Những cơn gió lạnh lẽo đến se lòng ào ạt đổ vào xóm Cái Già Trên, một xóm ven sông với những đám bần bạt ngàn. Bần mọc từ đời nào không biết nhưng khi có cái xóm này thì nó đã xanh um dọc những kênh rạch kéo dài đến sông cái, rồi ra đến tận biển.
Sáng nay, gió càng lạnh hơn, ông Tư Lành đi giăng câu bơi xuồng mà bận mấy cái áo, đầu quấn khăn một lớp dày. Chị Hảo quảy gánh xôi ra chợ mà hai chân như dính vào nhau, hàm răng “đánh bò cạp” nghe lụp cụp.
Tội nghiệp! Ba mươi tuổi rồi mà chẳng chồng con gì, để cái gió độc địa này hành hạ một mình không ai chia sẻ. Mặc dù chị hay cười nhưng trong lòng héo hon tới mức nào chắc chỉ mình chị biết. Những trưa bán xong gánh xôi, chị đi tà tà với hai cái sịa không, vừa đi vừa ca nghêu ngao. Vô duyên vậy mà giọng ca lại có duyên hết biết, xuống cái “xề” nghe nhói tận tâm can.
Chị chỉ ca những bài vọng cổ xa xưa, những bài hát một thời vàng son trên sân khấu cải lương Nam bộ. Thời buổi bây giờ ca gì mà như chửi lộn, ca thì ít mà nói thì nhiều, lời lẽ lại khô khan. Chị không thích. Khi chị cất giọng ca rồi thì y như rằng có vài người đang đi trên đê đứng lại nghe, có người còn đi dài dài theo chị để nghe cho dứt câu sáu rồi mới chịu rút lui.
Bài ruột của chị là bài Võ Đông Sơ. Ca riết rồi chết tên là Bạch Thu Hà, dần dà bà con trong cái xóm nhỏ này dường như quên bẵng cái tên Hảo cúng cơm của chị. Họ gọi chị là cô Bạch Thu Hà bán xôi đang chờ đợi Võ Đông Sơ trở về. Còn chừng nào ổng về thì chắc chỉ có trời mới biết.
Không ai biết Võ Đông Sơ về khi nào mà đùng một cái cả xóm nhỏ như bàn tay này lại nhận được một tin như sét đánh: chị Hảo có bầu. Một bữa, bà Tám nhiều chuyện phát hiện chị Hảo quăng gánh xôi xuống đất, chạy riết vô gốc cây bần cặp mé sông nôn thốc nôn tháo. Kinh nghiệm hơn chục lần đi biển, bà có lạ gì những triệu chứng thai nghén như vậy.
Với cái miệng được mệnh danh là “ống tà la” của bà Tám, chẳng mấy chốc tin giật gân này lan đi khắp xóm, nhanh hơn cả cơn lũ ào ạt kéo về miền Tây những ngày tháng chạp. Xôi chị Hảo bây giờ bán chẳng ai mua, đi làm mướn cũng không ai nhận. Ông Tư ngồi cú rũ tối ngày trong nhà không dám ló mặt ra đường, đánh chị mấy lần rồi cũng thôi.
Có hai cha con đùm bọc lẫn nhau, đánh hoài nó tủi thân tự tử chết thì ông sống với ai. Dần dà ông mặc kệ, ai cười thì cười. Ông cố lo cho chị mẹ tròn con vuông để có cháu ngoại bồng, ông đã bảy mươi hai rồi còn sống bao lâu nữa đâu mà sợ thiên hạ gièm pha, đay nghiến. Hằng ngày ông đi giăng câu, nghe mấy bà trong xóm hát ru con mà xót xa quá mức:
Ầu ơ... ví dầu, chuối khoe rằng chuốilòng trinh
Chuối đứng một mình sao chuối có con
Ví dầu... gió thổi lên non
Lạnh sao cái nỗi ầu...ơ...
Lạnh sao cái nỗi sớm con, muộn chồng...
