Gió khẽ lùa vào căn phòng mờ ảo. Đã ba giờ sáng. Không ngủ nổi. Một đêm giống như nhiều đêm khác. Hà Nội đang bắt đầu chuyển mùa. Hơi thu lành lạnh, dễ chịu.
Tôi ngồi bật dậy, với tay bật công tắc đèn. Trên bàn, cô bé quàng khăn đỏ mở to đôi mắt trong veo nhìn tôi không chớp. Có lần, một anh bạn đến chơi, gặp khi tôi đang ôm con chó bông, anh liếc nhìn quanh, bảo:
- Đã đến lúc em phải vứt hết lũ chó mèo búp bê này đi rồi.
Nhiều khi tôi băn khoăn nghĩ không biết đến bao giờ mình có đủ tiền để mua một ngôi nhà thay vì sắm những đồ vật bé bỏng và có vẻ như vô dụng này. Năm tháng qua nhanh trong căn phòng cũ kỹ ở khu tập thể dột nát mà tôi thuê đã khá dài hạn.
Ngày mai, sinh nhật chị Thanh. Không còn tiền để mua tặng chị, dù là món quà nhỏ nhất. Có thể chị chỉ cần tôi về là đủ, nhưng tôi thấy buồn cứ nghĩ mãi những ý nghĩ không đầu, không cuối. Tôi thức đêm thường xuyên và thấy đêm chẳng dài chút nào. Bình minh trên thành phố thường là chẳng có gì đáng chú ý.
Chỉ khi trời buổi sớm trong lành đến rợn người làm tôi ngây ngất, bồn chồn, đứng ngồi không yên. Những giây phút ngắn ngủi ấy qua đi nhanh chóng, ngay sau khi nắng bắt đầu trải những tia mỏng manh xuống mặt đất, những tia sáng hầu như chưa có màu sắc rõ rệt nào.
Chiếc xe lắc lư nghiêng ngả trên con đường xuống bến phà. Đoàn xe chờ qua sông dài hàng cây số. Tôi lội ra tận mép nước, dè dặt khua chân vào dòng phù sa đục ngầu, cuồn cuộn chảy. Nước từ những con lũ trên thượng nguồn dồn về, cuộn xiết, đập vào hai bắp chân, kéo đi một cách cuồng loạn. Con phà trôi xuống cách bến hơn năm trăm mét, ì ạch tiến vào bờ. Tôi thoáng nghĩ đến dải đê, cánh đồng xanh mướt đang thì con gái, thơm phức một mùi hương quyến rũ....
Trời âm u, đôi lúc hé ra một chút rồi lại xám xịt. Lòng trời cao vời vợi, trải ra một màu mây xám buồn. Không khí u uất. Mọi người xôn xao về cơn bão.
Chị Thanh bật lên:
- Trang, em có nghe thấy tiếng kèn đưa đám không?
- Có - Tôi có mơ hồ, rồi xác nhận - Đúng rồi, ai vậy chị?
- Thằng An đấy. Nó chết rồi.
- Thật à? - Tôi sững lại, dường như lo lắng - Sao vậy?
- Người ta nói nó ngã xuống ao...
Thằng An chết. Không hiểu sao tôi cứ băn khoăn mãi. Không dám ra xem, tôi chỉ đứng ở cửa, nhìn đoàn người rồng kéo nhau về phía nghĩa địa.
- Đêm nay, thế nào cũng mưa lớn - Chị tôi nhìn trời bảo.
- Vâng, cùng lắm là đêm nay - Tôi nhắc lại, thẫn thờ nhìn dòng người trôi trong tiếng kèn trống não nề.
