượt là tình tứ, nào nhà sư lần tràng niệm Phật, nào cậu hề đồng chân xỏ guốc cao, nào cô tiểu thư xiêm y thon thả, nào ông thầy cúng diện lớp đạo bào... nhiều đếm không hết. Tất cả lũ người đó đang bị bọn ngục tốt đầu trâu mặt ngựa hành hạ khổ sở, mê loạn tứ tán trong ngọn lửa, ngọn khói, giữa giòng nước xoáy như những chiếc lá rụng bị cơn lốc cuốn. Người đàn bà tóc kẹt giữa thanh cương đao, tay chân co dúm như con nhện xưa kia không phải là một mụ đồng buôn thần bán thánh đó sao? Gã đàn ông mình treo ngược thân dơi, ngực bị ngọn giáo đâm xuyên thủng kia chẳng từng là tên quan lại ngồi chơi hưởng lộc là gì! Ngoài ra, những kẻ khác thì hoặc bị quật bằng roi sắt, hoặc bị nghiến nát dưới bàn đá nghìn cân, để cho quái điểu rỉa, độc xà ngoặm. Hễ tội nhân phạm lỗi thế nào thì có cách ứng báo thế đó, nói sao cho cùng.
Dầu vậy, khủng khiếp nhất vẫn là cảnh chiếc xe ngự do bò kéo rơi từ trên không thẳng xuống rừng gươm đao nhọn hoắc như nanh thú, lủng lẳng từng xâu người bị lưỡi kiếm xuyên ngang. Trong chiếc xe ấy, nhìn qua bức rèm trúc đã bị gió lửa tạt đến bật tung, có một nữ quí nhân ăn mặc lụa là như công nương, đang khô héo ngoắc ngoải chờ chết, dòng suối tóc bị lửa táp và chiếc cổ trắng ngần của nàng ưỡn ra đằng trước. Quang cảnh vị công nương hấp hối trong chiếc xe bò kéo là cao điểm tượng trưng cho mọi thống khổ trong cái hỏa ngục nầy. Tất cả sự khủng khiếp của tấm bình phong rộng lớn như tụ lại ở một nhân vật chính. Họa sư đã vẽ tới mức nhập thần khiến cho những ai nhìn bức tranh đều có cảm tưởng nghe được tiếng gào khóc thê thảm xoáy vào tai họ.
Ôi chao, vì nó đấy, vì để vẽ bằng được tấm bình phong ấy, mà câu chuyện thảm khốc kia mới xảy ra, quí vị ơi! Nhưng nếu nó không xảy ra, tài thánh Yoshihide cũng chẳng vẽ được sống động cảnh tượng trừng phạt và thống khổ cùng cực dưới đáy địa ngục đâu! Để hoàn thành bức tranh, hắn đã chấp nhận một cảnh ngộ còn thê thảm hơn cả chuyện mất đi mạng sống. Nói cách khác, chính vv muốn sao cho bức tranh địa ngục đạt đến mức thần diệu mà Yoshihide, đệ nhất họa sư của bản triều. đã tự tay mở cánh cửa địa ngục để rồi lao mình xuống đấy.
Có thể tôi quá sôi nổi vì bức bình phong quí giá ấy nên kể hơi nhanh hay đã đem đuôi câu chuyện đổi ra đàng đầu. Vậy bây giờ cho phép tôi vòng lại kể tiếp việc đức ông Horikawa đã ra lệnh cho Yoshihide ra sao và hắn đã vẽ bức bình phong ấy như thế nào nhá.
Bảy
Từ hôm nhận lệnh, Yoshihide không lên hầu trên phủ suốt năm sáu tháng liền, mỗi ngày cặm cụi vì bức họa trên bình phong. Yêu con đến thế mà khi đã bắt đầu vẽ thì có bảo là hắn chẳng thèm gặp mặt con gái nữa thật cũng không ngoa. Theo lời cậu đệ tử mà tôi nhắc đến hồi nãy đấy, hễ lao đầu công việc rồi thì hắn ta như bị ma chồn ám. Thiên hạ hay dè bỉu rằng Yoshihide mà thành công và có chút danh trong họa giới là vì hắn đã thề ước điều gì với hồ ly tiên để đánh đổi lấy phúc lộc. Chứng cứ là có kẻ kể rằng chỉ cần nấp vào một chỗ tối rình xem lúc gã vẽ tranh thì thế nào cũng thấy bóng không phải một con mà cả một đàn chồn tụ tập, trước mặt sau lưng, bên trái bên phải hắn. Chỉ cần được hỗ trợ thế thôi mà mỗi khi tay cầm cây cọ rồi là hắn có sức vẽ một lèo cho đến lúc hoàn tất bức tranh. Ngày đêm tự giam trong phòng kín, mắt ít khi thấy được ánh mặt trời. Nhất là khi vẽ bức bình phong địa ngục, thì hắn càng mê mải, quên bẵng mọi sự.
Nói rõ hơn, giữa ban ngày ban mặt Yoshihide cứ buông rèm kín mít, bắt lũ học trò mặc thử đủ loại áo xống từ áo dự hội đến áo mặc ngày thường, mang đủ loại trang sức, còn hắn thì, bí mật pha màu và chăm chú ghi chép lại chi tiết của từng người dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu. Nhưng nếu chỉ thế thôi thì đã lấy gì làm lạ vì mỗi lần vẽ tranh hắn đều có những thái độ lạ lùng chứ đâu riêng gì khi họa bức bình phong địa ngục. Ví dụ trong thời gian vẽ Năm Cảnh Luân Hồi ở chùa Ryugaiji, hắn có lần thấy một xác chết nằm bên đường. Nếu là người bình thường thì họ đã nhìn thật nhanh qua chỗ khác, thế mà hắn lại điềm nhiên ghé ngồi xuống, bắt đầu vẽ chi li từng chân lông cọng tóc trên mặt trên tay của cái thây đã bắt đầu rữa ra. Sự say mê đến thế của hắn phải được gọi thế nào cho đúng nhỉ? Chắc nhiều vị sẽ không trả lời được. Bây giờ tôi chưa có thời giờ giãi bày tường tận đâu, trước hết, xin quí vị hãy nghe cho thủng câu chuyện đã.
Một tên đệ tử của Yoshihide (vẫn là anh chàng nhắc tới ban nãy) đang sửa soạn bột màu cho thầy thì bỗng dưng hắn ta đến đứng một bên, bảo:
- Ta đi nghỉ trưa một chốc. Không biết sao dạo này chiêm bao toàn ác mộng.
Chính ra chuyện đó Yoshihide vẫn thường gặp nên tên đệ tử chẳng làm lạ, vẫn không dừng tay, cất tiếng:
- Thế ạ.
Nó chỉ trả lời cho đủ lễ nhưng khác mọi ngày, mặt Yoshihide ra chiều buồn bã, y hỏi tên đệ tử bằng một giọng điệu mà nó cảm thấy khó từ chối.
- Vì thế, ta muốn nhờ ngươi đến ngồi bên giường, canh giấc hộ ta cơ!
Tên đệ tử tự hỏi không biết sao lần nầy thầy nó lại có vẽ bứt rứt vì những cơn ác mộng đến thế, nhưng cũng lễ phép thưa.
- Vâng, thầy để con canh cho.
Yoshihide vẫn chưa hết vẻ lo âu, chần chừ bảo:
- Thế thì mi vào bên trong nầy với ta. Nếu có đứa khác đến trong lúc ta đang ngủ, tuyệt đối cấm nó đến bên cạnh nhé.
Chỗ gọi là bên trong có gì khác hơn là gian phòng ngày cũng như đêm cửa bít kín, nơi Yoshihide ngồi vẽ hay bâng quơ nhìn ngọn đèn dầu. Vòng quanh căn buồng là bức bình phong mới được thảo qua vài nét đơn sơ bằng hòn than. Tên đệ tử đến nơi đã thấy Yoshihide nằm đầu gối lên cánh tay, ra dáng đang thiếp đi vì quá mệt. Thế nhưng chỉ được một giờ sau, tên đệ tử ngồi canh giấc đầu giường bỗng nghe một chuỗi âm thanh rờn rợn vọng vào tai hắn.
