Cách đây nửa thế kỷ, trong một đ êm lạnh, một đám đông khán giả từ trong rạp Mc.Vicker ở Chicago ùa ra đường. Họ vui vẻ, cười nói vì đã được coi nhà ảo thuật danh tiếng Alexander Herrmann làm trò. Một em nhỏ đứng trên vỉa hè, lạnh run lên, rao bán tờ Chicago Tribune. Thực tội nghiệp cho em: không có áo lạnh, không có nhà, mà cũng không có tiền để mướn một cái gường nữa. Đêm đó, khi khán giả đã về hết, em lấy báo quấn vào người rồi ngủ trên một cái rá lò bằng sắt để hưởng nhờ một chút hơi nóng của lò đặt dưới hầm, trong một lối đi phía sau rạp. Vừa đói vừa lạnh, em nằm, tự nguyện sau này sẽ thành một nhà ảo thuật. Em mơ ước được khán giả vỗ tay khen, được mặc áo lót bằng lông thú và được những thiếu nữ đứng đợi em ở cửa rạp. Và em thề rằng khi nào đã thành một nhà ảo thuật nổi danh, em sẽ trở về diễn ở rạp đó. Em nhỏ đó là Howard Thurston và hai chục năm sau em thực hành được đúng sở nguyện. Khi diễn xong, Thurston đi vòng ra sau rạp và tìm được tên mình khắc tại đó hồi còn là một trẻ bán báo đói, không nhà không cửa. Lúc chết, vào năm 1936, Thurston đã thành ông vua trong nghề ảo thuật. Trong bốn chục năm cuối cùng, ông mấy lần đi khắp thế giới, tới đâu cũng làm khán giả say mê vì tài ông. Hơn sáu chục triệu người coi ông diễn và ông kiếm được gần 400.000 Anh kim. Hồi ông gần mất, tôi được coi ông diễn một lần. Diễn xong, ông vô phòng thay đồ và kể cho tôi nghe hàng giờ về đời sống đầy chuyện ly kỳ lạ lùng không kém những ảo thuật của ông. Lúc nhỏ, có lần ông bị cha đánh đập tàn nhẫn vì ông cho ngựa chạy mau quá. Ông tức giận, bỏ nhà ra đi. Cha mẹ ông tưởng ông chết, mãi năm năm sau mới được tin tức về ông. Mà lạ lùng là sao ông không bị giết, vì ông đi lang thang, đeo vào những xe chở hàng, ăn xin, ăn cắp, ngủ trong lẫm lúa, trong đống cỏ khô hoặc trong những nhà hoang. Ông bị bắt mười hai lần, bị săn đuổi, chửi rủa, đánh đập, liệng từ trên xe xuống đất, có lần người ta nhắm ông mà bắn nữa. Ông thành một chú nài, một tên cờ bạc. Năm mười bảy tuổi, ông trôi tới Nữu Ước, trong túi không có một xu mà không quen thuộc một ai. Rồi một việc xảy tới. Ông len lỏi vào một đám đông nghe một nhà truyền giáo giảng đạo. Ông cảm động quá, từ hồi nhỏ chưa lần nào kích thích như lần đó. Ông thấy những tội lỗi của ông. Và ông bước lại bàn thờ, nước mắt ròng ròng trên má, ông xin vô đạo. Hai năm sau, tên du thủ du thực hồi trước đã đứng ở một góc đường tại Chinatown để giảng đạo. Hồi đó ông sướng vô cùng, vừa làm việc vừa học đạo. Ông mười tám tuổi. Trước kia ông chưa được đi học trên sáu tháng; nhờ coi những chữ ghi trên các xe chở hàng, và trên đường xe lửa, rồi hỏi bạn cách đọc mà lần lần biết đọc. Nhưng ông không biết viết, không biết toán, cũng không biết đánh vần. Thành thử bấy giờ, ngày thì ông phải học đạo ở trường Bible School, và học tiếng Hi Lạp, học môn vạn vật, đ êm thì phải học đọc, học viết, học toán. Sau ông quyết định làm một nhà truyền đạo chuyên về y học, và sắp vô trường đại học Pennsylvania thì một việc nhỏ xảy ra làm đời ông thay đổi hẳn. Đi từ Massachusetts tới Philadelphia, ông phải đổi xe lửa ở Albany. Trong khi đợi xe, ông vô một rạp hát coi Alexander Herrmann diễn trò ảo thuật. Ông từ trước vẫn thích ảo thuật, nên lần đó muốn được nói chuyện với Herrmann. Ông lại khách sạn, mướn một phòng sát phòng của Herrmann, ông đặt tai vào lỗ khóa nghe ngóng, đi đi lại lại ở hàng lang, rán thu hết can đảm để gõ cửa, nhưng không dám. Sáng hôm sau, ông theo nhà ảo thuật ra ga, và đứng trân trân ngó Herrmann, vừa kinh, vừa sợ. Herrmann đi Syracuse; ông thì phải tới Nữa Ước, và đáng lẽ mua giấy đi Nữu Ước, thì ông lại mua lầm giấy đi Syracuse. Sự lầm lộn đó thay đổi đời ông, làm ông đáng lẽ là một nhà truyền giáo thì thành một nhà ảo thuật. Hồi ông đương thịnh, ông làm trò mà kiếm được mỗi ngày hai trăm Anh kim (...) Ông bảo rằng nhiều người biết về ảo thuật cũng bằng ông. Vậy, ông thành công là nhờ cái gì? Nhớ ít nhất là hai điều. Điều thứ nhất, ông có tài đem cá tính của ông lên sân khấu. Ông hiểu bản tính của con người, và ông cho rằng đức đó cũng quan trọng như sự hiểu biết về ảo thuật. Mỗi cử động của ông cả khi ông đổi giọng hoặc khi ông ngước mắt, đều được ông tính toán kỹ lưỡng từ trước, và làm đúng lúc, không sai một phần giây. Điều thứ nhì là ông yêu khán giả. Trước khi kéo màn, ông nhảy nhót ở hậu trường sân khấu, cho thêm phần hăng hái... Và luôn luôn tự nhủ: "Tôi yêu khán giả, tôi muốn làm họ vui. Tôi sung sướng. Tôi sung sướng". Ông biết rằng nếu ông không sung sướng thì không làm cho người khác vui thích được.