Vào lúc Tình sầu dứt, những tiếng vỗ tay của người trong quán nổi lên rào rào. Người đàn ông râu tua tủa ngồi ở bàn chỗ dưới gốc cây si rễ lòng thòng bỗng khóc thút thít lên như trẻ con:
- Đừng hát nữa em ơi, nhạc Trịnh mà qua giọng hát của em thì cầm bằng giết chết anh đi còn hơn.
Cô gái không trả lời, thoáng nơi môi một nụ cười, những búp tay thon gẩy tiếp một khúc dạo đầu khác. Tình nhớ. Người trung niên ngồi đối diện cô e hèm dọn giọng, như thể sẽ là anh chứ không phải cô hát. Mắt người trung niên này ấm, kiểu mắt của những người đàn ông có trong tim lửa của tình yêu thương đồng loại, và luôn sẵn trong lòng một sự cảm thông thế thái nhân gian. Người rậm râu vẫn còn như tâm trạng lắm, ông ta dốc cạn vào cổ họng rượu màu vàng cam từ cái ly chân cao, quên cả chạm cho phải phép với những người xung quanh. Trung niên mắt ấm bất ngờ cất giọng, hóa ra anh ta hát thật... Ôi áo xưa lồng lộng, đã xô giạt trời chiều, như từng cơn nước rộng, xóa một ngày đìu hiu... Một đàn ông khoảng ba lăm tuổi ngồi ở góc cuối phòng với một thanh nữ khoảng hai lăm hai sáu gì đó cùng lúc nhún vai, khúc khích. Hẳn đôi người trẻ trung này không định đợi chờ những rong rêu và cũ xưa đến thế. Nhưng tiếng đàn và tiếng hát vẫn cứ cuốn lên, cuốn lên mải miết từng đợt miên man dường như là kỷ niệm, dường như gỡ lần khúc mắc, dường như tải lắm buồn vui quá vãng cuộc đời. Cô gái tóc ngang vai, mặt đẹp thanh tao và dịu hiền, đường nét nơi cô phảng phất buồn. Những lúc phiêu linh theo tiếng hát cảm thấy như cô hơi kiêu kỳ, và đầy bí ẩn. Kiêu kỳ và bí ẩn theo một kiểu tự nhiên nhất, từ bản chất, không màu mè tô vẽ. Vì thế mà trông cô không tuổi, với áo quần không thời gian, toát lên sự tự tại bất chấp luôn cả không gian.
Người ba lăm tuổi chắc lưỡi nho nhỏ, thanh nữ bên anh hít hà vì trái ớt cay. Áo hai dây với những đường cong thanh thản, làn da màu ngà, nét môi sẫm, thanh nữ có vẻ tiêu biểu cho một số cô gái là tín đồ của mode thời trang gợi cảm đương đại, hòa nhập rất nhanh với những gì hay lẫn không hay ho gì của thế giới. Cũng như anh bạn cô, chỉnh tề, đường bệ và chải chuốt, mang dáng dấp khá tiêu biểu những manager thế hệ mới đầy ắp một tương lai. Họ hiểu nhiều nhưng đôi khi không cảm hết chiều sâu và sức lan tỏa của sự việc. Cô gái hát với khuôn mặt đẹp nhưng buồn và dĩ nhiên khó thể sẽ hát cho họ nghe một bài cover nào đó đang thịnh hành, hay chí ít cũng một bản top ten nội địa bằng cây ghi-ta gỗ cũ, cho dù họ có thiện chí mở lời yêu cầu chăng nữa.