Tám
Lúc đầu thực ra chỉ là một chuỗi tiếng động vô nghĩa nhưng lần hồi, tên đệ tử nghe ra đó là những câu nói mớ ngắt quãng của người đang ngộp nước, cố gắng hộc ra ằng ặc:
- Sao, bảo tôi xuống à? Đi đâu, xuống mãi đâu? Tận đáy địa ngục cơ à? Bảo tôi xuống hỏa ngục? Ai đó? Vị nào đang gọi tôi đó? Tưởng ai chớ hóa ra....
Tên đệ tử quên cả bột màu, hoảng hốt nhìn như muốn xuyên thấu ông thầy để dò xét tận bên trong khuôn mặt nhăn nheo giờ đây đã đổi thành trắng bệch, đẫm những hạt mồ hôi to, cũng như cái miệng còn sót mấy chiếc răng thưa thớt giữa đôi môi khô queo đang thở đứt đoạn. Thế rồi trong cái miệng đó có một vật gì lay qua lay lại như được ai cột vào một sợi tơ mà kéo. Thì ra cái lưỡi của ông thầy nó. Những âm thanh rời rạc đang phát ra từ phía cái lưỡi ấy.
- Hừ, té ra là ngươi. Ta cũng đoán chỉ có thể là ngươi thôi. Ngươi bảo gì? Đến đón à? Cùng nhau xuống tận đáy địa ngục đi. Ta đi thôi!. Con gái ta đang chờ dưới ấy mà...
Lúc ấy tên đệ tử có cảm tưởng ghê rợn như có những bóng hình mờ ảo kỳ quái vụt lướt qua mắt nó rồi tan biến vào bức bình phong. Dĩ nhiên nó vội vàng nắm bàn tay Yoshihide lay lấy lay để, đánh thức thầy cho bằng được nhưng ông ta vẫn tiếp tục mê sảng một mình, không có vẻ gì sắp mở mắt ra. Hoảng quá, tên đệ tử mới bưng chậu nước rửa cọ đang đặt ở bên cạnh, xối ào lên mặt thầy.
- Đợi ngươi đấy, lên xe nhanh đi! Lên xe bò nầy mà xuống địa ngục với ta.
Câu nói phát ra giữa tiếng rên siết như đang bị tắt nghẽn trong cổ họng Yoshihide. Thế rồi hắn giật bắn như bị kim chích, bừng mở mắt, bật người dậy. Trong ánh mắt như vẫn còn đọng lại những cảnh tượng quái gở vừa thấy trong chiêm bao. Một hồi lâu sau, cặp mắt vẫn đầy kinh hãi, miệng há hốc, còn đôi mắt mở trừng trừng nhìn vào hư vô. Rốt cục, lại được thần hồn rồi, hắn mới lãnh đạm nói với tên đệ tử:
-Thôi, được rồi. Cho mi trở về chỗ cũ!
Tên đệ tử biết lúc nầy mà còn thêm tiếng một tiếng hai, chắc chắn không khỏi bị thầy mắng cho nên lật đật rút lui khỏi phòng. Ra đến bên ngoài nhìn được ánh nắng mắt trời, nó mới cảm thấy chính mình cũng vừa thoát khỏi cơn ác mộng.
Nếu chỉ có chừng đó chuyện thôi thì nói gì nhưng chưa đầy một tháng sau, Yoshihide lại cố tình gọi một tên đệ tử khác vào phòng vẽ. Đang ngồi trong bóng tối trước ngọn đèn dầu chập chờn, miệng cắn mũi bút họa, hắn thình lình quay sang ra lệnh cho tên đệ tử:
- Mi chịu phiền trần truồng ra cho ta xem!
Thông thường, mỗi khi sư phụ đã truyền điều chi, bọn chúng phải nghe theo răm rắp nên tên đệ tử bèn nhanh nhẹn cởi hết quần áo bày nguyên hình dạng cha sinh mẹ đẻ. Lúc đó, Yoshihide mới nhăn mặt nhìn nó một cách lạ lùng rồi bảo:
-Ta chưa hề được xem cảnh một người bị cột bằng xiềng sắt. Dù không thích, mi có vui lòng làm theo lời ta trong chốc lát hay không?
Giọng lưỡi thì bảo vui lòng kia nọ nhưng thái độ của hắn trông thật lạnh lùng. Nguyên lai, tên đệ tử nầy không có tướng là dân cầm cọ vẽ mà là thứ gã con trai mạnh bạo sinh ra để cầm đao kiếm cơ, nhưng khi nghe thầy nói thế, nó cũng hết hồn. Mãi sau nầy khi kể về câu chuyện trên, nó vẫn lập đi lập lại: Tôi cứ tưởng sư phụ nổi điên và thịt tôi đến nơi đấy chứ! Thế nhưng lúc ấy Yoshihide thấy tên đệ tử ra dáng chần chừ là đã phát sốt. Không biết hắn kiếm đâu ra một sợi xích sắt mỏng, tay liền hoa nó lên rồi thoăn thoắt cuốn như bay quanh châu thân tên đệ tử. Thằng kia chưa kịp có thời giờ ừ hử gì cả thì đã bị xích kia siết hết hai cánh tay. Thế rồi Yoshihide lại hiểm ác rút thật chặt một đầu dây xích làm tên đệ tử đau thấu trời xanh, nó quị người ngã xuống mặt sàn đánh ầm và lăn lộn mấy vòng.
Chín
Lúc đó có thể nói hình thù tên đệ tử giống như cái vò rượu ngã lăn lóc, mình mẩy tứ chi đều bị trói chèo queo thật tội nghiệp, có mỗi cái đầu còn ngo ngoe được thôi. Xem ra thì trên thân thể vạm vỡ của nó, máu trong huyết quản bị xiềng sắt ngưng tụ lại đã căng ứa trên làn da làm ửng đỏ cả người. Thế mà trước quang cảnh đó Yoshihide vẫn bình thản như không, hắn cứ lửng thửng đi vòng quanh cái "vò rượu" kia, nhìn chỗ nầy ngắm chỗ kia, sao chép hết bức nầy tới bức nọ. Trong khi ấy thì tên đệ tử bị trói nằm kia chịu đau đớn khổ sở như thế nào thì tôi không cần tả ra làm gì, quí vị cũng đã đoán được.
Nếu không có gì bất ngờ xảy ra hôm đó thì chắc tên đệ tử kia còn phải chịu cái cực hình nầy không biết đến bao giờ, nhưng may cho nó (hay bảo không may cho nó mới phải) là sự việc kéo dài được một chốc thì từ chỗ khuất cạnh cái bồ góc nhà có một vệt gì đen bóng như dầu loang chầm chậm chảy thẳng ra thành một đường dài. Lúc đầu thì trông vật đó như dính chặt dưới nền nhưng lần hồi bỗng động đậy từ từ rồi bắt đầu trườn về phía trước. Khi thử chú mục nhìn cái thân hình lấp la lấp lánh tiến gần đến trước mặt mình, tên đệ tử mới la ó thiếu điều đứt hơi:
-Rắn, rắn...
Lúc ấy có bảo tưởng chừng máu toàn thân tên đệ tử sắp sửa đông đặc cũng không quá đáng vì con rắn chỉ còn xíu xiu nữa đã có thể thè cái đầu lưỡi lạnh buốt của nó chạm vào mảng thịt ở cổ tên đệ tử đang bị xiềng siết đến bắn máu. Chuyện không thể ngờ này chắc đã khiến cho con người ma giáo như Yoshihide cũng đâm ra hoảng hốt nên hắn vội vàng ném ngay mũi cọ, khom người chụp lấy đuôi rắn, thòng đầu cho nó đong đưa. Rắn cố vặn vẹo cả người để ngóc lên cho bằng được nhưng đầu nó không tài nào chạm nỗi cổ tay gã thợ vẽ.
-Con rắn khốn nạn, ông vẽ đang ngon.
Hắn lầm thầm nguyền rủa, thảy tọt con rắn vào trong cái bồ góc phòng rồi cáu kỉnh tháo vòng xiềng đang thắt chung quanh người tên đệ tử. Hắn chỉ làm mỗi việc tháo xiềng chứ nhất nhất không có lấy một lời dịu ngọt an ủi. Như thể hắn cáu kỉnh không phải vì suýt nửa con rắn ngoặm cổ tên học trò mà chỉ vì nó làm hỏng một nét họa mà thôi. Sau này nghe kể mới biết ra con rắn ấy cũng được Yoshihide cố ý nuôi để dùng làm mẫu vẽ.
