Đoàn Tử Huyến dịch theo bản tiếng Nga
Chương 1

Lời giới thiệu của Kiều Diệp: Hải âu Jonathan Livingston, tác giả Richard Bach, nhà văn nổi tiếng người Mỹ, xuất bản năm 1970, kể cho chúng ta về cuộc đời của Jonathan, một chàng hải âu: "Đối với hầu hết hải âu, ăn quan trọng hơn là bay. Nhưng riêng với Jonathan Livingston, niềm say mê bay lại lớn hơn tất cả mọi thứ khác trên đời". Vì thế chàng bắt đầu tập bay; bay với tốc độ cao, bay ở thế nhào lộn,... Nhưng Đàn Hải âu lại không thích chàng làm như thế, do đó chàng bị coi là nỗi nhục nhã, chàng trở thành kẻ bị Lưu Đày, bị bỏ mặc trong sự cô đơn, nhưng điều đó không làm chàng nản chí, vì sự thật là những con hải âu khác sẽ không bao giờ biết được vẻ đẹp và cảm giác vĩ đại khi bay.
Ở đây chàng Hải âu học được một điều: "Thiên Đường không phải là nơi chốn, mà cũng không phải thời gian. Thiên Đường là trạng thái khi ta đạt được toàn thiện”... Những hải âu luyện tập qua nhiều đời để đạt được sự toàn thiện. Nếu ở kiếp sống này ta không học thêm được cái gì cả, thì thế giới của kiếp sống sau sẽ giống hệt như thế giới này... Nhưng nếu ta học cách bay và ta luyện tập đủ tốt, thì ta sẽ ở trên cao hơn những bậc thang không có kết thúc để lên đến Thiên Đường, vì vậy đó chỉ là một bước tiến xa hơn. Bay ở đây được hiểu như là một cách nghĩ vậy... Ta phải nghĩ bản thân ta là một thực thể tự do vô hạn, ta tự do khỏi tất cả những Luật Lệ vốn chỉ trực ngăn cản ước vọng của bản thân ta”.
Richard Bach sinh năm 1936, vốn là phi công chiến đấu và thợ cơ khí máy bay. Ông là tác giả của mười một đầu sách, trong đó nổi tiếng nhất là Hải âu Jonathan Livingston (Jonathan Livingston Seagull) và Ảo ảnh: Những cuộc phiêu lưu của một nhà tiên tri bất đắc dĩ (Illusions: The Adventures of a Reluctant Messiah, 1977).
Tặng chàng Hải Âu Đích Thực đang sống trong mỗi một chúng ta
Phần thứ nhất
Trời vừa sáng, những tia nắng sớm mai đã dát vàng lên mặt biển êm đềm gợn sóng.
Một chiếc tàu đánh cá thả mồi quăng lưới ở cách bờ biển chừng một dặm; và khi biết được tin đó, Đàn Hải Âu hàng ngàn con đang đợi chờ bữa ăn sáng lập tức bay tới, để mỗi con, bằng sự khôn ngoan hay bằng sức mạnh, cố giành giật cho mình một suất điểm tâm.
Nhưng ở một nơi cách xa tất cả, cách xa bờ biển, cách xa con tàu đánh cá, có chú hải âu tên là Jonathan Livingston đang một mình tập bay. Từ độ cao một trăm thước, Jonathan buông thẳng hai chân có màng của mình xuống, nghểnh mỏ lên, vươn đôi cánh uốn hình cung lên phía trước và cố chịu đau giữ chúng trong trạng thái đó. Đôi cánh uốn lên phía trước làm giảm tốc độ bay, và chú chim hải âu lượn thật chậm, chậm đến mức hơi gió lướt qua bên tai chỉ còn nghe như tiếng ai đó thì thầm, và mặt biển ở phía dưới gần như bất động. Chú nheo đôi mắt, nín thở, toàn thân căng lên trong một niềm khao khát duy nhất: làm sao để uốn cong đôi cánh thêm dù chỉ là một chút, chỉ vài phân nữa thôi. Lông trên người chú dựng ngược lên, chú hoàn toàn để mất tốc độ và rơi thẳng xuống dưới.
