Bố thằng Tuyển, ông Cả Ðại là một người nghiện thuốc phiện kinh niên từ trước ngày di cư vào Nam.Ðiều này cả xứ Lạng Sơn đều biết. Ông không hút ở nhà như những người giầu có, kê bàn đèn ngay trong giường ngủ như ông chánh Thi hay ông lý Truyền, mà ông chỉ đạp xe mô-bi-lét lên ngã ba An-Nhơn gần đình An-Lạc, nơi có nhiều tiệm hút lậu - những tiệm này với đường giây thuốc phiện mang lén sang từ Thái Lan nên giá rẻ hơn thuốc Hồng Kông - để làm vài bi, nằm mơ màng trên bộ ghế nghỉ ngơi một chốc rồi đạp về. Người hàng xứ ai đi qua An-Nhơn cũng ít nhất một lần trông thấy cái bóng dáng gầy tóp của ông Cả Ðại, quần áo thốc thếch, hai mắt lờ đờ trên nét mặt say sưa, chạy xe từ khu đình An-Lạc - khu tiệm thuốc mà người dân các xứ đạo ai ai cũng biết tiếng - ra đường cái. Ông phóng xe như ma đuổi, đội cái mũ thùm thụp cố tránh mặt mọi người quen, dường như vẫn muốn tin là thói nghiện của mình chưa có ai hay biết. Người ta bảo nhau là thân sinh ông Cả Ðại ngày còn ngoài Hà-Nam Phủ-Lý chuyên môn cho vay lãi cắt cổ; bắt người nghèo thuê ruộng cấy rẽ; bóc lột tá điền bằng cách nhận làm con nuôi để họ phải làm không công trọn đời, nên bây giờ ông giời có mắt, mới bắt người con lớn là ông Cả Ðại thành ra người bê tha nghiện ngập. Tuy vẫn tham dự những buổi xưng tội cấm phòng, đi nhà thờ đều đặn nhưng ông Cả Ðại không dám lên rước lễ, vì ông cho rằng cái miệng đã ngậm vào lũ dọc tẩu đình An-Lạc nhơ bẩn của ông không còn xứng đáng để mình thánh chúa ngự vào. Ông hay nhủ thầm:- Mình lỡ mắc phải nghiệp dĩ thì đừng có làm thêm nghiệp chướng. Bánh thánh rượu nho là của thiêng liêng mà còn cố nuốt vào là còn thêm tội. Thực ra, ông cũng không cần phải quá lo xa. Vì cha Lãm xứ Lạng Sơn đã đoan chắc với hàng xứ là ông Ðại không có duyên nợ gì với nước thiên đàng, vương quốc của những người ngoan đạo và thanh sạch. Cha đã tuyên bố với nhiều người trong họ đạo từ lâu:- Thằng Cả Ðại mà không ăn năn giở lại, chừa thói mê tật xấu thì tao không cho rước lễ, lâm chung không được xức dầu, chết tao không làm phép xác! Nhà nó có giả bao nhiêu tiền lễ tao cũng không thèm làm!Và như thế, toàn thể xứ Lạng Sơn đều cho là vận mạng ông Cả Ðại kể như đi đoong, cả phần hồn lẫn phần xác, đời đời kiếp kiếp amen.Nhưng đứa con trai ông, thằng Tuyển, lại học giỏi nhất trong các lớp đệ thất trường Dũng-Lạc. Ngay từ lúc có trí khôn, Tuyển đã biết bố nó là đệ tử trung thành của ả phù dung. Trong xóm, Tuyển vẫn nghe người ta nói về bố nó, đại khái tiếc cho anh thanh niên ngày trước con ông phó lý ruộng nương cò bay thẳng cánh chỉ vì mải mê đàn đúm mà mắc vòng nghiện ngập rồi bán hết đất