Nan-in, một thiền sư Nhật bản dưới thời Minh Trị (1868-1912), ngày kia tiếp một giáo sư đại học đến hỏi Thiền. Nan-in pha trà, ông rót trà đầy chén của khách, rồi vẫn tiếp tục rót. Vị giáo sư nhìn nước trà chảy ra ngoài cho đến khi ông không thể tự kiềm chế được nữa bèn nói: "Chén đầy rồi!" Nan-in trả lời: "Như chén trà kia, trí ngài đầy cả những ý tưởng, những suy luận thuần lý riêng tư. Làm thế nào tôi có thể chỉ Thiền cho ngài, trừ phi ngài đã đổ sạch trà trong cốc của ngài ra?" (°) Lời bình của Tung Sơn Một bạn đọc lời bàn bạc thô thiển và quê mùa của ta xong trách: "Lối bàn của bác thiếu tôn kính. Đối với ngôn từ của những bậc cao minh hiền giả ngày xưa, làm sao bác lại dám đùa cợt, phê bình phóng túng như vậy?" Ta ngửa mặt nhìn trời cười to mà không nói, không phải vì học đòi các vị thiền sư, nhưng vì thấy người đang giận, sợ trả lời ngay thì đâm ra cãi vả vô ích. Ôi! ta nghĩ chuyện thiền là những thí dụ điển hình, có thể dùng làm khởi điểm để suy nghĩ về một số vấn đề căn bản ở đời, và tuyệt nhiên không có tính cách thần bí, linh thiêng. Thế thì bổn phận của người bàn không phải là tán dương suông, không phải là thổi vào rún các vị thiền sư để những chiếc bụng xẹp lép vì ăn uống thanh đạm của các ngài phùng to một cách không đẹp và vô ích. Ôi mọi chuyện ngụ ngôn đều hạn chế và diễn tả một chân lý tương đối. Khư khư bám chặt vào chúng là một chuyện khôi hài vậy. Cho nên khi tuyên bố "Ta vốn không nói lời nào" (ngã bổn vô ngôn), đã đành đức Phật muốn nói là những điều Người đã dạy cho đệ tử không đáng kể gì so với những điều Người chứng ngộ, nhưng một đàng người cũng muốn ngăn ngừa tinh thần giáo điều chấp chặt vào kinh điển, trở ngại lớn lao cho hạnh tinh tấn. Chuyện thiền trên đây nhằm đả kích chủ nghĩa giáo điều hẹp hòi và tinh thần cố chấp thường gặp ở những người trí thức vậy. Ôi! cũng như chén trà đầy nước, một khi chúng ta đã nô lệ thành kiến, giáo điều rồi thì làm sao chúng ta có thể đối thoại một cách hữu ích với người khác. Nhưng có người sẽ hỏi: "Câu nói của vị thiền sư há không thể ứng dụng cho chính ông ta hay sao? Dựa vào đâu mà ông cho là những tư tưởng của chính ông là đúng? Và liệu thiền sư lại không phải đổ sạch trà ra khỏi chén của ông ta sao?" Câu hỏi hoàn toàn chí lý và chính đáng. Câu nói của vị thiền sư cần phải được xem như là lời cảnh cáo cần thiết cho một cuộc đối thoại đích thực nghĩa là một cuộc đối thoại nhằm đi tìm sự thực, trên cơ sở luận lý. Chính vì vậy mà đạo Phật đề cao tinh thần phá chấp và hỉ xả: không bám chặt những tư tưởng của riêng mình và luôn luôn hoan hỉ đón nhận những tư tưởng đúng đắn, tốt đẹp của người khác. Do đó, yêu cầu mà vị thiền sư đặt ra cho khách, ngài vẫn thường xuyên đặt ra cho chính mình nếu ngài không chối bỏ tinh thần hỉ xả mà bất cứ người Phật tử chân chính nào cũng phải thực hành. Hình ảnh chiếc chén không, như vậy, diễn tả tinh thần hỉ xả, sẵn sàng chấp nhận chân lý bất cứ đến từ đâu. Và những kẻ ăn nói hồ đồ, không dám nhìn sự thực và lý luận trên những dữ kiện khách quan đúng đắn, chỉ đáng làm trò cười cho thiên hạ vậy. Tung Sơn (°) Dịch thoát theo quyển "101 chuyện Thiền" ("Zen flesh, Zen bones") do Paul Reps soạn.