Loài hải âu, như chúng ta đều biết, trong khi bay không bao giờ suy nghĩ và không bao giờ dừng lại. Dừng lại trong không trung đối với hải âu là một điều đáng xấu hổ, là sự sỉ nhục.
Nhưng Jonathan Livingston không xấu hổ. Chú lại vươn đôi cánh run rẩy uốn cong lên phía trước, cố gắng để bay chậm, thật chậm, và lại thất bại, lại rơi xuống dưới. Jonathan Livingston không phải là một hải âu bình thường như những con chim khác.
Phần lớn loài hải âu không muốn tìm hiểu gì thêm về việc bay ngoài những điều cơ bản cần thiết nhất: làm sao để bay từ bờ đi kiếm ăn rồi bay trở về. Đối với hầu hết hải âu, ăn quan trọng hơn là bay. Nhưng riêng với Jonathan Livingston, niềm say mê bay lại lớn hơn tất cả mọi thứ khác trên đời. Tuy nhiên chú cũng hiểu rằng, niềm say mê đó không được loài chim chia sẻ và thông cảm. Ngay cả bố mẹ của Jonathan cũng tỏ ra lo lắng trước việc chú suốt ngày đơn độc một mình, hàng trăm lần tập đi tập lại những đường bay chậm là là mặt nước. Chẳng hạn, Jonathan không hiểu tại sao khi lượn ở độ cao cách mặt biển khoảng nửa sải cánh thì chú có thể ở trong không trung lâu hơn mà đỡ tốn sức hơn. Khi đáp xuống, chú không thò chân xuống trước làm nước bắn lên tung tóe, mà chú ép sát đôi chân vào dưới bụng rồi trượt theo mặt sóng để lại sau mình một vệt dài sủi bọt. Khi chú thực hiện kiểu hạ cánh đó trên bờ rồi dùng bước chân đo khoảng cách của vết trượt để lại trên cát thì bố mẹ chú hoảng sợ thật sự.
- Tại sao, Jonathan, tại sao con lại như vậy? - Mẹ chú hỏi. - Tại sao con không làm như tất cả chúng ta vẫn làm? Tại sao con cứ bay là là sát mặt nước như thế? Đó là cách của lũ bồ nông! Tại sao con không ăn! Con trai của mẹ, con chỉ còn có lông với xương nữa thôi!
- Thưa mẹ, không sao đâu, con chỉ còn lông với xương cũng chẳng sao cả. Con muốn biết con có thể làm được những gì trong không trung, còn cái gì là không thể. Con chỉ muốn biết, thế thôi.
- Jonathan, nghe bố bảo này, - bố chú hiền từ nói, - mùa đông sắp đến rồi đấy. Các tàu đánh cá sẽ ít ra khơi, còn các loài cá bây giờ thường bơi trên mặt nước sẽ lặn xuống sâu hơn để trốn lạnh. Nếu con muốn học, thì hãy học về thức ăn và học cách làm thế nào để kiếm được nhiều thức ăn hơn. Học bay, tất nhiên cũng tốt thôi, nhưng con biết đấy, chỉ bay thì không thể no bụng được. Con đừng quên chúng ta bay là để mà ăn.
Jonathan Livingston ngoan ngoãn gật đầu vâng lời. Mấy ngày sau đó chú cố gắng làm như tất cả những chim hải âu khác, cố gắng hết sức mình, cùng cả đàn kêu lảnh lót, bay nháo nhác quanh các bến cảng và các con tàu đánh cá, tranh nhau từng mẩu thức ăn, bổ nhào lặn ngụp cướp từng con cá nhỏ, từng mẩu bánh mì con. Nhưng chú vẫn cảm thấy có cái gì đó không ổn.
“Như thế này thật vô nghĩa, - chú nghĩ và dứt khoát vứt lại con cá trích nhỏ mà vất vả lắm chú mới giành được cho một hải âu già và đói đang bay đuổi theo chú. - Đáng ra mình phải giành toàn bộ thời giờ để học bay. Còn biết bao nhiêu điều mình cần phải biết!”
Và thế là Jonathan Livingston lại một mình bay tập ngoài biển khơi, bụng đói nhưng lòng đầy sướng vui, hăm hở.
Jonathan tập trung nghiên cứu vận tốc bay, và sau một tuần lễ luyện tập chú đã thành thạo về tốc độ bay hơn cả các kiện tướng hải âu bay nhanh nhất trên thế gian này.