cát, vào Nam với hai bàn tay trắng. Người ta cũng thầm thì với nhau, rằng mẹ Tuyển vì phải bốn năm năm vào Nam tảo tần buôn bán để nuôi cơm nuôi thuốc cho chồng, nên đã kiệt lực rồi bị ho lao hơn hai năm thì mất.Dạo ấy Tuyển mới được năm tuổi, hình ảnh của mẹ chỉ loáng thoáng trong trí nhớ, cái hình ảnh một người đàn bà lúc nào cũng húng hắng ho, người còm cõi quắt queo nằm buồng trong cả ngày. Bà chỉ nằm hoặc ngồi trên chiếc giường con kê sát tường, nước da xanh mét, hai má lõm sâu, chiều nào cũng ho những cơn xé phổi rồi lại nằm vật ra thở hổn hển. Thuốc bắc thuốc tây thế nào cũng chỉ thấy bà Cả Ðại ngày càng kiệt lực. Và sau cùng, việc phải đến đã đến. Cái đám ma có cỗ đòn sơn đỏ, hàng xóm láng giềng kéo đến, các cô dì chú bác tới nhà đưa đám. Người ra người vào nhặng lên từ sáng đến chiều. Tiếng xé vải sô xột xoạt trong nhà sau, tiếng đàn nhị kéo nghe õng ẹo và tiếng khóc thuê của ông Từ Ðiếu với những bài vè bài hoạ mà ông Từ, người khóc thuê nổi tiếng mười hai xứ đạo trình diễn rất có hồn với những tiếng nấc nức nở, có nước mắt nhễ nhại đàng hoàng - vang lên ai oán ở sập gụ trước cửa nhà rạp. Có cả những trận cãi vã gay go y như các buổi ăn hương ẩm ngày xưa ở đình làng trong truyện của Ngô Tất Tố. Vì họ nội và ngoại của Tuyển vốn đã hiềm khích từ lâu, nay mượn dịp đám ma để chửi bới, xỏ xiên nhau, mối thù gia tộc được dịp nổ ra khởi sự qua những tiếng nỉ non từ những mấn khăn sô ư ử, những lời kể lể của bà Ba Hương, một bà dì họ ngoại có tiếng chỏng lỏn quì trước quan tài vừa khóc vừa bóng gió xỉ vả ông Cả Ðại, giọng lên bổng xuống trầm rất du dương vì đã một thời làm cô đầu ở phố Khâm-Thiên Hà Nội, lời khóc có nhạc điệu như một bài hát nói của Dương Khuê hay Nguyễn Công Trứ:- Ới em ơi là em ơi! Hồng hồng tuyết tuyết! Í i... Ngày trước ở kinh đô văn vật em xinh em đẹp biết là nhường nào, như hương hoa đồng như ngàn cỏ nội. Bao nhiêu thanh niên công tử Hà-Ðông những ngóng mắt chờ trông em ban cho họ được cái liếc mắt cũng đủ thoả mãn tấm lòng, mà em cũng nào có để ý đến chúng bọn tục tử phàm phu. Ngày ấy chị những tưởng em thể nào cũng sau này tương lai sung sướng, ghé được bến hoàng hoa tìm nấp bóng người quân tử. Thế mà ai ngờ giời khéo ghen tương, hồng nhan bạc phận truân chuyên, đò xinh dạt bãi hôi tanh bùn lầy, để phải vất vả lo buồn thành bệnh mà bỏ chị đi mất rồi ới em ơi là em ơi!Tiếng bà the thé, san sát như một điệu kèn clarinette cao nốt. Ông Cả Ðại từ ngày thành dân làng bẹp, người gầy gò xanh xao vốn tính hiền lành chịu đựng, dường như đã nghe quen lời xỉ vả của bên vợ, chỉ im lặng ngồi bên bàn với chén nước chè tầu cố thu