Qua mấy chuyện như thế quí vị đã hình dung được Yoshihide điên khùng và tệ bạc đến chừng nào. Để kết thúc, tôi xin kể thêm chuyện một tên đệ tử khác tuổi vừa mười ba mười bốn đã thiếu điều mất mạng trong khoảng thời gian bức tranh địa ngục đang thành hình. Tên đệ tử này là một cậu trai bẩm sinh có nước da trắng trẻo như con gái. Một đêm, không hiểu cớ gì, cậu ta được gọi vào phòng thầy. Lúc đó, Yoshihide ngồi dưới ánh đèn, đang chăm chút đút cho một con chim quái dị ăn mấy mẩu thịt sống để trong lòng bàn tay mình. Con chim ấy phải to đến cỡ một con mèo nuôi trong nhà, lông vũ chỉa ra hai bên như những cái lỗ tai, cặp mắt tròn to màu hổ phách, tóm lại, mới nhìn qua cứ ngỡ là ông miêu nào đó.
Mười
Nguyên lai, Yoshihide chúa ghét những ai chõ mõm vào chuyện của lão, thành thử trong xưởng vẽ cất giấu gì, cả con rắn vừa kể, hắn không hề hé môi cho lũ đệ tử biết. Do đó, có lúc trên bàn trong phòng hắn, những vật quái lạ như đầu lâu, bình bạc, mâm sơn...được trần thiết, tùy theo cảnh trí cần cho bức vẽ. Không ai hiểu ngày thường Yoshihide chôn giấu những của lạ ấy ở đâu. Cho nên lời đồn đại về việc hắn được Thần Tài hỗ trợ chắc phải bắt nguồn từ những chi tiết đó thôi.
Tên đệ tử trẻ lúc ấy nghĩ thầm con chim quái dị kia cũng chỉ là một vật làm mẫu để vẽ bức bình phong nên mới thẳng thớm đến cúi xuống trước mặt thầy, kính cẩn:
- Thưa thầy gọi con có việc gì ạ?
Yoshihide coi bộ không chú ý đến câu hỏi của nó, thè lưỡi liếm quanh cặp môi đỏ, hất hàm về hướng con chim, hỏi:
- Sao, mi thấy nó thuần chưa nào?
- Thưa thầy, chim nầy là giống gì mà con chưa được biết bao giờ!
Đệ tử vừa hỏi vừa ngắm nhìn con chim hình thù giống mèo với cặp tai trông đến khiếp. Yoshihide vẫn giử vẽ trào lộng cố hữu:
- Cái gì? Mi chưa thấy giống chim nầy bao giờ à? Dân đô thị như bọn bay chán thật. Con vật nầy là giống cú có sừng mà lão thợ săn ở Kurama mới đem biếu ta mấy hôm trước. Có một con thuần tính thế nầy hiếm lắm đấy!
Vừa nói xong, nhằm lúc con cú vừa nuốt sạch mồi, y mới đưa tay lên nhẹ nhàng vuốt ngược tấm lưng nó từ dưới lên trên. Mới thế thôi thì trong nháy mắt, con vật đã vùng bay lên bàn, cất lên một tiếng kêu nhọn sắc, hai chân giương móng vuốt, nhắm đầu tên đệ tử lao tới. Nếu lúc đó tên đệ tử không vội vàng đưa ống tay áo lên che mặt thì đã ăn hai ba vết mổ rồi cũng nên. Nó la ơi ới, vung tay chực đuổi quái điểu thì con cú có sừng lại kêu the thé, chìa mỏ cốc thẳng đầu thằng bé. Thằng bé quên cả việc nó đang đứng trước mặt thầy, hết đứng lại ngồi, chống đỡ không ngừng, luống ca luống cuống chạy trong cái phòng vẽ chật chội tìm cách thoát thân. Con cú cũng không chịu rời một tấc, lúc bay lên cao lúc sà xuống thấp, hễ thấy kẽ hở là châu đầu xuống nhắm ngay con ngươi thằng bé. Mỗi lần như vậy, cánh nó đập phần phật, bắn ra hơi ẩm nặng mùi lá mục hay quả nhũn tanh tưởi chịu không thấu. Đối với thằng bé lúc ấy thì thú thật, ngọn đèn dầu leo lét bên cạnh chả khác gì vầng trăng lu lạnh lẽo và căn buồng vẽ của ông thầy nó là hang động đầy yêu khí một nơi thâm sơn cùng cốc nào đâu.
Tuy nhiên cái nó sợ nhất không phải việc bị con cú tấn công. Điều làm nó rợn tóc gáy là thái độ của ông thầy Yoshihide, nãy giờ vẫn lạnh lùng ngắm nghía quang cảnh, từ tốn nhấm ngọn bút và ghi chép lên một cuộn giấy cảnh tượng ghê khiếp khi đứa học trò ẻo lả như con gái đang bị quái điểu tấn công không thương tiếc.Thoáng liếc thấy thế, một nỗi sợ hãi xâm chiếm lấy thằng bé và đương sự hiểu ngay là ông thầy nầy có khi sẵn sàng thí cả mạng nó nữa.
Mười Một
Tình thực chuyện thầy thí mạng trò không phải là hoàn toàn vô căn cứ. Xem chuyện kêu đệ tử đến đêm hôm đó rồi lập mưu kích thích con cú để vẽ được cảnh nó chạy cuống cuồng lúc bị cú tấn công thì rõ. Thưa vì lẽ đó mà tên đệ tử khi nhanh mắt thấy bộ dạng ông thầy, bất giác lấy hai ống tay áo che đầu, bỗng sau một tiếng thét hoảng hốt, nó té khuỵu phía cánh cửa kéo ở góc phòng. Vừa lúc ấy, Yohihide cũng cất tiếng la lối rồi dợm đứng lên. Đã thấy tiếng đập cánh của con cú càng lúc càng dữ dội cùng với tiếng đồ vật đổ vỡ loảng xoảng. Tên đệ tử mất cả thần hồn, bỏ cả tay che đầu, ngẩng xem có gì. Căn phòng lúc đó tối mịt, chỉ nghe tiếng gã họa sư đang bực dọc réo gọi bọn đệ tử.
Rốt cục, từ xa một đứa lên tiếng đáp lại, rồi tất tả cầm đuốc đến nơi. Dưới ánh sáng của ngọn lửa khói cay xè, nó thấy cây đèn trong phòng đã ngã lăn kềnh và ở chỗ dầu loang ra cả mặt sàn lẫn mặt chiếu, con cú hồi nãy đang nằm lăn lộn, cố nhấc một bên cánh lên và cất tiếng kêu ra chiều đau đớn. Riêng Yoshihide vẫn ở trong tư thế nửa đứng nửa ngồi, mặt ra dáng kinh ngạc còn mồm lầm bầm những gì không rõ. Thật ra chẳng có gì lạ cả: một con rắn đen thui đã cuộn người quanh con cú, từ đầu đến một bên cánh, và tiếp tục siết chặt. Có lẽ lúc tên học trò chạy vội và té khuỵu ở góc nầy đã lật đổ cái chum và khi cú kia khinh suất định chụp mổ con rắn đang từ trong chum bò ra là lúc cuộc thư hùng bắt đầu. Hai tên đệ tử đưa mắt nhìn nhau rồi trong khoảnh khắc, chỉ biết trơ mắt nhìn cuộc chiến đấu đang xảy ra, xong lặng lẽ cúi đầu chào thầy và kín đáo bước ra khỏi phòng. Chẳng ai biết số phận của con cú và con rắn ra sao nữa.
Chuyện tương tự những gì vừa kể nhiều vô số. Như tôi đã thưa trước, kể từ đầu thu là lúc có lệnh vẽ bức bình phong địa ngục cho đến mùa đông, lũ đệ tử của Yoshihide luôn luôn bị sư phụ tạo ra mọi chuyện phiền hà vì thái độ quái gở của hắn ta. Thế nhưng đến cuối mùa đông thì có cái gì không ổn trong kế hoạch vẽ bức bình phong của Yoshihide. Mặt mày hắn ngày càng bụ xụ, lời ăn tiếng nói cũng gắt gỏng hơn. Bức họa vẽ thử đã xong đến tám phần mười mà cứ bị bày trơ ra đấy, không tiến thêm được bước nào. Nhìn cảnh tượng đó có thể đoán được là Yoshihide sẵn sàng xoá sạch những gì đã cất công vẽ cho đến lúc ấy.