Bay lên độ cao một ngàn thước trên mặt nước biển, Jonathan Livingston bắt đầu bổ nhào xuống dưới, gắng sức vỗ mạnh đôi cánh; và chú hiểu ra tại sao loài hải âu xếp cánh lại khi bổ nhào. Chỉ sau sáu giây, chú đã bay với vận tốc bảy mươi dặm một giờ; với vận tốc đó cánh chim khi vỗ vào không khí sẽ làm mất đi sự ổn định của đường bay.
Chú lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng lần nào cũng vậy. Dù cố gắng đến mấy, dù đã căng dồn hết sức lực nhưng khi đạt đến vận tốc cao là chú không còn điều khiển được sự vỗ cánh.
Bay lên độ cao một ngàn thước. Phóng vọt lên phía trước, rồi chuyển sang thế bổ nhào, ra sức vỗ cánh lao thẳng đứng xuống dưới. Lần nào cũng vậy, đến một thời điểm nhất định, khi vẫy lên cánh trái của chú bỗng khựng lại, thân mình bị giật mạnh về bên trái; chú phải ngừng vỗ cánh phải để lấy lại cân bằng; rồi, như bị cuốn vào một cơn lốc không cưỡng được, chú lộn ngược qua vai phải và xoay tròn lao xuống dưới.
Dù đã cố, bằng mọi cách, nhưng Jonathan vẫn bị vấp trong cú vẫy cánh lên trên. Chú đã làm đi làm lại hàng chục lần, nhưng lần nào cũng như lần nào, khi vận tốc vừa vượt qua bảy mươi dặm một giờ là chú lại biến thành một khối lông dựng đứng mất điều khiển lao thẳng xuống mặt biển như hòn đá nặng.
Cuối cùng, khi đã ướt mèm đến sợi lông cuối cùng, Jonathan chợt khám phá ra toàn bộ vấn đề là ở chỗ: khi bay ở vận tốc cao cần phải giữ đôi cánh mở ra trong trạng thái bất động. Vỗ cánh cho đến khi đạt được năm mươi dặm một giờ, rồi sau đó giữ đôi cánh nằm bất động.
Jonathan bay lên độ cao hai ngàn thước và thử lại lần nữa: khi chuyển sang trạng thái bổ nhào, chú dương mỏ thẳng xuống phía dưới và xòe đôi cánh vỗ mạnh, khi đạt đến vận tốc năm mươi dặm một giờ, chú ngừng vỗ cánh. Điều đó đòi hỏi một nỗ lực ghê gớm, nhưng chú đã làm được. Trong mười giây, chú lao đi với vận tốc chín mươi dặm một giờ. Jonathan Livingston đã lập kỷ lục thế giới cho tốc độ bay của loài hải âu.
Nhưng Jonathan Livingston vui mừng với chiến thắng chẳng được bao lâu. Khi chú chỉ vừa chớm thoát ra khỏi trạng thái bổ nhào, khi vừa mới hơi thay đổi vị trí đôi cánh, lập tức chú bị cuốn vào một cơn lốc hung hãn không cưỡng được, chú lao xuống với vận tốc chín mươi dặm một giờ và tưởng như sắp nổ tung như một viên trái phá. Cách mặt biển không xa, Jonathan Livingston mất điều khiển và rơi tõm xuống mặt nước cứng như đá.
Khi Jonathan Livingston tỉnh lại thì trời đã về đêm, chú đang trôi bồng bềnh trên mặt biển đẫm ánh trăng. Đôi cánh tả tơi như đúc bằng chì, nhưng sự cay đắng của thất bại còn đè trĩu lên lòng chú nặng hơn gấp bội. Chú chợt mơ hồ cảm thấy một ước muốn là sức nặng đó sẽ âm thầm kéo chú chìm xuống đáy biển, và thế là tất cả sẽ chấm hết!