mình cho thật nhỏ lại làm như không nghe thấy lời xỉa xói của bà dì họ.Nhưng đột nhiên, ông Cả Ðại bỗng có viện binh. Tiếng quát của chú hai Bình, em ruột bố Tuyển hồi xưa đi lính Tây vang lên, ngay trong nhà tế:- Này này! Cô không được hỗn, nghe chửa! Em cô lấy anh tôi là phúc tổ bẩy mươi đời, nghe chửa! Ngày xưa anh ấy con nhà tử tế sáng sủa đẹp giai đi học trường tỉnh có bằng đít-lôm thiếu gì đám danh giá gọi gả cho không... Chẳng may giời bắt anh ấy đa đoan, chứ anh ấy nào có muốn? Mà đâu phải trên đời chỉ có mình anh Cả Ðại tôi có tật bê tha. Thế còn ông Tú bác của bà bên Tân Hưng nghiện rượu bét nhè ra tận nhà chung chửi cả cha Khang thì sao? Ðừng có tưởng quen thói gái đĩ già mồm giở giọng quạ mổ ở đây là không có được!Chưa nghe xong, bà cựu cô đầu đã bật ngay dậy. Bà cũng chẳng tay vừa. Hồi còn ở Khâm Thiên đã từng phải đương đầu với bao nhiêu lính Lê Dương, tây đen gạch mặt hàng ngày ăn chằng chơi quịt bà còn chưa coi ra đâu, huống hồ chi anh khố xanh về hưu Hai Bình! Bà nhổ toẹt cái bã trầu ra, xổ tung mái tóc xốc váy mắt long lên sòng sọc:- Chắc mày tưởng bà sợ mày....Rồi như con bò mộng hung hăng vừa bị một tay matador cầm miếng vải đỏ khiêu khích, bà ta lao vọt về phía chú Hai Bình. Thế là đám ma bà Cả Ðại biến thành một đám đánh nhau, ồn ào hơn đám mổ trâu. Các ông trùm bà quản phải xúm lại kẻ nắm tay người giữ chân không cho hai kẻ cựu thù quyết một phen sống mái. Nhưng rồi, cái đám táng bà Cả Ðại cũng phải hoàn tất, vì cãi nhau đánh nhau mấy thì quan tài rồi cũng phải hạ huyệt, nhà rạp rồi cũng phải dẹpï xuống để đời sống khu xóm đạo trở lại bình thường.Lo liệu cho vợ xong, ông Cả càng gầy hơn trước. Ông vẫn làm võng bỏ mối ở Tân Ðịnh, những cái võng gai sợi bện lại, se bằng cái máy quay tay guồng cũ kỹ. Người ta bảo có tật thì lại có tài. Ông Cả Ðại khéo tay lắm. Chẳng biết học đâu ra, ngoài nghề se sợi cói, sợi đay để làm võng, ông còn biết dệt chiếu nữa. Chiếu dệt tay của ông Cả Ðại đẹp nhất vùng, tuy rằng ông đan chậm - gần tuần lễ mới được cái chiếu - nhưng tốt khỏi chê. Ông dùng phẩm Gia-Ðịnh để vẽ lên chiếu những hình rồng phượng, những hoa văn triện tầu trông còn đẹp mắt hơn cả những chiếu hoa in bằng khuôn vải. Mỗi chiếu bán hơn trăm bạc, đủ cơm nước hai cha con sống đạm bạc và thỉnh thoảng ông có tí tiền còm ghé đình An-Lạc thưởng thức cái thú yên sĩ phi lý thuần. Thằng Tuyển vẫn đi học lớp đệ thất trường Dũng Lạc của cha Tốn, vẫn thấy bố nó sau mỗi buổi chiều lại đạp chiếc xe máy cọc cạch về nhà, ngồi thở dốc, mồ hôi lấm tấm. Nó biết bố nó vừa từ ngã ba An-Nhơn trở về. Tuyển nhìn thấy bố nó ngồi vật trên chiếc