10 giờ 45. Nắng. Nắng đến nhức mắt. Từ trên cao phóng xuống. Từ dưới nước hắt lên. Những tia nắng như hàng ngàn mũi kim nhọn hoắt ghim chặt vào da thịt người ta. Nhức nhối. Trên cầu cảng không một bóng mát. Một tốp thanh niên ngồi cặm cụi vá lưới. Những lưng áo bạc phếch. Mùi mồ hôi tanh tanh mằn mặn. Những giọt mồ hôi vừa túa ra đã mau chóng bốc hơi thành muối. Tôi chùng chình chưa muốn xuống tàu, nửa mong tàu nhổ neo nhanh nhanh nửa mong nó cứ việc đủng đỉnh. Từ Nam Du về Rạch Giá mất khoảng sáu tiếng. Sáu tiếng đồng hồ lắc lư trên một mặt phẳng không ngừng bập bềnh, đó là một cực hình mà không có thuốc men nào, dù uống vào bụng hay dán kín người, có thể giúp tôi lãng quên được. Tôi đứng mãi trên cầu tàu, vừa ngao ngán vừa căm ghét chuyến hải hành dằng dặc sắp tới, không sao hiểu nổi cái thằng cha đang đứng phía đằng kia, đối diện tôi, vui vẻ gì mà lại có thể nhe răng ra cười được? Thằng cha đã đen như cột nhà cháy lại tròng thêm cái áo sơ mi đen thui, vẽ rồng vẽ rắn rằn ri trước ngực nhăn nhở nhe hàm răng trắng ởn cười cợt với đám thanh niên. Một cô gái tóc vàng ngực bự, da trắng như bụng cá, mặc áo thun sát nách giơ máy ảnh lên hướng về phía đám người vá lưới. Không biết thằng cha áo đen nói gì mà đám thanh niên há miệng cười hô hố. Một người đàn bà mặc áo bà ba tím vừa đi tới nghe tiếng cười ngạc nhiên đứng sựng lại nhìn. Chị ta bế một đứa nhỏ trên tay, bên cạnh còn một đứa nữa lớn hơn, túm chặt lấy vạt áo. Thằng nhóc trố mắt nhìn thằng cha mặc áo đen. Hắn ta đang ngửa cổ tu chai nước suối. Tu xong, bắt gặp cái nhìn của thằng bé, hắn bèn thảy cái chai cho nó. Đứa bé chộp dính cái chai, ngửa cổ lên tu ừng ực hết chỗ nước còn lại. 11 giờ.Nắng gắt hơn. Tàu kéo còi báo hiệu sắp sửa rời bến. Người ta chen nhau xuống tàu. Một cú huých thô bạo khiến tôi loạng choạng. Tôi cau có nhận ra thủ phạm là thằng cha có cái mặt đen như cột nhà cháy. Tiếc là hắn ta không nhìn thấy vẻ mặt nhăn nhó của tôi. Hắn đang xoay xở ném thằng bé con xuống tàu cho người đàn bà mặc áo bà ba tím. Tôi tìm một chỗ ngồi gần ngay cửa, nơi có thể đón gió mát hay phóng mắt nhìn ra ngoài, hy vọng được chút thoải mái trên đường đi. Nhưng lập tức tôi thấy ngay đó là một ý nghĩ hoàn toàn sai lầm. Người ta đi ra đi vào sầm sầm liên tục trước mặt tôi. Viên thuốc chống say sóng bắt đầu tác dụng, tôi ngầy ngật buồn ngủ. Trước mắt tôi, mọi thứ bắt đầu mờ mịt. Người chẳng còn là người nữa, mà là những bóng ma không mặt mũi ngập ngừng dừng lại rồi chập chờn biến đi. Những âm thanh mỏng mảnh mời chào mua kẹo chewingum, mua bánh bò, mua đậu phộng nấu cứ lờ đờ vắt ngang tai tôi, chậm chạp trườn qua vai, rồi thủng thỉnh bò đi đâu mất. Tôi ôm chặt cái túi xách, trước khi buông thõng cho cái đầu nặng nề gục xuống. Khi có thể nhấc được cái đầu lơ mơ của mình lên, tôi thấy cơn khó chịu vẫn còn nằm nguyên trong đó. Nhìn kim đồng hồ, tôi chán nản và bỗng thấy nhớ đất liền. Một nỗi nhớ da diết, kỳ lạ. Cứ như là tôi đã rời xa nó không chỉ mới hai chục phút mà là hai mươi năm. Đất liền, nơi bất cứ cái gì cũng có thể mọc rễ, cắm sâu và bám chặt. Kể cả con người cũng có thể mọc lên từ đất. Đất liền, vững chãi và bình ổn, nơi người ta luôn luôn giữ được thăng bằng, tỉnh táo. Có đâu như khối chất lỏng khổng lồ bấp bênh này, sa vào nó là u u mê mê, chới với. Kim đồng hồ còn chịu khó nhúc nhích dù lừ đừ chứ con tàu thì ngoan cố, cứ như nhất định đứng ì tại chỗ, chỉ chòng chành chao qua chao lại, xóc cho người ta buồn nôn. Không có gì chán bằng phải giương mắt lên nhìn mãi một vùng không gian mênh mông bát ngát, vắng tanh như sa mạc. Biển lặng toàn một màu đục lờ, nhìn đâu cũng thấy trống trơn, trắng nhách. Không một bóng thuyền, không có cá nhảy, không thấy đâu là bến bờ. Thậm chí trên trời cũng không một bóng mây. Giữa đại dương sao mà tẻ nhạt đến vậy? Buồn hiu. Chán ngấy. Con mắt nhức lên vì nắng, tôi quay vào bên trong khoang tàu. Tàu rộng gấp đôi một chiếc xe đò, có lẽ thế, nhưng khác với xe đò, các ô cửa không đóng kín. Cái nào cũng mở toang, cửa lớn cũng như cửa sổ. Dù vậy, không khí trong khoang vẫn không thông thoáng chút nào. Ngột ngạt. Bức bối. Như một lũ điên, người ta đi ra đi vào sầm sầm qua các cửa lớn để ra ngoài, chen chúc đứng bên lan can tàu hứng gió biển. Có gió máy gì đâu? Toàn nắng. Những người còn giữ được bình tĩnh, không điên cuồng lao ra ngoài thì ngồi yên trên ghế dán mắt vào cái ti vi to tướng ở trên cao ngay trước mặt. Trên màn hình, hình ảnh đổi thay nhanh như chớp lóe, mới thấy một cặp âu yếm ôm nhau rờ rẫm hôn hít thoắt lại thấy một cặp khác tay kiếm tay đao nhìn nhau đầy sát khí múa may quay cuồng đâm chém loạn xạ, máu phun đầy màn hình đỏ chóe. Tiếp theo lại thấy một đám con gái trẻ măng thịt da mơn mởn, chân thon dài như những mái chèo hớn hở nhảy cẫng lên như ngựa đuổi theo một gã đàn ông đeo khoen tai, mặc áo giống như lưới cá chạy lòng vòng. Người ta đi đi lại lại liên tục khiến cho cái ti vi cứ thoắt ẩn thoắt hiện trước mắt tôi. Âm thanh từ cái ti vi phát ra lúc thì rên rỉ hầm hừ lúc thì gào thét chát chúa hòa với tiếng reo ồ à của những người đang bình tĩnh ngồi xem từng lúc vỗ vào đầu tôi bôm bốp. Một bóng mờ màu tím phớt qua chỗ tôi. Thằng bé đầu to như đầu dế cơm ưỡn ẹo trên tay người đàn bà, hai bàn tay nó bé tí vụng dại đưa lên làm động tác gãi đầu gãi tai, vẻ bứt rứt. Đám rôm sảy hồng đỏ dày cộp từ trán đến ngực nó. Mẹ nó, có lẽ thế, bước ra ngoài lan can rồi lại trở vào đứng ngay cạnh cửa, vạch vú ra cho nó bú. Bầu vú cũng lấm tấm rôm sảy, thằng bé ngậm vú rồi nhanh chóng nhả ra. Nó tiếp tục ưỡn ẹo, khóe miệng nó xệ xuống méo xệch mếu máo khóc. Thằng anh nó, có lẽ thế, vẫn im lặng túm chặt vạt áo mẹ không rời. Bỗng người đàn bà nhìn tôi, giống như thình lình chị ta trông thấy và nhận ra tôi cũng như tôi nhận ra chị ta là người mặc áo bà ba tím trên cầu tàu. Bây giờ trên ngực áo chị ta có thêm một quầng tròn sậm màu bao quanh đỉnh của bầu vú tròn trĩnh, trông như một cái logo. Người ngồi bên cạnh xốc lại cái túi hành lý khiến tôi nhớ ra những lời nhắc nhở trên báo chí. Nơi nào có lắm người xô bồ bừa bộn là phải cảnh giác. Rất ít người lương thiện ở những chỗ ấy. Tôi ôm khư khư cái túi của mình, thờ ơ quay đi chỗ khác nhưng khóe mắt vẫn không bỏ qua cái bóng mờ màu tím thêm cái bóng nhỏ nhũng nhẵng đeo theo phất qua phất lại như con cá lia thia bơi quẩn quanh trong hồ nước. Chẳng biết mụ ta đang thật sự ru con hay giả vờ? 1 giờ 10. Tôi nhắm mắt thiu thiu ngủ nhưng không kìm được cảm giác nhợn ói vì mùi thức ăn xộc lên sát ngay bên cạnh. Từ lúc xuống tàu đến giờ, tôi chưa hề thấy người ngồi cạnh tôi chịu ngồi yên. Hết thở dài sườn sượt lại luôn mồm than vãn, lạ lùng là bà ta luôn than thở đúng những điều đang loanh quanh trong cái đầu đặc quánh như đất sét của tôi. Như một mụ phù thủy, dường như bà ta có khả năng nặn thành hình, gõ thành tiếng những suy nghĩ thầm kín của người khác và bắt buộc người ta phải nhận lấy những sản phẩm của mình. Bà ta lải nhải không ngưng về chuyện sàn tàu ướt át, đầy bao nylon, ống hút, chai nhựa và hộp giấy đựng thức ăn, về chuyện đi lại sầm sầm khiến bà ta hoa mắt, về chuyện bà ta đói rã ruột nhưng không sao tìm được cái gì để ăn vì đang lênh đênh trên biển, và chuyện đi tàu trên biển thật là đìu hiu chán ngắt, không thấy nhà cửa to nhỏ, không thấy cây cối cao thấp, không thấy xe cộ vù vù tranh thủ chạy như điên, càng đi càng mất hứng thú. Bà ta tỏ ra rất biết tôi chỉ nhắm chặt hai con mắt nhưng vẫn để ngỏ hai lỗ tai cho nên cứ việc ngồi ca cẩm thoải mái mà chẳng thấy ngại ngùng gì. Giờ thì miệng lưỡi bà ấy phát ra âm thanh soàn soạt báo cho tôi biết bà đang chí thú húp một món gì đấy. Tuy nhiên, trong lúc bận rộn bà ta vẫn chen vào được những mẩu thông tin về chất lượng món ăn. Nó lõng bõng nhạt phèo toàn nước là nước, còn thịt thà thì chẳng bõ dính răng. Đột nhiên tôi nhận ra một bầu không khí yên lặng thật dễ chịu. Hình như cái ti vi đã tắt, mọi người đều thiu thiu ngủ, không ai đi ra đi vào, không còn tiếng ồ à từng lúc. Chỉ còn tiếng máy chạy rì rì và con tàu vẫn đều đều chao qua chao lại. Dường như tất cả những người trên tàu đều đã hóa thành những hình nhân bất động và lặng thinh. Nắng vẫn chói chang trên biển.Trời vẫn trong và trắng nhách. 