Khi Jonathan đã bắt đầu chầm chậm chìm vào lòng biển sâu thì bất chợt chú nghe thấy một giọng nói xa lạ âm vang ngay trong đầu: “Mình không còn lối thoát nào khác. Mình là hải âu. Mình chỉ có thể làm những gì mình có thể. Nếu mình được sinh ra để biết nhiều về những đường bay thì thay vào đầu mình phải là một cỗ máy tính. Nếu mình được sinh ra để bay tốc độ cao thì mình đã có đôi cánh ngắn như của chim ưng, và mình sẽ ăn chuột chứ không ăn cá như bây giờ. Bố nói đúng. Mình phải quên đi sự điên rồ này. Mình cần phải về nhà, về với Đàn Hải Âu của mình, và mình phải bằng lòng với số phận của mình như đã có - một hải âu yết ớt, thảm thương.”
Giọng nói im bặt, và Jonathan Livingston chịu khuất phục. “Ban đêm, chỗ của hải âu là ở trên bờ biển, - chú nghĩ, - và từ nay mình sẽ không có gì khác so với đồng loại. Như vậy sẽ tốt hơn cho tất cả chúng ta.”
Chú mệt mỏi rời khỏi mặt biển tối đen và bay về phía bờ, thầm vui mừng rằng mình đã kịp học được cách bay là là ở độ cao gần mặt biển một cách tốn ít sức lực nhất.
“Nhưng không, - chú lại nghĩ. - Mình đã từ bỏ cuộc sống, từ bỏ tất cả những gì đã học hỏi được. Mình sẽ là một hải âu như tất cả những hải âu khác, và mình sẽ bay như mọi hải âu khác vẫn bay.” Với một nỗ lực đau đớn, chú bay lên độ cao một trăm thước và hối hả vỗ cánh hướng về phía bờ.
Chú cảm thấy nhẹ nhõm vì đã quyết định sống như cả Đàn Hải Âu sống. Những ràng buộc mà chú tự xích mình vào bánh xe nhận thức đã đứt tung: sẽ không còn những cuộc tranh đấu, sẽ không còn những lần thất bại. Thật dễ chịu làm sao khi không còn phải suy nghĩ và lặng lẽ bay trong đêm tối về phía những đốm lửa trên bờ biển.
- Đêm tối! - Bỗng một giọng nói âm vang lo lắng chợt nổi lên. - Hải âu không bao giờ bay trong đêm tối!
Nhưng Jonathan Livingston không muốn nghe. “Thật là dễ chịu, - chú nghĩ. - Mặt trăng và những ánh lửa trên bờ, chúng hắt xuống biển tạo thành những dải sáng, lung linh trong đêm trên nước, và xung quanh tĩnh lặng, thanh bình đến thế!...”
- Xuống ngay! Hải âu không bao giờ bay trong đêm tối! Nếu mình được sinh ra để bay trong đêm, mình đã có đôi mắt của loài cú! Thay vào đầu mình phải là một bộ máy tính. Và mình đã có đôi cánh ngắn của loài chim ưng!
Ở đó, trong đêm, trên độ cao một trăm thước, Jonathan Livingston nheo nheo cặp mắt. Nỗi đau đớn của chú, những quyết định của chú đã tan biến không còn dấu vết.
Đôi cánh ngắn. Đôi cánh ngắn của chim ưng!
Đấy là lời giải cho bài toán! “Mình thật ngu! Tất cả những gì mình cần chỉ là một đôi cánh ngắn, một đôi cánh bé tẹo; tất cả những gì mình cần chỉ là ép chặt cánh lại và trong khi bay chỉ cần cử động hai chót cánh. Một đôi cánh ngắn!”
Jonathan Livingston lại bay lên hai ngàn thước trên khối nước biển đen ngòm; và không một giây nghĩ đến sự thất bại, đến cái chết, ép chặt đôi cánh rộng vào hai bên sườn, chỉ để lộ ra đón gió hai đầu chót cánh nhọn như hai mũi dao găm, chú lao thẳng xuống dưới trong một cú bổ nhào thẳng đứng.
Gió rít ù ù trên đầu chú. Bẩy mươi dặm một giờ. Chín mươi. Một trăm hai mươi. Và nhanh hơn nữa. Bây giờ, với tốc độ một trăm bốn mươi dặm một giờ, chú không còn cảm thấy căng thẳng như trước đây chú bay bảy mươi dặm một giờ. Chỉ cần khẽ cử động đầu chót cánh đã đủ để thoát ra khỏi tình trạng bổ nhào, và chú lướt nhanh trên các ngọn sóng như một viên đại bác xám dưới ánh trăng.