Hoài nhỏ, có ba phòng kể cả bếp, với một sân có hai cây to đeo dày đặc những xâu chùm gởi, hợp là một căn để ở hơn làm thành một cái quán, lại trong hẻm ngoắc ngoéo. Không có lấy một cây Organ hay một vài chiếc micro để hát với nhau theo mode quán xá ngày nay, không có dàn ampli khuếch đại những sóng âm ồn ào huyên náo nửa cổ nửa tân theo phong cách làng nướng, không có cả một màn hình tivi nhiều inch để biết bữa nay ai sút thủng vào lưới ai, hoặc ai đã thay ai làm tổng thống, không có dương cầm, thụ cầm và vĩ cầm sang trọng kiểu các phòng trà, không có cả thực đơn và những món đồ để bàn in tên hãng tài trợ nào đó cần được quảng cáo. Không có nhiều thứ. Chỉ có giọng hát khàn ngân rung xao xuyến của cô gái và tiếng đàn bập bùng, cùng với một khoảng trầm thanh đới dịu dàng của trung niên kia hòa theo phụ họa, nhưng ý chừng lại tương hợp trọn vẹn với rêu phong meo mốc, những mặt nạ bằng tre, những cây rễ, những vách ngăn không đường nét và những tường màu thời gian màu quá khứ được xây theo ngẫu hứng phá cách. Và khi mưa đổ xuống rì rào, không có cả những dù che xanh đỏ. Người ta ngồi nguyên dưới tán si dày mà uống, mà nhấm nháp, với nước mưa thỉnh thoảng tuôn xuống chảy ròng ròng trên đầu cổ. Những thức ăn dân dã quen tên. Người ta ít nói khi đến đây, có thể vì ngoài bôn ba đã phải nói và phải nghe quá nhiều.
Đến đây thường là những người đã phải biết quá nhiều. Đã phải trải quá nhiều. Trải qua và chiêm nghiệm, từ vinh quang cho tới cay đắng. Đã không chỉ một lần được (hay bị?) điểm mặt gọi tên vì cả tai tiếng lẫn nổi tiếng nơi các đám đông. Đến nỗi giờ đây với họ, đời và người chẳng còn gì là đáng để ngạc nhiên. Nếu có một giây phút nào đó bứt ra khỏi được những sân si trì níu, ý chừng là khi họ được khuây khỏa vô ưu nhất. Họ thèm được những buổi ngồi lơ mơ bên nhau, như không còn hiện hữu, trong mưa lờ mờ, chính bản thân cũng hóa ra nhạt nhòa, để quên đi thực tại. Vào những phút giây phi thực và siêu thoát như thế, tất cả ngang bằng với nhau và vô vi những khái niệm dùng để phân biệt ranh giới, chia ngôi thứ, đẳng cấp. Như một kiểu ngồi thiền đa tư thế. Thiền tập thể.
Cô gái lại hát.Cũng vẫn một bài xa xưa. Cũng vẫn khàn rung lịm người. Cổ cô vươn cao thanh mảnh, trắng ngần, lẩy bẩy những làn hơi run rẩy đi qua. Khóe môi như đang ngậm một nỗi đau mà hát. Trung niên đứng dậy, mắt ấm nhìn vào mưa như không nhìn vào đâu. Hóa ra anh là chủ quán này. Anh quay lại nói gì đó với những người bồi và khoát tay một vòng. Một món mời. Cho tất cả. Tôi mời đấy. Vâng, dĩ nhiên miễn phí. Món này nhâm nhi tuyệt diệu, nhất là dưới mưa thế này.
Cô gái ngẩng lên, cổ thêm rướn cao, mắt cô như ứa lệ. Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ, ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa... Thanh nữ mặc áo hai dây mỉm cười, nụ cười ngây ngô. Bạn trai của cô ta giơ tay ra dấu xin cho một đôi nến. Góc này đèn lù mù, tối quá. Nhạc gì mà buồn, đời đâu đây vẫn đẹp lắm chứ. Đời với hai đứa tôi là màu hồng. Không có gì phải phàn nàn. Thất tình nghĩa là sao, chúng tôi yêu nhau, cho đi và được nhận lại, sang năm đủ điều kiện thì cưới. Lúc ấy sẽ mời tất cả các vị tới dự nhé, chịu không. Sự viên mãn đạt thành chảy tràn trên khuôn mặt giám đốc trẻ và bờ vai trần của cô bé trong ánh nến. Cô gái hát nghiêng người hất một món tóc vừa đổ xuống. Ông rậm râu bưng ly rượu qua mưa đi tới:
- Uống với anh một ly, em.