2 giờ 25. Tiếng rít của cái micro đánh thức những hình nhân tỉnh dậy. Những cái đầu ngả nghiêng theo nhau dựng đứng lên. Những con mắt lờ đờ ngái ngủ chớp chớp. Ai làm cái trò gì ồn ào vậy? Ngay dưới cái ti vi hiện ra một khuôn mặt đen thui như cột nhà cháy, xuống dưới một chút là cái áo sơ mi đen vẽ rồng vẽ rắn rằn ri trước ngực. Chính là thằng cha nhăn nhở cười cợt trên cầu tàu. Bây giờ hắn cũng đang nhe răng nhăn nhở, miệng mấp máy như đang láp dáp nói cái gì đó. Hắn sửa sửa cổ áo trên có gắn một cái micro nhỏ xíu. 'Thưa bà con, tôi xin cống hiến cho bà con...”. A, thì ra hắn là một tay ảo thuật gia. Rất trơ tráo hắn lớn tiếng khoe khoang những màn biểu diễn khéo léo của mình mà dù người tinh mắt đến mấy cũng không thể lật tẩy được, trừ phi hắn tự nguyện giải thích. Hắn vừa nói vừa moi từ trong túi áo ra một bộ bài cào, trịnh trọng xào lên, xòe ra cụp lại rất nhanh. Bộ bài bỗng trở nên nhỏ xíu như bộ bài tứ sắc, đến nỗi có thể xếp gọn trong lòng bàn tay. Tôi ngạc nhiên thấy bàn tay hắn có những ngón rất dài, thanh tú và móng tay hình hạnh nhân y như tay đàn bà. Hắn lại xòe ra, lần này bộ bài cứ lớn dần, lớn bằng chiếc quạt giấy mà người ta ưa vẽ tranh thư pháp lên đó để trưng trong phòng khách. Hắn trình diễn đủ trò chỉ với bộ bài, cái miệng dẻo quẹo kết hợp với đôi bàn tay lanh lẹ biến hóa. Nhưng chẳng ai kịp nghe những gì hắn nói vì thần trí đã bị hút hết vào bộ bài. Hắn đi tới đi lui phe phẩy cái quạt. Những luồng gió nhè nhẹ bay ra, lướt qua những mái đầu vừa đen vừa trắng làm cho những sợi tóc đồng loạt cong mình uốn éo, những con mắt lim dim. Hắn cụp cái quạt lại, trịnh trọng xào những lá bài rồi chợt tung lên cao. Những lá bài dính vào nhau thành một sợi dây dài uốn lượn mềm mại. Mềm mại như con rắn. Con rắn bung ra thụt vào rất nham hiểm. Mấy người ngồi gần đấy hoảng hốt nhảy dựng lên, có người còn la hét bỏ chạy. Nhà ảo thuật bật cười trấn an. Không sao, chỉ là những lá bài. Người ngồi cạnh tôi cho một chân lên ghế, tay gác lên đầu gối chống cằm. Bà ta đã ăn xong từ lúc nào. Mùi thức ăn cũng đã nhạt. Bà có vẻ ngao ngán những trò diễn của nhà ảo thuật. Nhìn cái môi bà ta bĩu ra dài thượt, bỗng dưng tôi cũng thấy cái trò xòe ra cụp lại thật là tầm thường nhạt nhẽo, ai làm chẳng được. Thái độ khinh miệt của người ngồi bên cạnh khiến tôi lại nhớ ra những kẻ trình diễn ảo thuật trên tàu xe thường cũng là những tay buôn bán dạo. Sau những màn biểu diễn linh tinh thế nào bọn họ cũng dụ dỗ hành khách mua mấy loại hàng hóa tạp nham. Mà hàng hóa của bọn họ tất nhiên thuộc loại không có nhãn hiệu uy tín, không bảo đảm chất lượng. Tóm lại, thằng cha này chắc hẳn cùng một giuộc với bọn lừa đảo không sai. Trong lúc chờ đợi lộ mặt tên lừa đảo, tôi quay đầu nhìn ra ngoài. Ngoài kia, vẫn mênh mông một màu đục lờ, vẫn đìu hiu vắng lặng. Lặng quá... Tiếng ồn xôn xao khiến tôi tò mò quay vào. Thằng cha ảo thuật gia vẫn còn đang biểu diễn, vẫn chỉ một bộ bài vậy mà người ta vẫn xem say sưa. Hắn ta rút ra một lá chín cơ, xếp thành một đóa hoa, hoa hồng thì phải, rồi dí vào một cô gái bật quẹt lên đốt. Cô gái giật mình. Mọi người ồ lên kinh ngạc. Bông hoa xếp bằng lá chín cơ không cháy thành tro mà hóa thành một bông hoa thật sự màu đỏ thắm. Đến lúc này, những người nãy giờ còn đứng ngoài lan can đã quay vào và cũng bị cuốn theo những trò biểu diễn kỳ diệu. Ảo thuật gia lại rút ra những lá bài, xé nhỏ, bỏ vào một cái mũ màu đen. Thằng cha này thích cái màu u ám ấy ghê gớm. Hắn thò tay vào sâu bên trong cái mũ, ngoáy ngoáy một lúc rồi hất tung lên trời. Những mẩu bài bị xé vụn hóa thành một bầy chim màu trắng, màu xanh, màu vàng giống như chim yến phụng. Đàn chim nhỏ vỗ cánh bay tứ tung. Khoang tàu đầy tiếng ríu rít vui vẻ. Trong đám đông cuồng nhiệt phấn khích, tôi chợt trông thấy mụ đàn bà mặc áo bà ba tím. Sao mụ ta cứ lảng vảng trước mắt tôi hoài vậy? Thằng bé con trong tay mụ không còn vẻ khó chịu bứt rứt. Nó đang nhẩy cẫng lên, mặt mũi tươi tỉnh, hai tay giơ cao như muốn với lấy những con chim nhỏ. Cả thằng lớn cũng buông áo mụ ra, ngơ ngác nhìn những con chim như muốn bay theo chúng. Thằng cha ảo thuật gia vẫn không ngừng xé nhỏ những lá bài. Có vẻ như hắn sẵn lòng xé hết cả bộ bài. Từ bàn tay thon dài như tay đàn bà, từng bầy chim cứ bay ra, bay ra. Những con chim lớn dần. Chim gì thì tôi không biết. Có thể là vành khuyên, kim tước hay chích chòe, sơn ca... Trong số đó có cả những con chim trắng như bồ câu. Những con chim trắng, chẳng biết là bồ câu hay hải âu, bay qua những ô cửa. Vài con bay qua đầu tôi, trông thấy những cái lông vũ và đám lông bụng mềm mại, cái đầu đất sét của tôi bỗng nhiên nhẹ bỗng. Đàn chim bay thẳng ra biển, xa dần. Những đôi cánh dập dờn trên những đợt sóng lăn tăn xanh như ngọc, lẫn vào đám mây đang bềnh bồng trôi nhẹ nhõm trên nền trời xanh trong vắt, để lại đằng sau những ngọn gió man mác hiu hiu. Bất ngờ đất liền hiện ra. Hệt như con tàu đã được đàn chim đan cánh kéo vào. Đất liền thân yêu và vững chãi. Biển cứ thế lùi dần ra sau. Tàu cập bến. Người ta nhốn nháo đứng dậy tìm hành lý, tranh nhau ra cửa, trèo lên bờ. Trời êm mát như một miếng rau câu ướp lâu trong tủ lạnh. Gió lồng lộng trên bến, dịu dàng lùa vào đám đông. Một cú huých thô bạo khiến tôi xiểng niểng chúi về phía trước. Tôi cáu sườn quay lại và bực bội thấy thủ phạm vẫn không hề nhìn nhõi gì đến tôi. Không một lời xin lỗi, hắn ta thản nhiên tếch thẳng. Sao lại có cái lối đi đứng kệ cha thiên hạ như thế chứ, cái tay ảo thuật gia đen như cột nhà cháy kia? Còn con người từng trải biết hết mọi chuyện ngồi bên cạnh tôi biến đi đâu? Tôi rất muốn nghe bà ta nói cho tôi biết rốt cục thằng cha lừa đảo ấy buôn bán thứ hàng gì vậy? Truyện ngắn của Liêm Trinh