Jonathan Livingston nheo cặp mắt để tránh sức gió và cảm thấy tột cùng sung sướng. “Một trăm bốn mươi dặm một giờ! Mà không mất điều khiển! Nếu mình bắt đầu bổ nhào từ năm ngàn thước, chứ không phải hai ngàn, thì không biết tốc độ sẽ là bao nhiêu...”
Chú đã quên đi những dự định trước đó - chúng đã bị luồng gió ào ạt như bão lốc cuốn đi. Nhưng chú không cảm thấy lương tâm cắn rứt bởi việc phá bỏ lời thề mà chú đã hứa với chính mình. Những lời thề như thế chỉ dành cho đám hải âu tầm thường. Đối với những ai khao khát tìm kiếm sự huyền diệu của nhận thức và đã một lần đạt đến sự toàn thiện thì chúng không có giá trị.
Sáng sớm hôm sau Jonathan Livingston lại bắt đầu tập luyện. Từ độ cao năm ngàn thước, mấy chiếc tàu đánh cá chẳng khác gì những mẩu gỗ lập lờ trên mặt biển xanh lơ, còn Đàn Hải Âu đang quần tụ trong bữa ăn sáng thì trông giống như một đám bụi mờ nhảy múa dưới xa.
Jonathan cảm thấy tràn trề sức lực và chỉ hơi run rẩy vì vui sướng; chú kiêu hãnh vì đã chế ngự được nỗi sợ hãi. Không hề do dự, chú ép chặt phần trước đôi cánh vào hai bên sườn, chỉ để hai chót cánh như những mũi gươm nhỏ xíu lộ ra đương đầu với gió, và lao thẳng xuống biển. Bay hết bốn ngàn thước, Jonathan đạt đến tốc độ tối đa. Luồng không khí thổi ngược biến thành bức tường âm thanh dày đặc không cho phép chú bay nhanh hơn. Jonathan Livingston lao thẳng đứng xuống dưới với vận tốc hai trăm mười bốn dặm một giờ. Chú căng thẳng nuốt nước bọt, hiểu rằng nếu đôi cánh của chú xòe ra ở vận tốc này, thì chú, Hải Âu Jonathan Livingston, sẽ nổ tan thành muôn mảnh nhỏ... Nhưng tốc độ là sức mạnh, tốc độ là niềm vui sướng, tốc độ là vẻ đẹp tinh khiết khôn cùng!
Jonathan Livingston bắt đầu thoát khỏi đường bay bổ nhào ở độ cao một ngàn thước. Hai đầu chót cánh của chú bị luồng gió ngược xé tơi tả, con tàu đánh cá và Đàn Hải Âu như chao nghiêng trước mắt chú và vụt lớn lên với một tốc độ khủng khiếp chắn ngang đường bay.
Jonathan Livingston không thể dừng lại được, thậm chí chú không biết làm cách nào để bay rẽ tránh sang bên trong cái tốc độ khủng khiếp ấy.
Bất kỳ một sự va đụng nào cũng có nghĩa là cái chết tức thì.
Chú nhắm cả hai mắt lại.
Sự việc đã xảy ra vào buổi sáng hôm đó là: Khi mặt trời vừa mọc, chú hải âu Jonathan Livingston hai mắt nhắm nghiền, với tốc độ hai trăm mười bốn dặm một giờ, trong tiếng rít của gió và lông đã bay thẳng vào chính giữa Đàn Hải Âu đang giành nhau bữa ăn sáng. Nhưng hôm đó Thần Hải Âu May Mắn đã mỉm cười với chú: không một ai bị chết hoặc hề hấn gì.
Và khi Jonathan nghểnh mỏ lên bầu trời, chú hãy còn bay với tốc độ một trăm sáu mươi dặm một giờ. Khi tốc độ bay chỉ còn hai mươi dặm một giờ và cuối cùng chú đã có thể xòe đôi cánh ra, thì con tàu đánh cá đã lùi tít xa về phía sau đến bốn ngàn thước và trông chỉ còn như một dấu chấm nhỏ trên mặt biển.