Đau thì ráng chịu, buồn thì cố nén trong lòng, con ông hư thì ông còn nói gì được với chòm xóm nữa. Mấy đứa nhỏ hay qua nhà nghe ông đọc thơ Vân Tiên bây giờ bị cấm tiệt, đứa nào gan vừa đến ngồi chưa nóng đít là má nó qua tới, cầm cái roi mây quất chát chát vào mông, vừa chạy vừa xoa không kịp.
Ông vẫn đọc Vân Tiên mỗi tối nhưng sao mà nghe buồn đứt ruột, lục bát đã buồn mà thêm giọng đọc buồn nữa thì trời đất nào chịu thấu. Tối nào hễ nghe ông đọc thơ là Hảo nằm trong buồng khóc, cô không biết làm sao cho tía mình bớt buồn. Tía ơi, con làm sao bây giờ! Tía già rồi mà chẳng có được niềm vui. Má mất rồi chỉ còn hai tía con mình, vậy mà... Cô nhủ thầm mình sẽ làm hết sức cho tía cô vui lòng, hi vọng đứa bé ra đời sẽ mang lại cho ông niềm vui mặc dù niềm vui đó hình thành từ nỗi đau không bờ bến.
Bây giờ cả xóm lại trông ngày trông đêm chờ cho thằng cu ra đời coi thử nó giống ai. Thời gian chờ đợi coi bộ hơi lâu nên họ cứ đoán già đoán non coi cha nào là tác giả của đứa nhỏ.
Ông trưởng ấp hay ghé nhà gắn cái bảng gia đình văn hóa, có cái bảng nhỏ xíu mà sửa tới sửa lui hoài. Ông chủ máy chà gạo cứ vài bữa thì ghé đòi tiền, hổng biết nó trả bằng cái gì ta? Kẻ đáng khả nghi nhất theo bà Tám là anh Ba thợ rèn nhà cách nhà Hảo một cái đập. Anh thường hay làm giùm ông Tư cái dao cái mác mà không lấy tiền. Hỏi anh chỉ thấy anh cười buồn buồn rồi nói:
- Phải vậy cũng đỡ! Tui không có may mắn cưới được cổ, chớ bây giờ cổ ưng tui cũng cưới liền!
Hảo đang vo gạo dưới rạch, vô tình nghe anh nói mà xót xa quá chừng. Không phải cô không biết anh thương mình, nhưng ngặt nỗi trong lòng cô lại mang một hình bóng khác. Người đó bây giờ không biết ở phương trời nào. Nhìn xuống cái bụng đã bắt đầu đội áo, nước mắt Hảo lại rớt xuống sông lũm bũm. Tủi thân thì cô khóc, chớ có trách gì anh đâu.
Cô vẫn tin có ngày anh quay về nhận Hảo và con, lúc đó cô không còn tủi nhục nữa, ông Tư cũng đỡ buồn hơn. Nhưng biết bao giờ anh về, còn cô bây giờ phải đối mặt với bao nhiêu là chuyện. Quê anh ở đâu đến bây giờ cô vẫn còn chưa rõ, không biết sao mà mình nhẹ dạ quá, quen mới ba ngày đã cho người ta hết trơn rồi. Đời con gái đã bỏ đi, bây giờ cô chỉ mong một mái ấm gia đình nhưng hình như cái mơ ước nhỏ nhoi đó vẫn còn lâu lắm.

*

Hảo còn nhớ như in ngày hôm đó, tan chợ khi mặt trời lên cao trên những đám bần ngoài sông. Hảo quảy hai cái sịa không từ chợ về nhà, đi ngang cái miễu ông Tà phía sau gốc cây me đầu xóm trồng từ trào Pháp nên gốc to cỡ mấy người ôm. Nghe đồn ông Tà linh lắm, đã vật chết hết mấy tay xỉn rượu quậy phá miễu rồi. Hảo muốn vào đốt nhang cầu mong cho mình có được tấm chồng, ba mươi tuổi coi bộ đã trễ lắm rồi.
Vừa mới bước vào, loay hoay chưa đốt xong cây nhang thì nghe tiếng rên hừ hự dưới bàn thờ. Một người đàn ông đang nằm chèo queo ở dưới, quần áo đầy sình bùn và cái đầu húi cua trọc lóc. Hảo chết đứng. Hông lẽ miễu ông Tà linh dữ vậy sao, chưa kịp đốt nhang đã đem đến cho cô một người đàn ông rồi. Với trình độ lớp ba trường làng và cái đầu đầy dị đoan, cô tin lắm.