Cô ngừng hát cầm ly, uống cạn. Ông ta có vẻ đã rất say, mắt đỏ vằn lên, da bì bì mòng mọng, không hiểu say rượu hay vì nỗi buồn. Em đẹp. Ông ta nói mà không nhìn cô thiếu nữ. Có lẽ ông say còn cả vì nhan sắc. Ông trở về bàn mình, theo quán tính đưa tay cụng với những người khác bằng cái ly đã hết.
Món chiêu đãi được dọn ra cho mỗi bàn. Bàn năm người phụ nữ nghe à lên xuýt xoa.?n như thế nào, bánh tráng này dùng để làm gì, xúc hến ăn ư. Người phụ nữ trẻ nhất bật cười thích thú, tôi chưa bao giờ được ăn món này. Nói rồi quay ra cửa như ngóng ai. Người phụ nữ già ngượng ngùng, tôi cũng chưa ăn, nhưng có nghe người ta nói, ừ, có mấy thuở được đi ăn hàng ăn quán đâu. Người phụ nữ mắt nâu bảo tôi không ăn, tôi có người yêu đầu đời quê ở Hội An, vì một kỷ niệm gắn với cái món này mà mẹ anh ấy đã không chịu ưng tôi. Người trẻ nhất háo hức, chồm mình qua chiếc ghế trống kế bên, chuyện thế nào, chị kể nghe được không. Người mắt nâu lắc đầu, qua lâu rồi, bây giờ đã cũ quá rồi còn kể làm gì. Cũ mà không quên được thì càng hay. Thôi mà, bỏ qua đi. Người phụ nữ mập tròn giơ đũa, món này ngó ngon mắt quá, người ăn kiêng có ăn được không. Người phụ nữ gầy nhỏ áo hoa cà ngồi nơi cửa sổ âu yếm nhìn hoài người trẻ nhất, nhưng không nói gì.
Những người đàn ông không bình luận mà im lặng uống. Họ không phải tới đây lần đầu. Đôi tình nhân đẹp đôi trong góc níu người đàn ông chủ quán, chúng tôi muốn xin cart-visit, để còn giới thiệu cho bạn bè tới. Cám ơn ý tốt của anh, nhưng chúng tôi không có thứ ấy, chủ quán đáp. Không có danh thiếp, vì không địa chỉ, và không có cả điện thoại. Giám đốc trẻ ngạc nhiên, ông không định làm giàu sao, quán ông có phong cách riêng lắm, phải khuếch trương lên cho nhiều người biết chứ. Đôi mắt chủ quán nhìn đi đâu, hình như tôi không cần những điều ấy.
Có tiếng một ai đó lao xao ngoài cửa, gần như tất cả nhìn ra. Người đàn bà không rời khỏi chiếc xích lô, ngượng nghịu quay đi. Đứa trẻ con bối rối đi vào. Ba. Nó đến bên, người đàn ông trung niên ngồi thụp xuống ghế và giơ tay kéo nó vào lòng. Cái nhìn của anh dịu dàng và những vuốt ve dành cho đứa nhỏ cũng quá đỗi dịu dàng như thế. Vài tiếng phụ nữ trong bàn năm người xuýt xoa khen vẻ ngoài xinh xắn của đứa nhỏ. Linh ơi, mưa to đấy. Tiếng bà mẹ ngoài xe vọng vào ý chừng sốt ruột. Con phải về, đứa bé sụt sịt khóc. Anh bần thần một lúc rồi sực nhớ ra, đến chỗ quầy và nhanh chóng trở lại với một nắm tiền, không đếm, dúi vào tay con bé, và anh cuống quýt hôn con. Đứa nhỏ thút thít khi cầm tiền. Tháng sau ngày này con lại tới, con bé bối rối vuột ra. Ừ, ba sẽ chờ. Con và mẹ cám ơn ba nhiều lắm. Câu nói như trích trong một bài thuộc lòng. Con... con nhớ ba lắm... Câu nói nghẹn ngào bởi thật. Linh. Tiếng người mẹ thanh thanh dóng dả. Cô bé gái òa lên khóc. Con nhớ ba không thể kể nổi. Mưa bỗng như trút nước. Thôi con về đi, ông bố ngậm ngùi, thảng thốt. Nghiêng mình che khi đưa đứa bé ra ngoài sân nơi chiếc xích lô.
