Chị Sương nhảy lầu tự tử đúng ngày Phật sinh. Đám trẻ con xóm chợ, trong đó có tôi, đang hí hửng chen chúc nhau trong sân chùa xem các nhà sư tưng bừng tụng kinh gõ mõ, thành kính đi đi lại lại vòng quanh pho tượng một người nhỏ bé có hào quang tỏa sáng quanh đầu, chờ đến lúc được phát xôi chè oản chuối. Nghe tiếng người ta la hét ồn ào cả lũ rùng rùng ù té chạy đi xem. Ngày mẹ ẵm tôi về nhà, chị Sương là người đầu tiên hé mở tấm chăn để nhìn mặt tôi. Chúng tôi yên lặng nhìn nhau một lúc lâu, mắt người này xuyên suốt người kia. Đó là cái nhìn nhận diện và đồng cảm thân phận. Chị Sương kêu lên “ô, em bé” và tôi đã mỉm cười khi nghe thấy tiếng reo mừng ấy. Bố ít khi có mặt ở nhà. Mẹ không thường xuyên bế ẵm tôi. Cái cửa hàng tạp hóa chiếm hết thời giờ của mẹ, lúc nào cũng loay hoay tất bật. Tôi luôn phải nằm một mình trên giường, nơi góc nhà tối tăm, u ơ với đám thằn lằn đông đúc thường hay trố những con mắt đen nháy chằm chằm nhìn tôi, như không hiểu sao trên đời lại có một giống loài kỳ khôi đến vậy? Khi chiều xuống, việc mua bán đã ngớt tôi mới được mẹ ẵm lên đi tắm. Vào lúc này, chị Sương hay chạy sang để nhìn ngắm thân thể trần truồng phủ trắng phấn rôm của tôi. Chị hít hà vuốt ve da thịt tôi mềm mại thanh khiết, thơm tho non nớt. Mẹ giấu tôi đi, hắt hủi: “Xê ra, mày toàn mùi cá!”. Chị Sương toàn mùi cá vì là chủ nhân của cá. Những lúc hiếm hoi được rảnh rỗi mẹ tranh thủ bế tôi ra cửa đón nắng. Tôi rất thích những giây phút này, vừa được mẹ ẵm vừa được thấy những con người giống tôi đi lại nói năng, làm đủ chuyện chứ không phải lũ bò sát ở trên cao chỉ biết uốn đuôi cà rỡn, đớp ruồi, giao phối và tặc lưỡi. Mọi người đều hân hoan khi trông thấy tôi, trầm trồ nịnh tôi “em bé xinh quá”, “mắt nó trong quá”, “sao tai nó mỏng manh quá, như hai mảnh gốm sứ”. Đôi mắt trong như thủy tinh của tôi nhận ra chị Sương bé bỏng đang ngồi dạng hai chân bên cạnh cái thùng to tròn bằng tôn kẽm, bên trên đậy một cái bơ. Từ trong cái thùng không ngớt phát ra những tiếng kêu rít kinh hoàng, tiếng đùng đùng giẫy giụa cực kỳ tuyệt vọng của những con cá. Chị Sương như người bị điếc chẳng nghe thấy gì, lẳng lặng thản nhiên thỉnh thoảng thò tay vào bắt ra một con, đặt nó lên tấm thớt, dùng cái chày gỗ to giáng xuống đầu nó. Tiếng chày gỗ nện trúng đầu con cá nghe cóc cóc. Những con cá luôn luôn giẫy giụa rất dữ, thậm chí có con tuột khỏi tay chị Sương, nhảy bật lên, phóng ra ngoài. Nhưng luôn luôn chẳng có con nào thoát được. Chị Sương nện chày liên tục lên đầu con cá đến khi nó chịu nằm yên. Chỉ khi cái đầu bị tróc mất lớp da và vảy, lộ ra một mảng xương trắng, những con cá mới chịu nằm yên. Chị Sương thảy con cá sang bên cạnh cho mẹ của chị. Bà Tư nhanh nhẹn chộp lấy con cá, tiếp tục thoăn thoắt làm nốt công đoạn đưa lưỡi dao bén chặt hết vây đuôi, róc hết lớp vảy đen bọc ngoài cho đến khi lộ ra làn da màu trắng xám với những vết gợn mảnh như những đường chỉ đen chạy ngang dọc. Đến lúc này, những con cá mới được yên thân thanh thản nằm cạnh nhau trên mặt bơ. Những con cá trắng trẻo tinh tươm chỉ hơi vấy chút máu ứa ra nơi cái mõm đã bị vạt đứt. Sau này lớn lên, khi đã mọc đủ răng, được dịp thưởng thức những món ngon từ cá, tôi nhận ra lắm khi chỗ ngon nhất của con