Dầu vậy, chẳng ai hiểu và chẳng ai dám đặt câu hỏi xem cái gì đã làm họa sư kẹt cứng. Bọn đệ tử trước đây mấy lần đã cạch ông thầy, có cảm tưởng như chúng đang bị nhốt chung một chuồng với hổ lang, đều giữ ý giữ tứ không dám đến gần sư phụ.
Mười Hai
Chính vì thế mà tôi không thấy gì xảy ra vào thời điểm đó để kể chuyện làm quà cho quí vị. Có lạ chăng chỉ là việc cái lão già ngang bướng kia bỗng trở nên mau nước mắt, nhiều lúc ra chỗ khuất ngồi khóc một mình. Đặc biệt có hôm có tên đệ tử không biết nhân việc gì phải đi ngang vườn nhà trên, bắt gặp ông thầy của nó đang đứng bên hành lang ngước mắt nhìn lên khung trời sắp vào xuân mà đôi mắt như mờ lệ. Tên đệ tử thấy thế chợt cả thẹn như thể nó đang dòm trộm ai, lẳng lặng trở gót rút lui, nhưng bao nhiêu đó đã đủ cho ta thấy gã đàn ông ngạo mạn khi muốn vẽ cảnh năm cõi luân hồi của chúng sinh dám lấy cả thây chết bên vệ đường làm mẫu kia lại có thể ức lòng vì không thực hiện được bức bình phong mà đâm ra khóc lóc như trẻ con. Nếu quí vị không cho là quái gở thì tôi xin thua.
Thế nhưng, suốt thời gian vẽ bức bình phong, khi Yoshihide thiếu điều say mê đến mức có thể coi như khùng tới nơi thì cô con gái lão ta càng ngày càng chìm đắm trong u ẩn đến nỗi khi nhìn dung mạo tiều tụy của cô, bọn tôi không ghìm được nước mắt. Huống chi cô ta xưa giờ da dẻ vẫn trắng muốt, dáng điệu u buồn, khép nép, nên từ độ riềm mi trĩu xuống, quầng mắt thâm hơn, dáng cô đã buồn lại não nùng thêm. Ban đầu còn tưởng cô vì lo lắng cho cha già hay hờn duyên tủi phận chi chi. Chúng tôi phỏng đoán hết nguyên nhân nầy tới nguyên nhân nọ, giữa chừng mới nghe người ta đồn cô buồn là tại đức ông đang buộc cô chìu theo ý ngài đấy thôi. Nhưng chỉ ít lâu, bỗng nhiên thấy thiên hạ như quên bẳng những lời đàm tiếu đó.
Có lẽ nhằm khoảng đó thì phải, một đêm, trời vừa rựng sáng, lúc tôi đang một mình đi dọc hành lang trong phủ thì cái con khỉ nhỏ mang tên Yoshihide ở đâu bỗng bất đồ chạy tới, níu cứng vạt hakama trên quần của tôi giật lấy giật để. Tôi còn nhớ đêm đó trời ấm lắm, trong vườn thoảng hương mơ, vầng trăng tỏa ánh sáng bàng bạc. Dưới ánh trăng, tôi để ý thấy con khỉ chìa hàm răng trắng bóc, mũi xếp nếp nhăn nhăn, kêu eng éc toán loạn như đang bực bội vì điều gì. Tôi khó chịu thái độ quái gở của con vật thì ít mà hậm hực vì tấm hakama mới toanh bị giật nát thì nhiều, mới đầu định quơ chân đá nó qua một bên rồi cứ thế đi tiếp. Bỗng tôi chợt nhớ ra chuyện anh chàng vũ sĩ vì muốn trừng phạt con khỉ mà bị công tử quở trách. Lại thêm dáng điệu của con khỉ như có cái gì khác thường làm tôi rốt cục buộc phải chạy theo hướng con khỉ kéo, dọc theo năm sáu gian buồng (15).
Vòng khỏi khúc quanh của hành lang, dù trong bóng đêm tôi cũng nhận ra được màu nước sáng nhàn nhạt của hồ nước trải rộng đằng sau mấy thân cây tùng xinh xắn. Chính vào lúc đó, tai tôi bỗng bắt được tiếng người đang giằng co gì nhau ở một gian phòng bên cạnh, và tiếng động đó coi bộ kịch liệt nhưng thì thầm thì thụt. Ngoài ra chung quanh hoàn toàn im vắng, ngoài tiếng cá nhảy làm nước động, dưới ánh sáng trắng bạc của màu trăng pha sương, không lấy có một tiếng người. Đến cạnh chỗ xuất phát tiếng động, tôi bất chợt dừng bước, tiến lại gần cánh cửa kéo, nín hơi để chờ xem có kẻ bất lương nào ló đầu ra chăng.
Mười Ba
Hình như con khỉ Yoshihide thấy tôi cứ e dè, đâm ra bực bội, chạy líu qua líu quíu hai ba vòng dưới chân, mồm phát ra tiếng kêu lí nhí như bị ai bóp họng, rồi thoắt cái co hai chân phóng lên chộp lấy vai tôi.Tôi chỉ biết phản ứng bằng cách quay cổ về hướng khác để khỏi bị móng nó cào cho. Con khỉ bèn cắn lấy ông tay áo khoác suikan của tôi để thân mình khỏi bị tuột xuống nhưng lại làm tôi mất đà loạng choạng thụt lùi hai ba bước, cả người va vào cánh cửa kéo. Đến nước nầy thì hết còn chần chờ được nữa nên tôi mới kéo xoạc tấm cửa ra, dợm nhảy vào phía bên trong chỗ ánh trăng không chiếu tới xem sao thì cùng lúc có vật gì bỗng ngáng tầm mắt. Nhưng không, đấy chỉ là một người đàn bà từ căn phòng ấy chạy vụt ra, làm giật bắn cả mình. Người ấy thiếu điều đâm sầm vào tôi và nhân cái trớn đó, tới được bên ngoài thì ngã ra sàn, đầu gối quị xuống và hơi thở đứt đoạn, run rẩy dương mắt nhìn về phía tôi mà như thể còn đang nhìn một vật gì khiếp đảm.
Không cần phải nói quí vị cũng đủ hiểu người đàn bà ấy là cô gái con anh thợ vẽ Yoshihide. Nhưng có cái là đêm hôm đó cô chẳng còn là cô gái của mọi ngày, đôi mắt to của cô chiếu vào mắt tôi một cái nhìn cứ ánh lên lấp la lấp lánh, gò má đỏ bừng bừng như hực sốt. Tấm hakama trên đùi cũng như cái uchigi lụa choàng người đã lệch lạc, không còn đâu nét thơ ngây mọi ngày mà thay vào đó là một vẻ gợi tình. Làm tôi đâm ra tự hỏi con người trước mặt kia có phải cô con gái thường ngày mảnh khảnh khép nép của Yoshihide hay không nữa. Tôi bèn đứng tựa lưng vào tấm cửa ngắm người con gái yêu kiều kia dưới ánh trăng, vừa đưa tay chỉ về hướng có tiếng chân của ai đó đang chạy vội vã xa dần và đưa mắt lặng lẽ nhìn cô thầm hỏi cô xem đó là ai..
Cô gái chỉ cắn môi, im lặng lắc đầu. Cứ xem thế thì thấy cô hãy còn cay đắng vì việc mới xảy ra.
Tôi mới khom người xuống, miệng sát vào tai cô gái, thì thào hỏi "Ai đấy?". Thế nhưng cô ta cứ quầy quậy lắc đầu, chẳng chịu trả lời. Không những thế, lúc đó, những giọt lệ từ riềm mi dài như chực trào ra khoé mắt và cô càng cắn chặt môi hơn. Đáng tiếc là với đứa cha sinh mẹ đẻ tính khí đần độn như tôi thì ngoài những gì được thấy tận mắt, tôi không biết phỏng đoán ngọn ngành chi cả. Thấy thế, thưa quí vị, tôi chả dám hỏi cô ấy thêm câu nào mà chỉ biết đứng như trời trồng một lúc lâu như để lắng nghe từng nhịp trái tim nhảy thình thịch trong lồng ngực của cô gái, một phần cũng vì thầm nghĩ mình có thể làm điều dại dột nếu còn muốn tìm hiểu xa hơn.
Không nhớ rõ tôi đã đứng như thế được bao lâu, mãi sau mới từ từ khép cánh cửa kéo và chỉ biết ngoái lại cố nhỏ nhẹ từ tốn nói được một câu:"Cô về phòng đi thôi!" với người con gái hình như lúc ấy đã qua cơn xúc động. Riêng phần tôi lại áy náy vì có cảm tưởng mình đã thấy một điều gì không nên. Hơi mắc cỡ, bèn quay người đi trở lại hướng cũ. Thế nhưng vừa được mươi bước thì chợt có ai từ đằng sau e sợ nắm vạt áo tôi giật giật kéo lại. Tôi giật mình quay lại, xem có chuyện gì.
Chỉ thấy dưới chân mình con khỉ nhỏ Yoshihide hai tay phục xuống như người ta, cái lục lạc bằng vàng kêu lanh canh, đang kính cẩn gục đầu lên gục đầu xuống.
Mười Bốn
Sự việc sau đây xảy ra khoảng chừng nửa tháng sau vụ náo loạn. Một hôm, Họa sư Yoshihide đột nhiên đến phủ và xin đức ông cho phép hắn gặp trực tiếp. Lão họa sư chỉ là hạng bần dân nhưng thường ngày vẫn được đức ông đặc biệt chiếu cố nên mới dám thế. Bình thường dễ gì ngài cho ai gặp nhưng hôm đó ngài nhận lời tiếp hắn một cách dễ dàng và cho gọi hắn đến ngay. Yoshihide mặc cái áo màu nâu nhạt và đội chiếc mủ đen quen thuộc nhưng vẻ mặt lại nhăn nhó, khó ở hơn mọi ngày. Cúi rạp trước mặt đức ông, hắn cất giọng khàn khàn thưa:
- Bẩm bức bình phong cảnh địa ngục mà bề trên hạ lệnh vẽ, thần ra sức cầm bút đêm ngày nên nay mai sắp hoàn thành rồi ạ.
- Thế thì mừng cho mi. Ta cũng đẹp lòng.
Ngoài miệng dạy như thế nhưng giọng của đức ông ỉu xìu, như không lấy gì thiết tha cho lắm.
- Thưa thần chưa làm gì đáng để bề trên khen thưởng như vậy.
Yoshihide có vẽ hơi giận dỗi nhưng vẫn phủ phục nói tiếp:
- Bức tranh hầu như xong rồi nhưng còn có chỗ thần không sao vẽ được.
- Mi nói gì? Có chỗ mi vẽ không được à?
- Thưa vâng. Bình sinh cái gì thần chưa thấy tận mắt thì thần không thể vẽ ra. Nếu gượng mà vẽ lại không thỏa mãn. Cho nên thần coi như là vẽ không được vậy.
Nghe đến đây, gương mặt đức ông bỗng phảng phất một nụ cười chế nhạo:
- Mi muốn nói là muốn vẽ bức bình phong địa ngục thì mi phải thấyđược cảnh địa ngục trước đã à?
- Thưa đúng thế thật. Năm ngoái gặp lúc có trận hỏa tai thật lớn, thần đã chừng kiến tận mắt một biển lửa nóng rực chẳng khác lửa hỏa ngục. Nhờ cái duyên thấy cảnh lửa đỏ cuồn cuộn đó mà sau này thần mới sáng tác được bức " Bất Động Minh Vương Quấn Lửa ". Chắc bề trên cũng biết đến bức họa đó của tiểu thần.
- Vẽ lũ tội nhân được không hả? Mi chưa chứng kiến công việc bọn ngục tốt dưới địa ngục bao giờ mà!
Đức ông như hoàn toàn không thèm để ý đến lời phân trần Yoshihide, ngài đang hỏi câu nầy lại nhảy qua câu kia.
- Mắt thần đã có dịp nhìn cảnh kẻ bị niềng bằng xiềng sắt, cũng từng vẽ được cảnh người chạy trốn khi bị quái điểu đuổi theo mổ thực sự chứ thần đâu dám thưa là chưa biết cảnh khổ của lũ tội nhân bị tra khảo. Hơn nữa, ngục tốt thì...
Yoshihide miệng nở một nụ cười gượng gạo, nói:
- Còn ngục tốt thì đã hiện ra rõ ràng trong những giấc mộng của thần rồi. Đứa đầu trâu, đứa mặt ngựa, có lúc chúng nó mang dạng quỉ ba đầu sáu tay, miệng nói không ra âm, tay đập không thành tiếng, đối xử hết sức tàn bạo với kẻ tiểu thần bất kể ngày đêm....Cái mà thần không tài nào vẽ nổi không phải là cảnh đó đâu ạ.
Nghe thế, đến đức ông cũng không khỏi ngạc nhiên. Ngài nhìn trừng trừng mặt Yoshihide một lúc lâu, có vẽ bồn chồn muốn tìm hiểu. Mãi sau mới nhíu mày và ngạo nghễ buông một câu gọn lỏn:
- Vẽ cái gì mà không được đâu, nói nghe coi!
Mười Lăm
- Cái tiểu thần muốn vẽ cho được ở ngay giữa bức bình phong là cảnh chiếc xe ngự từ trên không rơi xuống đấy ạ.
Yoshihide nói và lần đầu tiên y dám ngẩng lên nhìn thẳng vào mặt đức ông.Tôi nghe người ta bảo khi đụng đến chuyện hội họa rồi là anh ta hóa ra ngông cuồng luôn nhưng quả là cái nhìn của hắn lúc đó trông đáng sợ thật.
- Thưa, trong chiếc xe đó phải có một vị công nương cực kỳ diễm lệ, mái tóc sổ tung, khô héo khắc khoải giữa ngọn lửa hung bạo. Khuôn mặt nàng phải ngột ngạt vì khói, đôi mày nhíu lại, đầu rướn lên về phía vòm nóc xe. Tay của nàng phải kéo ghịt lấy rèm cửa muốn che không cho những đốm lửa đang bắn tung như mưa bấc từ trên không xuống. Thế rồi chung quanh nàng phải có khoảng mươi, mươi hai con ác điểu châu mỏ kêu inh ỏi và bay liệng loạn xạ. Xin thưa hình ảnh vị công nương diễm lệ trong chiếc xe ngự kia chính là cái mà tiểu thần không tài nào vẽ cho được!
- Thế...mi tính sao đây?
Không hiểu cớ gì đức ông xem ra có vẻ hài lòng một cách kỳ lạ, ngài làm như thúc giục Yoshihide nói thêm. Cặp môi đỏ chót như người lên cơn sốt của lão họa sư run lẩy bẩy. Y nói mà cứ tưởng mình đang ở giữa cơn mộng dữ:
- Đó là cái mà thần không tài nào vẽ nổi.
Y lập lại câu khi nãy lần nữa rồi cắn chặt hàm răng, mạnh dạn tiếp lời:
- Xin bề trên làm ơn cho thấy được cảnh châm lửa đốt một chiếc xe ngự trước mặt thần. Ngoài ra, nếu có thể thì.....
Đức ông sa sầm nét mặt trong giây lát, xong bỗng ngài bật tiếng cười sằng sặc. Từ từ cố nén cười cho khỏi đứt hơi, ngài mới phán:
- Được rồi, ta sẽ ra lệnh cho chúng làm đúng ý ngươi. Không cần lo có thể hay không thể cho mất công.
Khi tôi nghe đức ông thốt ra câu đó, không hiểu vì có linh tính hay sao mà thấy hơi rờn rợn. Dung nghi ngài lúc đó thật dị thường, miệng thì sùi cả bọt mép, còn cặp mày cứ nhăn đi nhíu lại như sắp phát ra chớp nháng. Có lẽ ngài đã tiêm nhiễm cái khùng điên của Yoshihide nhưng chưa đến nỗi điên như hắn đó thôi. Nói hết câu ngài mới ngừng lại giây lát rồi bỗng dưng tiếng cười ằng ặc trong cổ họng tuôn ra như thác, không cách gì ngăn lại được:
- Ta sẽ cho đốt một chiếc xe ngự như ngươi muốn. Ta lại sẽ ra lệnh đưa lên xe đó một đứa con gái thật diễm lệ ăn bận kiểu nhà đài các. Khói lửa sẽ liếm táp mặt nó, con đàn bà đó sẽ khắc khoải đau khổ chờ chết. Muốn vẽ cho bằng được cái cảnh tượng đó thì mi đáng là đệ nhất họa sư trong thiên hạ. Ta khen cho mi đấy, a ha, ta khen cho mi.
Mới nghe đức ông nói như thế, mặt Yoshihide bỗng tái mét, hơi thở hổn hển, đôi môi hãy lập bập nhưng gân cốt toàn thân thì đã nhũn ra cả. Hai tay dán bệt xuống mặt chiếu, hắn mới lí nhí trong miệng mấy câu cảm ơn:.