Cô nhìn kỹ người đàn ông, râu quai nón lùm xùm, khuôn mặt vuông vắn có cái thẹo dài vắt ngang gò má trái, cái áo hở ngực làm lộ ra hình xăm đầu lâu với hai khúc xương bắt chéo. Bộ dạng này không ăn cướp thì cũng là giang hồ thứ thiệt thôi. Hảo chắc lưỡi, hít hà. Trời ơi là trời, hổng lẽ ông Tà linh thiêng lại tác hợp gì kỳ cục vậy. Người đàn ông nhướng mắt nhìn Hảo rồi thều thào:
- Tui khát, tui đói, cô mần ơn...
Chỉ nói được mấy chữ rồi gã lại nằm bẹp xuống nền đất. Hảo chợt thấy xót xa. Cô đỡ đầu gã dậy, lấy chai nước kê vào miệng. Gã uống khó nhọc từng giọt, rồi ừng ực hết cả chai nước và lại nằm vật ra. Khoảng mười phút sau, gã lại ngồi dậy từ từ, tay run run nhận gói xôi từ tay Hảo, gói xôi cô tính mang về cho ông Tư. Ăn xong gói xôi, sắc mặt gã đã hồng hào hơn, hai con mắt đỏ hoe ngân ngấn nước. Gã chắp tay xá:
- Ơn cô chắc suốt cuộc đời này tui cũng không trả nổi, nếu tui còn sống nhứt định sẽ đền ơn.
Ơn nghĩa gì một chai nước lạnh và một gói xôi. Cô chợt nhớ hôm rồi coi trên vô tuyến ở nhà ông trưởng ấp thấy bộ phim gì mà người ta đổi vàng lấy nước giữa sa mạc mênh mông, bây giờ những thứ đó đối với gã chắc cũng quí hơn vàng. Cô cười cười:
- Ơn nghĩa gì hông biết! Sao ông lại nằm đây? Ở đâu lại mà tui thấy lạ hoắc vậy?
Gã đàn ông nhìn lấm lét về phía con đường cái, rồi lại nhìn Hảo như mong được cứu giúp, cái nhìn sao mà tội nghiệp quá. Bất chợt trong lòng Hảo dâng lên một cảm giác rất khó tả, có cái gì chạy rần rần dọc theo sống lưng, giống y chang hôm đám cưới con Mơ bán cá vì buồn phận mình mà cô nốc vài ly rượu. Mà bữa nay Hảo có uống rượu đâu, sao kỳ quá. Hổng lẽ cái cảm giác này ông Tà cũng mang đến cho cô, biểu cô phải ưng người đó làm chồng. Suy nghĩ đó làm Hảo đỏ phừng phừng hai gò má, con gái gì mà vô duyên quá. Gã đàn ông chắc không biết Hảo nghĩ gì trong bụng nên trả lời:
- Tui tên Lâm, quê ở Cà Mau, mà đây là đâu vậy cô?
Trời đất, gã cũng không biết mình đi đâu nữa. Ngó lại bộ dạng của Lâm, cô lờ mờ đoán ra chắc anh ta là tù vượt ngục hay tệ lắm cũng là dân trộm cướp gì đó phải trốn đi. Tự dưng cô muốn bỏ chạy nhưng nhìn lại đôi mắt biết nói kia cô lại chùng lòng. Ngồi bệt xuống đất, cô nhìn Lâm:
- Đây là xóm Cái Già Trên, nói thiệt tui nghe coi sao mà anh lại ở đây? Tướng tá anh vầy gặp mấy anh công an xã là họ bắt nhốt liền đó nghen!
- Tui trốn trại, định tìm đường về quê nhưng không biết đường đi, cũng không có tiền. Cô làm ơn giúp đỡ, sau này tui đền ơn.