Không ai nói lời nào còn ông rậm râu lại đi qua mưa với cái ly đầy chất lỏng sóng sánh màu vàng cam. Uống đi. ánh mắt người đàn ông chủ quán buồn sâu sắc khi ông ta nâng ly lên môi. Có tiếng thở dài đâu đó. Rồi bất ngờ tiếng ghi-ta lại trỗi lên, thổn thức. Tưởng chừng như người chủ quán trung niên sẽ bật khóc, nhưng không, mắt anh vẫn khô khốc.
Vì mưa quá lớn nên bàn của bốn người đàn ông đành phải dời vào trong. Khi tiếng ghi-ta đã dịu đi thì người đàn ông đeo kính bắt đầu đọc thơ. Hình như thơ của chính anh. Thơ tình. Thế gian có lẽ chung quy cũng nặng nợ một chữ tình, ông rậm râu đúc kết. Người đeo kính đọc không hay, giọng anh rè rè như đã được tẩm liên tục từ nãy đến giờ cả trăm điếu thuốc lá. Nhưng bài thơ được anh chọn đọc thì thiết tha và hợp với cảnh đến nỗi làm xao xuyến tâm can gần như tất cả. Người phụ nữ gầy áo hoa cà ứa nước mắt, nước mắt trong trẻo ấy làm chị trông mềm ra như một vị nữ tu một sớm mai bất ngờ nhặt được đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi khóc oe oe nơi cổng tu viện.
" Không thể hiểu được", người nam tình nhân ngồi trong góc quán lẩm bẩm. Những con người này giống như đang lùi về một khoảng không gian nào xa biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Nơi người ta đến với nhau không bằng cách gõ vào bàn phím vi tính để nối mạng tìm nhau với những user name đại diện cho các cá nhân. Nơi người ta nhắc về điện thoại di động không nhiều hơn nhắc về những câu thơ và những lời cảm thán không bỏ dấu qua chức năng nhắn tin. Nơi tiện nghi nhất là không còn một tiện nghi nào để khỏi phải vướng bận. Nơi bổn phận và trách nhiệm không bắt buộc phải được thi hành. Như có một vòng voan mỏng vô hình phủ lên quanh họ, êm dịu, tựa như sương, cách ly và miễn nhiễm họ khỏi những bon chen, đấu đá, ganh ghét. Bởi đã quá mệt mỏi, quá bận rộn, quá vướng víu, quá ràng buộc, với trăm ngàn thứ linh tinh khác nhau có tên lẫn không tên, choán chỗ đầy ắp những phần của tâm trí và cơ thể, nhân danh cái gọi là cuộc sống.
Người phụ nữ mập tròn lại chợt bật cười vì một cái gì đó, đôi má bầu bầu của chị hồng hào lên vì thích thú. Vậy mà lúc bước vào đây, trông chị ủ rũ như chiếc bắp cải héo mùa sụt giá năm trăm đồng một cân. Người phụ nữ mắt nâu rụt rè đề nghị cô gái ghi-ta đệm cho chị một ca khúc quen. Giọng chị run rẩy và nhỏ, yếu. Chị hát một bài về biển và sóng. Ở những khoảng ngân chị như hụt hơi. Sao không hát về Hội An, người trẻ nhất trong bàn nói. Tôi không biết gì nhiều về Hội An, dù cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa quên được người xưa, mắt nâu thành thật. Người trẻ nhất lan man, nếu yêu ai chắc em yêu cả con đường anh ấy tình cờ đi qua dưới chân, cả ngọn cỏ anh ấy dẫm đạp lên, đừng nói là quê hương anh. Mắt nâu thì thầm, thì tôi cũng đã muốn thế, nhưng rất tiếc, tôi không được yêu bởi mẹ anh. Người phụ nữ già có vẻ không thú vị những chuyện liên quan đến đàn ông. Trông chị như một bà giáo trường làng ngay ngắn, khuôn khổ, sống lâu lên hiệu trưởng, không quan tâm gì nhiều hơn chính cái trường làng của mình. Người trẻ nhất lại kín đáo quay ra cửa, vẫn vẻ trông ngóng. Người phụ nữ gầy tất nhiên không hề bỏ qua chi tiết nhỏ nhưng quan trọng kia.