- Tiểu thần vô cùng cảm kích. Muôn đội ơn bề trên.
Có lẽ câu nói của đức ông đã làm loé ra trong đầu hắn từng chi tiết sống động quang cảnh ghê rợn của chương trình mà hắn ta dự tưởng. Đây là lần duy nhất trong đời mà dưới mắt tôi, Yoshihide chỉ là một kẻ đáng thương thôi.
Mười Sáu
Được hai ba hôm, một đêm sau lần đức ông cho Yoshihide hầu, ngài mới gọi hắn vào cho nhìn tận mắt quang cảnh một chiếc xe ngự bị đốt. Nhưng cảnh đốt xe đó không diễn ra ngay giữa phủ Horikawa mà ở cái dinh tên gọi Yukige, một sơn trang nơi ngày xưa lệnh bà em gái của ngài có lần cư ngụ.
Xin thưa cái dinh Yukige này đã lâu không ai ở, vườn tược mênh mông để tiêu điều hoang phế. Riêng về số phận của em gái đức ông, vẫn theo lời đồn của thiên hạ, có những mẩu chuyện chẳng hạn cứ vào đêm không trăng, bà ta hãy còn kéo lếch gấu cái hakama đỏ tươi, chân không chấm đất, đi dọc suốt hành lang. Những giai thoại đó có thể phát xuất từ trí tưởng tượng của những kẻ có dịp đi ngang qua chỗ không có hơi người này thôi nhưng không hẳn hoàn toàn phi lý vì giữa ban ngày ban mặt mà không khí ở khu dinh cơ này hết sức u tịch. Cứ đến lúc mặt trời khuất núi, tiếng nước lòng khe róc rách trong bờ bụi và cảnh mấy cánh vạc bay dưới ánh trăng như mang điềm gở làm người ta đủ rợn người.
Đêm đó lại đúng hôm không trăng. Trời tối như mực nhưng dưới ánh đèn dầu, đã thấy đức ông mặc cái áo ngắn màu xanh non, cái quần dài tím sẫm thêu hoa văn nổi, đang chễm chệ ngồi xếp bằng trên tấm bồ đoàn tết bằng rơm viền gấm trắng bên hành lang. Chung quanh ngài là năm sáu tả hữu hầu cận, không cần phải nói cũng biết họ sắp thành hàng ngũ rất cung kính. Đặc biệt trong đám có một người cặp mắt trông dị thường, đó là một vũ sĩ mấy năm trước trong khi viễn chinh ở Michinoku, có lần đói phải ăn thịt người qua bữa. Từ dạo đó, hắn trở nên mạnh mẽ đến độ tay không có sức bẻ nổi sừng hươu sống. Mình mang áo giáp, hắn đứng nghiêm trang bên hành lang, lưỡi đại đao đeo vểnh lên như đuôi én lộ ra ngoài thắt lưng. Dưới ánh đèn chập chờn trong gió đêm, lúc lóe lên lúc chực tắt, không hiểu sao nhìn đi nhìn lại những con người đó, tôi thấy ghê ghê, không biết mình đang sống trong mộng hay đứng trước cảnh thực.
Hơn thế nữa, một chiếc xe ngự đã được kéo ra đặt giữa viên đình. Vẻ uy nghi của cỗ xe như át cả bóng đêm, hai càng xe vì không bắt vào bò nên đặt nghiêng nghiêng lên trên một cái bậc. Nhìn.những chỗ dát vàng trên thành xe trông như sao sa, chiếu lấp lánh, ngay giữa đêm xuân mà cảm thấy ớn lạnh, nhất là vì bức rèm xanh có viền hàng thêu nổi phong kín không cho thấy bên trong xe có những gì. Chung quanh, một bọn tráng đinh tay cầm đuốc cháy, cẩn thận tránh không để khói dạt về phía hàng hiên nơi đức ông ngự, cung kính đứng chờ lệnh.
Chỗ của Yoshihide hơi cách đó một chút. Hắn quì gối, mặt hướng về hàng hiên, hình như vẫn bộ áo màu nâu non và cái mủ quạ mềm, như bị đè bẹp bởi bầu trời đầy sao, thu mình lại dúm dó nom còn nhỏ bé hơn ngày thường. Sau lưng hắn lại có thêm một người cũng đội mủ áo y như thế, có lẽ là tên đệ tử tùy tùng. Hai người ấy đang quì cách xa trong bóng tối lờ mờ thành thử từ dưới hàng hiên là chỗ tôi mà nhìn thì thật tình cũng không sao chắc chắn về màu áo.
Mười Bảy
Lúc đó trời cũng đã về khuya. Bóng tối phủ đen kịt núi rừng như đang nghe ngóng từng nhịp tim tiếng thở của những người có mặt. Chỉ có tiếng gió đêm thốc qua và mỗi lần như thế, mùi khói và muội đuốc lại bay tới. Đức ông ngồi một đỗi không nói gì, ngài chỉ lặng ngắm khung cảnh khác thường này, rốt cục mới lếch gối tới một chút, cao giọng gọi:
-Yoshihide!
Hình như Yoshihide có trả lời ngài sao đó nhưng lỗ tai tôi chỉ nghe tựa hồ một tiếng rền rĩ.
-Yoshihide! Đêm nay mi được toại nguyện đấy nhé. Ta sẽ cho đốt chiếc xe ngự để mi xem.
Nói xong câu, đức ông mới liếc mắt nhìn lũ hầu cận. Lúc đó, tôi có cảm tưởng đức ông và chúng nó đang mỉm cười với nhau một cách khó hiểu. Có lẽ tại tôi tưởng tượng ra thế không chừng. Nghe đức ông bảo, Yoshihide sợ hãi ngẩng đầu lên nhìn lên về phía hàng hiên nhưng không nói năng gì cả.
-Xem kìa. Đây là chiếc xe ta vẫn đi mỗi ngày. Chắc mi thừa biết. Bây giờ ta sẽ ra lệnh đốt xe để dựng mẫu phong cảnh hỏa ngục cho mi.
Đức ông mới dừng nói, đưa mắt ra hiệu cho tên hầu cận rồi mới làm bộ thương cảm:
-Trong chiếc xe này, ta cho trói một con thị tỳ phạm lỗi đặt nguyên vào đấy. Nếu châm lửa đốt xe thì nhất định thịt nát xương tan; con đàn bà đó sẽ chịu muôn vàn đau đớn, khắc khoải chờ chết. Ngươi họa được bức bình phong với cảnh tượng như thế thì tác phẩm của ngươi đúng là có một không hai đấy. Đừng bỏ sót chi tiết lúc thịt trắng da ngà cháy khét trong lửa nhá! Hãy nhìn cho mãn nhản cảnh lọn tóc đen sổ tung bị lửa táp ra tro đi nghe!.
Lần thứ ba.đức ông lại ngưng giọng. Tôi không hiểu ngài đang nghĩ gì, chỉ thấy ngài cười không thành tiếng đến rung cả đôi vai, rồi phán:
-Quang cảnh này muôn đời sau cũng không có đấy. Ta cũng xin làm quan khách. Bay đâu, vén rèm lên cho Yoshihide xem cho biết mặt con đàn bà trong xe đi!
Nghe lệnh, một tên tráng đinh một tay nâng cao ngọn đuốc thông, xông xáo đến gần cổ xe, vươn cánh kia tay ra, kéo bức rèm cửa lên cái một. Ngọn đuốc đang cháy phừng phực kêu răng rắc, ánh sáng đỏ loa lóa của nó thoắt chốc đã rọi sáng rỡ khoảng không gian hẹp. Cảnh tượng thật thảm khốc: trên sàn, một thị nữ bị xiềng chặt, mà trời ơi, làm sao tôi trông nhầm cho được? Sau tấm kimono diễm lệ thêu hoa anh đào là dòng suối tóc đen mượt buông mềm xuống bờ vai, một cành thoa vàng xinh xắn cài lấp lánh. Nhìn cái thân hình mảnh mai, mồm bị bịt chặt để khỏi kêu la, nét u buồn dịu hiền của khuôn mặt, tôi nhận ra ngay người thị nữ ấy không ai khác hơn cô con gái Yoshihide. Suýt nữa tôi đã hét lên vì thảng thốt.