Jonathan Livingston hiểu rằng đó là Chiến Thắng. Đó là ranh giới cuối cùng của tốc độ! Hai trăm mười bốn dặm một giờ đối với hải âu! Một bước ngoặt Cách Mạng, một khoảnh khắc không thể nào quên và không bao giờ lặp lại trong lịch sử của Đàn Hải Âu. Đối với Jonathan Livingston, đó là khởi đầu một kỷ nguyên mới trong đời.
Chú tiếp tục những cuộc luyện tập đơn độc của mình. Chú xếp chặt đôi cánh lại và bổ nhào từ độ cao tám ngàn thước và nhanh chóng thực hiện thành thạo các thế nhào lộn, cua ngoặt trên không trung.
Chú hiểu rằng ở tốc độ cao chỉ cần cử động một ly dù là một sợi lông trên đầu chót cánh thì cũng đủ tạo ra một vòng lượn rộng uyển chuyển. Nhưng trước đấy rất lâu chú đã hiểu rằng ở tốc độ đó nếu cử động hai sợi lông thì thân thể chú sẽ bắt đầu xoáy tròn như viên đạn bắn ra từ nòng súng, và... Jonathan Livingston là chú hải âu đầu tiên trên Mặt Đất biết thực hiện những thế nhào lộn của nghệ thuật bay thượng thặng.
Vào ngày hôm đó chú không bỏ phí thời giờ vào các cuộc trò chuyện vô bổ với những hải âu khác trong Đàn. Mặt trời đã lặn từ lâu, nhưng chú vẫn bay, bay mãi. Chú đã thực hiện thành công các thế bay thòng lọng tử thần, xoáy tròn chậm dần, xoáy tròn nhiều vòng, xoáy ốc đảo ngược, bay tại chỗ...
Khi Jonathan Livingston quay về với Đàn đang nằm nghỉ đêm trên bãi biển thì trời đã vào khuya. Chú cảm thấy ngây ngất, và mệt kinh khủng. Nhưng trong lúc hạ độ cao, chú vẫn phấn khởi biểu diễn một đường bay thòng lọng tử thần, và trước khi tiếp đất còn làm một cú nhào lộn xoáy tròn. “Khi họ biết về điều này, - chú nghĩ tới cuộc Cách Mạng mà chú vừa thực hiện được, - chắc họ sẽ phát điên lên vì vui sướng. Cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa hơn nhiều! Thay vì chỉ biết buồn tẻ bay đi bay lại giữa bờ biển ra các con tàu đánh cá, giờ đây ta sẽ biết mình sống để làm gì! Chúng ta sẽ thoát ra khỏi sự dốt nát vô học, chúng ta sẽ trở thành những sinh linh có thể đạt đến sự toàn thiện và văn minh. Chúng ta sẽ tự do! Chúng ta sẽ học được cách bay!”
Tương lai chất chứa bao nhiêu điều tốt đẹp, bao nhiêu hứa hẹn đang vẫy gọi phía trước!
Khi Jonathan Livingston đáp xuống mặt đất, tất cả hải âu trong Đàn đã tụ tập lại trong một Đại Hội Bất Thường. Có vẻ như chúng tụ họp đã khá lâu. Và quả thật, chúng đang chờ đợi chú.
- Jonathan Livingston! Hãy ra đứng giữa Vòng Tròn!
Giọng nói của Trưởng Đàn vang lên trang trọng. Được mời ra đứng giữa Vòng Tròn có nghĩa hoặc là một vinh dự lớn lao, hoặc là một nhục nhã khủng khiếp. Vòng Danh Dự là sự tôn vinh mà Đàn Hải Âu dành cho các thủ lĩnh vĩ đại của mình. “Phải rồi, - Jonathan Livingston nghĩ thầm, - chắc hôm nay trong bữa sáng Đàn Hải Âu đã nhìn thấy đường bay Cách Mạng của mình! Nhưng mình không cần danh dự. Mình không muốn làm thủ lĩnh. Mình chỉ muốn chia sẻ những gì mình đã biết được, chỉ cho họ thấy những chân trời mới đã mở ra trước mắt chúng ta.” Chú bước lên phía trước một bước dài.
- Jonathan Livingston, hãy bước ra đứng giữa Vòng Tròn, nhà ngươi đã bị kết án chịu Vòng Ô Nhục trước tất cả các anh em đồng loại của mình!