Người đàn ông có những ngón tay gầy guộc ở bàn bên bỗng đứng lên, mặt anh ta đỏ gay, mặt của người có độ cân bằng trong cơ thể yếu, loại người uống không được nhiều. Biết vậy nhưng anh ta vẫn uống. Chính khi mất cân bằng người ta dễ cảm nhận cuộc đời một cách trọn vẹn hơn. Như một quả lắc, lúc đánh nghiêng qua một phía, người ta nhìn lại bản thân khi đang an nhiên tự tại. Thấy có nhiều chỗ hụt, nhiều khoảng chênh, biết mà không thể bù lấp. Theo anh ta, thỉnh thoảng cũng nên ngã ra để nhìn về sự thiếu hụt ấy cho bớt vênh vang, xênh xáo, bớt đi những ảo tưởng dù số phận có đặt ta vào chiếu trên thiên hạ. Ngược lại, cũng chính sự mất cân bằng cho ta thấy chính ta đã từng đủ gan giữ mình, thay vì hư hỏng, để bớt những tự ti nếu ta có bị số phận dập vùi, ghẻ lạnh. Anh ta quay sang cô gái, xin cô vui lòng cho tôi nghe bài Lữ khách sang sông. Những ngón tay gầy của anh cầm ly rượu mời cô gái run run. Rượu hỗ trợ mà xem ra anh ta cũng không lưu loát hơn trong khoản giao tế với người khác phái. Xin lỗi, nhưng tôi không biết bài hát ấy, cô gái thật lòng. Còn tôi thì biết mà không thể hát. Nếu anh muốn xin hãy chọn bài khác... Không, với tôi chỉ một bài hát ấy là hay.
Anh ta vung tay lên trước khi ngồi xuống. Có lần tôi đã vẽ bài hát đó các vị có biết không. Mày say rồi. Ông rậm râu gạt đi. Say cái gì, tôi vẽ thật đấy, vẽ một cô gái cũng đẹp mà buồn như cô này, ngồi trên một con đò, chờ chở khách sang sông. Một ngày mùa đông đấy nhé, xám ảm đạm, lạnh run cắt da, nhưng thiếu nữ trong tranh lại chỉ phong phanh manh áo mỏng, tím bầm thịt da. Lữ khách không đến, còn mải ruổi dong nơi đâu. Đàn bà nói chung phải biết kiên nhẫn chờ đợi đàn ông... Mày đang nói hay rượu nói. Ông rậm râu quát tháo. Có chỗ tôi nói có chỗ rượu nói. Ông rậm râu bật cười, biết thế thì tốt rồi, mà đàn bà như con vợ mày đời này thiếu cha gì, có quái gì đâu phải tiếc. Cứ cho nó theo trai, giải thoát. Anh câm đi, anh say thì có, thứ nó tôi tiếc mẹ gì. Hai người đàn ông chửi nhau, và cụng ly muốn vỡ. Tha thứ đi, tha thứ hết. Người trung niên chủ quán giọng trầm bỗng cất tiếng. Có lúc tôi còn muốn giết người, nhưng rốt cuộc lại quay ra giết mình. Có lúc muốn chết, thế mà vẫn nhăn nhở sống. Có lúc là chỗ dựa cho người ta, nhưng cũng có khi ngã sấp mặt xuống bùn không ai hay. Có lúc khinh bỉ nhếch môi, rồi có khi lại phải quỳ xuống để tạ ơn đời. Tha thứ đi, đời người ngắn lắm. Tha thứ. Người tay gầy mỉm cười. Dĩ nhiên là tha thứ chứ. Yêu thế nào thì tha thứ thế ấy. Yêu nhiều độ lượng nhiều. Mà đàn ông rộng lượng, có khi vớ phải con đàn bà ti tiện nhỏ nhen, đã biết là chẳng đáng, vậy mà vẫn cứ yêu cứ tiếc nó như dại như điên. Xin lỗi các bà các cô ở đây, là tôi không ám chỉ ai trong số các vị đâu. Đừng ai chấp nhất kẻ say. Người ba lăm tuổi bỗng rời góc quán, đem đến ly của mình và xin được làm quen. Tôi nhận ra anh ta rồi, tranh và ảnh của anh thấy in trên tờ nhật báo sáng nay. Anh là họa sĩ Z. phải không, tên anh ai mà chẳng biết. Thế ư, thế ư. ảnh ấy trông có giống cái thằng tôi bây giờ không. Thú thật là trong ảnh trông anh... đẹp và lịch sự hơn. ừ thì uống mừng những thằng không đẹp, lại cũng không lịch sự. Chỉ ông vuông vức ngồi bên, anh ta ề à, ảnh của cái thằng này nó chụp tôi đây. Ông vuông vức mỉm cười hiền hòa, lẽ ra phải chụp ảnh hắn đúng ngay lúc này. Say bét nhè, trông hắn sẽ thật hơn, phải vậy không.