Thưa chính vào lúc đó đấy ạ, tên vũ sĩ mạnh bạo đối diện với tôi bỗng đứng phắt lên, một tay ghìm cán đao, mắt trừng trừng nhìn về hướng Yoshihide. Tôi kinh hãi ngó theo mới thấy lão họa sư vừa chứng kiến cảnh tượng trên đã gần hóa rồ. Tự nãy giờ vẫn quì bên dưới thế mà đã hắn đã bật dậy chực bay ra. Hai tay hắn vươn ra phía trước như sắp sửa chạy ùa về hướng cái xe trong cơn mê dại. Có điều đáng tiếc là, như đã thưa, chỗ tôi đứng lại quá xa nên không rõ tướng mạo hắn ta lúc ấy. Tuy nhiên mới vừa nghĩ như thế xong thì đã cảm thấy gương mặt trắng bệt của Yoshihide, không, cả hình dáng của lão ta nữa, đang như có một sức lực vô hình gì nào đó thoắt kéo khỏi màn đêm và mang ra treo giữa không gian, bày lồ lộ trước mắt tôi. Cùng lúc ấy có tiếng đức ông ra lệnh "Châm lửa cho ta!" và bọn tráng đinh ném vào xe hết ngọn đuốc thông nầy đến ngọn khác. Chiếc xe ngự bén lửa bùng lên.
Mười Tám
Chỉ trong nháy mắt, ngọn lửa đã bao trùm cả cỗ xe. Mấy tụi giây màu tím kết trên hiên xe bị quạt bay tung lên, từ phía dưới khói trắng cuồn cuộn hiện rõ trong đêm đen. Hết rèm trúc rồi hai bên thành cửa cho đến đến kim loại dát trên mui như thể vỡ tung một loạt và bay ra thành một trận mưa lửa cuồng loạn giữa tầng không, cảnh tượng thảm khốc đến nghẹn lời. Thế rồi những lưỡi lửa giận dữ liếm táp khung xe, bốc lên tận trời cao, đỏ rực như vầng dương đang sa xuống đất, bảo là lửa lò trời trào ra cũng không quá đáng. Lúc nãy tôi còn chực hét lên, còn giờ đây hoàn toàn hồn tiêu phách tán, chỉ biết há hốc nhìn quang cảnh rùng rợn này chứ không biết làm gì khác. Thế nhưng người ruột thịt như Yoshihide thì...
Đến nay tôi vẫn còn chưa quên vẻ mặt Yoshihide lúc ấy. Gã đàn ông đó những tưởng là sẽ chạy như mê về phía cỗ xe thì lúc lửa vừa bùng lên, bỗng chùn chân lại, hai tay vẫn vươn ra đằng trước, mắt chỉ nhìn chầm chập, cái nhìn như đang cố cuốn hút cho bằng được tất cả lửa khói đang bao trùm cỗ xe. Ánh sáng ngọn lửa chiếu rọi toàn thân, soi từng nếp nhăn nheo trên khuôn mặt già nua xấu xí, soi đến cả từng cọng râu của lão. Thế nhưng chính cái gương mặt với cặp mắt đang mở cực to, với đôi môi vặn vẹo đến biến hình, với bắp thịt trên gò má đang run rẩy lật bật mới làm ta hình dung được tâm trạng của Yoshihide khi sự sợ hãi, nỗi đau khổ và kinh ngạc thay nhau hiện ra trên đó, đợt nầy nối tiếp đợt khác. Cho dầu là tên cường đạo sắp sửa bị bêu đầu hay kẻ tội nhân gian ác nghịch đạo mà thập điện diêm vương lôi ra công đường xét xử cũng không thể nào có khuôn mặt khốn khổ hơn lão ta lúc ấy. Đến nỗi tên vũ sĩ tùy tùng mạnh bạo dường nào mà mặt cũng chợt biến sắc, sợ sệt ngước mắt lên nhìn đức ông.
Đức ông miệng vẫn mím chặt, lâu lâu lại cười ma quái, mắt không rời cỗ xe. Mà trong chiếc xe ấy thì, trời ôi, hình dung cô gái trong xe tôi được thấy lúc đó ra làm sao, đến bây giờ vẫn chưa đủ can đảm để kể hết chi tiết. Cái khuôn mặt trắng trẻo ngửa lên vì ngạt khói, mái tóc dài phất tung như muốn dập tắt ngọn lửa, cả manh áo lụa thêu hoa anh đào thướt tha mỹ lệ, trong một khoảnh khắc đều biến thành lửa. Thật là một cảnh tượng bi thảm. Dần dần ngọn gió đêm có phần dịu xuống để khói dạt về phía bên kia, những đốm sáng bắn tung như kim nhủ lên đầu ngọn lửa đỏ, người con gái, miệng vẫn bị bịt chặt, ngoi lên trong cơn hấp hối làm sợi xiềng sắt cột nàng như thể sắp đứt đến nơi. Tôi nghĩ rằng dưới địa ngục, tội nhân cũng chỉ đau khổ đến thế này là cùng! Từ bọn tôi đến người vũ sĩ mạnh bạo kia đều khiếp sợ đến dựng tóc
Gió đêm thổi trở lại lần nữa, lướt trên những ngọn cây trong khu viên đình. Luồng gió ấy chạy quanh như không biết về đâu. Bỗng lúc đó mọi người nhận thấy có một vật gì đen đen, nhảy nhót như một quả cầu, giữa khoảng mặt đất và thinh không, rồi từ trên nóc dinh phóng thẳng vào cỗ xe đang bốc cháy. Thế rồi giữa khi khung xe sơn son bắt đầu rời rã và đổ xuống, vật ấy quàng lấy bờ vai xiêu vẹo của cô gái lay lấy lay để, thốt ra một tiếng kêu dài, nhọn sắc như lụa xé vọng ra đến ngoài màn khói, ra chiều đau đớn. Nghe như thế được hai ba lần thì bọn chúng tôi cũng không ai bảo ai cũng bật lên tiếng kêu ngạc nhiên. Kẻ vào tận đằng sau bức tường lửa khói để đeo riết vào vai cô con gái bị thiêu không ai khác hơn con khỉ mang cái hổn danh Yoshihide xích ở phủ Horikawa.
Mười Chín
Cái bóng khỉ ấy chỉ hiện ra trong một thoáng thôi ạ. Trong lúc những tia lửa hãy còn bắn tung lên trời như người ta rắc thêm kim nhủ lên mặt bức sơn mài thì cả bóng con khỉ lẫn cô gái đều đã chìm khuất hoàn toàn sau làn khói đen. Giữa khu viên đình chỉ còn cỗ xe lửa cháy bừng bừng, tiếng nổ lốp đốp. Có lẽ không thể gọi là xe mà phải gọi là cột lửa thì mới phù hợp với hình dạng ngọn lửa kinh hoàng đang vút lên không như thiêu đốt cả ngàn sao.
Đứng lặng người nhìn chăm chú trước cái cột lửa kia, Yoshihide đang có một thái độ không ai hiểu nổi. Cái lão Yoshihide mới phút trước hãy còn cực kỳ đau khổ vì quang cảnh trừng phạt dưới địa ngục kia bây giờ lại mừng vui rạng rỡ ra một cách lạ lùng. Cái rạng rỡ của người ngộ đạo hầu như đang tràn trề trên khuôn mặt nhăn nheo. Có lẽ hắn quên bẵng việc mình đang ở trước mặt đức ông hay sao mà thấy hắn cứ đứng vênh người ra, hai tay khoanh chặt trước ngực. Làm như cảnh mà hắn đang thấy không phải là đứa con gái yêu đang hấp hối trước mặt cha. Hắn chỉ ghi nhận được qua đó những chi tiết đem đến cho hắn một niềm vui thỏa vô bờ bến: màu lửa huy hoàng và hình ảnh người đàn bà trẻ đang chịu cực hình.
Quái gở hơn nữa là Yoshihide không chỉ tỏ ra vui sướng khi đứng ngắm đứa con gái yêu trong cơn thống khổ. Lúc đó con người hắn còn toát ra một vẽ uy nghiêm bạo tợn như Sư Vương đang căm giận, đến độ lũ chim đêm không biết bao nhiêu con đang bay toán loạn và kêu gào vì bất chợt bị ngọn lửa sém phải, không có con nào dám lượn vòng quanh chỏm mũ màu quạ đen của Yoshihide. Có lẽ đối với lũ chim không hiểu cơ sự gì kia, trên đầu lão họa sư phải có một vầng hào quang uy nghiêm tỏa rộng làm chúng kinh sợ.