Chú như bị một thanh gỗ phang thẳng vào đầu! Hai đầu gối bỗng khuỵu xuống, lông cánh thõng rũ ra, hai tai trở nên ù đặc. Vòng Ô Nhục ư? Nhưng không thể như thế được! Một cuộc Cách Mạng kia mà! Họ đã không hiểu! Họ đã lầm lẫn! Họ lầm lẫn thật rồi!
-... vì sự nông nổi và vô trách nhiệm của mình, - tiếng nói trang trọng vẫn tiếp tục, - nhà ngươi đã vi phạm phong tục và phẩm giá của Gia Đình Hải Âu...
Chịu Vòng Ô Nhục có nghĩa là sẽ bị đuổi ra khỏi Đàn, nghĩa là chú sẽ bị kết án sống đơn độc trên Đảo Đá Hoang.
-... sẽ đến ngày, hỡi Jonathan Livingston, nhà ngươi sẽ hiểu ra rằng sự vô trách nhiệm không thể mang lại điều gì tốt đẹp cả. Chúng ta không cần tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống, vì đó là điều bất khả tri đối với chúng ta; chúng ta chỉ có thể biết được một điều: chúng ta được sinh ra để ăn, và chúng ta sẽ sống cho đến khi nào còn đủ sức lực để sống.
Trước Hội Đồng Đàn Hải Âu không ai được phép phản đối, nhưng giọng nói của Jonathan Livingston đã vang lên phá vỡ sự im lặng:
- Vô trách nhiệm ư? Hỡi các anh em! - Chú hét lên. - Thử hỏi ai có trách nhiệm hơn kẻ đã khám phá ra ý nghĩa, mục đích cao cả của cuộc sống và đem điều đó truyền lại cho các đồng loại của mình? Đã hàng ngàn năm qua chúng ta chỉ biết đi kiếm tìm những mẩu đầu cá làm thức ăn, nhưng bây giờ cuối cùng chúng ta đã hiểu ra chúng ta sống để làm gì: để nhận thức, để khám phá cái mới, để được tự do! Hãy cho tôi cơ hội, hỡi các anh em, hãy cho phép tôi trình bày những gì tôi đã học được...
Đàn Hải Âu đứng im, dường như đã hóa đá.
- Mày không phải là anh em của chúng tao nữa, - tất cả hải âu đồng thanh cất tiếng dõng dạc, rồi nhất loạt oai vệ đưa cánh lên bịt kín tai lại và quay lưng về phía Jonathan Livingston.
°
Từ đó chàng hải âu Jonathan Livingston phải sống nốt quãng đời còn lại trong đơn độc một mình, nhưng chàng không sống ở Đảo Đá Hoang, mà đã bay đi xa hơn nhiều, rất nhiều dặm. Và điều khiến chàng cảm thấy đau khổ nhất không phải là sự cô đơn, mà là vì các đồng loại hải âu của chàng đã không muốn tin vào niềm vui sướng của những đường bay, không muốn mở mắt nhìn và thấy.
Mỗi ngày chàng lại phát hiện thêm một điều gì đó mới mẻ. Chàng khám phá ra rằng, nếu tạo cho thân mình một hình thể khí động học thì chàng có thể thực hiện những cú bổ nhào tốc độ lớn xuyên sâu xuống nước để bắt được những con cá ngon thường sống sâu dưới lòng biển đến 10 thước; từ lâu chàng đã không còn cần đến các con tàu đánh cá và bánh mì thô nữa. Chàng đã học được cách vừa bay vừa ngủ trên không trung, định hướng trong đêm tối khi gió thổi ngược từ bờ ra đại dương, và có thể vượt qua hàng trăm dặm từ mặt trời lặn đến mặt trời mọc. Cũng với một sự tự tin như vậy chàng có thể bay trong màn sương biển dày đặc, vượt xuyên qua nó lên cao, cao mãi để đến với bầu trời xanh tinh khiết chòi lòa ánh nắng, trong khi những con chim hải âu khác náu mình sát mặt đất và không hề nghĩ rằng trên thế gian còn có một cái gì khác ngoài gió mưa và sương mù. Chàng cũng đã học được cách bay nương theo luồng gió mạnh vào thật sâu trong đại lục để bắt những loài côn trùng lạ làm thức ăn ngon.