Nơi cửa, gã trai tóc dài rũ mái cố không làm ai chú ý khi anh ta xuất hiện, nhưng những người phụ nữ vẫn biết, và tíu tít mừng rỡ. Khuôn mặt đẹp đẽ và tươi tắn như thiên thần của anh ta ướt đẫm nước mưa. Nhẹ nhàng vắt cái áo mưa lên vách, anh ta đi đến bàn năm người đàn bà, gật đầu và ngồi xuống cái ghế trống bên cạnh người trẻ nhất, mỉm cười hết sức dễ thương. Những người đàn bà hoan hỉ nhìn anh ta, rồi, ân cần và sốt sắng chuyển đến trước mặt anh khăn để lau mặt, ly và rượu để uống, đũa và chén. Người đàn bà lớn tuổi nhất trách yêu, mọi người chờ muốn nản luôn, con tới trễ gì đâu. Người trẻ nhất mỉm một nụ cười thật tươi, ánh mắt có phần tôn thờ si mê, nhưng điệu bộ và lời lẽ của cô thì như đang cố khẳng định quyền sở hữu, uống một hớp cho ấm bụng đi, anh yêu dấu. Người gầy áo hoa cà triều mến, lau mặt đã chứ, cậu em, ướt quá đi thôi, biết không, con nhỏ sốt ruột trông em mãi. Người mắt nâu lấy ra một chiếc lược nhỏ màu nâu đưa tới, chải đầu nè cưng, trời ơi, mưa vầy mà tới được là quý lắm rồi. Người mập tròn gắp thức ăn ê hề vào chén, âu yếm giục, ăn đi cậu bé, ăn đi để sống... Đúng lúc ấy, cô gái ôm ghi-ta lại so dây. Có lẽ vì ngồi quay lưng lại và mải chìm đắm với chính mình, nên cô không biết được người ta đang hoan hỉ và săn đón nhau dường kia.
Vào lúc giọng cô vút lên, người trai mới đến giật mình thảng thốt. Trời ơi, Thiên Di. Có phải là em không. Thiên Di như điếng người khi bị gọi tên, quay lại nhìn anh ta, lập tức tái xanh hoảng hốt. Luống cuống, trật trẹo đứng lên, cô gái lẩy bẩy buông rơi chiếc ghi-ta gỗ. Người trung niên chủ quán thấy thế vội bước tới bên cô như để chở che, rất từ tốn, anh cúi xuống nhặt cây đàn lên. Lách qua đôi vai rộng của anh, chật vật chụp lấy đôi nạng để dựa tường ngay gần đó, cô gái luống cuống lao ra mưa. Đứng lại, Thiên Di. Gã trai gào lên. Anh đi tìm em suốt bao năm nay. Em vẫn không tha thứ cho anh sao. Anh ân hận vô cùng em có biết không... Y như một xen phim diễm tình những năm sáu mươi, ông rậm râu đờ đẫn buột ra, trong khi anh họa sĩ bỏ vợ hoặc vợ bỏ giật mình nghiêng ly đổ hết cả rượu vào cổ áo anh nhà thơ.