cá lại là lớp vảy. Dưới nắng trời rực rỡ, xóm chợ của tôi mới náo nhiệt làm sao. Sinh ra và lớn lên từ một xóm chợ, liệu có ai được chứng kiến nhiều cảnh đời náo nhiệt hơn tôi? Như chị Sương, tôi lớn lên, nhanh chóng trở thành trợ thủ đắc lực của mẹ. Mẹ sai bảo tôi làm đủ thứ việc. Tôi sung sướng chạy như cờ lông công khắp chợ. Sáng sớm, tôi rảo một vòng giao túi nylon, hộp nhựa, giấy báo, dây thun cột hàng cho bạn hàng. Xong việc tôi không về ngay mà la cà các ngõ ngách hóng đủ chuyện, nghe đủ giọng người. Chỉ những ai sinh ra và lớn lên trong một cái chợ mới rành rẽ giọng người thay đổi, biến hóa tinh vi khôn lường như thế nào. Ngọt xớt là giọng rao mời, sắc đanh là đang mặc cả, lạnh lùng là ngã giá. Giọng the thé chanh chua là lúc giành giật chỗ bày hàng hay đanh đá chửi bới là vì bị tranh mất khách. Người ta thi nhau gào thét, người sau át giọng người trước, như một dàn đồng ca toàn những âm điệu chói lói, lời lẽ thô tục. Ngay cả bà câm bán hành gừng tỏi ớt bị trời bắt tội không nói được tiếng người cũng chẳng chịu thua thiệt, vừa nhảy như choi choi vừa hộc lên những tiếng ú ớ khàn khàn không biết là mời chào hay rủa xả. Hai mảnh gốm sứ mong manh trong suốt của tôi hân hoan mở rộng hứng trọn thác âm thanh sống động lên bổng xuống trầm không sót một nốt. Người ta tranh thủ góp tiếng góp lời, giành giật nhau, chèn ép nhau bởi vì không ai biết lúc nào mình buộc phải biến khỏi thế giới tươi đẹp này. Như hôm nọ, thấy bạn hàng xúm lại chụm đầu bàn tán, tôi cũng tò mò chen vào nghe ngóng rồi hớt hải chạy về gọi mẹ ầm ĩ. Mẹ đang lúi húi bên trong, vội vàng nhào ra hỏi: “Cái gì thế? Cháy chợ à?”. Tôi vừa hào hển thở vừa kể cho mẹ nghe chuyện bà bán dây dù, võng vải, dao lam đã thắt cổ tự vẫn vì mắc nợ nhiều quá không trả nổi. Chưa nghe hết chuyện mẹ đã nhăn mặt bảo: “Có thế thôi mà mày làm tao điếng cả hồn”. Tôi chưng hửng thấy mẹ không hoảng hốt như mình tưởng, ấm ức chạy qua kể cho chị Sương nghe, ai ngờ chị cũng chẳng hề sợ hãi thất thần lại mỉm cười bảo: “Có gì đâu nhóc, chuyện bình thường”. Tôi thích được mẹ sai bảo, thích được long rong ngoài chợ cả ngày nhưng đôi khi cũng gặp chuyện không vui. Tan chợ là lúc đi đòi tiền thiếu. Bán hàng không ai tránh được khách hàng mua thiếu, nhưng sợ nhất là những người hay nợ dai. Ông chủ tiệm vàng Kim Sáng là người đáng sợ như thế. Là chủ tiệm vàng nhưng ông ta hay đến sạp của mẹ mua khi thì ít muối khi ít đường. Chẳng bao nhiêu nhưng luôn luôn mua chịu. Mẹ bực lắm, hễ ông ta vừa quay lưng đi là lầm bầm chửi trong miệng nhưng chẳng bao giờ từ chối không bán. Chiều hôm ấy, mẹ sai tôi đi đòi nợ ông ta. Tôi nói với mẹ: “Con không đi đâu!”. Mẹ ngạc nhiên: “Sao thế?”. Tôi ngập ngừng: “Ông ấy... hay sờ... bụng con”. Tôi không biết nói làm sao cho mẹ hiểu cảm giác nhờn nhợn khó chịu mỗi khi tôi phải gặp người đàn ông có mái tóc hoa râm, luôn đeo kính trắng, nói giọng ngọt ngào, chân tay sạch sẽ thơm mùi nước hoa, hay cho tôi cả nắm kẹo rồi kéo tôi vào lòng hôn hít. Tôi không dám nói ra vị trí chính xác mà người đàn ông đó hay tìm cách luồn tay vào. Cho nên mẹ tôi nhíu mày rồi cau có: “Vớ vẩn, chỉ lười... Đi lấy tiền về cho tao!”. Tôi chỉ còn cách đứng trước cửa nhà ông ta, gào lên: “Trả tiền đây!”. Từ trong tủ kính sáng trưng, bà vợ tròn trĩnh và bóng lộn của ông ta lăn ra, xỉa xói vào mặt tôi mắng: “Tao nợ nần gì mày mà mày gào tướng lên trước cửa nhà tao thế, con mất dạy?”. Ông chủ tiệm vàng không đến mua đường muối của mẹ nữa, xem như mẹ tôi mất một mối hàng. Nhưng chẳng bao lâu sau, mẹ đáng thương còn mất nhiều hơn nữa. Cũng chỉ tại tôi. Như mọi khi, mẹ giao nhà cho tôi để đi lấy thêm hàng về bán. Như mọi khi, bà chủ hụi đến thu tiền hụi. Tôi vui vẻ mở tủ lấy tiền giao cho bà ta. Bà dịu dàng vuốt tóc rồi vuốt má tôi khen tôi ngoan. Đến chiều mẹ về tá hỏa nghe tôi nói số tiền quá lớn. Mẹ vung tay tát tôi liên tiếp mấy cái rồi ứa nước mắt, rít lên: “Giời ơi, vốn liếng của tao”. Thái độ hung dữ bất ngờ của mẹ khiến tôi hoảng sợ. Tôi ôm hai cái má sưng đỏ bỏ chạy, đi tìm chị Sương. Chị Sương bé bỏng đã thoa dầu lên má cho tôi. Những ngón tay chai run run gượng nhẹ di di những giọt dầu lên hai cái má bỏng rát. Thế mà bây giờ chị lại nằm đây, sóng soải, im lặng và lạnh ngắt như những con cá nằm trên mặt bơ. Từ khóe miệng của chị cũng rỉ ra chút máu y như lũ cá bị vạt mõm. Sao chị chẳng nói gì với tôi? Như đã thổ lộ rất nhiều điều ấp ủ vào buổi chiều hôm đó? Chiều hôm đó cả hai đã ngồi thừ ra bên cái thùng rộng cá. Những con cá đen đủi sầu muộn ngước mắt nhìn chúng tôi. Tội nghiệp chúng, cái thùng chật chội quá. Chị Sương bé bỏng thở dài nói ước gì tao có cái thùng rộng hơn, để lũ cá không phải chen lấn nhau quằn quại, vùng vẫy đùng đùng như thế này, tiếng cá quẫy nghe sợ làm sao. Tôi cãi tiếng cóc cóc khi cái chày nện xuống đầu chúng mới dễ sợ hơn chứ. Chị Sương ao ước mai mốt lớn lên sẽ xây một cái hồ thật to cho lũ cá, cho chúng nó ăn, cho chúng nó đẻ, tha hồ tự do bơi lặn, sinh sôi nảy nở hàng đàn hàng lũ. Hóa ra chị không thích chút nào cái việc ngày ngày phải nện chày xuống đầu những con cá. Tao nghe nói có một giống cá rất đẹp tên là mỹ nhân ngư, người ta bảo nó đẹp hơn cả mấy con hồng long, kim long ở tiệm vàng Kim Sáng nữa đấy. Em chưa từng thấy con cá ấy bao giờ. Chị Sương sờ sờ cái chày thì thầm tao cũng chưa, may cho con cá, không thì... Nhưng chị ơi, chỉ những người giàu có sang trọng như chủ tiệm vàng Kim Sáng mới đủ tiền nuôi cá cảnh, nhất là những con cá đẹp như con mỹ nhân ngư. Không phải, chính những con cá đẹp mang lại sự giàu có sung túc cho người nuôi nó. Chị Sương cả quyết tao dám chắc mỹ nhân ngư là giống cá linh, nó đẹp nhất trong các loài cá mà, ai mà có nó trong nhà chắc chắn sẽ được may mắn và hạnh phúc. Tôi cũng hy vọng điều chị Sương tin là đúng. Bà chủ tiệm vàng Kim Sáng đẻ em bé, rao khắp chợ tìm thuê người giặt tã, dọn dẹp cứt đái. Chị Sương xin được công việc này. Buổi sáng chị ngồi ngoài chợ phụ mẹ bán cá. Buổi chiều chị vào tiệm vàng cho người ta sai bảo đổ bô, pha sữa, cọ rửa, lau chùi... Có khi chị phải ở lại đêm để bồng ẵm dỗ dành em bé những hôm nó khó ở quấy khóc khiến bà chủ không ngủ được. Chị Sương bé bỏng cần cù thức khuya dậy sớm, chăm chỉ làm việc để kiếm tiền xây cái hồ rộng nuôi đàn cá đẹp mỹ nhân ngư. Nhưng chị làm không được bao lâu thì bị đuổi. Bà chủ béo tròn trắng bong như quả trứng vừa xô vừa đẩy chị Sương bé bỏng xanh xao ra đường, cái miệng đỏ chót như ma cà rồng hút máu the thé hú lên: “Mày xéo ngay ra khỏi nhà tao, con đĩ!”. Mấy tháng sau, tôi đi đến đâu cũng trông thấy người ta chụm đầu bàn tán. Mấy bà khách mua cá cứ chần chừ chuyện vãn, đứng ì trước sạp lõ mắt lom lom nhìn chị Sương. Người ta xì xào hình như chị Sương có chửa. Tất nhiên là chửa hoang không biết của ai. Đàn bà thì bĩu môi nói cái con bé coi hiền lành ít nói vậy mà hư thân mất nết tự bao giờ. Đàn ông thì cười cợt đúng là con nhà hàng tôm hàng cá, nền nếp gì đâu, ranh con nứt mắt mới tí tuổi đầu đã lẳng lơ dâm tặc, bé như cái kẹo chẳng biết mỗi lần “đi” được bao nhiêu tiền. Những cái nhìn lom lom, những tiếng huýt sáo, những lời xì xào đồn đại xa gần bóng gió đã nhấc chị Sương từ chỗ ngồi bên cạnh thùng cá thảy lên cao cao tận nóc nhà mái tôn rồi từ đấy, vứt thẳng xuống đất. Như người ta vẫn thường thản nhiên vứt một bọc rác thối ra đường. Thế là chị Sương bỏ dở giấc mơ tự tay thả những con cá mỹ nhân ngư đẹp đẽ cho chúng nó bơi trong cái hồ rộng. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao cùng là những con người nhỏ bé, nhưng chú bé con vua khoác tấm áo vàng thì được đứng trong sân chùa tỏa hào quang lộng lẫy, thân thể sực nức hương trầm trong âm thanh rộn rã khúc tụng ca, còn chị Sương bé bỏng của tôi, đang thu mình lặng lẽ ngồi im đâu đó chìm khuất trong bóng đêm ủ rũ trước quan tài của mình. Tôi vẫn tiếp tục công việc giao hàng mỗi sáng sớm. Len qua những tấm lưng lạnh lùng chèn ép, né tránh những gót chân nặng nề luôn chờ chực đạp lên chân mình, tôi lầm lũi đi qua những ngõ chợ xôn xao, buồn rầu tự nhủ mình cô đơn biết chừng nào. Nhà ở chợ ken két mở cửa. Người chạy chợ xình xịch đậu xe. Những sạp hàng lộc cộc ngả xuống, những cái dù bựt bựt bung lên, những tấm vải nylon kêu roàn roạt trước khi xoải ra trên nền đất, những túi hàng rào rào xổ tung, từng món một bắt đầu được cẩn thận bày biện. Mọi việc vẫn diễn tiến bình thường không hề đứt đoạn. Xóm chợ ồn ào kẻ đến người đi không có gì đau đớn, chẳng có ai nhung nhớ buồn thương. Trong không gian náo động của buổi bình minh chất chứa bao âm thanh và hình ảnh ấy, tôi bỗng thấy thấp thoáng một hình hài bé nhỏ quen thuộc. Mờ mờ như sương. Mừng rỡ, tôi rối rít chạy theo kêu: “Ủa, chị Sương, chị đi đâu thế?”. Chị Sương dừng lại nhìn tôi như thể chị vừa rời khỏi cái chỗ ngồi khuất sau thùng cá, đứng dậy đi đâu đó một lát cho đỡ mỏi người và tình cờ gặp tôi. Chúng tôi đứng lặng nhìn nhau. Đó là cái nhìn thấu hiểu và đồng cảm. “Chị về trời”. Giọng chị nghe thật lạ lùng, khẽ khàng và nuối tiếc. Tôi thương xót hỏi: “Chị về trời ư? Thế còn... mỹ nhân ngư thì sao?”. Như bị mỏi tay, chị Sương đưa cái chày nhuốm máu cho tôi cầm giúp: “Là của em. Tất cả mỹ nhân ngư trên đời này là của em, chị tặng em đấy, em muốn làm gì chúng thì làm”. Từ đó, tôi phải tự mình ròng rã đi khắp nhân gian để tìm cho được những con cá đẹp mang tên mỹ nhân ngư, thu thập chúng về và đem phân phát cho những trẻ con khác. Còn ông chủ tiệm vàng Kim Sáng, một hôm người ta phát hiện thấy ông ấy tắt thở trên giường, hai con mắt mở to bất động như mắt cá chết, lớp da trên trán tự nhiên bị bong tróc rách toác, lộ ra một mảng xương trắng. Lạ nhất là xung quanh người đàn ông lúc nào cũng thơm tho ấy lại đậm đặc mùi cá. Truyện ngắn của Liêm Trinh