giường con kê sát tường bếp, mắt nhắm lại, khuôn mặt hốc hác như một người mơ ngủ. Tuyển bỗng nhớ đến bài học công dân giáo dục ở nhà trường nói về cái tai hại của thuốc phiện, những bài vè, những bài học thuộc lòng bằng thơ lục bát chế diễu người nghiện ngập, xem người nghiện như một thứ tai ương của xã hội. Nhưng trước mắt nó, người cha hiền lành kia là kẻ đáng thương chứ không đáng nguyền rủa như trong bài học công dân. Vì ông Cả Ðại là một người cha từ ái. Aùo quần con trai ông tuy cũ kỹ nhưng lúc nào cũng được ông giặt giũ sạch sẽ tươm tất. Không bao giờ ông để thằng Tuyển phải nhịn quà sáng. Có hôm, ông cắn răng âm thầm nằm một mình trong nhà đóng chặt cửa chịu đựng những cơn ghiền dằn vật chứ vẫn nhất định để dành mười lăm đồng - giá một bi của các tiệm hút bình dân đình An-Lạc - để cho hai bố con có một bữa trưa no đủ, rồi ông lại nằm vật trên chiếc giường con sau nhà, chiếc giường mà lúc xưa vợ ông nằm liệt chờ những con vi trùng lao tàn phá hết hai lá phổi hơn năm trời ngày trước. Mất mẹ từ bé, thằng Tuyển hay được ông bù đắp lại sự thiếu thốn đó bằng đủ thứ đồ chơi do người cha khéo tay làm ra. Ðèn kéo quân, đèn ngôi sao hàng năm của thằng Tuyển bao giờ cũng đẹp nhất xóm. Tượng đất sét nặn hình thánh gia chúa Hài Ðồng đặt trong hang đá làm bằng giấy bồi sơn đen phun kim nhũ, cùng với các thiên thần thổi sáo cầm băng vải treo trên tường giáng sinh năm nào thằng Tuyển cũng có. Mùa tết năm nay, Tuyển muốn bố làm cho nó một cái lồng chim, vì vừa có một bầy chim chào mào đến làm tổ ở trên cây tu-ma sau nhà nó.Mấy tháng hè trước, Tuyển trông thấy hai con chim chào mào chỉ bé bằng chim sẻ nhưng đẹp hơn nhiều với bộ lông nâu và cái mỏ đen có chấm đỏ, bay lượn quanh ngọn cây rồi đậu trên một chạc ba, rồi dùng mỏ quệt mãi vào thân cây như thử độ chắc của cành tu-ma hai nhánh rẽ. Thì ra chúng muốn thám thính vùng đất xây tổ, Tuyển nghĩ. Ðến cuối tháng tám, chiếc tổ làm bằng những cọng rơm đã hình thành và chẳng mấy chốc Tuyển thấy con chim mái không còn bay khỏi tổ nữa, chỉ quanh quẩn cạnh tổ suốt ngày canh chừng những chiếc trứng xinh xinh mầu trắng lốm đốm nâu chỉ to bằng đầu ngón tay, kẻo những chú tắc kè rủ nhau đến ăn trộm trứng. Những hôm giời mưa, con chim mẹ bộ lông ướt đẫm, run rẩy đậu trên một cành gần đấy, thỉnh thoảng bay vòng quanh ngọn cây kêu lên mấy tiếng lảnh lót như báo cho những con chim khác biết lãnh thổ của nó, rồi đậu lại cạnh tổ, chờ con chào mào trống mang mồi về.Tuyển ngày nào cũng ra vườn, nấp mình sau thân cây để xem chim. Nó bảo bố nó: - Thế nào cũng thành ra một đàn cho mà xem. Bố đóng cho con cái chuồng chim bằng gỗ, bố nhé! Ðể chim nó ngoài mưa gió, tội nghiệp.