Chim chóc còn như thế thì nói chi đến bọn chúng tôi, ngay cả lũ tráng đinh, đều im hơi nín tiếng, toàn thân run rẩy, chăm chú theo dõi từng động tĩnh của Yoshihide mà lòng tràn ngập một sự đồng tình lạ lùng với hắn như mới vừa được đức Phật Khai Nhãn mở mắt cho, Hình ảnh ngọn lửa thiêu đốt cỗ xe vần vũ trên không trung và lão họa sư đứng lặng như kẻ bị ai cướp mất hồn đủ tạo ra một bầu không khí uy nghiêm và hoan hỉ dị thường. Giữa cảnh tượng đó, chỉ có mỗi một người đang ngồi bên hàng hiên, đức ông Horikawa là đã biến thành một kẻ khác, mặt ngài tái như chàm đổ, mép sùi bọt, hai bàn tay ghịt chặt lấy manh quần màu tím sẫm, kéo từng hơi thở khò khè như một con thú cổ họng khát ráo.
Hai Mươi
Trước sau rồi cũng đã có người đem chuyện đức ông Horikawa đốt chiếc xe ngự ở dinh Yukige đêm hôm ấy thố lộ người ngoài biết.mà hình như không thiếu những kẻ chê trách hành vi của đức ông. Trước tiên người ta đặt câu hỏi cớ gì đức ông lại đem đốt chết con gái Yoshihide ; riêng việc nầy, câu giải đáp căn cứ vào lời đồn về mối hận tình xem ra nhiều hơn cả. Nhưng đến độ cho đốt xe, giết người như vậy chắc chắn đức ông hãy còn có chủ tâm sửa trị tính khí quàng xiên của lão họa sư muốn thí cả mạng người để vẽ bằng được bức bình phong. Lý do trên có lần tôi đã nghe từ chính miệng ngài.
Còn thái độ lão Yoshihide sau khi chứng kiến cảnh con gái bị đốt trước mắt mà con tim gỗ đá của mình vẫn không lay chuyển, còn xin tiếp tục được vẽ bức bình phong, cũng lại bị người đời phê phán.Trong số đó, có kẻ thóa mạ nếu vì hội họa mà quên cả tình cha con, rõ ràng hắn là phường gian ác, mặt người dạ thú. Tăng quan chùa Yokawa chính là một trong những người tán thành luận điệu ấy. Vị nầy thường bảo: " Cho dầu giỏi hơn người được trong một lãnh vực nghề nghiệp hay một nghệ thuật nhưng nếu để được thế mà vứt cả ngũ thường (16) thì không tránh khỏi bị đọa xuống A Tỳ ".
Chỉ trong vòng một tháng sau, Yoshihide đã hoàn thành bức bình phong tả cảnh địa ngục. Hắn liền đem lên phủ kính cẩn dâng cho đức ông. Nhằm lúc ấy tăng quan chùa Yokawa đang ghé qua phủ. Khi ông ta mới vừa xem một lượt bức bình phong, đã kinh hoàng trước cảnh một cõi đất trời đang chìm đắm trong trận bão lửa. Tăng quan trước đó vẫn khinh khỉnh với Yoshihide, cứ nhìn mặt lão họa sư một cách trân tráo, đến lúc được xem bức tranh, bỗng như không nén nổi lời tán thưởng, vổ đùi đánh đét, thốt lên một tiếng: " Thần diệu! ". Nghe thế, đức ông Horikawa chỉ biết cười gượng gạo và hình ảnh nụ cười ấy, đến nay tôi vẫn chưa quên.
Kể từ ngày đó, không còn một ai, ít nhất trong cửa phủ, nói xấu lão họa sư thêm một lời nào. Những người được xem bức bình phong, cho dù là kẻ ngày thường vẫn mang ác cảm với hắn, đều không khỏi xúc động đến lặng người, làm như họ sống thực được với muôn vàn khổ ải của hỏa ngục thể hiện trên mặt tranh.
Nhưng lúc thiên hạ hiểu ra thì Yoshihide đã vĩnh biệt cõi đời nầy. Ngay đêm hôm sau khi hoàn thành bức bình phong, hắn đã thòng dây thừng lên rường căn buồng ngủ, thắt cổ chết. Có mỗi đứa con gái yêu thì nó đã đi trước cha nên gã đàn ông nầy có lẽ không bao giờ tìm lại được sự yên ổn trong tâm hồn. Nắm xương tàn của lão ta nay vẫn nằm đâu đó dưới nền nhà cũ nhưng ngay cái mốc con bằng đá ghi dấu lại thì vài chục năm sau đó, với mưa to gió lớn đã đổ nát, rêu phong, khiến không còn ai biết ngôi mộ kia là của ai và xưa kia đã làm gì.
(Tháng 5 năm Taisho thứ 7)
(Đăng trên nhật báo Osaka Mainichi)
Dịch xong ở Tokyo ngày 12 tháng 12 năm 2003
Nguyễn Nam Trân
 Chú thích
(1) - Cách ghép hai nguồn tư liệu làm một của Akutagawa có thể ảnh hưởng đến phong cách sáng tạo của Kurosawa Akira khi ông dựng phim Rashômon (1950, Giải Chính Đại Hội Điện Ảnh Venise) theo hai tác phẩm của Akutagawa, La Sinh Môn (Rashômon,1915) và Khuất Trong Lùm (Yabu no naka, 1921).
(2) - Đã dựa trên truyện tình tội lỗi giữa chàng Moritô và nàng Kesa với bối cảnh trung cổ thời Hei-an trong một tác phẩm cùng tên (Moritô to Kesa) cũng do Akutagawa Ryunosuke viết, đã đăng trên tạp chí Chuô Kôron năm Taisho thứ 7 (1918).
(3) -  Horikawa, tên một con sông chảy qua Kyoto, kinh đô Nhật Bản thời xưa, nhưng Đức Ông (quan đại thần hay bậc tôn quí) Horikawa có thể chỉ là một nhân vật hư cấu.
(4)  - Đại Uy Đức Minh Vương, tên một trong năm vị Minh Vương gìn giữ cõi Tây Phương, có tài hàng long phục hổ để bảo vệ chúng sinh. Tương truyền có ba đầu sáu tay, cưỡi trâu trắng, tướng mạo phẫn nộ dữ tợn.
(5) - Tần Thỉ Hoàng Doanh Chính (259BC-210BC), hoàng đế đầu tiên, gồm thu sáu nước, thống nhất Trung Quốc, nổi tiếng tàn ác, đốt sách, chôn sống nho sinh.
(6) - Tùy Dạng Đế Dương Quảng (569-618), vua thứ hai nhà Tùy, tương truyền giết cha soán ngôi, chuộng vũ công, sống xa hoa dâm dật.
(7) - Kawahara-no-in, dinh thự ở Kyoto có khu vườn nổi tiếng đẹp, sau lấy làm chùa. Quan tả đại thần Minamoto-no-Tôru (822-895), con trai thiên hoàng Saga, là chủ cũ khu dinh thự tráng lệ ấy.
(8) - Michinoku là tên cổ của vùng Đông Bắc Nhật Bản, ngày xưa là nơi hoang vu hiểm trở.
(9) - T. Kojima và A.Mori hiểu đọan văn này theo hai cách khac nhau. Chúng tôi theo lối dịch của T.Kojima.
(10) - Kichijôten (Srii-Mahâdevii theo Phạn ngữ) hay Cát Tường Thiên Nữ là một bà tiên dung mạo đoan trang, hay ban phúc lộc.
(11) - Fudômyôô (Acalanâtha theo Phạn ngữ) hay Bất Động Minh Vương, một trong năm vị Minh Vương, sứ giả của Như Lai đến giáo hóa chúng sinh.
(12) - Kawanari tức Hokusai Kawanari (782-853) hoạ gia đầu đời Hei-an, gốc người Triều Tiên. Giỏi về sơn thủy và nhân vật.
(13) - Ryugaiji hay Long Cái T ự (Chùa Đầu Rồng)
(14) - Năm cõi trong vòng luân hồi mà tùy theo nghiệp báo con người sẽ thác sinh vào: cõi trời, người, súc sinh, ngạ quỉ và địa ngục.
(15) - dịch thoát chữ ken có nghĩa là đơn vị đo chiều dài cỡ 1,81m.
(16) - Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín

Xem Tiếp: ----