Tuổi thơ của chị em tôi gắn liền với ngôi trường cũ kỹ nằm ở ven thị trấn. Suốt nhiều năm liền, thằng An là nỗi hoảng sợ của tất cả lũ học trò. Không ai rõ nó đích xác bao nhiêu tuổi. Người bảo gần ba mươi. Khuôn mặt nó không có gì khác mọi người. Nó thấp, béo, tròn như củ khoai tây. Ngày nào nó cũng đón đường chúng tôi hoặc lảng vảng trong sân trường. Thấy nó xông vào lớp nào, con gái lớp đó chạy như gà phải cáo, nhất là những lớp lớn. Bọn con trai láo lếu thường xui nó đuổi theo con gái. Khổ sở nhảy tường, chui rào, lội ao, thậm chí trốn vào nhà vệ sinh của dân, bọn tôi khóc dở mếu dở, lo thắt ruột khi nghĩ đến nó. Những đêm trong sáng là những đêm nó đặc biệt thích đi săn lùng con gái. Chúng tôi sợ nó như sợ một con ma sống...
Chị tôi đi lấy chồng nhưng vẫn hay về sống với bố mẹ, đỡ những việc lặt vặt trong cửa hàng của ông bà. Mẹ tôi quý cháu hơn vàng, suốt ngày quấn quýt với chúng. Hai thằng bé giống bố như đúc, mắt tròn, đen láy. Chị tôi bây giờ gầy và xấu đi nhiều, trước kia, chị đẹp nổi tiếng trong vùng.
Chị nghèo, trước cũng có học trung cấp, về cơ quan đúng dịp thực hiện giảm biên. Chị Thanh hơn tôi khá nhiều tuổi, vì thế chị luôn là người lớn đối với tôi. Ngày tôi học lớp năm, lớp chuyên tập trung ở xa, cách nhà tôi mười cây số. Mỗi tuần, thứ bảy, chị Thanh đón tôi về, thứ hai lại đưa đi. Nhiều khi trời mưa, rét cắt thịt, đường lầy lên, ngập ngụa bùn nhão nhoét. Đứa bạn gái tên Lý, chẳng hiểu sao, quyến luyến tôi lạ lùng. Lần nào chị Thanh đến, nó cũng chực khóc:
- Trang, thứ hai đến sớm nhé!
- Ừ - Tôi thương hại nhìn bộ mặt thiểu não của nó - Thứ hai.
Đi xa rồi, tôi quay lại, thấy nó cúi xuống gạt nước mắt. Một dự cảm mong manh nào đó làm tôi thấy sờ sợ khi nhìn Lý khóc. Nhà nó nghèo, cách nhà tôi chừng năm, sáu cây số. Chẳng bao giờ chúng tôi tìm nhau, khoảng cách dường như lớn khủng khiếp. Kết thúc lớp học, chúng tôi khóc như mưa, và quả thật, không hề gặp lại. Tôi thường xuyên lôi tấm ảnh ố vàng của nó ra ngắm nghía, đau lòng tự hỏi: Lý bây giờ thế nào rồi nhỉ. Có một lần, duy nhất, tôi đã nhìn thấy nó, khi đang ngồi trước cửa nhà, giật mình vì nghe tiếng gọi thất thanh:
- Trang... Trang...
Tôi ngẩng lên, bắt gặp một con bé đen nhẻm, gầy nhom, đi chân đất, đang nhoài người đẩy chiếc xe thồ nặng trĩu. Người dắt xe đó có lẽ là bố nó. Nó ngây người, sững lại, nhìn tôi giây lát. Tôi ngồi im như hoá đá, không hiểu vì lẽ gì, không thốt ra được một lời. Người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ ngoảnh sang nhìn lướt qua tôi rồi tiếp tục dấn bước. Lý hấp tấp cúi xuống, gò người, đẩy chiếc xe kẽo kẹt. Thốt nhiên, tôi như bừng tỉnh, đứng bật dậy, lao về phía trước, nhưng những tiếng gọi đã không bao giờ thoát ra khỏi họng.
Nhiều đêm sau, tôi còn khóc vì sự lố bịch không sao hiểu nổi của mình lúc đó. Sau này lớn lên, tôi đi tìm và biết Lý phải thôi học từ năm lớp bảy. Không bao giờ tôi có đủ can đảm để bước về phía ngôi nhà người ta đã chỉ cho tôi...