Đúng như dự đoán của Hảo, Lâm bị tù và trốn trại. Nghe nói bên Trà Vinh, cách nhà Hảo khoảng năm mươi cây số có cái trại cải tạo Bến Giá dành cho những phạm nhân sắp mãn hạn tù, những người đến đây thường cố gắng lao động tốt để chờ đến ngày trả tự do. Sao Lâm lại trốn trại? Máu tò mò trong người Hảo lại nổi lên, cô muốn hỏi cho rõ mọi việc nhưng nhìn ra sân thấy mặt trời đã đứng bóng, cô dặn:
- Anh ngồi đây nghen, tui phải dìa nấu cơm cho tía tui, không ổng đập gãy xương sống. Lát nữa tui trở ra.
Hảo vọt lẹ về nhà mà hai chân ríu lại, nghĩ mà mắc cỡ, cột đi tìm trâu rồi. Chiều hôm đó, Lâm kể cho Hảo nghe tất cả những chuyện của cuộc đời mình, không một chút giấu giếm. Anh ở Cà Mau, gia đình chỉ có mình anh và cha mẹ già. Cuộc sống chủ yếu của gia đình dựa vào mười lăm công rừng tràm, không giàu có nhưng cuộc sống luôn ổn định. Anh cũng không ngờ mình lại ra nông nỗi này. Hôm đó, khi anh đang bắt tổ ong mật ngoài rừng tràm thì ba anh chạy hớt ha hớt hải ra kêu:
- Dìa nhà Lâm, cha con thằng Tánh qua kiếm chuyện vụ đất đai kìa.
Tánh là em út ba Lâm, trước khi ông nội mất có nhắn lại là chia cho ba Lâm thêm năm công đất coi như phần để cho Lâm khi cưới vợ làm ăn. Lúc đầu chẳng ai nói gì, bởi năm công đất chẳng đáng là bao. Chỉ đến khi có quyết định thành lập thị trấn và con đường mới chạy ngang năm công đất này thì mới sinh ra chuyện. Giá đất lên vùn vụt, năm công đất bây giờ đã lên đến bạc tỉ.
Lâm chạy về nhà thì thấy cha con chú út mình đang đứng trước hàng ba lớn tiếng đòi lại đất trong khi má anh ngồi khóc thút thít trên võng:
- Lúc đó tía bịnh gần chết rồi, đầu óc còn minh mẫn gì đâu mà cho đất, ổng mê sảng nói vậy thôi. Bây giờ nè, năm công đất đó tía đứng tên mà tui là con út ở chung với tía nên tui phải hưởng, nể tình anh chị lắm tui mới cho nó một công, nếu không thì tui lấy hết rồi.
Lâm nói trong sự uất ức:
- Ông nội nói cho con các cô chú cũng nghe hết, sao bây giờ chú nói kỳ vậy?
Ba Lâm cũng nóng ruột chen vô:
- Chú là người lớn sao lại xử sự như vậy, tía ở dưới không vui đâu, dù sao cũng là ruột thịt với nhau mà.
Cãi nhau một hồi coi bộ không êm, cái xóm nhỏ này thì chuyện gì thiên hạ cũng biết hết kể cả vụ đất đai gia đình Lâm. Ông Tánh muốn kết thúc câu chuyện nên nói:
- Bây giờ tao nói năm công đất đó là của tao, có giỏi mầy đi thưa đi Lâm, bây giờ tao ra đốn tràm đổ đất bán nè, giỏi thì làm gì tao coi thử.
Nói xong, ông cầm cái chét chạy ra đám rừng tràm mới hơn năm tuổi đốn lia lịa, những cây tràm bằng nửa cùm tay ngã rạp xuống. Lâm chạy theo giật cây chét từ tay ông Tánh, giành giựt một hồi với sức trẻ của mình, Lâm giựt được cây chét từ tay ông nhưng vô tình làm ông té xuống bờ bao và đập đầu vào trụ đá chia ranh khiến chấn thương, chảy máu dữ dội. Lâm bị bắt ngay sau đó vì con ông Tánh làm công an ngoài xã. Cuối cùng tòa án huyện kết án Lâm ba năm tù vì tội cố ý đánh người gây thương tích nghiêm trọng. Vô tù, Lâm chán nản và dần dần đã đánh mất bản thân. Lâm cũng xăm mình, cũng đánh nhau và trở thành đại bàng.