Khuôn mặt Thiên Di chan hòa nước, và mưa xối tuôn trên đầu tóc, quần áo, chân tay, nhưng cô mặc kệ. Gã trai lao theo ra sân, nhưng cô đã gạt hất vòng tay gã ra, quyết liệt đến nỗi một trong hai chiếc nạng sắp ngã xuống. Bằng một sức lực có lẽ phi thường, cô bậm môi lấy lại thăng bằng rất nhanh chỉ với chiếc nạng còn lại, và, tiếng cô vang lên rành rọt mạnh mẽ trong mưa, như nói cho tất cả mọi người lúc đó đang lặng đi theo dõi cùng nghe. Để cho tôi yên. Anh đi đi. Tôi không bao giờ muốn nhìn thấy mặt anh. Người kia nhìn cô, sững ra, không biết phải làm gì. Người đàn bà gầy áo hoa cà bỗng đứng phắt lên, tay giữ cao vô thức như chuẩn bị giáng cho ai cái tát. Người phụ nữ mập tròn miệng khoanh một vòng chữ O trước tình thế gay cấn. Đôi tình nhân trong góc cùng ngỏng cổ lên, như đang đứng giữa một đám đông hiếu kỳ xúm xít xem người ta đóng phim. Lúc đó, người chủ quán bình tĩnh để cây đàn lên bàn rồi bước ra mưa, mạnh mẽ và quả quyết, anh ẵm xốc cô gái đưa vào trong, và đặt lên ghế, gọi bồi mang tới một chiếc khăn khô. Dịu dàng, anh cẩn thận dùng khăn lau nước mưa cho cô, như gượng nhẹ, vỗ về. Cái vẻ gượng nhẹ vỗ về gợi liên tưởng đến nỗi dịu dàng anh đã dành cho đứa nhỏ con gái của anh ban nãy. Cô nức nở, gục đầu vào vai người trung niên. Mọi người cứ nghĩ mà coi, nỗi đau thể xác lẫn tinh thần còn nguyên đó, dù có qua năm tháng vẫn không phai, hỏi em làm sao có thể nhìn mặt hắn chứ. Lời cô đứt quãng... Thôi nào, đừng khóc, Thiên Di. Đừng khóc. Tha thứ hết đi em.
Gã trai tóc dài trở vào từ mưa, đứng nhìn, tay xuôi, vai xệ rũ, mãi gã cũng không biết phải nói gì...
Từ sau đêm đó, Thiên Di không bao giờ trở lại Hoài nữa. Cô là một cô gái hát rong, không ai biết quá khứ, rày đây mai đó, lang thang đàn hát kiếm chút thù lao độ nhật qua ngày, tùy lòng hảo tâm của người đời. Đêm ấy, cô đã nằng nặc ra về ngay dưới mưa, không cho bất kỳ ai đưa tiễn. Bất chấp người chủ quán khuyên giải can ngăn, bất chấp anh họa sĩ tay gầy bàn ra, bất chấp ông nhà báo vuông vức nói lời phải trái. Dù thế, gã trai có khuôn mặt thiên thần nọ vẫn cứ lén lút bám sát theo sau cô gái, ngay khi cô vừa rời quán.
Cũng đêm ấy, những người trong quán đã được chứng kiến cơn say ngất trời của một cô gái khác: người trẻ nhất của bàn năm người phụ nữ. Cơn say có màu sắc bình thường, như mọi cơn say bí tỉ bất kỳ, nhưng có khác về yếu tố bi lụy, là bởi người say trong lúc không kiềm chế nổi đã có cười có khóc, có nói năng văng mạng tí chút. Sự cảm thông đã lên đến đỉnh điểm khi tất cả bốn người phụ nữ còn lại trong bàn đã hè nhau cùng uống đến say túy lúy, uống cho cái gọi là vứt hết. Và người phụ nữ lớn tuổi nhất đã thở dài bảo rằng chị rất tiếc khi thấy quan điểm của mình về đàn ông trong tình huống này đã đau đớn đúng. Thế nhưng, ông rậm râu bực tức phun phè phè nước miếng, chả biết thằng con trai ấy đã làm gì cô ta trong quá khứ, chỉ chắc chắn một điều: nó có phải là tất cả bọn đàn ông đâu.
 

Xem Tiếp: ----