Một mình Jonathan Livingston tận hưởng những niềm vui sướng mà trước kia chàng đã hy vọng đem chia sẻ với cả Đàn Hải Âu; chàng đã học được nghệ thuật bay và không hề hối tiếc với cái giá đã trả. Jonathan Livingston hiểu ra tại sao cuộc đời hải âu lại ngắn đến vậy: nó bị gặm mòn bởi nhàm chán, sợ hãi và giận dữ; còn chàng nay đã quên đi những nhàm chán, sợ hãi, giận dữ đó và sống một cuộc đời hạnh phúc dài lâu.
°
Và một lần vào buổi chiều tối, khi Jonathan Livingston đang bay lượn bình thản và đơn độc trên bầu trời hoàng hôn mà chàng rất ưa thích, thì họ đến. Đó là một cặp hải âu trắng, họ xuất hiện ngay sát cánh của chàng, thân thể họ ngời lên như những ngôi sao và tỏa ra trong bóng đêm một làn ánh sáng êm dịu. Nhưng còn đáng kinh ngạc hơn là tuyệt kỹ bay của họ: đôi hải âu này chuyển động một cách tuyệt đối chính xác, luôn luôn giữ nguyên khoảng cách giữa cánh của họ và cánh của chàng đúng một tấc.
Không nói nửa lời, Jonathan Livingston quyết định thử thách họ, những thử thách mà chắc không một con hải âu nào có thể vượt qua được. Chàng vươn cong đôi cánh, giảm tốc độ đến mức nếu chỉ bớt đi thêm một dặm một giờ thì nhất định sẽ rớt tòm xuống biển. Đôi hải âu rạng rỡ kia, vẫn không thay đổi cự ly giữa họ đối với chàng, cũng nhẹ nhàng giảm tốc độ bay cùng chàng. Họ cũng biết cách bay chậm!
Jonathan Livingston xếp cánh, chao người rồi đột ngột bổ nhào xuống với tốc độ một trăm chín mươi dặm một giờ. Cặp hải âu nọ cũng lao xuống cùng chàng, và vẫn giữ nguyên cự ly và đội hình tuyệt hảo không chê vào đâu được.
Cuối cùng, vẫn giữ tốc độ đó, chàng đổi sang thế bay xoay tròn chậm dần thẳng đứng. Cặp hải âu nọ mỉm cười và cũng làm hệt như chàng.
Jonathan Livingston chuyển sang bay ngang, im lặng một lúc lâu, rồi nói:
- Tuyệt lắm. - Và chàng hỏi: - Các anh là ai?
- Chúng tôi cùng Đàn với anh, Jonathan Livingston ạ, là anh em của anh. - Họ đáp với vẻ tự tin và bình thản. - Chúng tôi bay đến để gọi anh lên cao hơn, để đón anh về nhà.
- Tôi không có nhà. Tôi không có Đàn. Tôi là kẻ Lưu Đày. Hiện nay chúng ta sắp bay lên tới đỉnh Đại Phong Sơn. Tôi chỉ có thể nâng cái thân già của tôi lên được vài trăm thước nữa thôi, không thể cao hơn nữa.
- Anh có thể lên cao hơn, Jonathan Livingston ạ, vì anh đã học được rồi. Anh đã học xong một trường học, bây giờ đến lúc bắt đầu một trường học mới.
Những lời đó thực ra đã theo đuổi chàng suốt cả quãng đời, vì vậy vừa nghe là Jonathan hiểu ngay lập tức. Họ nói đúng. Chàng có thể bay cao hơn, và chàng đã đến lúc trở về.
Chàng nhìn rất lâu lên bầu trời, lên cái vương quốc lấp lánh ánh bạc, nơi chàng đã biết được thật nhiều điều trong đời.
- Tôi đã sẵn sàng, - cuối cùng chàng nói.
Và Jonathan Livingston bay lên cao cùng với đôi hải âu trắng sáng ngời như hai ngôi sao và mất hút trên nền trời đêm thăm thẳm tối.
(Còn nữa)
 Đoàn Tử Huyến dịch theo bản tiếng Nga của Iu. Rodman
tham khảo các bản dịch khác của M. Siskin và A. Xiderxki