Ông Cả Ðại phì cười:- Chim chóc nó sống ngoài trời không chịu mưa chịu gió thì còn chịu được cái gì nữa?- Nhưng mà mưa trôi tổ xuống đất thì mấy con chim non mới nở ra nó chết mất bố ạ.Hôm sau ông Cả Ðại đạp xe lên khu Thông Tây Hội mang về miếng ván ép phế thải nhặt được cạnh trại lính Mỹ, cưa cắt đóng thành một cái chuồng con có hai mái và nhiều lỗ tròn bên thành chuồng rồi đem buộc bằng giây kẽm lên cái cành lớn thân cây tu-ma. Quả nhiên, chỉ độ vài tuần sau, lứa chào mào non đã nở. Gần chục cái mỏ ríu rít há ra chờ cào cào châu chấu mớm từ miệng chim mẹ. Ngày nghe tiếng chim non vang lên đòi ăn, Tuyển hồi hộp lắm: - Sao nó chưa “dọn nhà” sang chuồng mình hả bố?Ông Cả xoa đầu con:- Chim thính mũi lắm, nó lạ hơi. Phải đợi dăm bữa cho cái hộp gỗ tan hết hơi người thì chim nó hết sợ, nó mới chịu vào.Hôm sau, hai chim bố mẹ bắt đầu đến thanh tra cửa chuồng, thám thính địa hình địa vật bằng cách mổ vào thành gỗ, thò đầu vào ngắm nghía bên trong, hất lên những cọng rơm thằng Tuyển xếp trong chuồng như kiểm nghiệm xem có sự gì khác thường bên trong. Ðến khi đoan chắc là không có chi nguy hiểm, cả hai con cùng nhảy vào bên trong ngúc ngắc cái mỏ một lúc rồi bay ra, nhiều lần như thế rồi lại trở về tổ.Một tuần lễ liền, chiếc chuồng gỗ cứ nằm trơ. Mãi đến khi hình ảnh cái chuồng trở nên quen thuộc với vợ chồng chào mào, được xem như một vật thiên nhiên như khúc cây, cành lá, thì cái công dụng của nó bắt đầu được đàn chim để ý đến. Tuyển đã bắt đầu trông thấy con chim mẹ dùng mái chuồng làm nơi canh gác tổ và ẩn mưa. Một hôm, mưa rơi suốt ngày không ngớt, những cơn gió mạnh thổi về xào xạc cành lá. Trong nhà Tuyển nhìn ra vườn, lòng lo lắng tổ chim bị gió thổi văng. Nhưng ngày hôm sau đi học về, Tuyển sung sướng thấy gia đình chào mào đã di tản sang chiếc hộp gỗ. Con chào mào mẹ đã đậu trên mái, mắt luôn luôn quay đi quay lại canh tổ ấm như người lính cần mẫn cầm súng đứng trên vọng gác bảo vệ an ninh cho một thôn ấp, miệng kêu chíp chíp, chốc nhát lại bay lên cao vần mấy vòng quanh ngọn cây.Tết đã gần đến. Cây tu ma vẫn xanh rợp lá, những quả chín to bằng nắm tay vỏ nứt nẻ để lộ thịt vàng như lòng đỏ trứng gà - thế nên cây tu-ma còn được gọi là cây trứng gà - với mùi thơm sực nức. Những con chào mào con mới nở hôm nào, nay đã tập bay được mấy ngày, vung đôi cánh bé tí xíu đập đập liên hồi. Chẳng mấy chốc, hai ba con đầu đàn đã chớm biết bay, nhẩy những bước chân theo mẹ đến quả tu-ma chín cây đầu cành mổ lấy hương vị ngọt ngào của thiên nhiên; buổi kiếm ăn đầu tiên của cuộc đời chim muông bay