Khi chị Thanh đi lấy chồng, tôi vẫn còn là một đứa trẻ. Mấy năm trôi qua, bấy giờ, chị hồn nhiên, nói cười luôn miệng, còn tôi buồn bã, cau có như một bà già. Có lần, tôi rủ chị đi chơi, thực ra là bắt chị rời bỏ đống công việc bề bộn mấy ngày. Lên thành phố, tôi dắt chị đi khắp mọi chỗ, nhìn nụ cười sung sướng của chị, vừa thương hại, vừa bất mãn. Cho tới lúc trước đó, chị chưa bao giờ đi đâu cách xa nhà quá ba mươi km.
Một buổi trưa, tôi đang vội, bỗng khựng lại vì bắt gặp âm thanh trong trẻo lạ thường của tiếng sáo trúc. Đó là một người đàn ông trung niên, khuôn mặt đờ đẫn, ngồi tựa vào bức tường cũ kỹ, xám xanh rêu phong. Cây sáo bé tí xíu, màu trắng ngà. Uyển chuyển trong đôi tay thô kệch đang khéo léo rung những nốt cao vút. Âm thanh mỏng mảnh, ngọt ngào một cách ma quái. Bỗng ông ta từ từ đứng lên, bước ra đường, xoay những vòng tròn nhẹ nhàng, yểu điệu. Hồi lâu, lại trèo phắt lên bờ thành cheo leo, nhún nhảy, đi lại, cây sáo vẫn gắn trên môi, réo rắt, nhặt khoan. Tôi đờ người vì sợ hãi và kinh ngạc.
Có hôm, không ngủ được, tôi ngồi bên bàn đến gần sáng, bỗng dưới đường vang lên tiếng sáo đơn độc, lẻ loi đến phát sợ. Tôi rùng mình nhớ lại ngày còn bé, những đêm mạo hiểm trốn trong bụi cây, nghe trộm thằng An thổi sáo. Chị Thanh đi hội Tiên La, tôi chỉ dặn một điều, nhờ mua giùm cây sáo. Nhưng đấy là thứ đồ chơi rẻ tiền và không bền mà người ta bán cho trẻ con, tôi đau đớn hiểu ngay ra điều đó.
Tôi và chị Thanh không giấu nhau điều gì bao giờ. Tất cả, từ đồ đạc, tiền nong, đến những ý nghĩ cũng gần như trở thành của chung. Nhiều đêm hè, hai chị em nằm trên sân thượng ngắm những chùm tinh tú của dải Ngân Hà và mơ ước, những điều ước rất bé nhỏ. Bóng tối êm ái cuộn lấy hai chị em, không gian sực nức mùi ngọc lan đêm vào thu. Bất ngờ, yên tĩnh bị loãng ra, xao động bởi tiếng u u kỳ lạ. Tôi ngạc nhiên:
- Gì vậy chị?
- Sáo diều! Diều của thằng An đấy. Nó mới làm xong, to lắm, bằng cánh cửa đại.
Tôi lắng nghe, thấy ngồ ngộ cái tiếng gió hút lúc bổng lúc trầm ấy. Thằng An có biệt tài thả diều và làm diều sáo. Diều của nó bao giờ cũng đẹp nhất, lên cao nhất và lâu rơi nhất. Bọn trẻ đam mãi không được, nó chỉ cần động tay vào, diều lên cao vút. Buổi chiều, thả xong, nó buộc dây vào cọc, ngồi xuống cỏ, ngẩng nhìn bầu trời xanh ngăn ngắt đang chìm vào bóng tối, thở dài một cái. Chẳng ai hiểu vì sao nó thở dài nhưng nhìn mặt nó lúc đó lành như cục đất.
Những đêm không trăng, người ta bảo tiếng sáo trúc vọng về từ nghĩa địa là của nó. Tôi liều lĩnh lần theo âm thanh mơ hồ, nửa hư nửa thực ấy, quả thật, thấy thằng An ngồi bất động trên nấm mồ cỏ mọc um tùm. Run rẩy nép trong bóng tối dày đặc đằng sau bụi cúc rậm rạp, tôi chỉ thấy đôi tay đen sì cử động uyển chuyển, nhẹ nhàng và những âm thanh réo rắt ma quái.
- Kỳ lạ thật - Tôi lẩm bẩm.
- Cái gì chứ? - Chị Thanh hỏi.
Tôi không trả lời. Trên đời có nhiều điều để kết luận như thế. Tôi có một bí mật mà suốt tuổi thiếu nữ không một lần đủ can đảm hé lộ cho chị. Tôi biết, hai ngôi sao lớn nhất ở chân trời phía tây không ngừng dịch chuyển lại gần nhau. "Đến một ngày, tôi nghĩ, chúng sẽ đứng cạnh nhau. Và khi đó, trong cuộc đời sẽ có một thay đổi...". Đến tận bây giờ, vẫn chưa lần nào tận mắt thấy hai ngôi sao ấy đứng cạnh nhau. Cũng không rõ sự say mê khám phá bị cuốn mất bởi cuộc sống bận rộn hay tại ở thành phố chẳng mấy khi nhìn thấy những ngôi sao.
Lý đã đi lấy chồng. Năm ấy, cô mới mười bảy tuổi. Tôi không đến chúc mừng cô, chỉ biết bố cô mất trước lúc rước dâu vài tiếng đồng hồ. Hôm ấy, tôi ngơ ngẩn suốt cả ngày, chẳng làm được việc gì. Buổi tối, tôi và chị Thanh đi bộ dọc đường phố nhỏ của thị trấn. Trong cái quán nước giữa ngã ba, một ông già gày gò, tiều tuỵ ngồi trầm tư, khắc khổ trong ánh đèn leo lét. Đột nhiên, ông cất tiếng cười cái giọng đùng đục, khàn khàn làm tôi giật mình.
- Bố thằng An đấy - Chị Thanh bảo - Thỉnh thoảng ông ấy vẫn vậy.
- Tại sao thế? Tôi thì thầm.
- Ông ấy bị nhiễm chất độc da cam từ thời xưa.
Hôm con đầu lòng của Lý tròn một tuổi, tôi biết nhưng không tài nào bảo được mình đến thăm Lý. Tôi sợ một điều gì, mơ hồ nhưng có thực, thực hơn cả tình bạn ngày thơ dại. Chị Thanh vẫn nhắc Lý bảo tôi khi đi chợ dưới đó, nhìn thấy nhưng không gọi.
-...Vẫn còn nhớ ngày sinh của chị cơ à? - Chị Thanh cười ngại ngần.
- Sao lại không? - Tôi tròn mắt nhìn chị nhận thấy bộ dạng chểnh mảng trong bộ quần áo ở nhà giản dị.
- Chị chẳng định làm gì đâu...
Tôi cúi xuống, lặng thinh, không muốn nhìn vào hai gò má hồng hào con gái đã kịp nhô cao, nhợt nhạt, trắng xanh.
Tôi ra đi sau hôm cơn bão vừa tan. Bánh xe lăn qua không để lại chút dấu vết trên con đường phía sau. Dẫu thế, bụi rồi cũng phủ lên tất cả.
Trời vẫn mưa dầm dề. Căn phòng của tôi ẩm ướt như không hề có mái. Nước ào ào hắt qua cửa trước, cửa sau. Lộp độp rơi xuống ở năm bảy chỗ dột. Tôi ngồi co ro, nhìn nước tràn trề, không hiểu phải làm gì, bất giác nhớ cồn cào ngôi nhà ấm áp của mình. Tiếng chị tôi như còn văng vẳng:
- Thị trấn bây giờ càng ngày càng to, người ta xây nhà vùn vụt. Nhưng đã có mấy nhà phải bán hết gia sản để mua một mảnh đất hẹp hơn, có nhà còn không đủ ăn nữa...
Tôi đứng dậy, lấy khăn chặn dòng nước, vắt ra ngoài, chợt nghĩ đó là một công việc thật vô nghĩa.

Xem Tiếp: ----