Nhờ một người cán bộ tốt hiểu rõ hoàn cảnh và động viên anh rất nhiều anh mới trở thành một trại viên tốt. Ở tù được hai năm anh được chuyển sang Bến Giá, được lao động ở ngoài và chỉ gần năm nữa thôi là anh được trả về với xã hội. Nhưng khi hay tin má mình bệnh nặng ở quê nhà, anh không cam lòng ở lại nên một bữa đi đắp đê ngăn lũ, lợi dụng sự sơ hở của cán bộ quản lý, Lâm bỏ trốn.
Trong túi không có một đồng xu, bộ đồ phạm nhân rất dễ bị người ta phát hiện, Lâm phải lấy sình trét lên bộ đồ cho nó mất đi mấy cái sọc phạm nhân. Ngày thì trốn, đêm thì đi, hai ngày hai đêm thì đến cái xóm này, nằm trốn trong miễu ông Tà từ tờ mờ sáng đến giờ, đói khát sắp chết rồi thì gặp Hảo.
Hảo khóc từ lúc nào không biết, hoàn cảnh anh đáng cho chị khóc lắm chứ. Và chị nhận ra ông Tà hình như không đùa cợt với chị đâu, xe duyên cho chị một người như Lâm cũng được chớ sao. Chị về nhà gom tiền bán xôi và lấy một bộ đồ của ông Tư cho anh. Họ ngồi với nhau đến gần nửa đêm, nói đủ chuyện trên trời dưới đất. Lâm đốt cây nhang, chắp tay xá ông Tà rồi vái:
- Xin ông phù hộ, con dìa lo chuyện má con xong, mãn tù con sẽ trở lại cưới Hảo làm vợ, con thề như vậy, nếu sai lời xin ông vật con chết.
Hảo tin những lời Lâm nói và hứa sẽ chờ anh, bao lâu cũng được nhưng anh phải quay lại trại ở cho tới lúc mãn hạn. Kết quả của đêm chia tay đó là giọt máu trong người Hảo bây giờ.

*

Hảo chờ hoài mà chẳng thấy tăm hơi của Lâm, hết gió bấc rồi tới gió chướng, mấy mùa gió rồi mà chẳng thấy anh đâu. Thằng Ti đã hai tuổi rồi, giống anh lắm, mỗi lần nhìn nó chị lại nhớ anh da diết, không biết bây giờ anh đâu rồi. Ông Tư vui lên rất nhiều từ khi có thằng Ti bên cạnh, lúc nó bập bẹ kêu “goại goại” ông thấy mình như trẻ lại và muốn sống lâu hơn.
Tối nay, một mùa gió mới lại về. Ông Tư thấy khó ngủ. Hồi đầu hôm nghe đài báo lũ sắp về, ông lo quá, trằn trọc gần sáng đêm. Năm giờ, ông lục đục ra võng nằm đưa cót két, vói tay lấy cái đài trên bàn, vặn nghe chương trình nông thôn xem có gì mới. Hảo cũng không ngủ được, cứ bồn chồn trong bụng. Cô ngồi dậy định đi pha trà cho ông uống thì thằng Ti cũng thức giấc, nắm tay chị:
- Má! Con đái!
Chị ẵm nó ra hàng ba, xong rồi vào bếp nhúm lửa nấu ấm nước cho ông Tư. Trời sáng dần, tự dưng ông Tư nghe nhiều tiếng người lào xào ngoài đường trước nhà mình. Ông biểu Hảo:
- Bây coi ai ở đằng trước đó, mới sáng sớm đã um sùm rồi.
Hảo kéo cái cửa lên, ông Tư nhìn ra ngoài và nằm chết trân trên võng, chuyện gì lạ vậy cà. Hảo ôm gốc cột ngoài hàng ba mà hai chân muốn sụm xuống. Mấy bà nhiều chuyện tụ tập ngoài hàng rào thì thầm to nhỏ. Dưới sân, một người đàn ông mặc áo sọc carô quì gối, lạy từ ngoài cổng lạy vào...
TRẦN MINH THUẬN

Xem Tiếp: ----