bổng. Tuyển nao nức chờ chim lớn. Nó vào mãi phía bờ sông cầu Ðen để bắt châu chấu, mỗi lần một lon sữa bò mang về bỏ trong lồng cho chim ăn. Nhìn đàn chim ríu rít mổ châu chấu non, Tuyển say mê tự nhủ:- Ðợi cho chim nó lớn thêm tí nữa là mình nhờ bố làm cái lồng mang sang cho cái Nga.Tuyển thân với Nga từ hồi lớp nhất. Nó là con gái nhà ông lang thuốc bắc Hợp Hưng ở xứ Bắc Dũng. Nga được Tuyển bảo vệ trong sân trường, trong lớp hay cả những lúc băng ngang đường lộ. Nga là con nhà giầu, hay bị lũ con trai nghịch ngợm trêu chọc bắt nạt. Mới trưa hôm qua đi học về, Tuyển trông thấy một đám trẻ con túm tụm ở đàng xa. Tuyển chạy đến. Con bé Nga đang ở giữa đám đông, nước mắt chạy quanh, tay ôm mấy quyển vở rách, cái áo trắng tinh đã bị lấm đầy mực tím. Tuyển vạch đám trẻ đến hỏi bạn:- Ðứa nào xé sách vẩy mực vào Nga?Con bé đáp:- Bọn thằng Minh con ông Cỗi đấy. Ðể Nga vào mách cha Tốn cho mà xem.Tuyển biết Minh Cỗi cầm đầu một bọn phá phách mất dạy học lớp đệ thất B bên cạnh lớp Nga và Tuyển. Nó lắc đầu:- Ðừng lo. Ðể Tuyển trị tội nó.Tuyển không phải kiếm đâu xa. Bọn thằng Minh Cỗi ba đứa vẫn còn đứng gần đấy. Xem chừng chúng không coi Tuyển vào đâu. Một thằng tiến đến, hất hàm:- Ê mày muốn bênh nó hả? Tao xé vở nó đấy. Làm gì nào?- Chúng mày chuyên môn bắt nạt con gái. Tuyển nói.Minh Cỗi bước lại trước mặt Tuyển. Nó chống nạnh lên như người lớn, ra vẻ thách thức Tuyển. Dáng đứng của nó bắt chước trong mấy phim cao bồi. Tuyển nhìn thẳng vào mặt thằng Minh Cỗi chậm rãi hỏi:- Thầy Mai dậy môn đức-dục lớp mày tuần trước, có đọc cho chúng mày bài “ Phải bênh vực giúp đỡ người yếu đuối ” chưa? Ðể tao nhắc cho chúng mày nhớ.Rồi quay sang Nga:- Nga về trước đi.Nói xong Tuyển xắn tay áo, đứng thủ thế. Nga sợ hãi kéo tay Tuyển:- Tuyển ơi đừng đánh nhau. Chạy về nhà đi nhanh lên.Thằng Minh Cỗi quay lại trề môi với mấy đứa kia:- Nó tưởng tao không biết bố nó là ai. Bố nó là lão Cả Ðại nghiện thuốc phiện.Nghe vậy, Tuyển không nhịn được nữa. Nó điên tiết lao vào, vung hai tay lên. Chỉ thoáng chốc hai đứa trẻ đã ôm chặt lấy nhau vật lộn trên mặt đất. Lúc ngã xuống, khuỷu tay Tuyển đập mạnh xuống đất đau điếng. Cái Nga vừa khóc vừa chạy về nhà. Ðám trẻ con reo hò ầm ĩ. Vừa lúc ấy, một người mặc chiếc áo chùng đen đã xuất hiện từ đàng xa với chiếc roi mây trên tay. Chỉ một tiếng hô:- Cha Tốn kìa!Là cả lũ trẻ tan hàng chạy tứ tán. Thằng Minh Cỗi cũng chạy mất, để lại Tuyển lóp ngóp bò dậy phủi đất cát dính trên quần áo. Không cần hỏi han sự thể, cha Tốn cho ngay Tuyển hai roi mây vào lưng:- Mày giỏi đánh nhau lắm phải không hở con thằng Cả Ðại?Vừa sợ hãi, xấu hổ và uất ức, Tuyển ngước mắt cúi đầu không đáp. Cha Tốn điểm cái đầu roi vào trán nó:- Tháng này bố con mày không đóng xong tiền học mày nợ nhà trường của tao thì cứ ở nhà đừng có đi học.Tuyển khoanh tay:- Chiếu bố con tháng này bán không được. Võng cũng thế. Cha cho con khất...Cha Tốn cau mặt:- Nợ cả hai tháng rồi. Tiền đâu tao trả lương thầy giáo? Không bán được võng thì mặc kệ bố con nhà mày. Cứ bảo bố mày bỏ thuốc phiện đi là có tiền đóng tiền học trường tao ngay.Không dám nói gì thêm, Tuyển dắt Nga chạy một mạch về nhà con bé. Tiệm thuốc bắc Hợp-Hưng của bố Nga có đủ mọi loại thuốc xoa bóp. Ông lang Hợp-Hưng bố của Nga người bệ vệ, dáng khoan thai, sau khi nghe chuyện, không trách mắng gì Tuyển và Nga, còn xuýt xoa khen Tuyển can đảm bênh vực cho Nga, rồi đổ ít rượu ngâm vào khuỷu tay Tuyển để xoa bóp. Mùi thuốc bóp cay nồng, hăng hắc xông lên mũi. Rồi ông chỉ những chiếc keo thuỷ tinh to tướng đựng ô-mai và táo tầu ở trên quầy:- Thích cứ lấy mà ăn cháu nhé.Tuyển lắc đầu, lòng vẫn chưa nguôi ngoai nỗi lo tiền học phí chưa trả nhà trường. Nó ngửng mắt nhìn lên trần nhà, chiếc hoành phi to lớn bằng gỗ trắc cẩn xà cừ với những chữ tàu chi chít treo ngang lối ra vào. Bên ngoài sân xi-măng, cây dương liễu với tàn lá màu vàng đốm xanh mềm mại bao phủ cả một khoảng vườn, cái ghế xích đu để góc sân dưới bóng giàn bông giấy hoa trắng đỏ. Một lúc sau, ông lang ở nhà trong đi ra, khẽ ngồi xuống bên cạnh Tuyển:- Ðừng lo. Ðể ít bữa bác lên trường đóng giúp học phí cho cháu, rồi lúc nào có, bố cháu giả lại bác cũng được. Thỉnh thoảng đến đây chơi với cái Nga, cháu nhé!Nga kéo Tuyển ra ngồi trên ghế xích đu. Con bé xoa xoa vào khuỷu tay xưng vù của Tuyển:- Bọn thằng Minh Cỗi là vua bắt nạt. Sao hôm nay Tuyển gan thế?Thằng bé gượng cười nhìn lên ngọn cây dương liễu:- Tuyển đâu có gan. Tại nó xé vở Nga... Ðứa nào đụng vào Nga là Tuyển cho nó một trận.Hai đứa trẻ im lặng một lúc. Có tiếng chim sẻ líu lo trên cành bông giấy. Nhớ ra điều gì, Tuyển hỏi Nga:- Ðàng sau nhà Tuyển có đàn chim chào mào làm tổ trên cây tu-ma. Tuyển nhờ bố làm cho Nga cái lồng nuôi một con chào mào ớt, Nga thích không?Cái Nga nhoẻn cười má lúm đồng tiền trên khuôn mặt tròn xinh:- Nga thích lắm.- Chỉ cần cho nó ăn ít thóc hay ít bột ngô. Chim chào mào hót hay lắm. Cứ tối đến nó lại hót ru cho Nga đi ngủ.Im lặng một lúc. Tuyển ngập ngừng hỏi:- Nga này... Bố Tuyển là người nghiện hút, Nga có sợ không?Cái Nga lại cười:- Không. Bố Tuyển hiền lắm. Bố Nga bảo ngày xưa bố Tuyển là con nhà tử tế.Rồi nó lảng chuyện:- Tuyển nhớ mang chai rượu thuốc về bóp tay đi. Mai về học đợi Nga với nhé!